Tin khắp nơi – 11/02/2019
Ngoại trưởng Mike Pompeo sẽ công du
đến Trung Âu để tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ
Badapest, Hungary – Hãng tin Reuters dẫn lời các viên chức chính quyền Hoa Kỳ cho biết, thông qua chuyến công du của Ngoại trưởng Mike Pompeo đến Hungary, Slovakia và Poland trong tuần này, ông Pompeo muốn bù đắp sự thiếu cam kết của Hoa Kỳ tại các nước này. Theo ông Pompeo, chính sự thiếu cam kết này đã mở cửa cho ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga và Trung Cộng tại khu vực Trung Âu.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ sẽ đến thủ đô Budapest của Hungary vào thứ Hai (11 tháng 2), sau đó là thủ đô Bratislava của Slovakia vào ngày hôm sau. Chuyến công du còn bao gồm một hội nghị về Trung Đông, nơi Washington hy vọng sẽ xây dựng một liên minh chống lại Iran.
Reuters dẫn lời một viên chức giấu tên cho biết, chuyến thăm lần này của Ngoại Trưởng và nỗ lực ngoại giao của Hoa Kỳ nhắm đến việc cạnh tranh ảnh hưởng tích cực của nước này và mang lại cho các đồng minh trong khu vực một dấu hiệu cho thấy sự hỗ trợ và lợi ích của Hoa Kỳ, khẳng định họ là một lựa chọn thay thế cho Trung Cộng và Nga. Washington lo ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Cộng, đặc biệt là việc mở rộng Huawei Technologies, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, tại Hung Gia Lợi và Ba Lan. Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây tin rằng thiết bị của Huawei có thể được sử dụng cho hoạt động gián điệp và xem việc mở rộng của công ty là nỗ lực của Trung Cộng tìm chỗ đứng trên thị trường của Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, Huawei khẳng định không thực hiện tình báo cho bất kỳ chính phủ nào.
Trong chuyến công du lần này, ông Pompeo cũng sẽ bày tỏ sự lo lắng về mối quan hệ năng lượng với Moscow và kêu gọi Hung Gia Lợi không hỗ trợ đường ống TurkStream, tuyến đường vận chuyển chính của khí đốt Nga đến châu Âu.
Ông Daniel Fried, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Ba Lan cho biết, sự hiện diện của Hoa Kỳ với khu vực đã giảm sau khi EU và NATO mở rộng sang trung tâm châu Âu, và khi Hoa Kỳ chuyển trục sang châu Á và Trung Đông. (Mộc Miên)
Mỹ có thể rút quân khỏi Syria ‘trong vài tuần tới’
Tổng thống Donald Trump có thể ra lệnh cho Hoa Kỳ bắt đầu rút quân khỏi Syria “trong vài tuần tới”, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Trung Đông cho biết hôm 10/2.
Theo Reuters, tướng Joseph Votel, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ, cảnh báo rằng thời điểm chính xác sẽ tùy thuộc vào tình hình ở Syria, nơi binh sĩ do Mỹ hậu thuẫn mở cuộc tấn công cuối cùng nhắm vào cứ địa của Nhà nước Hồi giáo nằm gần biên giới Iraq.
Ông Trump ra lệnh rút quân Mỹ ra khỏi Syria
Không kích Syria: Mỹ vẫn ‘lên nòng’
Nga cảnh báo ‘chiến tranh’ với Mỹ ở Syria
Trump cho phép 6.900 người Syria ở lại Mỹ
Quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu rút thiết bị khỏi Syria.
Khi được hỏi chi tiết về việc lúc nào Mỹ sẽ rút hơn 2.000 quân lính, tướng Votel cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đi đúng hướng cho mục tiêu của mình.”
“Chuyển quân thì dễ hơn chuyển thiết bị vì vậy những gì chúng tôi đang cố gắng làm ngay bây giờ là dọn dẹp những thiết bị mà chúng tôi không cần đến.”
Thông báo bất ngờ của ông Trump vào tháng 12/2018 về chuyện rút quân Mỹ khỏi Syria dẫn đến việc Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis từ chức, và các giới chức quân đội Hoa Kỳ tranh giành hoạch định kế hoạch rút quân tối ưu nhất.
Hàng trăm binh sĩ bổ sung được gửi tới Syria để chuẩn bị cho việc rút quân.
Giới chức Hoa Kỳ từ lâu đã ước tính rằng việc rút quân hoàn toàn khỏi Syria có thể diễn ra vào khoảng tháng 3 hoặc tháng 4/2019, nhưng miễn cưỡng đưa ra một mốc thời gian chính xác vì điều kiện chiến trường khó dự đoán.
Tướng Votel không nêu suy đoán về thời điểm hoàn thành việc rút quân.
Một câu hỏi lớn là liệu một phần binh sĩ Hoa Kỳ ở Syria có thể được chuyển sang nước láng giềng Iraq, nơi đang có hơn 5.000 quân Mỹ giúp Baghdad chống Nhà nước Hồi giáo và ngăn nhóm này trỗi dậy.
Tướng Votel cho biết ông không tin rằng Hoa Kỳ sẽ tăng mạnh số lượng quân ở Iraq. Ông bỏ ngỏ khả năng Mỹ thay đổi thành phần lực lượng duy trì áp lực đối với Nhà nước Hồi giáo.
Hồi cuối tháng 12/2018, chính quyền Trump nói rằng quân đội Mỹ đang rút khỏi Syria, sau khi tổng thống tuyên bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị “đánh bại”.
Lầu Năm Góc cho biết họ đang chuyển sang “giai đoạn tiếp theo của chiến dịch” nhưng không cho biết chi tiết.
Khoảng 2.000 binh sĩ đã giúp phần lớn miền đông bắc Syria chống IS.
Có suy đoán cho rằng giới chức quốc phòng muốn duy trì sự hiện diện của Mỹ để đảm bảo IS không trở lại.
Cũng có những lo ngại về việc quân Mỹ rút đi sẽ khiến Nga và Iran giành ảnh hưởng ở Syria và khu vực rộng hơn.
Thông cáo của cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều cho biết Mỹ bắt đầu “đưa quân đội Hoa Kỳ trở về nhà khi chuyển sang giai đoạn tiếp theo của chiến dịch”.
Lầu Năm Góc cho biết họ không cung cấp thêm thông tin “vì lý do bảo vệ lực lượng và bảo mật hoạt động”.
Nhà Trắng cho biết Mỹ và các đồng minh “sẵn sàng tham gia tất cả các cấp để bảo vệ lợi ích của Mỹ bất cứ khi nào cần thiết và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác để tấn công cứ địa của bọn khủng bố Hồi giáo cực đoan, cắt đứt các đường viện trợ và hậu thuẫn cho bọn chúng.”
Tổng thống Trump cho biết đã đến lúc đưa quân đội Mỹ về nước sau “những chiến thắng lịch sử”.
Truyền thông Việt Nam ‘bênh’ Nga và Syria?
Tên lửa bắn vào Syria và các con số trái ngược
Phản ứng quốc tế
Israel cho biết họ được nói rằng Hoa Kỳ có “những cách khác để có ảnh hưởng trong khu vực” nhưng sẽ “nghiên cứu tiến độ [rút quân], cách thức thực hiện”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trên kênh Channel One do nhà nước kiểm soát rằng quyết định của Hoa Kỳ có thể dẫn đến “triển vọng thực sự cho một sự ổn định chính trị” ở Syria.
Việc Mỹ rút quân khỏi Syria đã được Tổng thống Trump hứa hẹn từ lâu.
Nhưng thông báo này có thể khiến một số quan chức Mỹ bất ngờ.
Tuần trước, Brett McGurk, đặc phái viên Mỹ trong liên minh chống IS, nói với các phóng viên: “Không ai nói rằng [các chiến binh IS] sẽ biến mất. Không ai ngây thơ như vậy. Vì vậy, chúng tôi muốn ở lại và đảm bảo rằng sự ổn định có thể được duy trì ở những khu vực này. “
Bộ ngoại giao Mỹ đột ngột hủy cuộc họp giao ban hôm 19/12 sau khi việc rút quân được công bố.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47194816
Thượng đỉnh Trump-Kim:
Xóa bỏ cơ sở hạt nhân Yongbyon để có hiệp định hòa bình?
