Tin khắp nơi – 14/02/2019
TT Trump sắp nói
về ‘nguy hiểm của CNXH’ ở Venezuela
Một quan chức Nhà Trắng hôm 13/2 cho biết rằng Tổng thống Trump ngày 18/2 sẽ phát biểu về “sự nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội (CNXH)” tại Venezuela.
Theo Reuters, lãnh đạo Mỹ sẽ tới Đại học Quốc tế Florida ở Miami để nói về cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
Quan chức giấu tên trên cũng cho biết rằng ông Trump cũng sẽ bày tỏ sự hậu thuẫn đối với Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido, người được Mỹ công nhận là tổng thống lâm thời ở Venezuela.
TT Venezuela lại cảnh báo Mỹ về ‘Việt Nam mới’
Hồi đầu tháng này, Phó Tổng thống Mike Pence cũng đã tới Miami, nơi có nhiều người Venezuela lưu vong sinh sống, để vận động ủng hộ cho phe đối lập.
Trong bài diễn viên về Tình trạng Liên bang hôm 5/2, ông Trump chỉ trích chủ nghĩa xã hội đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế ở Venezuela.
Ông Trump nói: “Chúng ta sinh ra là đã có tự do, và chúng ta sẽ duy trì tự do. Tối nay, chúng ta tái khẳng định quyết tâm rằng nước Mỹ sẽ không bao giờ là một quốc gia xã hội chủ nghĩa”.
Mỹ tái khẳng định duy trì cấm vận Bình Nhưỡng
cho đến khi phi hạt nhân hóa
Hơn một chục ngày trước thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên lần thứ nhì, câu hỏi vẫn là Washington có giảm nhẹ hay xóa bỏ lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên hay không. Ngày 14/02/2019, đại sứ Hoa Kỳ tại Seoul Harry Harris tuyến bố : lệnh cấm vận tiếp tục có hiệu lực cho tới khi nào Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Phát biểu trên đây được đưa ra nhân dịp ông Harris tham dự một diễn về an ninh tại thủ đô Hàn Quốc vào lúc nguyên thủ Mỹ và Bắc Triều Tiên chuẩn bị gặp lại nhau tại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/02/2019.
Đại sứ Mỹ nhắc lại, cùng với đồng minh là Hàn Quốc, mục tiêu chung của Washington và Seoul vẫn là “phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bắc Triều Tiên và có thể kiểm chứng được“. Mỹ và Hàn Quốc cũng đồng ý là “các biện pháp trừng phạt phải được duy trì” cho đến khi nào Bình Nhưỡng không còn vũ khí hạt nhân. Cũng tại diễn đàn về an ninh tổ chức tại Seoul hôm nay, đại sứ Mỹ không quên nhấn mạnh đến vai trò của Trung Quốc trên hồ sơ Bắc Triều Tiên. Ông nói “nếu không có sự đồng tình của Trung Quốc liên quan đến vế trừng phạt, chúng ta không thể đạt được những tiến bộ đã có được ngày hôm nay“.
Việt Nam – Bắc Triều Tiên : Thêm một dấu hiệu báo trước Kim Jong Un công du Việt Nam ?
Ngày 14/02/2019, ngoại trưởng Việt Nam kết thúc chuyến công tác Bình Nhưỡng trong ba ngày để chuẩn bị cho thượng đỉnh Donald Trump – Kim Jong Un tại Việt Nam. Trên đường về nước, ông Phạm Bình Minh và phái đoàn đã quá cảnh tại Bắc Kinh.
Phóng viên của hãng tin Hàn Quốc Yonhap trông thấy ngoại trưởng Việt Nam cùng với phát ngôn viên bộ Ngoại Giao bà Lê Thị Thu Hằng và cục trưởng Cục Lễ Tân Mai Phước Dũng tại sân bay quốc tế Bắc Kinh.
Chuyến công tác của ngoại trưởng Việt Nam nhằm chuẩn bị cho thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Hà Nội và cũng có thể lãnh đạo Bắc Triều Tiên nhân dịp này chính thức viếng thăm Việt Nam.
Tuy nhiên, vào lúc Việt Nam và Bắc Triều Tiên chưa xác định về tin ông Kim Jong Un công du Việt Nam thì Yonhap tiết lộ một chi tiết : cuối tuần qua đại sứ Bắc Triều Tiên bên cạnh Liên Hiệp Quốc ông Kim Song cho biết kinh tế thị trường không còn là một “vấn đề” đối với Bắc Triều Tiên. Yonhap nhắc lại trong thập niên 1980 Bình Nhưỡng từng coi việc Hà Nội tiến hành chính sách cải tổ kinh tế như một sự “phản bội“, Việt Nam đã quay lưng lại với đối với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Theo trang mạng của Mỹ Minjok Tongshin, hôm 10/02/2019 khi tiếp một phái đoàn đại diện cho một tổ chức Hàn Quốc tại Hoa Kỳ ủng hộ tiến trình thống nhất hai miền Triều Tiên, đại sứ Kim Song được hỏi Bình Nhưỡng có còn “hiềm khích” với Việt Nam vì chính sách Đổi Mới hay không, nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên này trả lời : “Đó là quá khứ, bây giờ là hiện tại“.
Phát biểu ngắn gọn được trang mạng Minjok Tongshin được cho là một dấu hiệu mới báo trước Kim Jong Un sẽ chính thức viếng thăm Việt Nam, đánh dấu gần 70 năm bang giao hai nước.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190214-my-duy-tri-cam-van-binh-nhuong
Mỹ – Trung rối bời về địa điểm thượng đỉnh
Trung Quốc đã đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Mỹ tại đảo Hải Nam vào tháng tới sau khi Nhà Trắng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn gặp Chủ tịch Tập Cận Bình sớm hơn.
Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway nói với kênh Fox News hôm 11-2: “Tổng thống Trump muốn gặp Chủ tịch Tập thật sớm”. Theo quan chức này, dường như cả hai bên đều đang tiến gần đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt chiến tranh thương mại.
Theo một nguồn thạo tin, giới chức Trung Quốc đã đề xuất hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại đảo Hải Nam – Trung Quốc vào khoảng thời gian diễn ra Diễn đàn châu Á Bác Ngao thường niên, kéo dài từ ngày 26 đến 29-3.
Tuy nhiên, đề xuất trên chỉ là sơ bộ và Mỹ chưa phản hồi. “Cả thời gian và địa điểm của hội nghị thượng đỉnh đều chưa được thống nhất” – nguồn tin này nói.
Trang tin Axios của Mỹ cùng ngày dẫn lời hai quan chức chính quyền Mỹ giấu tên cho hay ông Tập có thể sớm đến khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago để gặp ông Trump vào giữa tháng 3.
Khu nghỉ dưỡng của ông Trump tại bang Floria – nơi hai nhà lãnh đạo gặp nhau lần đầu tiên vào tháng 4-2017 – nhiều khả năng sẽ là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Trung lần 2 dù chưa có gì được quyết định.
Trả lời các thông tin trên, cố vấn Nhà Trắng Conway chỉ nói rằng một cuộc gặp tại khu nghỉ dưỡng là “có khả năng”. Trang Axios dẫn lời một quan chức khác cho hay các địa điểm khác, trong đó có Bắc Kinh, cũng đang được cân nhắc.
Liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, một phái đoàn của Mỹ đã tới Bắc Kinh hôm 11-2 để tiến hành các cuộc gặp chuẩn bị được kỳ vọng sẽ mở đường cho các cuộc đàm phán cấp cao trong ngày 14 và 15-2.
Ông Pang Zhongying, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường ĐH Đại dương Trung Quốc tại Thanh Đảo, cho hay hai bên nhiều khả năng sẽ gia hạn hạn chót đưa ra thỏa thuận thương mại do cần thêm thời gian để giải quyết các vấn đề cốt lõi.
“Một cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo là cần thiết khi một số vấn đề then chốt vẫn cần sự đồng thuận của các nhà lãnh đạo hàng đầu và hai bên dường như sẵn sàng duy trì động lực ngoại giao” – ông Pang cho hay.
Vòng đàm phán trước diễn ra tại Washington hồi tháng rồi đã kết thúc mà không đạt được một thỏa thuận cụ thể nào. Tuy nhiên, hai bên lạc quan về việc giải quyết tranh chấp thương mại khi Trung Quốc cho rằng cả hai có lộ trình cụ thể cho các cuộc đàm phán tiếp theo.
Trong khi đó, ông Larry Kudlow, người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Quốc gia tại Nhà Trắng, hôm 7-2 cho hay còn “khoảng cách khá lớn” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong việc hướng đến một thỏa thuận chung.
http://biendong.net/diem-tin/26232-my-trung-roi-boi-ve-dia-diem-thuong-dinh.html
Nợ công của Mỹ đạt mốc mới,
vượt mức 22 nghìn tỷ đô la
Nợ quốc gia của Hoa Kỳ cán mốc mới, lần đầu tiên vượt mức 22 nghìn tỷ đô la.
Báo cáo hàng ngày do Bộ Tài chính công bố hôm 12/2 cho thấy tổng dư nợ công là 22,01 nghìn tỷ đô la. Nợ công đứng ở mức 19,95 nghìn tỷ đô la khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức vào ngày 20/1/2017.
Con số nợ đã tăng tốc kể từ khi ông Trump cắt giảm 1,5 nghìn tỷ đô la tiền thuế vào tháng 12/2017, và Quốc hội tăng chi tiêu cho các chương trình trong nước và quân sự hồi năm ngoái.
Nợ quốc gia, hay nợ công, là tổng thâm hụt ngân sách hàng năm. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) dự liệu rằng thâm hụt của năm nay sẽ là 897 tỷ đô la – tăng 15,1% so với mức của năm ngoái là 779 tỷ đô la. Trong những năm tới, CBO dự báo thâm hụt sẽ tiếp tục tăng, tới 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm bắt đầu từ năm 2022, và không bao giờ giảm xuống dưới 1 nghìn tỷ đô la cho đến năm 2029. Thâm hụt tăng chủ yếu vì chi tiền bảo hiểm xã hội và chăm sóc y tế Medicare khi đông đảo những người thuộc thế hệ sinh sau Thế chiến II tiếp tục nghỉ hưu.
Chính quyền của ông Trump cho rằng biện pháp cắt giảm thuế mới nhất sẽ tự bù đắp lại thông qua việc tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh hơn. Nhưng nhiều nhà kinh tế phản bác quan điểm này.
Bất chấp nợ công tăng cao, nhiều nhà kinh tế cho rằng mức rủi ro vẫn khá thấp và đưa ra dẫn chứng là lãi suất hiện tại vẫn ở mức thấp bất thường dựa trên tiêu chuẩn của nhiều năm qua.
(AP)
https://www.voatiengviet.com/a/no-cong-cua-my-dat-moc-moi-vuot-muc-22-nghin-ty-do-la/4785373.html
Mỹ truy tố cựu luật sư hàng đầu của Apple
tội giao dịch nội gián
Cựu luật sư hàng đầu tại công ty Apple bị Bộ Tư pháp Hoa Kỳ truy tố hình sự hôm 13/2 về tội giao dịch nội gián trước sáu thông báo thu nhập hàng quý của nhà sản xuất điện thoại iPhone.
