Tin khắp nơi – 10/02/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin khắp nơi – 10/02/2019

Nhà Trắng không loại trừ

khả năng chính phủ lại đóng cửa

Quyền Chánh văn phòng Nhà Trắng, ông Mick Mulvaney, hôm 10/2 nói rằng ông “hoàn toàn không thể” loại trừ khả năng chính phủ liên bang lại đóng cửa, nếu Quốc hội không đi tới một thỏa thuận về khoản ngân quỹ lớn cho bức tường trên biên giới với Mexico.

Trả lời trên chương trình “Meet the Press” của kênh NBC, ông Mulvaney đổ lỗi cho phe Dân chủ về khả năng trên.

Ông cho rằng đảng này đang bị “chia rẽ” giữa các đảng viên “cực tả” không muốn chi ngân sách cho bức tường của ông Trump và nhóm những người ôn hòa hơn và muốn thỏa hiệp.

Phát biểu của ông Mulvaney được đưa ra giữa lúc có tin nói rằng cuộc đàm phán giữa các nhà lập pháp Dân chủ và Cộng hòa nhằm ngăn chặn chính phủ lại đóng cửa vào ngày 15/2 đã đổ vỡ vì bất đồng về các chính sách giam giữ di dân, theo Reuters.

XEM THÊM:

TT Trump quyết xây tường trên biên giới

Hãng tin này dẫn lời thượng nghị sĩ Cộng hòa Richard Shelby nói trên chương trình “Fox News Sunday” rằng “các cuộc đàm phán hiện đã bị đình trệ”, nhưng ông cũng bày tỏ hy vọng rằng các nhà đàm phán sẽ sớm tái tục việc thảo luận.

Tin cho hay, các nỗ lực giải quyết tình trạng bế tắc về ngân quỹ cho an ninh trên biên giới đã kéo dài tới ngày cuối tuần, khi một ban đàm phán đặc biệt của quốc hội cố gắng đạt được một thỏa thuận vào ngày 11/2.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Jon Tester đã giảm nhẹ tính nghiêm trọng của việc đàm phán bị ngưng trệ.

Ông nói rằng “các cuộc đàm phán thường hiếm khi hoàn toàn suôn sẻ từ đầu tới cuối”.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời một nguồn tin giấu tên nói rằng hiện chưa có kế hoạch cho các cuộc trao đổi tiếp theo.

Nhóm 17 nhà lập pháp Mỹ hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận để dự luật có thời gian được thông qua tại Hạ viện và Thượng viện trước khi tới tay Tổng thống Trump vào ngày 15/2, khi chính quyền liên bang hết ngân sách hoạt động tạm thời.

https://www.voatiengviet.com/a/nh%C3%A0-tr%E1%BA%AFng-kh%C3%B4ng-lo%E1%BA%A1i-tr%E1%BB%AB-kh%E1%BA%A3-n%C4%83ng-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-l%E1%BA%A1i-%C4%91%C3%B3ng-c%E1%BB%ADa/4780633.html

 

Mỹ và Triều Tiên tiếp tục bàn

hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam

Hoa Kỳ và Bắc Hàn tuần tới sẽ tiếp tục thảo luận thêm về cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Kim Jong Un ở Việt Nam.

AFP dẫn lời ông Kim Eui-kyeom, phát ngôn viên của văn phòng tổng thống Hàn Quốc, cho biết như vậy hôm 10/2.

Một ngày trước đó, đặc sứ Mỹ về Triều Tiên, Stephen Biegun, nói rằng đôi bên cần phải đối thoại thêm trước khi diễn ra cuộc gặp được nhiều người kỳ vọng ở Việt Nam.

“Bắc Hàn và Mỹ đã đồng ý tiếp tục các cuộc thương thảo tại một quốc gia thứ ba ở châu Á trong tuần bắt đầu từ ngày 17/2”, ông Kim được AFP dẫn lời nói, nhưng không cho biết thêm bất kỳ chi tiết nào khác.

XEM THÊM:

Mỹ cám ơn ‘bạn thân’ Việt Nam về cuộc gặp với Chủ tịch Kim

Đặc sứ Biegun tới Bình Nhưỡng đầu tháng này trong ba ngày để gặp các quan chức Bắc Hàn với trọng tâm là mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên.

Ông Trump và ông Kim dự kiến sẽ gặp nhau tại Hà Nội từ ngày 27 tới 28 tháng Hai, sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu ở Singapore tháng Sáu năm ngoái.

Trên Twitter hôm 8/2, ông Trump viết rằng “Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, sẽ trở thành một cường quốc về kinh tế”.

“Ông ấy có thể gây nhạc nhiên cho một số người, nhưng không làm tôi ngạc nhiên, vì tôi đã biết ông ấy và hiểu rõ khả năng của ông ấy. Bắc Hàn sẽ trở thành một loại rocket khác, về kinh tế”, ông Trump Tweet, ám chỉ tới khả năng bùng nổ về kinh tế của Triều Tiên.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-v%C3%A0-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-ti%E1%BA%BFp-t%E1%BB%A5c-b%C3%A0n-h%E1%BB%99i-ngh%E1%BB%8B-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-%C4%91%E1%BB%89nh-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam/4780559.html

 

Venezuela: Thổ dân Pemon thề mở cửa

 cho viện trợ, thách thức Maduro

Cộng đồng thổ dân Pemon ở Venezuela sống dọc biên giới với Brazil, thề mở cửa cho các đoàn viện trợ quốc tế vào nước này.

Ngay cả khi điều đó có nghĩa là lời thách đấu với lực lượng an ninh Venezuela và chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro.

Venezuela: 2000 tướng hưởng nhiều đặc quyền

Mỹ gửi viện trợ ‘theo yêu cầu của Guaidó’

Theo Reuters, trong bối cảnh siêu lạm phát gây ra tình trạng thiếu đói, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi và cuộc khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết, viện trợ nhân đạo trở thành điểm sáng.

Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido tuần trước cho biết một liên minh toàn cầu gồm Hoa Kỳ đã gửi thực phẩm và thuốc men đến các điểm tập kết ở Colombia, Brazil và một hòn đảo Caribbean không được tiết lộ trước khi chuyển hàng viện trợ vào Venezuela.

Brazil theo chân Hoa Kỳ cũng như hầu hết các nước ở châu Mỹ Latinh và châu u công nhận Guaido là nhà lãnh đạo lâm thời hợp pháp của Venezuela với lập luận rằng ông Maduro thắng cử trong cuộc bỏ phiếu gian lận tháng 5/2018.

Nhưng ông Maduro phủ nhận và tuyên bố rằng đó là một phần của âm mưu do Hoa Kỳ dẫn dắt nhằm phá hoại và lật đổ chính phủ của ông.

Sáu nhà lãnh đạo của cộng đồng thổ dân Pemon cư trú tại Gran Sabana, bang Bolivar, giáp biên giới với Brazil nói rằng người dân chào đón bất kỳ sự viện trợ nhân đạo nào.

“Chúng tôi đã chuẩn bị – dù không có vũ khí – và sẵn sàng mở cửa biên giới để tiếp nhận viện trợ nhân đạo,” Thị trưởng Gran Sabana Emilio Gonzalez nói. “Cả vệ binh quốc gia lẫn chính phủ đều không thể ngăn điều này.”

Các cộng đồng thổ dân tự hào rằng họ có mức độ tự chủ cao hơn các cộng đồng khác ở Venezuela.

Thống đốc bang Bolivar và chỉ huy quân sự khu vực Guayana, gồm các bang Bolivar và Amazonas chưa đưa ra bình luận.

“Chúng tôi là người bản địa của Gran Sabana và chúng tôi sẽ không cho phép một số tướng lĩnh từ bên ngoài quyết định thay cho chúng tôi. Chúng tôi có chính quyền hợp pháp,” Jorge Perez, ủy viên hội đồng khu vực thổ dân, cho hay.

Perez cho biết mỗi ngày ông đều đến thăm các bệnh viện địa phương và thấy cảnh bệnh nhân và bác sĩ tuyệt vọng vì thiếu thuốc men.

Vài ngày trước, Mỹ cho biết đang gửi viện trợ cho Venezuela theo yêu cầu của tổng thống lâm thời Juan Guaidó.

Động thái tự xưng tổng thống lâm thời của ông Guaidó hồi tháng trước giành được sự ủng hộ nhanh chóng từ Mỹ và các nước khác nhưng đã gây ra một cuộc đấu đá quyền lực.

Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cáo buộc ông Guaidó mưu toan đảo chính và tìm sự ủng hộ từ các đồng minh quốc tế lớn.

Venezuela: Maduro kêu gọi bầu cử Quốc hội sớm

Có kế hoạch biểu tình lớn ở Venezuela

Diễn biến Venezuela gửi thông điệp gì cho VN?

Venezuela: ‘Lương mua được hai quả trứng’

Ông bác bỏ đề nghị viện trợ của Hoa Kỳ như một cái cớ để can thiệp quân sự.