Khác với thượng đỉnh Singapore tháng 6/2018, lần này trong hai ngày họp 27 à 28/02/2019 tại Hà Nội, mọi người chờ đợi tổng thống Mỹ và lãnh đạo Bắc Triều Tiên sẽ phải đi sâu vào chi tiết về tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đôi bên nhượng bộ những gì và nhượng bộ đến đâu mới vừa lòng đối phương ? Theo giới quan sát, có nhiều khả năng Bình Nhưỡng giải thể cơ sở hạt nhân Yongbyon để đòi Washington xóa bỏ cấm vận kinh tế.
Chuyến công tác của đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên, Stephen Biegun trong tuần qua tại Seoul và Bình Nhưỡng, cũng như các cuộc họp được dự trù mở ra vào tuần tới, sát nút thượng đỉnh Hà Nội, đang làm dấy lên hy vọng đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và cả khu vực Đông Bắc Á.
Đến nay, Bình Nhưỡng đòi Washington bãi bỏ lệnh cấm vận. Còn về phía Hoa Kỳ thì chính quyền Trump đòi Kim Jong Un phải đi một bước trước, tức là từ bỏ tham vọng hạt nhân một cách “hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược”. Câu hỏi đặt ra là để đạt đến đích, mỗi bên sẵn sàng đánh đổi những gì ?
Bình Nhưỡng hy sinh cơ sở Yongbyon
Trước hết về phía Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã nhiều lần đánh tiếng sẽ hy sinh cơ sở hạt nhân Yongbyon, cách thủ đô Bắc Triều Tiên khoảng 100 cây số về phía bắc. Đây là nơi sản xuất uranium và plutonium, hai vật liệu chính để chế tạo bom nguyên tử.
Tháng 9/2018 sau thượng đỉnh lần thứ ba với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, chính tổng thống Hàn Quốc Moon Jae in đã cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng đóng cửa nhà máy Yongbyon nếu như Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp “tương ứng”. Seoul đã nhiều lần tán đồng giải pháp này. Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung Wha trong một lần trả lời báo Mỹ, Washington Post đầu tháng 10/2018 từng giải thích : “Nếu Bình Nhưỡng thực hiện điều này để đổi lấy các biện pháp tương ứng từ phía Washington, như là tuyên bố kết thúc chiến tranh chẳng hạn thì đó sẽ là một bước tiến rất lớn” trong tiến trình giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên. Bản thân Hoa Kỳ cũng đã trực tiếp xác nhận tin Kim Jong Un cam kết giải thể cơ sở Yongbyon.
Dù vậy một số tiếng nói còn thận trọng trước thiện chí của Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên không tập trung hết ở Yongbyon. Đây cũng không phải là nơi duy nhất sản xuất uranium và plutonium phục vụ mục tiêu quân sự.
Chuyên gia Hàn Quốc, Nam Sung Wook, nguyên chủ tịch Viện An Ninh và Chiến Lược Quốc Gia Hàn Quốc xem cam kết giải thể cơ sở Yongbyon là một bước nhượng bộ “nửa vời” và lo ngại Bình Nhưỡng sẽ kéo dài thời gian để đòi đối phương nhượng bộ nhiều hơn nữa.
Còn phía Mỹ ?
Nhiều nhà quan sát cho rằng, để Kim Jong Un chấp nhận xóa sổ cơ sở hạt nhân Yongbyon, Donald Trump cũng phải có những bước “nhượng bộ thỏa đáng”. Đấy có thể là hiệp ước kết thúc chiến tranh Triều Tiên, quyết định mở văn phòng đại diện tại Bình Nhưỡng, dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế.
Cuối tháng Giêng, đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên Stephen Biegun từng tuyên bố “tổng thống Trump sẵn sàng khép lại chiến tranh Triều Tiên”. Nhưng trên thực tế, con đường dẫn tới một hiệp định hòa bình thực sự còn nhiều chông gai.
Bởi với hiệp định hòa bình đó, Washington sẽ phải xét lại toàn bộ chiến lược của Hoa Kỳ trong vùng châu Á-Thái Bình Dương, mà đầu tiên hết là sự hiện diện của hơn 28.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc. Không chỉ có Bắc Triều Tiên mà cả Trung Quốc cũng đang nóng lòng muốn chấm dứt sự hiện diện của quân đội Mỹ ngay sát cạnh.
Trong bối cảnh đó, giải thể cơ sở hạt nhân Yongbyon là một bước nhượng bộ “chưa tương xứng”. Ngoài kho vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ còn tập trung vào tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên, có thể mang đầu đạn hạt nhân bắn tới lãnh thổ Mỹ. Thế nhưng, liệu rằng đôi bên có đặt lên bàn cân các loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Bình Nhưỡng hay không ? Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Hoa Kỳ tại châu Á, nằm trong tầm bắn của hai loại tên lửa này, đang hồi hộp trước những tính toán của Donald Trump và Kim Jong Un.
Đấy là một loạt những khó khăn mà các chuyên gia cho rằng, cả phía Mỹ lẫn Bắc Triều Tiên khó có thể đưa ra những giải đáp thỏa đáng để làm vừa lòng đối phương. Do vậy khả năng một hiệp đình hòa bình được ra đời tại Việt Nam lần này “rất thấp”.
Trả lời hảng tin Pháp AFP, chuyên gia Kim Dong Yub, thuộc Viện Nghiên Cứu Viễn Đông của Hàn Quốc cho rằng, đôi bên phải mất “ít nhất ba năm” mới có thể tiến tới một hiệp định hòa bình. Dù vậy chuyên gia này kỳ vọng thượng đỉnh Hà Nội sẽ đặt nền tảng cho công trình dài hơi đó.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190211-trump-kim-binh-nhuong-giai-the-nha-may-hat-nhan-yongbyon
Thương mại : Mỹ-Trung Quốc
nối lại đàm phán tại Bắc Kinh
Hai tuần trước thời hạn Hoa Kỳ ấn định ban hành một loạt các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào hàng Trung Quốc, phái đoàn Mỹ và Trung Quốc ở cấp chuyên gia gặp lại nhau tại Bắc Kinh hôm 11/02/2019. Cuộc họp lần này nhằm chuẩn bị cho hai ngày đàm phán dự trù diễn ra ngày 14 và 15/02/2019 ở cấp cao hơn.
Theo thông cáo của Nhà Trắng, phó đại diện Thương Mại Jeffrey Gerrish dẫn đầu phái đoàn Mỹ gồm đại diện của các ngành nông nghiệp và năng lượng. Cả phía Mỹ và Trung Quốc cùng không cho biết thông tin về địa điểm và nội dung buổi làm việc trong ngày.
Tháng 01/2019, phó thủ tướng Lưu Hạc đã dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc đến Washington công tác và đã được tổng thống Trump tiếp tại Nhà Trắng. Sau khi lạc quan thông báo có “tiến triển” trên hồ sơ thương mại, và thậm chí lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau trong “một tương lai không xa”, tổng thống Hoa Kỳ đã thận trọng hơn khi cho rằng đôi bên còn “rất nhiều việc phải làm” để san bằng những bất đồng. Donald Trump cho biết không dự trù gặp lại chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước thời hạn ngày 01/03/2019.
Trong cuộc thảo luận đầu tháng 12/2018 tại Achentina, bên lề thượng đỉnh G20, lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý gia hạn đàm phán cho tới ngày 01/03/2019. Washington báo trước, nếu thất bại, Mỹ sẽ áp thuế từ 10 đến 25% vào 200 tỷ đô la hàng của Trung Quốc bán sang Hoa Kỳ.
AFP nhắc lại khúc mắc lớn nhất trong cuộc đọ sức thương mại Mỹ – Trung liên quan đến vấn đề chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và đòi hỏi Bắc Kinh mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp ngoại quốc. Vào giữa tuần này, đến lượt đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer và bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin sẽ cùng với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc Dịch Cương gặp lại nhau để tiếp tục tháo gỡ bế tắc.
