Tin Biển Đông – 18/022019
Mỹ sẽ cứng rắn hơn trên Biển Đông
để đối phó với các yêu sách chủ quyền của TQ
Ngày càng có nhiều ý kiến trong giới quân sự, chính trị tại Mỹ lên án chính sách và hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi chính quyền Mỹ có chính sách cụ thể để đối phó với Trung Quốc.
Phát biểu tại Viện Nghiên Cứu Atlantic Council về hoạt động của Hải Quân trên Biển Đông, Đô Ðốc John Richardson, Tư lệnh Hải Quân Mỹ đã ngầm lên án sự quấy phá, cản trở của các lực lượng Trung Quốc trên Biển Đông. Ông cho rằng Mỹ nên nghiên cứu những sách lược mới nhằm thực thi các luật lệ đã được vạch ra để hành xử khi lực lượng hải quân các nước gặp nhau trên biển. Những năm gần đây, Trung Quốc đã sử dụng các lực lượng thứ hai, thứ ba để làm áp lực chứ không riêng gì lực lượng thứ
nhất, để áp đặt những “vùng xám” như là của riêng họ trên Biển Đông. Theo Tư lệnh John Richardson, lực lượng thứ nhất của Trung Quốc là hải quân, lực lượng thứ hai là các tàu hải giám, hải cảnh, lực lượng thứ ba là các đoàn tàu đánh cá cỡ lớn được huấn luyện quân sự và có thể được trang bị vũ khí nhẹ như một thứ dân quân trên biển. Các đoàn tàu đánh cá Trung Quốc đã nhiều lần xâm phạm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đuổi các tàu đánh cá Việt Nam, mà lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam nhiều khi không dám đụng chạm.
Mặc dù từ năm 2014, hải quân Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuận “Quy tắc gặp nhau không tính trước trên biển” để tránh va chạm cả tàu chiến đến máy bay quân sự dẫn đến một cuộc chiến toàn diện. Tuy nhiên, theo ông Richardson, sự hiện diện liên tục của hải quân Mỹ ở khu vực, đặc biệt là những chuyến tuần tra tự do hàng hải qua các vùng biển mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông “đòi hỏi những sách lược mới” để giảm thiểu các cơ nguy dẫn đến các cơ hội “tính toán sai” giữa các chiến hạm trang bị nặng. Ông kêu gọi phải có những cơ chế thực thi mạnh mẽ cứng rắn hơn để làm cho các bên đừng đi quá đà. Tháng trước, Đô Đốc Richardson đã đến Bắc Kinh gặp tư lệnh hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long và tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Lý Tác Thành.
Trước đó,phát biểu trong phiên điều trần về những thách thức từ sự gia tăng sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng Nghị sĩ James Inhofe cũng lên tiếng cảnh báo và chỉ trích về hoạt động quân sự hiện nay và chính sách nhằm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Nhiều báo cáo của giới phân tích tại Mỹ đều nhận định Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện hàng hải ở Biển Đông cũng như xây dựng cơ sở quân sự.
Trên thực địa, theo tin từ Reuters hôm 11/2, Chính quyền Mỹ đã điều hai tàu chiến tuần tra ở khu vực gần các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Động thái này được nhận định là để “dằn mặt” Trung Quốc. Theo đó, 2 tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Spruance và USS Preble đã đi ngang qua khu vực nằm trong vùng 12 hải lý quanh các đảo ở quần đảo Trường Sa (Việt Nam) để “bảo vệ tự do hàng hải”. Người phát ngôn Hạm đội 7 của Mỹ Clay Doss nhấn mạnh hoạt động này nhằm “thách thức các tuyên bố hàng hải thái quá” trong lúc tàu Mỹ vẫn “tuân thủ luật pháp quốc tế” khi đi vào vùng biển quốc tế. “Tất cả các hoạt động này đều tuân thủ luật pháp quốc tế và chứng thực rằng Mỹ sẽ bay, dong buồm và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép không chỉ ở Biển Đông mà còn ở các nơi khác trên toàn cầu”, thông báo của Hạm đội 7. Đây là lần thứ 2 kể từ đầu năm 2019, Mỹ cho tàu tuần tra Biển Đông. Trước đó vào tháng 1, tàu USS McCampbell đã tuần tra trong vùng 12 hải lý ở quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).
Nhiều nước phát triển tàu ngầm
kiềm tỏa TQ tại Thái Bình Dương
Cuộc chạy đua vũ trang nhằm tăng cường lợi thế dưới nước tại Ấn Độ – Thái Bình Dương ngày càng được hâm nóng trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng đối phó với nguy cơ bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Cuộc chạy đua vũ trang nhằm tăng cường lợi thế dưới nước tại Ấn Độ – Thái Bình Dương ngày càng được hâm nóng trong bối cảnh Mỹ đang cố gắng đối phó với nguy cơ bành trướng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Phát biểu tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hôm thứ ba (12.2), chỉ huy trưởng Bộ tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương, đô đốc Phil Davidson, nhấn mạnh Mỹ cần tăng cường lợi thế dưới nước và khuyến khích các đồng minh nâng cấp tàu chiến nhằm kiểm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực.
“Sự phát triển về công nghệ của Trung Quốc đã làm mất đi lợi thế quân sự của Mỹ ở trên bầu trời và trong không gian. Vì vậy việc tiếp tục phát triển tàu ngầm là điều vô cùng quan trọng. Đây là lợi thế đáng kể mà chúng ta có thể tận dụng trong tất cả lĩnh vực hiện nay”, ông Davidson khẳng định.
Cũng theo chuyên gia quân sự Song Zhongping tại Hồng Kông, bình luận của ông Davidson là dấu hiệu cho thấy, nhiều khả năng Hải quân Mỹ sẽ triển khai thêm các tàu ngầm tấn công hạt nhân tới khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, bao gồm các tàu lớp Virginia và lớp Los Angeles được trang bị ngư lôi, tên lửa chống hạm và tên lửa Tomahawk.
Một chuyên gia hải quân khác tại Bắc Kinh, bà Li Jie nhận định rằng Mỹ cũng nên thúc giục các đồng minh và đối tác trong khu vực nâng cấp lực lượng tàu ngầm và năng lực chiến đấu.
Đầu tháng này, Úc – một đồng minh tin cậy của Mỹ đã tuyên bố sẽ ký kết một thỏa thuận trị giá 50 tỉ USD với tập đoàn đóng tàu Naval của Pháp, nhằm phát triển một hạm đội gồm 12 tàu ngầm tấn công.
Các tàu ngầm này sẽ được thiết kế và chế tạo tại Úc. Đây là một phần trong kế hoạch đóng tàu được đề xuất bởi chính phủ Úc theo dạng “quan hệ đối tác chiến lược”, ước tính trị giá 90 tỉ đô Úc.
Bên cạnh đó, Ấn Độ – đối tác chiến lược với Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, tháng trước cũng đã phê chuẩn một dự án chế tạo tàu ngầm tiên tiến trị giá 5.6 tỉ USD nhằm nâng cấp lực lượng tác chiến dưới biển. Dự án này được coi là sẽ giúp hải quân Ấn Độ đối phó với sự trỗi dạy và mở rộng nhanh chóng của hạm đội tàu Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), Collin Koh cho rằng, ngoài việc điều thêm các tàu ngầm tấn công hạt nhân tới khu vực, Mỹ cũng có thể triển khai thêm các hệ thống vũ khí chống ngầm (ASW) nhằm đối phó với hạm đội ngày càng phát triển của Trung Quốc.