Tin Việt Nam – 22/02/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 22/02/2019

‘Đụng’ đến cựu ủy viên Bộ Chính trị,

báo mạng bị đình chỉ 3 tháng

Hôm 22/2, báo điện tử Người Tiêu Dùng buộc phải cải chính, xin lỗi, nộp phạt 65 triệu đồng và đình bản 3 tháng vì đưa “thông tin sai sự thật” trong một bài báo nêu đích danh ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân, cựu lãnh đạo của Tp. Hồ Chí Minh.

Chiều 22-2, Bộ Thông tin và truyền thông cho biết Cục Báo chí của bộ đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với báo điện tử Người Tiêu Dùng (NTD), do báo này ‘có nhiều sai phạm trong hoạt động báo chí’.

Một quyết định của Cục Báo chí nói bài viết “Nhiều cấp dưới bị bắt giam và bị kỷ luật nặng, bao giờ ông Lê Thanh Hải và Lê Hoàng Quân ‘vào lò’?” đăng trên báo điện tử Người Tiêu Dùng số ra tháng 12/2018 “nêu nội dung thông tin lấp liếm” việc giao đất cho 51 dự án phân lô bán nền ngay tại khu tái định cư, và lấn ranh của người dân không thuộc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Báo NTD khi ấy viết: “Ít nhất đến lúc này, ông Lê Hoàng Quân và nhất là ông Lê Thanh Hải đã có dấu hiệu của việc “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “cố ý làm trái gây thiệt hại hết sức nghiêm trọng.”

Ông Lê Thanh Hải nguyên là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí Thư Thành ủy, ông Lê Hoàng Quân nguyên là Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí Thư Thành ủy, và Chủ tịch UBND thành phố.

Báo Người Lao động trích lời Cục Báo chí cho rằng báo NTD đã “quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án, sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng.”

Vào tháng 7 năm ngoái, Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam cũng ra quyết định đình bản Tuổi Trẻ Online trong thời gian ba tháng và xử phạt tờ báo này 220 triệu đồng do đưa thông tin sai sự thật về phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong bài viết có tựa “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình.”

https://www.voatiengviet.com/a/dung-den-cuu-uy-vien-bo-chinh-tri-bao-mang-bi-dinh-chi-3-thang/4799975.html

 

Vụ án Điện Biên:

Mẹ Cao Mỹ Duyên ủng hộ khen thưởng công an

Mẹ nạn nhân vụ án cô gái trẻ bị giết thảm ở Điện Biên nói không phản đối việc công an được khen thưởng nhưng bà cũng chia sẻ về sự mệt mỏi do mạng xã hội gây ra sau vụ án.

Bà Trần Thị Hiền, mẹ của cô gái trẻ xấu số nói với phóng viên Thùy Linh của BBC từ Bangkok rằng việc thưởng là để động viên, khuyến khích việc điều tra.

Trước đó, hôm 18/2, lãnh đạo tỉnh Điện Biên quyết định khen thưởng cho 14 cá nhân thuộc Công an tỉnh Điện Biên và Bộ Công an, cho mỗi tập thể gần 3 triệu, mỗi cá nhân hơn 1 triệu.

Quyết định khen thưởng gây ra nhiều tranh cãi dư luận xã hội, với nhiều người cho rằng việc khen thưởng khi vụ án vẫn chưa kết thúc và gia đình vẫn còn đau buồn trước cái chết của cô gái trẻ là không nên.

Trên báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, cũng đăng nhiều bài viết nêu quan điểm không đồng tình với việc khen thưởng.

Gia đình nói gì?

Trước những ồn ào dư luận, BBC đã tìm cách liên hệ với gia đình nạn nhân Cao Mỹ Duyên để lắng nghe tâm tư chia sẻ của người trong cuộc.

“Công an cũng giúp đỡ nhiệt tình, từ bữa đó đến nay họ cũng mất ăn mất ngủ, thì cũng như gia đình thôi, chứ người ta cũng chẳng phải sung sướng gì cả,” bà Hiền nói qua điện thoại hôm 20/2.

“Và công an thưởng thế thì thưởng 1 triệu, và mấy đồng bạc còm cõi nó chẳng là gì cả. Thế nhưng mà theo cô, thưởng cho anh em để người ta có tinh thần phấn đấu, để người ta vẫn tiếp tục cuộc tìm kiếm, điều tra. Vậy mà cộng đồng mạng lại lên chửi rủa như thế.”

Về việc công an khai quật thi thể con gái bà, bà Hiền nói gia đình tìm hiểu xem có buộc phải tiến hành khai quật hay không rồi mới đồng ý.

“Không khai quật lên thì không tìm được hung thủ thì phải chấp nhận thôi.”

Bà Hiền cũng cho biết nhiều ngày qua gia đình đã đau buồn về sự ra đi của con gái, nhưng thêm mệt mỏi vì những thông tin trái chiều trên dư luận mạng xã hội.