Hôm 2/2, ​​hàng ngàn người xuống đường ở thủ đô Caracas để biểu tình ủng hộ cả Tổng thống Maduro và ông Guaidó.

Ông Maduro hiện vẫn giữ được sự trợ giới của quân đội, nhưng trước cuộc biểu tình, ông Guaidó có thêm sức mạnh sau khi tướng không quân Francisco Yanez trở thành quan chức quân sự cấp cao nhất của Venezuela tuyên bố ủng hộ cho nhà lãnh đạo phe đối lập.

Ông Guaidó nói rằng ông đã tổ chức các cuộc họp bí mật với giới chức quân đội nhằm giành được sự ủng hộ để lật đổ ông Maduro và cũng liên hệ Trung Quốc, một trong những nước ủng hộ quan trọng nhất của ông Maduro.

Ông Guaidó không kiểm soát bất kỳ lãnh thổ nào ở Venezuela, vì vậy thay vào đó ông lên kế hoạch thành lập các trung tâm ở các nước láng giềng để tập hợp những người Venezuela bỏ nước ra đi.

Ông nói rằng ông muốn thành lập một liên minh quốc tế để thu thập viện trợ tại ba điểm, và gây sức ép buộc quân đội Venezuela cho liên minh tiến vào nước này.

Viết trên Twitter, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cho biết các kế hoạch đang được tiến hành vào cuối tuần này.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết can thiệp quân sự vào Venezuela là một lựa chọn trong bối cảnh phương Tây tăng áp lực buộc ông Nicolas Maduro phải từ chức.

Tuy nhiên, Nga lên tiếng cảnh báo “sự can thiệp mang tính phá hoại”.

Theo Reuters, Hoa Kỳ, Canada và một số nước Mỹ Latinh không thừa nhận chiến thắng của ông Maduro trong cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm ngoái mà công nhận Tổng thống tự xưng Juan Guaido.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS được phát sóng hôm 3/2, ông Trump cho biết đang cân nhắc sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ.

“Chắc chắn đó là một lựa chọn,” ông Trump nói và cho biết thêm rằng ông Maduro đã yêu cầu hội đàm từ nhiều tháng trước.

“Tôi đã khước từ vì chuyện đi quá xa rồi. Vì vậy, tôi nghĩ rằng quá trình này đang diễn ra.”

Chính quyền Trump tuần trước đã ban hành lệnh trừng phạt làm tê liệt đối với công ty dầu mỏ quốc doanh Venezuela PDVSA [PDVSA.UL], nguồn thu ngoại tệ chính của đất nước vốn đang thiếu thuốc men và thực phẩm.

Ông Maduro, người đứng sau nền kinh tế sụp đổ và khiến hàng triệu người Venezuela bỏ nước ra đi, vẫn nhận được sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, và sự trợ giúp quan trọng của quân đội.

Nga, chủ nợ lớn của Venezuela trong những năm gần đây, kêu gọi kiềm chế.

“Mục tiêu của cộng đồng quốc tế nên là giúp đỡ Venezuela chứ không phải can thiệp mang tính phá hoại từ bên ngoài,” Alexander Shchetinin, trưởng bộ phận Mỹ Latin của Bộ Ngoại giao Nga nói với Interfax.

Pháp và Áo cho biết họ sẽ công nhận Guaido nếu ông Maduro không phản hồi lời kêu gọi của Liên minh châu Âu vào đêm 3/2 về cuộc bầu cử tổng thống tự do và công bằng.

“Chúng tôi không chấp nhận tối hậu thư từ bất kỳ ai,” ông Maduro nói trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình tiếng Tây Ban Nha Antena 3 được phát sóng hôm 3/2.

“Tôi từ chối kêu gọi bầu cử ngay bây giờ – sẽ có cuộc bầu cử vào năm 2024. Chúng tôi không quan tâm đến những gì châu Âu nói.”

Trước đó, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đề xuất bầu cử Quốc hội sớm, tìm cách củng cố sự cai trị của ông sau khi một vị tướng đi theo phe đối lập và hàng vạn người xuống đường phản đối chính phủ.

Theo Reuters, khi áp lực trong nước và quốc tế buộc ông Maduro phải từ chức, một vị tướng không quân tuyên bố từ bỏ ông Maduro trong một video, bày tỏ lòng trung thành với người đứng đầu Quốc hội và là tổng thống lâm thời Juan Guaidó.

Sự trợ giúp của quân đội rất quan trọng đối với ông Maduro, người vốn không được lòng dân, phần lớn là do một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có khiến hàng triệu người dân phải rời bỏ đất nước. Maduro tuyên bố ông là nạn nhân của cuộc đảo chính do Hoa Kỳ chỉ đạo.

Trong bài phát biểu trước những người ủng hộ, ông Maduro cho biết, Quốc hội Lập hiến do chính phủ kiểm soát sẽ tranh luận về việc kêu gọi bầu cử Quốc hội trong năm nay.

diễn tập ở Caracas, Venezuela ngày 1/2

Ông Guaidó kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới, công bằng sau cuộc bầu cử gây tranh cãi mà ông Maduro thắng cử.

“Quý vị muốn bầu cử sớm? Chúng tôi sắp có cuộc bầu cử Quốc hội,” ông Maduro nói trong cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ ở Caracas. Sự kiện được tổ chức để kỷ niệm 20 năm cố lãnh đạo xã hội chủ nghĩa Hugo Chavez nhậm chức tổng thống.

Thông cáo của nghị sĩ đối lập Armando Armas viết rằng đề xuất đưa ra cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến ​​vào năm 2020 chỉ là thêm một hành động khiêu khích.

Tổng thống tạm thời Juan Guaidó của Venezuela kêu gọi hàng chục ngàn người ủng hộ tụ tập biểu tình trên toàn quốc.

Các cuộc biểu tình ngày thứ Bảy 2/2 được tổ chức nhằm tăng sức ép lên Tổng thống Nicolás Maduro buộc ông từ chức và tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống sớm.

Ông Guaido tự tuyên bố mình là tổng thống tháng trước và ngay lập tức được Mỹ và vài nước Mỹ-Latinh công nhận.

Nga và Trung Quốc ủng hộ Tổng thống Maduro.

Nhiều nước châu Âu ra thời hạn cho Tổng thống Maduro phải tuyên bố cuộc bầu cử mới trước Chủ nhật này. Nếu ông không đáp ứng, họ sẽ cùng các quốc gia khác công nhận ông Guaidó là tổng thống tạm thời của Venezuela.

Sự ủng hộ của quân đội được coi là chủ chốt cho khả năng tiếp tục nắm quyền của ông Maduro.

Hôm thứ Bảy, một vị tướng Không quân cao cấp tuyên bố ủng hộ ông Guaidó trong một video đăng trên Twitter.

Tướng Francisco Yanez, người phụ trách kế hoạch chiến lược không quân, kêu gọi các thành viên khác trong quân đội cùng bỏ quân đội với ông. Hiện chưa rõ video này được quay ở đâu và khi nào.

Đáp lại, chỉ huy trưởng Lực lượng Không quân cáo buộc ông đã phản quốc.

Trong khi đó, ông Guaidó cho biết ông đã có các cuộc gặp bí mật với phía quân đội để dành sự ủng hộ của họ nhằm lật đổ ông Maduro.

Venezuela: Tại sao một số nước ủng hộ Maduro?

TQ lo ngại tiền đầu tư vào Venezuela thời Maduro

Ông nói ông đã gặp Trung Quốc để hy vọng cải thiện quan hệ với nước này.

Trong phát biểu được tờ South China Morning Post đăng hôm thứ Bảy, ông Guaidó nói ông muốn có một mối quan hệ “có hiệu quả và hai bên cùng có lợi” với Trung Quốc. Ông nói thêm rằng ông đã sẵn sàng tham gia đàm phán “sớm nhất có thể”.

Cũng trong ngày thứ Bảy, Tổng thống Maduro dự kiến sẽ tham dự một cuộc mít tinh để tưởng niệm người tiền nhiệm của ông, cố tổng thống và đại tướng quân đội Hugo Chavez.

Ông Guaidó đã nói gì?

Trong bài phát biểu tại Đại học Trung ương của Venezuela hồi đầu tuần, ông Guaidó kêu gọi mọi người xuống đường phản đối việc Tổng thống Maduro từ chối chuyển giao quyền lực.

“Hãy tiếp tục biểu tình,” ông nói trước đám đông sinh viên, bác sỹ và y tá, “Hãy tiếp tục xuống đường.”

Ông Guaidó cũng kêu gọi người dân Venezuela tập trung để tham gia các cuộc biểu tình mới yêu cầu “viện trợ nhân đạo”, trong đó có thực phẩm và thuốc men, phải được trao tới những người dân đang sống cơ cực trong khủng hoảng.

Venezuela rồi sẽ ra sao với hai tổng thống?