Nhà chức trách cho biết Gene Levoff đã lợi dụng các vị trí của mình như là thư ký công ty, trưởng phụ trách luật doanh nghiệp và đồng chủ tịch của một ủy ban chuyên xem xét các bản thảo kết quả tài chính của Apple để giao dịch bất hợp pháp từ năm 2011 đến 2016.
Các công tố viên nói ông Levoff, 45 tuổi, ở San Carlos, bang California, đã kiếm được 604.000 đôla thu nhập bất hợp pháp, bao gồm lợi nhuận và các khoản tránh thua lỗ, trước khi bị Apple đình chỉ công tác vào tháng 9. Ông từng làm việc cho Apple hàng chục năm.
Ông Levoff đối mặt với một tội danh gian lận chứng khoán có mức án tối đa là 20 năm tù và khoản tiền phạt 5 triệu đôla.
Ông dự kiến ngày 20 tháng 2 sẽ ra trước một tòa án liên bang ở thành phố Newark, bang New Jersey.
Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ đã đệ trình các cáo buộc dân sự liên quan trong vụ án, một trong những vụ hiếm hoi mà trong đó một luật sư cao cấp tại một công ty lớn của Mỹ dính líu đến hành vi phạm tội.
Bị kiện hàng tỷ đô la,
nhà cung cấp vật liệu cho J&J khai phá sản
Nhà cung cấp bột tan dùng trong sản phẩm phấn trẻ em Johnson & Johnson’s khai phá sản hôm 13/2 giữa các vụ kiện tụng nhiều tỷ đô la tố cáo sản phẩm của họ gây ung thư buồng trứng và chứng u trung biểu mô có liên quan đến chất Amiăng.
Công ty Imerys Talc America, chi nhánh ở Mỹ của tập đoàn Pháp Imerys SA, loan báo đã khai phá sản vì không đủ khả năng tài chính để tự vệ trước gần 15 ngàn đơn kiện về khoáng chất bột tan do họ sản xuất.
Imerys nói dù họ không tin là các đơn kiện là đúng nhưng chi phí dàn xếp kiện tụng và tự vệ trong mấy năm qua đã dẫn tới quyết định khai phá sản.
Họ cũng đổ lỗi cho một bản án chống lại công ty Johnson & Johnson trị giá nhiều tỷ đô la và sự ‘mổ xẻ’ của truyền thông khiến họ phá sản.
Hồi tháng 7 năm ngoái, hãng Johnson & Johnson bị buộc bồi thường 4,69 tỷ đô la cho 22 phụ nữ kiện chất Amiăng trong bột tan có trong sản phẩm gây ung thư buồng trứng. Công ty cho biết đang kháng cáo vụ này.
Trước đó, công ty Imerys đã phải mất một khoản tiền dàn xếp kiện tụng.
Cả Imerys và Johnson & Johnson nhiều lần bác tố cáo, viện dẫn nhiều nghiên cứu và thử nghiệm trên thế giới chứng tỏ sản phẩm của họ an toàn. Johnson & Johnson từng tuyên bố là sản phẩm của họ không chứa chất Amiăng.
Hai chi nhánh phụ của Imerys ở Bắc Mỹ gồm Imerys Talc Vermont và Imerys Talc Canada cũng khai phá sản hôm 13/2.
Hãng nổi tiếng Colgate-Palmolive cũng bị kiện về chất bột tan. Công ty có trụ sở ở New York này bán phấn bột mỹ phẩm Cashmere Bouquet từ 1871 tới 1995.
Colgate chưa hồi đáp yêu cầu bình luận nhưng lâu nay công ty này bác mọi tố cáo rằng sản phẩm của họ gây ung thư.
Người Mỹ gốc Latinh
và bức tường biên giới của Trump
Người di dân từ Trung Mỹ đột nhiên thấy mình trở thành tâm điểm của tin tức Hoa Kỳ trong những tháng gần đây – bức tường biên giới, đoàn tị nạn Caravan, cái gọi là ‘The Dreamers’…
Phóng viên Vicky Baker của BBC đến với cộng đồng người Latin ở Maryland để xem họ bị ảnh hưởng ra sao với những tin tức này .
El Catrachito trông giống hệt một quán ăn điển hình kiểu Mỹ với nội thất nhiều mạ crôm, quầy bar, ghế cao và những dẫy bàn ăn có ghế nệm cao hai bên.
Tuy nhiên, trên thực đơn, thay vì bánh mì hamburger và milkshake, bạn sẽ thấy các món phổ biến ở Trung Mỹ: baleadas (bánh tortilla với đủ loại nhân), tajadas (chuối chiên), pupusas (bánh ngô xốp). Một lá cờ Honduras được treo trên tường và tất cả khách hàng đều nói tiếng Tây Ban Nha.
Nhà hàng này ở Wheaton, một thị trấn nhỏ thuộc hạt Montgomery, tiểu bang Maryland, nơi đặc biệt có dân số Mỹ Latinh rất lớn.
Cuộc kiểm kê dân số mới nhất, vào năm 2010, ước tính cộng đồng gốc Mỹ La Tinh ở đây chiếm tới 42%. Trong các trung tâm mua sắm ở đây, bạn sẽ bắt gặp các tiệm bánh của Salvador, món gà Peru và một cửa hàng tạp hóa có tên Mi Familia Mercado Latino.
“Ở đây mọi thứ khá dung hòa,” theo lời Omar Lazo, người điều hành nhà hàng Salvador Chorros, nơi sẽ kỷ niệm 30 ngày mở cửa vào năm nay. “Hầu hết là các cửa hàng gia đình. Gần như không có chuỗi cơ sở kinh doanh nào cả.”
Giống như nhiều người trong vùng, ông cảm thấy rằng người Latinh đang được sử dụng như một con bài mặc cả giữa các chính trị gia, trong khi cộng đồng họ có rất ít đại diện cấp cao. Ông cũng cho biết mình không thấy thoải mái khi phải xem những tin tức liên tục cập nhật về việc Tổng thống Trump nói tới cuộc “khủng hoảng” di cư và các đoàn tị nạn Caravan “nguy hiểm”.
Cha mẹ của Omar đến từ El Salvador vào những năm 1970, mở nhà hàng vài năm sau đó, và ông được sinh ra ở Mỹ. “Tất cả những gì bạn nghe là đó là một cuộc xâm lược,” ông nói. “Nhưng đó là gia đình của tôi, cộng đồng của tôi. Thật là phi nhân tính.”
Tuy nhiên, ông nói rằng ông không thấy cá nhân bị tổn thương vì lời lẽ của ông Trump.
“Quanh đây, mọi người không coi thường chúng tôi,” chủ nhà hàng kiêm thành viên hội đồng quản trị của phòng thương mại địa phương giải thích. “Họ thấy chúng tôi làm việc trên các công trường xây dựng trong thời tiết lạnh cóng. Họ cũng tin tưởng khi giao chìa khóa nhà cho người dọn dẹp.”
Thị trấn Wheaton rất đông người. Tuyến tàu điện ngầm của Washington DC kéo dài tới tận đây và tiểu bang Baltimore nằm ngay về phía Đông. Với các khu chung cư mới mọc lên gần đường tàu điện ngầm đang sắp được xây gần đó, có nhiều dấu hiệu cho thấy quá trình chỉnh trang đô thị đã cận kề.
Thời điểm này, chỉ có hàng loạt các cửa hàng đơn giản tập trung dọc theo những con đường rộng. Nổi bật là Trung tâm Tiếp đón Wheaton, được khoác lớp sơn mới màu vàng và màu lam. Đây là nơi hỗ trợ cho người lao động nhập cư.
Sáu giờ sáng mỗi ngày, đám đông người lao động tập trung tại sảnh tiếp tân của tòa nhà. Chủ nhân lao động địa phương – chủ yếu là chủ nhà – biết rằng họ có thể đến đây để tìm người làm cho các công việc ngắn hạn. Trung tâm này là một phần của Casa de Maryland, một tổ chức vận động tiền thân là Hiệp hội Đoàn kết Trung Mỹ Maryland vào những năm 1980.
“Nơi này mở cửa cho tất cả mọi người, không chỉ người Latin,” Lindolfo Carballo một trong những giám đốc của trung tâm, vừa nói vừa chỉ về phía một nghệ sĩ người Malawia, người mới vẽ một bức tranh tường.
Những tiếng nói vọng ra từ bên trong phần lớn là từ người Salvador. Họ là nhóm nhập cư lớn nhất trong khu vực. Một số là những người di cư kinh tế trong những năm 1970, một làn sóng lớn hơn đã đến để thoát khỏi nội chiến và theo sau là trận động đất kinh hoàng năm 2001. Những thảm họa tự nhiên dẫn đến việc họ được cấp quyền bảo vệ tạm thời (TPS), cho họ quyền làm việc và tạm dừng lệnh trục xuất.
Ngày nay, một số người Mỹ gốc Salvador ở khu vực này là công dân thế hệ thứ hai hoặc thậm chí thứ ba, nhưng những người khác phải dựa vào TPS, và cần gia hạn hai năm một lần, hoặc một chương trình khác dưới thời Obama, Daca, bảo vệ những người đến Mỹ khi còn là trẻ em.
Tương lai của họ trở nên bấp bênh sau khi chính quyền Trump có những động thái nhằm hủy bỏ cả hai chương trình trên (mặc dù gần đây họ đã được đưa lại cuộc đàm phán như một phần của thỏa thuận được đề xuất để đổi lấy bức tường biên giới).
Hiện tại, các chương trình này vẫn đang tiếp tục – phần lớn là do những thách thức pháp lý được đưa ra bởi Casa và các tổ chức vận động khác.
“Những tranh luận này chẳng có gì mới,” ông Carballo, người đến Mỹ từ El Salvador vào những năm 1990 nói. “Bức tường không phải là cái gì mới. Đã có một bức tường khổng lồ ở biên giới và không phải do Trump xây lên. Các vụ trục xuất cũng không mới. Họ thường gọi Obama là ‘ông trùm trục xuất’.”
Những gì đã thay đổi ở đây là giọng điệu, ông nói, và ông cảm thấy cá nhân mình phải chịu những hệ quả. Một vài thực khách bảo ông “về nhà đi” khi ông tới một nhà hàng Ý gần đây. Họ đã lại gần ông để hỏi về đoàn tị nạn Caravan, thứ mà Tổng thống Trump đã biến thành chủ đề thường xuyên của ông ta.
Ông Carballo cũng nói rằng ông từ chối sử dụng từ “caravan”. “Nó tạo cảm giác vui vẻ, khi nó thực sự là một cuộc di cư.”
Đoàn tị nạn Caravan: Đâu là sự thật?
Mỹ: 1.800 trẻ nhập cư đoàn tụ với cha mẹ
Ở cấp độ địa phương, Casa de Maryland nói rằng họ được hỗ trợ và hội đồng quận cũng giúp họ có được nguồn tiền cho trung tâm đón chào mới, được khai trương vào tháng 11. Tuy nhiên, các nhà phê bình đã phàn nàn rằng các trung tâm lao động này khuyến khích người lao động không có giấy tờ. Vào năm 2007, một trong những trung tâm của nó đã bị tấn công bằng hỏa hoạn.