“Trước thì nói xấu gia đình và giờ thì nói xấu công an… Cộng đồng mạng ác lắm, bảo cô khoe của, họ bảo cô giết em, bảo mẹ thuê người giết con, rồi bảo cô nó đòi tiền chuộc mà cô không trả nên nó giết con.”

Bà Hiền nói rằng bà tin 90% người trên Facebook là “người tốt”, và có 10% là “dạng đục nước béo cò”.

“Lúc gia đình người ta đau khổ như thế, công an đang trong quá trình điều, chưa kết luận gì thì ở ngoài đã nói loạn tung bay lên rồi,” bà nói thêm.

Dư luận, nhà quan sát nói gì?

Hôm 21/2, BBC News Tiếng Việt tại Bangkok đã mở thảo luận chủ đề này qua mạng cùng nhà nghiên cứu xã hội học Khuất Thu Hồng và bác sĩ Phan Đình Hiệp.

Về vụ việc, tiến sĩ Khuất Thu Hồng nói “đau xót, căm phẫn, bức xúc và xấu hổ về cái chết của cô gái ở Điện Biên”.

“Những vụ bạo lực và xâm hại tình dục ở VN không phải là hiếm.”

“Công an đã lấy việc khen thưởng cho đội phá án đặt lên bàn cân đối với sự đau xót của nạn nhân trong vụ án của cô gái ở Điện Biên, và việc khen thưởng như vậy là không thỏa đáng,” bác sĩ Phan Đình Hiệp nói với Bàn tròn BBC do nhà báo Thùy Linh dẫn chương trình.

Ông Phan Đình Hiệp nói trong một vụ tương tự xảy ra gần đây ở Úc, người dân Úc đã rất tự giác, tự phát có các hành động chia sẻ, thương cảm và tôn trọng với gia đình nạn nhân bị hiếp, bị giết

Ông Phan Đình Hiệp nói phía công an nói rằng đây là một vụ án tinh vi, công tác điều tra khó khăn, nhưng những bằng chứng cho thấy những kẻ phạm tội chỉ là những kẻ ‘non tay’, trong lúc việc điều tra của công an tỏ ra chưa đủ nhanh, chưa đủ hiệu quả.

“Khen thưởng thường chỉ dành cho việc cứu được người, và cái án chưa được kết nên chưa biết vụ án như thế nào. Nên việc khen thưởng nếu có ‘đúng quy trình’ vẫn không hợp lý trong vụ này,” ông Hiệp nói thêm.

Phía công an Điện Biên nói gì?

Trước phản ứng của dư luận, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên ông Tràng A Tủa lý giải như sau với VTC News:

“Đây là vụ án cực kỳ phức tạp, hung thủ có thủ đoạn che giấu hành vi rất kĩ, mọi tang chứng, vật chứng đều bị phi tang mỗi thứ một nơi.”

Ông Tủa cho biết hung thủ dùng sim rác và gọi xong là phi tang hết nên gây rất nhiều khó khăn cho công tác điều tra.

Ông cũng cho rằng chị Duyên bị giam giữ trên xe mà không phải ở trong nhà nên việc tìm kiếm không đơn giản.

Nghi phạm Vương Văn Hùng không có hộ khẩu thường trú tại địa phương và thường hay lang thang nên cơ quan chức năng phải khoanh vùng hàng trăm kẻ tình nghi để sàng lọc, tìm ra hung thủ.

Còn về việc khen thưởng, ông Tủa nói: “Dù dư luận nói thế nào, thì trách nhiệm của công an là luôn làm hết mình để không bỏ lọt hung thủ”.

Thông tin mới nhất về vụ việc

Đến thời điểm này, công an đã khởi tố, bắt tạm giam năm đối tượng nghi đã hãm hiếp, sát hại sinh viên 22 tuổi Cao Mỹ Duyên.

Theo thông tin ban đầu, tối ngày 4/2, tức 30 Tết, cô Duyên đi xe máy giao 13 con gà cho một người khách, nhưng sau đó mất tích. Gia đình sau khi không liên lạc được, đã báo công an và cử người đi tìm.

Sáng ngày 6/2, người dân phát hiện ra chiếc xe máy của Cao Mỹ Duyên và đến sáng 7/2, thì người dân tìm ra thi thể của nạn nhân ở một ngôi nhà hoang.

Đến sáng 10/2, công an bắt tạm giam và khởi tố Vương Văn Hùng. Sau đó đến ngày 12/2, 15/2 lần lượt bắt thêm 4 đối tượng Bùi Văn Công, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47327688

 

Sông Mekong, có phải ngày tàn đã đến?

Kính Hòa RFA

Lại thêm một quyển sách nữa về sông Mekong được xuất bản. Lần này là quyển Last Days of The Mighty Mekong, tạm dịch: Những ngày cuối của Mekong vĩ đại. Tác giả là ông Brian Eyler, một nhà nghiên cứu người Mỹ có nhiều năm làm việc tại vùng Vân Nam, Trung Quốc, đồng thời ông cũng có nhiều chuyến làm việc tại các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam.

Loạt bài sau đây xin điểm lại khái quát những đe dọa mà con sông lớn hàng thứ sáu trên thế giới đang phải hứng chịu, đặc biệt là những gì liên quan đến Việt Nam.

