Đọc báo Pháp – 14/03/2019
Brexit : Thanh thản chia tay với người tình phụ
Boeing trong cơn bão loạn và bầu trời thu hẹp, Brexit trong ngõ cụt, người dân Algeri tiếp tục xuống đường ca múa và tranh đấu đòi dân chủ, địa ngục trần gian tại Venezuela, dân Nga chống dự luật « trại tù mạng » đó là những chủ đề nóng trên báo Pháp ngày 14/03/2019.
Brexit sa lầy, thủ tướng Anh vẫn chưa tìm ra lối thóat sau khi Hạ Viện bác bỏ giải pháp ly thân với Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận. Trong không khí bi quan và tưởng như bất lực này, Le Monde vẫn nhìn ra tia hy vọng. Ở trang quốc tế, nhật báo độc lập nhấn mạnh đến những điều kiện nghiêm ngặt của Bruxelles nếu Luân Đôn muốn xin thêm thời gian chuẩn bị sau hai năm đàm phán khó khăn : cụ thể là phải tham gia bầu cử Nghị Viện Châu Âu.
Trong khi đó, bài xã luận mang nội dung triết lý sống : hãy chấp nhận Brexit như chuyện ly hôn. Như mọi cuộc ly dị, Brexit đã làm cho những đứa con, các thành viên của Liên Âu một thời gian gần ba năm sống trong lo âu và đau khổ, kể từ khi 51,9% cử tri Anh, qua trưng cầu dân ý, quyết định chia tay với lục địa.
Brexit là cơn động đất đến từ Luân Đôn gây chấn động châu Âu khi mới vừa thoát khỏi khủng hoảng tài chính, Brexit đánh vào những giá trị nền tảng của Liên Âu xây dựng từ khát vọng hòa bình, phúc lợi cùng chia sẻ, khó khăn cùng gồng gánh trong bối cảnh toàn cầu hóa và làn sóng di dân đang làm tăng thêm tâm lý dân tộc chủ nghĩa cực đoan.
Liên Âu đứng vững nhờ biết đoàn kết đúng lúc
Tuy nhiên, theo Le Monde, ba năm qua, thời thế đã đổi khác. Liên Hiệp Châu Âu cho dù bị rung chuyển vì phong trào mị dân nhưng vẫn đứng vững. Dưới sự dẫn dắt của nhà đàm phán Michel Barnier, châu Âu đã chứng tỏ sức mạnh của tinh thần đoàn kết, một đức tính hiếm khi được biểu lộ giữa các nước thành viên. Hơn thế nữa, Liên Hiệp Châu Âu còn làm sáng tỏ một số giá trị đạo lý khác của một tập thể : đó là cùng nhau vượt qua những thử thách bằng tinh thần thỏa hiệp, tinh thần tương thân tương ái trong một thị trường chung tự do thương mại và công ăn việc làm.
Tại sao 27 thành viên đoàn kết một lập trường trong vấn đề Ailen ? Bởi vì không một thủ đô nào muốn Bắc Ailen biến thành trạm trung chuyển hàng hóa nhập lậu vào thị trường châu Âu.
Nhưng vì sao Anh Quốc không tiên liệu được « cái gân gà biên giới nam-bắc Ailen ? Bởi vì giới chính trị gia Anh vẫn còn vướng tâm lý hậu thực dân và hiểu lầm bản sắc của Liên Hiệp Châu Âu».
Thái độ phi lý của các dân biểu bác bỏ dự thảo thỏa thuận mà thủ tướng Theresa May đạt được vào giờ chót với Bruxelles thể hiện tâm lý « trẻ con nuông chiều », tức là vẫn chưa trưởng thành về chính trị : nào là không chấp nhận đồng tiền chung Euro, không gia nhập không gian Schengen, đòi hỏi giảm phần đóng góp ngân sách, từ chối định mức đón người tị nạn cho dù Anh Quốc là thành viên của Liên Âu. Giờ đây, họ muốn ra khỏi Liên Hiệp nhưng vẫn đòi được duy trì đặt quyền đặt lợi mà không bị trói buộc gì cả.
Chính vì thế mà thủ tướng Anh kẹt vào ngõ cụt. 27 nước còn lại không phạm lỗi gì về những thương tổn của Anh Quốc. Để tránh làm nhục Anh Quốc, Liên Âu chỉ cần chấp nhận một cách thanh thản những hệ quả của chuyện ly hôn và duy trì quan hệ tốt một cách tối đa với Luân Đôn. Vương vấn làm gì với một người tình cho dù còn yêu nhưng đã quyết chí ra đi, Le Monde kết luận một cách triết lý.
