Tin Việt Nam – 02/03/2019
Một Facebooker bị bắt với cáo buộc
xuyên tạc Thượng đỉnh Trump-Kim
Ông Nguyễn Văn Công Em, một người sử dụng mạng xã hội Facebook, bị bắt khẩn cấp và nơi ở bị khám xét với cáo buộc sử dụng các tài khoản Facebook xuyên tạc những nội dung Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim diễn ra ở Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng 2.
Truyền thông trong nước loan tin vào ngày 2 tháng 3 dẫn phát biểu của Trung Tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Phòng Tham Mưu Công an Bến Tre rằng Cơ quan An Ninh Điều Tra của tỉnh này thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Ông Nguyễn Văn Công Em hôm 28 tháng 2.
Cơ quan chức năng nói rằng sau khi khám xét nơi ở của Ông Nguyễn Văn Công Em đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu, dữ liệu bị cho liên quan đến hành vi ‘tàng trữ, phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống phá Nhà nước.’
Cụ thể theo thông tin từ Cơ quan An Ninh Điều Tra, Công an Tỉnh Bến Tre thì Ông Nguyễn Văn Công Em sử dụng 4 tài khoản Facebook khác nhau để đăng, chia sẻ bài viết và phát trực tiếp một số video bị cho có nội dung xuyên tạc Thượng đỉnh Mỹ- Trung, đồng thời có kêu gọi biểu tình trong thời điểm sự kiện này diễn ra ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Công Em sinh năm 1971 và cư trú tại ấp Chợ, xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, Tỉnh Bến Tre.
Một số người sử dụng Facebook trong thời gian qua cũng bị cơ quan chức năng làm việc hay phạt tiền với cáo buộc sử dụng tài khoản cá nhân trên mạng xã hội này để tuyên truyền chống đảng cộng sản Việt Nam, chỉ trích chính phủ Hà Nội, kêu gọi biểu tình.
Đó là trường hợp các Facebooker Đặng Trí Thức, 54 tuổi, và Ông Phan Chí Toàn 35 tuổi cũng ở Bến Tre; Facebooker Trần Ngọc Phúc, sinh năm 1988, có hộ khẩu thường trú tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/Fa-ar-anti-Sta-ac-03022019100412.html
Địa phương thứ 7 có dịch tả lợn Châu Phi
Hải Dương là địa phương thứ 7 tại Việt Nam xuất hiện dịch tả lợn Châu Phi tính đến thời điểm này.
Tin tức từ Việt Nam vào ngày 2 tháng 3 dẫn nguồn từ Cục Thú Y, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn (NN-PTNT) Việt Nam rằng tại Hải Dương đã xuất hiện ổ dịch tả lợn Châu Phi đầu tiên vào ngày 1 tháng 3.
Cụ thể ổ dịch được phát hiện tại một hộ chăn nuôi gia đình ở xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn.
Sau khi xác định mẫu bệnh phẩm dương tính với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, lực lượng thú y và cơ quan chức năng địa phương tiến hành chôn tiêu hủy hơn 90 con lợn của hộ chăn nuôi vừa nêu.
Vào chiều ngày 2 tháng 3, Ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN-PTNN Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác đến Hải Phòng kiểm tra công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi ở đó.
Tính đến nay trên cả nước Việt Nam có 7 tỉnh, thành chính thức xác nhận xuất hiện bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đó là các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương và hai thành phố Hải Phòng, Hà Nội.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/7-asf-vn-03022019101012.html
Súc Thùng Phuy: Cá Ào Ạt Chết
HANOI — Cá chết hàng loạt ở Quảng Nam, chỉ vì đổ thùng hóa chất ra kênh.
Báo Lao Động và báo Kinh Tế Đô Thị ghi nhận về tình hình cá chết ở huey65n Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Báo Lao Động kể rằng về tình hình nơi đoạn kênh N10A thuộc hệ thống kênh mương nội đồng hồ thủy lợi Phú Ninh có hiện tượng lạ khiến cá chết bất thường, công an huyện Phú Ninh (tỉnh Quảng Nam) bước đầu đã xác định nguyên nhân vụ việc.
Sáng 1.3, Thượng tá Nguyễn Văn Phong – Phó Trưởng Công an huyện Phú Ninh – thông tin, cơ quan vừa nhận được trình báo của ông Đoàn Ngọc Mai (SN 1974; trú thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước) về việc xả bình chứa dung dịch không rõ nguồn gốc xuống kênh N10A (kênh cấp 2) vào ngày 25.2.
Theo đó, sáng hôm 28.2.2019, tại cơ quan Công an huyện Phú Ninh, ông Mai khai báo, vào tháng 8.2018, ông phát hiện gần nhà có một thùng phuy do công nhân để lại trong quá trình sửa chữa đường ĐT 615. Thấy vậy, ông Mai đem ra đoạn kênh N10A để súc rửa nhằm đem về làm dụng cụ sinh hoạt.
Khi đem ra rửa, thấy số dung dịch còn lại trong thùng hơn ½ trên tổng số 400 lít. Đổ dung dịch ra bên ngoài thì thấy có màu vàng, mùi khét, gặp nước thì sủi bọt trắng và làm đục nước. Tuy vậy, ông Mai không biết là loại dung dịch gì vì nhãn mác trên thùng đã bong tróc.
Cọ rửa xong, ông Đoàn Ngọc Mai đem về nhà thì hôm sau nghe thông tin, trên kênh N10A có hiện tượng sủi bọt trắng và cá chết hàng loạt. Nhận thấy có liên quan đến mình, ông Mai đã đến công an huyện trình báo.
Hiện công an huyện Phú Ninh đã thu giữ thùng phuy chứa dung dịch mà ông Mai đã vô tình đổ xuống kênh N10A. Đồng thời, tiếp tục lấy mẫu dung dịch để xác minh đó là loại hóa chất gì.
“Dù là vô tình hay cố ý, hành động đổ dung dịch không rõ nguồn gốc xuống kênh thủy lợi phục vụ nước tưới tiêu là không đúng. Hiện vụ việc còn phải điều tra thêm để thông tin tới người dân để yên tâm vì
trước đó, có thông tin kẻ xấu cố tình đầu độc nguồn nước bằng hóa chất là không có cơ sở”-Thượng tá Phong nói.
Báo Lao Động cũng ghi lời bà Nguyễn Thị Tịnh (63 tuổi, ở thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước) cho biết, vào lúc 17h, ngày 25.2, phía trên đoạn kênh, nước bắt đầu chảy xuống cho màu xanh lam, nước sủi bọt trắng xóa kèm theo đó là mùi tanh hôi nồng nặc. Thời gian chảy ước chừng khoảng 15 phút và có lớp bọt dày xuất hiện.
“Ngay khi xuất hiện tình trạng trên, cá bắt đầu trồi lên. Từ hôm qua đến giờ, tôi không dám rửa tay chân và múc lên để tưới vào mấy luống đậu phộng. Chúng tôi cũng có đi dọc tuyến kênh để kiểm tra nhưng khi đến gần thì buồn nôn, chóng mặt nên không đi được nữa…”-bà Tịnh lo lắng.