Bài thứ nhất viết về những tổn hại vật chất, môi trường của con sông này.

Bài thứ hai sẽ nói về những xáo trộn xã hội văn hóa lớn đang diễn ra tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, và bài cuối sẽ nói về những xung đột, can thiệp quyền lực để thống trị con sông này.

Sông Mekong, những ngày tàn lụi!?

Sông Mekong dài hơn 4300 cây số, xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, và đổ ra Biển Đông. Con sông này tạo nên Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam.

Có ba nguồn lợi lớn nhất mà con sông này đem lại cho cư dân sống trong lưu vực của nó:

Tiềm năng thủy điện ở thượng nguồn và vùng trung lưu thuộc các quốc gia Trung Quốc, Lào.

Cung cấp cá nước ngọt cho cư dân Lào, Cam Pu Chia, Thái Lan, Việt Nam.

Cung cấp phù sa cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực sản xuất lúa gạo cây trái lớn nhất Việt Nam.

Các đập đó sẽ giữ lại phần lớn phù sa và bùn cát ở thượng nguồn, không đi về phía hạ lưu được, làm thay đổi về mặt dòng chảy và một phần làm ảnh hưởng đến nguồn cá và các hệ sinh thái.

-Tiến sĩ Lê Anh Tuấn.

Điều trớ trêu ở đây chính là nguồn lợi thứ nhất, tiềm năng thủy điện, là nguyên nhân chính đưa đến việc hủy hoại hai nguồn lợi tiếp theo, và qua đó dẫn tới lời cảnh báo như tựa đề của quyển sách The Last Days of The Mighty Mekong của ông Brian Eyler.

Theo số liệu của ông Eyler, hiện nay trên đoạn sông Mekong chảy qua Trung Quốc, còn có tên gọi là Lan Thương, có tất cả sáu con đập khổng lồ đang hoạt động trong tổng số 19 con đập lớn nhỏ được hoạch định, và theo lời ông Eyler trong buổi ra mắt cuốn sách này tại thủ đô Hoa Kỳ hôm 19/2/2019, những con đập này ngăn cản đến một nửa lượng phù sa đổ về hạ nguồn.

Xuôi xuống vùng trung lưu thuộc nước Lào, những con đập khổng lồ cũng đã và đang được xây dựng, gây nên những tranh cãi giữa Lào với hai nước hạ lưu là Cam Pu Chia và Việt Nam, khi Lào tiến hành xây những con đập lớn là Pak Beng, Don Sahong, Xayaburi.

Những con đập vùng trung lưu sông Mekong đang đe dọa hủy diệt nguồn thủy sản của con sông này vì chặn mất dường di chuyển của các loài cá kiến chúng bị diệt vong. Nguồn thủy sản sông Mekong là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho cư dân dọc hai bờ sông từ Lào, sang Cam Pu Chia cho đến Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, làm việc tại Trung tâm biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ nói với Đài RFA về dự án Pak Beng:

“Hầu hết các chuyên gia lo ngại là các đập đó sẽ giữ lại phần lớn phù sa và bùn cát ở thượng nguồn, không đi về phía hạ lưu được, làm thay đổi về mặt dòng chảy và một phần làm ảnh hưởng đến nguồn cá và các hệ sinh thái…Có nhiều vấn đề lắm. Tại vì dự án này không đánh giá đầy đủ qua những tác động của nó lên vùng hạ lưu, rất mờ nhạt. Do đó, hầu hết chuyên gia đều phản bác dự án này.”

Ngoài lượng phù sa bị chận lại, nước cũng bị các con đập ở thượng nguồn giữ lại, và đây là một trong những nguyên nhân chính được cho là đã gây nên trận hạn hán lịch sử mùa khô 2015-2016 tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Lượng phù sa, bùn cát bị giữ lại, cộng với việc khai thác cát ồ ạt cho nhu cầu phát triển kinh tế gây ra một tai ương khác là nạn xói lở tại Đồng bằng Sông Cửu Long.

Một chuyên gia về sông Cửu Long là Tiến sĩ Dương Văn Ni, từ Cần Thơ, nói với đài RFA:

Mấy năm gần đây, do nhu cầu phát triển của khu vực, từ Lào. Thái Lan, qua Cam Pu Chia, qua Việt Nam, bùng nổ, quá lớn. Quốc gia nào cũng tranh thủ khai thác cát. Khi mùa lũ tới, dòng nước không còn cát cản để tiêu hao năng lượng, bèn xói vô bờ làm lở bờ sông.”

Việc xói lở bờ sông Cửu long tại Việt Nam đã trở thành một hiện tượng thường xuyên, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn của cư dân ở đây.

Ngoài những nguyên nhân mà người Việt Nam không chủ động chế ngư được như những con đập trên thượng nguồn, còn có những nguyên nhân do chính họ tạo ra đã góp phần gây nên cái mà ông Brian Eyler gọi là Đồng bằng Cửu Long lụi tàn, Whither the Mekong Delta.

