Tin Biển Đông – 23//02/2019
Trung Cộng kết thúc 34 ngày tập trận
phòng chiến tranh trên Biển Đông
Tin Việt Nam – Báo Tuổi Trẻ ngày 22 tháng 2 loan tin, quân đội Trung Cộng vừa kết thúc 34 ngày tập trận quy mô lớn với sự tham gia của nhiều lực lượng như hải quân, không quân, hỏa tiễn trên Biển Đông và khu vực ở phía tây, trung Thái Bình Dương.
Nhận định của giới quan sát quân sự Hồng Kong trên báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho rằng, quân đội Trung Cộng muốn thử nghiệm hệ thống điều khiển sẽ được sử dụng khi xảy ra chiến tranh, củng cố khả năng phòng vệ bằng hỏa tiễn trên Biển Đông qua cuộc tập trận vừa diễn ra.
Trong cuộc tập trận, Trung Cộng đã sử dụng nhiều loại chiến hạm mới nhất, và có đến 20 đợt tập trận khác nhau diễn ra trong 34 ngày. Các binh sĩ Trung Cộng đang chiếm đóng tại các quần đảo Hoàng Sa, và Trường Sa của Việt Nam cũng đã tham gia trong cuộc tập trận này.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng cho hay, lực lượng hỏa tiễn của Quân Trung Cộng muốn điều động cố định các hỏa tiễn phòng không HQ-9 và hỏa tiễn chống chiến hạm Y lên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vào ngày 15 tháng 2, tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, ông Ng Eng Hen, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore cho biết, Trung Cộng đã và đang xây dựng rất nhiều hạ tầng quân sự trên Biển Đông. Trung Cộng đã thiết lập một tuyến phòng thủ ở cách xa khoảng 800km so với bờ biển đại lục của Trung Cộng. Ông Hen cho biết thêm, vào cuối tháng 2, vòng đàm phán mới nhất về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Cộng và ASEAN sẽ diễn ra. Mục đích của đàm phán là để tránh các đối đầu quân sự nguy hiểm có thể xảy ra trên biển.
https://www.sbtn.tv/trung-cong-ket-thuc-34-ngay-tap-tran-phong-chien-tranh-tren-bien-dong/
Quanh việc USS McCampbell
tới Hoàng Sa và phản ứng của VN
Bình luận của chuyên gia Biển Đông quanh các ý kiến quốc tế về phản ứng của Việt Nam khi USS McCampbell neo đậu gần quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp, và tương lai của Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Việc Việt Nam lên tiếng về chủ quyền tại Hoàng Sa sau khi Mỹ đưa tàu khu trục USS McCampbell áp sát khu vực này hôm 7/1 đã thu hút nhiều bình luận quốc tế.
Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 9/1 một lần nữa khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trả lời BBC hôm 15/1, chuyên gia Biển Đông Hoàng Việt cho rằng Việt Nam hiện trở thành nước duy nhất cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, nhưng không phải chỉ chờ tới khi USS McCampbell tới Hoàng Sa như nhận định của một số nhà quan sát quốc tế.
Việt Nam ‘tranh thủ cơ hội’ để ủng hộ Mỹ?
Tờ SCMP viết rằng Việt Nam thường cố tỏ ra cân bằng trong quan hệ với cả Bắc Kinh và Washington, nhưng cơ hội mà USS McCampbell mang tới lại quá tốt để bỏ lỡ.
Hà Nội đã viện đến hoạt động tự do hàng hải mới nhất của Hoa Kỳ trên Biển Đông để không chỉ thể hiện sự ủng hộ đối với đồng minh phương Tây mà còn khẳng định các yêu sách về lãnh thổ của mình ở khu vực đang tranh chấp này, bài báo trên SCMP cho hay.
Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cao cấp của Rand Corporation, nói rằng trong khi tuyên bố này khá điển hình cho xu hướng ủng hộ Mỹ của Việt Nam trong các vấn đề như tự do hàng hải, thì việc nó được đưa ra thời điểm này rất đáng ngạc nhiên – khi mà mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên căng thẳng hơn.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales Việt Nam, thì bình luận trên SCMP rằng trong khi Hà Nội sử dụng sự cố USS McCampbell để lại lên tiếng về các yêu sách của mình ở Biển Đông, họ không muốn đối kháng hay chọc giận Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của mình.