Arkhangelsk, “bãi rác” liên bang Nga
Tại Nga, hai dự án của tổng thống Putin đụng phải hai phong trào phản kháng : biến Arkhangelsk, một địa danh ngoan ngoãn thành bãi rác liên bang và biến liên bang Nga thành một không gian cô lập với internet.
Bài phóng sự của La Croix mượn hình ảnh của hai công dân Nga ở Arkhangelsk, một tỉnh mà dân cư không quan tâm đến chính trị, ở cách Matxcơva 1200 km. Một người luôn bỏ phiếu cho Putin, người kia là đối lập. Nhưng từ khi tổng thống Nga chọn địa phương này làm bãi rác thì Dmitri Sekouchkine và Oleg Madrikine kết đoàn trong một phong trào đối kháng mà họ gọi là « gilet jaune » như ở Pháp : huy động mạng lưới xã hội, biểu lộ lòng phẫn nộ của nhiều tầng lớp xã hội.
Phong trào phản kháng biểu tình từ tháng 12/2018 đến nay không làm Matxcơva chùn bước. Theo kế hoạch, sẽ có bốn nhà máy ép rác chung quanh thủ đô và sẽ đưa tới khu bãi rác Arkhangelsk mỗi năm nửa triệu tấn. Theo La Croix, phong trào chống bãi rác chỉ là phần nổi phản ảnh tâm lý bất mãn chung của người dân Nga. Có lẽ ý thức được nguy hiểm này, chính quyền Nga cam kết sẽ chia sẻ gánh nặng cho toàn quốc : 200 trung tâm tích trữ rác sẽ được thành lập trên khắp nước thay vì chỉ dồn cho địa phương ở miền bắc này.
Lo ngại cho tình trạng sức khỏe, dân chúng khắp nước Nga ùn ùn phản đối. Phong trào chống « cải cách rác » đã lan rộng đến 44 thành phố.
Tổng thống Putin cũng đang đối đầu với một phong trào quần chúng khác từ khi dự luật thành lập mạng internet « bảo vệ chủ quyền » được Quốc Hội Nga chuẩn bị biểu quyết. Dự luật này lấy tiếng là để bảo vệ an ninh không gian mạng chống mưu toan tấn công của Mỹ. Nhưng văn bản do một thượng nghị sĩ và một dân biểu gốc KGB bảo trợ gây lo ngại cho chính người dân Nga : tôi không muốn sống trong một nhà tù mã số, Alexander Savin, đảng Tin tặc tuyên bố với Le Monde.
Các biện pháp cô lập không gian mạng của Nga đã được trắc nghiệm bí mật nhiều lần. Cụ thể là hồi đầu tháng 10/2018 khi xảy ra một cuộc biểu tình ở Ingouchine nơi đa số dân theo đạo Hồi chống kế hoạch phân chia lại biên giới với Tchetchenia.
Tuy theo chân Trung Quốc nhưng kế hoạch của Nga sẽ tốn kém rất nhiều mà dự án không đề cập tới. Bắc Kinh đã lập một hệ thống internet riêng trong khi Nga từ lâu nay đã hoàn toàn nối kết và lệ thuộc vào internet toàn cầu. Những người chống dự án của Matxcơva lo ngại hơn vì trong thời gian qua, chính quyền Nga bổ sung nhiều đạo luật cho phép truy bắt bất kỳ ai bị tố cáo mơ hồ « thiếu tôn trọng xã hội, Hiến Pháp và chính quyền đương nhiệm ». Ngay Hội Đồng Nhân Quyền Nga, một cơ quan trong điện Kremlin cũng phải lên tiếng kêu gọi các đại biểu Quốc Hội bác bỏ dự luật internet chủ quyền.
Dân Algeri tiếp tục biểu tình
Để bảo vệ chế độ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hình sự hóa người biểu tình, tổng thống Venezuela kêu gọi dân quân võ trang « đập tan kẻ thù của cách mạng ». Trong khi đó tại Algeri, dân chúng tiếp tục biểu tình đòi sang trang chế độ.