PUBLICITÉ
Xung đột mậu dịch Mỹ – Trung kéo dài khiến Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế lo ngại. Giám đốc IMF coi căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là một trong bốn mối đe dọa đối với tăng trưởng toàn cầu.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20190211-thuong-mai-my-trung-quoc-noi-lai-dam-phan-tai-bac-kinh
Mỹ: Đàm phán mở cửa chính phủ bị đình trệ
Đối thoại tại quốc hội Mỹ về thỏa thuận an ninh biên giới đã bế tắc, tạo ra lo ngại chính phủ Mỹ có thể đóng cửa lần nữa.
Các nhà đàm phán hy vọng sẽ có được một thỏa thuận vào thứ Hai để Quốc hội có đủ thời gian thông qua luật vào thứ Sáu, trước bối cảnh đàm phán tài trợ liên bang tháng trước sắp hết hạn.
Lý do chính của sự bất đồng tập trung vào việc Tổng thống Trump khăng khăng đòi là dự luật phải có khoản tài trợ cho bức tường biên giới Mỹ-Mexico.
Việc đóng cửa chính phủ trước đó, kéo dài 35 ngày, là thời gian dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Mỹ: 7 điều nên biết về bức tường của Trump qua biểu đồ
Đóng cửa chính phủ: 13 ảnh hưởng tiêu cực
Sự bế tắc mới nhất xẩy ra vì đảng Dân chủ muốn các quan chức của Cơ quan Di trú và Hải quan (ICE) tập trung vào việc giam giữ người nhập cư có hồ sơ tội phạm thay vì những người có Visa đã hết hạn, bằng cách giới hạn số giường mà trung tâm giam này có, theo New York Times.
Đảng Dân chủ muốn giới hạn số lượng giường ở mức 16.500. Con số này tương đương số người bị giam giữ trong những năm cuối của Tổng thống Obama tại Nhà Trắng, Washington Post cho biết.
Giới đàm phán cũng cứu xét việc sẽ tài trợ khoảng 1,3 đến 2 tỷ đôla cho bức tường biên giới mà ông Trump đề xuất, một khác biệt lớn so với con số 5,7 tỷ đôla mà tổng thống yêu cầu, báo cáo cho biết.
Hôm Chủ nhật, Thượng nghị sĩ Richard Shelby, người đàm phán chính của đảng Cộng hòa, nói với Fox News rằng ông “không tự tin là chúng tôi sẽ đạt được con số đó”.
“Tôi nghĩ xác suất chúng tôi đạt được thỏa thuận là 50%”, ông nói và thêm: “Bóng ma của việc đóng cửa chính phủ luôn vất vưởng.”
Tuy nhiên, một trong những nhà đàm phán của đảng Dân chủ, Jon Tester, cho biết ông vẫn hy vọng có thể đạt được thỏa thuận kịp thời để tránh một lần đóng cửa chính phủ mới.
“Đó là một cuộc đàm phán. Các cuộc đàm phán hiếm khi diễn ra suôn sẻ từ đầu đến cuối, “ông nói với Fox News hôm Chủ nhật.
Vào ngày 25 tháng 1, Tổng thống Trump đồng ý với ngân sách chi tiêu trong ba tuần để tạm chấm dứt việc chính phủ đóng cửa và cho phép Quốc hội có thời gian đàm phán.
Tuy nhiên, sau đó ông cho rằng các cuộc đàm phán “phí thời gian”.
Ông Trump từng đưa việc ngăn chặn dòng người nhập cư vào Mỹ không có giấy tờ trở thành trọng tâm chiến dịch tranh cử năm 2016 – cũnh như một ưu tiên sau khi nhậm chức.
Chính quyền của ông truy lùng người di dân sống bất hợp pháp tại Mỹ bằng cách ráo riết ra lệnh trục xuất.
Tổng thống đã rút lại lời kêu gọi bắt Mexico trả tiền cho một bức tường bê tông dọc biên giới. Nhưng trong bài phát biểu Liên bang hôm thứ Ba, ông nhấn mạnh vào một “hàng rào thép thông minh, chiến lược, xuyên suốt”.
Đóng cửa chính phủ một lần nữa có thể lại khiến các cơ quan liên bang bao gồm Bộ An ninh, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Thương mại mất ngân sách và sẽ không làm việc được.
Đóng cửa chính phủ sẽ ảnh hưởng khoảng 800.000 nhân viên liên bang, những người sẽ làm việc mà không được trả lương. Trong lần đóng cửa chính phủ trước, một số nhân viên tiếp tục làm việc không được trả lương nhưng nhiều người khác đã cáo ốm.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47194726
Thượng nghị sĩ Dân Chủ Amy Klobuchar
tuyên bố tranh cử tổng thống năm 2020
Washington, DC – Theo tin từ NPR, vào trưa Chủ Nhật (10 tháng 2), Thượng nghị sĩ Dân Chủ Amy Klobuchar thông báo bà sẽ tranh cử tổng thống trong một cuộc đua đông đúc, cùng nhiều ứng cử viên muốn đánh bại Tổng thống Donald Trump.
Bà Klobuchar là thượng nghị sĩ Dân Chủ thứ 5 tuyên bố tranh cử, cộng với nhiều nghị sĩ đang xem xét tranh cử; vì vậy, cuộc bầu cử sơ bộ có thể có đến 11 ứng cử viên.
Bà Klobuchar tự đánh giá bản thân là người thực tế, một người thuộc tiểu bang Trung Tây chuyên giải quyết vấn đề tập trung vào kết quả, thay vì lý tưởng. Nữ thượng nghị sĩ 58 tuổi này được bầu vào Thượng viện vào năm 2006 và tái đắc cử hai lần sau đó. Trước khi vào Quốc hội, bà từng là biện lý quận Hennepin suốt 8 năm. Tại Thượng viện, bà luôn ủng hộ các vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, cùng các quy định khắt khe về sự riêng tư cá nhân trực tuyến, và thúc đẩy hạ giá thành thuốc kê toa.
Bà Klobuchar không có quan điểm cấp tiến so với các ứng cử viên Dân Chủ khác. Theo đó, bà chưa lên tiếng ủng hộ kế hoạch Medicare for All (y tế cho đại chúng), dù bà từng nói kế hoạch này nên được xem xét; ngoài ra, bà Klobuchar cũng chưa kêu gọi thực hiện các ý tưởng của phe cánh tả, như bãi bỏ cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan ICE. Tại Điện Capitol, bà Klobuchar được đánh giá là người nghiêng về chủ nghĩa thực dụng, bà cũng nhận được phiếu bầu ở mức tầm trung trong đảng Dân Chủ.
Trong bài phát biểu, bà Klobuchar kêu gọi củng cố quyền bầu cử, đấu tranh chống biến đối khí hậu, giảm chênh lệch tiền lương, và giảm chi phí chăm sóc y tế. So với các thượng nghị sĩ khác, bà Klobuchar chưa nhờ đến truyền thông, bà cũng không xuất hiện nhiều trên mạng xã hội hay các sự kiện gây quỹ.
Vào tuần trước, một số lời cáo buộc ẩn danh cho rằng bà Klobuchar hành hạ nhân viên. Trả lời các phóng viên sau khi đưa ra tuyên bố, bà Klobuchar không phủ nhận điều này, bà cho biết bà đặt ra kỳ vọng cao với nhân viên, và cả Hoa Kỳ. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/thuong-nghi-si-dan-chu-amy-klobuchar-tuyen-bo-tranh-cu-tong-thong-nam-2020/
Luật sư của CEO tờ báo National Enquirer
phủ nhận hành vi tống tiền nhà sáng lập Amazon
Theo tin từ CNN, luật sư đại diện giám đốc điều hành David Pecker của công ty American Media Inc cho biết, ông Pecker không liên quan đến hành vi bóp méo thông tin, hay tống tiền nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos.
Luật sư Elkan Abramowitz cũng bác bỏ thông tin về “góc nhìn Saudi” (“Saudi angle”) do ông Bezos đề ra trong bài blog “No thank you, Mr. Pecker” vào hôm thứ Năm (7 tháng 2).
