Xuân Khởi Điểm

Cac Bai Khac

No sub-categories

Xuân Khởi Điểm

Mỗi năm khởi điểm bằng một mùa Xuân

Xuân khứ, Xuân lai, Xuân bất tận”, hàng muôn triệu Xuân qua, chìm vào dĩ vãng. Rồi hai ngàn năm cận đại cũng lặng lẽ trôi đi. Mới ngày nào, nhân loại còn e dè trước thềm Đệ Tam Thiên Niên Kỷ;  Thì vụt cái, nay “con tầu nhân loại” đã lướt mình qua 18 vòng “chu kỳ Thái Dương Hệ” rồi đó!

Và hôm nay, bước qua cái khoảnh khắc “thời gian tích tắc” mong manh nửa đêm Giao thừa, niên kỷ Mậu Tuất vĩnh viễn khép lại sau lưng. Chúng ta lại đang đứng ở khởi điểm của một mùa Xuân Mới – Tân Xuân Kỷ Hợi.

Xuân đến, Xuân đi, Xuân lại đến … cứ thế, thời gian vùn vụt qua mau … Nhìn thời gian cuồn cuộn trôi đi tựa gió cuốn mây bay, chúng ta thường cảm nhận như khách nhàn du, đứng trên cầu, nhìn xuống dòng sông nước chảy.  Nhưng thật sự, cảm nhận bàng quan ấy không đúng, nó đánh lừa ta, bởi điểm đứng của con người không trên cầu cao; mà chính chúng ta ở trong con thuyền, đang cùng trôi đi với nước. Trên sông thời gian, loài người đã dùng những con số, để ghi khắc dòng đời hữu hạn ngắn ngủi của mình, trong cái miên viễn vô cùng của Tạo Hóa.

Tân Xuân Kỷ Hợi” lại thêm một mùa Xuân Tha hương về, với nặng trĩu ưu tư trong lòng người vong quốc. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, thì Ngày Đầu Xuân, cũng vẫn là khởi điểm của Giai Đoạn Mới; Một Hành Trình Mới mà chúng ta sắp phải vượt qua.

Xin hãy hình dung “mỗi Năm” như một “cột-lô-mét” (kilomètre) có ghi niên kỷ mỗi năm, cạnh đường rầy xe lửa; Chúng ta, đoàn lữ hành trên xe, thường mang chung cảm tưởng, mình luôn luôn đứng yên tại chỗ; để mỗi lần chợt thấy “cột-lô-mét” vùn vụt chạy lùi lại sau, thì giật mình hiểu rằng chúng ta đang phóng tới trước với tốc độ lanh không tưởng, và từ đó, niềm hoài vọng qúa khứ, nỗi băn khoăn tương lai tràn ngập tâm hồn

Xin mời nghe dòng thơ: Tâm tình cuối năm – của Thi sĩ  Đinh Hùng

Từng cơn mưa lạnh đến dần
Đời chưa trang điểm, mà Xuân đã về
Hững hờ để nước trôi đi
Giấc chiêm bao hết, lấy gì mà say!
Quê ai đầm ấm đâu đây
Cho tôi về sống mấy ngày trẻ thơ
Ứơc gì trăng đón, gió đưa
Mặt chờ gặp mặt, tay chờ cầm tay
Cầm lòng nhận chút hương bay
Tình thương đất bạn, cỏ cây là người
Quê nhà ai sẵn nụ cười
Núi sông hiền hậu, mà trời bao dung
Cho tôi về hưởng Xuân cùng
Bao giờ hoa nở, thì lòng cũng  vui.(Tâm tình cuối năm – Đinh Hùng)

Lời thơ của “người xưa” , mà sao từng chữ, từng câu,nghe thiết tha, cay đắng … như lời nói nội tâm của chính mình: … “Đời chưa trang điểm mà Xuân đã về! Hững hờ để nước trôi đi …”  Hỡi ôi! cho tới ngày “mất nước”, lênh đênh phiêu bạt quê người, ta mới nhìn ra và thấu triệt cái ý nghĩa bao hàm của thơ Đinh Hùng. Thi nhân nay đã là “người thiên cổ” nhưng ý thơ,  như lời tiên tri, thật qủa vẫn chứa chan linh động.