Gần đến ngày bầu chính quyền thành phố 31/03 tới đây, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng áp lực để bóp nghẹt tiếng nói đối lập cũng như trục xuất nhà báo nước ngoài. Trả lời một câu hỏi của Le Figaro, một nữ dân biểu đối lập ủng hộ sắc dân Kurdistan lý giải : chế độ Erdogan cảm thấy lúng túng vì tình hình khủng hoảng kinh tế cho nên họ cố gắng ngăn chận mọi tiếng nói khác biệt và xem những người xuống đường là kẻ phạm pháp phải trừng phạt. Hàng loạt trí thức, giáo sư đại học sắp bị ra tòa với những cáo buộc tham gia biến cố 2013. Đồng điệu, Libération thẩm định : 5 năm sau cuộc nổi dậy ở Gezi, tự do tiếp tục bị thu hẹp ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Không nước không điện đã làm đời sống người dân Venezuela trở thành một địa ngục. Đó là nhận định của Le Figaro và Le Monde về tình hình Venezuela.Trong bài phóng sự dài, Le Monde đưa độc giả đến khu biên giới nơi người dân mỗi ngày đi bộ qua Colombia mua thức ăn. Một người dân ở Rubio than thở : chúng tôi bị kềm kẹp trong một đất nước không có gì để ăn. Đối với tổng thống tự phong Juan Guaido, kẻ gây trách nhiệm là tổng thống Nicolas Maduro. Còn tổng thống Maduro thì quy trách nhiệm cho những người mà ông gọi là « kẻ thù của cách mạng » và kêu gọi dân quân võ trang « colectivos » ra tay bảo vệ cách mạng. Lời kêu gọi này, theo tổ chức nhân quyền Provea làm tăng thêm nguy cơ nhân quyền bị vùi dập.
Trong khi đó, tại Algeri, chiến thuật « lừa đảo cuối cùng » của tổng thống Bouteflika, dời ngày bầu tổng thống vô hạn định để tiếp tục bám quyền, không đánh lừa được người dân.
Libération đưa hình ảnh sinh viện học sinh và giáo chức biểu tình hôm 13/03/2019 « múa hát tuần hành và phản kháng ». Theo nhật báo cánh tả, những kế hoạch đối phó tình thế của chế độ, kể cả cải tổ nội các và cam kết cải tổ kinh tế xã hội đều không thuyết phục được người dân Algeri. Họ chỉ muốn một chuyện duy nhất : sang trang chế độ thống trị đất nước từ năm 1962 đến nay.
Pháp và môi trường
Về môi trường, trong khi một số tổ chức phi chính phủ kiện Pháp về tội thiếu tích cực trong chính sách chống biến đổi khí hậu thì theo Les Echos, Pháp đi tiên phong tìm kiếm một giải pháp chống hiệu ứng nhà kính tại châu Phi.
Theo nhật báo kinh tế, thật là một bất công cho châu Phi : chỉ thải ra 4% khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính mà châu lục này phải lãnh toàn bộ hệ quả của biến đổi khí hậu.
Giúp châu Phi thoát khỏi vấn nạn này là mục tiêu của đại hội thế giới khí hậu One Planet Summet do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Nairobi được tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đồng chủ tọa. Les Echos dự báo là trong ngày 14/03, hội nghị sẽ thông báo những sáng kiến cụ thể, trong đó có kế hoạch trung tâm nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời « Silicon Savanah » và hàng chục dự án khác với tổng trị giá gần 1 tỷ đôla.
Bầu trời thu hẹp dần đối với Boeing 737 MAX 8. Tựa của La Croix. Hoa Kỳ quyết định cho Boeing 737 MAX nằm im, Les Echos bồi thêm.
Mỹ : bang California ngưng thi hành án tử hình
Cũng La Croix, trong bài « Án tử hình lùi bước », nhật báo Công Giáo hoan nghênh sáng kiến của thống đốc bang California cứu mạng cho hơn 700 tử tù trong bài xã luận cùng tên.
Sắc lệnh của thống đốc California Gavin Newsom, đình hoãn mọi cuộc hành quyết trong tiểu bang là lời hứa lúc tranh cử của chính trị gia đảng Dân Chủ, theo Le Fiagaro.
Trong bài xã luận, La Croix xem đây là một động tác « tỉnh thức » hiếm thấy và sưởi ấm con tim từ lâu nay đến mức nhiều người kinh ngạc vui mừng. Đương nhiên, quyết định này của thống đốc Cali mang dụng ý chính trị, chứng tỏ khác biệt với tổng thống liên bang và không khỏi làm những người đứng về phía nạn nhân bất bình.
Nhật báo Công giáo hài lòng vì thông điệp chống án tử hình đi theo trào lưu hiện tại. Cho dù tại Mỹ, không ít người Công giáo vẫn chủ trương trừng phạt thủ phạm giết người bất chấp quyết định của Đức Giáo Hoàng loại hình thức trừng phạt này ra khỏi giáo lý, phải nhìn nhận rằng số tử tù bị hành quyết ở Mỹ ngày càng giảm đi. Thống đốc bang California giải thích « giết người một cách cố ý là điều sai lầm ».
Trong chiều hướng chuẩn bị bầu cử tổng thống, giới quan sát cho rằng quyết định này giúp cho đảng Dân Chủ khẳng định lập trường khác biệt với tổng thống Donald Trump từ án tử hình cho đến khí hậu.
Thể thao cho phép kéo dài tuổi thọ ?