Trả lời trên chương trình “This Week” của đài ABC vào hôm Chủ Nhật, luật sư Abramowitz cho biết, người tiết lộ thông tin cho cuộc điều tra của tờ báo Enquirer về đời sống tình cảm của ông Bezos là một nguồn tin lâu năm của các tờ tạp chí lá cải. Ông cho hay ông Bezos và bạn gái Lauren Sanchez đều quen biết nguồn tin này, nên các thông tin được tiết lộ đều rất chính xác.
Một ngày sau khi vợ chồng ông Beros tuyên bố ly hôn, tờ báo Enquirer đã đăng bài viết chi tiết về ông Bezos và bà Sanchez. Sau đó, tờ báo Washington Post do ông Bezos sở hữu đã đăng bài báo với tiêu đề “Was tabloid exposé of Bezos affair just juicy gossip or a political hit job?” (tạm dịch: “Liệu việc tiết lộ chuyện ông Bezos ngoại tình chỉ là tin đồn giật gân hay cú tấn công chính trị?”).
Theo đài CNN, trong suốt nhiều năm qua, Tổng thống Trump thường xuyên chỉ trích ông Bezos, cùng tờ Washington Post và công ty Amazon. Tổng thống buộc tội Amazon lợi dụng Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ, và gọi tờ báo Washington Post là tổ chức vận động hành lang cho ông Bezos. Trong khi đó, Tổng thống lại rất thân thiết với tờ báo Enquirer và ông Pecker. Tuy nhiên, vào năm 2018, American Media, ông Pecker, và giám đốc nội dung Dylan Howard lại thỏa thuận với công tố viên liên bang. Theo đó, họ đồng ý hợp tác trong vụ trả tiền cho cựu người mẫu Playboy, khiến ông Michael Cohen và Tổng thống vướng vào nghi vấn vi phạm tài chính tranh cử. Vì thỏa thuận này mà ông Pecker và Howard được cho là đã phản bội Tổng thống. Cũng chính vì lý do này, khi Enquirer đăng tin về ông Bezos, có hai giả thuyết được đưa ra: Liệu Enquirer đăng tin về ông Bezos vì sự kịch tính, hay vì mục đích chính trị là làm hài lòng Tổng thống Trump. (Mộc Miên)
TT tự phong Guaido: Ngăn hàng cứu trợ
vào Venezuela là tội ác chống nhân loại
Theo dự báo, tuần lễ này sẽ là một tuần căng thẳng tại Venezuela. Tổng thống tự phong Juan Guaido, người được khoảng 50 nước công nhận, đã kêu gọi người dân tham gia một cuộc biểu tình lớn vào thứ Ba 12/02/2019. Tổng thống Nicolas Maduro sẽ chịu nhiều sức ép, đặc biệt là vì hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân vẫn đang bị chặn lại tại nước láng giềng Colombia, do quân đội Venezuela phong tỏa biên giới.
Từ Caracas, thông tín viên RFI Benjamin Delille cho biết chi tiết :
« Trước thềm một tuần lễ mang tính quyết định, hôm qua, lại một lần nữa, Guaido gây sức ép đối với quân đội. Theo ông, ngăn chặn hàng cứu trợ nhân đạo vào Venezuela là một tội ác chống nhân loại. Nhà đối lập Guaido khẳng định giới quân sự gần như đang biến thành những kẻ diệt chủng, thông qua hành động trấn áp các cuộc biểu tình và phong tỏa biên giới.
Từ thứ Ba tuần trước, cây cầu Tienditas nối Colombia và Venezuela đã bị chính quyền Caracas chặn lại. Nicolas Maduro cho rằng hàng cứu trợ nhân đạo đã được chuyển đến Cucuta chỉ là cái cớ cho sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Ông Maduro phủ nhận là đất nước đang trải qua khủng hoảng nhân đạo và kêu gọi Hoa Kỳ bãi bỏ các lệnh trừng phạt để kinh tế Venezuela thoát khỏi tình trạng đình trệ.
Hiện giờ người ta chưa biết hàng cứu trợ sẽ được đưa vào Venezuela như thế nào, nhưng chắc mọi việc sẽ được làm rõ trong tuần này.
PUBLICITÉ
Cuộc biểu tình hôm thứ Ba được dự báo đặc biệt sẽ có rất đông người tham gia ở San Antonio de Tachira, sát biên giới với Colombia. Người dân muốn gây sức ép tối đa với hàng trăm binh lính được điều tới khu vực này để tăng cường hoạt động ngăn chặn hàng cứu trợ.
Chắc chắn sẽ có thêm nhiều địa điểm gây căng thẳng trong tuần này : Juan Guaido đã thông báo sẽ có đợt hàng cứu trợ được chuyển đến Brazil và một đảo thuộc quần đảo Caribê trong những ngày sắp tới ».
Brexit: Quốc hội Anh sẽ ‘bỏ phiếu thêm’ về các sửa đổi
Các nghị sĩ Anh sẽ có thêm một cơ hội để bỏ phiếu về Brexit trong tháng này – ngay cả khi Thủ tướng Theresa May chưa thể đàm phán một thỏa thuận vào thời điểm đó.
Một bộ trưởng thuộc nội các, ông James Brokenshire, thừa nhận đây có thể không phải là cuộc bỏ phiếu quyết định cuối cùng đối với bản thỏa thuận Brexit của Thủ tướng mà đảng Lao động và một số nghị sỹ thuộc đảng Bảo thủ đang đòi hỏi.
Thủ tướng cần phải có một thỏa thuận được Nghị viện phê duyệt trước ngày 29/3/2019 để tránh Brexit không có thỏa thuận.
Anh quốc ‘bỏ lỡ’ sinh viên nước ngoài
Thủ tướng Anh dám để Brexit ‘rơi tự do’
Nếu cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa đã không xảy ra, vì vậy nói cách khác, mọi thứ chưa kết thúc, thì Quốc hội sẽ có cơ hội đó sớm hơn vào ngày 27/2Bộ trưởng James Brokenshire
Brexit: EU liệu có giúp đỡ sau thất bại của bà May?
100 ngày đến hạn Brexit: Anh ly hôn EU
Trong lúc đó, Đảng Lao động đã cáo buộc Thủ tướng đang ‘câu giờ’ khi sắp hết thời gian.
Thay vì cuộc bỏ phiếu “có ý nghĩa” về thỏa thuận của Thủ tướng với EU, các nghị sĩ có thể được trao một loạt vòng bỏ phiếu không ràng buộc khác về các lựa chọn thay thế Brexit diễn ra vào ngày 27/2, với phiếu bầu cuối cùng về việc có chấp thuận hay từ chối thỏa thuận mà bị trì hoãn cho đến tháng sau.
Vào thứ Tư, bà May sẽ yêu cầu các nghị sĩ cho thêm thời gian để có được những thay đổi ràng buộc về mặt pháp lý đối với nội dung đảm bảo cuối cùng trên đường biên giới giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, hay còn gọi là ‘backstop’ vốn gây tranh cãi, mà bà tin rằng sẽ đủ để đảm bảo đa số trong Nghị viện cho thỏa thuận của mình.
Nhưng ngày hôm sau, đảng Lao động sẽ cố gắng buộc chính phủ tổ chức vòng phiếu cuối cùng “có ý nghĩa” đối với thỏa thuận Brexit của bà May vào ngày 26/2.
‘Giả vờ có tiến bộ’
Cho đến nay, Bộ trưởng Brokenshire từ chối trả lời một cuộc phỏng vấn với chương trình truyền hình Andrew Marr Show của BBC, nói rằng có thể có nhiều vòng phiếu hơn về sửa đổi đối với thỏa thuận được đề xuất thay thế.
“Nếu cuộc bỏ phiếu có ý nghĩa đã không xảy ra, vì vậy nói cách khác, mọi thứ chưa kết thúc, thì Quốc hội sẽ có cơ hội đó sớm hơn vào ngày 27/2”, ông Brokenshire nói.
“Tôi nghĩ rằng điều đó mang lại cảm giác về thời gian biểu, tính rõ ràng và mục đích cho những gì chúng ta đang làm với EU – đẩy tới công việc đó và quyết tâm của chúng ta để có được một thỏa thuận – nhưng đồng thời cũng biết rằng vai trò đó của Quốc Hội là rất vững chắc.”
