Đường hướng tương lai của quan hệ Trung-Mỹ (phần 3) – Ngụy Kinh Sinh – Lê Minh Nguyên dịch
Một số bạn nêu lên câu hỏi với sự kinh ngạc rằng Hoa Kỳ đang ở vị thế mạnh và Trung Quốc không có cơ hội để chiến thắng, thế thì tại sao họ lại cứ điều đình gần như là vô tận như vậy? Chỉ cần hạ gục Tập Cận Bình, như thế là dứt điểm được công việc phải không? -Nếu mọi thứ trên đời đơn giản như vậy, con người có thể đã sống lại thời kỳ con khỉ.
Nó giống như chơi cờ tuớng, nhìn vào thì có vẻ như là không có hy vọng, nhưng luôn có khả năng lật ngược thế cờ để biến thua thành thắng. Đã có những tiền lệ như thế cho quan hệ Trung-Mỹ trong quá khứ, và bây giờ Tập Cận Bình đang nắm lấy mộng tuởng này, cho con dê tế thần Lưu Hạc đàm phán không ngừng. Rồi chính ông ta sẽ đóng vai như là một anh hùng trước người dân TQ, và là nhà cái hai tầng (double dealer) để có thể chơi với sức mạnh của mình.
Hy vọng của Tập Cận Bình là gì? -Một là sự thiếu kinh nghiệm chính trị của Trump, như chúng ta đã có nói trước đây, và giống như lời chỉ trích của Đại sứ J. Stapleton Roy: quý vị không nên giải quyết các vấn đề quốc gia thông qua những cảm xúc cá nhân. TT Trump đã không từng đối phó với các vấn đề chính trị trong quá khứ, và ông điều hành công ty mà tự một mình ông có tiếng nói quyết định cuối cùng, nó hoàn toàn khác với cung cách điều hành một quốc gia, vì nơi đây ông có thể không có tiếng nói cuối cùng.
Cách làm việc không thể đoán trước được của ông Trump có thể làm cho ông là một doanh nhân hay. Nhưng khi là một chính trị gia, nó làm cho ông là một người không đáng tin cậy. Những bạn bè của bạn không biết làm sao để cộng tác với bạn; kẻ thù của bạn có thể dễ dàng tin rằng sự ngu ngốc của bạn có thể được lợi dụng. Tập Cận Bình không nhượng bộ nhưng cũng không rút lui, mà chỉ hy vọng rằng các cuộc đàm phán bất tận sẽ mang đến cơ hội tốt để lừa Trump vào bẫy, rồi chính cá nhân Trump đi tắt, cắt ngang các nhà đàm phán.
Bên cạnh cách làm không thể đoán trước, tôi tin rằng Đảng CSTQ cũng nhìn thấy điểm yếu sâu hơn của TT Trump. Đây có thể là điểm yếu mà giới truyền thông và các nhà quan sát hiếm khi nhìn thấy, đó là ông ta muốn nổi tiếng trong lịch sử. Là một doanh nhân thành đạt, ông ta đã có thể chuyển đổi thành một người nổi tiếng trong truyền hình. Từ đó ông phiêu lưu để được bầu làm tổng thống, cho thấy ông ta muốn nhiều hơn, ông ta muốn tên tuổi mình ở tầng lớp thật cao trong lịch sử.
Đây không phải là một điều xấu. Đây là động lực thâm sâu của nhiều chính trị gia vĩ đại dám làm cho mình trở nên vĩ đại. Tuy nhiên, xét đến việc Trump tại chức bị giới hạn bởi nhiệm kỳ, Tập Cận Bình có thể làm cho rắc rối hơn nhiều, chỉ cần bằng cách áp dụng các chiến thuật trì hoãn. Cuối cùng, người hạ Tập Cận Bình có thể không phải là chính ông Trump, mà là người kế nhiệm ông, có thể nhặt được nó với giá rẻ. Điều này thật khó để cưu mang cho tổng thống đầy tham vọng. Vậy làm gì đây?