‘Việt Nam ý thức vai trò của Mỹ trong tranh chấp Biển Đông’
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt nói với BBC rằng nếu chỉ dựa vào phát biểu của bà Lê Thị Thu Hằng thì khó có thể nhìn thấy Việt Nam có ủng hộ Mỹ trong việc mang tàu khu trục đến khu vực tranh chấp trên Biển Đông hay không.
Tuy nhiên, nếu dựa trên tình hình thực tế, Việt Nam luôn ý thức mình “sẽ ở vào thế vô cùng bất lợi nếu không có các cường quốc như Hoa Kỳ tham dự vào tranh chấp trên Biển Đông”.
“Như Hoa Kỳ tuyên bố, nước này không can thiệp vào chủ quyền của quốc gia nào mà chỉ quan tâm tới tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông. Việt Nam dường như ủng hộ quan điểm đó từ Hoa Kỳ chứ không ủng hộ hoạt động của tàu tuần tra đó,” ông Hoàng Việt nói.
“Nếu nhận định rằng Việt Nam nhân cơ hội McCampbell để tái khẳng định chủ quyền trên Biển Đông thì tôi cho rằng có thể họ đã không theo sát các phát biểu của Việt Nam. Cá nhân tôi cho rằng trong các vấn đề liên quan đến Biển Đông, đặc biệt khi có tầu tuần tra tới khu vực này, Việt Nam luôn lên tiếng khẳng định chủ quyền của mình.”
“Việt Nam cũng luôn nhắc đến bằng chứng pháp lý về chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều này đã được lặp đi lặp lại nhiều lần và không có gì đáng ngạc nhiên. Việt Nam không có đủ tiềm lực để so sánh ngang bằng với Trung Quốc nên luôn phải vận dụng tới luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Trong đó quy định tất cả quyền tài phán và quyền chủ quyền của mỗi quốc gia trên biển như thế nào.”
Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cũng cho rằng việc Việt Nam đưa ra tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông vào thời điểm quan hệ Mỹ-Trung đang căng thẳng không có ý nghĩa gì đặc biệt như một số nhà quan sát quốc tế nhận định.
“Tôi cho rằng việc đưa ra tuyên bố này chỉ để đáp lại việc Mỹ đưa tàu tuần tra vào khu vực Biển Đông và căng thẳng trong phát ngôn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến việc này. Lúc đó Việt Nam phải có tiếng nói.”
“Ông Carl Thayer nói rằng Việt Nam luôn nằm trong thế phải cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tôi cho rằng trong quan hệ với hai nước này, Việt Nam luôn phải đặt mối quan hệ với Trung Quốc lên hàng thứ nhất, bởi vì Việt Nam quan niệm muốn có phát triển thì phải có hòa bình. Muốn có hòa bình thì phải có quan hệ tốt đẹp với hàng xóm khổng lồ Trung Quốc.”
‘Việt Nam luôn cứng rắn đối với vấn đề Biển Đông’
Về nhận định Việt Nam lần đầu tiên tỏ ra cứng rắn hơn trong vấn đề Biển Đông, thể hiện qua các yêu sách đối với Trung Quốc trong dự thảo COC, ông Hoàng Việt cho rằng các nhà phân tích nước ngoài có thể “chưa hiểu hết nội tình của Việt Nam, cũng như không theo sát được tiến trình của Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông”.
“Với tư cách là một học giả Việt Nam theo sát các quá trình ra chính sách của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông, tôi cho rằng đây không phải là ‘lần đầu cứng rắn’ mà có thể chỉ là lần đầu tiên thế giới được biết thôi. Đây là quá trình của cả 10 nước ASEAN cùng Trung Quốc tham gia vào bản dự thảo COC. Theo quan sát của tôi từ năm 2009 tới nay Việt Nam vẫn luôn cứng rắn như vậy trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam luôn hòa hoãn với Trung Quốc nhưng không nhượng bộ trước các lợi ích của mình trên Biển Đông và lợi ích này phải tuân thủ luật quốc tế.”