Tuy nhiên ông Carballo khẳng định rằng nếu mọi người không sử dụng trung tâm của ông để tìm công việc, việc đó cũng sẽ xảy ra ở các góc phố, và sẽ khiến người nhập cư dễ bị bóc lột. Khi đến đây, họ được giúp đỡ lấy mã số thuế và họ được hỗ trợ pháp lý nếu họ không được trả lương. Còn việc kiểm tra giấy tờ pháp lý, thì tùy thuộc vào người sử dụng lao động.
Daisy Sánchez, một người thường xuyên tới trung tâm, vốn là một y tá ở El Salvador trước khi đến Mỹ vào năm 2000.
Cô phải cố gắng không để những tin tức làm mình thất vọng. “Tôi là người có học, từ một gia đình Cơ Đốc giáo. Tôi không phải là một tên trộm. Họ cần chúng tôi ở đây”, cô nói.
Cô đã tham gia tất cả các khóa đào tạo mà trung tâm cung cấp – sửa ống nước, xây dựng – và hiện giờ là sơn nhà để kiếm sống và luôn lạc quan. “Cuộc sống thật đẹp, nó như một cuốn tiểu thuyết, mỗi ngày đều khác biệt.”
Hôm nay không có việc nào cho cô, nhưng cô ấy sẽ trở lại vào lúc sáu giờ sáng ngày mai.
Javier Solis, người gốc Ecuador, điều hành công ty kế toán Los Taxes gần đó cùng vợ người Salvador, Maria. “Chúng ta nên cho phép những người không có giấy tờ – những người đã đóng thuế hàng triệu đô la – cơ hội trở thành một phần của hệ thống. Những người thậm chí còn chẳng có một vé phạt đậu xe,” ông nói. “Chúng ta nên làm việc cùng nhau, đảng Dân chủ và Cộng hòa.”
Ông đề cập đến bà Nancy Navarro – ủy viên hội đồng Latina đầu tiên của quận – với tư cách là một hình mẫu địa phương tích cực, và ông cũng trích dẫn thống đốc đảng Cộng hòa của tiểu bang Maryland, ông Hog Hogan, người “hoạt động với cộng đồng Latinh” và phản đối những tuyên bố của Tổng thống Trump.
Omar Lazo nói rằng ông thậm chí không ngạc nhiên khi Tổng thống Trump tuyên bố rằng El Salvador là một quốc gia “rác rưởi”.
“Không ai biết gì về El Salvador,” Omar nói. “Họ chỉ nghĩ về các băng đảng.”
Tổng thống thường xuyên nhắc tới băng đảng MS-13 khi cảnh báo về những rủi ro di cư từ Trung Mỹ. Ông đã làm như vậy một lần nữa trong bài phát biểu khi chính phủ mở cửa lại gần đây, và kế hoạch cho bức tường của ông không thành công.
Băng đảng này bắt nguồn từ Mỹ nhưng có gốc gác từ El Salvador. Và nó cũng hiện diện ở Wheaton khi có một vụ giết người vô cùng tàn bạo trong một công viên vào năm 2017 – nhưng cơ quan thực thi pháp luật địa phương nói rằng loại tội phạm này rất hiếm.
Trong năm 2018, không có vụ giết người nào liên quan đến băng đảng trong quận, theo Đại úy Roland Smith, giám đốc bộ phận điều tra đặc biệt tại Cảnh sát Hạt Montgomery.
“Họ [các băng đảng] thường chèn ép những người tuân thủ luật pháp trong cộng đồng Latinh, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương. Và nạn nhân thường sợ lực lượng thực thi pháp luật, vì vậy đó là thách thức lớn nhất của chúng tôi,” Đại úy Smith nói với BBC. “Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận cộng đồng để mọi người tin tưởng chúng tôi.”
Cư dân gốc Salvador ở Wheaton nói rằng điều cuối cùng họ muốn là bạo lực đeo bám họ.
“Một vài người đã làm chúng tôi mang tiếng xấu,” ông Solis nói. “Mọi người đến từ El Salvador để thoát khỏi các băng đảng. Chúng tôi muốn chúng bị bắt. Chúng ta nên làm gì đó để truy lùng chúng.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47169021
Venezuela : Viện trợ nhân đạo quốc tế,
nỗi lo sợ của Maduro
Juan Guaido, tổng thống tạm quyền tự phong, nhiều lần yêu cầu chính quyền tổng thống Maduro và quân đội mở cửa biên giới để tiếp nhận hàng viện trợ nhân đạo quốc tế. Một lời đề nghị luôn bị chính quyền Caracas từ chối. Câu hỏi đặt ra : Vì sao tổng thống Nicolas Maduro kiên quyết không nhận hàng viện trợ nhân đạo quốc tế ?
Viện trợ nhân đạo đang trở thành một « con tin chính trị », một cuộc đấu trí cân não giữa hai vị tổng thống của Venezuela. Juan Guaido, lãnh đạo đối lập, chủ tịch Quốc Hội và tổng thống lâm thời tự phong liên tục gia tăng sức ép đối với chính quyền tổng thống Maduro, kêu gọi quân đội mở cửa biên giới để hàng viện trợ nhân đạo được đến tay người dân. Ông cảnh báo rằng việc ngăn cản cứu trợ nhân đạo là một « tội ác chống nhân loại ».
Ngược lại, chính quyền Caracas thông qua lời đại sứ Venezuela bên cạnh Liên Hiệp Quốc khẳng định « không có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela. Chẳng qua là vì nền kinh tế bị ngăn chặn và vây hãm ». Tổng thống Maduro đổ mọi trách nhiệm khan hiếm lương thực và thuốc men lên Hoa Kỳ, quốc gia đã ban hành các lệnh trừng phạt và đã cùng với các đồng minh tiến hành một cuộc chiến kinh tế nhắm vào Venezuela.
Trong cuộc đọ sức này, giới chuyên gia Pháp đưa ra hai lý giải vì sao Maduro kiên quyết ngăn chận hàng viện trợ quốc tế. Thứ nhất là nỗi lo một cuộc can thiệp quân sự và chính trị của nước ngoài.
Bà Paula Vasquez, nhà nhân chủng học người Venezuela thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Khoa Học Quốc Gia Pháp, trên Le Figaro có đưa ra một lý giải : « Một đợt viện trợ nhân đạo hiếm khi thật sự mang tính nhân đạo vì chương trình này là do các quốc gia hay Liên Hiệp Quốc phân phối. Điều đó có thể biến thành một cuộc chiếm đóng quân sự, bởi vì quân đội là những tổ chức duy nhất có khả năng cung cấp hậu cần để mang đến sự trợ giúp này ». Mà bài học kinh nghiệm Haiti là một minh chứng rõ ràng nhất.
Đây cũng phải là lần đầu tiên Venezuela từ chối nhận viện trợ nhân đạo. Năm 1999, khi xảy ra thảm kịch sạt lở đất lớn nhất ở Vargas làm hàng ngàn người chết và mất tích, tổng thống Venezuela lúc bấy giờ, ông Hugo Chavez đã từ chối sự trợ giúp của quốc tế khi cho rằng sự hiện diện của quân đội nước ngoài tại Venezuela sẽ xâm phạm đến chủ quyền lãnh thổ đất nước.
Có một câu hỏi mà chính quyền Maduro luôn canh cánh lo âu : Nguồn gốc hàng viện trợ này đến từ đâu ? Nếu là từ các tổ chức phi chính phủ thì đó có thể xem đó là một chương trình nhân đạo. Nhưng nếu là nguồn viện trợ từ các nước hay Liên Hiệp Quốc, Nhà nước Venezuela có nguy cơ đối mặt với rủi ro bị tước mất vai trò thực hiện các nhiệm vụ cơ bản, bởi vì các định chế quốc tế, vốn tự cho rằng đất nước mà họ can thiệp là một nước đang suy yếu, như giải thích của bà Paula Vasquez.
Thứ hai, về mặt chính trị, để hàng viện trợ quốc tế vào trong nước sẽ là một sự sỉ nhục, một thất bại chính trị thật sự đối với ông Maduro trước đối thủ Guaido. « Nếu như quân đội quyết định áp tải việc tiếp nhận hàng cứu trợ, chính quyền Maduro sẽ bị mất uy tín. Juan Guaido sẽ hiển nhiên được công nhận như là tổng tư lệnh Các Lực lượng quân đội Quốc gia Bolivar », như nhận xét của ông Victor Alvarez, cựu bộ trưởng Công Nghiệp Venezuela giai đoạn 2004-2006 với Le Figaro.
Trong thế tiến thoái lưỡng nan này, bất kể quyết định là gì đi chăng nữa « mở hay chặn cửa », tổng thống Maduro đều cảm thấy « bị mất mặt ». Ông chỉ còn biết giận dữ chỉ trích Hoa Kỳ và những nước hùa theo khi cho rằng Venezuela giờ đang nằm trong « tâm bão địa chính trị », tố cáo Hoa Kỳ muốn lật đổ ông để chiếm đoạt nguồn dự trữ dầu khí dồi dào nhất hành tinh.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190214-venezuela-vien-tro-nhan-dao-quoc-te-noi-lo-so-cua-maduro
Phe đối lập Venezuela muốn
chiếm quyền kiểm soát thu nhập dầu mỏ
Quốc hội do phe đối lập Venezuela kiểm soát đã bổ nhiệm các ban giám đốc tạm thời mới cho công ty dầu khí nhà nước PDVSA hôm thứ Tư, trong nỗ lực giành quyền kiểm soát nguồn thu từ dầu mỏ của quốc gia OPEC này từ tay Tổng thống Nicolas Maduro.
Ông Maduro, người đang ngày càng bị cô lập, đả kích lãnh đạo Quốc hội Juan Guaido. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông Guaido sẽ phải đối mặt với tòa án “không sớm thì muộn” vì vi phạm hiến pháp sau khi tự tuyên bố là Tổng thống lâm thời vào tháng trước.
Mặc dù nhiều nước phương Tây đã công nhận ông Guaido là nguyên thủ quốc gia chính danh, ông Maduro vẫn nắm quyền kiểm soát các định chế nhà nước và ông Guaido cần phải có ngân quỹ nếu ông muốn thành lập một chính phủ lâm thời.
Kiểm soát nhà máy lọc dầu Citgo Petroleum của PDVSA ở Mỹ, tài sản nước ngoài có giá trị nhất của Venezuela, sẽ phần nào giúp ông thực hiện việc đó, dù việc nắm giữ quyền kiểm soát PDVSA dường như khó thực hiện được trong khi ông Maduro vẫn nắm quyền.
Sản lượng dầu thô của PDVSA đã giảm xuống mức thấp nhất trong 70 năm, do nợ nần chồng chất, tham nhũng tràn lan và cơ sở hạ tầng ít được bảo dưỡng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn ủng hộ ông Guaido, áp đặt các chế tài lên ngành dầu mỏ của Venezuela vào ngày 28 tháng 1 nhằm hạn chế xuất khẩu sang Mỹ và tăng áp lực lên ông Maduro.
Ông Maduro, trong một cuộc phỏng vấn được chiếu hôm thứ Tư trên kênh truyền hình al-Mayadeen TV của Lebanon, tố cáo ông Guaido đang tìm cách chia rẽ đất nước và thuyết phục chính quyền Trump tiến hành một vụ can thiệp của nước ngoài.
