Tin Biển Đông – 13/02/2019
Ngụy tạo phi lý trong bài báo của TQ về Chữ Thập
Bài báo của Trung Quốc về Chữ thập là hoàn toàn ngụy tạo. Theo quy định của luật pháp và tập quán quốc tế, Chữ Thập là đá, không phải là đảo. Trung Quốc không có danh nghĩa chủ quyền với Chữ Thập. Mục đích quân sự hoá là rõ ràng, còn phục vụ dịch vụ công quốc tế chỉ là bịa đặt.
Ngày 27/01/2019, trang mạng Trung Quốc có bài viết “Quần đảo Trường Sa có một khu lưỡng dụng được ẩn giấu. Chuyện gì đang diễn ra ở đây? ” biện hộ về hình ảnh toàn cảnh cơ sở hạ tầng
mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Chữ Thập. Nội dung bài báo rất phi lý và đáng phê phán vì hoàn toàn là ngụy tạo.
Ngụy tạo về quy chế đảo
Đầu tiên, cách viết và dẫn chứng của bài báo ngụ ý Chữ Thập là đảo. Bài báo cho rằng Chữ Thập trước khi cải tạo là thực thể nổi với diện tích nhỏ dưới 0,2 km2, sau khi cải tạo trở thành đảo nhân tạo lớn với diện tích 2,8 km2, tương đương với gần 2 lần thủ đô của nước Maldive ở Ấn Độ Dương, nơi có dân số khoảng 100.000 người. Đồng thời, bài báo ngầm cho rằng Chữ Thập có giá trị như các thành phố trên đất liền do các cơ sở xây dựng đủ điều kiện cho cư dân sinh sống (có đường băng 3.000 m, các nhà chứa máy bay, cầu cảng, phủ sóng 4G, cơ sở tập luyện, sân bóng rổ, bóng đá, bệnh viện dã chiến với 10 khoa đặc biệt, vườn rau hơn 4.000 m2, các toà nhà có điều hoà, ti vi, máy giặt,…)
Cách diễn giải này hoàn toàn vô lý vì không căn cứ theo quy định của luật pháp quốc tế và điều kiện tự nhiên của Chữ Thập. Điều 121 của UNCLOS 1982 quy định rất rõ rằng đảo phải là “vùng đất tự nhiên” có nước bao bọc, khi thuỷ triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước, loại trừ bất kỳ đảo nhân tạo nào. Điều 60 (khoản 8) của UNCLOS 1982 cũng quy định “các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa.”
Cụ thể hơn, Phán quyết ngày 12/7/2016 của Toà trọng tài trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc khẳng định Chữ Thập chỉ là đá (không phải là đảo). Kết luận của Toà Trọng tài thuyết phục vì không những là một phần của luật quốc tế, dựa trên các quy định của UNCLOS 1982, tập quán quốc tế mà còn dựa trên các chứng cứ chính xác về điều kiện tự nhiên của Chữ Thập từ nửa cuối thế kỷ 19. Toà đã căn cứ vào dữ liệu khảo sát từ năm 1866 của tàu HMS Rifleman cho thấy có mỏm đá nhô lên mặt nước ở cực Tây Nam của bãi. Năm 1936, tàu HMS Herald khảo sát và mô tả lại Chữ Thập là một bãi san hô có vài mỏm đá khô bị sóng biển làm xói mòn. Tổng chiều dài của bãi là 22 km (14 dặm), chiều rộng là 4,6 km (4 dặm), trong đó mỏm đá lớn nhất ở cực Tây Nam của bãi cao khoảng 0,6 m trên mặt nước. Nội dung này sau đó được mô tả tương tự trong các Chỉ dẫn hàng hải quốc tế như Chỉ dẫn biển Trung Hoa (China Sea Directory) của Anh, Chỉ dẫn hàng hải của Mỹ (US Sailing Directions), Chỉ dẫn biển của Philippines (Philippines Coast Pilot),… Đáng chú ý, Chỉ dẫn biển của Hải quân Trung Quốc cũng mô tả hầu hết Chữ Thập chìm dưới mặt nước, chỉ có 7 chỏm nhỏ xuất hiện khi thuỷ triều xuống.
Trên thực tế, đa phần các quốc gia khu vực không công nhận Chữ Thập là đảo. Minh chứng là các nước lớn, nhất là Mỹ tích cực ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài. Các nước còn triển khai các hoạt động tự do hàng hải qua Biển Đông để thách thức yêu sách của Trung Quốc. Ví dụ, tháng 5/2016, Mỹ điều tàu chiến USS William P. Lawrence thực hiện tự do hàng hải trực tiếp ở Chữ Thập, đi vào 12 hải lý của Chữ Thập để bác bỏ yêu sách của Trung Quốc và củng cố lập luận rằng Chữ Thập không được hưởng quy chế đảo. Trong khi đó, các nước ở khu vực trực tiếp hoặc gián tiếp thể hiện ủng hộ với Phán quyết thông qua nhấn mạnh tôn trọng “quy trình pháp lý và ngoại giao.”
Ngụy tạo danh nghĩa chủ quyền
Thứ hai, bài báo ngụy tạo danh nghĩa về chủ quyền của Trung Quốc đối với Chữ Thập. Bài báo ngang nhiên cho rằng việc mở rộng nhân tạo các bãi cạn tự nhiên ở Biển Đông giúp bảo vệ cái gọi là toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ các đảo trên Biển Đông… và việc xây dựng các đảo và bãi đá ở Biển Đông là vấn đề chủ quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ vùng biển và vùng trời trên Biển Đông trong cái gọi là yêu sách “đường lưỡi bò.”
Luận điểm này có hai điều phi lý. Một là, Chữ Thập và các thực thể ở Trường Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc chỉ xuất hiện và chiếm đóng Chữ Thập từ ngày 31/01/1988. Đây là một trong chuỗi các hành động sử dụng vũ lực để đánh chiếm Trường Sa với đỉnh điểm là cuộc hải chiến Gạc Ma vào tháng 3/1988. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm quy định của Hiến chương Liên hợp quốc về việc cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền của quốc gia khác (Điều 2 khoản 4). Do đó, hành động này không cấu thành bằng chứng khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với Chữ Thập và các cấu trúc nước này chiếm đóng ở Trường Sa, ngược lại là chứng cứ cho thấy Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế.
Hai là, “đường lưỡi bò” (hay là “đường chín đoạn”) rất mập mờ, không có cơ sở thực tế khách quan và không có căn cứ theo bất cứ loại luật pháp quốc tế nào, đặc biệt là UNCLOS 1982. Việc coi “đường lưỡi bò” là căn cứ để xác định lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa đều không đúng. Lý do là (i) “đường lưỡi bò” do một cá nhân vẽ tự do 34 năm
trước khi UNCLOS ra đời năm 1982 và được chính quyền Trung Hoa Dân quốc sử dụng lại. Đường này không được cơ quan luật pháp quốc tế nào công nhận là ranh giới các vùng biển của Trung Quốc. Khi Trung Quốc tung bản đồ chứa đường này năm 2009 liền bị các nước ở khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia phản đối. Các nước lớn, nhất là Mỹ cũng chính thức bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc; (ii) trên thực tế, khoảng cách từ đường cơ sở bao quanh đất liền của Trung Quốc dùng để tính chiều rộng các vùng biển đến “đường lưỡi bò” quá xa và gấp nhiều lần khoảng cách cho phép của các vùng biển được quy định trong UNCLOS 1982; (iii) Phán quyết Toà Trọng tài trong vụ kiện Philippines – Trung Quốc ở Biển Đông bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc trong “đường lưỡi bò”. Toà khẳng định “yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử hoặc quyền chủ quyền và quyền tài phán khác đối với các vùng viển ở Biển Đông bên trong ‘đường chín đoạn’ trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý đối với phạm vi vượt qua giới hạn địa lý của các vùng biển của Trung Quốc đúng theo Công ước.” Phán quyết còn nhấn mạnh lại rằng Công ước bác bỏ bất cứ quyền lịch sử nào hoặc quyền chủ quyền và quyền tài phán nào vượt quá giới hạn được quy định trong Công ước.
