Tin Biển Đông – 16/02/2019
Chiến cơ ‘tàng hình’ Mỹ tuần tra Biển Đông
cùng siêu tàu sân bay Anh
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh, sẽ thực hiện một nhiệm vụ tuần tra Thái Bình Dương đầu tiên trong năm, với sự tham gia của tiêm kích “tàng hình” của Hoa Kỳ, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson công bố trong tuần.
Anh đã thể hiện sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với Thái Bình Dương trong năm qua, nước này đã tiến hành một hoạt động tự do hàng hải trong khu vực vào tháng 8, khi tàu đổ bộ HMS Albion đi gần tới chuỗi đảo Hoàng Sa, sự việc đã khiến Trung Quốc “không vui”, theo Stripes.
Trong nhiệm vụ sắp tới, tàu Queen Elizabeth sẽ mang theo cả máy bay chiến đấu F-35 Lightning II của Anh và Mỹ, ông Williamson cho biết trong bài phát biểu hôm thứ Hai (11/2) tại Viện nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia.
F-35 Lightning II của Mỹ là tiêm kích có nhiều tính năng tân tiến, gồm yểm trợ cận chiến, ném bom chiến thuật, chiến đấu không đối không, và có khả năng “tàng hình”.
Bộ trưởng Williamson cho biết, nhiệm vụ sẽ bao gồm một cuộc tuần tra qua Thái Bình Dương, nơi Hoa Kỳ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trong phạm vi 12 hải lý của các nhóm đảo Trường Sa và Hoàng Sa ở Biển Đông, những khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Thắng lợi ban đầu của Tổng thống Trump trước Trung Quốc trên Biển Đông
Nhiệm vụ vận hành đầu tiên của tàu HMS Queen Elizabeth sẽ bao gồm Địa Trung Hải, Trung Đông và Thái Bình Dương, ông Williamson nói.
Vào tháng 1/2019, hải quân 2 nước Mỹ và Anh đã tiến hành cuộc tập trận quân sự chung đầu tiên của họ ở Biển Đông, kể từ khi Bắc Kinh bắt đầu quân sự hóa các đảo và rạn san hô ở đó.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell (Mỹ) và tàu khu trục HMS Argyll (Anh) đã cùng hợp tác từ ngày 11 đến 16 tháng 1, các chỉ huy Hạm đội 7 cho biết vào thời điểm đó.
Trước đó, lực lượng Hải quân, Hải quân Hoàng gia và Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản cũng đã hợp tác trong một cuộc tập trận chiến tranh chống ngầm vào ngày 21-22 tháng 12 ở Thái Bình Dương. Ông Williamson trong bài phát biểu hôm thứ Hai cũng nói về tầm quan trọng của liên minh Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.
“Mối quan hệ của chúng tôi với Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một trong những mối quan hệ thân thiết nhất”, ông Williamson nói.
Thông tin về thời điểm tàu HMS Queen Elizabeth sẽ triển khai hoạt động chưa được công bố.
Việt Nam lại lên tiếng
về quyền tự do hàng hải ở Biển Đông
Bộ Ngoại giao Việt Nam vào chiều ngày 15 tháng 2 ra thông cáo lặp lại lập trường của Hà Nội về vấn đề chủ quyền ở Biển Đông sau khi Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chuyến tuần tra tự do hàng hải mới nhất ở khu vực này.
Trong thông cáo Bà Lê Thị Thu Hằng, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, nhắc lại rằng với tư cách là một nước thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam luôn tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không tại vùng biển này của các nước, phù hợp với các qui định của luật pháp quốc tế.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam được phát đi sau khi Hải quân Hoa Kỳ vào ngày 11 tháng 2 cho hai chiến hạm USS Spurance và USS Preble đi qua vùng 12 hải lý của Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa tại Biển Đông. Hoạt động này nằm trong khuôn khổ chiến dịch tuần tra tự do hàng hải, FONOPs của Mỹ.
Đây là lần thứ hai trong năm nay, Hải quân Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch tự do hàng hải tại khu vực Biển Đông.
Vào ngày 7 tháng 1 vừa qua, Hải quân Hoa Kỳ cho chiến hạm USS McCampbell đi vào khu vực 12 hải lý của 3 đảo thuộc Hoàng Sa gồm đảo Cây, Linh Côn và Phú Lâm.
Đài CNBC dẫn lời người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương – bà Rachel McMarr, trong một tuyên bố qua email rằng, Hoa Kỳ đang thực hiện hoạt động tuần tra “tự do hàng hải” trên biển Nam Trung Hoa (Biển Đông – Việt Nam) và hoạt động này không nhắm đến một quốc gia nào hay đưa ra bất kỳ một tuyên bố chính trị nào.
Hoàng Sa (Trung Quốc gọi là Tây Sa) đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép sau trận hải chiến trên biển với Quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 19/1/1974 khiến ít nhất 74 binh sĩ hải quân Việt Nam Cộng Hòa tử trận.
