Tin Việt Nam – 12/02/2019
“Nước lạ” ghi xuất xứ hàng hóa Việt Nam
để hưởng lợi miễn thuế từ FTA?
Tin Việt Nam – Báo Tuổi Trẻ ngày 11 tháng 2 loan tin, cơ quan xuất nhập cảng bộ công thương CSVN cho biết, tình trạng hàng hóa của ngoại quốc mượn danh xuất xứ hàng hóa của Việt Nam để hưởng lợi miễn phí thuế một cách bất hợp pháp từ các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam đã ký kết, hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ thương mại của nước nhập cảng.
Dù đại diện nhà cầm quyền CSVN không dám nói nước nào đã thực hiện việc trên, nhưng dư luận Việt Nam cho rằng “nước lạ” ở đây chính là Trung Cộng, bởi đây là cách mà Trung Cộng đã nhiều lần thực hiện đối với mặt hàng sắt, thép.
Đại diện bộ công thương cho hay, việc gian lận thương mại trên đã tác động đến sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền CSVN chưa có quy định để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt, kiểm chứng sản phẩm. Vì chưa có quy định nên bộ công thương đã đề nghị, việc ghi nhãn xuất sứ của sản phẩm tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tức là, việc kê khai sản xuất này do các công ty, hoặc cá nhân được tự do thực hiện.
An Nhiên
https://www.sbtn.tv/nuoc-la-ghi-xuat-xu-hang-hoa-tai-viet-nam-de-huong-loi-mien-phi-thue-tu-fta/
Bộ Tài Chính “xử” Formosa Hà Tĩnh
thắng vụ khiếu nại truy thu thuế 223 tỷ đồng
Tin Việt Nam – Báo Vietnamnet ngày 11 tháng 2 loan tin, bộ trưởng bộ tài chính CSVN đã có quyết định giải quyết khiếu nại của công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh về việc thu hồi thuế giá trị gia tăng 223.56 tỷ đồng và việc yêu cầu công ty điều chỉnh giảm giá trị đã hạch toán gần 4,022 tỷ đồng. Theo đó, bộ tài chính đã công nhận việc khiếu nại của Formosa là có cơ sở.
Trước đó, vào năm 2016, tổng cục thuế CSVN đã có quyết định thu tiền thuế của Formosa Hà tĩnh với số tiền 223,56 tỷ đồng. Lý do được cơ quan thuế đưa ra là là căn cứ vào hồ sơ xây dựng của Formosa thiếu, quá hạn hợp đồng và không chấp nhận hợp đồng gia hạn. Căn cứ theo văn bản hướng dẫn Luật đấu thầu và Luật xây dựng nên cơ quan thuế đã ra quyết định thuy thu thuế giá trị gia tăng đối với Formosa.
Sau khi nhận quyết định, phía công ty này đã nộp khoản tiền bị truy thu, nhưng nộp tiền xong thì công ty này đã đổi ý, không chấp nhận quyết định truy thu nên đã làm đơn khiếu nại. Khi nhận được khiếu nại của Formosa vào năm 2016, bộ tài chính CSVN đã khẳng định việc truy thu thuế của cơ quan thuế là có cơ sở.
Tuy nhiên, đến nay bộ tài chính lại tự lật ngược tình thế, quay sang công nhận khiếu nại của Formosa là “có căn cứ.” Và bộ này đã quyết định công nhận khiếu nại của Formosa là không thu hồi khoản thuế giá trị gia tăng hơn 223,56 tỷ đồng, và không giảm giá trị đã hạch toán gần 4,022 tỷ đồng.
An Nhiên
VN, Thái Bí Ẩn Im Lặng: Bắt Cóc Trương Duy Nhất?
BANGKOK — Hai chính phủ Thái Lan và CSVN im lặng trước nghi vấn đặc công CSVN sang Thái Lan bắt cóc Blogger Trương Duy Nhất để đưa về Việt Nam…
Bản tin VOA ghi rằng hôm 11/2/2019 tờ Bangkok Post đặt nghi vấn vì sao vụ Blogger Trương Duy Nhất đột ngột mất tích đã hơn hai tuần nhưng chính quyền hai nước, đặc biệt là Việt Nam vẫn im lặng.
Tờ Bangkok Post viết: “Vụ mất tích của ông (Trương Duy Nhất) vào ngày 26/1 đã nhận được sự im lặng thường thấy từ các chính phủ liên quan. Nhân chứng về vụ bắt cóc ông Nhất đã được tìm thấy và phỏng vấn – nhưng không phải do chính quyền Thái Lan hay các nhà ngoại giao Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ công dân nước mình thực hiện.”
“Các trường hợp bị mất tích đột ngột của những nhà bất đồng chính trị tiếp tục chồng chất. Trường hợp mới nhất như vậy xảy ngay giữa ban ngày, bên trong một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Bangkok. Ông Trương Duy Nhất, một nhà báo và blogger nổi tiếng ở Việt Nam, đã bị bắt và lôi kéo ra khỏi trung tâm mua sắm Future Park. Ông vừa đăng ký thông tin cá nhân và xin tị nạn qua văn phòng tị nạn của Liên Hiệp Quốc.” Bangkok Post viết hôm 11/2.
VOA ghi rằng theo tờ Bangkok Post nhận định: “Chúng ta phải hy vọng rằng vụ bắt cóc ông Nhất ở Bangkok sẽ mang lại những phản hồi dễ chấp nhận hơn từ các nhân viên chính phủ và an ninh. Ông Nhất rõ ràng là nạn nhân của một chế độ Việt Nam ngày càng không khoan dung và mang tính bạo lực, nơi hàng loạt các nhà nhà báo đã bị giam cầm chỉ vì các bài báo đơn thuần chỉ trích giới chức Hà Nội hoặc các hành động của chính quyền địa phương.”
Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 8/2 loan tin chính phủ Hoa Kỳ hoan nghênh tin chính phủ Thái Lan sẽ điều tra việc Trương Duy Nhất bị mất tích.
Trong một tuyên bố ngày 8/2, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ hoan nghênh cuộc điều tra của chính phủ Thái Lan về vụ mất tích của ông Nhất.
Đài RFA trích tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình.”
