Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Canh bạc của Trung Quốc?
Posted on 02/03/2019 by The Observer
Tác giả: Phạm Hoàng Sơn
Cuộc họp thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội đã kết thúc và không đi đến được một thỏa thuận chung nào giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tại buổi họp báo ngay sau khi kết thúc vòng đàm phán, Tổng thống Donald Trump cho rằng việc không đồng quan điểm trong việc gỡ bỏ cấm vận của Hoa Kỳ đối với Triều Tiên là nguyên nhân chính khiến cho Hoa Kỳ phải rút khỏi vòng đàm phán. Theo ông: “về cơ bản thì họ (phía Triều Tiên) mong muốn việc chấm dứt hoàn toàn các cấm vận, nhưng chúng tôi (Hoa Kỳ) không thể làm thế…”. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo cùng ngày, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho lại cho rằng tuyên bố trước truyền thông của Hoa Kỳ là không đúng khi Triều Tiên chỉ đề nghị dỡ bỏ một phần trong các lệnh cấm vận từ phía Mỹ: “Điều chúng tôi đề nghị là dỡ bỏ một số cấm vận, không phải toàn bộ. Cụ thể, chúng tôi đề nghị tháo bỏ 5 lệnh cấm đang được thực thi trong giai đoạn 2016 và 2017 trong tổng số 11 lệnh cấm vận”. Những bất đồng này khiến cho hi vọng về một tiến trình hòa giải Mỹ – Triều và phi hạt nhân hóa, hòa bình cho bán đảo Triều Tiên khó có thể diễn ra nhanh chóng trong thời gian tới.
Vai trò và vị thế chủ đạo của Hoa Kỳ và Triều Tiên là không thể phủ nhận trong cuộc chơi an ninh-chính trị này khi đây là hai chủ thể chính, trực tiếp tham gia vào cuộc chơi. Nhưng có lẽ còn phải kể đến vai trò và ảnh hưởng của Trung Quốc, một siêu cường đang lên đối trọng với Hoa Kỳ và là “đồng minh trên thực tế” (de facto ally) của Triều Tiên. Bài viết này cho rằng Trung Quốc có thể được coi là một tác nhân quan trọng khiến cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên diễn ra bế tắc và đổ vỡ. Lập luận này được hỗ trợ bởi hai bằng chứng:
Thứ nhất là động thái từ phía Triều Tiên khi Triều Tiên lập tức cử Thứ trưởng Ngoại giao Ri Kil Song tới Trung Quốc ngay sau khi thượng đỉnh Hà Nội đổ vỡ (28/2). Ngày 1/3, Thứ trưởng Ri Kil Song đã có cuộc gặp và hội đàm chính thức với Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Tại cuộc họp, Vương Nghị nêu rất rõ rằng “Trung Quốc sẽ sẵn sàng đóng vai trò kiến thiết quan trọng trong tiến trình (quan hệ song phương Mỹ – Triều)”.
Thứ hai, có cơ sở để cho rằng Trung Quốc có nhiều lợi ích chiến lược nếu thượng đỉnh Mỹ – Triều thất bại.
Thứ nhất, việc để Mỹ gia tăng ảnh hưởng và thay đổi luật chơi an ninh-chính trị trong khu vực là điều mà các nhà chiến lược Trung Quốc không mong muốn. Bởi nếu Mỹ thành công trong việc hợp tác với Triều Tiên thì đây có thể được coi là bước đà cho Washington gia tăng can dự vào khu vực. Các bất ổn, xung đột và điểm nóng an ninh tại Đông Bắc Á và Đông Nam Á sẽ có sự tham gia thường xuyên của Hoa Kỳ. Quyền lực và vị thế của Hoa Kỳ sẽ ngày một gia tăng trong khu vực, gây tác động và lấn át “sự trỗi dậy Trung Quốc”. Quyền lực của Trung Quốc trong khu vực sẽ dần bị thách thức và kéo theo các lợi ích cốt lõi (core interests) của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Trung Quốc không thể trỗi dậy thành công nếu quyền lực và lợi ích của quốc gia này bị cạnh tranh và bị chi phối bởi quyền lực Hoa Kỳ trong chính địa bàn của mình.