Báo Kinh Tế Đô Thị nhắc rằng trước đó, vào chiều tối 25/2, người dân 2 xã Tam Phước, Tam An phát hiện đoạn kênh thủy lợi kéo dài 500m chảy qua địa bàn xuất hiện bọt trắng xóa. Theo người dân địa phương, hiện tượng lạ này xuất hiện và kéo dài khoảng 15 phút thì biến mất. Bọt nước màu trắng này trông giống với bọt xà phòng, dày khoảng 10cm và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Từ sau khi xuất hiện hiện tượng bọt trắng phủ kín mặt nước, cũng là lúc cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh, dày đặc trên tuyến kênh. Đến chiều 26/2, mặc dù bọt trắng đã không còn nhưng hiện tượng cá chết vẫn tiếp diễn.
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Phong xác nhận, trong ngày hôm qua (28/2), ông Đoàn Ngọc Mai (75 tuổi, trú xã Tam Phước) đã đến Công an xã Tam Phước (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) trình diện và tường thuật lại sự việc. Ông Đoàn Ngọc Mai cho biết, chiều 25/2 – thời điểm tuyến kênh kéo dài 500m chảy qua địa phận 2 xã Tam Phước – Tam An nổi bọt trắng xóa. Ông Mai đã lăn một thùng phuy có chứa dung dịch ra kênh thủy lợi N10A để chùi rửa. Lúc này, toàn bộ “dung dịch lạ” có màu vàng, bốc mùi khét tràn ra ngoài khiến dòng nước trên tuyến kênh sủi bọt trắng. Sau khi nghe thông tin trên loa truyền thanh xã thông báo về hiện tượng kênh thủy lợi sủi bọt trắng, kéo theo cá chết xuất hiện dày đặc, ông Mai đã thừa nhận nguyên nhân xuất phát từ hành động vô ý của mình.
https://vietbao.com/p124a291359/suc-thung-phuy-ca-ao-at-chet
Một người Canada bị tấn công ở Việt Nam:
Họ tưởng tôi là người Mỹ!
Diễm Thi, RFA
Ngày 28/2/2019, trang tin Global News của Canada đưa hình ảnh, tin tức về vụ cô Heather Middleton, một phụ nữ Canada, bị tấn công ở Việt Nam hôm Chủ Nhật ngày 24 tháng 2 khi cô dừng xe máy để hỏi đường.
Nạn nhân cũng kể trên facebook của mình câu chuyện hãi hùng cô gặp và yêu cầu mọi người chia sẻ để cảnh báo nguy hiểm.
Theo Global News tường thuật thì cô Heather Middleton có chuyến du lịch sáu tuần đến các nước Châu Á, và cô bị tấn công vào ngày thứ ba của cuộc hành trình, khi cô đang ở Việt Nam.
Đó là ngày Chủ Nhật, 24/2/2019, cô chạy xe gắn máy từ Hà Nội đến Ninh Bình, khi đến một khu dân cư, cô tấp vào lề, xuống xe tìm người hỏi đường. Khi cô đang hỏi một người đi đường thì một nhóm bốn người đàn ông, mà theo giả định của cô thì họ nghĩ cô là người Mỹ, lập tức ném đá cô, tiến về phía cô và nói ‘dirty American, dirty Trump’.
Cô sợ hãi lên xe chạy thật nhanh nhưng họ rượt theo cô trên hai xe gắn máy, một người chặn đầu xe cô và người kia đạp vào bánh xe, cô té xuống đường. May có một phụ nữ đến đưa cô vào một bệnh viện ở tỉnh. Cô được khâu gần 10 mũi với vết rách vùng đầu gối. Sau 8 tiếng đồng hồ, cô được người bạn đưa lên bệnh viện quốc tế ở Hà Nội.
Khi tôi đọc tin này trên tờ tin tức của Canada, Global News, thì tôi rất là buồn và như bị một cú sốc rất nặng, vì mới hôm Tết nghe vụ một cặp người Canada gốc Việt ở thành phố Vancouver về Việt Nam bị tạt a xít. Tôi không hiểu tình hình Việt Nam trong giai đoạn này như thế nào. – LS Vũ Đức Khanh
Một hướng dẫn viên công ty du lịch Fiditour ở Việt Nam cho rằng chuyện du khách nước ngoài bị tấn công có xảy ra nhưng không nhiều, nếu so với lượng khách nước ngoài đến Việt Nam hàng năm thì con số đó chỉ là một phần rất nhỏ, tuy nhiên cũng ảnh hưởng đến uy tín du lịch Việt Nam. Anh khuyên rằng khi du khách đến Việt Nam thì không nên đi riêng lẻ.
“Trường hợp khách bị tấn công ở Việt Nam thì ít chứ không nhiều, nhưng nếu đi theo tour thì sẽ an toàn hơn đi lẻ.”
Ông Robert Celeste, một người Mỹ dự định du lịch Việt Nam cho biết khi nghe tin những người nước ngoài bị tấn công như vậy thì ông cũng thấy lo ngại, nhưng có lẽ ông sẽ không thay đổi ý định vì theo những gì ông biết thì Việt Nam là một đất nước an toàn, người dân Việt Nam dễ mến và hiếu khách, hơn nữa họ luôn muốn vươn ra và hòa nhập với thế giới.
“Tôi sẽ kiểm tra với bên Bộ Ngoại giao, tôi sẽ hỏi họ xem có cảnh báo gì không. Có thể đây chỉ là một sự việc cá biệt xảy ra trong trường hợp đặc biệt nào đó. Tôi sẽ xem coi sự việc xảy ra trong hoàn cảnh nào, có lan rộng không cũng như xảy ra ở vùng nào, nhưng chắc chắn tôi sẽ để tâm và tìm hiểu thêm thông tin cũng như cân nhắc nhiều hơn.”
Từ Canada, luật sư Vũ Đức Khanh cho biết cảm xúc của mình khi liên tiếp đọc những tin tức về người dân Canada bị tấn công trên đất Việt. Ông nói:
“Khi tôi đọc tin này trên tờ tin tức của Canada, Global News, thì tôi rất là buồn và như bị một cú sốc rất nặng, vì mới hôm Tết nghe vụ một cặp người Canada gốc Việt ở thành phố Vancouver về Việt Nam bị tạt a xít. Tôi không hiểu tình hình Việt Nam trong giai đoạn này như thế nào.”
Khi đưa tin về chuyện cô Heather Middleton bị tấn công, tờ Global News nhấn mạnh ngay đoạn đầu rằng cô bị một nhóm đàn ông ở Việt Nam tấn công khi họ nhầm cô là người Mỹ. Chuyện này xảy ra khi một sự kiện nổi bật mang tính quốc tế sắp diễn ra, đó là Thượng Đỉnh Trump – Kim.
Theo một cuộc điều tra của Pew Research được công bố hôm 26/6/2017 thì có đến 84% người Việt được hỏi cho biết họ thích nước Mỹ, cao hơn 6% so năm 2014.
Báo cáo của Pew cho thấy người dân ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương nói chung có cái nhìn tích cực hơn với nước Mỹ. Cụ thể cứ 10 người Việt Nam thì có 7 người nói ảnh hưởng của người Mỹ là tốt. Có đến 63% người Nhật và người Philippines cũng cho rằng như vậy. Nghiên cứu của Pew được thực hiện ở 37 nước trên khắp các châu lục từ ngày 16/2/2018 đến 8/5/2018. Số người được hỏi là 40,447 người.