“Tự do báo chí là căn bản của sự minh bạch và sự có trách nhiệm của chính quyền. Các nhà báo thường gặp những nguy cơ lớn khi làm công việc của họ, và nhiệm vụ của các chính phủ và công dân trên toàn thế giới là phải lên tiếng bảo vệ họ,” một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ được trích lời nói.
Trong khi đó, bản tin BBC khi dẫn ra bài bình luận “Horror of the disappeared” trên tờ Bangkok Post ngày 11/2/2019 ghi thêm trường hợp một nhà hoạt động khác cũng bị bắt cóc tại Thái Lan.
BBC ghi rằng ngoài Trương Duy Nhất, bài bình luận của Bangkok Post còn đơn cử trường hợp của nhà xuất bản Quế Dân Hải (Gui Minhai) một người bất đồng chính kiến với Trung Quốc người Thụy Điển gốc Hoa.
Theo Bangkok Post, việc ông Quế Dân Hải bị bắt khi ông rời căn hộ tại Pattaya vào tháng 10 năm 2015, được thu lại trong CCTV, nhưng cả hai chính quyền Thái Lan và Trung Quốc lúc đó vẫn tuyên bố không biết chuyện gì đã xẩy ra, mặc dù vài tháng sau đó, người ta thấy ông Quế Dân Hải bị giam giữ tại một nhà tù Trung Quốc.
“Những vụ bắt cóc người Việt Nam và Trung Quốc làm phật lòng chính phủ của họ tại Thái Lan là một dấu ấn đen tối đối với chế độ.” Bangkok Post khẳng định.
Và kết luận:
“Chúng ta phải hy vọng rằng vụ bắt cóc ông Nhất ở Bangkok sẽ mang lại những phản hồi dễ chấp nhận hơn từ các nhân viên chính phủ và an ninh. Ông Nhật rõ ràng là nạn nhân của một chế độ Việt Nam ngày càng không khoan dung và bạo lực, nơi hàng loạt các nhà nhà báo đã bị tống vào tù chỉ vì các bài báo đơn thuần chỉ trích Hà Nội hoặc hành động của chính quyền địa phương.”
BBC ghi hai chiều dư luận:
“Bài bình luận được chia sẻ khá rộng rãi trong giới đấu tranh. Và phản hồi dưới đây được nhiều hưởng ứng:
“Đừng kỳ vọng bất cứ điều gì từ một chính phủ không ngần ngại loại bỏ các đối thủ cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ của họ…”
Nhưng những người chia sẻ bài viết cũng có cái nhìn lạc quan hơn:
“Cho dù tình hình tệ đến đâu, ngày nào những bài bình luận như này còn tồn tại, chúng ta vẫn còn có thể nuôi hy vọng.”…”
https://vietbao.com/p124a290692/vn-thai-bi-an-im-lang-bat-coc-truong-duy-nhat-
Nhà hoạt động Phan Kim Khánh
sẽ khiếu nại vì bị từ chối kháng án
Tin từ Hà Nam – Theo em gái của nhà hoạt động Phan Kim Khánh, anh sẽ làm đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng về việc toà án CS tỉnh Thái Nguyên không tiếp nhận đơn kháng án của anh.
Cô Phan Thị Trang đã thông báo về dự định của anh cô trong buổi thăm gặp thường kỳ ngày 10 tháng 02 tại Trại giam Ba Sao (tỉnh Hà Nam), nơi nhà hoạt động Phan Kim Khánh đang thụ án tù 6 năm vì tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999.
Nhà hoạt động Phan Kim Khánh bị bắt ngày 21/3/2017 khi đang là sinh viên Đại học Thái Nguyên vì những bài viết chống tham nhũng và cổ suý nhân quyền, dân chủ. Ngày 25/10 cùng năm, anh bị toà án CS tỉnh Thái Nguyên kết án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế.
Sau phiên toà sơ thẩm, nhà hoạt động này đã kháng cáo, nhưng không rõ vì lý do gì mà đơn của anh không được giải quyết và không có một phiên toà phúc thẩm nào cả. Sau đó, anh bị chuyển đi thi hành án tại Trại giam Ba Sao.
Từ khi bị bắt giữ, nhà hoạt động Phan Kim Khánh đã nhiễm nhiều bệnh do bị đối xử khắc nghiệt và điều kiện giam giữ tồi tệ, cả ở Trại tạm giam tỉnh Thái Nguyên và Trại giam Ba Sao. Đặc biệt, cũng như ở nhiều nhà tù khác, tù nhân ở Trại giam Ba Sao bị buộc phải lao động 8 giờ/ngày. Không rõ nhà hoạt động Phan Kim Khánh bị buộc phải làm việc gì.
Quốc Tuấn
https://www.sbtn.tv/nha-hoat-dong-phan-kim-khanh-se-khieu-nai-vi-bi-tu-choi-khang-an/
VC Đầu Độc Tù Nhân Lương Tâm?
HANOI – CSVN đang tăng áp lực ngược đãi tù nhân lương tâm… trong đó có nghi vấn nhà tù đang đầu độc thực phẩm của tù nhân lương tâm.
Bản tin RFA báo động: Gia đình các Tù nhân lương tâm kêu cứu vì những dấu hiệu bất thường…
Tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh trong ngày hôm 11/2/2019 sẽ làm đơn kêu oan về việc TAND tỉnh Thái Nguyên không nhận đơn kháng cáo phúc thẩm, trong khi đó gia đình của hai TNLT khác là Trần Hoàng Phúc và Huỳnh Trương Ca lên tiếng về những dấu hiệu bất thường xảy ra cho người thân của mình trong trại giam.
Bà Đỗ Thị Lập, mẹ của tù nhân lương tâm Phan Kim Khánh cho hay gia đình bà có buổi gặp con mình trong trại giam Ba Sao, tỉnh Hà Nam hôm 10/2/2019 và nhận được thông tin như trên.
“Hôm qua là cũng có 1 anh trong cùng trại của cháu nó là anh Kiên, hôm 29 cũng báo cho em gái của Khánh là Phan Thị Trang, cho gia đình biết trước là hết tết – là ngày hôm nay (11/2) Khánh sẽ làm đơn kêu oan gửi lên Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên vì nó không nhận tội, đã kháng cáo nhưng TAND tỉnh Thái Nguyên không trả lời.