Ngụy tạo dịch vụ công quốc tế
Thứ ba, bài báo còn ngụy tạo dịch vụ công quốc tế. Bài báo đã không che giấu mục đích quân sự của Trung Quốc trong việc cải tạo Chữ Thập và các thực cấu trúc chiếm đóng ở Trường Sa, coi Chữ Thập và các cấu trúc nhân tạo khác như Xu Bi và Vành Khăn là tàu sân bay không thể bị đánh chìm. Trung Quốc đã cho máy bay dân sự cất hạ cánh, điều động tên lửa đối không và đối hạm ra Chữ Thập. Song song với đó, bài báo lồng ghép rêu rao việc xây dựng cơ sở trên Chữ Thập còn nhằm thực thi nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc theo yêu cầu của UNESCO và phục vụ các nhiệm vụ khẩn cấp quốc tế như cứu hộ cứu nạn, tránh trú cho ngư dân (rằng là tháng 3/1987 Uỷ ban Hải dương học liên chính phủ của UNESCO ủy thác cho Trung Quốc thiết lập trạm quan trắc đại dương ở Trường Sa, sau đó Trung Quốc chọn Chữ Thập làm địa điểm triển khai).
Việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông nói chung và Chữ Thập nói riêng là rõ như ban ngày. Điều đáng lên án là bài báo dường như coi đây là điều đương nhiên, cố tình lờ đi sự thật rằng việc điều động các vũ khí tấn công ra Biển Đông là hành động đơn phương nhằm mở rộng kiểm soát không gian, tiến tới độc chiếm Biển Đông và gây mất an ninh đối với các nước xung quanh và ảnh hưởng đến sự an toàn của các tàu thuyền nước ngoài đi qua Biển Đông.
Việc Trung Quốc rêu rao nghĩa vụ quốc tế là hoàn toàn bịa đặt. Trên thực tế, Trung Quốc đã gian xảo, cố tình lợi dụng danh nghĩa tổ chức quốc tế để biện hộ và làm mờ đi hành động dùng vũ lực để xâm chiếm Chữ Thập và các thực thể khác ở Trường Sa vào năm 1988, và củng cố yêu sách chủ quyền vô lý, bất hợp pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. UNESCO là tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hoá Liên hợp quốc, không có thẩm quyền để giao cho Trung Quốc nhiệm vụ xây dựng trạm quan trắc trên lãnh thổ thuộc chủ quyền của quốc gia khác.
Tóm lại, bài báo của Trung Quốc về Chữ Thập là hoàn toàn ngụy tạo. Theo quy định của luật pháp và tập quán quốc tế, Chữ Thập là đá, không phải là đảo. Trung Quốc không có danh nghĩa chủ quyền với Chữ Thập. Mục đích quân sự hoá là rõ ràng, còn phục vụ dịch vụ công quốc tế chỉ là bịa đặt.
http://biendong.net/diem-tin/26188-nguy-tao-phi-ly-trong-bai-bao-cua-tq-ve-chu-thap.html
TQ và âm mưu xuyên tạc lịch sử
nhằm chiếm đoạt Hoàng Sa và Trường Sa
Có thể nói, tham vọng áp đặt chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông đã tỏ ra hết sức mâu thuẫn với nguồn tài liệu chính sử của họ. Từ lâu, Trung Quốc đã không từ bỏ việc làm mà tất cả các học giả chân chính đều lên án là cố tình bịa đặt và xuyên tạc lịch sử. Hành động này đã được Trung Quốc toan tính lâu dài và tổ chức thực hiện công phu để có thể xuyên tạc lịch sử hàng ngàn năm từ cổ chí kim trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Các Sách Trắng về “chủ quyền” của Trung Quốc tại hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa, cũng như một số tài liệu nghiên cứu của các học giả Trung Quốc mà tiêu biểu là ông Hàn Chấn Hoa với cuốn “Tổng hợp sử liệu các đảo Nam Hải của nước ta” đã đưa ra nhiều kết luận “hùng hồn” rằng có rất nhiều “sự thật lịch sử”, trong đó có sự hiện diện của các di chỉ khảo cổ, “chứng tỏ đầy đủ rằng” Trung Quốc là người đã phát hiện, kinh doanh, khai thác và thực hiện việc cai quản đầu tiên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) từ “hàng nghìn năm nay”. Thế nhưng, đáng tiếc là các sử gia Trung Quốc thời cổ xưa lại chính là những nhà chép sử có lòng tự trọng và nghiêm túc với chức trách. Các bộ Sử ký của nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc đã ghi lại hầu hết các sự kiện quan trọng với nhiều chi tiết rõ ràng, nên khi đi vào từng vấn đề cụ thể, lập luận của Trung Quốc ngày nay về chủ quyền của họ trên Biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng đã tỏ ra hết sức mâu thuẫn với bản thân các tài liệu chính sử.
Xét về mặt địa lý, Trung Quốc trích dẫn từ một số sách địa lý cổ xưa của họ có những ghi nhận và mô tả về các đảo Hoàng Sa và Trường Sa để cho rằng họ phát hiện và xác lập chủ quyền tại hai quần đảo này từ hàng ngàn năm qua. Chẳng hạn như cuốn Nam Châu Dị Vật Chí của Vạn Chấn (thời Tam Quốc 220-265) viết dưới thời Hán Vũ Đế, có mô tả về các đảo đá và cát trên Biển Đông, có đoạn mô tả chỗ nước nông và có đá nam châm khiến cho tàu thuyền qua lại nguy hiểm, dễ bị chìm. Dị Vật Chí của Dương Phù (đời Đông Hán, 25-220 sau CN) nói về những điều lạ của xứ nước ngoài mô tả địa danh Trướng Hải như sau: “Tại Trướng Hải Kỳ Đầu nước cạn nhưng nhiều đá nam châm, thuyền lớn đi ngoài cõi, dưới thuyền gắn lá sắt sẽ bị nhổ ra”. Chỉ có vậy, thế nhưng các tài liệu gần đây của Trung Quốc lại “áp đặt” sự mô tả này về Trướng Hải Kỳ Đầu cùng truyền thuyết về đá nam châm hút đinh sắt của các thuyền có liên quan tới các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong Biển Đông. Cũng cần nhấn mạnh rằng, phần lớn các thư tịch cổ của Trung Quốc khi nói về đảo và các bãi đá ngầm trên Biển Đông đều chép với rất nhiều tên gọi khác nhau. Chẳng hạn như trong cuốn Đông Tây Dương Khảo của Trương Nhiếp (1618), có nói đến các đảo nằm cách huyện Văn Xương 100 dặm (khoảng 50km), điều này không thể phù hợp về mặt địa lý với quần đảo Hoàng Sa (Paracels) nằm cách Hải Nam về phía nam đến hơn 250km. Tên của các đảo này cũng được chép rất khác nhau tùy theo sự tưởng tượng của tác giả như: Cửu Nhũ Loa Châu, Vạn Lý Thạch Đường, Thiên Lý Thạch Đường, Thất Châu Dương, Thất Châu Sơn… Thật là khó có thể chấp nhận quan điểm của Trung Quốc khi họ cứ khăng khăng cho rằng những đảo đó chính là quần đảo Hoàng Sa (Paracels) hoặc có lẽ là Trường Sa (Spratleys). Đôi khi, sự khẳng định của họ không khỏi gây ra sự sửng sốt. Trong tài liệu “Các biên giới của Trung Quốc” của Chu Kiện (1991), tác giả khẳng định “năm 1873, Quách Tông Đào, Đại sứ đầu tiên của Trung Quốc được cử sang phương Tây, trong nhật ký hành trình đã nhắc đến Nam Sa (Spratleys) thuộc về Trung Quốc”. Thế nhưng đoạn văn này lại được minh hoạ thêm bởi chú thích đề cập tới Hoàng Sa (Paracels) và ghi chú đảo nằm ở vĩ độ 17 Bắc. Đây quả là sự lẫn lộn nghiêm trọng và càng cho thấy sự cố tình gán ghép các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vốn nằm phía nam vĩ tuyến 17 vào lãnh thổ Trung Quốc.