Ông cũng loại trừ việc loại bỏ sự ủng hộ đối với đảm bảo cuối cùng (backstop) trên đường biên giới Ireland ra khỏi thỏa thuận của chính phủ với EU, như một số nghị sĩ bảo thủ đang yêu cầu.
Chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra. Cần phải có một ngày khi Quốc hội nói đủ rồi, như thế đã quá đủÔng Keir Starmer, đảng Lao động
Ông nói rằng các bộ trưởng đang thăm dò một giới hạn thời gian đối với nội dung trên, hoặc một cơ chế pháp lý cho phép Vương quốc Anh thoát khỏi ‘backstop’ mà không có thỏa thuận của EU, nhưng ông khẳng định một số “chính sách bảo hiểm” là cần thiết để giữ cho biên giới Ireland tự do – thông thoáng.
Nhưng Bộ trưởng phụ trách Brexit của “chính phủ đối lập” của đảng Lao Động, Keir Starmer, nói rằng ông tin rằng thủ tướng đang “giả vờ tiến bộ” về vấn đề ‘backstop’ Ireland.
Ông nói rằng những gì bà May thực sự dự định làm là trở lại Nghị viện sau Hội nghị thượng đỉnh châu Âu ngày 21 tháng Ba vào tuần ngay trước Brexit và đề nghị các nghị sĩ Quốc hội đứng trước một thế “lựa chọn nhị phân” – tức là chấp nhận có thỏa thuận của bà hoặc không.
“Chúng tôi không thể cho phép điều đó xảy ra”, ông Keir nói với tờ Sunday Times.
“Cần phải có một ngày khi Quốc hội nói đủ rồi, như thế đã quá đủ.”
‘Hoàn toàn vô trách nhiệm’
Bản quyền hình ảnhREUTERSImage captionLập lại đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland được cho là một kịch bản nhạy cảm
Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Vince Cable nói rằng việc trì hoãn bỏ phiếu chung kết cho thỏa thuận Brexit là điều “tệ hơn cả vô trách nhiệm” và ông “sẽ không ngạc nhiên nếu [bà Theresa May] phải đối mặt với một cuộc nổi loạn lớn của các nghị sĩ đảng Bảo thủ”.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Sarah Wollaston, người cũng giống như ông Vince đã vận động cho một cuộc trưng cầu dân ý khác của EU, kêu gọi các bộ trưởng “nghiêm túc” về việc ngăn chặn việc không có thỏa thuận Brexit từ chức và bỏ phiếu chống lại chính phủ.
Nghị sĩ đảng Bảo thủ Heidi Allen cũng kêu gọi các bộ trưởng từ chức, nói rằng “Chính phủ hoàn toàn vô trách nhiệm khi tiếp tục trì hoãn cuộc bỏ phiếu Brexit cuối cùng”.
Chính phủ hoàn toàn vô trách nhiệm khi tiếp tục trì hoãn cuộc bỏ phiếu Brexit cuối cùngNghị sĩ đảng Bảo thủ Heidi Allen
Đảng Lao động đang đề xuất kế hoạch Brexit của riêng mình, trong đó liên quan đến việc Anh ở lại trong một liên minh hải quan với EU, mà họ nói có thể nhận được sự ủng hộ của đa số nghị sĩ.
Chính phủ đã không loại trừ việc ủng hộ điều này – và đã hứa sẽ trả lời chính thức cho nó và đàm phán thêm với đảng Lao động – nhưng họ nói rằng điều đó sẽ ngăn Anh thực hiện các thỏa thuận thương mại của riêng mình sau Brexit.
Còn ít hơn 50 ngày cho đến thời hạn Brexit. Luật đã có sẵn và điều này có nghĩa là Vương quốc Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019.
Thỏa thuận Brexit của bà May – mà bà đã dành nhiều tháng để đàm phán và đã đồng ý với EU – bao gồm các điều khoản về ly hôn của Vương quốc Anh và khuôn khổ của các mối quan hệ trong tương lai.
Nhưng nó đã bị Quốc hội Anh từ chối và nếu nó không được phê chuẩn vào thời điểm đáo hạn Brexit, vị trí mặc định sẽ là một nước Anh ra khỏi EU hay Brexit mà không có thỏa thuận.
Tháng trước, Nghị viện đã bỏ phiếu ủng hộ một sửa đổi hỗ trợ hầu hết các thỏa thuận của Thủ tướng nhưng kêu gọi thay thế ‘bảo đảm cuối cùng’ (backstop) – lựa chọn cuối cùng để ngăn chặn lập đường biên giới cứng ở Ireland – bằng “các thỏa thuận thay thế”.
Thủ tướng hiện đang đàm phán với Brussels để tìm kiếm những thay đổi đối với nội dung này.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47192472
Báo Đức : Điệp viên nước ngoài rập rình
quanh trụ sở Liên Hiệp Châu Âu
Dựa theo các nguồn tin ngoại giao châu Âu, nhật báo Đức Die Welt, ngày 09/02/2019 cho biết, có khoảng hàng trăm điệp viên nước ngoài hoạt động ở Bruxelles, đặc biệt xung quanh khu vực trụ sở cơ quan đối ngoại của Liên Hiệp Châu Âu.
Từ thủ đô Bỉ, thông tín viên Laxmi Lota cho biết thêm thông tin :
« Theo bộ phận phụ trách an ninh nội bộ của cơ quan đối ngoại thuộc Liên Hiệp Châu Âu, dường như có không dưới 250 điệp viên Trung Quốc và 200 điệp viên Nga đang hoạt động tại Bruxelles. Bộ phận phụ trách an ninh cảnh báo các nhà ngoại giao châu Âu.
Đặc biệt là tại một số nơi xung quanh trụ sở Ủy Ban Châu Âu và cơ quan phụ trách đối ngoại, như một quán ăn và một quán cà phê, cũng có nhiều điệp viên. Từ nay, các nhà ngoại giao châu Âu nên tránh những nơi này, trong đó có một quán ăn nổi tiếng với món thịt bò rán.
Cơ quan tình báo Trung Quốc và Nga dường như cài các nhân viên vào sứ quán và các doanh nghiệp của họ có đại diện tại Bruxelles.
Theo nhật báo Đức Die Welt, ai cũng biết là thông thường các tùy viên đi cùng các nhà ngoại giao của những nước không phải là thành viên Liên Hiệp Châu Âu đều là các điệp viên dưới danh nghĩa nhân viên ngoại giao.
Ngoài Trung Quốc và Nga, các điệp viên Mỹ và Maroc dường như cũng hoạt động rất tích cực ở thủ đô Bỉ ».
Tây Ban Nha : Biểu tình đòi thủ tướng từ chức
Ngay cả khi thủ tướng Tây Ban Nha, Pedro Sanchez, khẳng định đã ngưng thương lượng với phe đòi độc lập cho vùng Catalunya, phe cánh hữu nước này vẫn tổ chức một cuộc tuần hành lớn trong ngày 10/02/2019, tại thủ đô Madrid, để phản đối chính phủ thuộc đảng Xã Hội. Họ đòi tổ chức các cuộc bầu cử mới và yêu cầu thủ tướng Pedro Sanchez từ chức.
Từ Madrid, thông tín viên RFI François Musseau cho biết chi tiết :
« Người đứng đầu chính phủ Tây Ban Nha đang lâm vào cảnh trên đe dưới búa. Một bên là phe đòi ly khai cho vùng Catalunya mà thủ tướng đang phải thương lượng. Phe này không hề muốn từ bỏ quyền tự quyết của họ. Bên kia là phe đối lập cánh hữu đang ngày càng phản đối mạnh mẽ thủ tướng. Họ cho rằng Pedro Sanchez coi nhẹ sự thống nhất của Tây Ban Nha và lo ngại về các nguy cơ gây chia cắt đất nước. Thủ tướng Pedro Sanchez uổng công vô ích nói rằng điều đó là không đúng, rằng ông không bao giờ chấp nhận để Catalunya độc lập, nhưng nhiều người Tây Ban Nha vẫn không tin.