Theo nhận định chung thì rõ ràng người Việt không ghét Mỹ. Trong bức thư gửi Tổng thống Mỹ do 100 nhân sĩ, trí thức và các tổ chức xã hội dân sự trong và ngoài nước cùng ký tên, trước khi ông Donald Trump đến Việt Nam, cho thấy lời kêu gọi thoát Trung và tìm sự đồng minh từ Mỹ. Khi nghe cô Middleton bị một nhóm người Việt tấn công do bị hiểu nhầm là người Mỹ, diễn ra ngay trước Thượng đỉnh Mỹ – Trump, ông Robert nhận định:
“Đó chỉ là những người cực đoan mà ở nơi nào cũng có, ở bất cứ nước nào. Họ làm những điều lạ lùng, nhưng nó chỉ là số ít. Tôi không nghĩ sự việc vừa rồi đại diện cho việc người Việt Nam muốn tấn công người Mỹ.”
Nhưng trong khuôn khổ này, mà lại có câu “Dirty America, dirty Trump” thì tôi nghĩ có một động cơ chính trị nào đó. Có thể có thế lực nào đó làm điều này để muốn phá thượng đỉnh cũng như phá hình ảnh Việt Nam là nước chủ nhà. – LS. Vũ Đức Khanh
Global News dẫn lời cô Middleton rằng ‘Tôi đã gặp rất nhiều người ở Việt Nam và 99,9 % là họ rất tốt.’ ‘Có lẽ tôi đến không đúng nơi, không đúng lúc, hoặc nơi đó không an toàn. Cũng có thể mọi người đang giận dữ vì Kim Jong Un và Trump sẽ gặp nhau tại Hà Nội trong tuần này.’
Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng chuyện này có vẻ gì đó không bình thường. Ông nhận định:
“Khi tôi đọc tin này thật sự tôi rất sửng sốt, vì câu chuyện của cô Middleton xảy ra vào ngày Chủ Nhật, tức ba ngày trước Thượng đỉnh. Người Việt mến khách, nói chung là khách phương Tây hay những người đến từ Mỹ, từ Canada…
Nhưng trong khuôn khổ này, mà lại có câu “dirty America, dirty Trump” thì tôi nghĩ có một động cơ chính trị nào đó. Có thể có thế lực nào đó làm điều này để muốn phá thượng đỉnh cũng như phá hình ảnh Việt Nam là nước chủ nhà.
Là nước hợp tác trong hội nghị thượng đỉnh, chính phủ Việt Nam đâu muốn sự việc như vậy xảy ra. Tôi nghĩ rằng có bàn tay nào đó, có thể gọi là bàn tay “lạ” thọc vào để phá.”
Sự việc của cô Middleton xảy ra từ hôm Chủ Nhật, 24/2/2019, nhưng đến hôm nay vẫn không có một tờ báo trong nước nào đăng. Còn theo Global News thì một phát ngôn nhân của Chính phủ Canada cho biết phía tòa đại sứ Canada đã biết sự việc và hỗ trợ cô Middleton.
Cảnh sát Thái Lan bắt giữ công dân Việt
vì nghi ngờ liên quan đến vụ Trương Duy Nhất mất tích
Tin từ Bangkok -Ngày 02/3/2019, cảnh sát Hoàng gia Thái Lan đã bắt giữ công dân Việt Nam tên Cao Lâm vì nghi ngờ ông này có liên quan đến việc mất tích của cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất ở Bangkok tháng trước.
Ông Lâm và vợ bị bắt ngày 01/3, nhưng vợ ông đã được trả tự do, còn ông hiện vẫn bị giam giữ bởi cảnh sát Thái Lan.
Theo một nguồn tin chưa được kiểm chứng thì một số người Việt đang sống ở Thái Lan cũng bị nằm trong tầm ngắm của cảnh sát Thái trong cùng một vụ việc.
Cựu tù nhân lương tâm Trương Duy Nhất đã đến Thái Lan ngày 19/01/2019 và ông đến Văn phòng Cao uỷ Liên Hợp quốc về Người tỵ nạn (UNHCR) ở Bangkok ngày 25/01 để ghi danh xin quy chế tỵ nạn. Một ngày sau đó, ông bị cho là mất tích khi người nhà và nhiều người khác không liên lạc được với ông.
Cảnh sát Thái Lan nói họ không có dữ liệu ông Nhất nhập cảnh vào Thái Lan và họ cũng không giam giữ một ai có tên như thế.
Một số nguồn tin, như từ Người Buôn gió (Bùi Thanh Hiếu- người đang cư trú ở Đức) thì ông Nhất đã bị mật vụ của Tổng cục Tình báo quân đội (Tổng cục 2) bắt cóc ở một trung tâm thương mại ở ngoại ô Bangkok. Theo Người Buôn gió thì một số người Việt ở Thái Lan như Cao Lâm và Kami trợ giúp nhóm mật vụ trong vụ bắt cóc. Cũng theo những nguồn tin này thì ông Nhất đã bị đưa về Việt Nam và hiện đang bị giam ở Trại tạm giam B14 của Bộ Công an ở Hà Nội.
Sau khi tin tức về sự mất tích của ông Nhất được phổ biến rộng rãi, nhiều tổ chức nhân quyền như Quan sát Nhân quyền (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF) và Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) kêu gọi chính phủ Thái Lan điều tra.
Quốc Tuấn
Người Cộng Hoà Czech gốc Việt ra toà Đức
vì sở hữu hơn 5kg ma tuý đá
Tin Lichtenberg-Hohenschönhausen, Đức – Báo mạng thoibao.de hôm 1 tháng 3 cho biết, cảnh sát Đức đã bắt một công dân Cộng Hoà Czech gốc Việt tội sở hữu ma tuý đá, nghi buôn lậu và phân phối ma tuý cho người nghiện.
Theo thoibao.de, người đàn ông này tên Mạnh P, công dân Cộng Hoà Czech nhưng sinh sống tại Ahrenshooper Straße, thuộc quận Lichtenberg-Hohenschönhausen của nước Đức.
Cuộc điều tra của cảnh sát Đức cho biết ngày 15 tháng 5, năm 2018, cảnh sát đột kích một căn nhà bị tình nghi đưa di dân nhập cảnh Đức bất hợp pháp, vô tình tìm thấy cần sa, và 5.319 kí lô gram loại ma túy tổng hợp Crystal Meth, còn được gọi là ma tuý đá. Số ma tuý này bị tịch thu với trị giá thị trường lên tới 390,000 euro.
Cuộc điều tra nói rằng Mạnh P. không nhận tội buôn lậu, sở hữu và mua bán ma tuý vì cho rằng tủ lạnh cất trữ số ma tuý trên là của người khác, chứ không phải của ông. Vì lý do này, nghi can được trả tự do.
Tuy nhiên, hôm 17 tháng 10 năm 2018, tức là khoảng 5 tháng sau ngày được phóng thích, Mạnh P quay trở về Cộng Hoà Czech, bị bắt tại Praha. Cuối cùng thì Mạnh P. bị dẫn độ sang Đức tạm giam để tiếp tục cuộc điều tra.
