Đọc báo Pháp – 13/03/2019
Tình hình Algeri thách thức
chính sách “không can thiệp” của Paris
Diễn biễn tình hình tại Algeri, với thái độ hoài nghi của người dân Algeri trước những điều bị cho là « thủ đoạn » bám quyền của chế độ Bouteflika tiếp tục thu hút sự quan tâm của báo giới Pháp ra ngày 13/03/2019, bên cạnh đề tài nóng bỏng là việc Hạ Viện Anh bác bỏ kế hoạch Brexit của thủ tướng Theresa May. Ngoài ra, các báo vẫn theo dõi hệ quả của vụ chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng hàng không Ethiopia bị rơi, đồng thời đặc biệt chú ý đến sự kiện Zinedine Zidane trở về huấn luyện cho câu lạc bộ bóng đá Tây Ban Nha Real Madrid đang trong hồi khó khăn.
Về tình hình Algeri với bước lùi chiến thuật của chính quyền Bouteflika dưới sức ép của đường phố, Les Echos chạy tựa : « Tại Algeri, đường phố chống lại mưu mô của chế độ », còn Libération thì nhìn thấy : « Đường phố Algeri lên tiếng ». Le Figaro nói rõ hơn : « Người Algeri duy trì sức ép để có được một sự thay đổi chế độ ».
Trong hồ sơ ba trang dành cho thời sự Algeri, Le Figaro đã có bài phân tích đặc biệt về « Trò chơi cân bằng nguy hiểm của Paris tại Algeri », nói về chính sách của Pháp đối với thuộc địa cũ của mình.
Nhật báo Pháp trước tiên ghi nhận hai phản ứng khác nhau của chính quyền Pháp trước hai cuộc khủng hoảng về chính quyền đã chiếm lĩnh thời sự từ nhiều tuần qua. Ở Venezuela, Pháp là một trong những nước đầu tiên ủng hộ tổng thống tự phong Juan Guaido, còn tại Algeri, nơi mà tuổi trẻ biểu tình một cách ôn hòa chống lại tổng thống Bouteflika, Paris ngay từ đầu đã tỏ ra rất thận trọng.
Le Figaro công nhận rằng quả đúng là mới đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh quyết định của ông Bouteflika từ bỏ việc ra tranh cử tổng thống lần thứ 5, một dấu hiệu phản ánh « một trang mới trong sự phát triển của nền dân chủ Algeri ». Tổng thống Pháp cũng kêu gọi « một giai đoạn chuyển tiếp chính trị (ở Algeri) với thời gian vừa phải », và không quên nhấn mạnh « ý chí muốn thay đổi của tuổi trẻ Algeri ».
Theo tờ báo Pháp, có vẻ như là ông Macron muốn giữ khoảng cách với nguyên trạng tại Algeri mà chế độ tổng thống Bouteflika là biểu tượng, nhưng trên cơ bản, chính sách của Pháp, ngay từ đầu khủng hoảng vẫn là « không can thiệp, mà cũng không dửng dưng ».
Trước sự bừng tỉnh của Algeri, theo Le Figaro, giới lãnh đạo Pháp đã nhận thấy là các phe cánh chung quanh tổng thống Bouteflika đã bất lực trong việc chuẩn bị người kế nhiệm ông, cho dù từ năm 2013, họ không phải là không có thời gian. Một nhà ngoại giao đã lấy làm tiếc : « Họ cố tình để cho tình hình rệu rã, họ không muốn để cho những lãnh đạo có năng lực vươn lên nhằm đảm bảo sự chuyển tiếp chính trị. Và bây giờ, ngay cả phe đối lập cũng không có những người có thể đảm đương trọng trách. »
Theo Le Figaro, trò đi dây của Pháp đối với Algeri sẽ tiếp tục trong khi chờ đợi tình hình tại chỗ sáng sủa hơn. Nhưng vào lúc này khẩu hiệu « không can thiệp, không dửng dưng » đã bắt đầu cho thấy giới hạn. Bằng chứng là những tuyên bố gần đây của ông Macron hay của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, hoan nghênh « động lực mới » do người biểu tình tạo ra ở Algeri và việc dời lại cuộc bầu cử tổng thống, đã bị một số người Algeri xem là thái độ ủng hộ chế độ.
Le Figaro kết luận : « Giữa Pháp và Algeri, hiểu lầm lúc nào cũng có thể xẩy ra ».
Brexit : Bà May lãnh thêm một cái tát
Trên vấn đề thời sự nóng bỏng là Brexit, Libération và Les Echos đã nhanh chóng đưa chủ đề này lên trang nhất với ảnh của người thất trận trong cuộc đấu là thủ tướng Anh Theresa May.
Trên báo Libération, một chân dung nhìn nghiêng của thủ tướng Anh đã chiếm trọn nửa trang nhất, với hàng tựa lớn : « Brexit : Trở về ô khởi hành ». Ở hai trang báo bên trong, Libération đã nhận định trong hàng tít : « Brexit : Cuộc ra đi không thành công chút nào », và nhấn mạnh trên sự kiện là các dân biểu Anh đã lại bác bỏ kế hoạch đưa nước Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu của bà May, vào lúc chỉ còn chưa đầy ba tuần là đến ngày chia tay.
