Đọc báo Pháp – 12/02/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 12/02/2019

Đầu tư của Trung Quốc :

Pháp bị giằng xé giữa thèm muốn và lo âu

Minh Anh

Làm thế nào cân bằng giữa việc nhận đầu tư của Trung Quốc với việc bảo vệ chủ quyền công nghệ của đất nước ? Một phương trình khó cho nước Pháp. Phụ trang kinh tế báo Le Monde ngày 12/02/2019 có hàng tít đáng chú ý : « Đối mặt với Trung Quốc, nước Pháp diễn trò đi dây thăng bằng ».

Đầu tiên hết, nhật báo dẫn nhận định của bà Agatha Kratz, thuộc văn phòng cố vấn độc lập Rhodium Group giải thích vì sao Trung Quốc thích đầu tư vào Pháp và các nước châu Âu. Ngoài việc tìm kiếm các kỹ nghệ và tài năng, « nước Pháp cũng như châu Âu còn là một sân chơi hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc hơn cả Hoa Kỳ vì nước này những năm gần đây khép chặt cánh cửa với các nhà đầu tư Trung Quốc bằng cách tăng cường kiểm soát các khoản đầu tư ».

Các số liệu thống kê đưa ra cho thấy trong năm 2018, đầu tư của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực từ đất nông nghiệp, chuỗi khách sạn, các ruộng nho, các hãng công nghệ đã lên đến 1,8 tỷ đô la, chiếm khoảng 86% sức tăng trưởng trong một năm. Le Monde nhìn nhận một cách công bằng rằng một số doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư là để cho phát triển tại chỗ. Nhiều dự án đầu tư ăn nên làm ra nhưng số khác gặp cũng không ít thất bại.

Thế nhưng, đầu tư của Trung Quốc đặt nước Pháp và nhiều nước châu Âu trước một thách thức khác đáng lo hơn : Vấn đề chủ quyền công nghệ. Việc Trung Quốc nay đã trở thành một cường quốc trong nhiều lĩnh vực chiến lược đang làm chao đảo nền kinh tế thế giới và khiến nhiều nước lo lắng quan ngại trên bình diện an ninh quốc gia. Mà ví dụ điển hình chính là lĩnh vực viễn thông và tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Vi.

Cuộc đối đầu chưa từng có giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc liên quan đến số phận của Hoa Vi bắt đầu từ mùa thu năm 2018, vì Washington nghi ngờ tập đoàn này cài những cánh cổng bí mật để theo dõi nhiều nước có lợi cho Bắc Kinh, đã đặt Pháp và nhiều nước châu Âu trong thế khó xử.

Tuy nhiên, trước tầm mức của vụ việc và không như Hoa Kỳ cùng với một số nước khác đã có các biện pháp cứng rắn, nước Pháp đã chọn một giải pháp ngoại giao. Theo đó, Paris tăng cường các quy định kiểm soát và cho phép dùng các thiết bị cũng như là phần mềm của Hoa Vi để trang bị cho việc phủ sóng mạng 5G tương lai.

Vì sao Paris lại có một quyết định chiến lược như vậy ? Le Monde đưa ra 3 lý do để giải thích : Thứ nhất trên bình diện ngoại giao. Chính phủ Pháp không muốn làm mếch lòng Bắc Kinh khi sập cửa với một trong những ngành công nghệ mũi nhọn nước này.

Thứ hai, về mặt kinh tế, đầu tư của Hoa Vi trên đất Pháp từ năm 2003 đã tạo ra không ít việc làm. Chi nhánh Hoa Vi tại Pháp tuyển dụng hơn 1.000 lao động nằm rải rác tại 5 trung tâm nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, Hoa Vi còn là khách hàng lớn của khoảng 280 nhà cung cấp trang thiết bị khác của nước Pháp.

Việc gạt Hoa Vi ra khỏi kế hoạch phủ sóng 5G có nguy cơ gánh lấy nhiều tác động. Nước Pháp khó có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn như Nokia và Ericsson, đồng thời người tiêu dùng có nguy cơ phải trả giá cao cho những trang thiết bị mà chúng có thể sẽ đè nặng lên khả năng đầu tư cho việc phủ sóng.

Cuối cùng, quyết định gạt Hoa Vi có thể dẫn đến việc chậm trễ phát triển mạng 5G do các nhà khai thác mạng sẽ phải sửa đổi danh sách các nhà cung cấp trang thiết bị. Và sự chậm trễ này có nguy cơ tác động đến tính cạnh tranh của các doanh nghiệp Pháp trên bình diện quốc tế, để lại một sân trống cho Hoa Kỳ hay Trung Quốc trong khi mà mạng 5G hứa hẹn một cuộc cách mạng cho nền công nghiệp nhờ vào tốc độ truyền dữ liệu và thời gian phản ứng cực kỳ nhanh chóng.