Các tham vọng của Trung Quốc còn mâu thuẫn bởi chính các nguồn tư liệu khác của họ. Nhiều tài liệu địa lý cổ mô tả và phân định rõ lãnh thổ của đế chế Trung Hoa khá trùng hợp nhau, các mô tả này đều định rõ lãnh thổ Trung Hoa có điểm tận cùng ở phía nam là đảo Hải Nam. Theo hướng này, trong số các cuốn sách ở thế kỷ XII, rồi thế kỷ XVII và XVIII, trong đó các cuốn Địa chí phủ Quỳnh Châu (tức đảo Hải Nam) cũng như cuốn Địa chí tỉnh Quảng Đông năm 1731, cuốn sách dâng nộp vua Thanh năm thứ 9 đời Văn Chính (1731), bản đồ tỉnh Quảng Đông không nói gì đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó vào năm 1754, các dân binh hải đội Hoàng Sa của Việt Nam bị đắm thuyền khi công tác trên quần đảo Hoàng Sa trôi dạt tới bờ biển Trung Quốc, nhà chức trách Trung Quốc sau khi thẩm tra xong đã đưa họ về quê hương mà không có sự phản kháng nào của Trung Quốc, chứng tỏ hoạt động của hải đội Hoàng Sa được Trung Quốc thời đó ghi nhận là việc bình thường thực thi chủ quyền của Việt Nam tại vùng biển này. Trong tất cả các tài liệu Trung Quốc đều nhắc lại rằng các ngư dân Trung Quốc đã đến các đảo trên Biển Đông vào mọi thời kỳ. Nhưng, các tài liệu mà họ đưa ra chỉ cho thấy đó là những hành vi cá nhân, không mang tính nhà nước, không phù hợp với một sự chiếm hữu cũng như với ý định khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia bởi vì việc chiếm cứ “do các tư nhân không hành động nhân danh chính phủ của họ mà thực hiện vì một lợi ích cá nhân không tạo thành một sự chiếm hữu”, theo luật pháp quốc tế đương thời.
Hơn nữa, cũng trong những thời kỳ này, chính các quần đảo đó thường được các ngư dân Việt Nam lui tới. Trên thực tế, đã không có một chút dấu vết gì chứng tỏ là Trung Quốc đã từng phản kháng lại sự khẳng định chủ quyền của Hoàng đế Gia Long và các người kế nhiệm ông trong suốt cả thế kỷ XVIII cũng như thế kỷ XIX, khi các chúa Nguyễn của Việt Nam tổ chức việc khai thác các đảo nằm dưới quyền tài phán của họ một cách mạnh mẽ và liên tục. Chúng ta có thể tìm thấy trong các văn tập lịch sử Trung Quốc những lời xác nhận sự không tồn tại tham vọng về các đảo trên Biển Đông của Trung Quốc trong lịch sử. Như vậy, có thể thấy rằng Trung Quốc chưa bao giờ có việc thực thi chủ quyền mang tính nhà nước đối với các quần đảo này suốt lịch sử cho tới đầu thế kỷ XX. Sự thờ ơ của Trung Quốc đối với các quần đảo trên Biển Đông đã được hai tài liệu xác nhận: bản đồ Trung Hoa của đế chế thống nhất Hoàng Triều Nhất Thống Dư Địa Tổng Đồ, phát hành vào năm 1894, lãnh thổ Trung Quốc trong đó chỉ mở rộng tới đảo Hải Nam. Ngoài ra, quyển “Trung Quốc Địa Lý Học Giáo Khoa Thư”, phát hành năm 1906 nêu ở trang 241 rằng “điểm cực nam của Trung Quốc là bờ biển Nhai Châu, đảo Quỳnh Châu, ở vĩ tuyến 18°13′ Bắc”.
Sự chính xác và rõ ràng của các luận chứng khẳng định chủ quyền lâu đời, liên tục của Việt Nam bằng những hành động cụ thể của người Việt theo lệnh của triều đình từ thế kỷ XVIII, khiến Trung Quốc phải phản bác lại là các vua chúa Việt Nam luôn chỉ hoạt động nhằm phục vụ Hoàng đế Trung Hoa. Điều này lại càng phi lý. Vương quốc Việt Nam (Đại Cồ Việt) được thành lập vào thế kỷ XI bằng việc thiết lập một quyền lực chính trị và một nền cai trị độc lập đối với Trung Quốc, nhưng đồng thời công nhận một cách khéo léo quyền bá chủ của Trung Quốc. Mối quan hệ chư hầu này khó xác định theo một quan điểm pháp lý bởi vì nội dung của nó mơ hồ và tăng giảm tùy theo các thời kỳ. Trong lịch sử bang giao Đại Việt – Trung Hoa, các triều đại Việt Nam cần lễ thụ phong của Trung Quốc để được công nhận, giống như mọi quốc gia hiện đại muốn đứng vững thì không thể bỏ qua sự công nhận quốc tế. Đối với Trung Quốc, cống nạp thể hiện sự phụ thuộc tối đa mà họ hy vọng. Ngược lại, đối với Đại Việt, cống nạp thể hiện sự độc lập tối đa mà vương quốc này có thể đạt tới mà không gây nên phản ứng đế quốc từ phía Trung Quốc. Chế độ chư hầu được Việt Nam chấp nhận trên danh nghĩa, dưới hình thức triều cống danh dự. Nhưng nghĩa vụ tôn kính của triều đình Việt Nam đối với “Thiên triều” là hoàn toàn hình thức. Lịch sử các quan hệ Trung-Việt từ khi thành lập nước Việt Nam, thoát ra khỏi sự chi phối của Trung Quốc, đã được đánh dấu bằng nhiều mưu toan quân sự của Trung Quốc chống lại Việt Nam. Sau khi đã chiến thắng, các vua Việt Nam không bao giờ quên việc tìm cách xoa dịu người láng giềng khổng lồ của mình bằng một sự thần phục tượng trưng. Từ đó cho thấy lập luận của Trung Quốc đưa ra từ quan hệ chư hầu để mập mờ đòi hỏi yêu sách chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam là không hề có giá trị pháp lý.
Trung Quốc cũng sử dụng một số báo cáo về khảo cổ học để cho rằng họ có chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, không có một kiểm chứng khoa học khách quan nào cho thấy những di vật cổ xưa nói là được tìm thấy trên các quần đảo này là của người Trung Quốc. Hơn nữa, theo giới chuyên môn, giả sử “các di chỉ khảo cổ” mà Trung Quốc cho là phát hiện tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam đúng là của người Trung Quốc đi chăng nữa, thì theo luật pháp quốc tế, cũng không có ý nghĩa trong việc xác lập chủ quyền lãnh thổ tại đây. Là một ngành khoa học, khảo cổ học và những di chỉ khảo cổ không có vai trò quyết
định trong việc công nhận hay bác bỏ chủ quyền của một quốc gia trên một vùng lãnh thổ nơi các di chỉ khảo cổ hiện diện. Việc Trung Quốc coi các “di chỉ khảo cổ” nói là tìm thấy ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để kết luận “hàng loạt tư liệu văn vật này chứng minh một cách hùng hồn rằng quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa từ cổ xưa là lãnh thổ của Trung Quốc” là một kết luận mang tính suy diễn, không có cơ sở khoa học, lịch sử và pháp lý quốc tế. Cái gọi là những “di chỉ khảo cổ” của Trung Quốc chỉ là sự bịa đặt cố ý nhằm phục vụ cho mưu đồ chính trị, không làm thay đổi được thực tế là hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam từ rất lâu đời và người Việt Nam đã thực thi quyền chủ quyền của mình liên tục trên hai quần đảo này cho tới nay.