Theo thoibao.de, Mạnh P sẽ xuất hiện trước toà án ngày 15 tháng 3 tới đây, có nguy cơ bị kết án nhiều năm tù về tội buôn lậu ma tuý.
Song Châu
https://www.sbtn.tv/muc/tin-tuc/
VN Thắng Lớn, Cháy, Thầy Giáo, Bỏ Quên Stent
Xuân Niệm
Đúng là Việt Nam hưởng lợi từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều… nhưng có đúng là Trump về Mỹ và cảm ơn cũng như ca ngợi chính phủ Việt Nam. Không than phiền gì chăng?
Bản tin VOA kể: Hôm 1/3, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói Việt Nam đã thu về được rất nhiều về uy tín, hình ảnh, quảng bá du lịch …từ sự kiện thượng đỉnh Trump-Kim lần hai tại Hà Nội.
Khi báo chí hỏi về con số chi phí cụ thể và khoản thu về nhờ Hội nghị thượng đỉnh này, ông Mai Tiến Dũng không cho biết chi tiết, nhưng nói rằng “Số tiền bỏ ra là không nhiều. Tuy nhiên, chúng ta thu lại được rất nhiều.”
…Từ Tp. SG, ông Quang Hữu Minh chia sẻ với VOA:
“Mặc dù Trung Quốc không thích nhưng Việt Nam vẫn đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần này. Về phương diện quốc tế, Việt Nam giúp Mỹ và Triều Tiên có nơi để đàm phán, còn về thực chất, đó cũng là một cơ hội để Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng để Tổng thống Donald Trump gặp nhau cho những nghị trình Việt – Mỹ tiếp theo, và điều cụ thể nhất là ông Trọng nhận được lời mời của ông Trump để thăm Mỹ trong năm nay.”
Bản tin VietnamNet kể: Trở về sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 tại Hà Nội, Tổng thống Donald Trump đã đăng trên Twitter với nội dung: “Thật tuyệt khi trở về từ Việt Nam, một nơi tuyệt vời. Chúng tôi đã có những cuộc đàm phát rất thiết thực với Kim Jong-un. Chúng tôi biết họ muốn gì, họ cũng biết chúng tôi sẽ làm gì. Mối quan hệ hai bên rất tốt. Hãy chờ xem điều gì xảy ra”.
Trước đó, vào hôm qua khi đang trên đường trở về, Tổng thống Mỹ đã viết dòng twitter “Cảm ơn các lãnh đạo nước chủ nhà hào phóng của chúng tôi tại Hà Nội tuần này: Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và những người dân tuyệt vời của Việt Nam”.
Bản tin Zing kể: Cùng nữ hàng xóm đi tập thể dục, chị Phương bị kẻ xấu dùng dao đâm tử vong. Sau vài giờ, người phụ nữ đi cùng là nhân chứng vụ án cũng tử vong tại bệnh viện Bạch Mai.
Tối 28/2, chị Phương (47 tuổi) cùng nữ hàng xóm tên Hoan (44 tuổi) ở xã Phụng Thượng huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đang đi tập thể dục thì gặp nạn. Khi đi đến đoạn đường liên thôn trong xã, chị Phương bị kẻ xấu dùng dao đâm tử vong. Chị Hoan thì hoảng loạn, chạy về nhà kêu cứu.
Khuya hôm đó, thấy chị Hoan co giật, người thân đã đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Sáng 1/3, chị Hoan cũng đã tử vong tại bệnh viện.
Báo Người Lao Động kể: Trưa 1-3, theo thông tin từ UBND huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân vừa xảy ra một cháy lớn làm thiêu rụi 3 căn nhà và một người tử vong.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 19 giờ ngày 28-2, nhiều người phát hiện ngọn lửa bốc lên từ căn nhà lá của ông Nguyễn Văn Đảo (48 tuổi; ngụ ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A), nên tri hô để mọi người cùng nhau đến dập lửa; đồng thời gọi điện báo chính quyền địa phương đến ứng cứu.
VietnamNet kể về: Đề nghị kỷ luật thầy giáo và hiệu trưởng vụ bị tố đánh nữ sinh vẹo cột sống.
Sở GD-ĐT tỉnh An Giang đề nghị xem xét kỷ luật thầy Thọ bằng hình thức cảnh cáo; Hiệu trưởng trường THCS Long Hòa bị đề nghị kỷ luật bằng hình thức khiển trách.
Đó là thông tin mới nhất trong vụ việc thầy Lê Trường Thọ – GV chủ nhiệm lớp 7A3 của Trường THCS Long Hòa (huyện Phú Tân), bị tố đánh vẹo cột sống nữ sinh Phùng Thị Minh Thư – học sinh lớp 7A3.
Bản tin SGGP kể: Sáng 1-3, sau nhiều giờ tìm kiếm, lực lượng chức năng đã vớt được thi thể em N. H. T. (nam sinh lớp 11 của một trường THPT ở huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh). Sau khi hoàn tất công tác khám nghiệm, thi thể được bàn giao về cho gia đình để tổ chức lễ mai táng.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 18 giờ 30 phút ngày 28-2, em N. H. T. cùng với nhóm bạn đang trên đường đi học về nhà, khi đến giữa cầu Thạch Đồng (điểm nối liền giữa xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh và xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) thì em T. dừng lại, sau đó bất ngờ nhảy xuống sông tự tử trước sự ngỡ ngàng của nhóm bạn.
Báo Công Lý kể chuyện: “Bỏ quên” stent 5 năm trong niệu quản, cô gái Hà Nội gặp biến chứng nguy hiểm.
Ngày 1/3, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, vừa phẫu thuật thành công cho một nữ bệnh nhân bị biến chứng bỏ quên stent jj niệu quản sau 5 năm.
Báo An Toàn Giao Thông kể chuyện Đà Nẵng: Người đàn ông điều khiển xe máy lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt tông vào một xe khách đang đỗ bên đường và tử vong tại bệnh viện.
Thông tin ban đầu, vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 1h30 rạng sáng 1/3 trên đường Võ Văn Kiệt (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Một người đàn ông (chưa rõ tên tuổi) điều khiển xe máy BKS 43E1 – 320.34 đang lưu thông trên đường Võ Văn Kiệt, hướng từ cầu Rồng về đường Võ Nguyên Giáp thì tông vào xe khách đang đỗ bên đường.
VietnamPlus kể: Người đàn ông quấn 58 chiếc đồng hồ quanh người qua cửa khẩu Móng Cái…
Phạm Văn Thông (Móng Cái) cất dấu các bọc nilon nhỏ được quấn băng dính quanh người gồm 58 chiếc đồng hồ đeo tay các loại do nước ngoài sản xuất.
Phạm Văn Thông (thường trú tại thành phố Móng Cái) khai nhận vận chuyển thuê lô hàng đồng hồ qua cửa khẩu với tiền công là 200.000 đồng.
Báo Bảo Vệ Pháp Luật kể: Doanh nhân từng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương muốn đầu tư 10 ngàn tỷ đồng vào Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Uy Dũng (còn được gọi là Dũng Lò Vôi) – chủ sở hữu Công ty CP Đại Nam, người từng được dư luận chú ý khi tố cáo nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương vào cuối năm 2014 đầu năm 2015 về các vấn đề liên quan đến khu du lịch Đại Nam vừa có cam kết sẽ rót 10 ngàn tỷ đồng đầu tư vào Đà Nẵng nếu lãnh đạo thành phố này đồng ý.