Theo Libération, sẽ có thể có hai khả năng : Một là Anh Quốc rời bỏ Châu Âu mà không có thỏa thuận, và hai là Luân Đôn xin Bruxelles cho dời ngày chia tay.
Trong trường hợp châu Âu đồng ý cho dời thời điểm Brexit, Libération nhắc lại quan điểm của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker và các nhà lãnh đạo châu Âu : Thời hạn chỉ có thể là rất ngắn, cho đến trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu vào cuối tháng 5 mà thôi, để khỏi phải lâm vào một tình thế vô lý là Anh Quốc chuẩn bị ra khỏi Châu Âu nhưng lại bầu ra đại biểu của mình trong nghị viện của Liên Hiệp Châu Âu.
Bà May thất bại, Anh Quốc khó có được cơ may thứ ba
Les Echos cũng đăng ảnh thủ tướng Anh trên trang nhất, với hàng tựa nhỏ : « Thêm một cái tát tại Nghị Viện cho bà May », tương tự như hàng tít bài báo của Le Figaro theo đó « Các dân biểu Anh đã giáng cho Theresa May thêm một cái tát » trên vấn đề Brexit.
Đối với Les Echos, thực tế hiển nhiên là « Chiến lược của bà May đã thất bại ». Đối với tờ báo, Luân Đôn sẽ không thể có được « một cơ may thứ ba », như chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã xác định.
Theo tờ báo, sau khi thỏa thuận của bà bị bác bỏ, thủ tướng Anh đã gợi lên khả năng đề nghị Bruxelles cho dời ngày Brexit. Trên vấn đề này, Liên Hiệp Châu Âu tối hôm qua cho biết họ sẵn sàng « xem xét » việc hoãn thời hạn Brexit trong trường hợp có yêu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, theo Les Echos, vấn đề đặt ra là đó sẽ là một kế hoạch Brexit như thế nào, liệu thủ tướng Anh còn có thể buộc Bruxelles thay đổi một số điểm khác trong thỏa thuận hay không ?
Đối với tờ báo Pháp, ngay từ tối thứ Hai 11/03, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đã cho biết rõ ràng :« Trong chính trị, đôi khi chúng ta có cơ may thứ hai, nhưng lần này sẽ không có cơ hội thứ ba. »
Về phần mình, chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu Donald Tusk nhận định : « Kết quả bỏ phiếu đã làm tăng đáng kể khả năng Brexit không thỏa thuận », trong lúc nhà đàm phán châu Âu là Michel Barnier cũng như điện Elysée đều cho rằng « Giải pháp cho sự bế tắc chỉ có thể được tìm thấy ở Luân Đôn ».
Gần 80% các chiếc Boeing 737 MAX 8 bị cấm bay
Vụ chiếc Boeing 737 MAX của hãng hàng không Ethiopia bị rơi khiến cả trăm người thiệt mạng tiếp tục được các báo Pháp theo dõi, nhấn mạnh trên các quyết định cấm bay đối với kiểu phi cơ này.
Les Echos chẳng hạn ghi nhận : « Boeing 737 MAX bị cấm bay trên toàn không phận Châu Âu ».
Theo tờ báo, sau quyết định đơn phương của Anh, Đức và Pháp, Cơ Quan An Toàn Hàng Không Châu Âu rốt cuộc vào cuối ngày hôm qua 12/03 đã yêu cầu cấm bay tất cả các chiếc Boeing 737 MAX, sau Trung Quốc và quốc gia Châu Á khác.
Trước đó cơ quan hàng không dân dụng Pháp đã giải thích quyết định của Paris là dựa trên nguyên tắc cẩn trọng, « do bối cảnh tai nạn ở Ethiopia, chính quyền Pháp quyết định cấm những chuyến bay thương mại của Boeing 737 MAX, đến hay đi hoặc bay ngang lãnh thổ Pháp. »
Với quyết định của Châu Âu, và tối qua là Ấn Độ, thì 80% các chiếc Boeing 737 MAX bay trên thế giới phải nằm liệt dưới đất. Đây là điều chưa từng thấy kể từ vụ Boeing 787 bị cấm bay vào năm 2013 sau sự cố bình điện bị bốc cháy.
Zinedine Zidane : Cứu tinh của Real Madrid ?
Trong địa hạt thể thao, có một sự kiện không thoát khỏi sự chú ý của báo giới Pháp : Đó là việc danh thủ bóng đá Pháp Zinedine Zidane đã nhận lời quay trở về huấn luyện trở lại cho đội bóng của câu lạc bộ Tây Ban Nha Real Madrid.
Báo Libération ghi nhận phản ứng vui mừng phấn khởi của các cổ động viên Real Madrid khi tin này được loan báo, khẳng định rằng : « Với Zidane, mọi thứ đều có thể ».