“Người này tin rằng chính trị là một trò chơi và ông ta có thể vi phạm hiến pháp và luật pháp, không sớm thì muộn cũng sẽ phải trả lời trước tòa án,” ông Maduro nói. Ông nói thêm rằng ông “hoàn toàn chắc chắn” về điều này.
“Nếu đế quốc Mỹ dám đụng vào dù chỉ một lá dừa trong lãnh thổ của chúng tôi thì vụ này sẽ biến thành một Việt Nam mới,” ông nói.
Một nhà lập pháp cấp cao của Mỹ hôm 13/2 nói rằng Quốc hội sẽ không ủng hộ bất kì sự can thiệp quân sự nào của Mỹ vào Venezuela.
Chính quyền Trump cho biết muốn có một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng nhưng ông Trump đã nhiều lần từ chối loại trừ hành động quân sự đối với Venezuela.
Cuba tố cáo Mỹ chuẩn bị xâm lược Venezuela
Trên mạng Twitter, ngày hôm qua, 13/02/2019, ngoại trưởng Cuba tố cáo, từ ngày 06 đến 10/02 vừa qua, Hoa Kỳ đã điều động lực lượng đặc nhiệm tới các sân bay ở Porto Rico (thuộc lãnh thổ Hoa Kỳ), Cộng Hòa Dominicana và nhiều đảo khác ở vùng biển Caribé mà không thông báo cho các chính quyền liên quan biết.
Theo La Habana, việc điều động quân lính Mỹ nhằm chuẩn bị một cuộc « xâm lược », tiến hành một cuộc « phiêu lưu quân sự » chống lại Venezuela, được « cải trang dưới dạng can thiệp nhân đạo ».
Cũng trong ngày hôm qua, khi tiếp tổng thống Colombia tại Nhà Trắng, nguyên thủ Hoa Kỳ Donald Trump tái khẳng định là trong hồ sơ Venezuela, ông đang nghiên cứu mọi khả năng, đồng thời tố cáo tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã phạm phải một « sai lầm khủng khiếp » khi ngăn chặn viện trợ nhân đạo của quốc tế.
Cho đến nay, chính quyền Caracas vẫn tuyên bố không có khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela. Hàng cứu trợ đã tới các vùng biên giới của Venezuela từ nhiều ngày qua, nhưng bị quân đội chặn lại. Tổng thống tự phong Juan Guaido tuyên bố là viện trợ nhân đạo sẽ vào Venezuela ngày 23/02.
Sau đây là phóng sự của thông tín viên RFI Benjamin Delille tại vùng biên giới Venezuela và Colombia :
« Như mọi sáng, hàng ngàn người Venezuela đổ dồn về khu vực biên giới để vượt cầu Simon Bolivar sang Colombia. Họ đến đó để mua thức ăn và thuốc men mà bên Venezuela không có. Tất cả mọi người đều khẳng định là họ đang chờ đợi viện trợ nhân đạo. Họ lên án việc ngăn chặn viện trợ. Cô Carolina, 22 tuổi, nói : Tôi không thích chính trị nhưng cần phải nhìn thẳng vào sự việc. Tôi cho rằng có nhiều người mù quáng, đó là chính phủ, bộ máy Nhà nước. Có thể nói là họ không chấp nhận một thực tế là tình hình tại Venezuela đang nguy kịch, mọi việc đều tồi tệ.
Tại thành phố San Cristobal, cách vùng biên giới khoảng một tiếng đồng hồ đi xe, Alecxi Sanchez đại diện cho hiệp hội Các bác sĩ vì Venezuela. Ông sẽ tổ chức một cuộc tuần hành đi về phía vùng biên giới vào ngày 23/02 tới. Ông cho biết : Ý tưởng của chúng tôi là cần sớm
hành động và chúng tôi sẽ đến đúng lúc. Bởi vì chúng tôi không muốn gây nguy hiểm cho các bệnh nhân hoặc các thành viên của hiệp hội.
Có nghĩa là hiệp hội sẽ tránh để xẩy ra đụng độ bạo lực, nhưng muốn thu hút sự chú ý của truyền thông để làm cho thế giới thấy được kết quả của nhiều tháng trời điều tra về tình hình y tế tại Venezuela. Ông cho biết : Viện trợ nhân đạo quốc tế liên quan đến các nhóm cư dân dễ bị tổn thương, đó là những người mà chúng tôi biết là họ phải được ưu tiên giúp đỡ vì tính mạng của họ bị đe dọa.
Theo vị đại diện này, ngày 23/02 sẽ là một bước ngoặt, kể cả khi viện trợ có thể không vào được Venezuela, bởi vì mọi người sẽ ý thức được quy mô của cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Venezuela ».
Argentina: Biểu tình rầm rộ
chống thắt chặt chi tiêu
Hàng chục ngàn người biểu tình đã chặn các tuyến đường lớn ở Buenos Aires ngày 13/2 trong các cuộc tuần hành phản đối tình trạng thất nghiệp cao và các chính sách của Tổng thống có lập trường trung hữu Mauricio Macri gồm những khoản cắt giảm trợ cấp dịch vụ công ích.
Người Argentina bình thường, vốn đã chật vật với tình trạng lạm phát cao và suy thoái kinh tế, giờ phải trả nhiều hơn cho hóa đơn tiền điện, nước và hơi sưởi ấm vì ông Macri cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Những khoản cắt giảm này nằm trong một thỏa thuận với Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhằm xóa sổ thâm hụt tài chính chủ yếu của Argentina đến trước cuối năm nay.
Ông Macri dự kiến sẽ tranh cử nhiệm kì thứ hai trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 10, vào lúc mà ông có thể đối mặt với một thách thức từ người tiền nhiệm, Cristina Fernandez, người được phe đối lập tả khuynh của Argentina ủng hộ.
Biểu tình khá phổ biến ở Argentina, nơi các công đoàn lao động tranh đấu để được tăng lương phù hợp với giá tiêu dùng phi mã. Lạm phát vào cuối năm ngoái là 47,6 phần trăm, mức cao nhất trong 27 năm.
https://www.voatiengviet.com/a/argentina-bieu-tinh-ram-ro-chong-that-chat-chi-tieu/4785807.html
Liên Âu đưa Ả Rập Xê Út
vào danh sách quốc gia tài trợ khủng bố
Ủy Ban Châu Âu ngày 13/02/2019 đồng ý đưa thêm 7 nước vào danh sách đen các đường dây rửa tiền, ủng hộ khủng bố. Ả Rập Xê Út là một trong bảy nước liên quan.
Trong phiên họp hôm qua, Ủy Ban Châu Âu đã đưa ra đề nghị nói trên, nhưng văn bản này còn phải được Nghị Viện Châu Âu xem xét. Một số thành viên trong Liên Âu, như Pháp và Anh, thận trọng với danh sách mới bao gồm 23 quốc gia.
Ngoại trưởng Ả Rập Xê Út sáng nay ra thông cáo cho rằng : chống các hoạt động rửa tiền, chống các hình thức tài trợ cho các nhóm khủng bố luôn là ưu tiên của Riyad. Riyad “lấy làm tiếc” về quyết định của Ủy Ban Châu Âu.
Danh sách đen của Bruxelles về các nước yểm trợ khủng bố hiện bao gồm 23 quốc gia. Bảy nước vừa bị đưa vào danh sách này gồm Ả Rập Xê Út, Panama, Nigeria, Libya, Bostwana, Ghana, đảo Samoa.
Ngoài vấn đề về uy tín, việc một quốc gia bị đưa vào danh sách đen của Liên Âu khiến mọi giao dịch tài chính với 28 thành viên châu Âu trở nên phức tạp hơn. Các nước Liên Âu có thời hạn từ 1 đến 2 tháng để phê chuẩn văn bản nói trên.
Airbus ngừng sản xuất ‘siêu máy bay’ A380
Tập đoàn Airbus của châu Âu hôm 14/2 thông báo kế hoạch ngừng sản xuất “siêu máy bay” A380 sau nhiều năm ế ẩm.
Loại máy bay lớn nhất thế giới, với khả năng chuyên chở 544 người, được thiết kế nhằm thách thức thế hệ máy bay 747 huyền thoại của đối thủ Boeing, nhưng không thành công, vì các hãng hàng không ủng hộ một hế hệ máy bay mới nhỏ hơn và bay nhanh hơn, theo Reuters.
Airbus nói trong một tuyên bố rằng loạt A380 cuối cùng sẽ được xuất xưởng và chuyển giao vào năm 2021.
Mỹ cho phép bán 17 máy bay sang Iran
Tập đoàn của châu Âu cho biết thêm rằng hãng hàng không Emirates, khách hàng mua nhiều máy bay A380 nhất, đã quyết định giảm số lượng mua và đã đặt tổng cộng 70 máy bay nhỏ hơn là A350 và A330neo.
Airbus cũng cho hay sẽ thảo luận với các nghiệp đoàn trong những tuần tới về chuyện khoảng 3 nghìn việc làm có khả năng bị ảnh hưởng.
Hãng này sẽ sản xuất thêm 17 chiếc A380 nữa, gồm 14 chiếc cho Emirates và 3 cho ANA của Nhật.
Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn
hiệp định tự do mậu dịch và đầu tư với Singapore
Ngày 13/02/2019 Nghị Viện Châu Âu phê chuẩn Hiệp Định Thương Mại (EUSFTA) và Hiệp Định Đầu Tư (EUSIPA) với Singapore. Singapore là đối tác thương mại quan trọng nhất của Liên Âu trong khu vực Đông Nam Á và cũng là thành viên đầu tiên của khối ASEAN ký hiệp định tự do mậu dịch với Bruxelles.
Hiệp định tự do mậu dịch Liên Hiệp Châu Âu – Singapore EUSFTA được thông qua với 425 phiếu thuận 186 phiếu chống và 41 người không bỏ phiếu dự trù có hiệu lực ngay trong năm nay, mở ra viễn cảnh các hàng rào quan thuế sẽ từng bước được xóa bỏ trong 5 năm sắp tới. Tổng trao đổi mậu dịch hai chiều – gồm hàng hóa và dịch vụ – năm 2017 lên tới 104 tỷ euro.
Dù vậy ngay sau cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua tại Nghị Viện Châu Âu, một số tiếng nói bất đồng đã dấy lên, như tường thuật sau đây của đặc phái viên đài RFI tại Strasbourg, trụ sở Nghị Viện Châu Âu :
“Sau cuộc biểu quyết, báo cáo viên, nghị sĩ người Anh, David Martin, thuộc cánh tả hài lòng trước viễn cảnh hiệp định này đang mở ra. Ông nói Singapore là một mắt xích quan trọng và sẽ là cánh cửa mở ra thị trường châu Á. Thế nhưng văn bản này lại bị một số nghị sĩ cánh tả của Pháp chống đối với lý do Singapore chưa phê chuẩn tất cả những điều khoản cơ bản của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế. Cũng có những chỉ trích cho rằng Singapore hoạt động gần như là một thiên đường thuế khóa.