Cuộc tuần hành lớn của phe cánh hữu – tại quảng trường Christophe Colomb, Madrid – là một ví dụ minh họa. Người ta có thể nghe thấy những tiếng hô « Không dung thứ cho Pedro Sanchez ». Một luật sư tên là Virginia chia sẻ: Tôi thực sự lo lắng về thủ tướng và hình ảnh của Tây Ban Nhà mà ông ấy đang tạo ra trên trường quốc tế. Họ chỉ toàn nói về những người đòi ly khai, trong khi lẽ ra phải nói về các vấn đề thực sự tại Tây Ban Nha.
Cũng giống như bà Virginia, lãnh đạo phe cánh hữu Pablo Casado không ngần ngại gọi thủ tướng Pedro Sanchez là kẻ nói dối và phản bội Tổ quốc. Ông Emilio, 53 tuổi, một công chức Nhà nước phát biểu: Chúng tôi đang sống trong một quốc gia lớn, và chúng tôi phải đóng góp hết sức mình vì sự lớn mạnh của đất nước, chứ không phải là góp phần chia rẽ dân tộc, khiến người này đối đầu với người kia.
Trái bóng đang nằm bên bên của thủ tướng. Ông Pedro Sanchez cho phe đòi ly khai cho vùng Catanlunya thời hạn đến thứ Tư để bỏ phiếu thông qua dự thảo ngân sách. Nếu phe này không ủng hộ, kỳ bầu cử vào tháng Năm tới là không thể tránh khỏi ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190211-tay-ban-nha-bieu-tinh-doi-thu-tuong-tu-chuc
Trung Quốc lạc quan về đàm phán thương mại với Mỹ
Hôm 11/2, Trung Quốc lên tiếng bày tỏ sự lạc quan vào các cuộc đàm phán thương mại với Hoa Kỳ, nhưng cũng bày tỏ tức giận về vụ tàu Hải quân Hoa Kỳ tuần tra ở Biển Đông, theo hãng tin Reuters.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung cấp trung sẽ bắt đầu từ hôm 11 đến 13/2 do Phó Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Jeffrey Gerrish dẫn đầu và các cuộc đàm phán cấp cao sẽ diễn ra vào cuối tuần này do Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin chủ trì, vẫn theo Reuters.
Hôm 11/2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu tại một cuộc họp báo thường xuyên ở Bắc Kinh: “Tất nhiên, chúng tôi hy vọng, và người dân trên thế giới cũng muốn chứng kiến một kết quả tốt đẹp.”
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cố gắng đạt được một thỏa thuận trước thời hạn ngày 1/3 sắp tới khi mức thuế suất của Hoa Kỳ áp dụng đối với 200 tỷ đôla hàng nhập khẩu Trung Quốc dự kiến sẽ tăng từ 10% lên 25%.
Hôm 11/2, khi các cuộc đàm phán mới nhất bắt đầu, thì hai tàu chiến của Hoa Kỳ đã tuần tra gần các đảo ở Biển Đông mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, một quan chức Hoa Kỳ nói với Reuters.
Bà Hoa nói rằng các tàu Hải quân Hoa Kỳ đã đi vào vùng biển này mà không có sự cho phép của Trung Quốc, và Bắc Kinh bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ về vấn đề này.
Bà Hoa nói Hải quân Trung Quốc đã theo dõi các tàu này và ra cảnh báo xua tàu, cáo buộc Washington có hành động khiêu khích và làm tổn hại chủ quyền của Trung Quốc.
Khi được hỏi liệu việc tuần tra của tàu Hải quân Mỹ có ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước hay không, bà Hoa nói rằng “một loạt các mánh khóe của Hoa Kỳ” đã cho thấy những gì Washington suy tính.
Tuy nhiên bà Hoa nói thêm rằng Trung Quốc tin là việc giải quyết các xung đột thương mại thông qua đối thoại là vì lợi ích của người dân của cả hai quốc gia và vì tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-lac-quan-ve-dam-phan-thuong-mai-voi-my/4781648.html
Mô hình Việt Nam có thích hợp với Bắc Triều Tiên?
Cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ diễn ra tại Việt Nam trong hai ngày 27 và 28/02/2019. Hãng tin Reuters vào tháng trước loan tin là nhân thượng đỉnh với tổng thống Trump, ông Kim Jong Un có thể thăm chính thức Việt Nam.
Hiện giờ thông tin này chưa được chính thức xác nhận, nhưng nếu đúng như thế, Kim Jong Un sẽ là lãnh tụ Bắc Triều Tiên đầu tiên đi thăm Việt Nam kể từ chuyến đi năm 1964 (chuyến thứ hai) của ông Kim Nhật Thành (ông nội của Kim Jong Un).
Nhà lãnh đạo trẻ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ có dịp nghiên cứu kinh nghiệm của Việt Nam, từ một nước theo nền kinh tế tập trung đã chuyển đổi sang một nền kinh tế theo hướng thị trường, mà vẫn duy trì được chế độc độc đảng. Gần đây, ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho cũng đã viếng thăm Việt Nam để tìm hiểu về kinh nghiệm đổi mới của Hà Nội.
Nhưng liệu Việt Nam có phải là một mô hình thích hợp cho Bắc Triều Tiên hay không? Trên báo chí quốc tế, hiện có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Trước hết, tình hình Bắc Triều Tiên hiện nay có gì giống và khác so với Việt Nam thời kỳ bao cấp? Trả lời RFI Việt ngữ ngày 08/02/2019, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, ghi nhận:
“Nền kinh tế Bắc Triều Tiên hiện nay có một số điểm khá tương đồng với tình hình kinh tế của Việt Nam trước đổi mới. Thứ nhất, mô hình kinh tế của Bắc Triều Tiên hiện nay cũng là mô hình kinh tế tập trung, dựa trên các mệnh lệnh quan liêu của nhà nước, không phải là một nền kinh tế thị trường. Tất cả các hoạt động kinh tế hiện nay ở Bắc Triều Tiên đều do nhà nước kiểm soát và vận hành trên các nguyên tắc phi thị trường, bị chi phối bởi các doanh nghiệp nhà nước.
Thứ hai, kinh tế Bắc Triều Tiên hiện nay cũng không mở cửa ra bên ngoài nhiều. Chủ yếu các hoạt động giao thương được thực hiện với một số nước như Trung Quốc, đối tác thương mại chính của Bắc Triều Tiên. Giống như Việt Nam trước năm 1986, chủ yếu là giao thương với các nước XHCN, đặc biệt là Liên Xô và các nước Đông Âu.
Thứ ba, Bắc Triều Tiên hiện đang chịu lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây do các chương trình hạt nhân và tên lửa của họ. Trước thời kỳ đổi mới, Việt Nam cũng đã chịu sự cấm vận rất gay gắt từ các nước phương Tây, trong đó có Hoa Kỳ. Chỉ tới những năm đầu thập niên 1990, các lệnh cấm vận này mới bắt đầu được tháo dỡ dần dần.
Tuy nhiên, cũng có một số điểm khác biệt, ví dụ như Bắc Triều Tiên hiện nay mặc dù có rất nhiều khó khăn, nhưng ở một số thành phố, đặc biệt là Bình Nhưỡng, tình hình kinh tế xã hội dường như là không đến mức tồi tệ như ở Việt Nam trước 1986.
Bên cạnh đó, trong vòng mấy năm trở lại đây, Bắc Triều Tiên cũng đã tiến hành một số cải cách kinh tế, ở quy mô vừa phải, mang tính chất thử nghiệm, ví dụ như thành lập một số đặc khu kinh tế hay khu công nghiệp liên doanh với Hàn Quốc. Một số cải cách theo hướng thị trường cũng được thực hiện ở một số nơi, với mức độ nhất định ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, họ chưa mở cửa ra bên ngoài, cũng như những cải cách thị trường thì chưa rộng khắp. Nói chung, nền kinh tế Bắc Triều Tiên có xuất phát điểm có lẻ là cao hơn Việt Nam vào lúc bắt đầu đổi mới năm 1986”.
Tờ nhật báo Úc The Australian ngày 08/02/2019, nhắc lại rằng, là một trong những nước nghèo nhất thế giới cách đây 30 năm, Việt Nam đã nhanh chóng trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, với mức tăng trưởng từ năm 2010 lúc nào cũng trên 5%. Đó chính là nhờ từ năm 1986, chính phủ Hà Nội đã cải tổ mạnh mẽ nền kinh tế và đưa Việt Nam hội nhập dần dần vào nền kinh tế thế giới. Theo The Australian, Bắc Triều Tiên có thể đi theo mô hình này để đạt được “phép lạ” kinh tế như Việt Nam.