Cháu nó có hỏi gia đình là sau 15 ngày (sau phiên tòa phúc thẩm – PV) có giấy gì về gia đình không, thì gia đình cũng bảo là không có giấy gì hết.
Khánh thông báo cho gia đình, bố mẹ biết là Khánh sẽ làm giấy là kêu oan,” bà Đỗ Thị Lập nói qua điện thoại.
Hồi tháng 10 năm ngoái, luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho Phan Kim Khánh cũng cho Đài Á Châu Tự Do biết là ông không biết gì về đơn kháng cáo của thân chủ và việc kháng cáo chỉ có hạn 15 ngày sau phiên sơ thẩm. Nếu quá thời gian này phải có lý do đặc biệt thì tòa án mới có thể chấp nhận việc kháng cáo.
RFA cũng kể về trường hợp sinh viên Phan Kim Khánh, sinh năm 1993, bị tòa án tỉnh Thái Nguyên tuyên 6 năm tù giam và 4 năm quản chế trong phiên xử diễn ra vào ngày 25/10/2017 với cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999.
Trước khi bị bắt, anh Phan Kim Khánh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên được một số người hoạt động cùng cho biết, anh thường sử dụng công cụ mạng xã hội để nói lên tình trạng tham nhũng và các vấn đề xã hội khác tại Việt Nam.
Truyền thông trong nước dẫn cáo trạng quy kết, từ tháng 3/2015 Phan Kim Khánh đã lập và quản trị 2 trang blog, 3 tài khoản facebook và 2 kênh YouTube để đăng nhiều thông tin mà theo Công An Việt Nam là “có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác.”
Một tù nhân lương tâm trẻ khác là Trần Hoàng Phúc không nhận canh của trại giam An Phước, tỉnh Bình Phước từ đầu tháng 1 cho tới nay vì nghi thực phẩm của trại giam “có vấn đề’.
Thông tin trên được bà Huỳnh Thị Út, mẹ của tù nhân lương tâm này nói với Đài Á Châu Tự Do sau chuyến thăm gặp ngày11/2/2019 như sau:
“Cái thức ăn thì lần (thăm gặp) vừa rồi tại sao con có nói cả tháng không nhận canh thì Phúc nói là con nghi ngờ là trong canh có vấn đề, vì khi người ta đầu độc thì con đường dễ nhất và nhanh nhất là chất lỏng nên con không nhận. Chỉ ăn thức ăn gia đình mình gửi vào thôi!” bà Huỳnh Thị Út nói qua điện thoại vào trưa 11/2/2019.
Bà Út cũng cho biết thêm thông tin là thuốc đặc trị viêm gan siêu vi C gửi vào cho Trần Hoàng Phúc từ hôm 5/1 thì anh này đã được trại giam cho nhận để điều trị và trong ngày mùng 1 và mùng 3 Tết Kỷ Hợi vừa qua, những tù nhân chính trị trong trại giam An Phước cũng được ra khu giam riêng để giao lưu, trò chuyện với nhau.
Anh Trần Hoàng Phúc, sinh năm 1994, đã học hết năm cuối Khoa Luật quốc tế – trường đại học Luật TPSG, nhưng chưa được trường cấp bằng do tham gia các hoạt động cổ vũ cho quyền con người.
Trước lúc bị bắt, Trần Hoàng Phúc là thành viên của nhóm Sáng Kiến Lãnh Đạo Đông Nam Á (YSEALI) do cựu Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama thành lập nhưng bị ngăn đến dự buổi nói chuyện của ông Obama khi ông này đến TPHCM tháng 5/2016.
Hồi tháng giêng năm 2018, anh bị TAND Hà Nội tuyên án 6 năm tù giam và 4 năm quản chế cùng với ông Vũ Quang Thuận và Nguyễn Văn Điển trong phong trào Chấn Hưng Nước Việt.
Báo chí nhà nước dẫn cáo trạng của Viện kiểm sát quy kết nhóm 3 người này đã “làm, đăng tải 17 video, clip lên mạng xã hội, Internet và tàng trữ nhiều tài liệu có nội dung phỉ báng chính quyền”.
Người thân của tù nhân lương tâm Huỳnh Trương Ca, thành viên của nhóm Hiến Pháp trong cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do cho hay, ông Ca trong cuộc thăm gặp cuối tháng 1/2019 đã tố cáo một điều tra viên của cơ quan An ninh TPHCM trong giai đoạn điều tra đã “ép cung, dụ cung” ông này để khai ra những người còn lại, nhưng đã từ chối làm theo.
“Có một ngày công an điều tra trên Sài Gòn đi xuống ép cung, dụ ông khai ra những người bạn trên Sài Gòn, những người cùng tuyên thệ và dùng lời lẽ thô thiển nạt nộ.
Nhưng ông nói mấy người không có quyền nói chuyện với tôi kiểu đó nên ông không khai ra gì hết trơn”, một người thân của ông Ca vì lý do an toàn xin được giấu tên cho biết.
RFA cho biết rằng Ông Huỳnh Trương Ca, sinh năm 1971, bị Tòa án tỉnh Đồng Tháp tuyên phạt 5 năm 6 tháng tù giam với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” hôm 28/12/2018 vừa qua.
Người thân của ông Ca cũng tiết lộ trong phiên tòa sơ thẩm, người tù nhân lương tâm này không “tỏ ra ăn năn, hối hận” như báo chí nhà nước tường thuật về phiên tòa và ông cũng không có luật sư bào chữa.
Người này cũng cho biết, mặc dù ông Ca bị nhiều chứng bệnh trong người như tiểu đường, cao huyết áp, sỏi thận nhưng cán bộ trại giam từ chối nhận thuốc của gia đình gửi vào.
Hiện cũng có những lo ngại cho sức khỏe ông Ca không đủ sức để qua hết án tù vì “điều kiện trong đó khắc nghiệt quá”.
Tổ chức Bảo vệ Người Bảo vệ Nhân quyền dẫn lời một thành viên của nhóm Hiến Pháp là bà Nguyễn Uyên Thùy cho hay có tổng cộng 9 thành viên của nhóm này bị bắt trước và sau ngày Quốc khánh 2/9 năm ngoái.