Phe đối lập Venezuela ‘gặp gỡ quân đội’

Hôm thứ Tư, hàng ngàn người ủng hộ ông Guaidó xuống đường ở thủ đô Caracas và vài thành phố khác trên khắp Venezuela. Họ kêu gọi quân đội ngừng ủng hộ Tổng thống Maduro và cho phép đưa viện trợ nhân đạo vào nước này.

Ông Guaidó, người đứng đầu Quốc hội Venezuela, nói hiến pháp cho phép ông được nắm quyền tạm thời khi tổng thống được coi là bất hợp pháp.

Vậy ông Maduro có quan điểm gì?

Tổng thống Maduro nói với hãng tin Nga RIA ông sẵn sàng đàm phán với bên đối lập “vì lợi ích của Venezuela” nhưng sẽ không chấp nhận một tối hậu thư hay đe dọa.

Ông khăng khăng rằng ông có sự ủng hộ của quân đội, và cáo buộc những người bỏ quân đội là có âm mưu đảo chính.

Nhiều sỹ quan quân đội giữ chức bộ trưởng hay các vị trí có ảnh hưởng khác trong chính phủ.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47140342

 

Venezuela chuyển tài khoản của liên doanh

dầu khi sang ngân hàng Nga

Caracas, Venezuela – Theo tin từ Reuters, công ty dầu khí nhà nước Venezuela PDVSA đang yêu cầu khách hàng tại các liên doanh của công ty ký gửi tiền bán hàng vào một tài khoản mới, mở tại Ngân hàng Gazprombank AO của Nga.

Quyết định này của PDVSA được đưa ra sau Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm ngặt mới vào ngày 28 tháng 1, nhằm ngăn chặn Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tiếp cận nguồn doanh thu dầu của quốc gia.

Gần đây, những người ủng hộ ông Juan Guaido, nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela và tổng thống lâm thời tự xưng, cho biết một tài khoản mới sẽ được thành lập để tiếp nhận tiền thu được từ việc bán dầu của Venezuela.

Cho đến nay, Hoa Kỳ và hàng chục quốc gia khác đã công nhận ông Guaido là tổng thống hợp pháp chính thức của quốc gia. Tổng Thống Maduro đã tố cáo ông Guaido là tay sai của Hoa Kỳ, đang tìm cách thúc đẩy một cuộc đảo chính.

Hãng Reuters dẫn lời các nguồn thạo tin cho biết, PDVSA cũng đang thúc ép các đối tác ngoại quốc nắm giữ cổ phần trong các liên doanh trong khu vực sản xuất Vành đai Orinoco, nhằm đưa ra quyết định chính thức xem liệu họ có tiếp tục tham gia dự án hay không. Các đối tác nói trên bao gồm công ty Equinor ASA của Na Uy, công ty Chevron có trụ sở tại Hoa Kỳ và công ty Total SA của Pháp.

Bên cạnh đó, PDVSA cũng yêu cầu liên doanh Petrocedeno của công ty này cùng với Equinor và Total SA ngưng sản xuất dầu siêu nặng, do thiếu hụt chất pha loãng naphtha cần thiết để có thể xuất càng loại dầu này. Nguyên nhân của sự thiếu hụt là do lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, cấm các nhà cung cấp nhiên liệu xuất cảng sang Venezuela. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/venezuela-chuyen-tai-khoan-cua-lien-doanh-dau-khi-sang-ngan-hang-nga/

 

HĐBA: Mỹ và Nga trình 2 dự thảo

nghị quyết đối nghịch về Venezuela

Thanh Hà

Hôm 08/02/2019, Nga và Mỹ cùng đệ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc hai dự thảo nghị quyết về Venezuela. Washington kêu gọi bầu lại tổng thống Venezuela và dành ưu tiên cho viện trợ nhân đạo. Phía Nga ủng hộ chế độ Maduro. Liên Hiệp Quốc chưa ấn định thời điểm biểu quyết các bản dự thảo nghị quyết nói trên.

Theo bản dự thảo nghị quyết của Mỹ mà hãng tin Pháp AFP có được, Washington “hoàn toàn ủng hộ” Quốc Hội Venezuela trong tay phe đối lập. Dự thảo nghị quyết của Mỹ kêu gọi tổng thư ký Liên Hiệp Quốc can thiệp, thúc đẩy chính quyền Caracas tổ chức bầu lại tổng thống, một cuộc tuyển cử “tự do, công bằng và đáng tin cậy”.

Washington bày tỏ “lo ngại sâu sắc trước tình trạng bạo động và việc quân đội Venezuela sử dụng vũ lực quá đáng nhắm vào những người biểu tình ôn hòa”. Đồng thời, văn bản nhấn mạnh các bên cần “tránh để khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng” và kêu gọi “tạo điều kiện đưa viện trợ nhân đạo” đến tay người dân Venezuela.

Một nguồn tin ngoại giao cho AFP biết, cùng ngày với Mỹ, Nga cũng đã đệ trình lên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc một bản dự thảo nghị quyết về Venezuela. Trong văn bản này, Matxcơva chỉ trích một số “âm mưu can thiệp vào công việc nội bộ” của Venezuela, “đe dọa tính độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ” của quốc gia này.

Một nguồn tin thông thạo cho biết, bên trong hậu trường Liên Hiệp Quốc các bên vẫn tiếp tục đàm phán, Washington chưa ấn định ngày đưa dự thảo nghị quyết của Mỹ ra thảo luận. Trong trường hợp biểu quyết, đề xuất của Nga sẽ không hội đủ số phiếu để được thông qua.

Thêm một sĩ quan cao cấp ủng hộ Juan Guaido

Tại Caracas, thêm một sĩ quan cao cấp Venezuela đứng về phe tổng thống tự phong Juan Guaido. Trong một đoạn video được công bố ngày 09/02/2019, đại tá Lục Quân Ruben Alberto Paz Jimenez tuyên bố “không công nhận Maduro là tổng thống” mà xem tổng thống tự phong Juan Guaido là người đứng đầu Quân Đội.

Ông Pas Jemenez kêu gọi bộ trưởng Quốc Phòng Venezuela, Vladimir Padrino Lopez, một người trung thành với tổng thống Nicolas Maduro nên “suy nghĩ kỹ” trước một thời điểm mang tính quyết định đối với Venezuela. Mặt khác ông chủ trương Caracas cần nhanh chóng mở cửa biên giới để viện trợ nhân đạo quốc tế đến được tay người dân Venezuela.

Ruben Alberto Paz Jimenez là nhân vận cao cấp thứ nhì trong quân đội Venezuela tuyên bố ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido kể từ khi nhân vật này tự phong là tổng thống Venezuela hôm 23/01/2019. Cuối tuần trước, một viên tướng Không Quân Venezuela đã thông báo đứng về phía ông Guaido.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190210-hdba-lhq-2-du-thao-nghi-quyet-doi-nghich-cua-my-va-nga-ve-venezuela

 

Vị Hồng y bị sa thải

đưa ra tuyên ngôn nhắm vào Đức Giáo hoàng

Vatican City – Theo tin từ Reuters, một vị Hồng y bị Đức Giáo hoàng Francis sa thải khỏi vị trí cao cấp ở Vatican, đã công bố một “Tuyên ngôn Đức tin” của riêng mình. Đây là cuộc tấn công mới nhất nhằm vào Đức Giáo hoàng, từ một thành viên lãnh đạo của phe bảo thủ tại Tòa Thánh.

Hồng y Gerhard Mueller, 71 tuổi, người Đức, là người đứng đầu Giáo lý Vatican cho đến năm 2017. Vào thứ Sáu (8 tháng 2), ông Mueller đã công bố bản Tuyên ngôn Đức tin dài 4 trang do chính ông viết trên các mạng truyền thông của phe bảo thủ.

Trong tuần này, phe bảo thủ đã chỉ trích Giáo hoàng khi ông thực hiện chuyến công du đầu tiên của một Giáo hoàng đến bán đảo Arab và ký một “Tài liệu về Tình huynh đệ” với một nhà lãnh đạo đức tin Hồi giáo. Phe bảo thủ cực đoan của Công giáo phản đối các cuộc đối thoại với Hồi giáo, một số người còn cáo buộc mục tiêu của người Hồi giáo là tiêu diệt các nước phương Tây.

Ông Mueller cho biết bản tuyên ngôn được viết ra trong bối cảnh sự hoang mang của người dân ngày càng gia tăng, khi mà một số lãnh đạo của Giáo hội đã bỏ rơi người dân, làm họ lo lắng và làm tổn hại nghiêm trọng đến đức tin của họ.

Dù không nói ra tên của Đức Giáo hoàng, nhưng ông Mueller là một trong số ít các Hồng y bảo thủ công khai cáo buộc Giáo hoàng Francis gieo rắc sự hoang mang. Những Hồng y bảo thủ cho biết Đức Giáo Hoàng Francis đang làm suy yếu các quy tắc của Công giáo về các vấn đề đạo đức như đồng tính luyến ái và ly dị trong khi tập trung quá mức vào các vấn đề xã hội như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng kinh tế.