TTXVN kể rằng theo Tổ chức Thương mại Thế giới WTO: Trung Quốc trợ giá quá nhiều cho một số sản phẩm nông nghiệp.
WTO đã nhất trí với khiếu nại của Mỹ rằng Trung Quốc đã trợ cấp quá nhiều cho nông dân nước này đối với các loại nông sản gồm lúa mỳ, gạo Indica và gạo Japonica trong giai đoạn từ năm 2012-2015.
…Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, việc Trung Quốc trợ giá quá cao đã hạn chế cơ hội để nông dân Mỹ có thể xuất khẩu các mặt hàng cùng loại vào Trung Quốc. Ông đề nghị Bắc Kinh sớm tuân thủ các nghĩa vụ của WTO.
Báo Dân Sinh kể: Ngày 28/2, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) đã tổ chức Lễ hội dâng trâu tế trời đền Chín gian lần thứ nhất năm 2019.
Theo truyền thuyết đền Chín gian là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái có từ xa xưa, được dựng tại vùng người Thái Mường Chiếng Ván, châu Thường Xuân. Đến năm 1937 được di chuyển về dựng lại trên đỉnh núi Pú Pỏm (Đồi tròn) thuộc Mường Cháng, tổng Quân Nhân, nay thuộc thôn Thống Nhất, xã Thanh Quân huyện Như Xuân.
Phía dưới ngôi đền là dòng suối Tốn, có bến Tá Tạo (Bến Quan). Đền Chín gian xưa có tên gọi là “Tến Xớ Quái” (đền Hiến Trâu), nằm trên một ngọn đồi nhỏ “Pú Pỏm” và cạnh dòng suối Tốn, nay thuộc xã Thanh Quân, huyện Như Xuân.
https://vietbao.com/p121a291355/vn-thang-lon-chay-thay-giao-bo-quen-stent
Gạo Việt Nam vẫn còn bấp bênh
Trung Khang, RFA
Xuất khẩu gạo trong hai tháng đầu năm 2019 đang bị sụt giảm về giá trị và được dự báo còn tiếp tục khó khăn. Nguyên nhân do đâu và ai sẽ là người chịu thiệt thòi nhiều nhất?
Khối lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2019 ước đạt 837 ngàn tấn, tương đương 364 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 1/3/2019, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, nguyên Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết:
“Cái này là do thường kỳ hàng năm, chứ không do gì cả, nhưng vấn đề thứ nhất do doanh nghiệp thu mua chờ giá nên nông dân bị thiệt thòi. Thứ hai là do phía nước ngoài biết giá sẽ giảm nên họ chờ. Các thị lớn như Philippines, Indonesia, rồi Trung Quốc chỉ mua 100 ngàn tấn gạo là ít quá. Chuyện hàng năm này thì ai cũng biết, nhà nước cũng biết, nhưng đúng ra chuyện thu mua cho dân nhà nước phải chuẩn bị trước. Chứ nước đến chân mới nhảy, rồi khi thủ tục đầy đủ xong là hết lúa rồi, đó là một cái dở.”
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh kể lại chuyện ông biết được khi còn là Cục trưởng Chế biến Nông Lâm Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam:
“Về mua trữ gạo, nhà nước thì nói vốn nhiều lắm, nhưng khi tôi làm Cục trưởng quản lý nhóm doanh nghiệp thì họ nói với tôi, là tiếp cận nguồn vốn khó lắm, mà doanh nghiệp không có vốn sao mua trữ được. ”
Ông Trần Tuấn Kiệt, Giám đốc chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh của công ty xuất khẩu gạo Louis Rice, nhận định:
“Tình hình có thể là tháng 4 đến tháng 6 thì xuất khẩu gạo sẽ phát triển trở lại, còn hiện nay thì do vụ Đông Xuân rộ đồng quá, nhiều quá, các doanh nghiệp thu mua không kịp. Còn bên công ty tôi thì đa số không mua trữ lại do sẽ bị giam vốn, khi có hợp đồng thương mại hay chính phủ thì mới triển khai thu mua.”
Khi trò chuyện với RFA hôm 1/3, Bác Nguyễn Văn Nguyên, một người trồng lúa lâu năm ở Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, cho biết tình hình thực tế tại địa phương mình:
“Ở chỗ khác thì nhà nước mua hỗ trợ nông dân rồi trữ lại, ở đây thì chưa có, ở đây chỉ có thương lái mua chứ không có nhà nước mua. Thương lái thì họ ép giá mình, vì lúa sụt nên họ mua chậm lắm. Bên tỉnh Đồng Tháp còn bị thương lái đặt mua, rồi giá xuống quá thương lái bỏ cọc luôn.”
Theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì nguyên nhân gây ảnh hưởng giá lúa tại Việt Nam, là do thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc vẫn chưa lên kế hoạch nhập khẩu gạo cho năm 2019. Còn các thị trường truyền thống như Phillipines, Indonesia đều đã nhập khẩu nhiều trong năm ngoái và hiện chưa có nhu cầu nhập khẩu thêm.
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nhận định:
“Thật ra thì giá gạo trên thị trường thế giới cũng có thay đổi nhưng không đáng kể. Cái chính là thường vụ Đông Xuân này thì thương lái vào mua gạo rất là nhiều, trong đó thị trường Trung Quốc là thị trường rất quan trọng. Cái câu chuyện chính là năm nay sức mua của Trung Quốc đối với gạo Việt Nam chậm, các hợp đồng bán sang Trung Quốc chưa mạnh. Cho nên nó tạo ra phản ứng dây chuyền, nhà xuất khẩu mà không bán được, thì các người mua sẽ không mua, thì người nông dân vẫn phải để lúa trên đồng vì thường bán lá bán ngay trên đồng.”
Năm qua, gạo xuất khẩu của Việt Nam đã chú trọng vấn đề chất lượng nhưng vẫn gặp khó khăn, các chuyên gia cho rằng, một phần do thị trường lớn là Trung Quốc áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhập khẩu, như đột ngột tăng thuế nhập khẩu 50%, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:
“Tôi nghĩ tác động chính là từ phía Trung Quốc, nhưng việc Trung Quốc tăng thuế cũng không phải việc chính. Bởi vì vừa qua Trung Quốc tăng thuế 50% là đánh vào gạo nếp. Vụ Đông Xuân này không phải là gạo nếp, mà do sức mua của Trung Quốc chậm.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nhìn chung thì Trung Quốc chưa có đột biến gì về sản xuất lúa gạo, cũng như không có thay đổi hiện trạng tổng cầu của họ. Do đó ông cho rằng đây chỉ là biến động tạm thời, và trong năm nay tình hình sẽ thay đổi. Nhưng biến động này xảy ra vào lúc nông dân ĐBSCL thu hoạch rộ, đã gây một hiệu ứng không tốt về giá, làm người nông dân thiệt thòi.