Riêng đối với nghị sĩ Frank Proust, đại diện cho các nghị sĩ Pháp thuộc Đảng Nhân Dân Châu Âu (đảng EPP hiện chiếm đa số tại Nghị Viện Châu Âu) thì cốt lõi của vấn đề không nằm ở đó. Ông nhìn nhận : “Đương nhiên, các chuẩn mực về lao động hay nhân quyền là một vấn đề. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để cải thiện tình hình. Liệu rằng nông phẩm của châu Âu có dễ dàng thâm nhập thị trường Singapore hay không ? Và Singapore có mở cửa thị trường công cho các doanh nghiệp châu Âu hay không ? Câu trả lời là không”.
Ngoài ra, phe chống hiệp định EUSFTA còn đả kích điều khoản dự trù thành lập một cơ quan tư pháp cho phép các tập đoàn đa quốc gia hoạt động tại Singapore phản đối luật doanh nghiệp châu Âu. Nghị viên châu Âu thuộc đảng Xanh Yannick Jadot bực mình thốt lên rằng trong trường hợp châu Âu muốn cấm sử dụng thuốc diệt cỏ glyphosate hay giảm thiểu lượng thải khí carbon, điều này gây bất lợi cho các doanh nghiệp và như vậy họ có thể kiện châu Âu. Thật là quá đáng.
Nếu như hiệp định thương mại Liên Hiệp Châu Âu- Singapore có khả năng bắt đầu đi vào hoạt động ngay từ năm nay, thì ngược lại điều khoản liên quan đến việc thành lập một tòa án trọng tài sẽ còn phải được Quốc Hội của mỗi thành viên trong Liên Âu đồng ý thông qua”.
Kỷ nguyên 5G đến gần:
Đe dọa Hoa Vi phủ bóng lên Thụy Sĩ
Cuộc chạy đua xây dựng mạng điện thoại di động thế hệ 5, thường gọi tắt là mạng 5G, với tốc độ nhanh hơn thế hệ trước cả trăm lần, ngày càng quyết liệt, thì căng thẳng giữa nhiều quốc gia ngày càng gia tăng. Những tháng gần đây, Hoa Kỳ cùng một số đồng minh liên tục lên án các doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc, tiêu biểu là Hoa Vi, là nguy cơ lớn với an ninh quốc gia, và đây là lý do để loại Hoa Vi khỏi các dự án 5G. Chính quyền nhiều nước châu Âu đang tìm một cách đối phó khác.
Nhìn chung, các nước châu Âu không thể trì hoãn vấn đề nguy cơ của tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) đặt ra đối với nền an ninh quốc gia, trong bối cảnh chỉ còn ít tháng nữa là mạng 5G sẽ được thương mại hóa tại nhiều thành phố châu Âu. Mặt khác, đa số các nước cũng không thể chọn giải pháp loại trừ hoàn toàn Hoa Vi, hay các công ty viễn thông Trung Quốc như Hoa Kỳ chủ trương, do các sản phẩm mang tính cạnh tranh của Hoa Vi có lợi cho nền kinh tế, cũng như nguyên tắc thị trường tự do. Tấn công trực diện vào Hoa Vi, các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc chắc chắn cũng sẽ bị trả đũa.
Tại Đức, hồi tuần trước thủ tướng Merkel tuyên bố không loại trừ Hoa Vi khỏi thị trường 5G, nhưng muốn được bảo đảm là công ty này sẽ không chuyển các dữ liệu tại Đức cho chính quyền Trung Quốc. Cùng lúc đó, theo Reuters, cơ quan an ninh mạng Đức (BSI) cũng khởi sự cuộc điều tra để xác định xem tập đoàn công nghệ viễn thông hàng đầu thế giới này có phải là mối đe dọa với an ninh quốc gia của Đức hay không.
Về phía nước Pháp, chính phủ cũng đang vận động Quốc Hội thông qua một số điều khoản quy định về 5G trong dự luật Pacte (về tăng trưởng và chuyển đổi doanh nghiệp), nhằm kiểm soát chặt chẽ các công ty nước ngoài, như Hoa Vi, trong lĩnh vực các cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng đối với an ninh quốc gia. Hôm 12/02, Thượng Viện Pháp tạm hoãn việc bỏ phiếu về các đề nghị nói trên của chính phủ, với lý do đây là một vấn đề « cần được thảo luận sâu rộng ».
***
Còn tại Thụy Sĩ thì sao ? Trong một thời gian dài, Hoa Vi được coi là một nhân tố đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của Thụy Sĩ, tuy nhiên các áp lực ngày càng gia tăng buộc chính quyền Thụy Sĩ phải xem xét nguy cơ của tập đoàn Trung Quốc đối với an ninh, đặc biệt do sự phát triển của mạng 5G mở ra một cơ hội chưa từng có cho tấn công tin tặc, hay hoạt động gián điệp. Sau đây một số nhận định về vấn đề Hoa Vi và an toàn quốc gia tại Thụy Sĩ, được đăng tải trên báo mạng Le Temps, ngày 12/02/2019, RFI xin giới thiệu.
Công ty Hoa Vi hiện diện ra sao tại Thụy Sĩ ?
Người Thụy Sĩ chủ yếu biết đến Hoa Vi qua nhãn mác điện thoại di động của tập đoàn này, chiếm khoảng 8% thị trường smarphone Thụy Sĩ. Chất lượng của điện thoại Hoa Vi được coi là có thể cạnh tranh được với các loại smartphone cao cấp của Apple và Samsung. Hoa Vi đã xây dựng, bảo trì và phát triển mạng di động Sunrise và ắt hẳn sẽ là nhà cung cấp thiết bị 5G cho Sunrise, tập đoàn viễn thông lớn hàng đầu Thụy Sĩ, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại di động thứ hai sau Swisscom (1). Trong lĩnh vực điện thoại cố định, Hoa Vi cũng là nhà cung cấp quan trọng của Swisscom. Hoa Vi sử dụng 350 nhân viên tại Thụy Sĩ, chủ yếu là ở trụ sở chính của hãng ở Dubendorf.
Liệu có cần thận trọng với Hoa Vi ?
Các chuyên gia tỏ ra thận trọng. Theo ông Philippe Oechslin, giám đốc của công ty chuyên về an ninh mạng Objectif Sécurité ở Gland, thì « bất kể loại thiết bị do công ty này hay công ty khác sử dụng, vẫn cần phải bảo đảm an toàn cho các bộ phận hạ tầng mang tính nhạy cảm ». Cho đến nay, theo chuyên gia về an ninh mạng này, vẫn chưa có trường hợp nào cho thấy có « gián điệp nằm vùng » trong các thiết bị của Hoa Vi. Ngược lại, một điều rõ ràng là chính quyền Trung Quốc giống như chính quyền Mỹ hay bất cứ nước nào khác, cũng khai thác các lỗ hổng trong mọi thiết bị viễn thông, để tiến hành các hoạt động gián điệp.
Đây là một ý kiến mà ông Steven Meyer, giám đốc của công ty an toàn mạng ZENData, ở Genève, chia sẻ. Giám đốc ZENData nhấn mạnh là cần phải thận trọng trước các công nghệ đến từ các quốc gia không đáng tin cậy. Các tiết lộ của cựu nhân viên an ninh Mỹ, nhà tin học Edward Snowden – hiện lưu vong tại Nga – cho thấy Hoa Kỳ tiến hành các hoạt động gián điệp trên quy mô lớn. Điều khác biệt chủ yếu là Trung Quốc là một quốc gia « về cơ bản là độc tài toàn trị ».
Nguy cơ phải chăng sẽ gia tăng với sự phát triển của mạng viễn thông thế hệ mới 5G ?
Chuyên gia mạng Steven Mayer khẳng định điều này là đúng về nguyên tắc. Ông giải thích : « Ngược lại với các thế hệ viễn thông trước đó, với mạng 5G, không còn có sự phân biệt thực sự giữa cơ sở hạ tầng viễn thông trung tâm và các vùng ngoại vi. Mỗi yếu tố của hệ thống hạ tầng cơ sở đều có khả năng nối kết với một bộ phận quan trọng của tổng thể cơ sở hạ tầng viễn thông, và có khả năng tiếp cận với các thông tin nhạy cảm và kiểm soát chúng. Điều có nghĩa là chỉ cần một bộ phận bị tổn thương hoặc một ‘‘cửa hậu’’ (hay backdoor – tức các bộ phận trong thiết bị viễn thông mà cơ sở sản xuất sử dụng để thâm nhập vào mạng internet của đối thủ) là đủ để gây tổn hại cho toàn bộ mạng. Điều đó cũng có nghĩa là toàn bộ các thiết bị phải là đáng tin cậy ».
Mạng 5G cũng sẽ cho phép nối kết một số lượng rất lớn các loại máy móc (từ xe hơi, các hệ thống công nghiệp, cho đến đồ dùng cá nhân…). Điều này khiến nguy cơ tăng thêm gấp bội.
Hai tập đoàn lớn của Thụy Sĩ, Sunrise và Swisscom, có quan điểm ra sao ?
Tập đoàn Sunrise nhắc lại là : « kể từ các tuyên bố buộc tội đầu tiên của Mỹ năm 2008 đến nay, chưa có một bằng chứng bất thường nào được ghi nhận trong các thiết bị hay phần mềm của Hoa Vi để chứng minh cho các buộc tội nói trên. Các cáo buộc được đưa ra chỉ dựa trên bối cảnh chính trị », theo một người phát ngôn của tập đoàn. Tập đoàn Sunrise tỏ ra « hoàn toàn thỏa mãn với chất lượng của Hoa Vi và hoàn toàn không có ý định thay đối nhà cung cấp ». Sunrise khẳng định thường xuyên kiểm tra mạng điện thoại di động, và mức độ an toàn của mạng được các chuyên gia bên ngoài thẩm định và xác nhận.
Về phần mình, giám đốc an ninh của Swisscom, ông Philippe Vuilleumier, cho biết thường xuyên trao đổi với các đối tác nước ngoài. Kết luận mà người phụ trách an ninh Swisscom đưa ra là không có lý do gì để nghi ngờ về độ tin cậy của Hoa Vi. Mặt khác, tập đoàn này không được phép tiếp cận với các dữ liệu của Swisscom. Người phụ trách Swisscom cũng cho biết có các tiếp xúc thường xuyên với các cơ quan hữu trách của chính quyền liên bang, nhưng từ chối trả lời câu hỏi của báo Le Temps, là trong những tuần gần đây liệu các tiếp xúc với chính quyền có được tăng cường hay không.
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng có khả năng phát hiện các nỗ lực xâm nhập của tin tặc hay không ?
Các nhà cung cấp dịch vụ mạng khẳng định họ đã cố gắng làm tối đa, nhưng không thể đưa ra bảo đảm tuyệt đối. Giám đốc công ty an ninh mạng Objectif Sécurité cũng đánh giá là các nhà mạng Thụy Sĩ làm tốt công việc bảo đảm an toàn các cơ sở hạ tầng viễn thông mà họ phụ trách, để chống lại các mưu toan xâm nhập của một số nhà sản xuất hay một số bên khác, và đây cũng là điều mà luật quy định.
Về phần mình, giám đốc công ty an toàn mạng ZENData thì cho rằng để phát hiện ra được một cuộc tấn công mạng cần phải có các chuyên gia, và trong trường hợp nếu Hoa Vi tiến hành cuộc tấn công « một cách hoàn hảo », thì gần như không có khả năng phát hiện được.