Vừa khi bạn muốn ngủ, thì ai đó sẵn sàng đưa cho bạn một cái gối. Nếu không thể là người vĩ đại nhất, thì ít nhất cũng phải có thể vượt qua người tiền nhiệm của mình, TT Obama. Do đó, kế hoạch đề cử TT Trump cho Giải thưởng Nobel Hòa bình đã được thực hiện. Obama đã giành được giải thưởng này mà không làm gì cả, và nó khiến cho tất cả mọi người trên thế giới cảm thấy buồn cười. Không cần phải đoán rằng các thành viên của ủy ban chấm giải sẽ tâng bốc đại cường. Đối với một tổng thống tự coi mình là vĩ đại, thì việc nhận giải thuởng này không phải là quá khó khăn.
Thật ra, ở đây không phải là như vậy. TQ cũng là một đại cường, và có nhiều buôn bán với quốc gia Bắc Âu nhỏ bé (Na Uy) có nguy cơ bị TQ hủy bỏ bất cứ lúc nào. Và lý do của kế hoạch này (của Trump) để có được giải thưởng hòa bình là gì? Tất nhiên, đó là giải quyết vũ khí hạt nhân Bắc Hàn. Ai thực sự có thể kiểm soát thái độ của Kim Chính Ân? Tất nhiên, lại là TQ.
Đây là lý do tại sao TT Trump phải nắm quyền đàm phán, dù chưa nhất thiết là quyền quyết định cần nằm vào tay của chính ông. Địa điểm đàm phán có thể là ở TQ hoặc ở tư dinh của Trump. Điều này sẽ đảm bảo rằng nội dung cốt lõi của các cuộc đàm phán sẽ không được tiết lộ cho giới truyền thông báo chí. Và nó sẽ đảm bảo cho ông đạt được hai mục tiêu, giành được giải thưởng cho Tổng thống vĩ đại này và ít nhất là trở thành một Tổng thống vĩ đại hơn Obama. (Tập áp lực Bắc Hàn và áp lực Na Uy, giúp Trump trong giải Nobel, bù lại Trump ký thoả hiệp thương mại với Tập)
Khi bạn cộng thêm vào, là thực ra không có nhiều tổng thống Mỹ đã giành được giải thưởng Nobel Hòa bình. Bởi vì trước đây (2018) các thẩm phán chấm giải không muốn bị nghi ngờ, nhưng bây giờ (2019) thì họ không còn e ngại, vì cơ hội (thương thảo hoà bình Trump-Kim) là rất hiếm. Những người của Tập Cận Bình cũng đủ thông minh để có thể nắm bắt được cơ hội tốt này, bằng chỉ một động thái, để đánh bại vị tổng thống Mỹ đầy tham vọng và kém tài năng này.
Rồi sao nữa? Nhiều bạn háo hức muốn biết hậu quả. Rồi Tập Cận Bình thành công trong việc kéo dài ván cờ tuớng mà ông ấy đang thua, và rồi ông ta sẽ quật ngược lại. Các động thái khác của Tập Cận Bình sẽ bao gồm việc xé nát tất cả các thỏa thuận trước đó và rò rỉ nội dung của các cuộc đàm phán bí mật ra cho giới truyền thông, từ đó phá hủy danh tiếng của cả TT Trump và các định chế dân chủ. Tập sẽ đánh bại Trump, cũng như phá vỡ niềm tin của người dân TQ vào nền dân chủ. Một hòn đá, hai con chim. (tương tự như Putin đã và đang làm)
Cần phải công nhận rằng việc (Tập) sử dụng giải thưởng Nobel Hòa bình để quật lại trong cuộc chơi, thực sự là một bước đi hay. Và nhìn vào cơ chế dân chủ ở HK, liệu có một cú đánh ngoạn mục nào để xoay chuyển lại hay không?
Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) – Lê Minh Nguyên dịch