Le Monde cảnh báo, trong lúc chính phủ chờ các nghị sĩ thông qua một dự thảo luật mới, Hoa Kỳ đang tăng cường các cuộc vận động hành lang tại châu Âu nhằm gạt Hoa Vi hoàn toàn ra khỏi cuộc chơi 5G. Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu không ngần ngại đe dọa rằng những nước nào vẫn tiếp tục đi theo Hoa Vi, có thể sẽ phải gánh lấy nhiều bất lợi trong trao đổi thương mại với Hoa Kỳ trong tương lai. Tóm lại, « nước Pháp trong thế lưỡng nan trước những thèm khát của Trung Quốc » như tựa đề bài viết.

Brexit : 45 ngày phập phồng

Còn có 45 ngày nữa là Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu. Phụ san kinh tế Le Figaro đưa tít lớn « Brexit : Mù mờ vẫn tồn tại, lo lắng ngày càng lớn ».

Một bầu không khí đang bao trùm lên giới doanh nhân Anh Quốc. « Nền kinh tế nước Anh trong “vùng nguy hiểm” khi chỉ còn có 45 ngày nữa diễn ra Brexit » Le Figaro nhận xét. Sức tăng trưởng kinh tế trong quý IV năm qua đã giảm mạnh và thậm chí có dấu hiệu suy thoái trong tháng 12/2018. Các doanh nghiệp Anh Quốc lưỡng lự giữa việc đi hay ở lại trong khi mà các chính khách vẫn đang tiếp tục đối đầu nhau.

Về điểm này, Les Echos cho biết thêm là « Thủ tướng May thử vận với chiến lược chạy nước rút».Thủ tướng Anh tiến hành song song hai cuộc đàm phán, một bên với Liên Hiệp Châu Âu và bên kia với các đảng đối lập về cách thức rời Liên Âu. Tuy nhiên, nhật báo kinh tế này tỏ ra bi quan không hy vọng rằng bà May có thể đạt được một bước tiến nào.

Catalunya : Những người ủng hộ độc lập trên ghế bị cáo

Cũng tại châu Âu, một hồ sơ lớn khác được nhiều báo Pháp nói đến là việc chính quyền Tây Ban Nha đưa ra xét xử các lãnh đạo đảng chủ trương độc lập cho vùng Catalunya. La Croix trên trang nhất đề tựa : « Catalunya, một phiên xử và nhiều chia rẽ ».

Ngày thứ Ba, 12/02/2019, Tây Ban Nha chính thức mở phiên xử mười hai lãnh đạo vùng Catalunya vì những vai trò của họ trong mưu toan đòi ly khai năm 2017.

Liberation có bài phân tích đề tựa : « Catalunya, một phiên xử thay cho một tiến trình ». Thông tín viên nhật báo ghi nhận phiên xử diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, phe hữu và cực hữu lên án thủ tướng chính phủ Pedro Sanchez tìm kiếm một thỏa hiệp với các phe đòi ly khai ở Catalunya.

Algeri : Quyền lực hóa thạch

Thời sự Bắc Phi đáng chú ý nhất là thông báo ra tranh cử nhiệm kỳ thứ năm của tổng thống mãn nhiệm Algeri, ông Abdelaziz Bouteflika. Nay đã 81 tuổi và sức khỏe yếu kém, ông hầu như vắng bóng trên chính trường quốc tế và hiếm xuất hiện trước công chúng trong nước. Nhưng điều đó không hề cản trở ông tiếp tục ra tranh cử tổng thống sau 20 năm cầm quyền.

Le Monde trên trang nhất chạy hàng tít lớn « Tại Algeri : Bouteflika tranh cử tổng thống tại một đất nước không chút ảo tưởng ». Thông báo ông ra tranh cử không gây ngạc nhiên cho thấy có sự chia rẽ trong đảng cầm quyền, không có khả năng tìm được người kế thừa như nhận định của Les Echos.

Bài xã luận của Le Monde còn mỉa mai cho rằng việc ông Bouteflika muốn tiếp tục cầm quyền chẳng khác gì với một thứ « quyền lực bị hóa thạch ». Một tin chẳng lành cho đất nước. Bởi vì, quyền lực hóa thạch đó đã cho thấy rõ có sự đứt đoạn giữa thượng tầng lãnh đạo với xã hội đang sống trong hai hình thức khác nhau.

Trên thượng tầng, tổng thống Bouteflika, sống bao bọc bởi một phe mờ ám đến mức các nhà quan sát không tài nào giải mã tiến triển được, đành phải bám lấy hình ảnh một thế hệ của đảng FLN thắng lợi từ cuộc chiến giành độc lập.

Ngoài xã hội, người dân phần lớn vẫn còn bị chấn thương tâm lý bởi cuộc nội chiến khủng khiếp trong những năm 1990 nhưng lại rất kiên nhẫn. Một cách nào đó, có thể nói rằng họ chấp nhận đánh đổi việc thực thi một số quyền để có được một sự bảo đảm tối thiểu về mặt xã hội có được từ nguồn khai thác khí ga dồi dào của đất nước.

