“Nhờn chó, chó liếm mặt”
Trong quan hệ xã hội, bè bạn chơi với nhau chân thực thường dựa trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng nhau, không phân biệt giàu nghèo, hết lòng giúp đỡ nhau khi gặp khó khăn. Nếu có bất kỳ sự lấn lướt hoặc cao ngạo, trịch thượng với nhau thì đấy không còn là tình bạn nữa mà chỉ là mối quan hệ vụ lợi, cơ hội.
Theo RFA Blog – 06/11/2014 – 18:54 — Lê Diễn Đức
Trong cộng đồng các quốc gia dân chủ, các nước, dù nằm trong cùng một liên minh (ví dụ như Liên minh châu Âu hay Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO)…) hay không, thì quyền dân tộc tự quyết và toàn vẹn lãnh thổ đều được tôn trọng triệt để, bởi vì đây là cộng đồng các giá trị dân chủ và nhân quyền. Các quốc gia dân chủ giữ sự độc lập của mình, chính quyền do dân chọn bằng bầu cử tự do, có sự chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau nhưng không lệ thuộc. Ví dụ, từ cuộc khủng hoảng Ukraina, quân đội của NATO tăng cường sự hiện diện trên biên giới phiá Đông, Mỹ đóng quân tại Ba Lan, nhưng CH Czech và Slovakia thì không muốn sự có mặt của quân đội NATO trên lãnh thổ của mình, dù cả hai đều là thành viên. Tương tự như vậy, gia nhập NATO nhưng Ba Lan vẫn sử dụng đồng tiền zloty của mình, không bắt buộc phải sử dụng đồng euro, hay Anh quốc vẫn sử dụng đồng Bảng.
“Nhờn chó, chó liếm mặt” là thành ngữ trong tiếng Việt chỉ cả hai nghĩa đen và nghĩa bóng. Về nghĩa đen, có nghĩa là nuôi chó, chơi với chó, nhờn với nó quá, sẽ bị nó liếm mặt, trong một số trường hợp gặp chó dữ sẽ bị nó cắn, gây tai hoạ bi thảm. Tuy nhiên, ở nghĩa bóng nó còn chỉ ra mối quan hệ giữa các đối tượng, đãi ngộ nhau, tin nhau quá đáng sẽ bị lợi dụng, thậm chí phản thùng.
Hội nghị Thành Đô năm 1990 và hơn 20 năm chính sách phò Trung Quốc đã tạo ra tình cảnh còn tệ hại hơn nhiều mối quan hệ “nhờn chó,chó liếm mặt” giữa tập đoàn cộng sản Hà Nội và Trung Nam Hải.
Trước hết về chính trị, tập đoàn Hà Nội copy nguyên mô hình của hệ thống chính trị độc đảng cầm quyền, độc tài toàn trị. Về kinh tế, “mở cửa” theo theo thị trường tự do nhưng “định hướng xã hội chủ nghĩa”, tức là nhà nước vẫn kiểm soát những lĩnh vực quan trọng nhất của thị trường và kinh tế quốc doanh nắm vai trò chỉ đạo. Trên cơ sở này, nhà cầm quyền Hà Nội đã mở rộng vòng tay cho Trung Quốc xâm thực, khống chế lãnh thổ Việt Nam bằng các thủ đoạn kinh tế như thuê gần 300 ngàn héc ta rừng đầu nguồn, kiểm soát hơn 90% tổng thầu các dự án quốc gia quan trọng, đưa hàng chục ngàn lao động qua Việt Nam, đưa hàng hoá rẻ tiền và độc hại tràn lan.
Sự dễ dãi và an toàn trong việc chi dưới gầm bàn để trúng thầu của các ông chủ Trung Quốc là liều thuốc kích hoạt guồng máy tham nhũng vô độ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Toàn bộ nền kinh tế Việt Nam bị đưa vào sự phụ thuộc Trung Quốc nghiêm trọng. Đã lỡ chén tạc chén thù nên há miệng mắc quai, giờ đây bị hiếp đáp, bị “chó liếm mặt”, muốn dứt ra cũng không dễ.