Cụ thể, chế độ Kim Jong Un có thể học hỏi được gì từ cách thức tiến hành cải tổ của Việt Nam? Nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nêu ý kiến:
“Có lẽ một trong những đặc điểm nổi bật của đổi mới kinh tế Việt Nam là họ làm từ từ, tiến từng bước, tức là những cải cách không quá triệt để, không đi quá nhanh, vừa làm, vừa kiểm nghiệm, điều chỉnh. Đó là do đảng Cộng Sản lo ngại là nếu cải cách quá nhanh thì sẽ dẫn tới những hệ lụy về chính trị và làm suy yếu quyền lực của đảng Cộng Sản. Đây là một đặc điểm khiến cho mô hình Việt Nam có sức hấp dẫn đối với Bắc Triều Tiên và bản thân ông Kim Jong Un.
Tuy nhiên, có lẽ là việc áp dụng vào Bắc Triều Tiên có thể có những thay đổi cho phù hợp với tình hình chính trị Bắc Triều Tiên. Đó cũng là điều dễ hiểu, miễn là mô hình Việt Nam có thể giúp ông Kim Jong Un đạt được hai mục tiêu: phát triển và mở cửa kinh tế, đồng thời duy trì được sự lãnh đạo của bản thân ông, cũng như của Đảng Lao động Triều Tiên”.
Nhưng tờ Washington Times ngày 06/02 lại cho rằng có những lý do khiến ta có thể nghi ngờ là Bắc Triều Tiên thành công trong việc đi theo con đường của Việt Nam và Trung Quốc. Thứ nhất, cả Việt Nam lẫn Trung Quốc đều đã không thể tự do hóa kinh tế cho đến khi xóa bỏ được tệ sùng bái cá nhân. Tại Trung Quốc, chỉ đến khi Mao Trạch Đông qua đời, Đặng Tiểu Bình mới có thể khởi động tiến trình mở cửa và cải tổ kinh tế. Cũng như thế, mãi cho đến giữa thập niên 1980, nhiều năm sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, Việt Nam mới bắt đầu “đổi mới”.
Washington Times nhấn mạnh: “Không những về mặt ý thức hệ, kinh tế tự do không tương hợp chút nào với tệ sùng bái cá nhân, mà chuyển sang cải tổ kinh tế thì chẳng khác gì nhìn nhận Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh đã sai lầm”. Trong khi đó, sau 7 thập niên, sự tôn thờ lãnh tụ ở Bắc Triều Tiên vẫn rất mạnh. Ngoài ra, Kim Jong Un hoàn toàn có lý do để sợ rằng do chế độ của gia đình ông đã rất tàn bạo trong suốt nhiều thập niên qua, nếu chấp nhận tự do hóa, ông sẽ có nguy cơ gặp chung số phận với lãnh tụ Rumani Nicolae Ceaucescu (bị hành quyết cùng với vợ ngày 25/12/1989, ba ngày sau khi bị nhân dân nổi dậy lật đổ).
Hãng tin Reuters cũng nhấn mạnh, để được như Việt Nam hiện nay, Bắc Triều Tiên phải tiến hành những cải tổ quan trọng, nới lỏng phần nào các quyền tự do cá nhân và chấp nhận một số thay đổi về thể chế, nhưng trong khi đó, lãnh đạo họ Kim hiện nay vẫn kiểm soát gần như toàn bộ đất nước và bộ máy truyên truyền thì vẫn không ngớt ca tụng ông như một vị thánh sống.
Tuy vậy, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, sự tập trung quyền lực nằm trong tay một nhà độc tài như Kim Jong Un cũng có thể là một yếu tố thuận lợi cho cải tổ ở Bắc Triều Tiên:
“Vẫn còn nhiều tranh cãi về mô hình nào là tốt nhất cho tăng trưởng kinh tế. Có ý kiến cho rằng, nếu một chế độ dựa vào một nhà độc tài, thì sẽ dẫn tới sai lầm, như vậy sẽ khó tiến hành các cải tổ kinh tế. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng khi quyền lực tập trung, thì các chính sách đưa ra sẽ hiệu quả hơn, việc thực thi có thể sẽ nhanh hơn. Ví dụ như Hàn Quốc, vào thời độc tài Park Chung Hee, các chính sách của họ cũng đã rất hiệu quả, nước này phát triển rất nhanh chóng.
Đúng là về mặt thể chế, nếu tập trung quyền lực quá mức, không có phân cấp quyền lực, thì có thể là cải cách ở Bắc Triều Tiên sẽ gặp một số khó khăn. Nhưng theo tôi, điều quan trọng hơn là đường hướng chính sách và chất lượng thực thi chính sách như thế nào.
Nếu Bắc Triều Tiên có những chính sách hợp lý và thực thi hiệu quả, thì có lẽ là sự lãnh đạo mang tính chất tập trung quyền lực của Kim Jong Un không hẳn là một rào cản quá lớn đối với quá trình phát triển và cải cách kinh tế của Bắc Triều Tiên”.
Không chỉ về mặt kinh tế, Bắc Triều Tiên còn có thể học hỏi kinh nghiệm về ngoại giao của Việt Nam. Với chính sách ngoại giao “làm bạn với tất cả các nước”, từ một kẻ thù trong chiến tranh, Việt Nam đã trở thành một nước bạn của Mỹ. Quan hệ Hà Nội – Washington đã được cải thiện nhanh chóng kể từ khi tổng thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận thương mại của Mỹ đối với Việt Nam vào năm 1994 và một năm sau đó bình thường hóa bang giao giữa hai nước. Về điểm này, tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định:
“Bắc Triều Tiên có thể làm được những điều như Việt Nam đã làm trong việc cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Một trong những yếu tố quan trọng đầu tiên là họ phải có sự độc lập trong chính sách đối ngoại, cụ thể là làm sao thoát ra khỏi ảnh hưởng, khỏi sự kềm tỏa của Trung Quốc.
Trong thời gian qua, có vẻ như Bắc Triều Tiên đã có những bước nhằm làm giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc về kinh tế lẫn chính trị. Theo tôi, đó là một trong những điều kiện rất quan trọng trong việc giúp cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ.
Yếu tố thứ hai, đó là bản thân Bắc Triều Tiên cũng phải cho thấy mình là một đối tác hấp dẫn qua việc cải cách kinh tế, mở cửa ra bên ngoài để biến Triều Tiên thành một cơ hội về đầu tư và giao thương đối với Hoa Kỳ.
Cũng giống ở Việt Nam trong hơn 20 năm qua, khi bắt đầu bình thường hóa bang giao với Hoa Kỳ, quan hệ kinh tế và thương mại của Việt Nam đã tăng trưởng rất nhanh chóng, mạnh mẽ. Quan hệ kinh tế đã trở thành một trụ cột giữ vững quan hệ giữa hai nước, làm nền tảng rất quan trọng cho hai nước có thể có những bước đi về quan hệ chính trị, quốc phòng hay chiến lược. Không có nền tảng kinh tế thì quan hệ giữa song phương sẽ không có nền tảng bền vững.
Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng, trong thời gian tới, nếu Bắc Triều Tiên muốn phát triển quan hệ với Hoa Kỳ, thì họ cần phải có những đổi mới về kinh tế. Bên cạnh đó, đương nhiên họ cũng cần phải hóa giải những trở ngại hiện nay trong quan hệ song phương, ví dụ như chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa mà Bình Nhưỡng lâu nay vẫn theo đuổi. Nếu dỡ bỏ được rào cản này thì quan hệ giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên có thể đạt được những tiến bộ rất nhanh chóng. Và cũng không có gì là bất ngờ nếu như trong tương lai, Bắc Triều Tiên có được một vị thế tốt trong quan hệ với Hoa Kỳ như Việt Nam hiện nay”.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20190211-mo-hinh-viet-nam-co-thich-hop-voi-bac-trieu-tien
Trương Duy Nhất – ‘Những vụ mất tích ở Thái Lan
là vết đen lên chế độ’
Trường hợp mất tích đột ngột của blogger Trương Duy Nhất tại Thái Lan tiếp tục thu hút sự chú ý, không chỉ của các tổ chức nhân quyền, mà còn của giới truyền thông.