Thế nhưng, thỏa ước này không tồn tại vĩnh viễn. Hố sâu ngăn cách giới trẻ khao khát được « tung hoành » và một quyền lực lỗi thời không tìm thấy một đường hướng nào khác ngoài tình trạng trì trệ bất động ngày càng được mở rộng.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190212-dau-tu-cua-trung-quoc-nuoc-phap-giua-su-them-muon-va-lo-au

 

TIN ĐỌC NHANH

 (AP) – Thái Lan- Mỹ khai mạc cuộc tập trận Cobra Gold thường niên. 

Lễ khai mạc mở ra ngày 12/02/2019 tại miền Bắc Thái Lan với sự tham gia của 29 quốc gia. Ngoài Thái Lan và Mỹ, có 7 nước khác được coi là thành viên tích cực tham gia nhất, bao gồm 3 nước Đông Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc), 3 quốc gia Đông Nam Á (Singapore, Indonesia, Malaysia) và Ấn Độ. Cuộc tập trận sẽ kéo dài cho đến ngày 22/02/2019.

(Reuters) – Nhà trắng khẳng định TT Mỹ vẫn muốn gặp Chủ tịch Trung Quốc. 

Phát biểu trên đài truyền hình Mỹ Fox News hôm 11/02/2019, cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway cho biết là tổng thống Trump – muốn gặp chủ tịch Tập “rất sớm”. Có khả năng hai người sẽ gặp nhau vào tháng 3 tới tại khu Mar-a-Lago – Florida. Bà Conway nhấn mạnh rằng tổng thống Mỹ rất muốn có một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, và tình hình đang diễn biến theo chiều hướng tích cực.

(Reuters) – Malaysia hoãn phiên tòa xét xử cựu thủ tướng Najib Razak. 

Phiên tòa xét xử cựu lãnh đạo Malaysia với cáo buộc liên quan vụ bê bối nhiều tỷ USD tại Quỹ 1MDB, dự trù mở ra hôm 12/02/2019 đã bị hoãn lại. Nguyên do là vì phía ông Najib Razak kháng án. Hiện, tòa án chưa thông báo lịch xét xử tiếp theo. Cựu thủ tướng Malaysia luôn khẳng định vô tội đối với các cáo buộc hình sự về lợi dụng tín nhiệm, rửa tiền và lạm dụng quyền lực.

(Channel News Asia)- “Gái giải sầu”, chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc đòi Nhật Hoàng xin lỗi. 

Chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc Moon Hee Sang trong một phỏng vấn hồi tuần trước với hãng tin Bloomberg, coi Nhật Hoàng Ahikito như là “con của một tội phạm chiến tranh”. Với lý do này, ông yêu cầu Nhật Hoàng xin được tha thứ trong vấn đề “Gái giải sầu”, tức tình trạng hai trăm ngàn phụ nữ trong đó đa số là người Triều Tiên bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản hồi Thế chiến Hai. Hôm nay 12/02, chánh văn phòng chính phủ Nhật Bản cho biết tuyên bố nói trên là một điều “hết sức đáng tiếc” và yêu cầu chủ tịch Quốc Hội Hàn Quốc rút lại đề nghị này.

 (AFP) – Na Uy ‘‘không hoan nghênh’’ lãnh sự Ba Lan, bộ Ngoại Giao Ba Lan tuyên bố trả đũa.

Bộ Ngoại Giao Ba Lan hôm nay, 12/02/2019, thông báo sẽ có phản ứng tương thích ngay tức khắc. Theo chính quyền Na Uy, viên lãnh sự Ba Lan Kowalski đã có nhiều can thiệp thô bạo nhắm vào hoạt động của các công chức Na Uy, phụ trách hồ sơ trẻ em bị tách khỏi gia đình người Ba Lan tại Na Uy, do bị coi là không có đủ khả năng nuôi con. Lãnh sự Ba Lan buộc phải rời Na Uy trong 8 ngày. Các cơ quan Na Uy phụ trách công tác xã hội thường bị phê phán ngay tại Na Uy và ở nước ngoài, do phương pháp hành động “độc đoán” trong vấn đề này. Bị ảnh hưởng nhiều nhất thường là các gia đình gốc nước ngoài.

(AFP) – Tây ban Nha : 12 lãnh đạo Catalunya ly khai ra toà. 

Toà án tối cao Tây Ban Nha bắt đầu xét xử vụ án 12 lãnh đạo vùng tự trị Catalunya bị cáo buộc nổi loạn, ly khai và biển thủ công quỹ. Phiên toà khai mạc ngày 12/02/2019 tại Madrid và dự trù kéo dài đến tháng 7. Hàng trăm cảnh sát được bố trí chung quanh toà án đối mặt với các nhóm chủ trương Catalunya độc lập. Trong số nhân chứng có cựu thủ tướng Manuel Rajoy. Trái lại, nghi can quan trọng nhất là thủ lĩnh ly khai Carles Puigdemont, hiện sống lưu vong tại Bỉ, vắng mặt.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190212-tin-doc-nhanh