RFA ghi nhận:
“Nhóm này được cho là có dự định kêu gọi tiến hành biểu tình ôn hoà vào ngày này để lên tiếng về nhiều vấn đề khác nhau gồm vi phạm nhân quyền, tình trạng tham nhũng có hệ thống, phản ứng yếu ớt của chính phủ Việt Nam đối với vi phạm chủ quyền từ phía Trung Quốc, cũng như quản trị tồi của chính phủ Hà Nội dẫn đến thực tế ô nhiễm môi trường trầm trọng trên cả nước.”
Trong một bản tin khác, RFA cho biết về trường hợp:
“Ông Châu Văn Khảm, đảng viên đảng Việt Tân, đang bị điều tra với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109, và tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” vì hành vi sử dụng chứng minh thư với tên Chung Chính Phi để vào Việt Nam, theo điều 341 Bộ luật Hình sự 2015. Đài ABC của Úc dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho biết như vậy hôm 10/2.”
https://vietbao.com/p124a290694/vc-dau-doc-tu-nhan-luong-tam-
Từ chối hai xe vào đường cao tốc ‘là trái luật’
Một luật sư nói với BBC rằng việc doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc từ chối phục vụ vĩnh viễn hai chiếc xe “là trái luật” và “không khả thi”.
Tin cho hay hôm 11/2, Công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật Đường cao tốc Việt Nam (VECE), thông báo quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với hai xe hơi có biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do doanh nghiệp này quản lý.
BOT Cai Lậy ‘thu phí trở lại’ sau Tết
Chuyện gì đang xảy ra tại BOT An Sương-An Lạc?
BOT Cai Lậy: liệu minh bạch sẽ là giải pháp?
Trạm Cai Lậy: Phản ứng của tài xế ‘hiệu quả, cần thiết’
Ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc VECE được báo Giao Thông dẫn lời:
“Vào lúc 18:20 ngày 10/2, chiếc xe 51A-55850 di chuyển vào làn thu phí số 7, hướng từ Long Thành-TP HCM. Khi đến cabin trạm thu phí, người lái xe đã không trả thẻ thu phí và trả tiền phí mà cố tình dừng tại làn. Ngay sau đó, những người trên xe bước xuống cố tình gây rối, lôi kéo các phương tiện ở các làn khác chú ý, gây ách tắc giao thông cục bộ tại trạm.”
Chiếc xe có biển số 51G-77256 được cho là “cũng thực hiện hành vi tương tự”.
Ông Tân đưa ra cáo buộc người lái hai chiếc xe có biển số nêu trên “có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa đánh đuổi nhân viên điều khiển giao thông, gây ùn tắc tại trạm, gây hoang mang cho nhân viên phục vụ tại trạm thu phí, làm mất trật tự an ninh tại khu vực”.
‘Chế tài kiểu Vietnam Airlines’
Trả lời BBC hôm 11/2, Luật sư Phùng Thanh Sơn, Giám đốc công ty Luật Thế Giới Luật Pháp, phân tích:
“VECE và Tổng công ty đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) là doanh nghiệp đầu tư đường cao tốc chứ không phải là cơ quan quản lý nhà nước về giao thông nên không có quyền cấm hay không cấm phương tiện giao thông lưu thông vào đường cao tốc.”
“Đây là đơn vị bỏ tiền ra để xây dựng đường cao tốc trên cơ sở cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phải chuyển giao lại cho cơ quan quản lý nhà nước sau một thời gian thu phí.”
“Đường cao tốc không phải là tài sản riêng của doanh nghiệp này nên họ không có toàn quyền định đoạt trong việc cho phương tiện nào và không cho phương tiện nào sử dụng.”
“Các quy định nội bộ của VEC, hợp đồng BOT không phải là văn bản quy phạm pháp luật nên nó không có giá trị đối với người dân. Quyết định về việc từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tác giao thông khi tham gia trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý, khai thác là trái luật.”
Thủ tướng Phúc tạm dừng thu phí BOT Cai Lậy
Vụ các trạm BOT ‘nhắm vào ông Thăng’?
“VEC không phải là hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) nên không thế bắt chước cách chế tài. Vietnam Airlines sở hữu máy bay nên họ có thể sử dụng “chế tài” không phục vụ những hành khách không tuân thủ quy định của mình. Tuy vậy, hành khách bị chế tài có thể chọn hãng hàng không khác để đi. Còn VEC và VECE thì không sở hữu và không có quyền sở hữu hệ thống đường cao tốc Việt Nam nên không thể áp dụng “chế tài” như Vietnam Airlines.”
“Nếu người lái xe không nộp phí cao tốc thì VECE có thể kiến nghị cơ quan chức năng xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn nộp phí theo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Theo đó, hành vi này có thể bị phạt từ 1 đến 3 lần tiền phí mà người lái xe trốn nộp.”
“Nếu người lái xe có hành vi cố tình làm hư hỏng tài sản của VECE thì họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.”
“Việc VECE từ chối phục vụ vĩnh viễn hai chiếc xe hơi không chỉ trái luật mà còn không thực tế, không khả thi và không hợp lý.”
“Bởi lẽ, nếu các xe này vẫn vào đường cao tốc thì VECE xử lý như thế nào? Công ty này không thể yêu cầu các xe này quay đầu lại vì sẽ gây nguy hiểm cho các phương tiện khác. Còn nếu họ chặn lại không cho đi thì sẽ gây kẹt xe.”
“Chưa kể người lái xe và chủ sở hữu phương tiện khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian. Nếu cơ quan chức năng “bật đèn xanh” phép VECE sử dụng “chế tài” này thì các chủ đầu tư BOT khác sẽ làm tương tự như vậy và xã hội sẽ loạn.”
‘Tiền lệ vô cùng nguy hiểm’
Theo báo Người Lao Động hôm 11/2, hai chiếc xe “bị từ chối phục vụ vĩnh viễn trên đường cao tốc” đều là xe hơi 7 chỗ, không hoạt động kinh doanh vận tải. Chủ của hai chiếc xe là người ngụ tại quận Phú Nhuận và quận 12, TP.Hồ Chí Minh.
Hôm 11/2, một nữ tài xế đề nghị ẩn danh nói với BBC: “Có thể tài xế hai chiếc xe trong vụ này phản ứng tại trạm BOT trên tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là vì họ bức xúc nhất thời.”
