Dân biểu Mỹ kêu gọi Bộ Ngoại giao điều tra vụ Trương Duy Nhất mất tích
Ba dân biểu Quốc hội Hoa Kỳ hôm thứ Sáu yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ mở một cuộc điều tra về chuyện nhà bất đồng chính kiến Trương Duy Nhất đột ngột mất tích tại Thái Lan trong một vụ việc bị nghi là do các đặc vụ Việt Nam thực hiện.
Ông Nhất, một blogger cộng tác với Đài Á Châu Tự do (RFA) và chủ trang web “Một Góc Nhìn Khác,” mất liên lạc với gia đình vào ngày 26 tháng 1, một ngày sau khi ông đến văn phòng của Cao ủy Người Tị nạn Liên Hiệp Quốc tại Bangkok để xin bảo hộ tị nạn, RFA đưa tin. Trước đó ông được nói là đã rời Việt Nam vì lo sợ bị bắt giữ.
Nhà chức trách Thái Lan tuần trước cho biết họ không có dữ liệu nhập cảnh của ông Nhất và đang điều tra xem ông có nhập cảnh bất hợp pháp hay không và chuyện gì đã xảy ra với ông.
Trong bức thư đề ngày 15 tháng 2 gửi tới Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ba dân biểu Đảng Dân chủ trong Hạ viện Hoa Kỳ, Alan Lowenthal, Zoe Logren và Harley Rouda, bày tỏ “lo ngại sâu sắc” về việc ông Nhất mất tích mà giờ đã qua ba tuần.
Bức thư nhấn mạnh thân thế của ông Nhất là một nhà báo độc lập thường xuyên viết bài chỉ trích chính quyền Việt Nam về những điều bị xem là vi phạm nhân quyền, quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí. Họ lưu ý rằng năm 2014, ông được tổ chức Kí giả Không Biên giới vinh danh là một trong “100 anh hùng thông tin” vì giúp cổ vũ quyền tự do được minh định trong Điều 19 của Tuyên bố Nhân quyền Phổ quát của Liên Hiệp Quốc.
“Quyền tự do báo chí là một giá trị Mỹ căn bản, và chúng tôi hối thúc ông tận dụng mọi kênh ngoại giao để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam để họ tiết lộ thông tin cho biết Ông Trương Duy Nhất đang ở đâu,” ba vị dân biểu nói, sau khi lưu ý Việt Nam sẽ là nơi đăng cai hội nghị thưởng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong un vào cuối tháng 2.
“Chúng tôi cũng hối thúc Bộ Ngoại giao tiến hành một cuộc điều tra về vụ biến mất đột ngột của ông Trương. Hơn nữa, chúng tôi yêu cầu ông làm áp lực để chính phủ Thái Lan tiếp tục điều tra vụ việc này.”
Ba vị dân biểu Quốc hội đều đến từ bang California và đại diện những địa hạt có đông đảo người gốc Việt sinh sống.
Việt Nam vẫn im tiếng về vụ mất tích của ông Nhất, người từng bị tuyên án hai năm tù vào năm 2013 về cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích của Nhà nước.”
Vụ mất tích của ông Nhất gợi liên tưởng đến vụ cựu lãnh đạo dầu khí Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc hồi năm 2017 ở Berlin, nơi mà ông này khi đó đang xin bảo hộ tị nạn. Ông Thanh sau đó tái xuất hiện ở Việt Nam và bị kết án tù chung thân về các cáo buộc tham nhũng.
John Lansing, Giám đốc điều hành của Cơ quan Truyền thông Toàn cầu Hoa Kỳ – cơ quan chủ quản của RFA và VOA, trong một thông cáo đầu tuần này gọi ông Nhất là một trong những “nhà báo dũng cảm” vẫn kiên định bất chấp những hiểm nguy “vì họ tin vào sức mạnh của báo chí độc lập tạo nên một thế giới tốt đẹp hơn.”
Ông kêu gọi chính phủ Thái Lan làm mọi điều có thể để xác định ông Nhất đang ở đâu và đảm bảo an toàn cho ông.