Đầu tiên phải kể đến việc đắp đê bao ngăn nước lũ, trái với qui luật tự nhiên của vùng đất này để có thể có thêm vụ lúa thứ ba trong năm. Điều này dẫn đến chuyện đất bị bạc màu do không tiếp xúc với nước lũ hàng năm. Sau nhiều lần cảnh báo, nhiều khu vực tại đồng bằng Cửu Long bắt đầu phá bỏ đê bao. Tiến sĩ nông học Võ Tòng Xuân, từ Cần Thơ nói với RFA:

Quốc gia nào cũng tranh thủ khai thác cát. Khi mùa lũ tới, dòng nước không còn cát cản để tiêu hao năng lượng, bèn xói vô bờ làm lở bờ sông.

-Tiến sĩ Dương Văn Ni.

“Mình phải biết làm kinh tế, chứ mấy ông lãnh đạo cứ đè dân xuống cho họ làm ra thêm lúa để được thăng quan tiến chức. Bỏ đê bao đi mình làm hai vụ, vụ kia để cho phù sa vào mình nuôi trồng thủy sản trong vụ mùa mưa.”

Tuy nhiên việc làm muộn màng này theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, lại một lần nữa làm xáo trộn cuộc sống của người dân vùng đồng bằng.

Do thiếu nước ngọt vì các đập giữ lại trên thượng nguồn, đối diện với nhu cầu dân số tăng lên, người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã phải tăng cường việc khai thác nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm này đã vượt quá sự bổ sung nước một cách tự nhiên của lòng đất, tạo nên những chổ rỗng, làm cho đồng bằng bị sụt lút. Theo con số mà ông Brian Eyler đưa ra trong quyển sách của mình, trong 25 năm qua Đồng bằng Sông Cửu Long sụt xuống trung bình 18cm, có nơi Sóc Trăng, Bạc Liêu đến 30cm.

Thiếu nước ngọt ở bề mặt, sụt lún do khai thác nước ngầm, cộng với hiện tượng nước biển dâng lên trên toàn cầu, làm cho nước biển tràn vào gây nên nhiễm mặn trầm trọng. Tất cả những điều này, theo ông Eyler đã biến Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành một vùng châu thổ đứng hàng thứ ba trên thế giới về mức độ dễ thương tổn, có thể làm biến mất vựa lúa lớn nhất của đất nước, công trình khai phá hàng trăm năm nay của người Việt Nam.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mekong-the-last-days-02212019114540.html

 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể:

cao tốc sụt lún vì kinh phí ít

Kinh phí ít, không áp dụng công nghệ hiện đại là nguyên nhân vì sao một số đường cao tốc ở Việt Nam vừa đưa vào sử dụng đã bị sụt lún, thấm dột.

Đây là phát biểu của Ông Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Nguyễn Văn Thể nói với truyền thông trong nước bên lề Hội nghị triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía đông, giai đoạn 2017-2020 diễn ra tại Thành phố Nha Trang ngày 21/2.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, chất lượng kỹ thuật là yêu cầu quan trọng nhất khi xây dựng cao tốc. Tuy nhiên khi kinh phí không đủ thì dự án không thể áp dụng công nghệ, giải pháp thi công hiện đại. Vì vậy phải xây dựng theo kiểu truyền thống nên chất lượng sẽ gặp rủi ro.

Cũng trong buổi hội nghị, khi phát biểu về tuyến cao tốc Bắc – Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết chính phủ Việt Nam quyết tâm thực hiện tuyến đường trọng điểm kết nối hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh, không để việc giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng tiến độ dự án.

Ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng cho biết vì đây là dự án trọng điểm quốc gia nên sẽ được áp dụng công nghệ, giải pháp hiện đại để thi công, và sẽ tiến hành đấu thầu quốc tế để chọn ra nhà thầu trước cuối năm 2019. Bên cạnh đó, Bộ Giao thông – Vận tải sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng khi dự án được triển khai.

Cao tốc Bắc – Nam với tổng chiều dài khoảng hơn 2.100 km, đi qua 32 tỉnh thành và được đầu tư theo 3 giai đoạn: 2017-2020, 2021-2025, và sau 2025.

Hiện tại, chính phủ sẽ đầu tư trước 11 dự án trên tuyến cao tốc Bắc – Nam với chiều dài 654 km, đi qua 13 tỉnh, với mức đầu tư gần 119.000 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án được ngân sách nhà nước đầu tư, 8 dự án còn lại theo hình thức PPP (hợp đồng đầu tư giữa nhà nước và doanh nghiệp để xây dựng).

Nhiệm vụ hiện nay là cần tập trung hoàn thiện thiết kế kỹ thuật, thúc đẩy tiến độ giải phóng mặt bằng, và lựa chọn nhà thầu.

Bộ Giao thông – Vận tải báo cáo trong hội nghị cho biết ngân sách nhà nước đã bố trí sẵn sàng hơn 14.000 tỷ đồng cho dự án này và sẽ bàn giao ngay cho các địa phương sau khi hoàn tất công tác kiểm kê giải phóng mặt bằng.