“Với cánh tài xế, đây là trạm BOT không bao giờ xả trạm, dù có xảy ra kẹt xe hàng giờ.”
“Mặt khác, việc thu và trả phí BOT là giao dịch dân sự thì sao chủ của trạm BOT lại có thể lạm quyền ra lệnh cấm xe như thế được?”
“Việc từ chối phục vụ vĩnh viễn trên đường cao tốc sẽ là tiền lệ vô cùng nguy hiểm vì bất cứ ai phản đối BOT ‘bẩn’ đều có nguy cơ bị khép tội gây rối.”
Thay đổi thu phí ở Cai Lậy: ‘Ít hơn nhưng lâu hơn’
BOT: Phạt xe dừng quá 5 phút là ‘đổ dầu vào lửa’
Thủ tướng VN: ‘Xử lý người kích động, chống phá’ ở trạm BOT
Trong một diễn biến khác, trạm BOT trên tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây là nơi xảy ra vụ cướp 2,2 tỷ đồng hôm 7/2.
Vụ cướp làm dấy lên suy đoán số tiền bị cướp chỉ là doanh thu sau một ca trực trong ngày của trạm BOT này và yêu cầu minh bạch về khoản thu hàng ngày tại các trạm BOT.
Sau đó, ông Nguyễn Viết Tân, giám đốc VECE xác nhận với báo Tuổi Trẻ: “Mỗi ngày bình thường, tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây thu phí toàn tuyến từ 3,3 – 3,4 tỷ đồng, riêng những ngày cao điểm, lễ tết thu khoảng từ 5 đến 6 tỷ đồng.”
Tờ báo cũng cho hay trạm BOT trên tuyến này thu hơn 1.100 tỷ đồng trong năm 2018 và tính sơ bộ trong 21 năm sẽ thu được khoảng hơn 21.000 tỷ đồng.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47194818
Kỷ niệm chiến tranh 1979:
Báo chí Việt Nam được bật đèn xanh?
Báo chí Việt Nam năm nay được phép công bố ‘những trang sử đen tối’ nhân dịp 40 năm Chiến tranh Biên giới Việt – Trung, một nhà báo tự do, cựu chiến binh nói với BBC.
Nhìn từ góc độ lịch sử, cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng nói hôm 12/02 rằng “nhân dân sẽ không tha thứ cho những người lãnh đạo ‘hèn nhát’ với ngoại bang vì bất cứ mục tiêu nào”.
Thế nhưng, nhìn từ bình diện giao lưu con người, ông Đăng cho BBC biết từ Gò Công, tỉnh Tiền Giang rằng ông từng sang Trung Quốc để gặp gỡ cựu chiến binh và người dân phía bên kia biên giới và biết họ nghĩ gì.
“Tuy thời gian không dài, được gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc, các bạn trẻ, những người dân thường tôi rất vui mừng nhận thấy không ai muốn chiến tranh Việt- Trung xảy ra một lần nữa.”
Đúng là có hiện tượng này, nhưng như chúng tôi thường nói với nhau là “báo chí được thở khe khẽ” nếu xét theo mức độ thông tin được báo chí chính thống đưa raÔng Ngô Nhật Đăng
Trả lời BBC News Tiếng Việt, cựu trinh sát cấp tiểu đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam ở mặt trận tỉnh Cao Bằng năm xưa bình luận về câu hỏi liệu có phải năm nay báo chí Việt Nam được ‘bật đèn xanh’ viết nhiều hơn về Chiến tranh Biên giới 1979.
Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng, đúng là có hiện tượng này, nhưng như chúng tôi thường nói với nhau là “báo chí được thở khe khẽ” nếu xét theo mức độ thông tin được báo chí chính thống đưa ra. Theo tôi có mấy lý do.
Thứ nhất là Nhà nước đã không thể làm ngơ trước dư luận nhân dân mỗi khi những ngày này tới, nhất là năm nay lại là năm chẵn tròn 40 năm.
Thứ hai là mối quan hệ của Trung Quốc và Việt Nam từ năm 1990 khi “bình thường hóa quan hệ” đến nay nếu nhìn trên bề mặt thì ta thấy càng ngày càng nồng ấm đến mức “Hợp tác toàn diện” nhưng thực chất đằng sau là một mối quan hệ không bình đẳng và càng ngày Việt Nam càng bị lấn lướt không chỉ trong ngoại giao, kinh tế mà còn cả về chủ quyền lãnh thổ.
Ít có một quốc gia nào nuốt nổi cái nhục nhã này và nhân dân sẽ không tha thứ cho những người lãnh đạo hèn nhát với ngoại bang vì bất cứ mục tiêu nào, do vậy báo chí được phép công bố những trang đen tối trong lịch sử quan hệ hai nước để xả bớt bức xúc của dân chúng (nếu điều này đúng thì thật tệ hại).
Thứ ba là chính sách mới của Mỹ với Trung Quốc, động thái gần đây của Hải quân Mỹ ở biển Đông, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ- Triều sắp diễn ra ở Hà Nội…một loạt động thái đáng chú ý ấy có thể cho ta thấy chính phủ Việt Nam có lẽ thấy tự tin hơn, có thể lựa chọn Mỹ là một đối tác đồng minh dù điều này sẽ làm phật lòng Trung Quốc.
Và, có thể đặt lại mối quan hệ với Trung Quốc bình đẳng hơn, là mối quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng có chung biên giới, chứ không phải là hai quốc gia cùng một ý thức hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” luôn luôn không đáng tin cậy như ta thấy trong lịch sử.
BBC: Tuyên truyền qua âm nhạc, phim ảnh của Việt Nam một thời chống Trung Quốc rất rầm rộ rồi im ắng qua nhiều năm, tình hình hiện nay ra sao?
Ông Ngô Nhật Đăng: Vâng điều này cũng bình thường, khi hai nước xóa bỏ mối quan hệ thù địch bước vào một trang mới, nhưng nó không bình thường ở chỗ là bị nghiêm cấm không được nhắc tới, ngay cả sách giáo khoa lịch sử trong nhà trường cũng không có. Lớp trẻ sinh ra sau không hề biết đến cuộc chiến này, tức là trong lịch sử có một khoảng trắng, điều này là vô cùng tai hại.