“…Cầm lòng nhận chút hương bay, Tình thương đất bạn, cỏ cây là người…” Ở xứ người, ở đất bạn, trước bàn thờ Tổ Quốc. Đỉnh trầm ngào ngạt hương bay, nỗi thương nhớ quê nhà tràn ngập cõi lòng, nơi nào phần mộ Tổ Tiên, nơi nào con đường góc phố, quán làng thân yêu, nay tiêu điều hoang vắng. Niềm hoài hương dẫn ta vào kỷ niệm xa vời, với đình làng cũ, con đò xưa, với cô thôn nữ, mái tranh hiền và dàn thiên lý, dậu mùng tơi …

Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã phóng họa bức tranh quê hương đó bằng thơ như sau:

Trong làn nắng ửng khói mờ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt, gió trêu tà áo biếc
Trên dàn thiên lý – bóng Xuân sang
Sóng cỏ xanh tươi, gợn tới trời
Bao cô thôn nữ hát trên đồi …
Ngày mai trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng, bỏ cuộc chơi
Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi
Hổn hển như lời của gió mây
Thầm thì với ai ngồi dưới trúc
Nghe ra ý nhị và thơ ngây
Khách xa gặp lúc mùa Xuân chín
Lòng trí bâng khuâng chợt nhớ làng
Chị ấy năm nay còn gánh thóc
Dọc bờ sông vắng, nắng chang chang?

(Mùa Xuân chín – Hàn Mặc Tử)

Từ trong tiềm thức mênh mông, hiển hiện hình ảnh nàng thôn nữ gánh thóc bên bờ sông vắng, hoặc cô gái quê tát nước dưới ánh trăng vàng

Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?(Ca dao)

Nỗi nhớ thương chồng chất, dào dạt như sóng trùng dương dội vào ghềnh đá, ta muốn vươn rộng hai tay ôm hết kỷ niệm vào lòng như Hồ Dzếnh, thi sĩ thời tiền chiến tha thiết nhắc lại như sau:

Dải lúa cô trồng nay đã tươi,
Gió Xuân ý nhị vít bông cười
Ai hay lòng kẻ từng chăm lúa
Trong một làng con, đã héo rồi!

Cô gái Việt Nam ơi!
Tứ thuở sơ sinh, lận đận rồi
Tôi biết, tình cô u uất lắm!
Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi!

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa
Má hồng môi tiết, mỗi phôi pha
Khi cô vui thú là cô đã
Bồng bế con thơ, đón tuổi già

Cô gái Việt Nam ơi!
Ngọn gió thời gian đổi hướng rồi
Thế hệ huy hoàng không đủ xóa
Ngàn năm vằng vặc ánh trăng soi

Tôi đến đây tìm lại bóng cô
Trở về đường cũ hái mơ xưa
Rau sam vẫn mọc chân rào trước
Son sắt, lòng cô vẫn đợi chờ

Cô gái Việt Nam ơi!
Nếu chữ “hy sinh” có ở đời
Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực
Cho lòng cô gái Việt Nam tươi!

(Quê Ngoại – Hồ Dzếnh)

Vâng, tôi muốn nạm vàng những hình ảnh nghèo nàn, khổ cực của cô gái Việt Nam, trên mảnh đất khô cằn sỏi đá, nơi quê hương tôi. Tôi muốn tôn vinh hình bóng tiêu biểu của người thôn nữ, suốt đời im lặng cần cù, đã dệt nên lịch sử xa xưa của giống nòi tôi. Xin hãy nghe Nguyễn Bính, một thi sĩ rất mực đa tình kể chuyện xưa:

Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái dậu mùng tơi xanh rờn
Hai người sống giữa cô đơn
Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi
Giá đừng có dậu mùng tơi
Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng
Có con bướm trắng thường sang bên này
Bướm ơi!, bướm hãy vào đây
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi …
Chả bao giờ thấy nàng cười
Nàng hong tơ ướt ra ngoài mái hiên
Mắt nàng đăm đắm trông lên
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!
Bỗng dưng, tôi thấy bồi hồi
Tôi buồn, tự hỏi … Hay tôi yêu nàng?
– Không! … từ ân ái lỡ làng
Tình tôi than lạnh, tro tàn làm sao!