Còn theo Ông Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các bộ ngành liên quan và các địa phương cần phải sẵn sàng phối hợp để cùng thực hiện cao tốc Bắc – Nam, dự án có tầm quan trọng đối với sự phát triển kinh tế đất nước.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/high-speed-subsidence-because-of-little-funding-02222019074459.html

 

Thanh tra việc mua bán 10 cơ sở đất “vàng” ở Đà Nẵng

Tổng Thanh tra Chính phủ Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an điều tra, xác minh việc mua bán 10 cơ sở nhà đất ở Đà Nẵng mà cơ quan này chuyển hồ sơ, tài liệu từ tháng 10/2018. Đặc biệt trong những cơ sở này có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm, cựu thượng tá Công an.

Truyền thông trong nước trích dẫn kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết, từ năm 2010-2016, Đà Nẵng đã thực hiện việc chuyển đổi 52 cơ sở nhà đất thuộc thành phố quản lý sang mục đích khác. Cụ thể, bán lại cho bên đang thuê 31 cơ sở, bán đấu giá 8 cơ sở, bán trực tiếp không thông qua đấu giá 8 cơ sở; cho thuê, giao đất 50 năm và hoán đổi 5 cơ sở.

Thanh tra Chính phủ kết luận trong 52 cơ sở nhà đất được bán, chuyển đổi mục đích sử dụng khác có 8 cơ sở nhà đất bên thuê không mua thông qua hình thức đấu giá liên quan đến ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) nên Thanh tra đã chuyển hồ sơ, tài liệu và kết quả xác minh ban đầu sang Bộ Công an để tiếp tục làm rõ.

Đáng chú ý là 10 cơ sở đất “vàng”: Công ty Cổ phần Lương thực Đà Nẵng và Công ty Cổ phần Thương mại- Dịch vụ Đà Nẵng được mua 5 cơ sở nhà đất; Công ty Cổ phần Công Nghệ Phẩm Đà Nẵng được mua 3 cơ sở nhà đất; Công ty TNHH Minh Hưng Phát và Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Gia Phúc được mua 2 cơ sở nhà đất.

Trong 10 cơ sở đất “vàng” trên có 4 cơ sở nhà đất theo quy định phải tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất, nhưng UBND TP Đà Nẵng lại ký hợp đồng cho thuê và ngay sau đó làm thủ tục bán lại cho bên thuê (Công ty TNHH Minh Hưng Phát đối với cơ sở nhà đất số 47 Nguyễn Thái Học và số 2 Hải Phòng; Công ty Cổ phần đầu tư Nhất Gia Phúc với cơ sở nhà đất số 39 Pasteur và số 73 Nguyễn Thái Học).

Thanh tra kết luận việc UBND TP Đà Nẵng bán 4 cơ sở nhà đất cho bên đang thuê không thông qua hình thức đấu giá là vi phạm Điều 58 Luật Đất đai 2003, Điều 61 Nghị định 181/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Điều 7 Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước.

Xin được nhắc lại, ông Phan Văn Anh Vũ hay Vũ ‘Nhôm’ từng là thượng tá Công an. Ông bỏ trốn sang Singapore nhưng bị nước này trục xuất về Việt Nam hồi đầu năm ngoái. Sau đó ông Phan Văn Anh Vũ bị tòa án Việt Nam tuyên 8 năm tù về tội ‘cố ý làm lộ bí mật nhà nước’ và sau đó thêm 17 năm tù về tội ‘lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.’

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/gov-inspectorate-propose-investigate-the-purchase-of-10-gold-land-in-danang-02222019074208.html

 

Thuyết phục chính quyền CSVN giữ lại di sản Sài Gòn xưa

Tin Saigon –  Báo Tuổi Trẻ ngày 21 tháng 2 loan tin, Trung tâm nghiên cứu kiến trúc, thuộc Sở Quy hoạch- Kiến trúc tại Sài Gòn đã tổ chức thảo luận với tên gọi “Sài Gòn phố,” với mục đích tìm cách giữ lại những di sản của Sài Gòn xưa trước thực tế các di sản đã và đang bị phá hủy mạnh mẽ đến mức sắp bị biến mất hoàn toàn.

Nhà nghiên cứu Trần Hữu Phúc Tiến cho rằng, nhiều công trình kiến trúc mang tính biểu tượng tại Sài Gòn đã từng được người Pháp giới thiệu ra thế giới từ những năm đầu thế kỷ 20, bằng cách in hình lên bưu thiếp. Có những công trình di sản vừa giàu tài nguyên về lịch sử, vừa giàu tài nguyên về du lịch nhưng vẫn chưa được nhà cầm quyền CSVN coi trọng đúng mức, và chưa có kế hoạch để bảo tồn. Đơn cử như đoạn từ ngã tư Đinh Tiên Hoàng – Tôn Đức Thắng đến cột cờ Thủ Ngữ, hai bên bờ sông Sài Gòn, hoặc khu vực chợ Bến Thành và nhà hỏa xa.

Kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp nói, nhiều người có thẩm quyền vì không hiểu lịch sử tường tận nên đã phá bỏ các di tích, các công trình có giá trị bảo tồn.