Tuyên ngôn của ông Mueller phần lớn nhắc lại các giáo lý của Giáo hội, tuy nhiên, một phần của tuyên bố là lời chỉ trích rõ rệt nhằm vào Đức Giáo hoàng và việc ông tiếp cận với những người Công giáo đã ly dị và tái hôn bên ngoài Giáo hội. (Mộc Miên)

https://www.sbtn.tv/vi-hong-y-bi-sa-thai-dua-ra-tuyen-ngon-nham-vao-duc-giao-hoang/

 

Thủ tướng Đức nhắc

vụ ông Trịnh Xuân Thanh ở Slovakia

10/02/2019

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết đã trao đổi về “vụ bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh với quan chức Slovakia trong chuyến thăm ngắn ngày tới nước này.

“Có, chúng tôi cũng đã thảo luận nhanh về chuyện đó”, bà Merkel nói trong cuộc họp báo cuối tuần trước ở thủ đô Bratislava, theo tờ Spectator.

Nữ quan chức Đức nói tiếp rằng bà “không còn nghi ngờ về chuyện Slovakia đang làm mọi chuyện để điều tra vụ bắt cóc này”.

Trong khi đó, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini cho biết rằng các nhóm điều tra “đang thu thập bằng chứng”.

Ông cho biết thêm rằng các nghi can “đã bị bắt giữ”, và đề nghị để cho “các nhà điều tra tiếp tục xử lý vụ việc”.

Trong chuyến thăm Slovakia hôm 7/2, bà Merkel đã được Tổng thống nước chủ nhà, ông Andrej Kiska, trao tặng huy chương cao quý nhất của nước này dành tặng cho một công dân nước ngoài.

XEM THÊM:

Việt Nam phủ nhận thông tin trả lại Trịnh Xuân Thanh cho Đức

Việc bà Merkel đề cập tới vụ việc liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh cũng được báo chí Đức đưa tin.

Tiroler Tageszeitung dẫn lời bà Merkel nói rằng sở dĩ vụ ông Trịnh Xuân Thanh được nêu lên là vì phía Đức “muốn nghe lời giải thích”.

Trang này cho biết rằng nữ thủ tướng Đức trả lời vậy sau khi được hỏi rằng liệu “sự can dự của cơ quan chính phủ Slovakia” ảnh hưởng như thế nào tới sự tin tưởng hợp tác giữa hai nước.

Tiroler Tageszeitung dẫn lại cáo buộc nói rằng một máy bay của chính phủ Slovakia đã được sử dụng trong “vụ bắt cóc” ông Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.

Tháng Mười năm ngoái, Slovakia tuyên bố “tạm ngừng” quan hệ với Việt Nam cho đến khi nào nước này nhận được lời giải thích thỏa đáng từ Hà Nội về vụ ông Trịnh Xuân Thanh.

Trước đó, có tin nói rằng ông Thanh đã được đưa lên chiếc chuyên cơ mà Slovakia cho phái đoàn quan chức Việt Nam mượn rồi từ đó quá cảnh ở Nga trước khi về Việt Nam.

Hiện chưa rõ quan hệ Hà Nội và Bratislava đã được khôi phục lại hay chưa.

https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%A7-t%C6%B0%E1%BB%9Bng-%C4%91%E1%BB%A9c-nh%E1%BA%AFc-v%E1%BB%A5-%C3%B4ng-tr%E1%BB%8Bnh-xu%C3%A2n-thanh-%E1%BB%9F-slovakia/4780534.html

 

Biểu tình “áo gi-lê vàng” biến thành bạo động ở Paris

Một người biểu tình “áo gi-lê vàng” ở Pháp bị đứt lìa ngón tay hôm thứ Bảy trong những vụ đụng độ dữ dội ở Paris khi những người biểu tình cố gắng xông vào Quốc hội Pháp trong đợt biểu tình cuối tuần thứ 13 liên tiếp.

Cảnh sát cho biết người biểu tình bị thương nói trên mất bốn ngón tay khi cảnh sát ập tới để ngăn những người biểu tình xông vào khu vực bên ngoài Quốc hội. Cảnh sát không thể xác nhận tin tức trên truyền thông Pháp cho hay bàn tay của người biểu tình này, hiện đang được chữa trị trong bệnh viện, đứt lìa do sức nổ từ một quả lựu đạn được dùng để giải tán đám đông mất trật tự.

Khi những vụ ẩu đả nổ ra trước Quốc hội và cảnh sát Pháp đáp trả bằng hơi cay, các nhân viên y tế đã vây quanh người biểu tình bị thương tại cổng Quốc hội, theo tường trình của AP.

Hãng tin này cho biết cảnh sát dùng dùi cui và bắn hơi cay ở Paris để giải tán những người biểu tình, một số người ném các mảnh vỡ vào cảnh sát chống bạo động. Xe hơi, xe máy và thùng rác bị phóng hỏa trong khi cuộc biểu tình di chuyển về phía Điện Invalides và sang Tháp Eiffel.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner lên Twitter bày tỏ “sự ghê tởm” khi những người biểu tình châm lửa đốt một chiếc xe quân sự chống khủng bố.

Những chiếc xe này thường được nhìn thấy ở Paris kể từ các cuộc tấn công khủng bố gây chết người vào năm 2015.

Cảnh sát cho biết 31 người biểu tình đã bị bắt trong vụ bất ổn. Nhưng Bộ Nội vụ Pháp nói cuộc biểu tình tuần này nhỏ hơn đáng kể so với tuần trước.

Những người biểu tình áo gi-lê vàng – loại áo khoác màu vàng dạ quang dành cho người lái xe ở Pháp – hiện đang cố gắng giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào Nghị viện Châu Âu vào tháng 5 sau khi hàng trăm ngàn người đã đổ ra đường suốt ba tháng qua. Nhưng phong trào này bị chia rẽ về chính trị và không có người lãnh đạo được chỉ định.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – mục tiêu nhắm vào của nhiều người biểu tình – dường như đang giành lại được sự ủng hộ của công chúng trong khi ông cố gắng ứng phó với sự giận dữ của phong trào này bằng một cuộc tranh luận chính trị toàn quốc về sự bất công kinh tế. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho ông đang nhích lên.

https://www.voatiengviet.com/a/bieu-tinh-ao-gile-vang-bien-thanh-bao-dong-o-paris/4780032.html

 

Brexit: Anh hủy hợp đồng

với một công ty vận tải biển không có tàu

Thụy My

Chính phủ Anh hôm 09/02/2019 bị chỉ trích là bừa bãi trong việc chuẩn bị cho trường hợp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận. Luân Đôn đã phải hủy một hợp đồng vận chuyển hàng hải với một công ty không có tàu mà cũng chẳng có kinh nghiệm. Vào thời điểm ký hợp đồng, chính quyền tuyên bố là hoàn toàn ý thức được rằng Seaborne là « một nhà cung cấp dịch vụ hàng hải mới », tuy nhiên đã « kiểm tra kỹ lưỡng ».

Từ Luân Đôn, thông tín viên Marina Daras cho biết thêm chi tiết :

« Còn 47 ngày nữa là đến thời hạn chính thức Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, việc chuẩn bị cho tình huống Brexit không có thỏa thuận đang diễn ra một cách hối hả.

Đã từng bị chỉ trích hồi tháng 12 vì một quan hệ đối tác khả nghi, bộ Giao Thông Anh hôm qua buộc lòng phải vội vã hủy bỏ một hợp đồng 15,3 triệu euro với công ty Anh Seaborne. Theo hợp đồng, thì công ty này phải đảm trách việc cung cấp thêm những chuyến tàu giữa Ramsgate và Ostende, nhằm hạn chế những rối loạn, nếu không có thỏa thuận nào được tìm ra trước khi Anh quốc rời Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 29/3 tới.

Tuy nhiên Seaborne chưa bao giờ làm dịch vụ vận chuyển hàng hải, và nhất là chẳng sở hữu một chiếc tàu nào. Seaborne trông cậy vào một công ty thứ ba là Arklow Shipping ở Ailen, sẽ cung cấp các tàu và phụ trách việc điều vận. Nhưng Arklow Shipping bất ngờ rút lui, khiến chính quyền Anh đành phải chia tay với hợp đồng đối tác này.

Bộ trưởng Giao Thông Chris Grayling bị đả kích dữ dội vì sai lầm trên đây. Công Đảng thậm chí còn đòi hỏi người được mô tả là « bộ trưởng tệ hại nhất từ trước đến nay » phải từ chức. »

Làn sóng công ty rời khỏi Anh

Cơ quan đầu tư nước ngoài của Hà Lan (NFIA) hôm qua cho biết trong năm qua có 42 công ty đã chuyển trụ sở từ Anh về Hà Lan, do những bất ổn liên quan đến Brexit, trong đó có các công ty tài chính, bảo hiểm quan trọng. Có nghĩa là sẽ tạo ra 1.923 việc làm, và 291 triệu euro đầu tư. Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu (EMA) cũng sẽ từ Luân Đôn dời về Amsterdam.