Tơ hong nàng chả cất vào
Con bươm bướm trắng hôm nào cũng sang
Mấy hôm nay chẳng thấy nàng
Giá tôi cũng có tơ vàng mà hong
Cái gì như thể nhớ mong
Nhớ nàng? – Không! quyết là không nhớ nàng!
Vâng!  Từ ân ái lỡ làng
Lòng tôi riêng nhớ bạn vàng ngày xưa
Tầm tầm, trời cứ đổ mưa
Hết hôm nay nữa, là vừa bốn hôm
Cô đơn, buồn lại thêm buồn
Tạnh mưa, bươm bướm hết còn sang chơi
Đêm qua … Nàng đã … chết rồi !
Nghẹn ngào, tôi khóc … qủa tôi yêu nàng!

Hồn trinh còn ở trần gian
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.

(Người hàng xóm – Nguyễn Bính)

“Nàng” đã chết đêm qua? Ngẫu hứng của “người xưa” khơi lại, trùng hợp hình ảnh cận đại của “Người con gái Việt Nam da vàng”, tan vỡ trong bọt sóng trùng dương. Những xót xa, những ngậm ngùi, sao vương vấn mãi trên quê hương đau khổ! Nỗi buồn của người xưa, làm chạnh nhớ bài thơ Xuân, của cố thi sĩ Trần Quốc Thái (Colorado), có nhắc đến hai câu thơ của Lý Bạch:

“Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương”
Người xưa buồn thế ấy
Ta nay ôm hận trường!

(thơ Trần Quốc Thái)

Mối sầu cố hương phải chăng là sầu vạn cổ. Huyền Kiêu, một thi sĩ thời tiền chiến, uống rượu tiêu sầu, nhìn trăng Xuân mà ngâm:

Thức suốt đêm trường không nói năng
Ngậm ngùi chén rượu ánh vàng trăng
Người xưa lưu luyến ra sao nhỉ
Có giống như mình lưu luyến chăng?
Sớm biệt ly nhau không nhớ nhau
Nửa đêm chợt tỉnh bỗng dưng sầu
Trăng mùa Xuân đó ai tâm sự?
Anh đã xa rồi, anh biết đâu!

(Tương dạ biệt – Huyền Kiêu)

Chúng ta xa thật rồi! Xa dân tộc, xa quê hương … Nhưng không xa Tổ Quốc, vì Tổ Quốc linh thiêng, ở trong lòng chúng ta. Còn hơi thở, còn tiếng nói, thì ta còn ngưỡng vọng, tôn thờ Tổ Quốc Việt Nam của ta. Không ai có thể tách rời ta với Tổ Quốc, với Việt Nam yêu qúi ngàn đời trong ta.

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã hạ bút viết những lời đắng cay chua xót về quê hương và thân phận mình như sau:

Ta còn để lại gì không
Kìa non đá lở, này sông cát bồi
Lang thang từ thuở luân hồi
U minh nẻo trước xa xôi dặm về
Trong ta, bến hoặc bờ mê
Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
Ta van cát bụi bên đường
Dù nhơ, dù đục … đừng vương gót này
Để ta trọn một kiếp say
Cao xanh liều một cánh tay níu trời

(Nguyện cầu – Vũ Hoàng Chương)

Trên con tầu thời gian, chúng ta, đoàn lữ hành Việt Nam di tản, nhìn về quá khứ, đã bao Xuân đi qua trong nhịp điệu lắc lư êm đềm của con tầu. Nhìn ra chung quanh … “Kìa non đá lở, này sông cát bồi”Tự hỏi mình:  Chúng ta sẽ lang thang thế này cho tới bao giờ? và tới đâu? Chẳng lẽ điểm đến lại là “bến hoặc, bờ mê” ?

Không! Không thể như thế! Chúng ta phải giành lấy tay lái, phải hướng con tầu Tổ Quốc về bến vinh quang. Phải tìm cho ra con đường hoa mộng vào đời! Nếu chẳng phải đời ta, thì đời con cháu chúng ta. Nghĩa là chúng ta phải trang điểm đẹp cho cuộc đời di tản. Xin đừng để bụi đường làm hoen ố gót chân và tâm hồn người Việt tha hương.

Một ngày nào đó, không xa, chúng ta, chẳng phải một cách tay, mà hàng trăm triệu cánh tay, đồng bào trong nước, ngoài nước, cùng giơ lên biểu lộ ý chí, quyết một lòng vùng dậy cứu lấy Quê hương. Ngày ấy sẽ đến và phải đến, đó mới chính thật là “Ngày Khởi điểm Mùa Xuân Dân Tộc Việt Nam”.

Trần Quốc Bảo