Với mong muốn bảo tồn di sản Sài Gòn, ông Monty Tejam, kiến trúc sư người Singapore đã đưa ra lý do bằng cách lấy ví dụ về các nước trên thế giới như Na Uy, Úc, Thụy Điển, Mỹ… Những nước này đã tạo thêm được nhiều việc làm cho người dân khi bảo tồn tốt các di sản lịch sử. Việc này cũng thu hút khách du lịch nhiều hơn. Và ông Monty Tejam kết luận, bảo tồn di sản mang lại lợi ích rất lớn.

Tuy nhiên phía nhà cầm quyền CSVN thì quyết phá bỏ những di tích này để xây dựng những kiến trúc mới mang giá trị XHCN.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/thuyet-phuc-nha-cam-quyen-csvn-giu-lai-di-san-cua-sai-gon-xua/

 

CSVN không thể kiểm soát và ngăn chặn hàng hóa Trung Cộng

Tin Việt Nam –  Báo Tuổi Trẻ ngày 20 tháng 2 loan tin, ông Trần Hữu Linh, trưởng cơ quan Quản lý thị trường, thuộc bộ Công thương CSVN cho rằng, tình trạng hàng tiêu dùng của Trung Cộng giả mạo xuất xứ hàng Việt Nam để đưa ra thị trường trong nước tiêu thụ đang rất phức tạp, và để ngăn chặn, giải quyết việc này là việc làm rất khó đối với bộ Công thương.

Ông Linh giải thích, các công ty Trung Cộng luôn tìm cách đẩy mạnh các loại hàng hóa chất lượng thấp, giá rẻ, không bảo đảm an toàn của họ vào Việt Nam. Để làm được việc này, phía Trung Cộng đã dùng thủ đoạn giả mạo bao bì, nhãn mác, xuất xứ ghi là hàng Việt Nam, thậm chí là giả các thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam. Việc làm của các công ty Trung Cộng gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng  đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các công ty Việt Nam.

Hiện tại, các mặt hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam của Trung Cộng đang rất phổ biến trên thị trường, như các loại thực phẩm, đồ gia dụng, đồ chơi trẻ em, thiết bị giáo dục, và rất nhiều các loại mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày khác. Dù biết các hành vi trên, nhưng cơ quan công quyền CSVN dường như đang bất lực trong vấn đề giải quyết, vì không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ, nên không xác định được vi phạm. Nếu không bắt được quả tang, hoặc giám định chất thì cũng khó phát hiện vi phạm. Thậm chí có những mặt hàng, cơ quan chỉ phân biệt được qua cảm quan, kinh nghiệm cá nhân nên không thể có chứng cứ xác định vi phạm.

Vì vậy, người Việt Nam buộc phải sống chung với hàng kém an toàn và hàng giả mạo của Trung Cộng.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/nha-cam-quyen-csvn-khong-the-kiem-soat-va-ngan-chan-hang-hoa-cua-trung-cong/

 

Việt Nam thắt chặt an ninh tại biên giới

trước chuyến thăm của Kim Jong Un

Tin Đồng Đăng, Việt Nam – Theo bản tin từ Reuters, công an CSVN đang tăng cường kiểm soát an ninh tại ga xe lửa ở gần biên giới với Trung Cộng, nơi Chủ tịch Bắc Hàn Kim Jong Un dự kiến sẽ đến bằng xe lửa vào tuần tới để tham dự hội nghị với Tổng thống Donald Trump tại Hà Nội vào ngày 27 và 28 tháng 2. Đoàn xe lửa của ông Kim sẽ ngừng tại nhà ga Đồng Đăng, từ đây, ông Kim sẽ vượt qua quãng đường 170 cây số bằng xe hơi để đến Hà Nội.

Hãng Reuters dẫn lời một nhân chứng cho biết, các công nhân xây dựng đang vội vã tu sửa lại nhà ga Đồng Đăng vào thứ Năm (21 tháng 2). Nhiều chậu hoa được đặt dọc theo sân ga, nơi có vẻ như mới vừa được tẩy rửa. Nhiều công an CSVN mặc thường phục cũng giám sát khu vực và có 2 người đã đến ngăn cản nhân viên quay phim của Reuters ghi hình. Hai công an sau đó chạy xe máy bám theo đoàn ghi hình của Reuters, trong khi một số công an khác quan sát họ từ xe hơi.

Một viên chức địa phương cho biết họ đã nhận được lệnh từ chính quyền tỉnh yêu cầu dọn dẹp nhà ga, để chuẩn bị cho khả năng một sự kiện quan trọng có thể diễn ra tại đây. Mỗi ngày, nhà ga Đồng Đăng có 2 đoàn xe lửa chạy qua, thường là chở hàng hóa đến hoặc đi từ Trung Cộng.