Trên thực tế, trong suốt 22 thế kỷ, từ các đời Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, Tống Thần Công, Minh Thành Tổ đến giữa thế kỷ XX (1951), tài liệu chính sử Trung Quốc đã chưa bao giờ cho thấy chủ quyền của họ đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (mà họ gọi là Tây Sa và Nam Sa) trên Biển Đông của Việt Nam (mà họ gọi là Biển Hoa Nam). Chỉ từ những năm giữa thế kỷ XX trở lại đây, Trung Quốc thay đổi thái độ và liên tục lên tiếng đòi hỏi chủ quyền “bất khả tranh nghị” đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên, họ không đưa ra được cơ sở pháp lý hay một bằng chứng lịch sử nào đáng tin cậy cho thấy họ có chủ quyền hợp pháp trên các quần đảo này.
Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa chỉ dựa trên các tài liệu của các nhà du hành, thám hiểm và dĩ nhiên, theo công pháp quốc tế những tài liệu này không phải là các tư liệu chính thức của Nhà nước có thể dựa vào để chứng minh chủ quyền và sự kiểm soát chính thức của Trung Quốc tại các quần đảo này. Các bản đồ cổ mà Trung Quốc trưng ra để làm bằng chứng lịch sử cũng không phải là bản đồ chính thức của các triều đại phong kiến Trung Quốc. Thậm chí, cho đến cuối thế kỷ XX, tài liệu chính sử ghi chép lại cho thấy Trung Quốc vẫn không coi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của họ. Điều này được ghi nhận bởi các sự kiện liên quan đến 2 tàu La Bellona và Imeji Maru vận chuyển đồng dưới sự bảo hiểm của các công ty Anh quốc. Hai tàu này bị chìm trong khu vực quần đảo Hoàng Sa (Paracels), trong các năm 1895 và 1896. Các ngư dân Trung Quốc từ đảo Hải Nam đã thu nhặt đồng từ xác tàu chìm và đem đi bán cho các thương nhân ở Hải Nam. Các công ty bảo hiểm của hai con tàu đã phản đối với Chính phủ Trung Quốc, đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm. Khâm sai Quảng Đông lúc đó đã trả lời Công sứ Anh tại Bắc Kinh rằng: “Paracels là những hòn đảo vô chủ, chẳng thuộc Trung Quốc cũng như chẳng thuộc An Nam, về mặt hành chính chúng không nằm trong địa phận của quận huyện nào ở Hải Nam và cũng không có cơ quan đặc trách nào lo việc cảnh sát ở đó cả”. Trước những sự thật lịch sử hiển nhiên như vậy, Trung Quốc vẫn mạo nhận rằng họ đã chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ thứ XV trong chuyến đi thứ tư của Trịnh Hòa năm 1413. Tuy nhiên, trong các sách sử chính thức của Trung Quốc ghi chép về những chuyến hải hành phái bộ Trịnh Hòa không phải để chinh phục vùng Biển Đông (mà họ gọi là Biển Hoa Nam) nơi có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đoàn thuyền của phái bộ này chỉ đi ngang qua Biển Đông hướng về Ấn Độ Dương, không hề ghé lại các đảo hay quần đảo nào của Việt Nam.
Theo luật pháp quốc tế, muốn xác lập chủ quyền lãnh thổ trên biển và hải đảo phải hội đủ 3 điều kiện: phải có sự thực thi chủ quyền của Nhà nước; thực thi một cách liên tục và lâu dài; được sự thừa nhận của các quốc gia duyên hải, đặc biệt là các quốc gia tiếp cận và đối diện. Những tài liệu chính sử của Trung Quốc cho thấy cho đến thế kỷ XIX người Trung Quốc cũng chỉ đi ngang qua các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, không hề có việc tuyên bố, hành xử chủ quyền lâu dài và liên tục tại các đảo này. Thậm chí, có tài liệu của Trung Quốc còn mặc nhiên công nhận sự liên hệ của các quần đảo này với Việt Nam. Cuốn Hải Lục của Vương Bỉnh Nam (1820-1842) viết: “Lộ trình phía ngoài được nối với lộ trình phía trong bởi Vạn Lý Trường Sa nằm giữa biển. Chiều dài của quần đảo khoảng vài chục ngàn dặm. Nó là bức phên dậu phòng thủ biên giới phía ngoài của nước An Nam”. Hơn nữa, chính sử nhà Thanh còn ghi rõ cho đến cuối thế kỷ XIX lãnh thổ Trung Quốc chỉ chạy đến đảo Hải Nam tại vĩ tuyến 18 là hết, trong các bản đồ chính thức của triều đình không hề có các địa danh Tây Sa, Nam Sa hay Vạn Lý Trường Sa… Có thể khẳng định rằng nhà Thanh kết thúc từ năm 1911 chưa bao giờ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Vì vậy, càng không bao giờ có cái gọi là “vùng biển lịch sử” bao chiếm hầu như toàn bộ Biển Đông do Trung Quốc tự tuyên bố như là “ao nhà” của họ từ hàng ngàn năm về trước.
Luật quốc tế cũng cho phép thủ đắc lãnh thổ do chiếm cứ, tuy nhiên phải hội đủ các điều kiện sau đây: chiếm cứ thực sự; chiếm cứ công khai; và chiếm cứ hoà bình. Không thể phủ nhận một sự thật lịch sử là vào năm 1956, Trung Quốc đã bí mật chiếm cứ vũ trang các đảo phía đông quần
đảo Hoàng Sa. Năm 1974, Trung Quốc tiếp tục dùng vũ lực chiếm đoạt toàn bộ các đảo phía tây quần đảo Hoàng Sa từ Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1988, Trung Quốc tiếp tục đưa tàu chiến vũ trang hạng nặng chiếm đoạt một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Những vụ chiếm cứ này của Trung Quốc không mang tính hòa bình mà do sử dụng vũ lực mang tính xâm lăng nên không bao giờ được luật pháp quốc tế công nhận. Do đó, những đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực trên Biển Đông không được coi là hợp pháp nên không bao giờ có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam đã chiếm cứ, quản lý, khai thác hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa công khai, liên tục, lâu dài và hoà bình ít nhất từ thế kỷ XVII cho đến nay, nên theo luật pháp quốc tế, Việt Nam có đủ điều kiện xác lập và hành xử chủ quyền của mình trên hai quần đảo này, kể cả các đảo đã bị cưỡng đoạt bằng vũ lực và đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp.
Khi Thế chiến thứ II còn đang tiếp diễn, năm 1943, đại diện ba cường quốc đồng minh là Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa Dân Quốc đã họp tại Cairo (Ai Cập) ra Tuyên cáo Cairo ngày 27-11-1943. Điều đáng lưu ý là tại Hội nghị Cairo, Trung Hoa Dân Quốc không hề đòi hỏi chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 7-1945, đại diện Hoa Kỳ, Anh và Liên Xô họp tại Potsdam (Đức) ra Tuyên ngôn Potsdam ngày 26-7-1945, trong đó có việc ấn định thể thức giải giới quân đội Nhật tại Thái Bình Dương. Theo đó, Trung Quốc có nghĩa vụ giải giới quân đội Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra Bắc kể cả quần đảo Hoàng Sa; quân đội Anh từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam kể cả quần đảo Trường Sa. Giải giới không có nghĩa là tiếp thu hay chiếm lãnh thổ. Do đó nếu Anh không có chủ quyền lãnh thổ ở Trường Sa thì Trung Quốc cũng không có chủ quyền lãnh thổ tại Hoàng Sa, và dĩ nhiên cũng không có chủ quyền ở Trường Sa. Tại Hội nghị San Francisco năm 1951 Nhật Bản đã khước từ chủ quyền lãnh thổ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà nước này chiếm đóng trong chiến tranh. Hội nghị cũng đã phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc và mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này. Ngày 7-5-1951, tại phiên họp toàn thể Hội nghị, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chính phủ Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã lên diễn đàn công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và không có sự phản kháng nào của tất cả các quốc gia tham dự hội nghị. Về mặt pháp lý quốc tế, với sự công bố chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước 51 quốc gia hội viên Liên Hợp Quốc, có nghĩa là kể từ năm 1951 các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được cộng đồng thế giới thừa nhận thuộc chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Điều này có giá trị tuyệt đối, kể cả đối với các quốc gia không tham dự Hội nghị. Ba năm sau, Hiệp định Genève 1954 tiếp tục khẳng định rõ ràng chủ quyền của Việt Nam tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngoài ra, Hiệp định Genève 1954 cũng khẳng định: “Các quốc gia tham dự Hội nghị Genève (trong đó có Trung Quốc) cam kết tôn trọng chủ quyền độc lập, nền thống nhất quốc gia và sự toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam”.