Bác Nguyễn Văn Nguyên giải thích vì sao giá rẻ vẫn phải bán:
“Lúa sụt giá lắm em, mần ra thì cũng vừa đủ vốn chứ không có lời, tuy giá thấp nhưng lỗ thì cũng không lỗ. Giá thấp cũng vẫn phải bán vì không có chỗ phơi và chứa. Mình mần bao nhiêu thì mình cắt ngoài đồng rồi họ mua lúa ướt ngay đồng. Nông dân không có chỗ phơi nên phải bán hết.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Việt Nam mặc dù là sản xuất buôn bán lớn nhưng vẫn qua thương lái, qua trung gian, qua thị trường biên mậu, nên bao giờ vào lúc thu hoạch rộ, nhất là Vụ Đông Xuân là vụ chính, và vùng chuyên canh chính là ĐBSCL thì giá lúa lúc nào cũng xuống.
Không chỉ riêng thương lái, ngay cả người buôn bán bình thường cũng biết cứ đến thời điểm này là đợt giá hạ để mua vào kiếm lời. Vì người nông dân không có kho và không có tiền để làm vụ sau nên họ phải bán lúa ngay trên ruộng, tình trạng này liên tục bị lợi dụng. Nên Tiến sĩ Đặng Kim Sơn cho rằng chính phủ muốn tránh việc này thì cần xây dựng kho, cải tạo dịch vụ hậu cần… cho nông dân vay vốn. Đó là biện pháp áp dụng cơ chế thị trường để quản lý rủi ro.
Trong khi lạm phát cũng tương đối nhiều mà mười mấy năm nay giá lúa cứ như vậy, mà chi phí nhân công tăng, vật tư cũng tăng giá, gây khó cho nông dân. Vì vậy, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh cho rằng cần có biện pháp, để tính trước Đông Xuân sẽ có bao nhiêu lúa, đầu ra sẽ như thế nào? Theo ông, phải mở rộng thị trường chứ không phải chỉ Philippines, Trung Quốc.v.v… Ngoài ra vấn đề truy xuất nguồn gốc, phải kết hợp nông dân và doanh nghiệp, để có được thương hiệu gạo tốt mới bán được cho các nước khó tính.
Tổng Trọng Sợ TC, Né Hội Nghị
Vi Anh
Trước khi rời Việt Nam, Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump họp với Chủ Tịch Nước CSVN Nguyễn Phú Trọng, mời Trọng công du Hoa Kỳ. Tại sao trước đó Trọng sang thăm Lào, Cam Bốt, không đóng vai đón Trump trong ngày đầu, mà để Nguyễn Xuân Phúc giữ vị trí tiếp đón?
Ô. Nguyễn Phú Trọng dù là tổng bí thư đảng CSVN và Chủ Tịch Nước VNCS nhưng đã ranh mãnh trong những ngày bận bịu nhứt CS đăng cai chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim ở Hà nội. Tổng Trọng lợi dụng đi viếng thăm hữu nghị Lào, Miên, để né, không có mặt ở nước nhà chỉ đạo việc chuẩn bị và tổ chức hội nghị thượng đỉnh. Lẽ ra Ông phải là người đứng mũi chịu sào vì Ông kiêm nhiệm tổng bí thư đảng cầm quyền và chủ tịch nước. Mũi vại thì lái phải chịu đòn.
Tổ chức hội nghị thượng đĩnh tại Hà nội do Đảng Nhà Nước đăng cai đó là một quốc gia đại sự của VNCS liên quan đến thế đứng, uy tín của VNCS trên chính trường ngoại giao, chánh trị quốc tế. Đó là một cơ hội vô cùng quan trọng ngoại giao quốc tế rất có lợi cho chế độ do Đảng Nhà Nước CSVN mà Ô. Trọng là đứng đầu. Nhưng Tổng Trọng rõ ràng tránh né không trực tiếp tham gia mà để cho Thủ Tướng Nguyễn xuân Phúc và Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh đầu tắt mặt tối lo ngày đêm. Tại sao?
Vì Tổng Trọng hồi dương liệt lão ư. Vì Tổng Trọng là một ông giáo CS chỉ biết nói mà không biết làm. Hay tại vì Tổng Trọng là lão làng trong sinh hoạt CS, càng làm nhiều, càng khuyết điểm nhiều như Ô Hồ chí Minh từng nói. Trái lại làm ít, làm láo, mà báo cáo hay, dâng công giỏi, hay đổ thừa khéo, thì dễ lên và sống dai trong đảng. Nên Tổng Trọng tránh né có lợi cho bản thân, nếu thành thì Tổng Trọng nằm giữa không mất phần mền. Nếu thất bại thì đổ thừa cho chánh phủ, cấp dưới, còn thành công thì bon chen dâng công mong khen thưởng. Đó là thói quen khôn vặt đã thành bản chất thứ hai của người CS. Nên ít khi người dân thấy bộ trưởng CS, trung ương uỷ viên đảng CS, uỷ viên bộ chánh trị CS đứng ra tự nhận tội và xin từ chức.
Nên trong khi chánh phủ chạy theo kim đồng hồ để điều động, điều hành tổ chức hội nghị thì Tổng Trọng Chủ Tịch Đảng cầm quyền và Chủ Tịch Nhà Nước lại đi thăm hữu nghị Lào từ 24 – 25/2/2019 và 25-26/2/2019 là những ngày vất vả, bận bịu nhứt trong việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trump Kim diễn ra vào ngày 27-28 tháng 2.
Trong bối cảnh CSVN bị cái bóng đè khổng lồ của TC, Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng lệ thuộc Thiên Triều Bắc Kinh, Trọng cung kính, lo sợ Tâp cận Bình như thần tử đối với long nhan. Điều Tổng Trọng lo sợ nhứt, người mà Tổng Trọng lo sợ nhứt, cố tránh né khi tổ chức, là Trung Cộng, cụ thể là Chủ Tịch Tập cận Bình. Không biết bên trong thế nào TCB định hướng tư tưởng, hành động tiêu cực, phá đám cho Tổng Trọng thế nào. Chớ bên ngoài chỉ thấy tin TC tin chánh thức TC xác nhận TC bảo vệ an ninh lộ trình cho Kim khi xe lửa đi dọc bề dài TQ. Và tin chúc cuộc hội nghị thành công lạt như nước ốc của một giới chức từ TC.
Vụ Tổng Trọng kiếm chuyện công du hữu nghị để tránh né trách nhiệm tổ chức hội nghị Trump Kim, có một lý do Trọng lo âu nhứt, sợ sệt nhứt là Bắc Kinh với Tập cận Bình hướng đôi mắt cú vọ vào Tổng Trọng. Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng, Trọng cố tìm cách tạm ‘chém vè’ để khỏi bị TC nghi ngờ đi đêm với Mỹ vì TC là chỗ dựa chánh của sự nghiệp chánh trị và quyền bính của Tổng Trọng.
Với thời biểu công xuất ngày giờ sát nhau ấy của Tổng Trọng mỗi việc chuẩn bị hoàn toàn do TT Phúc và PTT Minh chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành. Nhưng khi xong, may thì Tổng Trọng nhận lời cám ơn, khen thưởng vì đã công du xong. Như Tổng Trọng có mặt bên cạnh TT Trump khi VN mua máy bay của Mỹ và được TT Trump mời Trọng công du Mỹ. Rủi thì Tổng Trọng đổ tội cho cấp dưới.