Chỉ riêng trong tháng Giêng, đã có 250 công ty nước ngoài có trụ sở tại Anh liên lạc với NFIA để di dời sang Hà Lan ; các nước khác như Đức, Pháp, Ailen cũng đang được dòm ngó. Lo sợ về tình trạng hỗn độn hiện nay trước Brexit, tập đoàn Sony và Dyson đã rời khỏi nước Anh hồi tháng Giêng, còn nhà sản xuất xe hơi Nissan tuần rồi loan báo sẽ không lắp ráp một kiểu xe tại Anh Quốc.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190210-brexit-anh-huy-hop-dong-voi-mot-cong-ty-van-tai-bien-khong-co-tau

 

Bầu cử tổng thống Ukraina:

Lạm phát ứng cử viên

Thanh Hà

Tổng thống kiêm ứng viên tổng thống Ukraina Petro Poroshenko tại một cuộc mít tinh tranh cử ở Kiev (Ukraina), ngày 09/02/2019.Mykola Lazarenko/Ukrainian Presidential Press Service/Handout vi

Ukraina bước vào mùa tranh cử. Ủy ban bầu cử Ukraina ngày 09/02/2019 công bố danh sách 44 ứng cử viên được ra tranh cử tổng thống. Đây là một con số kỷ lục cho vòng 1 cuộc tuyển cử diễn ra vào ngày 31/03/2019, trong bối cảnh chiến sự tại miền đông Ukraina vẫn tiếp diễn. Tổng thống Porochenko ra tranh cử cho một nhiệm kỳ thứ hai.

Thông tín viên đài RFI, Sébastien Gobert từ Kiev tường thuật :

« Đây là một cuộc tuyển cử với nhiều kỷ lục. 90 người đệ đơn xin ra tranh cử, 44 trong số đó được Ủy ban bầu cử chấp thuận và trong số các ứng viên, có 4 phụ nữ. Đây cũng được coi là một cuộc tranh cử tốn kém nhất, mang tính dân túy nặng nhất, có nguy cơ gian lận cao nhất kể từ khi Ukraina độc lập.

Tại một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh và đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, 44 ứng cử viên tổng thống là một con số gây bất ngờ. Điều này cho thấy công luận bất tín nhiệm tổng thống Petro Porochenko, đặc biệt do ông này nắm giữ quá nhiều quyền lực và duy trì một mạng lưới tham nhũng.

Trong số những đối thủ chính của ông Porochenko, có cựu nữ thủ tướng Ioulia Timochenko và một gương mặt mới trên chính trường Ukraina là ông Volodymyr Zelensky. Ông này tự nhận là một ứng viên đứng ngoài “hệ thống” và rất được lòng dân mặc dù có liên hệ với một trong những nhà tài phiệt lớn nhất Ukraina.

Nhìn đến 41 ứng cử viên còn lại, một số là từng phạm tội, ra tranh cử với hy vọng được miễn truy tố một khi đắc cử. Có những ứng viên thuộc cánh thân Nga, hay những ứng cử viên thuộc diện ‘kỹ thuật’ tức là ra tranh cử để đánh lạc hướng dư luận. Cử tri Ukraina bị đánh hỏa mù. Hơn 50% còn do dự, chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai. 

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190210-bau-cu-tong-thong-ukraina-lam-phat-ung-cu-vien

 

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu TQ thôi giam giữ người Duy Ngô Nhĩ

Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa các trại giam sau khi có tin nói một nhạc sĩ thiệt mạng

Thổ Nhĩ Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc đóng cửa các trại giam giữ sau khi có tin về cái chết được của một nhạc sĩ nổi tiếng thuộc sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Abdurehim Heyit được cho là đang thụ án 8 năm ở vùng Tân Cương, nơi có tới một triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ.

TQ chi hàng tỷ USD xây trại giam ở Tân Cương

Tìm hiểu chuyện ‘người Hồi giáo ở TQ bị trấn áp’

Trung Quốc chặn các học giả nước ngoài ra sao?

Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết những người này đang bị “tra tấn” trong các “trại tập trung”.

Không còn là bí mật nữa mà hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ tùy tiện và phải chịu tra tấn, tẩy não chính trị trong các nhà tùNgười phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ

Trung Quốc mô tả các bình luận này là “hoàn toàn không thể chấp nhận”.

Người Duy Ngô Nhĩ là một dân tộc thiểu số nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống tại Tân Cương mạn tây bắc Trung Quốc, vùng đất đã bị chính quyền Trung Quốc giám sát nghiêm ngặt.

Ngôn ngữ của họ gần với tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và một số lượng đáng kể người Duy Ngô Nhĩ đã trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ từ Trung Quốc trong những năm gần đây.

Cho đến nay, rất ít quốc gia có đa số dân số người Hồi giáo cùng lên án trên trường quốc tế về những cáo buộc này. Giới phân tích nói rằng nhiều nước sợ sự trả đũa chính trị và kinh tế từ Trung Quốc.

Thổ Nhĩ Kỳ nói gì?

Các tin tức cho hay khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam cầm ở Tân Cương, nhiều người trong đó được cho là bị ‘tra tấn’, ‘tẩy não chính trị’

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm thứ Bảy 09/2/2019, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hami Aksoy nói:

TQ: Bắc Kinh phủ nhận giam giữ một triệu người Hồi giáo Uighur

Người Philippines vẫn tin Mỹ hơn TQ

Người Tân Cương bị tịch thu hộ chiếu

TQ diễu hành ‘chống khủng bố’ tại Tân Cương

“Không còn là bí mật nữa mà hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ bị bắt giữ tùy tiện và phải chịu tra tấn, tẩy não chính trị trong các nhà tù, ngoài ra những người không bị giam giữ cũng phải chịu “những áp lực rất lớn”.

“Việc quay trở lại của các trại tập trung trong thế kỷ 21 và chính sách đồng hóa có hệ thống của chính quyền Trung Quốc chống lại người Duy Ngô Nhĩ gốc Thổ Nhĩ Kỳ là một bối rối lớn đối với nhân loại”, ông Aksoy nói.

Cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều phải đối mặt với nhiệm vụ gian khó là chống khủng bố. Chúng tôi phản đối việc duy trì tiêu chuẩn kép trong vấn đề chống khủng bốTuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc

Ông cũng nói rằng tin tức về cái chết của nhạc sĩ Heyit “thúc đẩy hơn nữa phản ứng của công chúng Thổ Nhĩ Kỳ đối với các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ở Tân Cương” và kêu gọi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres “thực hiện các bước hiệu quả để chấm dứt thảm kịch nhân đạo” ở đó.

Các nhóm nhân quyền nói người Duy Ngô Nhĩ, người Kazakhstan và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ vô thời hạn mà không được đưa ra tòa do các hành vi như từ chối cung cấp mẫu DNA, nói ngôn ngữ thiểu số hoặc tranh luận với các quan chức.

Phản ứng của Bắc Kinh?

Trong một tuyên bố được hãng tin AP trích dẫn, Trung Quốc thông qua đại sứ quán của họ ở Ankara kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ rút lại “những cáo buộc sai trái”.

TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo

TQ: ‘Giam triệu người Uighur’, phá đền thờ Hồi giáo

TQ: cấm râu dài, mạng che mặt ở Tân Cương

“Cả Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ đều phải đối mặt với nhiệm vụ gian khó là chống khủng bố. Chúng tôi phản đối việc duy trì tiêu chuẩn kép trong vấn đề chống khủng bố”, tuyên bố nói.

“Chúng tôi hy vọng phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hiểu đúng về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc triển khai hợp pháp các biện pháp nhằm chống khủng bố và cực đoan một cách hiệu quả, rút lại các cáo buộc sai lầm và thực hiện các biện pháp để loại bỏ các tác động có hại của chúng.”

Bắc Kinh tuyên bố rằng các trại giam ở Tân Cương là “trung tâm giáo dục nghề nghiệp” được thiết kế để giúp vùng này thoát khỏi khủng bố.

Phát biểu vào tháng 10/2018, quan chức hàng đầu của Trung Quốc tại Tân Cương, Shohrat Zakir, cho biết “các thực tập sinh” trong các trại rất biết ơn về cơ hội được “suy ngẫm về những sai lầm của họ”.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-47190374

 

Syria: Liên quân Ả Rập – Kurdistan

đánh vào cứ địa cuối cùng của Daech

Trọng Nghĩa

Năm tháng sau khi mở chiến dịch đánh vào tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ở miền đông Syria, vào hôm qua, 09/02/2019, chiến binh Ả Rập Kurdistan thuộc Lực Lượng Dân Chủ Syria được Mỹ hậu thuẫn đã loan báo khởi động cuộc tấn công « tối hậu » nhắm vào cứ địa cuối cùng của Daech không xa biên giới với Irak.

Từ Beyrouth, thông tín viên đặc trách khu vực Paul Khalifeh tường trình :

Trận đánh cuối cùng mà Lực Lượng Dân Chủ Syria FDS được Washington yểm trợ tung ra, tập trung vào một ổ kháng cự cuối cùng rộng khoảng bốn cây số vuông, nơi cố thủ của khoảng 600 chiến binh thánh chiến, trong đó có cả người nước ngoài và gia đình của họ.