Căn cứ vào những tài liệu lịch sử chính thức có giá trị pháp lý quốc tế, Trung Quốc đã ý thức được sự yếu kém của họ về cả 3 mặt pháp lý, địa lý và lịch sử. Do đó, họ không bao giờ dám công khai thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các đảo khác trên Biển Đông. Họ thường né tránh và luôn tuyên bố đó là một vấn đề “không thể chối cãi” hay “không thể tranh luận”. Lý do rất đơn giản vì họ không có đủ tài liệu hay lý lẽ để có thể đưa ra tranh nghị một cách công khai trước sự giám sát của cộng đồng quốc tế cũng như của các tổ chức đảm bảo việc thực thi luật pháp quốc tế để có thể chứng minh chủ quyền hợp pháp của họ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Theo luật pháp quốc tế, ngày nay tất cả các cuộc xâm chiếm lãnh thổ bằng vũ lực đều bị coi là bất hợp pháp nên không có giá trị pháp lý để xác lập chủ quyền lãnh thổ. Do đó, các đảo mà Trung Quốc đã cưỡng chiếm bằng vũ lực và đang chiếm giữ bất hợp pháp trên Biển Đông, cũng như tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là không bao giờ thuộc chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Vị trí địa chiến lược – kinh tế quan trọng
của quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa
và hoạt động phi pháp của TQ
Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có vị trí địa chiến lược – kinh tế quan trọng chính là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc bất chấp tất cả, không từ thủ đoạn để xâm chiếm trái phép.
Quần đảo Hoàng Sa ở vào khoảng giữa vĩ tuyến 16° – 17° và kinh tuyến 111° – 113° Đông, cách Tam Á, Hải Nam khoảng 350 km. Toàn thể quần đảo Hoàng Sa có diện tích khoảng 15.000 km², gồm trên 30 đảo nhỏ và những hòn đá nhô khỏi mặt nước, chia ra làm hai nhóm chính: Nhóm Đông (Amphitrite) mà đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm (Woody Island), dài không quá 4 km, rộng khoảng 2 – 3 km; Nhóm Tây (Crescent) mà đảo lớn nhất mang tên Hoàng Sa (Pattle Island), diện tích khoảng 0,3 km². Đảo Phú Lâm cách đảo Hoàng Sa khoảng 87 km.
Quần đảo Trường Sa ở vào khoảng vĩ tuyến 12° Bắc và kinh tuyến 111° Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 400 km, cách Philippines khoảng 300 km và cách Trung Quốc khoảng 1.500 km. Toàn thể quần đảo Trường Sa có diện tích khoảng 160.000 km², gồm trên 100 đảo và những hòn đá nhô lên mặt biển, trong đó có khoảng 26 đảo hoặc đá chính.
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa nằm trong số bốn nhóm đảo có đặc tính san hô, nằm rải rác trên Biển Đông, xung quanh biển này bao bọc, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm ngoài thềm lục địa địa chất, ở trung tâm vùng biển này, nơi độ sâu đạt tới hơn 1.000 m ở gần Hoàng Sa và khoảng 3.000 m ở Đông – Bắc Trường Sa.
Về phương diện pháp lý, các số liệu này có ý nghĩa quan trọng, bởi vì không có một quốc gia láng giềng nào có thể đòi hỏi các quyền đối với các quần đảo này theo lý lẽ về sự phụ thuộc về địa hình của các quần đảo đối với thềm lục địa nào đó. Hơn nữa, vì chủ quyền trên một cấu tạo đảo là độc lập với các mối liên hệ giữa cấu tạo này với đáy biển.
Từ phương diện địa chính trị hoặc địa chiến lược và do lợi ích của vùng biển này đối với hàng hải quốc tế, đã có một vài nhận xét nhấn mạnh tới tầm quan trọng của các đảo này: Về phía Tây – Nam, Biển Đông thông với Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca và eo biển Singapore; về phía Đông – Bắc, Biển Đông nối liền với Đông Hải, thông với biển Nhật Bản qua eo biển Triều Tiên.
Ngoài ra, đa phần các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa có diện tích nhỏ, không phù hợp cho con người sinh sống và phát triển kinh tế. Theo truyền thống, các đảo này được dùng làm các điểm hỗ trợ cho các ngư dân theo mùa và ngoài trường hợp trên, chỉ có những người lính đồn trú, hay rất gần đây đối với Hoàng Sa, một cư dân có nguồn gốc hành chính được đưa đến đây cùng với những cố gắng rất to lớn về cơ sở hạ tầng.
Quần đảo Hoàng Sa
Nó được hợp thành từ hai nhóm chính: nhóm An Vĩnh (Amphitrite) và nhóm Nguyệt Thiềm (Croissant), khoảng cách giữa chúng khoảng 70 km. Thêm vào đó còn có một số đảo và đá nằm tách riêng.
Về phía Tây có nhóm Nguyệt Thiềm (còn gọi là nhóm Lưỡi Liềm) gồm năm đảo chính: Hữu Nhật (Robert – 0,32 km2) trên đó có dấu vết của một cầu tàu và một con kênh đào;Đảo Quang Ảnh (Money – 0,5 km2) nằm riệng biệt ở một nơi (cách khoảng 12 km), và xa hơn về phía Nam là đảo Tri Tôn. Mỗi đảo đều có vành đai san hô và các cửa của vành đai cho phép các tàu thuyền đáy nông vào tận bờ biển của đảo. Về phía Đông có nhóm An Vĩnh, bao gồm: đảo Phú Lâm (Wood), đảo Đá (Rocheuse), đảo Nam, đảo Trung (Milieu), đảo Bắc (Nord), đảo Cây (Tree), và ở phía Đông là đảo Linh Côn (Linhcoln). Đảo Phú lâm lớn nhất, dài không quá 4 km và rộng khoảng 2 hoặc 3 km.
Toàn bộ quần đảo, ngoài hai nhóm đảo nói trên, còn bao gồm hơn 30 đảo nhỏ, bãi cạn hoặc đá ngầm và chiếm khoảng 15.000 km2 bề mặt đại dương, điều đó nói lên tính chất cực kỳ nguy hiểm cho giao thông đường biển trong vùng biển này theo nhận xét của những người qua lại vùng này dựa trên số lượng xác tàu đắm. “Đó là những xác tàu đắm, chúng được dùng làm vật chuẩn để nhận biết nguy hiểm nhất là những nồi hơi có khả năng chịu đựng một thời gian lâu hơn nhờ trọng lượng của chúng và những nồi hơi đó được nhận thấy từ rất xa nhờ thể tích của chúng và gây ra sự ngạc nhiên cho những người không am hiểu, họ không thể lý giải được ngay tính chất của những điểm nhô này trên các bãi đá ngầm”.
Về phương diện địa chất, các công trình khoa học thực hiện trong thời kỳ thuộc địa của Pháp do tàu hơi nước “De Lanessan” tiến hành và các kết quả của chúng được ghi nhận trong các bài viết được công bố của Tiến sĩ Krempf, Giám đốc Viện Hải dương học, cho thấy đáy biển nơi mọc lên các đá ngầm và các đảo nhỏ của quần đảo Hoàng Sa có một độ sâu từ 40 đến 100 m và được bao phủ bởi một lớp vỏ san hô. Theo Tiến sĩ Krempf, đó là một bề mặt mà dáng vẻ của nó bắt đầu có từ thời kỳ băng hà và nó được bao phủ bằng nước biển sau khi băng tan hoàn toàn, đã không ngừng tạo các điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển san hô, nhờ ở xa tất cả các bờ biển. Hiện nay nó được bao phủ đồng đều bằng san hô sống, bằng cát, và bằng sỏi san hô.