Thụy Sĩ liệu có định loại trừ Hoa Vi ?
Trong hiện tại điều này là không chắc chắn. Tuy nhiên, các dân biểu muốn biết rõ hơn về vấn đề này. Trong hai ngày 1 và 2 tháng Tư, Ủy ban phụ trách về chính sách an ninh mạng của Thượng Viện Thụy Sĩ sẽ xem xét các nguy cơ của Hoa Vi. Các thành viên của Ủy ban này sẽ phải tham khảo ý kiến của cơ quan tình báo Liên bang và bộ Quốc Phòng.
Ghi chú
1. Sunrise – một trong ba công ty hàng đầu của Thụy Sĩ – chọn tiếp tục cộng tác với Hoa Vi trong các dự án xây dựng mạng 5G. Trong khi đó, Swisscom chọn tập đoàn Thụy Điển Ericsson, còn Salt chọn tập đoàn Phần Lan Nokia. Theo « Voici comment la 5G se déploiera en Suisse », Le Temp, 8/2/2019.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190214-de-doa-hoa-vi-phu-bong-len-thuy-si
Thụy Điển thay đại sứ tại TQ
vì ‘xử lý sai’ vụ người bán sách Hồng Kông
Ngày 14/2, Thụy Điển cho biết họ đã thay thế đại sứ tại Trung Quốc vì cách “xử lý sai” của bà khi tổ chức các cuộc họp không được cho phép nhằm giúp đỡ cho nhà xuất bản sách bất đồng chính kiến Quế Dân Hải, theo Reuters.
Nhà xuất bản người Thụy Điển, có trụ sở tại Hồng Kông, chuyên xuất bản sách chỉ trích các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc đã bị bắt cóc ở Thái Lan vào năm 2015 và sau đó xuất hiện trong tình trạng bị giam giữ tại Trung Quốc đại lục.
Con gái của ông, Angela Quế, hồi đầu tuần này nói rằng cô đã gặp Đại sứ Anna Lindstedt và hai doanh nhân ở Stockholm vào tháng 1, và họ khuyên cô nên giữ im lặng về trường hợp của cha mình trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra.
Bộ Ngoại giao Thụy Điển cho biết đó không phải là một cuộc họp chính thức, và bà Lindstedt hiện đã quay trở lại Thụy Điển và một phái viên tạm thời đã được điều đến Bắc Kinh trong một cuộc điều tra.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Rasmus Eljanskog cho biết trong một email gửi cho Reuters rằng: “Cả Bộ Ngoại giao lẫn Ngoại trưởng đều không được thông báo cho đến sau khi sự kiện xảy ra”.
“Do hậu quả của việc làm sai trong cách thực hiện các cuộc họp nói trên, chúng tôi hiện đang điều tra nội bộ”.
Ông Quế, 54 tuổi, trở thành công dân Thụy Điển sau khi du học tại nước này vào những năm 1980. Sau vụ bắt cóc, ông đã được thả ra vào tháng 10 năm 2017, nhưng nơi ở của ông không rõ ràng cho đến tháng 1 năm ngoái, khi con gái ông nói rằng ông đã bị các đặc vụ Trung Quốc bắt giữ trên một chuyến tàu hướng về Bắc Kinh trước sự chứng kiến của các nhà ngoại giao Thụy Điển.
Trung Quốc sau đó xác nhận đã bắt giữ ông Quế.
Trên trang blog của mình, cô Angela Quế cho biết bà Lindstedt đã mời cô đến Stockholm để gặp hai doanh nhân có thể giúp cho việc phóng thích cha cô.
“Các doanh nhân nói ‘Nếu cô thực sự lo cho bà Anna (Lindstedt) mà cô cứ tiếp tục nói chuyện với giới truyền thông, thì sẽ làm hại sự nghiệp của bà ấy. Cô không muốn bà ấy gặp bất kỳ tổn hại nào, phải không?’”, Reuters dẫn lời cô Quế trong bài đăng trên blog Medium.
“Để tốt cho việc đàm phán, họ bảo tôi cần phải im lặng. Tôi không nên nói với bất cứ ai về điều này, hoặc nói bất cứ điều gì công khai về vụ này”, cô Quế cho biết thêm.
“Tôi sẽ không im lặng để đổi lấy… một lời hứa bâng quơ rằng cha tôi ‘có thể” được phóng thích nữa. Những lời đe dọa, trấn áp, mua chuộc hoặc tâng bốc sẽ không thay đổi điều đó”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc từ chối bình luận sự việc này. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói bà không biết gì về tình hình mới nhất của ông Quế. Trên trang web chính thức, đại sứ quán Trung Quốc tại Stockholm cho biết họ không cho phép bất cứ ai liên hệ với con gái ông Quế.
“Phía Trung Quốc xử lý vụ Quế Dân Hải theo đúng luật pháp và thủ tục pháp lý”, Bộ này nói.
Vụ bắt cóc ông Quế ban đầu, cùng với bốn người khác một chợ sách ở Hồng Kông, đã gây ra những lo ngại về sự can thiệp của Bắc Kinh ở Hồng Kông, mặc dù cựu thuộc địa của Anh được đảm bảo các quyền tự do lớn hơn khi được trả lại cho Trung Quốc đại lục.
Bốn người khác đã trở về Hồng Kông sau đó. Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã thúc đẩy cho việc phóng thích ông Quế.
Thụy Điển cho biết họ đang tiếp tục tìm tự do cho ông Quế, trong lúc bà Lindstedt phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt về điều mà lãnh đạo của Đảng Cánh tả Thụy Điển gọi là một vụ “bê bối thái quá”.
“Một đại sứ Thụy Điển lại thực hiện hành vi của độc tài và cố gắng bịt miệng con gái của một tù nhân chính trị Thụy Điển ở Trung Quốc”, Reuters dẫn lời ông Jon Jon Sjostedt nói với truyền hình địa phương.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta từng có một vụ bê bối nào tồi tệ hơn trong chính quyền Thụy Điển ở nước ngoài trong nhiều thập niên”.
Bà Lindstedt chưa lên tiếng gì về vụ này.
https://www.voatiengviet.com/a/thuy-dien-dai-su-trung-quoc-nha-xuat-ban-hong-kong/4786703.html
Thủ Tướng Merkel:
Brexit phải ‘công bằng’ và diễn ra ‘trong trật tự’
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói hôm thứ Tư, 13/2, rằng bà sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để nước Anh rời EU (Brexit) trong trật tự trước hạn chót – ngày 29/3, tuy nhiên bà nói thêm rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải công bằng và hữu hiệu trên thực tế.
Chỉ vài tuần trước khi nước Anh chuẩn bị rời Liên hiệp châu Âu, Thủ tướng Theresa May vẫn cố gắng thuyết phục EU mở lại “thỏa thuận chia tay” mà hai bên đã đồng ý hồi năm ngoái, nhưng sau đó bị các nhà lập pháp Anh bác bỏ.
Nói với các nhà báo tại một cuộc họp báo với Thủ Tướng Luxembourg Xavier Bettel, bà Merkel nói:
“Chúng tôi đồng ý là chúng tôi phải làm mọi việc để đạt được một Brexit có trật tự”, bà Merkel nói.
“Việc này có liên quan đến bảo đảm an ninh tối đa, và cả hai bên đều cảm thấy có trách nhiệm phải làm mọi điều để đạt thỏa thuận, nhưng đó phải là một thỏa thuận công bằng và khả thi.”
Ông Bettel đã loại trừ khả năng đàm phán lại thỏa thuận EU-Anh.
“Không thể nào có một kết quả tốt hơn. Ưu tiên hàng đầu là bảo vệ sự toàn vẹn của thị trường nội bộ EU, và giảm thiểu tác động của Brexit đối với công dân”.
Báo chí Tây Ban Nha : Liên minh nguy hiểm
giữa TT Sanchez và phe đòi ly khai
Với 191 phiếu chống và 151 phiếu thuận, dự thảo ngân sách của thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã bị Nghị Viện bác bỏ vào ngày hôm qua 13/02/2019. Dự thảo ngân sách của ông Sanchez đã không được đồng minh thuộc phe đòi độc lập cho vùng Catalunya ủng hộ.
Thất bại lần này của thủ tướng Tây Ban Nha đã được dự báo. Sau 8 tháng cầm quyền, lãnh đạo đảng Xã Hội sẽ không thể tiếp tục lãnh đạo chính phủ. Theo dự kiến, ngày mai 15/02/2019, ông Sanchez thông báo tổ chức kỳ bầu cử trước thời hạn.
Sáng hôm nay, báo chí Tây Ban Nha phân tích mối liên kết giữa thủ tưởng Pedro Sanchez và phe đòi độc lập cho vùng Catalunya. Từ Madrid, thông tín viên RFI François Musseau điểm lại những nét chính :
« Về cơ bản, phần lớn các báo nói là tình hình đã xấu đi. Nói cụ thể, nhật báo bảo thủ Abc lên giọng giễu cợt, nhấn mạnh là ngay từ đầu, hồi tháng 06/2018, khi ông Sanchez lập liên minh tại Quốc Hội với phe đòi ly khai cho vùng Catalunya, thì đã có thể gọi đó là những mối tằng tịu nguy hiểm. Tờ báo này còn nói thêm là người đứng đầu đảng Xã Hội đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng có thể hòa hợp với những người đòi ly khai, mà lại không hình dung là phe này có thể sẽ phản bội bằng cách phản đối dự thảo ngân sách của ông.
Báo El Mundo còn đi xa hơn nữa, không cho là Pedro Sanchez ngây thơ. Báo này viết rằng thủ tướng đã muốn bắt tay với quỷ dữ và đã chịu một cú đau.
Còn báo Vanguardia của vùng Catalunya thì cho rằng liên minh này trái với lẽ thường, đương nhiên không thể kéo dài được lâu và dù sao đi nữa thì chính phủ của thủ tướng Sanchez cũng chỉ tồn tại tạm thời. Báo này tự hỏi vì sao. Đó là vì chính phủ của thủ tướng Sanchez và phe đòi ly khai cho vùng Catalunya chắc chắn sẽ vấp phải câu hỏi mấu chốt về quyền tự quyết.
El diario.es cũng đi theo hướng đó. Quyền tự quyết là chướng ngại vật không thể vượt qua. Phe đòi ky khai không thể từ bỏ việc đòi quyền tự quyết, còn thủ tướng Sanchez không thể xem xét điều đó. Theo tờ báo, đó chính là nguồn gốc gây tan vỡ ».
Co cụm ở Syria,
Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại?
Tướng Mỹ tiết lộ kế hoạch rút quân khỏi Syria
Ông Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Syria
Liên minh SDF, do người Kurd dẫn dắt, tấn công vào làng Shajalah và Baghuz, gần biên giới của Syria với Iraq.
Máy bay chiến đấu của Mỹ tham gia tấn công.
Năm năm trước, IS kiểm soát tới 88.000 cây số vuông, từ tây Syria sang đông Iraq.
Khi đó, IS tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo, cai trị 8 triệu dân, tạo ra hàng tỉ đôla lợi nhuận từ dầu mỏ, cướp bóc.
Nhưng hôm nay, dường như chỉ còn 1.000 dân quân và dân thường, đang bị bao vây ở thung lũng dọc sông Euphrates, Syria.