Tập thể thao để bảo vệ tuổi thọ và sức khỏe sau 40 tuổi có muộn hay không ? Le Figaro công bố kết quả nghiên cứu mới nhất : thể thao là thuốc trị chứ không phải là thuốc ngừa. Nói cách khác có dùng thì có công hiệu.
Trong một chiến dịch nghiên cứu rộng lớn, trên 6 bang tại Hoa Kỳ, 315 ngàn nhân chứng từ 50 đến 71 tuổi từ năm 1995 đến 1996 cho phép các bác sĩ có thời gian theo dõi và kiểm chứng : những người tập thể thao, dù muộn, khoảng 30 phút mỗi ngày và đều đặn sẽ làm giảm bệnh tim mạch đến 50%. Còn nếu tập luyện thể dục từ nhỏ có thể kéo dài tuổi thọ và xuất hiện bệnh hiểm nghèo đến 13 năm.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190314-brexit-thanh-than-chia-tay-voi-nguoi-tinh-phu
Tin đọc nhanh
(AFP) – Venezuela từng bước có điện trở lại.
Caracas thông báo hoạt động, từ lĩnh vực công đến tư nhân, dần trở lại bình thường từ ngày14/03/2019 nhờ mạng lưới điện đã được « khôi phục gần 100% ». Trung Quốc sẵn sàng giúp Venezuela khắc phục tình hình, đồng thời hy vọng Venezuela nhanh chóng tìm ra được nguyên nhân gây mất điện trên diện rộng trong những ngày vừa qua.
(RFI) – Brazil : Xả súng ở trường học gần Sao Paolo.
Vụ xả súng xảy ra ngày 13/03/2019 tại một trường học ở ngoại ô Sao Paolo khiến ít nhất 8 người chết, khoảng 20 người bị thương. Thủ phạm là hai thiếu niên và đã tự sát tại chỗ.
(RFI) – Mỹ : Bang California hoãn các vụ xử tử.
Theo thông báo ngày 13/03/2019 của thống đốc Gavin Newsom, 737 tù nhân bị án tử hình đã được tạm hoãn thi hành án. Lần cuối cùng một tử tù bị thi hành án tại California là vào năm 2006.
(AFP) – Hội chợ Sách Paris mở cửa với châu Âu là khách mời danh dự.
Đích thân thủ tướng Pháp Edouard Philippes khai mạc hội chợ sách Paris lần thứ 39 vào tối 14/03/2019. Số lượng sách bán ra tại Pháp ngày giảm đi do bị các phương tiện khác cạnh tranh. Năm 2017 và 2018 là hai năm có số sách bán ra ít nhất trong vòng 10 năm qua.
(AFP) – Algeri : Làn sóng phản đối không suy giảm.
Ngày 13/03/2019, sinh viên và giáo viên cấp hai Algeri đã xuống đường biểu tình nhằm phản đối mở rộng nhiệm kỳ tổng thống thành 4 nhiệm kỳ. Cuộc biểu tình này diễn ra hai ngày sau thông báo rút lui không tranh cử nhiệm kỳ 5 của tổng thống Abdelaziz Bouteflika. Một thông báo mà những người phản đối cho là chưa đủ.
(AFP) – Pháp : Vùng duyên hải đối mặt với thảm họa môi trường.
Chính quyền vùng Brest ngày 13/03/2019 cho biết đã xác định được vùng vết loang dầu, sau vụ chiếc tầu Grande America của Ý bị đắm ngoài khơi vùng này, chở theo nhiều nguyên nhiên liệu nguy hiểm cùng với 2.200 tấn dầu.
(AFP) – Đức : Hãng xe Volkswagen có kế hoạch giảm 7 000 lao động.
Ngày 13/03/2019, là một ngày khó khăn cho hãng xe Đức. Kèm theo với thông báo giảm lao động, lãnh đạo hãng xe còn phải dời ngày lên sàn chứng khoán rất được trông đợi. Thông báo giảm nhân viên này nằm trong khuôn khổ kế hoạch chuyển sang mô hình sản xuất xe điện.
(AFP) – Ngày 13/03 : « Ngày đen tối » của Facebook.
Tòa án New York thông báo mở điều tra hình sự về cách quản lý dữ liệu cá nhân của người sử dụng. Cùng ngày, mạng xã hội Facebook gặp phải một sự cố kỹ thuật nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều người sử dụng trên toàn thế giới.
(AFP) – Hội chợ Sách Paris mở cửa với châu Âu là khách mời danh dự.
Đích thân thủ tướng Pháp Edouard Philippes khai mạc hội chợ sách Paris lần thứ 39 vào tối 14/03/2019. Số lượng sách bán ra tại Pháp ngày giảm đi do bị các phương tiện khác cạnh tranh. Năm 2017 và 2018 là hai năm có số sách bán ra ít nhất trong vòng 10 năm qua.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190314-tin-doc-nhanh