Về khí hậu, khí hậu nóng, ẩm, mưa nhiều, thường xuyên có sương mù. Các đảo bị gió chà xát (gió lại sinh ra các dòng chảy, làm cản trở giao thông đường biển), và khu vực này thường xuyên có bão. Có cây cối trên tất cả các đảo: cây trên đất phostphorit, các loài cây khác, cỏ dại, bụi cây. Trên một số đảo có nguồn nuớc ngọt. Có vô số chim và rất nhiều rùa.
Các nguồn tài nguyên kinh tế có thể được phân thành ba nhóm: (1) Nguồn tài nguyên tương lai, hiển nhiên là ở tiềm năng về dầu lửa ngoài khơi. Người ta nói đây là một vùng hứa hẹn dù các dữ kiện chính xác về mối hy vọng này chưa được công bố. (2) Nguồn tài nguyên có từ lâu và vẫn còn được thèm khát, và cũng đã từng là đối tượng khai thác – đó là các mỏ phốt phát. Nó tôn tạo nền đất trên các đảo của quần đảo khá cao so với mực nước biển để cây cối trên đó phát triển được. Các mỏ này được tạo thành từ một chất đất gốc carbonate vôi (tính chất san hô). Đất này được phủ bằng các chất có gốc axit photphoric, do chim mang lại và các điều kiện khí hậu ẩm ướt đã cho phép nó biến đổi thành phốt phát. Tầng phốt phát có hàm lượng từ 23 đến 25% thậm chí 42%, có độ dày hơn một m. Các xí nghiệp Nhật Bản đã khai thác phốt phát từ năm 1924 đến năm 1926 (và ở một số nơi, các mỏ đã bị cạn kiệt, ví dụ như ở đảo Hữu Nhật). Các thiệt hại có lẽ là đáng kể (cây cối bị chặt, thảm thực vật bị phá). Năm 1956, chính quyền Sài Gòn cho phép một nhà công nghiệp Việt Nam, ông Lê Văn Cang, khai thác phốt phát tại Hoàng Sa. Công ty phân bón Việt Nam tiến hành khai thác từ năm 1960 đến năm 1963. Các số liệu chi tiết cuối cùng có được trước khi Trung quốc kiểm soát quần đảo này là các tư liệu do kỹ sư Trần Hữu Châu cung cấp (tháng 8 năm 1973) khi thực hiện chuyến công tác của các chuyên gia Nhật và Việt Nam, theo sáng kiến của chính quyền Sài Gòn. Chuyến công tác này chỉ tiến hành trên nhóm đảo An Vĩnh (nhóm Nguyệt Thiềm bị Trung Quốc chiếm đóng từ 1956). Họ đã kết luận rằng sự tồn tại của trữ lượng phốt phát còn rất lớn, nhưng các điều kiện khai thác phụ thuộc vào một cuộc khảo sát chính xác hơn trên các mẫu được lấy về. (3) Nguồn tài nguyên thứ ba – có thể tái sinh (trừ phi bị khai thác không kiểm soát được dẫn tới sự biến mất cục bộ của một số loài) – đó là nguồn động vật biển. Nghề cá kéo lưới (sản lượng lớn) dường như không có khả năng vì đáy biển nhiều san hô hỗn độn và gồ ghề. Ngược lại, nghề đánh bắt rùa biển đã từ lâu được cả những người đánh cá Trung Quốc từ một số cảng phía Nam đảo Hải Nam đến và những người đánh cá Việt Nam tiến hành. Tuy nhiên, đó không phải là một hoạt động công nghiệp mà chỉ là hoạt động thủ công và thu nhập không cho phép làm gì hơn là nuôi sống các gia đình ngư dân.
Từ khi Trung Quốc xâm chiếm bằng quân sự toàn bộ quần đảo và nhất là từ năm 1974, khi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Tây của quần đảo (cụm Nguyệt Thiềm), các hoạt động của Trung Quốc tăng mạnh trên toàn bộ quần đảo Hoàng Sa. Hành động của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Quần đảo Trường Sa
Nằm giữa Biển Đông, nhưng xa hơn quần đảo Hoàng Sa về phía Nam. Đó là một nền rộng lớn ngầm dưới biển, cách xa tất cả các lãnh thổ lục địa hoặc lãnh thổ đảo quan trọng bởi các đáy biển có độ sâu hàng nghìn m.
Quần đảo không phải dễ xác định rõ ràng (còn khó hơn so với quần đảo Hoàng Sa) bởi vì khu vực này bao gồm các đảo, đảo nhỏ, bãi cạn và đảo đá nằm cực kỳ rải rác. Người ta tính được hơn 100 đảo, đảo nhỏ, bãi cạn, đảo đá và diện tích toàn bộ quần đảo chiếm gần 160.000 km2 diện tích mặt nước (gấp hơn 10 lân diện tích khu vực quần đảo Hoàng Sa). Ranh giới Bắc của quần đảo là vĩ độ 120. Ranh giới phía Đông là kinh độ 1110.
Các tài liệu và các hải đồ khác nhau cho thấy có 26 đảo hoặc đảo nhỏ chính, thêm vào đó là rất nhiều đá ngầm, bãi cát lớn nhỏ khác nhau. Một số đảo hoàn toàn không có thực vật và chỉ được bao phủ bằng cát và phân chim. Các đảo khác có một số bụi cây và một số nhóm cây dừa. Những người quan sát ghi nhận rằng các đảo này giống các quần đảo ở châu Đại Dương hơn là ở miền Đông Á.
Về khí hậu, vào mùa khô khí hậu nóng như thiêu. Thường xuyên có hai loại gió mùa. Khi đào giếng, có thể tìm thấy nước ngọt, có thể trồng cây hoa màu, tóm lại là các loại cây có thể chịu được độ mặn cao của đất.
Nguồn tài nguyên về cá của toàn quần đảo có lẽ là đáng kể. Vị trí cách xa đất liền đã tạo ra các khó khăn khi khai thác với quy mô lớn. Các đảo này không có và không bao giờ có dân bản địa. Ngày nay, tất cả các quốc gia đưa ra yêu sách đều duy trì các trạm đồn trú trên các đảo nhỏ này hay đảo nhỏ khác. Người Pháp trong thời kỳ họ quản lý quần đảo (giữa hai cuộc chiến tranh thế giới) đã nhận thấy sự có mặt không thường xuyên của một số ngư dân từ đảo Hải Nam tới. Cũng như quần đảo Hoàng Sa, các đảo Trường Sa chứa phân chim nên được Nhật Bản tập trung khia thác từ trước chiến tranh. Ngày nay, trữ lượng phốt phát ở đây được đánh giá tới 370.000 tấn.
Những hứa hẹn về dầu lửa được đề cập đến trong báo chí quốc tế với một sự nhấn mạnh và dường như có một nội dung rất thực tế. Theo nguồn Trung Quốc, vùng quần đảo Trường Sa có một trữ lượng 25 tỷ m3 khí và 105 tỷ thùng dầu.