Bài bình luận “Horror of the disappeared” trên tờ Bangkok Post ngày 11/2 cho thấy rõ điều đó.
“Các trường hợp bị mất tích đột ngột của những nhà bất đồng chính trị tiếp tục chồng chất. Trường hợp mới nhất vậy xảy ngay giữa ban ngày, bên trong một trung tâm mua sắm nổi tiếng ở Bangkok. Trương Duy Nhất, một nhà báo và blogger nổi tiếng ở Việt Nam, đã bị bắt và lôi kéo ra khỏi trung tâm mua sắm Future Park. Ông vừa đăng ký thông tin cá nhân và xin tị nạn qua văn phòng tị nạn của Liên Hiệp Quốc.” Bangkok Post viết.
Ông Trương Duy Nhất: Những ngày trên đất Thái Lan
Thái Lan ‘điều tra tin Trương Duy Nhất mất tích ở Bangkok’
‘Quyết tâm rất lớn’ để xử Vũ ‘Nhôm’
Slovakia vẫn ‘điều tra’ vụ Trịnh Xuân Thanh
Và vạch ra:
“Vụ mất tích của ông (Trương Duy Nhất) vào ngày 26 tháng 1 đã nhận được sự im lặng thường thấy từ các chính phủ liên quan. Nhân chứng về vụ bắt cóc ông Nhất đã được tìm thấy và phỏng vấn – nhưng không phải bởi chính quyền Thái Lan hay các nhà ngoại giao Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ công dân nước mình.”
Bình luận “Horror of the disappeared” được đưa ra sau khi blogger Trương Duy Nhất đã mất tích gần 2 tuần rưỡi, và các tổ chức quốc tế đã lên tiếng ròng rã hơn một tuần lễ, nhưng cả hai chính quyền, đặc biệt là chính quyền Việt Nam vẫn một mực im lặng.
Ngoài Trương Duy Nhất, bài bình luận của Bangkok Post còn đơn cử trường hợp của nhà xuất bản Quế Dân Hải (Gui Minhai) một người bất đồng chính kiến với Trung Quốc người Thụy Điển gốc Hoa.
Theo Bangkok Post, việc ông Quế Dân Hải bị bắt khi ông rời căn hộ tại Pattaya vào tháng 10 năm 2015, được thu lại trong CCTV, nhưng cả hai chính quyền Thái Lan và Trung Quốc lúc đó vẫn tuyên bố không biết chuyện gì đã xẩy ra, mặc dù vài tháng sau đó, người ta thấy ông Quế Dân Hải bị giam giữ tại một nhà tù Trung Quốc.
“Những vụ bắt cóc người Việt Nam và Trung Quốc làm phật lòng chính phủ của họ tại Thái Lan là một dấu ấn đen tối đối với chế độ.” Bangkok Post khẳng định.
Và kết luận:
“Chúng ta phải hy vọng rằng vụ bắt cóc ông Nhất ở Bangkok sẽ mang lại những phản hồi dễ chấp nhận hơn từ các nhân viên chính phủ và an ninh. Ông Nhật rõ ràng là nạn nhân của một chế độ Việt Nam ngày càng không khoan dung và bạo lực, nơi hàng loạt các nhà nhà báo đã bị tống vào tù chỉ vì các bài báo đơn thuần chỉ trích Hà Nội hoặc hành động của chính quyền địa phương.”
Bài bình luận được chia sẻ khá rộng rãi trong giới đấu tranh. Và phản hồi dưới đây được nhiều hưởng ứng:
“Đừng kỳ vọng bất cứ điều gì từ một chính phủ không ngần ngại loại bỏ các đối thủ cả bên trong lẫn bên ngoài lãnh thổ của họ…”
Nhưng những người chia sẻ bài viết cũng có cái nhìn lạc quan hơn:
“Cho dù tình hình tệ đến đâu, ngày nào những bài bình luận như này còn tồn tại, chúng ta vẫn còn có thể nuôi hy vọng.”Theo Bangkok Post,
https://www.bbc.com/vietnamese/world-47197526
Ủy ban bầu cử Thái Lan loại công chúa
ra khỏi danh sách tranh cử
Ủy ban bầu cử Thái Lan hôm 11/2 chính thức loại công chúa Ubolratana Mahidol ra khỏi danh sách ứng cử viên tranh chức thủ tướng trong tư cách là ứng cử viên của một đảng có liên hệ với thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.
“Ủy ban Bầu cử hôm nay công bố danh sách các ứng cử viên, trong đó không có tên công chúa Ubolratana do đảng Thai Raksa Chart đề cử”, ủy ban này nói trong một tuyên bố, và thêm rằng “bởi vì tất cả các thành viên trong hoàng gia đều ở vị trí bên trên chính trị”.
Thông báo của Ủn ban Bầu cử đưa ra sau tuyên bố của Quốc vương Thái Lan Maha Vajiralongkorn vào tuần trước nhằm phá vỡ kế hoạch của chị gái, Công chúa Ubolratana, 67 tuổi, người muốn trở thành ứng cử viên cho chức vụ thủ tướng.
Trước đó, hôm 8/2, Đảng Thai Raksa Chart tuyên bố công chúa Ubolratana sẽ là ứng cử viên thủ tướng của đảng này trong cuộc bầu cử ngày 24/3.
Giấc mơ chính trị của công chúa Ubolratana đã bị phá vỡ gần như ngay lập tức khi Quốc vương Maha đưa ra một tuyên bố ngắn gọn, nói rằng việc ứng cử của chị gái ông là “rất không phù hợp” và đi ngược lại truyền thống và văn hóa quốc gia.
Vào ngày 9/2, đảng Thai Raksa Chart thề trung thành với nhà vua, và nói trong một tuyên bố rằng đảng “tuân thủ mệnh lệnh của hoàng gia”.
Trong một bài đăng trên Instagram vào ngày 9/2, công chúa Thái Lan đã cảm ơn những người ủng hộ bà vì “tình yêu và lòng tốt” của họ và bày tỏ mong muốn được nhìn thấy đất nước mở rộng các quyền và cơ hội cho công dân, và bà không đề cập gì đến em trai hay kế hoạch chính trị của mình.
Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử vào ngày 24/3, lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, vị tướng lãnh đạo cuộc đảo chính là một ứng cử viên để có thể giữ lại chức vụ của mình và ông cũng là một lựa chọn ưa thích của quân đội.
Thái Lan là một chế độ quân chủ lập hiến kể từ năm 1932.
Úc mua 12 tàu ngầm của Pháp với giá 50 tỉ đô la
Ngày 11/02/2019, Úc chính thức ký hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp với tổng trị giá 50 tỉ đô la. Thủ tướng Úc Scott Morrison gọi đây là « kế hoạch đầy tham vọng », trong lễ ký kết với sự hiện diện của bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Florence Parly.
Thủ tướng Morrison nhấn mạnh hợp đồng mà hai nước ký ngày 11/02 là « sự đầu tư quan trọng nhất của Úc về quốc phòng trong thời bình ». Sau nhiều năm thương lượng, vào năm 2016, tập đoàn Pháp Naval Group (trước đây là DCNS) đã được chọn để ký « hợp đồng thế kỷ », cung cấp 12 tàu ngầm thế hệ mới cho Hải Quân Úc.
Tàu ngầm đầu tiên sẽ được Naval Group bàn giao cho Úc vào năm 2030. Thương vụ khổng lồ này sẽ tạo ra 2.800 việc làm tại Úc và 500 việc làm tại Pháp.
AFP bình luận hợp đồng khổng lồ này phản ánh tham vọng của Úc tại Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lấy làm tiếc rằng hợp đồng này được ký kết quá muộn : vùng biển phía bắc và đông nước Úc đang là nơi tranh giành ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc và các cường quốc khác trong khu vực.
http://vi.rfi.fr/phap/20190211-uc-mua-12-tau-ngam-cua-phap-voi-gia-50-ti-do-la