Theo thông tín viên Libération tại Madrid, nỗi vui mừng của người hâm mộ tỉ lệ thuận với cảm giác bị sỉ nhục mà họ đã phải chịu trong thời gian qua, khi câu lạc bộ danh tiếng này hầu như bị loại ra khỏi ba cuộc thi trong vỏn vẹn một tuần : Bị loại ra khỏi giải Cúp Nhà Vua và Cúp C1 Châu Âu Champions League ; bị thua 12 điểm so với đối thủ truyên kiếp là FC Barcelona.
Nhật báo Les Echos cũng ghi nhận : « Zidane trở lại Real và được tung hô như Đấng Cứu Thế».
Trang nhất các báo
Tựa chính trang nhất các báo hôm nay chủ yếu liên quan đến kinh tế. Le Figaro chạy tựa : « Các khó khăn trong việc cải tổ các chế độ hưu bổng đặc biệt » tại Pháp, nêu bật ý muốn của tổng thống Macron là hòa đồng hai chế độ hưu bổng trong khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Đây sẽ là một vấn đề rất khó khăn. .
Les Echos thì chú ý đến việc « Nissan và Renault thiết lập một liên minh mới ». Theo tờ báo, liên minh mới này sẽ hoàn toàn lật qua trang sử Carlos Ghosn.
Riêng Libération đã dành nguyên một hồ sơ để giải thích : « Tại sao nhà nước Pháp vẫn cương quyết tư nhân hóa các sân bay ? ».
http://vi.rfi.fr/phap/20190313-tinh-hinh-algeri-thach-thuc-chinh-sach-khong-can-thiep-cua-paris
Tin đọc nhanh
(AP) – Phi cơ Trung Quốc rơi ở Hải Nam, hai phi công tử nạn.
Vụ tai nạn xảy ra sáng 12/03/2019 khi một máy bay tiêm kích, thuộc đơn vị không quân đóng tại huyện Lạc Đông (Ledong), tỉnh Hải Nam, đang bay tập huấn. Nguyên nhân tai nạn chưa được làm rõ. Không có ai trên mặt đất bị thương sau khi máy bay của hải quân Trung Quốc rơi xuống.
(AFP) – Syria : Cứ địa cuối cùng của Daech bị oanh kích dữ dội.
Đợt tấn công do lực lượng Dân Chủ Syria FDS, được liên quân quốc tế hậu thuẫn, tiến hành từ chiều 12/03/2019. Khoảng 3.000 chiến binh Daech đầu hàng. Trong những tuần qua, do có nhiều thường dân có mặt ở làng Baghouz, ổ thánh chiến cuối cùng của Daech, các đợt tấn công đã bị chững lại.
(AFP) – Mỹ phạt một ngân hàng Israel 195 triệu đô la.
Trong thông báo ngày 12/03/2019, bộ Tư Pháp Mỹ cho biết ngân hàng Mizrahi-Tefahot và nhiều chi nhánh, trong đó có chi nhánh ở Thụy Sĩ, bị phạt vì đã mở tài khoản từ năm 2002 đến 2012 cho nhiều công dân Mỹ muốn trốn thuế.
(The EconomicTimes) – Mỹ tố cáo Trung Quốc chiếm đoạt nhiên liệu của Đông Nam Á.
Trong diễn văn đọc tại hội nghị CERAWEEK, diễn đàn năng lượng thế giới ngày thứ ba tại Houston, ngoại trưởng Mỹ tố cáo Bắc Kinh, chiếm đoạt một khu vực có trữ lượng 2.500 tỷ đôla dầu khí ở biển Đông, lẽ ra là của các nước Đông Nam Á. Theo ngoại trưởng Mike Pompeo : « Các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng ở biển Đông không phải đơn thuần là vì an ninh quốc phòng. Trái với Trung Quốc, chỉ biết thủ lợi riêng, Mỹ chủ trương giúp các nước Đông Nam Á khai thác nhiên liệu và sản xuất một cách có trách nhiệm ». Ngoại trưởng Mỹ đơn cử trường hợp châu Phi nơi Trung Quốc dùng bẩy nợ để khống chế đối tác, chi phối chính sách địa phương, tạo công ăn việc làm cho người Trung Quốc thay vì cho dân châu Phi.
(AFP) -Tổng thống Putin ra luật chống mafia.
Qua thúc giục của tổng thống Putin, hôm thứ ba 12/03/2019, Hạ viện Nga thông qua dự luật bài trừ xã hội đen. Bộ luật hình sự được sửa đổi cho phép tống giam các thủ lĩnh mafia một
cách dễ dàng hơn . Với luật mới, chỉ cần là thủ lĩnh một tổ chức hình sự là có thể bị bắt giam. Từ trước đến nay, tư pháp Nga không thể tống giam một thủ lĩnh mafia nếu không chứng minh được đối tượng có liên can đến một vụ án do đàn em thực hiện.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190313-tin-doc-nhanh