Đâu là nguyên nhân cuộc chiến Việt-Trung 1979?
Cuộc chiến 1979: Đọc lại lời của Trần Quang Cơ
Đường dẫn tới Cuộc chiến Đông Dương lần Ba
Ta cũng có thể so sánh với Trung Quốc, trong suốt 10 năm từ 1979-1989, truyền thông đại chúng Trung Quốc hàng ngày đều có thời lượng lớn về cuộc chiến với Việt Nam mà họ gọi là “Phản kích tự vệ”. Phim ảnh, truyền hình đầy những hình ảnh các đoàn xe tăng, pháo binh, bộ binh xông lên như vũ bão “đè bẹp bọn tiểu bá VN”.
Khi tôi phỏng vấn một số người Trung Quốc vào thời đó mới 15, 17 tuổi họ đều nói : “Ước sao chiến tranh kéo dài để họ được đi đánh bọn ‘quỷ Việt Nam'”. Nhưng đến cuối năm 1989, một mệnh lệnh từ Quân ủy trung ương quân giải phóng Trung Quốc ban ra: Cấm không nhắc tới cuộc chiến đó nữa, nó gây bàng hoàng trong dân chúng và nhất là quân đội.
Một cựu sỹ quan Trung Quốc nói với tôi: Khi nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tư cách là “khách mời danh dự đặc biệt” xuất hiện tại Đại lễ đường Nhân dân (Bắc Kinh) chúng tôi đã bị sốc. Một hệ quả đi kèm là một số trí thức, nhà báo, cựu quân nhân (nhất là những người từng tham chiến) đi tìm hiểu về cuộc chiến này để tìm sự thật, hy vọng không lâu nữa chúng ta sẽ được biết về những công trình đó.
BBC: Người dân, cựu chiến binh Việt Nam nhân dịp này nghĩ gì và họ muốn nói lên điều gì?
Ông Ngô Nhật Đăng: Là một cựu chiến binh tôi mong muốn sẽ không có chiến tranh xảy ra, tất nhiên nếu để tự vệ bảo vệ Tổ quốc thì sẵn sàng.
Điều này đòi hỏi từ nhiều phía, nhất là từ nhà nước, lịch sử phải được nhắc lại thật nhiều, thật trung thực để có thể rút ra điều gì trong hiện tại, lịch sử không được hiểu đúng sẽ dẫn đến dễ bị kích động bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan, điều đó là nguy hiểm, đó không phải là yêu nước, chắc chắn không phải.
Đất nước phải phát triển giàu mạnh thì mới bảo vệ được chính mình không thể trông chờ bên ngoài. Điều duy nhất không thể khác là phải dân chủ hóa đất nước để động viên sức mạnh toàn dân tộc. Đây là điều không thể chần chừ câu giờ được nữa.
BBC: Với cá nhân ông, thì có phát hiện gì thêm và có gì muốn nói, sau 40 năm nhìn lại cuộc chiến này?
Ông Ngô Nhật Đăng: Cách đây 5 năm, một mơ ước từ lâu của tôi được thực hiện, đó là đi tìm những cựu binh phía bên kia để tìm hiểu những người một thời là “kẻ thù”, những lý do trực tiếp gây ra chiến tranh, tìm những “Hoa kiều” bị trục xuất khỏi Việt Nam, một trong những lý do mà nhà cầm quyền Bắc Kinh dùng để phát động cuộc chiến.
Quan trọng hơn là họ nghĩ gì lúc đó, nghĩ gì về hiện tại khi chiến tranh đã lùi xa và mong ước gì cho tương lai vv…
Tuy thời gian không dài, được gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc, các bạn trẻ, những người dân thường tôi rất vui mừng nhận thấy không ai muốn chiến tranh Việt- Trung xảy ra một lần nữa.Ông Ngô Nhật Đăng
Tuy thời gian không dài, được gặp gỡ các cựu binh Trung Quốc, các bạn trẻ, những người dân thường tôi rất vui mừng nhận thấy không ai muốn chiến tranh Việt- Trung xảy ra một lần nữa.
Nó cũng đã giải tỏa cho tôi nhiều băn khoăn trong suốt mấy chục năm và có thêm tin tưởng, như vậy nhân dân ở đâu cũng mong muốn hòa bình, họ cần phải được hiểu nhau, không cái gì làm tốt hơn điều đó là truyền thông lương thiện, trung thực.
Cựu chiến binh Ngô Nhật Đăng nhập ngũ và là quân nhân Quân đội Nhân dân Việt Nam từ tháng 5/1978 đến cuối năm 1982, ông tham gia ‘Cuộc chiến 79’ hay Cuộc chiến Biên giới ở mặt trận tỉnh Cao Bằng, khi đó ông thực hiện nhiệm vụ trinh sát tiểu đoàn “luồn sâu phá hoại” chuyên hoạt động sau lưng địch.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47192473
Dự thảo luật công chức sửa đổi
mở đường “hạ cánh an toàn”?
Trung Khang, RFA
Bộ Nội Vụ vừa trình chính phủ dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật cán bộ, công chức, trong đó có quy định chỉ xử lý cán bộ nghỉ hưu cấp thứ trưởng trở lên gây nhiều tranh cãi. Nếu được thông qua, liệu các quan chức có chức vụ từ tổng cục trưởng trở xuống có thể yên tâm “hạ cánh an toàn”?
Cụ thể Bộ Nội Vụ đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 và khoản 3 điều 82 trong luật công chức hiện hành, về quy định kỷ luật cán bộ, công chức, theo đó cán bộ, công chức khi đã nghỉ hưu thì vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy tố theo quy định.
Ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hoá, đưa ra nhận định liên quan dự thảo luật này:
Bộ Nội Vụ mới trình dự thảo như vậy theo tôi chỉ là ý kiến chủ quan của Bộ Nội Vụ thôi. Tôi thấy rằng cái vấn đề đó chưa thật sự bình đẳng, bởi vì nếu nói về quyền lợi và trách nhiệm thì nó phải áp dụng cho tất cả mọi người, từ cán bộ nhân viên đến cán bộ lãnh đạo.
