Du học sinh tới Mỹ giảm hai năm liên tiếp
Thị trường quốc tế của lĩnh vực giáo dục hậu đại học tại Mỹ giảm sút.
Trong hai năm liên tiếp, số sinh viên nước ngoài theo học các trường sau đại học giảm 1%. Sự giảm sút này do con số sinh viên Ả Rập Xê-út và Ấn Độ sụt giảm, theo một phúc trình được công bố hôm 7/2 của Hội đồng các trường sau Đại học, một tổ chức có trụ sở tại Washington D.C với 500 thành viên là các trường cao đẳng và đại học.
Việc giảm sút sau nhiều năm tăng trưởng mạnh biểu hiện một thách thức cho các trường đại học Mỹ, vốn trông cậy vào học phí của các sinh viên nước ngoài để cân bằng ngân sách thiếu hụt do con số sinh viên trong nước giảm sút.
Bị ảnh hưởng mạnh nhất là các định chế chỉ cấp bằng thạc sĩ, không phải tiến sĩ. Những trường này chứng kiến các chương trình thạc sĩ và các chương trình cấp chứng chỉ giảm 15% trong số các sinh viên quốc tế theo học sau đại học lần đầu tiên. Các chương trình tiến sĩ tại các trường đại học lớn tăng nhẹ.
Con số sinh viên quốc tế giảm sút được khảo sát từ mùa thu năm 2017 đến mùa thu năm 2018, giảm mạnh trong những chương trình vốn gia tăng nhanh nhất trước đây.
Sinh viên có bằng thạc sĩ muốn ở lại Mỹ và làm việc từ 1 hay 2 năm không chắc có được visa cho phép lưu lại hay không, ông Hironao Okahana, đồng tác giả của phúc trình, nói.
Những yếu tố khác bao gồm tình cảm bài di dân, đồng đô la mạnh có thể làm cho học phí các chương trình đắt đỏ hơn, và việc cắt giảm học bổng của một số nước- đặc biệt là những nước trông cậy vào lợi tức dầu mỏ, ông Okahana nói.
Con số sinh viên sau đại học đến từ Trung Đông và Bắc Phi giảm 14% giữa mùa thu năm 2017 và mùa thu năm 2018.
Gần 250.000 sinh viên quốc tế sau đại học ghi danh học tại các trường sau đại học Mỹ vào mùa thu năm 2018, chiếm khoảng 20% trong tổng số. Sinh viên TC chiếm 36% và sinh viên Ấn Độ chiếm 24%.
Tại trường đại học Bridgeport ở tiểu bang Connecticut, con số sinh viên Ấn Độ sau đại học ngành kỹ sư giảm, ông Patrick Quinn, phó chủ tịch phụ trách ghi danh nói.
Trường có kế hoạch tiếp tục nới rộng việc tuyển mộ sinh viên từ Việt Nam, Morocco và Nhật Bản.
“Chúng ta phải khôn ngoan và đến những địa điểm thích hợp,” ông Quinn nói.
Giáo dục cấp cao là một trong những ‘mặt hàng xuất khẩu’ hàng đầu của Mỹ. Sinh viên quốc tế ở mọi trình độ chi tiêu tổng cộng 42 tỉ đô la tại Mỹ trong năm 2017, theo Viện Giáo dục Quốc tế, hầu như gấp hai lần số đậu nành xuất khẩu của Mỹ mỗi năm.
Hoa Kỳ vẫn là nơi tập trung nhiều nhất các trường đại học đẳng cấp quốc tế, theo xếp hạng toàn cầu. Tuy nhiên vị trí thống trị này đang tuột dốc. Năm nay tổng số các trường đại học Mỹ nằm trong top 200 giảm xuống còn 60 trường so với 72 trường trong năm 2010. Trong khi đó 7 trường đại học TC lọt vào danh sách top 200 trường hàng đầu, so với con số chỉ có 2 trường hồi năm 2014.
(Nguồn Wall Street Journal)