Tàu chiến Mỹ nhiều lần thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong những năm vừa qua, trong đó có vụ hồi tháng 9/2018 tàu chiến nước này suýt va chạm với tàu chiến Trung Quốc khi đi qua khu vực gần đá Gaven, Trường Sa.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vn-fo-us-mis-02152019133441.html
Biển Đông: Mỹ Thách Thức TC
Vi Anh
Tình hình Biển Đông cho thấy thái độ và hành động của Mỹ và TC ngày càng căng thẳng. Thêm vào đó nhiều dấu chỉ cho thấy gần đây đã đến lúc Mỹ thách thức TC nhiều, mạnh thêm. Mỹ tăng nhịp độ tuần tra nhặt hơn và sâu hơn vào bên trong vùng 12 hải lý của những bãi đá và đảo mà TC đã chiếm cứ và quân sự hoá. Mỹ bất chấp, phủ nhận những tuyên bố chủ quyền của TC trên các đảo, và Mỹ quả quyết bảo vệ tự do hàng hải cho tàu bè đi bất cứ nơi nào luật quốc tế về Biển cho phép.
TC đất chật, người quá đông, nhiều tham vọng đất đai đã tung ngư dân, dân quân, cảnh sát biển bán quân sự ra nhưng trong đó thế nào cũng có quân đội nghi trang thành dân quân ra chiếm giữ biển, đảo, và tung tầu hải giám và ngư thuyền có võ trang ra chứng tỏ sự hiện diện thường xuyên và quyền kiểm soát của TC. Nhưng TC đóng đồn bót, lập căn cứ, tạo thành mục tiêu cố định cho tàu chiến, chiến đấu cơ là hai chủ lực chiến đấu lưu động của Mỹ ở Biển Đông.
Mới đây Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington DC (CSIS), ngày 07/02/2019, nói “một số tàu Trung Quốc đã hoạt động trong khu vực giữa Subi và đảo Thị Tứ, ít nhất là từ tháng 7 năm 2018”. Tổ chức này cũng trưng bằng cớ, đưa hình ảnh vệ tinh của AMTI cho thấy vào lúc cao điểm, có lúc tới 95 tàu chiến Trung Quốc bao vây đảo Thị Tứ ở Biển Đông – người Philippines gọi là Biển Tây
Philippines. Trung Quốc đã dàn trải lực lượng dân quân hàng hải tới vùng lân cận đảo Thị Tứ sau khi Manila bắt đầu cho xây dựng trên hòn đảo mà người Philippines gọi là Pag-asa.
Mục đích của TC là lấy dân chiếm đất, giữ đảo, biển khi tịnh, khị động thì lấy dân làm biển người chống địch như Mao Trạch Đông. Nhưng qua Chiến tranh Triều Tiên, chiến thuật này đã thất bại thê thảm trước quân lực Mỹ. Quân lực Mỹ hành quân tiếc sinh mạng quân nhân, mà không tiếc đạn dược. Quân Mỹ nã pháo, bỏ bom, bắn phá chiến trường cày đất rồi mới tiến quân. Chính con trai của Mao Trạch Đông cũng bị chết vì chiến thuật tiền pháo hậu xung của Mỹ. Còn bây giờ những thành quách căn cứ TC đã xây thì Tư Lệnh Mỹ ở Thái bình dương đã từng nói đó là Vạn Lý Trường Thành Bằng Cát sau một trận pháo, hoả tiễn, bỏ bom, xạ kích của hai hạm đội 3 và 7 đang có mặt ở Biển Đông thì cát bụi sẽ trở thành cát bụi chìm xuống biển.
Hai năm chấp chánh đầu của TT Trump, chiến thuật tuần tra bên trong vùng 12 hải lý, thách thức TC, càng ngày làm càng mạnh, có tăng, chớ không có giảm. Quốc Hội lưỡng viện Mỹ, hai chánh đảng Mỹ, dân chúng Mỹ ủng hộ quân đội tận tình. Làm cho TC lo sợ. TC cho một số tướng tá đánh võ mồm để mong tinh thần quân dân TC không bị xuống. Nhưng TC triệt để không cho Hải Quân TC hay dân quân TC tấn công một tàu chiến hay tầu hàng nào của Mỹ, sợ tạo lý do chánh đáng cho Mỹ có thể mở cuộc chiến tranh Biển Đông.
Tiêu biểu, mới đây Hải Quân Mỹ hôm 11-2- 2019 điều hai khu trục hạm có hoả tiễn dẫn đường, USS Spruance và USS Preble tiến vào gần quần đảo Trường Sa trong khu vực 12 hải lý nằm trong chương trình được Mỹ gọi là “hoạt động tự do hàng hải”. Trung tá hải quân Clay Doss, phát ngôn viên của Hạm đội 7 không ngần ngại tuyên bố cuộc tuần tra này thực hiện “để thách thức các tuyên bố quá đáng về hàng hải và bảo vệ quyền tiếp cận các tuyến đường thủy như luật pháp quốc tế quy định” của TC. Tất cả mọi hoạt động đều được thiết kế phù hợp với luật pháp quốc tế và cho thấy rằng người Mỹ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.”