Tuy nhiên, chuyên gia chống khủng bố của LHQ, Vladimir Voronkov, nói IS đang biến thành mạng lưới ngầm, với 18.000 lính còn ở Syria và Iraq, cùng tay chân ở các nước thuộc châu Phi, Trung Đông và châu Á.
Bộ trưởng quốc phòng Đức Ursula von der Leyen thì nói IS “chưa bị đánh bại, mà thay đổi gương mặt, cách hoạt động”.
Chiến dịch đánh IS ra khỏi Syria và Iraq là sự tổng hợp của nhiều phe phái khác nhau.
Tại Syria, quân trung thành với tổng thống Assad đã đánh trả IS, cùng hỗ trợ của máy bay Nga và dân quân do Iran bảo trợ.
Trong khi đó, Mỹ thì ủng hộ SDF, là liên minh người Kurd ở Syria và tay súng Ả Rập.
Tại Iraq, an ninh Iraq nhận giúp đỡ của liên minh do Mỹ dẫn dắt cùng một nhóm dân quân có liên hệ với Iran.
Liên minh do Mỹ dẫn dắt bao gồm lính của Úc, Bahrain, Pháp, Jordan, Hà Lan, Ả Rập Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Anh.
Nhóm này không kích IS ở Iraq từ tháng Tám 2014, và một tháng sau thì không kích ở Syria.
Nga không thuộc liên minh, nhưng cũng không kích ở Syria từ tháng Chín 2015 để giúp Tổng thống Assad.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47230165
Iran chỉ trích hội nghị Vacxava về Trung Đông
Hội nghị Vacxava về hòa bình và an ninh Trung Đông do Mỹ và Ba Lan cùng tổ chức bước sang ngày thứ hai. Hơn 60 quốc gia tham dự không chia sẻ lập trường của Mỹ về “hiểm họa” Iran, coi Cộng Hòa Hồi Giáo Iran là một mối đe dọa và gây bất ổn tại Trung Đông. Ngay trong cuộc họp báo hôm 13/02/2019 Teheran đả kích “nỗi ám ảnh” của Hoa Kỳ đối với Iran.
Đặc phái viên đài RFI Nicolas Falez từ thủ đô Teheran tường trình về cuộc họp báo của ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif :
“Ngoại trưởng Iran đề cập đến hội nghị Vacxava là để chỉ trích điều mà ông gọi là ‘nỗi ám ảnh’ của Mỹ về Iran. Hôm qua tại Teheran, Mohammad Javad Zarif đã mạnh mẽ bác bỏ quan điểm của Washington và các đồng minh của Mỹ tại Trung Đông, theo đó Cộng Hòa Hồi Giáo Iran là nguyên nhân gây bất ổn cho Trung Đông.
Ngoại trưởng Iran tuyên bố : Nếu quý vị muốn đề cập đến tên lửa, nào chúng ta cùng bàn về tên lửa. Và hãy nói đến những quốc gia có nhiều tên lửa nhất trong khu vực này. Netanyahu vừa tuyên bố Israel có tên lửa tầm xa. Tại sao mọi người lại không lo lắng về chuyện đó, nhất là trong quá khứ, Israel từng xâm chiếm các quốc gia chung quanh? Israel dọa nghiền nát Iran, nhưng tôi không thấy một quốc gia châu Âu nào lo sợ. Tại hội nghị Vacxava người ta đề cập tới vấn đề tên lửa, thế thử hỏi tại sao chỉ riêng năm ngoái Mỹ đưa 100 tỷ đô la vũ khí đến Trung Đông ? Tại sao lại làm tất cả để khu vực này sắp nổ tung?
Theo ngoại trưởng Iran, giờ đây, chính Hoa Kỳ mới là quốc gia bị cô lập, kể từ khi Washington rút khỏi hiệp định hạt nhân”.
Khủng bố tại Iran, 27 vệ binh Cách Mạng Hồi Giáo tử vong
Tổng thống Hassan Rohani ngày 14/02/2019 thề “báo thù” cho 27 quân nhân thuộc Vệ Binh Cách Mạng Hồi Giáo, thiệt mạng trong vụ tấn công tối qua. Các binh sĩ này tử thương trong một vụ khủng bố tự sát xảy ra tại tỉnh Sistan Balouchistan, miền đông nam Iran.
Hiện tại chưa rõ danh tính thủ phạm, nhưng tổng thống Rohani và giáo chủ Khamenei đồng thanh tố cáo Israel và Mỹ, các quốc gia thù nghịch với Teheran “ủng hộ khủng bố“.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190214-iran-chi-trich-hoi-nghi-vacxava-ve-trung-dong
Hàn Quốc trả ‘giá cao’
890 triệu đôla một năm nuôi quân Mỹ
Thỏa thuận mới giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc buộc Seoul phải chi 890 triệu USD một năm để duy trì quân lực Hoa Kỳ, với giá tăng 8,2% thời Trump.
Theo đài NPR của Mỹ hôm 10/02/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, bà Kang Kyung-wha đã ký văn bản với ông Timothy Betts, quyền Trợ lý Thứ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cùng ngày.
Năm phi cơ TQ ‘bay sang hỏi thăm’ Hàn Quốc
Trung Quốc cảnh báo xung đột Bắc Hàn
Nam Bắc Hàn và Cuộc chiến Việt Nam
Chi phí để duy trì sự hiện diện của các đơn vị lính Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc đã tăng lên theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump.
Thỏa thuận mới này sẽ có hiệu lực sau khi thỏa thuận 5 năm qua hết hạn.
Nhưng nó đã bị một số giới ở Hàn Quốc chỉ trích.
Hoa Kỳ ban đầu đòi Hàn Quốc trả 1 tỷ USD hoặc tăng giá lên 50%.
Seoul đang trả một nửa chi phí cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc với con số trên 40 nghìn.
Hiện thỏa thuận mới còn cần nghị viện Hàn Quốc phê chuẩn.
Seoul muốn có thỏa thuận 3-5 năm năm nhưng lần này Mỹ chỉ cho có một năm.
Vì thế, theo các báo Hàn, chỉ trong vòng vài tháng nữa Seoul lại phải bắt đầu đàm phán tiếp.
Chính quyền Trump muốn các nước có lính Mỹ đồn trú đều phải trả tiền cao lên để giữ chân họ.
Hoa Kỳ đóng quân ở nhiều nơi
Ngoài Hàn Quốc, các nước hiện có đông quân Mỹ đóng là Đức và Nhật Bản.
Hoa Kỳ cũng có các đơn vị nhỏ đóng ở Úc nhưng theo dạng luân chuyển.
Nhìn chung, Washington đang duy trì 800 căn cứ quân sự ở trên 70 nước và vùng lãnh thổ.
Theo một số tài liệu, chừng 350 nghìn quân Mỹ đóng ở bên ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, đông nhất là ở châu Âu, bên cạnh cơ chế NATO, và Đông Á.
Tuy thế, không phải căn cứ nào cũng đông quân như ở Nhật Bản (40 nghìn), Hàn Quốc (40 nghìn) và Đức (75 nghìn).
Lý do là các căn cứ Mỹ chia làm bốn loại: căn cứ không quân, lục quân, hải quân và trạm thông tin, tình báo.
Còn nếu tính cả các trạm liên lạc, bảo dưỡng, nhà kho…dùng cho quân sự thì Hoa Kỳ hiện có tới 6000 cơ sở trên toàn cầu.
Căn cứ cho lục quân là đông người nhất, gồm cả binh sỹ, gia đình họ và các công ty phụ trợ.
Tuần này, Hoa Kỳ mở hội nghị ở Warsaw bàn về Iran mà không có Iran, và nước chủ nhà Ba Lan hy vọng Mỹ sẽ cho quân sang đóng ở nước họ.
Báo chí Ba Lan mong có ‘trại Trump’ (Fort Trump) giữ chân quân Mỹ để ngăn ngừa sức ép từ Nga.
Cuối tháng này, Tổng thống Donald Trump sẽ họp mặt với lãnh đạo Bắc Hàn, Kim Jong-un tại Hà Nội để bàn về việc chương trình nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Có mặt trên bán đảo Triều Tiên từ sau Thế Chiến 2, quân đội Mỹ là đảm bảo an ninh cho đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47229577
Tăng trưởng u ám, sa thải hàng loạt, doanh nghiệp
TQ điêu đứng trước “mùa đông kinh tế”
Nếu vài năm trước, kinh tế Trung Quốc liên tục tăng trưởng và đạt được những thành tựu mới thì tình hình hiện tại đã khác.
Ngày 21/1, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng Bắc Kinh cần chú trọng hơn tới các nguy cơ bất ổn xã hội gây ra bởi hàng loạt các vấn đề kinh tế leo thang. Lời tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tình hình việc làm tại Trung Quốc đang có dấu hiệu suy thoái nhanh chóng, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Liệu Bắc Kinh có áp dụng những chính sách cần thiết để kết thúc thương chiến với Mỹ và ổn định lại tăng trưởng trong năm nay hay không vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Tuy nhiên, lời cảnh báo của ông Tập đã phản ánh khá rõ rệt những vấn đề mà những người chủ doanh nghiệp như ông Guo Fengcen gặp phải.
Hoạt động tại miền nam tỉnh Quảng Đông, một trong những trung tâm sản xuất xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, ông Guo không ngờ rằng những biến động lớn trong nền kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng “kết liễu” giấc mơ mở rộng chuỗi cửa hàng bánh của ông ở thành phố Đông Quản.
Tháng 2/2017, ông Guo và gia đình đã bắt đầu hiện thực hóa tham vọng gây dựng chuỗi cửa hàng bánh xuyên suốt khắp thành phố. Đây là thời điểm mọi người ở Trung Quốc đều tin rằng tất cả các ngành kinh tế sẽ bùng nổ không ngừng trong những năm sắp tới.
Viễn cảnh tươi sáng này dường như xuất hiện khắp nơi trên lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm sức tiêu thụ hàng hóa, đầu tư tư nhân, thu nhập cá nhân, giá trị bất động sản và tiến bộ công nghệ kĩ thuật.
Với tinh thần lạc quan ấy, ông Guo cùng gia đình đã mượn 2,3 triệu NDT (khoảng 341.000 USD) thuê một nhà máy, mua sắm thêm trang thiết bị sản xuất bánh, mở cửa và trang hoàng 24 cửa hàng mới cũng như thuê tổng cộng 150 nhân viên.
Nhưng cỗ máy tăng trưởng đã gặp trục trặc lớn vào năm ngoái sau hậu quả của chiến tranh thương mại ngày càng leo thương với Mỹ.
Mặc dù đã nâng cấp nội thất, trang trí cửa hiệu lộng lẫy và tăng chất lượng của các loại bánh ngọt, việc kinh doanh của ông Guo xuống dốc nhanh hơn cả trước khi bắt đầu đầu tư.
Sự tự tin của nền kinh tế Trung Quốc nhanh chóng sụt giảm, buộc tầng lớp trung lưu phải cắt giảm tiêu dùng, và các doanh nghiệp nhỏ và vừa dừng các khoản đầu tư, tinh giảm nhân lực để sẵn sàng đối phó với một “mùa đông lạnh” ở phía trước.