-Lê Văn Cuông
“Bộ Nội Vụ mới trình dự thảo như vậy theo tôi chỉ là ý kiến chủ quan của Bộ Nội Vụ thôi. Tôi thấy rằng cái vấn đề đó chưa thật sự bình đẳng, bởi vì nếu nói về quyền lợi và trách nhiệm thì nó phải áp dụng cho tất cả mọi người, từ cán bộ nhân viên đến cán bộ lãnh đạo. Chứ không phải từ thứ trưởng trở lên mới xử lý, còn ở dưới thì cho qua, như thế là không thích hợp lắm. Theo quan điểm cá nhân tôi, tất cả cán bộ công chức thuộc đối tượng về hưu nếu vi phạm đều phải xử lý như nhau, bình đẳng như nhau, chứ không phân biệt như dự thảo luật công chức đó.”
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành, có tội thì phải chịu tội, vi phạm thì phải bị xử lý, đó là điều đương nhiên, ai cũng tán thành. Tuy nhiên trong văn bản soạn thảo dự án luật công chức sửa đổi trình chính phủ lại có hai phương án riêng biệt. Một là xử lý đối với tất cả cán bộ, công chức đã về hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác, khi phát hiện sai phạm. Hai là chỉ quy định xử lý đối với những người có vi phạm khi chưa về hưu từ cấp thứ trưởng và tương đương trở lên ở trung ương.
Như vậy, nếu chính phủ chọn phương án thứ hai thì từ cấp cục trưởng, tổng cục trưởng trở xuống có thể yên tâm “hạ cánh an toàn”?
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11 tháng 2 năm 2019, một công chức, hiện đang làm việc trong ngành giáo dục, từng nhiều lần lên tiếng tố cáo tham nhũng, là thầy Đỗ Việt Khoa, cho rằng:
“Pháp luật là phải công minh, đã mang tội là phải xử dù nghỉ hưu hay chưa nghỉ hưu, dù là quan chức, tại sao lại phân biệt từ thứ trưởng trở lên với lại dưới thứ trưởng trở xuống như vậy là điều bất hợp lý. Tôi cho rằng nếu đưa vụ việc này ra dư luận thì mọi người dân Việt Nam đều không đồng tình. Hiện nay tình trạng tham nhũng ở Việt Nam hết sức nghiêm trọng, diễn ra ở mọi cấp mọi ngành, khi đưa ra xử lý thì hầu hết họ được bao che nâng đỡ. ”
Luật sư Võ An Đôn cũng khẳng định:
“Luật pháp Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, mọi người đều như nhau, không phân biệt, quyền lơi đều như nhau, nghĩa vụ đều như nhau.”
Còn Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hội Việt Nam, thì tỏ vẻ nghi ngờ về dự thảo luật công chức sửa đổi này:
“Chắc là có những điều luật quy định như thế nào, chứ điều đó là không đúng về nguyên tắc, mọi người, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.”
Theo dự thảo luật cán bộ, công chức mới đưa ra, Bộ Nội Vụ cũng bổ sung khoản 5 vào điều 78 của luật cán bộ, công chức hiện hành. Cụ thể nếu cán bộ sau khi nghỉ việc hoặc nghỉ hưu mới phát hiện có vi phạm và đã bị xử lý kỷ luật về Đảng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải chịu 1 trong 3 hình thức kỷ luật sau: khiển trách, cảnh cáo hoặc xóa tư cách, chức vụ đã đảm nhiệm.
Điều khoản này trước đây từng được bộ trưởng Bộ Nội Vụ, ông Lê Vĩnh Tân, khi trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội nhìn nhận việc kỷ luật hành chính đối với ông cựu bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng là vấn đề khó vì chưa có tiền lệ.
Xin được nhắc lại, cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, đã bị cách chức bí thư Ban cán sự đảng giai đoạn 2011-2016 do có những sai phạm bổ nhiệm trong thời gian giữ chức vụ này. Và bị tước tư cách quyền bộ trưởng.
Ông Lê Vĩnh Tân khi đó có nói, phải tạo cơ sở hành lang pháp lý để đảm bảo xử lý nghiêm cán bộ công chức, kể cả người đã nghỉ hưu có sai phạm trong lúc còn đương chức. Ông bộ trưởng nội vụ Lê Vĩnh Tân dùng từ ‘không thể có chuyện hạ cánh an toàn’ được cho để thể hiện quyết tâm chính trị và cảnh báo những quan chức đương thời. Tuy nhiên trong dự thảo đưa ra lần này Bộ Nội Vụ lại tạo điều kiện cho các quan chức cấp thấp hơn hạ cánh an toàn.
Dự thảo luật này cũng cho rằng luật cán bộ công chức hiện hành quy định thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện là quá ngắn, dẫn đến một số trường hợp khi xét kỷ luật theo quy định của luật thì đã hết thời hiệu, Bộ Nội Vụ đề nghị sửa đổi theo hướng tăng lên 60 tháng.
Thực tế với cương vị một người dân, chúng tôi cho rằng, đối tượng vi phạm có nghỉ hưu, có thôi chức, hoặc sự việc đã xảy ra trước đó dù 24 tháng hay 24 năm, thì chúng tôi vẫn mong muốn sai phạm bị xử lý.
-Đỗ Việt Khoa
Điều này cũng gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên ông Lê Văn Cuông thì lại đồng tình:
“Thời gian 24 tháng theo tôi là hơi ngắn, nên là 5 năm, vì 2 năm thì có thể chưa phát hiện ra, nếu phát hiện ra lại quá thời hạn xử lý thì cũng không thỏa đáng. Nên quan điểm của tôi là nên cho thời hạn là 5 năm, nếu có vi phạm phát hiện ra thì xử lý.”
Còn theo thầy Đỗ Việt Khoa, 5 năm thì vẫn không thích hợp:
“Thực tế với cương vị một người dân, chúng tôi cho rằng, đối tượng vi phạm có nghỉ hưu, có thôi chức, hoặc sự việc đã xảy ra trước đó dù 24 tháng hay 24 năm, thì chúng tôi vẫn mong muốn sai phạm bị xử lý. Không thể có chuyện ‘để lâu cứt trâu hóa bùn’ theo kiểu mấy chục tháng sau thì tha tội, chúng tham nhũng hàng ngàn tỷ đồng, tội đó phải tử hình, chứ không phải tham tội bằng những văn bản vớ vẩn như thế này. Mong rằng tất cả các phương tiện đại chúng, dư luận xã hội cùng lên tiếng phản đối những kẻ nào đã soạn thảo một cái dự luật như thế.”