Không những “chó liếm mặt” mà nó còn cắn luôn cả chủ nhà. Những lúc uống rượu Mao đài, tung hô “tình hữu nghị Việt-Trung là tài sản quý báu”, trân trọng “16 chữ vàng, 4 tốt”, Đảng Cộng sản Việt Nam đã “trái tim nhầm chỗ để lên đầu”, trao tặng cho Trung Quốc những món quá vô giá, mà giờ đây họ sử dụng tung ra phản công.
Trong ngày 9/6, Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Vương Minh đã gửi “thư bày tỏ lập trường” của họ về hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông đến Tổng thư ký Ban Ki-moon và yêu cầu ông cho lưu hành đến tất cả 193 quốc gia thành viên của Đại hội đồng.
Trung Quốc đã đưa ra các “tài liệu liên quan mà Việt Nam lâu nay công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Tây Sa”, trong đó có Công hàm Phạm Văn Đồng năm 1958 đã “ghi nhận và tán thành” bản tuyên bố của Trung Quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958, trong đó bao hàm cả chủ quyền của Tam Sa (Hoàng Sa) và Tây Sa (Trường Sa). Họ cũng dẫn sách Địa Lý lớp 9 do Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam phát hành năm 1974 nói Tây Sa và Nam Sa, tức là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, là một phần của Trung Quốc.
Họ còn tố cáo tàu của Việt Nam đã “xâm phạm chủ quyền” của Trung Quốc, đâm tàu Trung Quốc hơn 1.400 lần, “cản trở một cách phi pháp” các hoạt động thăm dò của công ty dầu khí Trung Quốc.
Đúng là vừa ăn cướp vừa la làng. Hoàng Sa, Trường Sa thuộc Việt Nam là một sự thật không thể chối cãi. Bản đồ Trung Quốc cổ, in từ đời nhà Thanh, cho thấy lãnh thổ Trung Quốc ở cực Nam là đảo Hải Nam, hoàn toàn không có địa danh Hoàng Sa, Trường sa. Thư viện lịch sử Việt Nam cũng đang lưu giữ tập bản đồ cổ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do nhà Thanh xuất bản năm 1904, không hề có Hoàng Sa, Trường Sa. Cho đến năm 1974, Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quản lý của Việt Nam Cộng hoà theo tinh thần của Hiệp định Geneve năm 1954 mà Trung Quốc là một bên thừa nhận và ký kết.
Sự im lặng của Hà Nội vào năm 1974 khi Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa chính là sự đồng loã. Gần 40 năm nay Trung Quốc cai quản nó và xây dựng thành một cơ sở quân sự. Công hàm của Phạm Văn Đồng mặc nhiên là chiếc “nỏ thần vô ý trao tay giặc”! Chính thể hiện nay không thể nói ngược lại những gì đã “thừa nhận và tôn trọng”. Muốn phủ quyết nói chỉ có thể là một chính thể khác, dân chủ, do dân bầu ra.
Chó liếm mặt, cắn luôn chủ nhà và đang điên rồ gây hoảng loạn tâm lý về một cuộc chiến tranh Việt-Trung trong xã hội Việt Nam là hình ảnh của nước Trung Hoa đang dồn tập đoàn Hà Nội vào thế bí và quẫn. Bức bí về pháp lý. Bức bí từ vong kim cô của lợi ích kinh tế.
Trong cấu trúc chính trị hiện nay, khó có nhân vật nào có thể tạo ra thế cờ lật ngược vì mọi thứ đã dính chùm. Quyền lực trong Bộ Chính Trị cũng bị phân hoá và nhóm lợi ích chủ trương phò Trung Quốc còn rất mạnh, nếu không nói là bao trùm. Sự giằng co bất phân thắng bại giữa một bên là chủ quyền và an ninh của đất nước, một bên khác là hệ thống chinh trị độc quyền cai trị cùng với lợi ích kinh tế kèm theo.
Tóm lại một tương lai ảm đạm với phận nô lệ dường như là sự thật khó tránh! “Nếu không muốn bị đánh thì ngoan ngoãn nằm im” như lời Ngưu Bạch Vũ trên tờ Đông Phương Nhật báo xuất bản tại Hồng Kông ngày 9/6.
© Lê Diễn Đức