Trong khi đó Mỹ tăng cường bảo vệ TT Trump chặt chẽ, qui mô hơn thường lệ. Cả ngàn mật vụ và lực lượng đặc nhiệm chống tấn công CAT súng ống, máy móc tác chiến đầy mình, áo giáp dày cộm, và quân khuyển sẵn sàng tác chiến có mặt, trong đội hình sẵn sàng tác chiến, tấn công và phản công bảo vệ tổng thống bất cứ giá nào, bất cứ ở đâu vì hội nghị tại một xứ sở CS, với lãnh tụ CS.
Ngoài biển hàng không mẫu hạm Mỹ USS John C. Stennis có mặt ở Biển Đông trong thế sẵn sàng không yểm, tăng quân tác chiến để hỗ trợ công tác an ninh, lực lượng trừ bị cho chuyến công du của Tổng thống Mỹ Donald Trump ở Hà nội. Đệ nhứt phu nhân Mỹ vì lý do an ninh, không có mặt trong phái đoàn của TT Trump khi đến Hà nội.
Cuộc họp thượng đỉnh Trump Kim là một cơ hội lớn và quan trọng cho chế độ CSVN trên phương diện truyền thông đại chúng. Có tin từ 3 đến 4 ngàn nhà báo có mặt. TT Phúc, Ngoại Trưởng Minh vì quyền lợi của chế độ tạo mọi điều kiện đãi ngộ ân huệ để những nhà báo này có cảm tình với CSVN. Một trung tâm báo chí rộng rãi, đầy đủ phương tiện được mở ra. Một nhà ăn miễn phí gồm các món ăn truyền thống VN và Âu Tây có đủ, ăn sáng, trưa, chiều hoàn toàn miễn phí. Đi xe dự các cuộc họp hay xem cảnh vật Hà nôi, khỏi trả tiền. Thông tin liên lạc thông suốt 24/24. Báo Sputnik của Nga VN cho biết VNCS muốn được xem là đối tác tin cậy.
Đảng Nhà Nước CSVN không ngần ngại hy sinh quyền lợi của nhân dân VN. Chưa có cuộc tiếp đón, hội nghị quốc tế nào ở VNCS mà cấm đường, cấm chợ, cấm khu vực nhiều nơi, nhiều ngày giờ như hội nghị này.
Cũng có dư luận cho rằng Tổng Trọng tìm cách né hay tiếp kiến chiếu lệ, lấy có TT Trump mà Trọng coi là một “tên” công khai minh thị lên tiếng chống Chủ Nghĩa Xã Hội. Nhưng Tổng Trọng ở thế kẹt, không thể không có mặt cùng TT Trump chứng kiến VN mua máy bay Mỹ cả chục Tỷ USD và TT cũng đẩy Trọng đi sát với Mỹ bằng cách ‘lợi quả’, TT Trump mời Chủ Tịch Nước Trọng công du Mỹ.
Thế nào Tổng Trọng cũng phải mật trình thế kẹt này với Thiên Triều, đổ thừa hoàn cảnh bất khả kháng, không làm không được trước báo chí quốc tế và trước ý muốn của chánh phủ và nguyện vọng của nhân dân. Trọng tin có thể được Bắc Kinh thông cảm vì TT Trump cũng đang hoà hưỡn với TQ trong chiến tranh thương mại.
Tóm lại không có mặt trong thời kỳ chuẩn bị tổ chức rốt ráo để né. Nếu có chuyện gì lớn xảy ra trong mấy ngày hội nghị thượng đỉnh, Tổng Trọng chỉ nói do tổ chức không chặt chẽ, điều hành sơ sót, của chánh phủ, của ngành ngoại giao, chỉ việc kiểm điểm thay thế là xong ngay. Sự vắng mặt trong thời điểm chuẩn bị tố chức, Trọng muốn dâng công lên Tập cận Bình, lấy lòng Thiên Triều vì Tập cận Bình đâu có muốn Nhà Nước CSVN được Mỹ đánh giá cao trong hội nghị này. Chủ Tịch Bình cũng đâu muốn Kim Jong un nói chuyện thẳng với Mỹ qua TT Trump.
Không bao giờ TC muốn CSVN, CS Bắc Hàn thân cận với Mỹ. Và không bao giờ TC thực tâm sống chung hoà bình với Mỹ. Còn Tổng Trọng chỉ nhờ hỗ trợ của TC, lên Tổng bí thư Đảng, Chủ Tịch Nhà Nước tới chết cũng phải hành động vì quyền lợi của Đảng CS TQ Và Đảng CSVN, chớ không phải vì quyền lợi nhân dân VN./.(VA)
https://vietbao.com/p123a291382/tong-trong-so-tc-ne-hoi-nghi
Sau Son – Tuấn sẽ bắt ai?
Trương Minh Tuấn và Nguyễn Bắc Son bị bắt vào tháng 2 năm 2019 không chỉ là vụ bắt quan tham, mà còn bằng vào đó để đánh giá và phân tích về sự thay đổi trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong chiến dịch ‘đốt lò’.
Không chỉ giới quan sát chính trị mà nhiều người dân Việt đang xoay vần một câu hỏi: sau Son và Tuấn sẽ đến lượt kẻ nào?
Những kẻ ‘ăn đất’
Cái tên đang hiện ra nhiều nhất trong suy đoán của dư luận là Tất Thành Cang – kẻ tưởng như đã phải tra tay vào còng tại Hội nghị trung ương 9 vào tháng 12 năm 2019.
Khi đó, nhiều thông tin không chính thức cho biết Tất Thành Cang đang bị điều tra về vụ ‘ăn đất’ Nhà Bè và vụ ‘nuốt’ hơn 1000 tỷ đồng cho mỗi km đường của 4 tuyến đường ở Thủ Thiêm. Cả hai vụ này đều được cho là có bằng chứng cụ thể. Những bằng chứng này đã hiện ra trên mặt một số tờ báo nhà nước trong suốt mấy tháng kể từ lúc Cang bị ‘lên máu’ mà phải vào điều trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng nhiều nguồn tin còn cho biết cơ quan điều tra của Bộ Công an đã nắm được đến mức chi tiết từng phi vụ làm ăn của Tất Thành Cang với các ‘đối tác’.
Tuy nhiên Hội nghị trung ương 9 đã chỉ cách chức trung ương ủy viên đối với Cang, còn cho tới nay y vẫn còn giữ được ghế thành ủy viên ở trong Thành ủy TP.HCM – một hiện tượng chính trị mà đã tạo nên một mối ngạc nhiên lớn trong dư luận, đặc biệt trong giới cán bộ lão thành và những người vẫn đang nuôi hy vọng vào một công cuộc ‘chống tham nhũng không có vùng cấm’ của nhân vật được xưng tụng là ‘Minh quân’ – Nguyễn Phú Trọng.
Sau vụ bắt Son – Tuấn, dư luận xã hội và người dân, đặc biệt là khối dân oan đất đai lên đến hàng trăm ngàn người Việt Nam – đang nhìn vào quan điểm và thái độ xử lý Tất Thành Cang của Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị của ông ta như một phép thử quan trọng về thực chất của chiến dịch ‘đốt lò’ là gì, hay chỉ là ‘chống tham nhũng một bên’ và ‘đầu voi đuôi chuột’.