Sự việc này được thầy Đỗ Việt Khoa so sánh với việc từng xảy ra ở Sài Gòn, nhằm bao che nhau để đi ngược quyền lợi của nhân dân đất nước. Khi đó có một chỉ thị được đưa ra là công an không được điều tra đảng viên. Thầy Khoa cho rằng, chỉ thị này đưa ra nằm trong quy định ngầm, có tính chất luật rừng, luật riêng của đảng, đi ngược với quyền lợi, lợi ích của nhân dân, đi ngược với quyền lợi của đất nước.
Còn ông Lê Văn Cuông thì cho rằng, dù sao đây cũng chỉ là dự thảo, còn lấy ý kiến rộng rãi. Vì theo ông, trong tinh thần chống tham nhũng là không trừ một ai, bất kể người đó chức vụ gì, nếu vi phạm đều bị xử lý. Chứ không phải trên nặng dưới nhẹ, mà phải bình đẳng trước pháp luật.
Ân xá Quốc tế: Tuyển thí sinh sư phạm
cao trên 1m50 là “việc làm vô cùng phản giáo dục”!
“Việc loại bỏ thí sinh dựa trên hình thể chứ không phải trí tuệ, là việc làm vô cùng phản giáo dục, trớ trêu thay đây lại là quy định nhắm tới các đối tượng muốn trở thành giáo viên,” đại diện tổ chức Ân xá Quốc tế nói trong thông cáo gửi Đài Á Châu Tự Do.
Hôm 12/2/2019, mạng báo Thanh Niên dẫn thông tin từ Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết trường này đã có quy định điều kiện xét tuyển tối thiểu về chiều cao với các ngành đào tạo giáo viên trong năm 2019.
Theo đó, nam phải cao từ 1,55 m trở lên và nữ cao từ 1,5 m trở lên.
Riêng ngành giáo dục thể chất, nam phải cao từ 1,65 m và nặng 50 kg trở lên, nữ phải đạt tối thiểu 1,55 m chiều cao và nặng 45 kg trở lên.
Thông tin này lập tức vấp phải phản ứng của dư luận vì cho rằng quy định của trường này phân biệt đối xử và vi phạm quyền con người.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, người phụ trách vận động chiến dịch cho Ân xá Quốc tế ở 2 nước Campuchia và Việt Nam thì “không chỉ học sinh ở TPHCM bị ảnh hưởng bởi quyết định này, mà toàn bộ thí sinh ở miền nam đều sẽ chịu ảnh hưởng, bởi ai cũng biết rằng học sinh ở các tỉnh lân cận, thậm chí cả ở miền Trung đều muốn thi đậu vào trường sư phạm TPHCM một khi muốn theo đuổi nghề giáo.”
Ông Sơn cho biết thêm:
“Việc nhắm đến khác biệt về mặt hình thể (thấp dưới 1m50) và loại bỏ quyền được học hành của họ, là hành vi vi phạm nhân quyền kép, thứ nhất nó mang tính phân biệt đối xử và thứ hai nó tước đoạt quyền tiếp cận dịch vụ công (giáo dục đại học) của những bạn có chiều cao không đủ 1m50”.
Theo tổ chức phi chính phủ quốc tế có mục đích bảo vệ tất cả quyền con người này thì các thí sinh bị ảnh hưởng bởi quy định của trường “đào tạo thầy, cô giáo” ở TPHCM có “quyền khiếu nại, thậm chí kiện trường đại học sư phạm TPHCM bởi đây là một quy định vi phạm pháp luật”.
“Tôi cho rằng bộ giáo dục và đào tạo cần phải can thiệp và loại bỏ quy định này ngay lập tức. Và người ban hành quy định này phải chịu trách nhiệm,” ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Hồi tháng 7/2018, mạng báo Công an TPHCM dẫn thông tin từ Trung Quốc cho hay, một nữ nữ sinh viên tiếng Anh năm cuối của trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây đã được thông báo không được cấp bằng chỉ vì thiếu… chiều cao.
Theo thông tin này, không chỉ riêng tỉnh Thiểm Tây mà còn nhiều tỉnh khác ở Trung Quốc, nam giới phải cao hơn 1m55 và nữ giới trên 1m50 mới được cấp bằng sư phạm.
2019: Việt Nam sẽ đưa 120.000 lao động
đi làm việc ở nước ngoài
Năm 2019, Việt Nam đặt mục tiêu đưa 120.000 người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhắm vào các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Romania và Bulgaria.
Trang tin Novinite hôm 12/2 dẫn thông tin vừa nói từ TTXVN.
Theo lời của ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước thuộc Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, nhiều nước Đông Âu quan tâm đến lao động Việt Nam. Cùng với các thị trường truyền thống, hàng trăm ngàn việc làm có sẵn cho người Việt Nam ở Châu Âu nhờ các thỏa thuận hợp tác lao động được ký kết vào cuối năm 2018.
Cũng theo ông Liêm, Bulgaria cần 50.000 công nhân Việt Nam trong ngành xây dựng, quần áo và dệt may, nông nghiệp công nghệ cao và dịch vụ y tế.
Số lượng lao động Việt Nam ở nước ngoài đã tăng lên tới 142.860 trong năm 2018, cao hơn khoảng 30% so với mục tiêu hàng năm. Theo dữ liệu từ Cục quản lý lao động ngoài nước, năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp khi số lượng lao động Việt Nam gửi ra nước ngoài vượt hơn100.000 người.
Nhật Bản vẫn là thị trường lao động nước ngoài lớn nhất đối với người Việt Nam với 68.737 lao động, tiếp theo là Đài Loan 60.369 lao động và Hàn Quốc là 6.538 lao động.
Một trong những động lực chính giúp Việt Nam phát triển như một trong những nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới là sự phát triển của ngành sản xuất. Hiện ngành này đóng góp vào GDP của Việt Nam rất lớn, ngoài ra lĩnh vực này tiếp tục đạt mức tăng trưởng đáng kể khi Việt Nam giữ vững vị thế là một trung tâm sản xuất chi phí thấp trên toàn cầu.