Tôi càng nhớ ơn Việt Nam Cộng Hòa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tôi càng nhớ ơn Việt Nam Cộng Hòa
Nguyễn Ngọc Già (Danlambao)  Bà Dương Thị Bạch Diệp bị bắt hôm 25/1/2019 kéo theo vài “quan chức CS” bị tạm giam, có vẻ làm cho “công cuộc” gọi là “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng càng rừng rực lửa.
Thật khó tin việc “chống tham nhũng” để “lấy lại lòng tin dân chúng” do ông Nguyễn Phú Trọng khởi xướng có thể thành công, dù không khí hả hê trên mạng xã hội thật rõ.
Người dân vui mừng theo cách “chết thêm” người CS nào cũng “vui thêm một chút!”.
 
Ở tù dưới chế độ XHCN tại Việt Nam
Ở tù dưới chế độ XHCN tại Việt Nam cũng có nhiều “kiểu ở tù”.
Những người CS “sa cơ lỡ vận” như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa v.v… dù mang tiếng “ở tù”, họ vẫn sống sung sướng với “nhà lô” đầy đủ tiện nghi, với người phục dịch hầu hạ (tức là những “tù mồ côi” không có hoặc bị thân nhân bỏ rơi) nhằm đổi lại việc được “nuôi ăn”. Thân nhân và bạn bè [1] có thể lên thăm bất kỳ lúc nào và nhiều ưu đãi khác.
Không chỉ riêng người cộng sản “cao cấp – trung cấp”, ngay cả người CS “cấp thấp” cũng vậy. Hoặc giả, chỉ cần bất kỳ người tù nào có… tiền, đều đồng nghĩa, cuộc đời “tù đày” của họ không hề có chút trải nghiệm nào, để có thể tạm gọi là “sám hối” tội ác và sai lầm đã gây ra cho xã hội.
“Tiền là tất cả” trong nhà tù trên toàn cõi nước CHXHCNVN hiện nay.
“Khổ nhì” là những người “tù nghèo”. “Khổ nhất” là những người tù bị kết án các loại “tội xâm phạm an ninh quốc gia” (“XPANQG”).
Khổ đủ kiểu. Vật chất luôn thiếu thốn, tinh thần luôn bị dày vò, bị cô lập và bị hăm dọa “biệt giam” cũng như “đi cùm” thường trực, người tù “XPANQG” còn phải đối phó với sự đầu độc luôn chực chờ [2]
Một trong những lý do chủ yếu, các nhà tù tại nước CHXHCNVN luôn nhốt cách ly những người “XPANQG” [3] bởi vì các cai ngục không muốn những “ưu đãi” mà tù thường phạm “được hưởng” bị những người tù “XPANQG” nhìn thấy (!). Người CS cũng coi những người “XPANQG” thuộc “tội phạm đặc biệt nguy hiểm” cần phải cách ly – được nhốt theo kiểu “nhà tù trong nhà tù” như nhà báo Điếu Cày đã gọi, dù hầu hết những tù nhân này chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận theo Công ước quốc tế về quyền dân sự & chính trị ( ICPPR).
Tù dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa
Ba tôi – một người mê muội đi theo cộng sản và bị nhà nước VNCH bắt vào đầu năm 1972.
Tối hôm giao thừa, thật bất ngờ, ba tôi được về ăn tết trong vài giờ đồng hồ trước khi ra xe về lại trại giam (lúc chưa bị kêu án chính thức). Ngày ba tôi ra tù, ông vẫn mạnh khỏe. Về đến nhà chỉ một tuần sau là ông có thể bắt tay trở lại công việc làm ăn.
Anh tôi – một người cộng sản thuộc “cánh” Trần Hải Phụng (thiếu tướng cộng sản, “binh chủng” biệt động thành Sài Gòn – Gia Định) – được cài vào QLVNCH với lớp áo sĩ quan Hải Quân – ở tù Côn Đảo với mức án 20 năm khổ sai. Ngày trở về đất liền vẫn mạnh khỏe, dù ốm o đen đúa, nhưng không hề mang thương tật gì cả.
Lúc sinh thời, ông Lê Hiếu Đằng đã từng công khai cho dư luận biết, khi ông ở tù dưới chế độ VNCH, ông vẫn được cho đi thi tú tài II (tức là tốt nghiệp PTTH bây giờ) trong bài viết “Suy Nghĩ Trong Những Ngày Nằm Bịnh” [4]
Anh rể tôi – sĩ quan QLVNCH thuộc binh chủng Không Quân – phải đi “học tập cải tạo” gần 3 năm. Lúc đó, nếu ba tôi không bảo lãnh ra, chắc chắn người anh này sẽ chết!
Tôi từng đặt câu hỏi với ba tôi về “danh dự” của “bên thắng cuộc”, sau khi anh rể tôi cùng các người anh em bà con bên ngoại bị lừa đưa vào “trại cải tạo” và đã “học tập” xong (!). Ba tôi im lặng trong bất lực và tê tái!
Sau này, khi “lớn hơn” một chút, tôi tự chiêm nghiệm ra một chân lý:
Những người phải đi tù dưới chế độ VNCH, dù đúng nghĩa họ là những người đang chống phá quê Cha đất Tổ và giết hại dân lành, nhưng họ vẫn được nhà nước VNCH nhìn nhận là… “Đồng Bào” – điều không bao giờ có trong nhà tù của nhà nước CHXHCNVN!!!
Chú thích: Người anh rể (sinh năm 1938) và người anh ruột (sinh năm 1945) hiện nay vẫn còn sống.
[1] Nếu người CS thật sự có bạn bè.
[2] Cho đến khi bài viết này kết thúc, Trần Huỳnh Duy Thức vẫn “miệt mài” ăn mì gói nhiều ngày qua, mặc dù cai ngục khuyên ông ấy ăn cơm trở lại.
[3] Mặc dù đã thi hành án chính thức.