Tất cả các ngành nghề đều chịu ảnh hưởng
Theo những nhà phân tích trong nước, tỉ lệ việc làm đã giảm sút ở những ngành từng phát triển mạnh, bao gồm internet, công nghệ cao và khởi nghiệp game online, thậm chí đối với những nhãn hiệu nội địa nổi tiếng.
Các doanh nghiệp nhỏ ở Trung Quốc đang chật vật giải quyết tình trạng đơn đặt hàng nước ngoài ít hơn bao giờ hết do thuế quan Mỹ, nguồn tiền bị thắt chặt, và đồng NDT mất giá làm tăng chi phí nguyên liệu nhập khẩu và các chi phí nội địa khác như năng lượng, thuế, tiền thuê phòng, nhân công.
Cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc trở nên đặc biệt thận trọng đối với các khoản đầu tư tại thời điểm này.
Ông Guo đã nhanh chóng cắt lỗ bằng việc đóng cửa nhà máy, bán trang thiết bị với giá rẻ, đóng cửa 15 cửa hàng, giảm nhân công từ 150 còn 35 người chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm.
“Tôi nghĩ tôi đã không tính tới một yếu tố nguy hiểm, đó là việc các nhà máy tại Đông Quản đã cắt giảm nhân công hàng loạt. Hầu hết cửa hàng của chúng tôi đều đặt tại những thị trấn công nghiệp ở Đông Quản. Số lượng nhân công ở khu này là yếu tố thiết thực nhất đối với hoạt động của cửa hàng bánh,” ông Guo nói.
“Công ty điện tử Suyin ở Qingxi đã cắt giảm từ 10.000 nhân công xuống chỉ còn 2.000 người. Đây từng là những khách hàng quan trọng của chúng tôi. Họ mua bánh hàng ngày để ăn sáng, tiệc sinh nhật và vô số dịp khác nữa”.
Sau 20 năm điều hành một xưởng quần áo ở Quảng Châu, người đàn ông 42 tuổi Leo Li cũng buộc phải điều chỉnh lại số nhân công giữa bối cảnh lợi nhuận của ngành sản xuất đang sa dần vào chuỗi xoắn ốc theo chiều đi xuống.
Xưởng của ông Li chuyên sản xuất đồ lót nam giới cho thị trường trung lưu ở Đại lục. Nơi này từng thuê tới 600 nhân công vào thời kỉ đỉnh cao cuối những năm 2000. Hiện tại, chỉ còn khoảng 100 người lao động được giữ lại.
Nhìn chung, tình hình ở Trung Quốc thay đổi rất nhanh từ “mở rộng tiêu dùng nhanh chóng” cho tới “sụt giảm tiêu dùng” vì lo ngại về viễn cảnh kinh tế trước mắt. Theo ông Li, khi lợi nhuận giảm, lượng nhân công cũng giảm theo.
“Tôi chỉ giữ những nhân công kì cựu có tay nghề. Theo như những gì tôi biết từ bạn bè và người thân, tất cả các doanh nghiệp tư nhân đều đang làm tương tự như vậy bởi không có đủ đơn đặt hàng để duy trì nhân công quy mô lớn. Chúng tôi có thể thuê thời vụ nếu có thêm đơn hàng”.
Có thể thấy lợi ích của việc thuê nhân công thời vụ là doanh nghiệp không phải trả tiền an sinh xã hội, trả lương thấp hơn và phải đảm bảo ít quyền lợi hơn cho nhân công.
Cắt giảm hàng loạt
Các công ty Internet và trò chơi điện tử đang trải qua thời kì khó khăn. Lin Yue, một kĩ sư hạ tầng kì cựu, đã bị sa thải vào tháng 8 bởi một công ty trò chơi tại Bắc Kinh. Công ty này đã cắt giảm nhân công từ 500 xuống chỉ còn 350 người.
Ông Lin cho biết các công ty trò chơi tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán, Quảng Châu và Thâm Quyến đã giảm số lượng nhân viên chỉ còn 1 nửa từ đầu năm ngoái sau khi cơ quan quản lí quyết định giới hạn số lượng trò chơi được lưu hành và hạn chế thời lượng chơi trò chơi sau khi ông Tập kêu gọi giải quyết vấn đề cận thị ở trẻ em.
“Ngành trò chơi nở rộ vào năm 2015 và 2016. Thậm chí cả những nông trại tư nhân, cửa hàng bán váy cưới và cơ sở khai thác khoáng sản cũng đầu tư vào các dự án viết trò chơi mà họ tin rằng sẽ trở thành bom tấn,” Joshph Ma, một nhân viên làm việc tại công ty phân phối trò chơi điện thoại ở Quảng Châu, cho biết.
“Một lập trình viên hoặc thiết kế trò chơi máy tính có thể kiếm được hơn 30.000 NDT (~4.448 USD) vào thời điểm đó. Nhưng bây giờ mọi chuyện hoàn toàn khác.”
Ở lĩnh vực công nghệ cao, hơn 200 sinh viên mới tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu đã bị hủy hợp đồng lao động bởi công ty thiết bị điện tử y sinh Mindray vào hồi tháng 12 vì những thay đổi trong kế hoạch tuyển dụng của công ty.
Theo Liu Kaiming – Viện trưởng viện Quan sát Thời đại ở Thâm Quyến, tỉ lệ thất nghiệp chính thức ở Trung Quốc còn nhiều thiếu sót vì đã không tính tới gần 300 triệu người lao động di cư.
“Cho tới nay mức độ thất nghiệp vẫn đang được kiểm soát. Chúng ta phải chờ xem liệu thương chiến Mỹ – Trung và căng thẳng giữa hai nước sẽ giảm thiểu hay tồi tệ hơn trong năm nay. Nếu tồi tệ hơn, các nhà đầu tư sẽ phải tính toán chi ly hơn về việc tiếp tục kinh doanh hay nên đóng cửa và rời khỏi Trung Quốc. Việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới thị trường việc làm”.
Ernan Cui, một nhà phân tích tại cơ quan nghiên cứu Gavekal, nói rằng Trung Quốc sẽ đối diện với một thị trường việc làm khó khăn kể cả khi Bắc Kinh có thể đạt được một thỏa thuận với Mỹ và kết thúc thuế quan thương mại.
Theo ông Cui, có những chỉ số cho thấy thu nhập và lượng tiêu thụ hàng hóa trong một vài năm tới tại Trung Quốc chắc chắn sẽ sụt giảm.
Những tín hiệu khác từ công nghiệp Trung Quốc cũng phản ánh nỗi lo ngại trên thị trường việc làm. Hoạt động sản xuất robot công nghiệp, bao gồm các sản phẩm từ công ty nước ngoài ở Trung Quốc, đã giảm từ tháng 9 tới tháng 12 năm ngoái.
Mức giảm 12,1% vào hồi tháng 12/2018 so với cùng kì năm 2017 đã tương phản rõ rệt so với mức tương trưởng 30% hàng tháng trong 5 tháng đầu năm 2018.
Trung Quốc sản xuất tới 70% sản lượng đồ điện tử của thế giới, và chiến tranh thương mại đang làm lung lay quyết định đầu tư vào công nghiệp robot của các nhà đầu tư.
“Ngành công nghiệp robot đang cho thấy ảnh hưởng to lớn của thương chiến với công nghiệp điện tử Trung Quốc,” nhà phân tích Bloomberg Nikkie Lu cho hay.
Thặng dư thương mại của TQ với Mỹ
giảm trong tháng Một
Thặng dư thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ trong tháng Một giảm còn 27,3 tỷ đôla từ mức 29,87 tỷ đôla hồi tháng 12.
Reuters đưa tin như vậy, dẫn số liệu của hải quan công bố hôm 14/2.
Xuất khẩu của Trung Quốc sang Hoa Kỳ giảm 2,4% trong tháng Một so với một năm trước đó. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ sụt giảm tới 41,2%.
Theo Reuters, mức thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ lâu nay là điểm gây nhiều trở ngại trong quan hệ với Washington.
Bộ trưởng Mỹ hy vọng đàm phán với TQ đạt kết quả
Đó cũng là một trong các trọng tâm của cuộc chiến thương mại hiện thời giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đôi bên đã đánh thuế lẫn nhau với giá trị hàng hóa lên tới hàng trăm tỷ đôla.
Một vòng đàm phán mới giữa hai nước bắt đầu hôm 11/2, trong khi hai bên tìm cách đạt được một thỏa thuận trước thời hạn chót 1/3.
Nếu không, Mỹ sẽ nâng mức đánh thuế từ 10% lên 25% đối với hàng hóa trị giá 200 tỷ đôla của Trung Quốc.
Quanh vụ chính quyền Duterte
bắt nhà báo nổi tiếng Maria Ressa
Hiện có lời kêu gọi biểu tình ủng hộ bà Maria Ressa, nhà báo nổi tiếng ở Philippines, bị bắt và tạm cho tại ngoại trong vụ ‘phỉ báng’.
Hội Nhà báo Philippines (NUJ) kêu gọi tổ chức biểu tình vào ngày 15/02 này để phản đối vụ bắt bà Maria Ressa.
Được tạp chí TIME vinh danh là Nhân vật của năm 2018, cùng ba nhà báo khác, bà Maria Ressa bị bắt hôm 13/02 tại Manila.
Sau đó, sang hôm 14/02, bà được cho nộp tiền thế chân để tại ngoại chờ ra tòa.
Chính quyền Philippines đưa ra cáo buộc trong vụ ‘phỉ báng trên mạng’ nhắm vào bà, nhưng hiện Manila đang gặp nhiều chỉ trích quốc tế.
Báo Thanh Niên cho hơn 10 phóng viên, cán bộ ‘thôi chức’
Duterte nói phương Tây ‘đạo đức giả’
Đình chỉ vụ án với ông Kim Quốc Hoa
Các nhóm vận động, hội nhân quyền đều lên tiếng phản đối vụ bắt bà Maria Ressa, CEO của tập đoàn báo chí Rappler.
Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) nói chính phủ của ông Duterte dùng pháp luật để đe dọa giới làm báo.
Cựu bộ trưởng ngoại giao Hoa Kỳ, bà Madeleine Albright nói vụ bắt bà Ressa là “kinh khủng” và cần bị mọi quốc gia lên án.
Các báo buộc nhắm vào bà Maria Ressa có thể đem lại án tù 12 năm.
Nhà báo Maria Ressa từng là trưởng văn phòng đài CNN ở Jakarta – Indonesia trước khi về nước thành lập trang Rappler vào năm 2012.
Bà từng được trao hai giải thưởng báo chí danh giá, giải Tự do Báo chí của Ủy ban Bảo vệ nhà báo (CPJ, New York), và giải Báo chí quốc tế hiệp sĩ của Trung tâm Nhà báo quốc tế.
Trang Rappler nổi tiếng với các phóng sự điều tra nhắm vào cơ quan công quyền.
Cuối năm 2018, sang Oxford, Anh Quốc dự cuộc gặp mặt với các fellow về báo chí ở Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters, bà có bài phát biểu về tình trạng nguy hiểm cho nhà báo ở Philippines khi họ dám đề cập đến các chủ đề nhạy cảm cho quan chức chính quyền.
Khi đó, bà đã cho hay chính quyền Philippines luôn sẵn sàng tìm cách bắt để bỏ tù bà vì các lý do khác nhau.