Xe lửa là phương tiện giao thông được ưa chuộng bởi các thế hệ lãnh đạo Bắc Hàn, từ thời ông nội của Kim Jong Un là ông Kim Il Sung đến nay. Tuy nhiên, đoàn xe lửa bọc thép nặng nề của Kim Jong Un có thể gây vấn đề lớn cho mạng lưới đường sắt cũ kỹ của Việt Nam vốn có từ thời thuộc địa. Trong năm nay, tại Việt Nam đã xảy ra 4 vụ xe lửa trật đường rầy, theo Bộ Giao thông CSVN cho biết vào hôm thứ Năm. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/viet-nam-that-chat-an-ninh-tai-bien-gioi-truoc-chuyen-tham-cua-kim-jong-un/

 

Lo Hoa Vi Di Hoạ Cho VN

Đài VOA của Mỹ ngày 14/02/2019 cho biết, dẫn nguồn tin từ truyền thông Nhựt, Huawei (Hoa Vi) của Trung Quốc đang nhắm tới việc cung cấp hạ tầng công nghệ mạng không dây thế hệ thứ năm (5G) cho VNCS. Trong khi đó Hoa Vi đang bị Hoa Kỳ “tẩy chay” và một số nước ở Tây Âu, Bắc Mỹ và Úc Châu cấm cửa. Lý do, nghi Hoa Vi làm gián điệp cho TC.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 11/2 khuyến cáo các đồng minh của Hoa Kỳ không lắp đặt trên lãnh thổ của mình các thiết bị của tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, theo Reuters dẫn lời ông Pompeo nói rằng nếu họ không làm vậy, nó sẽ làm phức tạp mối quan hệ với Mỹ.

Nhưng Ô. Fine Fan [tên tiếng Việt là Phạm Quân], Giám đốc Điều hành Huawei tại Việt Nam, ăn cơm Chúa phải múa tối ngày, phải binh vực cho công ty Hoa Vi. Ông trả lời phỏng vấn cùa tờ báo Nhựt Nikkei, Ông “tự tin [Hoa Vi] sẽ tăng trưởng tại Việt Nam.”…“Thiết bị của chúng tôi không có đối thủ về chất lượng cũng như giá bán tại Việt Nam. Huawei mang lại công nghệ và giải pháp tốt hơn, ngoài ra còn có hỗ trợ về tài chính để các nhà mạng Việt Nam khai triển 5G.

Tờ báo Nhật hôm 14/2 còn chưa biết rằng công ty Huawei, đã có mặt tại Việt Nam trong 20 năm qua, đang đàm phán với các đối tác ở Việt Nam để thử nghiệm mạng 5G trong năm nay. Trang Zing.vn nói hiện chưa rõ hãng viễn thông nào sẽ “thắng thầu” cung cấp hạ tầng 5G cho các nhà mạng Việt Nam, nhưng Huawei được cho là cái tên “tiềm năng” bên cạnh Ericsson, Nokia hay Samsung.

Ông Fan cho biết hiện Huawei “chúng tôi sẽ tập trung hơn để làm việc với các nhà mạng và chính phủ nhằm thúc đẩy mạng 5G.”

Đài RFA cũng của Mỹ cho biết thêm “Trang kinh tế của Nhật Bản Nikkei, vào ngày 14/2/2019 đưa tin nói rằng Tổng giám đốc tập đoàn công nghệ viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc, phụ trách khu vực Việt Nam, ông ấy nói ông tin rằng Hoa Vi sẽ thắng thầu việc cung cấp loại công nghệ 5G cho hệ thống truyền thông tại Việt Nam.

Hiện nay, các nhà mạng Việt Nam đều đang chạy đua để khai triển thử nghiệm mạng 5G, và ông Fan cho biết Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng “chấp nhận mọi nhà cung cấp.”

Vào tháng trước, truyền thông trong nước cho biết Viettel đã bắt đầu nghiên cứu về 5G từ năm 2015, nhưng không nêu tên đối tác nước ngoài. Ngày 22/1, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký quyết định cấp phép khai triển thử nghiệm mạng và dịch vụ viễn thông 5G cho nhà mạng Viettel.

Gần đây thiết bị viễn thông của Huawei đã gặp nhiều sự khó khăn khi bị Mỹ cấm cửa, và nhiều nhà mạng tại các quốc gia tại châu Âu hay Australia, New Zealand cũng đang cân nhắc không sử dụng thiết bị của công ty này. Tháng 8/2018 chính phủ Úc chính thức cấm Hoa Vi tham gia vào việc cung cấp thiết bị viễn thông cho nước này. Tờ báo chuyên về tài chính Financial Times dẫn nguồn tin từ Anh nói rằng vào tháng 7/2018, cơ quan nghiên cứu chống tin tặc của nước này nói rằng họ không thể bảo đảm việc chống tin tặc và do thám xung quanh những thiết bị của Hoa Vi ở Anh. Tại Canada, chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau cũng đang chịu áp lực rất lớn là phải loại bỏ Hoa Vi ra khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông của nước này vì mối lo ngại gián điệp.

Ông Fan thừa nhận với tờ Nikkei: “Những vấn đề này không dễ để giải quyết trong thời gian ngắn.”