Bắc Kinh ngay sau đó đã mạnh mẽ phản đối – cũng bằng miệng. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng cho rằng «chiến dịch này của Hoa Kỳ vi phạm luật lệ Trung Quốc và quốc tế. Bắc Kinh sẽ có những hành động cần thiết để bảo vệ chủ quyền».
Như đã biết đây là lần thứ hai trong năm 2019, hải quân Hoa Kỳ tiến hành chiến dịch gọi là «tự do lưu thông hàng hải». Vào tháng Giêng, khu trục hạm USS McCampbell đã đi vào vùng 12 hải lý quần đảo Hoàng Sa.
Ngay sau đó, Trung Quốc đã cáo buộc Mỹ xâm phạm lãnh hải của họ. Và TC cũng đánh võ mồm, tuyên bố đã bố trí hoả tiễn “có khả năng bắn trúng các tàu chiến cỡ trung và cỡ lớn”. Những lời của TC bay theo gió biển, thực tế không thấy một hành động trả đũa nào.
Không những Mỹ thách thức TC bằng chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông của VN, Biển Tây của Phi luật tân mà Mỹ con thách thức TC ở Eo Biển Đài Loan, một vấn đề vô cùng sắc bén, nhậy cảm đối với TC. Sáng 24.1 Mỹ bất ngờ đưa hai tàu chiến vào eo biển Đài Loan sau khi TC cho máy bay chiến đấu và tàu chiến hoạt động xung quanh Đài Loan và trong bối cảnh Chiến tranh thương mại Washington-Bắc Kinh chưa có lối thoát khi thời hạn hưu chiến 90 ngày càng gần. Mỹ điều hai tàu chiến, tàu khu trục mang hoả tiễn đạn đạo USS McCampbell và tàu tiếp tế hậu cần USNS Walter S. Diehl đi dọc eo biển Đài Loan để thực thi “quyền tự do hàng hải”.
Trước những thách thức liên tục của Mỹ, TC lo ngại tinh thần quân dân TC bị xuống. TC cho một vài tướng tá đánh võ mồm chống Mỹ. Chuẩn Đô đốc Hải Quân TQ La Viện hôm 20/12/ 2018 trong một bài diễn văn đọc tại cuộc họp cấp cao về Công nghiệp Quân sự 2018, nói «Nếu các chiến hạm Mỹ lại xuất hiện trong vùng biển Trung Quốc, tôi đề nghị gởi đi hai tàu chiến: một chiếc để chận lại còn chiếc kia đâm vào. Trong vùng biển của mình, chúng ta không chấp nhận để cho chiến hạm Mỹ gây rối». Về Đài Loan, ông Đới Húc cho rằng «Việc này có thể đẩy nhanh tốc độ thống nhất Đài Loan. Một khi có được cơ hội chiến lược, ta sẽ chiếm lấy Đài Loan». Kiểu nói mà không làm lắm khi là sự bộc lộ nỗi lo sợ, cái yếu, cái cô độc của con người.
Không phải chỉ Mỹ thách thức TC, mà các cường quốc Á châu ủng hộ thái độ hành động của Mỹ thách thức TC, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố: «Nhật, Mỹ, Ấn đều cùng chia sẻ những giá trị căn bản và lợi ích chiến lược. Khi cả ba chúng ta cùng hợp sức làm việc, thì sẽ mang đến thịnh vượng và ổn định hơn cho khu vực cũng như cho thế giới».
Còn Anh, một quốc gia nhiều kinh nghiệm hải hành, hải chiến nhứt và là đồng minh cùng văn hoá, tiếng nói và kinh tế chánh trị với Mỹ còn long trọng hứa. Phát biểu tại Royal United Services, một tổ chức nghiên cứu ở London, ông Williamson Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh nói các đồng minh phương Tây cần chuẩn bị để “sử dụng sức mạnh cứng bảo vệ các lợi ích của chúng ta”, và việc thất bại trong can dự
chống lại những cường quốc nước ngoài gây hấn “khiến chúng ta có nguy cơ bị xem là con hổ giấy”. Anh còn hứa sẽ sớm điều chiếc hàng không mẫu hạm duy nhứt HMS Queen Elizabeth qua Biển Đông nơi Trung Quốc đang có một số tuyên bố chủ quyền gây tranh cãi ở biển Đông, để phối họp với Mỹ.
Pháp cũng hơn một lần cho chiến hạm vào tuần tra Biển Đông, coi tự do hàng hải là điều cần phải bảo vệ.
Sau cùng, hỏi TC làm sao có thể khống chế được Biển Đông thành Ao Nhà của TC trong khi Mỹ và đồng minh cùng đối tác Âu, Á quyết tâm bảo vệ tự do hàng hải cho con đường hàng hải huyết mạch của thế giới qua lại đây./.(VA)