Trong một tuyên bố, liên minh Ả Rập-Kurdistan khẳng định trận chiến sẽ kết thúc trong vài ngày sắp tới, trong lúc tại Washington, tổng thống Donald Trump cho là Daech sẽ bị đánh gục hoàn toàn ở Syria trong vòng một tuần.

Theo nhiều nguồn tin từ phe đối lập Syria, song song với chiến dịch quân sự, các cuộc đàm phán cũng được mở ra để chiêu hàng các phần tử thánh chiến, Daech đang xem xét đề nghị rời bỏ thành trì cuối cùng của họ để rút về vùng Al-Anbar (Irak) hoặc Tanaf, trong khu tam giác biên giới Syria-Irak-Jordan. Các chiến binh thánh chiến sẽ được rời đi cùng với gia đình của họ. Những người bị thương và một số tù binh sẽ được trao lại cho lực lượng FDS.

Vào thời cực thịnh năm 2015, vùng lãnh thổ mà tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo kiểm soát bao trùm một nửa Syria và một phần ba Irak, với một đạo quân hơn 100.000 người, trong đó có hàng ngàn chiến binh thánh chiến nước ngoài.

Ngày nay, Daech chỉ còn kiểm soát được một phần trăm vùng lãnh thổ rộng lớn đó mà thôi.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190210-syria-lien-quan-a-rap-kurdistan-danh-vao-cu-dia-cuoi-cung-cua-daech

 

TQ lên án chuyến thăm của thủ tướng Ấn Độ

 tới khu vực tranh chấp

Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Bảy lên án chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới bang biên giới Arunachal Pradesh ở vùng đông bắc có tranh chấp, nói rằng họ kiên quyết phản đối các hoạt động của các nhà lãnh đạo Ấn Độ trong khu vực này.

Chuyến thăm của ông Modi là một phần trong một loạt các cuộc gặp gỡ công chúng trong khu vực nhằm thu hút sự ủng hộ cho Đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của ông trước các cuộc bầu cử ở Ấn Độ vào tháng 5.

Bất chấp những nỗ lực gần đây nhằm cải thiện quan hệ song phương ở cả hai nước, tranh chấp liên quan tới biên giới Ấn-Trung ở vùng núi non – khơi ra một cuộc chiến vào năm 1962 – và khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là miền nam Tây Tạng vẫn là một vấn đề nhạy cảm.

“Trung Quốc thúc giục phía Ấn Độ xuất phát từ đại cục quan hệ song phương, tôn trọng lợi ích và quan tâm của phía Trung Quốc, trân trọng động lực của việc cải thiện quan hệ giữa hai nước, và kiềm chế mọi hành động làm gia tăng tranh chấp và phức tạp hóa vấn đề biên giới,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong một phát biểu.

Đáp lại, người phát ngôn chính thức của Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói trong một thông cáo rằng Arunachal Pradesh là “một phần thiết yếu và không thể tách rời của Ấn Độ.”

“Đôi lúc các nhà lãnh đạo Ấn Độ đến thăm Arunachal Pradesh, cũng như họ đến thăm các vùng khác của Ấn Độ. Lập trường nhất quán này đã được truyền đạt với phía Trung Quốc trong một số dịp.”

Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều đã tìm cách xây dựng lại niềm tin sau một vụ đối đầu vũ trang trên một dải biên giới nằm trong dãy Himalaya vào năm 2017.

Ông Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hội kiến một số lần trong năm ngoái để thúc đẩy các cuộc thảo luận về thương mại. Nhưng tiến bộ, theo các quan chức chính phủ Ấn Độ và các đại diện của các cơ quan thương mại khác nhau của Ấn Độ, vẫn còn rất chậm.

https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-len-an-chuyen-tham-cua-thu-tuong-an-do-toi-khu-vuc-tranh-chap/4780031.html

 

Kim Jong Un sẽ công du Việt Nam

nhân thượng đỉnh với Donald Trump?

Thanh Hà

Một ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo thượng đỉnh Mỹ -Bắc Triều Tiên lần thứ nhì diễn ra tại Hà Nội, giới quan sát – được truyền thông Hàn Quốc ngày 09/02/2019 trích dẫn – cho rằng khả năng lãnh đạo Bình Nhưỡng chính thức viếng thăm Việt Nam ngày càng lớn.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap ghi nhận, nếu tin trên được xác nhận thì đây sẽ lần lần đầu tiên một lãnh đạo Bắc Triều Tiên viếng thăm Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ qua.

Đôi bên thiết lập bang giao từ năm 1950 và Bình Nhưỡng từng đứng về phía Hà Nội trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam. Tuy nhiên quan hệ song phương đã xấu đi vào cuối thập niên 1970 khi Bắc Triều Tiên chỉ trích Việt Nam can thiệp quân sự vào Cam Bốt.

Mãi đến năm 1984, Hà Nội và Bình Nhưỡng mới bình thường hóa quan hệ trở lại. Mức độ thân mật đó tuy nhiên đã phần nào lạnh nhạt khi Hà Nội chính thức thiết lập bang giao với Seoul vào năm 1992.

Dù vậy, trên thực tế, Việt Nam vẫn được xem là một người bạn lâu đời của Bắc Triều Tiên, do việc Hà Nội từng ủng hộ Bình Nhưỡng tham gia Diễn Đàn Khu Vực ASEAN ARF và đã tham gia chương trình đổi vũ khí lấy lương thực, giúp Bắc Triều Tiên đối phó với lệnh cấm vận của quốc tế trong thập niên 1990.

Việc tổ chức thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên lần thứ nhì tại Hà Nội tạo điều kiện thuận lợi để ông Kim Jong Un chính thức viếng thăm Việt Nam. Đôi bên có hai tuần lễ để chuẩn bị cho sự kiện ngoại giao này trong những điều kiện tương đối dễ dàng, vì Bắc Triều Tiên có sứ quán tại Hà Nội.

Theo hãng tin Hàn Quốc, đây cũng chính là lý do vì sao phía Bình Nhưỡng chọn Hà Nội là địa điểm cho thượng đỉnh Kim- Trump lần thứ nhì, trong lúc tổng thống Hoa Kỳ có vẻ thích Đà Nẵng hơn.

Về nội dung các cuộc thảo luận giữa nguyên thủ Bắc Triều Tiên với lãnh đạo Việt Nam, giới quan sát được Yonhap trích dẫn đã dự báo rằng cải tổ kinh tế sẽ là hồ sơ chính từ sau kinh nghiệm Đổi Mới của Việt Nam.

Hai đoàn đàm phán Mỹ- Triều sẽ họp lại trước thượng đỉnh Hà Nội

Đặc sứ Mỹ về Bắc Triều Tiên ngày 10/02/2019 rời Seoul trở về Mỹ, kết thúc một tuần lễ làm việc tại bán đảo Triều Tiên. Ông Stephen Biegun dự trù gặp lại đối tác Bắc Triều Tiên Kim Hyok Chol trong tuần lễ từ 18/02/2019, trước thượng đỉnh Trump- Kim tại Việt Nam.

Phái đoàn Mỹ và Bắc Triều Tiên có thể gặp lại nhau tại Hà Nội, Bình Nhưỡng hay Washington và cũng có thể là trong khu vực biên giới giữa hai nước Triều Tiên.

Phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, ông Kim Eui Kyeon thông báo, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nguyên thủ Hoa Kỳ, Donald Trump, dự trù làm việc chung với nhau trước thượng đỉnh Mỹ- Bắc Triều Tiên tại Hà Nội mở ra trong hai ngày 27-28/02/2019.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20190210-kim-jong-un-cong-du-viet-nam

 

Bắc Kinh và chiến lược đổ bộ âm thầm vào nước Úc

Phạm Phú Khải

Cách đây không lâu, Huang Xiangmo là một trong hai người Trung Quốc có ảnh hưởng mạnh mẽ lên chính giới và hai đảng chính trị lớn nhất của Úc, đảng Lao động và đảng Cấp tiến. Người kia là Chau Chak Wing. Cả hai được tuyên dương vì các đóng góp từ thiện đáng kể cũng như hỗ trợ tài chánh cho các hoạt động của chính đảng.

Giờ đây âm mưu đằng sau hai nhân vật này đã được vạch trần trên phương tiện truyền thông Úc. Cả hai ông Huang và Chau bị tố cáo làm cánh tay dài của Bắc Kinh. Ông Chau (biệt danh CC3) cũng bị dân biểu Andrew Hastie tố cáo tại quốc hội Úc về hành vi lũng đoạn Liên Hiệp Quốc qua vụ hối lộ cố Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ John Ashe. Còn hồ sơ xin gia nhập công dân của ông Huang thì mới đây đã bị từ chối, và tư cách thường trú nhân của ông cũng bị hủy bỏ. Tuy có biệt thự trị giá 13 triệu đô la tại Sydney, ông Huang hiện đang ở ngoài Úc (có nguồn tin cho rằng ông đang ở Bắc Kinh, nguồn khác thì nói Hồng Kông) nên có xác xuất là ông không bao giờ được quay về lại ngôi nhà này của mình. Quyết định của chính phủ Úc đối với hồ sơ di trú của ông Huang đã gửi một thông điệp mạnh mẽ nhất đến các chính quyền nước ngoài, đặc biệt là Bắc Kinh, rằng nếu có ý đồ sử dụng tiền để lũng đoạn chính trị tại đây thì nên nghĩ lại.