Tại Hoa Kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc một sắc lệnh hành pháp trong năm nay để tuyên bố tình trạng khẩn cấp tầm quốc gia, cấm các công ty Hoa Kỳ sử dụng thiết bị viễn thông do hai hãng Huawei và ZTE của Trung Quốc sản xuất. Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể sử dụng thiết bị của Huawei cho hoạt động gián điệp – mối lo ngại mà Huawei nói là không có cơ sở.

Một báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ gần đây đã chỉ ra cách Trung Quốc dự định sử dụng quá trình chuyển đổi sang 5G và quyền truy cập vào hàng tỷ thiết bị điện tử nối mạng để thu thập thông tin. Riêng đối với VN, RFA ngày 15-02 có bản tin “Hoa Vi, mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Việt Nam.” Một số chuyên gia Việt Nam Hải ngoại bày tỏ lo ngại cái hoạ Hoa Vi sẽ gây ra cho VN. Kỹ sư công nghệ thông tin Hoàng Ngọc Diêu, làm việc tại Úc nói với đài RFA: “Nó có những biểu hiện rất đáng nghi ngờ là cài đặt những con chip để thu gặt những thông tin riêng tư. Vì nó đã liên quan đến an ninh quốc gia như vậy cho nên phải cân nhắc chứ không chỉ tính đơn thuần về kinh tế. Vì thế ở Úc Hoa Vi không được chính phủ Úc cho phép khai triển hệ thống 5G tại Úc nữa.”

Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada cho RFA biết: “Quan điểm của các đảng chính trị cũng như những nhà nghiên cứu về an ninh ở Canada đều cho rằng việc cấm Hoa Vi là điều nên làm, vì điều đó ảnh hưởng đến an ninh và mối quan hệ sâu sắc giữa Canada và Mỹ. Ngay cả hệ thống phòng thủ chung cho cả Bắc Mỹ gọi là Novak, rất có quan hệ đến vấn đề viễn thông.”

Theo đánh giá của luật sư Vũ Đức Khanh, rất chắc chắn rằng Canada sẽ theo chân Úc, châu Âu, Mỹ để cấm Hoa Vi, và một quyết định quan trọng về công ty này sẽ được đưa ra vào giữa tháng ba tới đây.

Tại Mỹ, từ tháng 8/2018 chính phủ đã ra lệnh cấm các cơ quan chính phủ sử dụng các điện thoại do Hoa Vi sản xuất.

Đến tháng 2/2019, Đại học Berkerley tại California đã hủy bỏ một chương trình nghiên cứu do Hoa Vi cung cấp tài chính, mặc dù trường đại học của tiểu bang California này thường bị khó khăn về tài chính.

Theo thống kê của một hãng tin tại Trung Đông, cho đến cuối năm 2018 có các quốc gia sau đây đã cấm, hoặc đang tính tới việc cấm Hoa Vi cung cấp thiết bị hạ tầng viễn thông: Mỹ, Canada, Úc, New Zealand, Ý, Đức, Ấn Độ, và Anh.

Tại Việt Nam, trong bản tin của tờ Nikkei, nói rằng ông Phạm Quân, Tổng giám đốc Hoa Vi Việt Nam, dẫn lời Bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông của Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng Việt Nam mở cửa đối với tất cả các nhà cung cấp. Báo ấy cố tìm cách liên hệ với ông Nguyễn Mạnh Hùng để bình luận nhưng không được.

Tờ báo về kinh tế tại Sài Gòn là Thời báo kinh tế Sài Gòn có trích dịch lại bản tin của Nikkei, đồng thời làm một cuộc trưng cầu ý kiến độc giả về việc có nên chọn Hoa Vi làm nhà cung cấp thiết bị 5G cho Việt Nam hay không. Sau hai ngày, kết quả trưng cầu ý kiến cho thấy tuyệt đại đa số độc giả của tờ báo này không chấp nhận Hoa Vi (92%).

Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, hiện sống tại Sài Gòn, cho RFA biết quan ngại của ông về Hoa Vi: “Tôi thì tôi nghĩ rằng Việt Nam có đa dạng việc kinh doanh mua bán thế này thế kia thì cũng phải đừng để họ cài chip hoạt động gián điệp, làm nguy hại tới an ninh quốc gia, phải ngăn chận ngay từ đầu. Tôi nghĩ là bên Mỹ và bên châu Âu đã lên tiếng về an ninh quốc gia thì Việt Nam cũng nên lắng nghe. Nếu những nước đó họ chứng minh được thì Việt Nam cũng nên tẩy chay. Còn như mới nghi ngờ thì cũng phải làm sao cho dân an tâm, chứ không thể chỉ nói đây là kinh doanh. Kinh doanh này ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, và sự riêng tư nữa.”

Theo luật sư Vũ Đức Khanh và kỹ sư Hoàng Ngọc Diêu, Việt Nam ở một cái thế khác so với các quốc gia phát triển, vì ít sự lựa chọn hơn và bị áp lực quá mạnh từ Trung Quốc, cả về chính trị lẫn kinh tế.(VA)

https://vietbao.com/p122a291081/lo-hoa-vi-di-hoa-cho-vn