Với quá nhiều sai phạm của một ‘đảng viên gương mẫu’ và chuyên đi răn dạy ‘học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh’ và nhiều vi phạm pháp luật như Tất Thành Cang, quan chức này phải bị khởi tố, tống giam, truy tố và và nhận một bản án tù thích đáng.
Nhưng liệu Cang có ‘thoát’?
Thành ủy TP.HCM bao che cho ‘lũ người quỷ ám’?
Nếu nhìn vào những động thái ở Thành ủy TP.HCM, cơ hội tham sống sợ chết của Tất Thành Cang không phải là không có. Thành ủy TP.HCM trước đó hầu như đã chẳng làm gì để xử lý Tất Thành Cang.
Chỉ đến tháng 11 năm 2018 khi sắp diễn ra Hội nghị trung ương 9, nhân vật nổi tiếng bởi thói quen ‘tự bó miệng’ là Nguyễn Thiện Nhân mới lần đầu tiên phải thẽ thọt về ‘Bộ Chính trị sẽ quyết định mức kỷ luật đồng chí Tất Thành Cang vào tháng Mười Hai năm 2018’.
Trước đây, Nguyễn Thiện Nhân đã hứa như đinh đóng cột trước công luận và người dân Thủ Thiêm là đến tháng Mười Một năm 2018 sẽ xử lý kỷ luật Tất Thành Cang. Song khi tháng Mười Một đã trôi qua, Thành ủy TP.HCM vẫn bình chân như vại trong cảnh nước mắt Thủ Thiêm đã cạn khô, chỉ còn vẳng lại những lời chửi rủa và động tác ném giày vào mặt quan chức.
Về Sài Gòn làm ‘vua’ đã được một năm rưỡi, nhưng năng lực của một bí thư thành ủy như Nguyễn Thiện Nhân chỉ được chứng tỏ bởi thái độ nhu nhược, co thủ và để cho ‘lũ người quỷ ám’ (tên một tác phẩm của đại văn hào Nga Dostoievsky) như Tất Thành Cang, Nguyễn Thị Quyết Tâm lộng hành và qua mặt.
Không những không làm được bất cứ điều gì giúp cho dân oan Thủ Thiêm ngoài những hứa hẹn có cánh và ý đồ chỉ muốn đẩy dân oan vào khu tái định cư để khỏi đi khiếu kiện tố cáo, Nguyễn Thiện Nhân còn trực tiếp chỉ đạo vụ chính quyền quận Tân Bình giải tỏa như một hình thức cướp đất tại Vườn Rau Lộc Hưng, thậm chí còn cả gan chỉ đạo di dời lư hương trước tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở trung tâm Sài Gòn.
Sắp ‘đóng hòm’?
Thế cờ ‘Nam tiến’ trong chiến dịch ‘đốt lò’ của Nguyễn Phú Trọng nhắm vào Thành ủy TP.HCM trong ít nhất năm 2019 là không thể nghi ngờ, khi vào nửa cuối năm 2018 và đặc biệt vào thời ‘hậu Trần Đại Quang’, Trọng và Ủy ban Kiểm tra trung ương của ông ta đã có khá nhiều động thái ‘rung cây dọa khỉ’ tại thành phố này. Khá nhiều người thân của ‘bố già’ Lê Thanh Hải như vợ, con trai, em trai đã bước đầu bị ‘siết’. Những thủ hạ đắc lực một thời của Lê Thanh Hải như Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thành Tài đều đã phải ‘nhập kho’…
Bởi vụ bắt Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn xảy ra chỉ hai tuần sau tết nguyên đán 2019, có thể cho rằng Nguyễn Phú Trọng đang muốn khởi đầu năm nay với tốc độ ‘đốt lò’ mạnh hơn và nóng hơn khoảng thời gian đầu năm 2018. Theo đó, số phận Tất Thành Cang và nhóm Lê Thanh Hải có thể sẽ được ‘chung quyết’ không bao lâu sau cuộc gặp Trump – Kim tại Hà Nội.
Nếu Nguyễn Bắc Son đã về hưu từ ít năm qua và được xem là không có mối quan hệ ‘đặc biệt’ với Nguyễn Phú Trọng, thì Trương Minh Tuấn – kẻ đang thọ chức Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương – lại được xem là ‘gà’ của ‘Tổng chủ’ cho đến tận gần đây. Một khi Trọng đã phải ‘trảm’ Tuấn thì chẳng có lý do gì để ông ta nương tay với những kẻ khác.
Vụ tống giam hai người được xem là là ‘phe ta’ – Nguyễn Bắc Son và đặc biệt là Trương Minh Tuấn – đã phát đi tín hiệu về một sự thay đổi đáng kể trong quan điểm và hành động của Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua, có thể từ thái độ trù trừ và nương tay với ‘phe ta’ sang quyết đoán và quyết liệt hơn. Sự thay đổi này nhiều khả năng xuất hiện từ sức ép của một số cựu thần và tướng lĩnh lão thành – giới mà ông Trọng dành cho nhiều tình cảm về ý chủ nghĩa ý thức hệ cộng sản và nhiệm vụ bảo vệ đảng và do đó thường tham khảo ý kiến. Muốn được ‘lưu truyền sử xanh’ thì không còn cách nào khác, ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ phải hành xử quyết liệt với chính đàn em mà ông ta đã từng dung dưỡng.
Mặt khác muốn chiếm được tình cảm của người dân Nam Bộ – một nhiệm vụ chính trị rất lớn mà từ năm 2016 đến nay có nhiều biểu hiện cho thấy cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang, dù đã về hưu, vẫn có những hoạt động ‘dân vận’ và đóng một vai trò khá quan trọng bên cạnh tổng bí thư để nắm tình hình diễn biến tư tưởng và tâm lý của giới quan chức miền Nam – Nguyễn Phú Trọng không thể không tận dụng vụ khiếu kiện của nhiều ngàn dân oan ở khu đô thị mới Thủ Thiêm cùng nhiều dấu hiệu và bằng chứng khó chối cãi của nhóm lợi ích ‘ăn đất’ Lê Thanh Hải. Không thể nghi ngờ rằng nếu được điều tra làm rõ và xử lý đến nơi đến chốn trách nhiệm hình sự của những quan chức vi phạm, vụ Thủ Thiêm sẽ mang lại một điểm son chính trị khó tả cho Nguyễn Phú Trọng, nhất là nếu ‘Minh Quân’ còn giữ tâm thế ngồi thêm một nhiệm kỳ nữa tại đại hội 13 vào năm 2021.
Cuối tháng 2 năm 2019, cái ghế phó bí thư thường trực thành ủy TP.HCM của Tất Thành Cang đã chính thức được Bộ Chính trị điều động cho một quan chức khác: Trần Lưu Quang – cựu Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh. Thêm một dấu hiệu cho thấy hồ sơ của Cang sắp ‘đóng hòm’.
Số phận Tất Thành Cang chỉ còn là vấn đề thời gian. Cú ‘cẩu đầu trảm’ sẽ giáng lên Cang vào một thời điểm có lẽ không còn xa nữa, và thình lình như cái cách mà Đinh La Thăng và Trương Minh Tuấn đã phải hứng chịu.
https://www.voatiengviet.com/a/tran-luu-quang-tat-thanh-cang-truong-minh-tuan/4809429.html