Ông Huang là ai và đã làm gì để gây ảnh hưởng tại Úc?

Đến Úc năm 2011, ông Huang đã tìm cách tạo ảnh hưởng lên xã hội và chính trị Úc trong một thời gian ngắn. Trong vòng 5 năm, ông Huang đã ủng hộ các chính đảng số tiền lên đến 2,7 triệu đô la, bảo trợ 3,5 triệu đô la cho trường đại học Western Sydney để thành lập viện Nghệ thuật và Văn hóa Úc-Trung, và 1,8 triệu đô la để thành lập Viện Nghiên cứu Quan hệ Úc-Trung tại trường đại học UTS (xếp đặt cựu Thủ hiến Sydney và Ngoại trưởng Úc Bob Carr làm chủ tịch). Không lâu sau đó, ông trở thành Chủ tịch của Hội đồng Úc châu để Thúc đẩy sự Thống nhất Hòa bình của Trung Quốc (CPPRC). Đây là một nhóm hoạt động mang tính cộng đồng của Trung Quốc ở hải ngoại mà về sau được phát giác là có nhiệm vụ phát triển mạng lưới ảnh hưởng của Bắc Kinh. Sau này nhiều người mới biết rằng CPPRC là một trong nhiều nhóm mang danh nghĩa xã hội dân sự được Bắc Kinh quản lý, tuyển dụng bởi giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, bề ngoài ra vẻ độc lập nhưng chủ yếu phục vụ cho các chính sách của đảng.

Nhờ các việc làm trên, ông Huang đã gặp gỡ được hầu hết các lãnh đạo hàng đầu của đảng cầm quyền lẫn đối lập tại Úc, và chụp hình chung với tất cả các lãnh đạo này. Ảnh hưởng và tên tuổi của ông Huang ngày càng gia tăng vào năm 2016, cho đến khi các biến cố tại Biển Đông nổi lên. Vào ngày 12 tháng Bảy năm 2016 Tòa Trọng tài Thường trực Hague quyết định Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Philippines, và đường lưỡi bò mà Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ là không có cơ sở pháp lý. Liền sau đó, chính quyền Úc, đặc biệt bà Julie Bishop người đứng đầu Bộ Ngoại giao, đã kêu gọi Trung Quốc cũng như các bên tranh chấp tôn trọng phán quyết sau cùng này, và khẳng định rằng Úc cũng như mọi quốc gia khác đều có quyền sử dụng hải phận và đường bay theo luật quốc tế. Bắc Kinh đã nổi giận về lập trường của Úc, và tỏ vẻ muốn dạy cho Úc một bài học, như thái độ trịch thượng của họ trước đây với các nước láng giềng khác, mà Việt Nam đã có quá nhiều kinh nghiệm.

Liền sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực, Bắc Kinh đã sử dụng mọi phương tiện và biện pháp có thể để tạo áp lực tối đa lên nước Úc. Đầu tiên là bật đèn xanh cho các nhóm cộng đồng người Hoa mà đã bị họ ảnh hưởng bấy lâu nay (không phải cộng đồng người Hoa tự do), xuống đường biểu tình trên đường phố Melbourne yêu cầu chính quyền Úc không can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc. Kế đến là các áp lực về kinh tế và thương mại. Nên nhớ nền kinh tế của Úc phụ thuộc khá nhiều vào kinh tế của Trung Quốc, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 33,7 phần trăm, nhập khẩu 22,5 phần trăm, tổng cộng là 28,2 phần trăm, đứng đầu danh sách giao thương giữa Úc và một nước khác. Bắc Kinh hiểu rõ và lợi dụng ưu thế này để gây khó khăn về thương mại giữa hai nước, điều mà họ thường làm với các quốc gia khác. Họ đã ngâm tôm các sản phẩm nhập cảng từ Úc, Mỹ và nhiều nơi khác, đến mức hư hại, khi có thái độ hay lời nói tiêu cực về phía họ.

Ông Huang cũng đã nhập cuộc sau đó. Biết rằng chính sách ngoại giaocủa chính quyền Úc lẫn đối lập đã rõ ràng về Biển Đông, ông Huang đe dọa rút lại số tiền đã hứa ủng hộ cho đảng Lao động là 400 ngàn đô lakhi người phát ngôn về quốc phòng của đảng này, TNS Stephen Conroy, đã ví quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông là “cực kỳ vô lý”. Và hình như không còn sự chọn lựa nào khác nên lá bài cuối cùng của Huang là vận động một thượng nghị Lao động Sam Dastyari để nhái lại các quan điểm của Bắc Kinh về Biển Đông. Chỉ vì một vài ngàn đô la mà TNS Dastyari đã phát biểu ngược lại với quan điểm của đảng Lao động. Khi vụ này bị truyền thông Úc phanh phui thì tương lai chính trị đang sáng lạn của Dastyari kể từ đó lao xuống vực thẳm. Nhưng chưa hết. Trong lần gặp gỡ vào cuối tháng Mười năm 2016 tại biệt thự của Huang, Dastyari cảnh báo cho Huang nên cẩn thận vì điện thoại của Huang có thể bị các cơ quan chính quyền, kể cả chính quyền Mỹ, nghe lén. Chắc là có nghe lén thật nên sự kiện này gần một năm sau bị phơi bày. Và đây là giọt nước làm tràn ly vì Dastyari chứng tỏ chẳng quan tâm bao nhiêu đến quyền lợi và an ninh quốc gia của Úc. Trước bao áp lực ngày càng gia tăng, TNS Dastyari đã phải chính thức từ nhiệm và từ dã chính trường vào cuối năm qua.

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông, các cơ quan truyền thông Úc, dẫn đầu là sự kết hợp tài tình giữa các phóng viên chuyên nghiệp của Fairfax và ABC, đã điều tra và phanh phui quan hệ giữa các tỷ phú người Trung Quốc tại Úc với các lãnh đạo chính trị và quân sự tại Bắc Kinh và ĐCSTQ, và các ảnh hưởng mà họ muốn đạt được với chính giới Úc. Cuộc điều tra mang tên “Quyền lực và ảnh hưởng” gồm ba phần (12 và 3) đã được trình chiếu vào giữa năm 2017, phanh phui bao nhiêu sự kiện mà ít ai được biết trước đây, làm chấn động nước Úc. Thật ra cơ quan tình báo của Úc là ASIO đã biết rất rõ các vấn đề này và đã từng cảnh báo các chính đảng về âm mưu xâm nhập ảnh hưởng từ bên ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc. Nhưng vì cần tiền hoạt động, hay vì coi nhẹ hay coi thường các âm mưu từ Trung Quốc, nên không đảng nào tích cực tìm biện pháp thích hợp để đối phó cho đến khi các cơ quan truyền thông nỗ lực điều tra và đưa thông tin đến người dân. Đến lúc đó các chính đảng và chính trị gia đã phải chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình trong việc đối phó với sự xâm nhập của ngoại bang (điều mà đã xẩy ra cho Hoa Kỳ qua sự can thiệp của Nga; đối với Úc thì đối tượng chính là Trung Quốc).

Sau vụ điều tra giữa năm 2017 nói trên, đến cuối năm 2017 chính giới Úc đã nhanh chóng thảo luận về dự luật can thiệp từ nước ngoài (foreign interference) và tình báo/gián điệp để có biện pháp tối hảo trong việc ngăn chặn, ngăn ngừa, và trừng phạt những ai vi phạm. Sau một thời gian tranh luận gắt gao, hai bộ luật được thông qua vào giữa năm 2018 và bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2018. Bộ luật này sẽ có những tác động lên các hoạt động của các bộ phận tay, chân, mắt, tai của Bắc Kinh tại Úc, nhưng cụ thể ra sao, chẳng hạn như tác động lên Viện Khổng Tử, CPPRC hay các cơ quan truyền thông của Trung Quốc tại Úc, thì chưa rõ.