Thứ hai, cần phải hạ uy tín của Tổng thống Trump. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung được phát động bởi Tổng thống Trump đã tác động rất xấu lên đời sống chính trị – kinh tế của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc cần phải giải quyết vấn đề này và hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều có thể coi được là thời cơ vàng cho Trung Quốc đáp trả chính quyền Trump. Bởi nếu Tổng thống Trump thất bại trong ngoại giao với Chủ tịch Kim thì uy tín của Trump trong nội bộ chính giới Mỹ có thể bị suy yếu. Quyền lực của chính quyền Trump và các quyết sách ngoại giao chiến lược mang dấu ấn cá nhân của Trump do đó sẽ bị thách thức. Điều này sẽ khiến Trump khó có thể duy trì cuộc chiến tranh thương mại đối với Trung Quốc một cách lâu dài.
Thứ ba, hợp tác Mỹ – Triều nếu thành công sẽ là bước đệm giúp Bình Nhưỡng dần thoát khỏi tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh, và điều này cũng là một viễn cảnh không thuận lợi cho Trung Quốc. Người Trung Quốc đã đổ máu tại Bán đảo Triều Tiên để ngăn chặn sự xâm chiếm của người Mỹ và để giữ vững chế độ nhà Kim. Trung Quốc cũng đã đổ rất nhiều nguồn lực cho sự tồn tại và phát triển của quốc gia láng giềng phía Đông của mình trong hàng thập niên qua. Theo nhận định của tổng thống Trump thì 93% lượng hàng hóa của Triều Tiên đến từ Trung Quốc. Xét về địa chính trị, bán đảo Triều Tiên là một khu vực đặc biệt quan trọng đối với an ninh của Trung Quốc. Bên cạnh đó, xét theo mặt chiến lược thì Triều Tiên là một “đồng minh” duy nhất của Trung Quốc trong khu vực Đông Á. Do vậy, Trung Quốc sẽ không dễ dàng từ bỏ mối quan hệ đặc biệt của mình với Triều Tiên, đặc biệt là khi để cho quốc gia thân cận này tiến vào quỹ đạo ảnh hưởng của Hoa Kỳ – đối thủ trực tiếp của Trung Quốc trong bàn cờ chính trị khu vực.
Thứ tư, không phải Hà Nội mà hãy là Bắc Kinh. Việc điều phối các dàn xếp Mỹ – Triều tốt hơn hết nên có vai trò tham gia của Trung Quốc. Trong các câu trả lời của mình tại buổi họp báo tại Hà Nội ngày 28/2, tổng thống Trump đã nhấn mạnh rất nhiều vai trò của Trung Quốc trong các tiến trình song phương Mỹ – Triều. Tại cuộc họp giữa thứ trưởng Ri Kil Song và Ngoại trưởng Vương Nghị cũng vậy, hai bên cũng nhấn mạnh quan điểm, vai trò của Trung Quốc. Trung Quốc hiểu rằng thất bại tại Hà Nội sẽ khiến cả Washington và Bình Nhưỡng cần đến Bắc Kinh trong tương lai. Qua đó, Trung Quốc sẽ dùng lá bài này để khiến Mỹ phải nhượng bộ Trung Quốc nếu Mỹ muốn sớm có giải pháp trong vấn đề Triều Tiên. Đồng thời đây cũng là lá bài giúp cho Trung Quốc tác động lên chính quyền của chủ tịch Kim nhằm đảm bảo rằng mọi sự phát triển, cải cách của Triều Tiên đều nằm dưới sự giám sát của Trung Quốc.
Tóm lại, thất bại của Mỹ và Triều Tiên tại Hà Nội là điều khá bất ngờ. Cá tính mạnh của hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jong Un khiến việc không đạt được một tuyên bố chung là điều khó chấp nhận được. Cả hai đã đi một chặng đường dài tới Hà Nội, đi kèm theo đó là các hi vọng cải thiện quan hệ song phương đến từ hai phía. Vì vậy, sẽ rất khó để giải thích sự đổ vỡ tại Hà Nội nếu chỉ dựa vào phân tích lợi ích của riêng Mỹ và Triều Tiên. Mọi thứ có thể sáng tỏ hơn nếu ta bổ sung thêm góc nhìn về cuộc chơi nước lớn, chính trị cường quyền.
Suy cho cùng, khi Mỹ – Triều thất bại thì kẻ chiến thắng chính là Trung Quốc.