“Như chúng ta biết, trước đây chỉ có hai quốc gia có quyền lợi trực tiếp trên Biển Đông đưa ra tiếng nói mạnh mẽ nhất đó là Việt Nam và Philippines. Tuy nhiên đến thời Tổng thống Rodrigo Duterte thì gió đã đổi chiều, khi nước này nhượng bộ nhiều trước Trung Quóc. Do đó hiện chỉ còn Việt Nam còn thể hiện quan điểm cứng rắn.
“‘Tương lai xa vời cho COC, nhưng ‘còn hi vọng’
Bàn về tương lai của COC trong bối cảnh Việt Nam hiện là nước duy nhất trong khối ASEAN lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, ông Hoàng Việt nói ‘xa vời nhưng còn hi vọng’.
“Theo phát biểu của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thì hi vọng trong ba năm tới có thể ra được bản COC, nhưng theo tôi điều này rất xa vời. Chúng ta không thể trông chờ trong vòng 5 – 10 năm tới có thể có được một cái COC. Do phía ASEAN hiện có sự khác biệt nhất định. Chúng ta trở lại trước, khoảng năm 2010, các học giả cho rằng 10 nước ASEAN phải chấp thuận bản COC sau đó mời Trung Quốc tham gia thì sẽ dễ hơn. Lúc đó có một bản dự thảo COC do Indonesia khởi thảo, đã được 10 nước ASEAN chấp thuận. Nhưng khi đưa ra Trung Quốc thì nước này không chịu. Do đó toàn bộ quá trình đàm phán COC được làm lại từ đầu. Vì vậy, mặc dù có sự phản đối từ một số quốc gia ASEAN có quan điểm khác biệt trong vấn đề COC, nhưng cản trở lớn nhất chính là từ phía Trung Quốc.”
“Với những yêu cầu cứng rắn của Việt Nam trong bản dự thảo COC thì tôi cho rằng Trung Quốc càng khó có thể chấp thuận trong thời gian này. Theo đó, Việt Nam đòi hỏi COC phải có ràng buộc mang tính pháp lý. Vì nếu không, nó chẳng khác gì Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) trước đây và nó không thể ngăn chặn được những xung đột tiềm tàng trong khu vực này.”
“Việt Nam cũng yêu cầu COC phải cấm các hoạt động mà Trung Quốc hiện đang tiến hành, như bồi lấp đảo nhân tạo, quân sự hóa, và nhận diện khu vực phòng không trên Biển Đông. Những yêu cầu này đụng tới quyền lợi, tham vọng của Trung Quốc. Vì vậy họ không dễ chấp nhận. Có lẽ phải đợi đến khi nào Trung Quốc bị cộng đồng quốc tế buộc vào cái thế phải chấp nhận thì họ mới chấp nhận còn hiện tại thì không, khi thế và lực của họ còn rất mạnh.”
“Chúng ta vẫn cứ nên lạc quan. Hãy nhìn lại 2017 là năm rất bi quan khi Hoa Kỳ có những vấn đề nội bộ, khi Tổng thống Trump lên nằm quyền và rút khỏi trật tự đa phương và để ngỏ cơ hội cho Trung Quốc trỗi dậy, vấn đề Biển Đông lúc đó còn u tối hơn bây giờ. Sau đó, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung cho thấy Trung Quốc đã có những suy giảm phần nào, và điều đó tác động phần nào đến thái độ của Trung Quốc. Có lẽ nhờ vậy, Trung Quốc dịu giọng hơn trong vấn đề Biển Đông và đã xúc tiến việc ngồi lại với ASEAN để tìm kiếm các giải pháp cho COC.”
“Nhưng tôi nghĩ rằng cũng sẽ đến lúc Trung Quốc phải chấp nhận COC. Dù vì lý do kinh tế mà nhiều quốc gia phải ngả theo Trung Quốc, thế giới giờ đã cảnh giác hơn rất nhiều với cường quốc này. Thái độ của họ cũng thay đổi nhiều. Cứ theo đà thế này thì sẽ đến lúc cộng đồng quốc tế gây sức ép để Trung Quốc phải tuân thủ luật chơi. Chỉ có điều nó sẽ không đến dễ dàng và nhanh chóng.”
“Người ta cũng cho rằng bản thân Trung Quốc cũng muốn ra COC bởi họ muốn ngăn chặn các quốc gia khác cũng xây đảo nhân tạo và trang bị quân sự trên Biển Đông giống mình.”