Trong thời gian qua, Bắc Kinh rất bất bình với Úc vì họ cho rằng bộ luật này được làm ra để nhắm vào họ. Vì thế mà các cuộc gặp gỡ giữa các quan chức cao cấp chính quyền của hai bên bị đình trệ nhiều lần. Việc xin visa để các phóng viên Úc vào Trung Quốc vào giữa năm 2018 do chính Bob Carr thực hiện, người đứng đầu Viện Quan hệ Úc Trung mà chính ông Huang đã tài trợ, như đề cập trên, cũng gặp sự thinh lặng khó hiểu. Trong khi đó, một phóng viên nhà bình luận có quốc tịch Úc là Yang Hengjun, bay từ New York sang Trung Quốc vào tháng Giêng vừa qua, đã bị bắt giữ tại Quảng Đông khi đang chờ chuyến bay sang Thượng Hải vì bị tình nghi “làm nguy hiểm an ninh quốc gia”. Đây là một trong các hàng loạt bắt vớ và kết tội của Trung Quốc đối với các công dân nước ngoài sau khi Hoa Kỳ yêu cầu Canada dẫn độ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của Huawei. Ngược lại, sau một thời gian dài xem xét trường hợp xin nhập tịch của ông Huang, Úc đã không những từ chối hồ sơ nhập tịch mà còn hủy bỏ tư cách thường trú nhân của ông Huang lúc ông đang ngoài Úc. Đây là một thông điệp mạnh mẽ từ chính quyền Úc, mặc dầu không công khai bởi sự ràng buộc của luật bảo vệ quyền riêng tư.

Tình hình Biển Đông cũng như Ấn Độ – Thái Bình Dương, tuy có vẻ yên tĩnh trên bề mặt phần nào đó, nhưng những đợt sóng ngầm và các thế cờ vây dường như đang bủa tới. Trên mặt trận này, Trung Quốc tuy bỏ ra bao nhiêu tiền để mua ảnh hưởng nhưng dường như vẫn cô đơn và đồng minh thì hiếm hoi. Úc, trong khi đó, có vô số đồng minh và liên minh, trong đó có Bộ Tứ (Úc, Mỹ, Nhật và Ấn), mặt dầu đây không phải là liên minh giống kiểu NATO tại châu Âu. Nếu Úc không bày tỏ thái độ cứng rắn với một tên bully thì không chỉ thiệt thòi về nhiều mặt mà xác xuất tái diễn cũng sẽ rất cao. Việc Úc từ chối và hủy bỏ visa của ông Huang mới đây là trường hợp đầu tiên áp dụng luật can thiệp nước ngoài được ban hành năm ngoái. Nó cũng cho thấy lãnh đạo của Úc có bản lãnh và đã chuẩn bị chiến lược để âm thầm lẫn công khai để đối phó với thách thức và hiểm họa của sự trổi dậy của Trung Quốc trong những năm trước mặt.

Điều đáng nói trong các sự kiện nêu trong bài này là vai trò không thể thay thế của truyền thông tại Úc. Nhờ tính chuyên môn và hoàn toàn độc lập của các cơ quan truyền thông cũng như các chuyên gia về chính trị học như Clive Hamilton, tác giả cuộc Xâm lược Âm thầm (Silent Invasion), nên người Úc đã biết rõ được các vấn đề phức tạp và chuyên môn về hoạt động tình báo của Trung Quốc. Qua đó, mọi công dân có thể thảo luận và tranh luận tích cực về nguyên nhân, hậu quả cũng như các biện pháp cho những vấn đề phức tạp đối diện với quyền lợi và an ninh quốc gia của mình.

(Úc Châu, 07/02/2019)

https://www.voatiengviet.com/a/bac-kinh-va-chien-luoc-do-bo-vao-uc-chau/4776883.html

 

Hàn Quốc góp thêm tiền

 nhằm duy trì sự hiện diện của lính Mỹ

Các quan chức hai nước hôm 10/2 đã ký một thỏa thuận ngắn hạn, gia tăng đóng góp của Hàn Quốc để duy trì sự hiện diện của binh sĩ Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi chính quyền Seoul phải góp thêm tiền.

Theo Reuters, gần 29 nghìn binh sĩ Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc. Quân đội Hoa Kỳ hiện diện ở đây kể từ cuộc chiến Triều Tiên đầu những năm 50.

Thỏa thuận mới vẫn cần phải được Quốc hội Hàn Quốc chuẩn thuận, nhưng mức đóng góp sẽ tăng lên hơn một nghìn tỷ won (890 triệu đôla) từ mức 960 tỷ won năm 2018.

XEM THÊM:

Mỹ và Triều Tiên tiếp tục bàn hội nghị thượng đỉnh ở Việt Nam

Không giống với các thỏa thuận trong quá khứ, có hiệu lực trong 5 năm, lần này, thỏa hiệp dự kiến sẽ hết hạn trong vòng một năm, buộc đôi bên phải quay lại bàn đàm phán trong vòng vài tháng tới, theo Reuters.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha nói rằng dù thỏa thuận vẫn vấp phải chỉ trích trong nước và cần phải được quốc hội thông qua, phản ứng chung tới nay rất “tích cực”.

Trước đó, hai nước đồng minh đã chật vật đạt được một sự đột phá sau 10 vòng đàm phán kể từ tháng Ba năm ngoái.

Trong khi đó, Tổng thống Trump liên tiếp yêu cầu Seoul đóng góp nhiều hơn nữa.

https://www.voatiengviet.com/a/h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-g%C3%B3p-th%C3%AAm-ti%E1%BB%81n-nh%E1%BA%B1m-duy-tr%C3%AC-s%E1%BB%B1-hi%E1%BB%87n-di%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-l%C3%ADnh-m%E1%BB%B9/4780611.html

 

Hoa Kỳ hoan nghênh Thái Lan

điều tra vụ mất tích của nhà báo Trương Duy Nhất

Hoa Kỳ hôm 8/2 hoan nghênh chính phủ Thái Lan điều tra về vụ mất tích của ông Trương Duy Nhất, blogger của Đài Á Châu Tự Do bị mất tích từ hôm 26/1 sau khi đào thoát đến Thái Lan để xin quy chế tị nạn chính trị tại Văn phòng của Cao ủy Liên hiệp quốc về tị nạn.

Ông Nhất là một cựu nhà báo và cộng tác viên hàng tuần cho Ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự Do đột nhiên biến mất tại trung tâm mua sắm Future Park – ở ngoại ô Bangkok và không ai liên lạc được

với ông từ đó cho đến nay.

Hôm 7/2, chính quyền quân đội Thái Lan lên tiếng cho hay sẽ điều tra về vụ mất tích của nhà bất đồng chính kiến người Việt – Trương Duy Nhất, sau khi các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Amnesty International… đặt nghi vấn về việc mất tích của ông này và không loại trừ khả năng có thể bị mật vụ Việt Nam bắt cóc.

Phản ứng về thông tin chính phủ Thái Lan mở cuộc điều tra mặc dù không có dữ liệu về việc ông Nhất đã nhập cảnh hợp pháp vào nước này, đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, phía Mỹ

hoan nghênh động thái này.

“Chúng tôi biết các báo cáo về việc blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do bị mất tích ở Thái Lan. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình và hoan nghênh chính phủ Thái Lan điều tra về vụ mất tích của ông Nhất.

Tự do báo chí là nền tảng của sự minh bạch và quản trị có trách nhiệm. Các nhà báo thường làm những công việc nhiều rủi ro, chính vì điều đó là trách nhiệm của chính phủ và các công dân trên toàn thế giới lên tiếng để bảo vệ họ,” đại diện Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trong một tuyên bố gửi Đài Á Châu Tự Do hôm 8/2 viết.

Đến nay đã có 5 tổ chức quốc tế về báo chí và nhân quyền lớn trên thế giới lên tiếng lo ngại về tình trạng mất tích của ông Trương Duy Nhất bao gồm tổ chức Ân xá Quốc tế, Theo dõi nhân quyền, Phóng viên không biên giới, Ủy ban bảo vệ ký giả và Liên minh Báo chí Đông Nam Á.

Ông Minar Pimple, Giám đốc cao cấp toàn cầu của Ân xá Quốc tế hôm 6/2 thúc giục Thái Lan mở cuộc điều tra, đồng thời chỉ trích chính phủ Việt Nam vẫn giữ im lặng trước các báo cáo về việc biến mất của ông Nhất.

“Chính quyền Việt Nam đã im lặng trước vụ mất tích Trương Duy Nhất. Họ phải cho biết bất cứ thông tin nào về nơi ở của ông ấy và đảm bảo sự an toàn và tự do đi lại của ông Nhất,” ông Minar Pimple cho hay sự biến mất của ông Trương Duy Nhất là một sự báo động sâu sắc.

Ông Trương Duy Nhất, sinh năm 1964, là một phóng viên báo chí nhà nước trong nhiều năm, sau đó ngưng làm báo và chuyển sang mở một trang blog với tên “Một góc nhìn khác”.

Ông Nhất bị chính quyền Việt Nam bắt vào năm 2013 và kết án 2 năm với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS cũ 1999.

Một số nguồn tin cho Đài Á Châu Tự Do biết ông Nhất bị một nhóm người mặc thường phục bắt giữ tại một tiệm kem trên tầng 3, khu trung tâm thương mại Future Park ở Bangkok hôm 26/1/2019.

Chính quyền quân đội Thái Lan phủ nhận việc có bắt giữ ông Nhất và cho biết sẽ tiến hành điều tra.