Các đảo nổi chính gồm: Cụm Song Tử gồm bốn đảo nhỏ: đá Bắc, đảo Song Tử Đông, đảo Song Tử Tây và đá Nam trong đó có một đảo dài khoảng 1 km; Bãi Đinh Ba, một bãi cạn nửa nổi nửa chìm khoảng 14-11 km; Bãi Núi Cau, đảo Thị Tứ được tạo bởi hai đảo san hô mà đảo lớn nhất có kích thước 1,5-1 km, tại đó có thực vật và nước ngọt; Đá Xubi là một rạng san hô: Đảo Loai Ta là một đảo nhỏ dài 0,3 km nằm trong một bãi cạn lớn nửa nổi nửa chìm, cụm Nam Yết gồm hai đảo chính và ba đá ngầm, trong đó có đảo Ba Bình có kích thước 1- 0,4 km. Đó là đảo quan trọng nhất của quần đảo do có các giếng được người Nhật xây dựng và thực vật. Đảo Nam Yết dài 0,5 km. Đá Lớn (đá Thám hiểm lớn) là một đá ngầm có hình vành khuyên thường được các ngư dân trong vùng lui tới. Đá Chữ Thập là một bãi cạn nửa nổi nửa chìm dài khoảng 26 km hình thành một hồ nửa kín trong đó có một số đá ngầm nhô cao. Cụm đảo Trường Sa gồm bốn bãi cạn nửa nổi nửa chìm. Đảo Trường Sa là một đảo nhỏ dài 0,75 km, rộng 0,4 km. Ở đây có nước ngọt và thực vật. Đây cũng là một kho phân chim và là nơi đẻ của rùa biển. Đảo An Bang được thực vật và phân chim che phủ.
Bãi Vũng Mây là một bãi quan trọng dài 56 km, rộng 24 km, mặc dù thông thường bãi không nổi. Cuối cùng, xa hơn về phía Nam và gần với bờ biển Malaysia, một tập hợp các bãi và đá ngầm dưới tên gọi bãi ngầm Tăng Mẫu nổi tiếng về trữ lượng đáng kể dầu và khí.
Trung tâm quần đảo có một vùng nguy hiểm đến mức phần lớn tàu thuyền không dám mạo hiểm qua đây. Các quốc gia đang tranh cãi nhằm chiếm hữu các ụ nổi bé tí này đều đã đặt chân lên đảo này, hay đảo kia. Nhưng có rất ít phần nổi thuận lợi cho việc đặt các công trình.
Trên đảo Ba Bình (Itu – Aba), hải quân Đài Loan duy trì một trại đồn trú chừng 1.000 người. Việt Nam kiểm soát đảo Trường Sa làm thành một căn cứ chính trong quần đảo. Philippines có mặt tại đảo làm thành một căn cứ chính trong quần đảo. Philippin có mặt tại đảo Thị Tứ và đảo Loai Ta. Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, tới quần đảo xa bờ biển của họ này muộn (1988 – 1989), buộc phải cụ thể hóa mưu tính của họ dựa trên các bãi không phải lúc nào cũng nổi khi thủy triều lên. Do đó, đá Chữ Thập đã được chọn và được xây dựng lớn mặc dù mảnh đất cằn cỗi này chìm dưới nước tới 50 cm khi thủy triều lên mạnh. Cầu bến, đường xá, nhà chứa máy bay lên thẳng đã được xây dựng sau khi các cấu tạo san hô này bị tấn công bởi thuốc nổ và nền đất đã được nâng lên cao trên một bề mặt đủ rộng.
Hoạt động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam
Từ khi sử dụng vũ lực đánh chiếm phi pháp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt hoạt quân cải tạo, quân sự hóa phi pháp ở quần đảo Hoàng Sa.
Hình ảnh vệ tinh do công ty DigitalGlobe công bố, chụp hôm 17/3/2015 cho thấy Trung Quốc đang mở rộng hai đảo Phú Lâm và Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đường băng cũ trên đảo Phú Lâm đã được thay bằng một đường băng mới dài và hiện đại hơn. Trong khi đó, trên đảo Quang Hòa có một doanh trại quân đội, đê chắn biển và các công trình khác. Trên đảo Duy Mộng, mà Trung Quốc chiếm đóng gần đó, các tòa nhà mới cũng xuất hiện.
Đảo Phú Lâm, qua khảo sát của thủy binh Nhà Nguyễn thế kỷ XIX (với tên gọi là cồn Bạch Sa) có chu vi tự nhiên là 1070 trượng (tương đương khoảng 5,03 km), cũng phù hợp với quy mô diện tích 1,5 km2 (chiều dài đến 1,7 km, chiều ngang 1,2 km) dạng tròn vỏ ốc chu vi khoảng 5,0 km, theo số liệu của Việt Nam kế thừa từ thời Pháp thuộc. Đường băng tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa, (đảo bị Trung Quốc chiếm từ năm 1956) dài khoảng 2.300 m trước khi Bắc Kinh tiến hành nâng cấp năm 2014. Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang mở rộng đường băng này để đạt độ dài khoảng 3.000 m. Theo ảnh vệ tinh tới năm 2005 Trung Quốc đã cạp đất xây dựng
đường băng trên cùng với đường nối từ đảo Phú Lâm ra tới đảo Đá, tổng diện tích đảo lên tới khoảng 2,1 km2. Tới tháng 10/2014, Trung Quốc kéo dài đường băng sân bay tới độ dài là 2,74 km (sau khi đã hoàn thành), mở rộng âu bến cảng phía đông và cơi nới cạp đất với khối lượng rất lớn phía bắc đảo cùng vùng hành lang mặt Biển Đông bắc kẹp giữa đường kè nối với đảo Đá và phần bắc sân bay. Tới năm 2018, tổng diện tích đảo Phú Lâm kết hợp với (đảo/hòn) Đá (thành một đảo duy nhất) lên tới khoảng 3,18 km2 (trong đó diện tích tự nhiên của riêng đảo Đá chỉ khoảng 0,065 km2, và diện tích tự nhiên nguyên thủy của đảo Phú Lâm khoảng 1,5 km2).
Hiện nay cơ sở hạ tầng trên đảo Phú Lâm đã hoàn chỉnh và được tổ chức như một thị xã, nhằm phục vụ mục đích quốc phòng và kinh tế của Trung Quốc trong toàn bộ khu vực Biển Đông Việt Nam. Trên đảo còn có đài kiểm báo, kênh đào và nhiều tiện nghi quân sự khác. Tháng 5/2018, Trung Quốc triển khai 02 bệ phóng tên lửa HQ-9 ra bãi biển phía Bắc đảo Phú Lâm, đặt cạnh các hệ thống radar đe dọa an toàn hàng không khu vực. Tất cả đều được phủ lưới ngụy trang. Hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 77 km và có sức đe dọa bất cứ máy bay, cả quân sự và dân sự, hoạt động gần đó. Trước đó, từ tháng 2/2016, nhiều đơn vị HQ-9 cũng đã được Trung Quốc triển khai ra Hoàng Sa. Trung Quốc đặt Bộ chỉ huy toàn thể lực lượng quân trú phòng quần đảo Hoàng Sa trên đảo Phú Lâm. Căn cứ quân sự này kiên cố nhất trên Biển Đông. Trung Quốc Hồng Lỗi cũng công khai thừa nhận rằng Trung Quốc đã bố trí tên lửa chống hạm YJ-62 ở đảo Phú Lâm. Tân hoa xã cho biết tàu tiếp tế giao thông “Tam Sa số 1” đã được đưa đến đảo Phú Lâm. Đây là tàu tiếp tế cỡ lớn do Trung Quốc đóng sau khi tuyên bố thành lập trái phép “thành phố Tam Sa”, có thể chở đến 456 người và được trang bị sân bay trực thăng cùng hàng loạt chức năng khác nhằm phục vụ mục đích tiếp tế cho quân và dân Trung Quốc đang đồn trú và cư ngụ trái phép ở các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoài ra, Trung Quốc thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận quân sự tại đảo Phú Lâm. Gần đây nhất, vào tháng 5/2018, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã công bố đoạn video cho thấy máy bay ném bom chiến lược H-6K đã cất hạ cánh từ một trên những hòn đảo ở Biển Đông. Chiếc H-6K này đã tiến hành các cuộc không kích mô phỏng chống lại lực lượng hải quân đối phương giả định. Trước đó, mạng Tin tức Trung Quốc cho biết khoảng 20 tàu thuyền của các cơ quan chức năng biển của Trung Quốc và tàu của ngư dân, binh lính đóng trái phép trên đảo Phú Lâm đã tổ chức diễn tập. Cuộc diễn tập chia làm ba phần, gồm diễn tập biên đội tàu thủy; giả định xử phạt tàu đánh cá Trung Quốc vi phạm qui định đánh bắt ở biển và xử phạt tàu nước ngoài mà Trung Quốc cho rằng xâm phạm vùng biển nước này cho là thuộc chủ quyền của mình; diễn tập các hoạt động cứu hộ khẩn cấp trong trường hợp có người rơi xuống biển.
Tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã tiến hành cải tạo phi pháp 7 đảo nhân tạo chiếm đóng phi pháp của Việt Nam, cụ thể:
Biến đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo lớn: Từ tháng 8/2014, Trung Quốc dùng các máy hút bùn, nạo vét các rặng san hô xung quanh, đã tạo ra một hòn đảo nhân tạo dài hơn 3.000 m và rộng từ 200 đến 300 m đủ rộng để xây dựng được đầy đủ cả đường băng lẫn bãi đỗ máy bay của một sân bay hoàn chỉnh. Đồng thời đến tháng 11, các máy hút bùn đang tạo ra một bến cảng ở phía đông của đá Chữ Thập: đủ lớn để neo đậu các tàu chở dầu và chiến hạm lớn. Theo IHS Jane, Trung Quốc đã xây dựng phi pháp đường băng trên Đá Chữ Thập dài khoảng 3.000 m. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên đá Chữ Thập, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 2,77 km2, đứng thứ 3 về diện tích trong các đảo hoàn toàn nhân tạo trên Biển Đông và cũng lớn thứ 4 trong tất cả các đảo nhân tạo lẫn đảo, đá tự nhiên thuộc 2 quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa.
Biến đá Xu Bi thành đảo nhân tạo trên Biển Đông lớn thứ hai về diện tích và lớn nhất về quy mô xây dựng công trình: Trung Quốc bắt đầu cải tạo quy mô lớn đá Xu Bi kể từ tháng 3 năm 2015. Đến ngày 10/6/2015, diện tích Xu Bi đạt khoảng 3,95 km2, Trung Quốc đã gần hoàn tất bồi đắp các đảo. Đến tháng 5/2018, đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trên đá Xu Bi có diện tích lên tới khoảng 4,14 km2. Tới cuối tháng 5/2018, những hình ảnh mới nhất chụp từ vệ tinh DigitalGlobe cho thấy có gần 400 tòa nhà toàn bộ đều có khả năng là các công trình quân sự đã được xây dựng trên đảo nhân tạo ở đá Xu Bi, có năng lực phục vụ từ 1.500 đến 2.400 binh línhđồn trú.
Biến đá Vành Khăn thành đảo hoàn toàn nhân tạo có diện tích lớn nhất trên Biển Đông và lớn nhất trong các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa: Đến ngày 10/6/2015, diện tích Vành Khăn đã tăng đến 5,52 km2, Trung Quốc đã gần hoàn tất bồi đắp các đảo. Đến năm 2018, sau khi hoàn tất quá trình bồi đắp đảo nhân tạo trên đá Vành Khăn thì diện tích đảo hoàn toàn nhân tạo này lên tới khoảng 5,66 km2, là đảo hoàn toàn nhân tạo có diện tích
lớn nhất trên Biển Đông và lớn nhất trong các đảo, đá tự nhiên lẫn nhân tạo tại hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
Cải tạo bãi Châu Viên: Năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn thành quá trình bồi đắp đảo hoàn toàn nhân tạo trên đá Châu Viên, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 0,31 km2.
Xây đảo tại đá Gạc Ma: Các hình ảnh do Bộ Ngoại giao Philipines công bố, và được các ảnh vệ tinh của tổ chức Airbus Defence and Space chứng thực, đã cho thấy các hoạt động cải tạo quy mô lớn của Trung Quốc tại đá Gạc Ma nằm trên bãi đá ngầm Bắc Johnson (Johnson North Reef) đã diễn ra sớm hơn tất cả các đá do Trung Quốc kiểm soát, bắt đầu từ tháng 2/2013. Năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn thành quá trình bồi đắp đảo hoàn toàn nhân tạo trên đá Gạc Ma, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 0,11 km2.
Xây cất tại bãi đá Ga Ven và đá Lạc: Trước ngày 30/3/2014, tại cụm đá Ga Ven và đá Lạc (Gaven Reefs), Trung Quốc mới chỉ xây được một cấu trúc công trình nhỏ dạng nhà nổi trên mực nước thủy triều, ở phía Đông Bắc bãi đá ngầm xây cất từ khoảng những năm 1988-1995. Đến ngày 30/1/2015, một con đê chắn sóng làm thành đường đắp cao nối phần đảo lớn ở trung tâm bãi ngầm với cấu trúc công trình cũ thời kỳ 1988 và một bãi đáp trực thăng mới xây bên cạnh cấu trúc cũ này. Các công trình xây dựng mới trên đảo nhân tạo ở Ga Ven có cùng một mẫu thiết kế điển hình như các công trình ở đá Tư Nghĩa, bao gồm một tòa nhà chính hình vuông bên cạch các cấu trúc có dạng giống như tháp chống máy máy bay hay mái che radar. Năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn thành quá trình bồi đắp đảo hoàn toàn nhân tạo trên đá Ga Ven, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 0,14 km2.
Bồi đắp đá Tư Nghĩa:Năm 2018, sau khi Trung Quốc hoàn thành quá trình bồi đắp đảo hoàn toàn nhân tạo trên đá Tư Nghĩa, thì diện tích đảo nhân tạo này lên tới khoảng 0,081 km2.
Về các hoạt động tập trận: Lực lượng hải quân, không quân liên tục tiến hành các hoạt động tập trận bắn đạn thật phi pháp ở trên cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), bãi cạn Scarborought/Hoàng Nham. Bắc Kinh huy động nhiều phương tiện, khí tài quân sự hiện đại như tàu sân bay Liêu Ninh, tàu khu trục trang bị tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình, tàu ngầm hạt nhân, tàu tiếp tế quân sự, máy bay ném bom chiến lược H-6K, máy bay chiến đấu, máy bay cảnh báo thế hệ mới KJ-500… Mục tiêu chính của những hoạt động tập trận phi pháp của Bắc Kinh là nhằm nâng cao năng lực tác chiến của hải quân, không quân; răn đe chiến lược đối với các nước trong khu vực, với Mỹ và một số nước đồng minh; quảng bá sức mạnh quân sự để tuyên truyền đối với người dân trong nước; thể hiện “quyết tâm bảo vệ chủ quyền” (phi pháp) và cũng là hành động thể hiện sự phản đối phán quyết của Tòa Trọng tài.
Về hoạt động tuần tra phi pháp ở Biển Đông: Trung Quốc thường xuyên huy động lực lượng chức năng (Hải giám, Ngư chính, Cảnh sát Biển…) tuần tra phi pháp trong khu vực. Phía Trung Quốc cho rằng lực lượng chấp pháp của Bắc Kinh sử dụng nhiều phương tiện, khí tài tuần tra “xử lý” các hành vi “vi phạm pháp luật” và tìm iểu tình hình bảo vệ sinh thái tại các đảo, đá và vùng biển xung quanh. Tuy nhiên, trên thực tế lực lượng chấp pháp của Tủng Quốc chủ yếu thực hiện những nhiệm vụ như xua đuổi ngư dân các nước đang đánh bắt cá hợp pháp trên Biển Đông; bảo vệ, hộ tống ngư dân Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế của các nước đánh bắt trộm hải sản; đâm va, cướp bóc tài sản (cá, xăng dầu, đồ đạc…) của ngư dân các nước trên Biển Đông; ngăn chặn không cho ngư dân Philippines vào bãi cạn Scarborugh/Hoàng Nham.
Nhìn chung, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam có vị trí địa chiến lược – kinh tế quan trọng chính là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc bất chấp tất cả, không từ thủ đoạn để xâm chiếm trái phép. Từ khi dùng vũ lực đánh chiếm của Việt Nam, Trung Quốc đã tìm mọi cách tăng cường quân sự hóa trên hai quần đảo này. Hành động phi pháp của Trung Quốc đã vấp phải sự chỉ trích, lên án mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.