RSF lên án csvn tiếp tục hành hung các nhà báo bị cầm tù
Tổ chức Phóng viên không biên giới (RSF) đả kích csvn là ngày càng gia tăng ngược đãi các nhà báo bị cầm tù ở trong nước, và nêu lên trường hợp blogger Nguyễn Văn Hóa, hiện đang tuyệt thực để phản đối việc anh bị hành hung ở trong tù.
Trong thông cáo ra ngày 7/3/2019, RSF cho biết blogger Hóa đã bắt đầu tuyệt thực từ ngày 22/2 và sẽ tiếp tục hình thức phản kháng này nếu các hành động ngược đãi anh không bị điều tra. RSF, có trụ sở ở Paris, Pháp, kêu gọi Liên Hiệp Quốc xem xét để có hành động nhằm chấm dứt các vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
“Hoàn toàn không thể chấp nhận được khi một nhà báo bị cầm tù, chỉ vì muốn phổ biến thông tin đến cho người dân, phải tự bỏ đói mình để đòi người khác tôn trọng những quyền cơ bản nhất, kể cả quyền được bảo toàn thân thể,” Daniel Bastard, người đứng đầu bộ phận châu Á-Thái Bình Dương của RSF nói trong thông cáo gửi đến Đài VOA-Việt Ngữ.
Đại diện của RSF nói: “Bằng cách coi thường chính luật pháp của mình, Việt Nam một lần nữa đã cho thấy thái độ của họ, coi thường tự do báo chí và luật pháp”.
Ông Bastard kêu gọi “báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về vấn đề tra tấn xem xét một loạt biện pháp và phương cách hành động có thể áp dụng để chấm dứt các hành động vi phạm về nhân quyền ấy.”
RSF đưa ra những ví dụ về những nhà báo đã hoặc đang bị cầm tù và bị ngược đãi ở Việt Nam. Ngoài nhà hoạt động Nguyễn Văn Hóa như vừa kể, tổ chức Phóng viên không biên giới còn nêu các trường hợp của blogger Lê Đình Lượng, người chịu án tù 20 năm, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được thả hồi tháng 10 năm ngoái, phóng viên nhiếp ảnh Nguyễn Đặng Minh Mẫn và blogger/luật sư Nguyễn Văn Đài – những người từng bị ngược đãi trong thời gian bị giam cầm.
Nguyễn Văn Hóa, nhà hoạt động môi trường mới được Freedom Now đề cử giải thưởng Tự do Báo chí của UNESCO, cho tới nay đã tuyệt thực được 2 tuần. RSF cho biết anh đã viết một bức thư gửi tới các giới chức chính quyền quận và tỉnh cũng như tới Viện Kiểm sát Tối cao ở Hà Nội, trong đó liệt kê tất cả những trường hợp ngược đãi đối với anh.
Nhà hoạt động này cho biết sẽ tiếp tục tuyệt thực cho tới khi nào các vụ ngược đãi bị điều tra theo luật pháp và hiến pháp của csvn.
RSF cho biết Hóa, hiện đang thụ án tù 7 năm, bị đánh đập và hành hung từ khi bị bắt vào ngày 11/1/2017 vì ghi lại hình ảnh của các cuộc biểu tình môi trường, phản đối công ty Formosa trong các video. Tù nhân trẻ này đã bị tra tấn tương tự như hình thức mà các lính Mỹ đã sử dụng đối với các tù nhân Việt Cộng trong chiến tranh Việt Nam, theo RSF.
Blogger Lê Đình Lượng, người nhận mức án tù cao nhất trong giới hoạt động ở Việt Nam từ trước đến nay, bị giam trong một phòng biệt lập và bị đánh đập tàn nhẫn sau khi ông từ chối hợp tác với công an.
Như Quỳnh, còn được biết tới với tên Mẹ Nấm, cũng đã từng tuyệt thực trong tù vào tháng 7/2018 để phản đối những điều kiện vô nhân đạo mà cô đã phải trải qua. Blogger Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù nhưng được phóng thích hồi tháng 10 và bị buộc phải rời Việt Nam ngay lập tức để sang Mỹ.
Một phụ nữ khác cũng đã tuyệt thực để phản đối hành động bạo lực của những người cai quản trại giam đối với cô là Nguyễn Đặng Minh Mẫn. Theo RSF, blogger này chỉ nặng 35kg sau một loạt cuộc tuyệt thực vào tháng 11/2014.
Blogger-Luật sư Đài, người bị kết án 15 năm tù và sau đó được thả sang Đức, cho RSF biết rằng ông bị ngược đãi trong thời gian ở tù, trong đó có lúc ông bị cho uống loại nước có mùi hôi thối vào buổi sáng, không được cấp thuốc khi ốm đau, và ăn cơm có gạo sống. Luật sư Đài cho biết có thời gian ông không được gặp gia đình trong suốt 11 tháng.
“Tất cả những điều vô nghĩa này của ban quản trị trại giam chỉ nhằm một mục đích – đó là làm tôi gục ngã về mặt tinh thần,” LS Đài nói với RSF.
Blogger Đài tin rằng sức ép từ cộng đồng quốc tế đối với Hà Nội có thể giúp cải thiện tình trạng của các nhà báo công dân ở Việt Nam. “Không có sự vận động của quốc tế thì tôi vẫn đang phải thụ án tù 15 năm,” ông Đài nói.
CSVN luôn đứng trong nhóm gần cuối bảng về Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới của RSF và xếp hạng 175 trên 180 nước trên danh sách năm 2018 của tổ chức này.