Tin Việt Nam – 01/02/2019
Blogger Trương Duy Nhất bị bắt ở Thái Lan
sau khi xin tị nạn chính trị?
Hôm 1/2, trang The Vietnamese loan tin rằng cựu tù nhân chính trị Trương Duy Nhất bị mất tích ở Thái Lan sau khi đến văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Bangkok hôm 25/1. Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính quyền Việt Nam xác nhận với VOA rằng ông Trương Duy Nhất đã bị bắt tại Thái Lan, nhưng “tin mật” này chỉ được phép loan báo sau dịp Tết Nguyên Đán.
Theo trang The Vietnamese, Blogger Trương Duy Nhất đã rời Việt Nam vào đầu tháng 1/2019 và được nhìn thấy lần cuối tại văn phòng UNHCR ở Bangkok vào thứ Sáu tuần trước 25/1.
Trang The Vietnamese do hai nhà hoạt động ở trong nước là Phạm Đoan Trang và Trịnh Hữu Long biên tập, và Luật sư Tran Vi ở Hoa Kỳ làm Tổng biên tập.
Cộng đồng các nhà tranh đấu Việt Nam hôm 1/2 cũng đồng loạt loan tin ông Trương Duy Nhất bị mất tích.
VOA đã liên lạc với với con gái của ông ở Vancouver nhưng chưa được phản hồi.
Gia đình xác nhận với trang The Vietnamese rằng ông Nhất không bị chính quyền Thái Lan hay Trung Tâm Giam Giữ Người Nhập Cư Thái Lan (IDC) giam giữ.
Trước đây, vào năm 2014, ông Trương Duy Nhất bị kết án hai năm tù theo Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999.
Việt Nam đã cáo buộc một số bài viết trên blog Một góc nhìn khác của ông là “hành vi lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm quyền lợi của nhà nước.”
Blogger này bị cáo buộc đã “đã làm mất lòng tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền và làm mất uy tín cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, nhà nước và chính phủ Việt Nam.”
Trong khi đó, những người ủng hộ ông Nhất cho rằng ông đã bị bóp nghẹt quyền tự do bày tỏ quan điểm của mình.
Sau khi được thả tự do vào năm 2015, ông Nhất tiếp tục viết blog và cư trú tại Đà Nẵng, Việt Nam.
Vợ của Trương Duy Nhất hiện vẫn còn ở Việt Nam, trang The Vietnamese cho biết thêm.
Gần đây các vụ người Việt Nam bị bắt ở nước ngoài và đưa về nước cũng không hiếm, gần nhất là vụ bắt ông Trần Bắc Hà ở Campuchia, ông Phan Văn Anh Vũ ở Singapore, hay ông Trịnh Xuân Thanh nghi bị bắt từ Đức.
Trung tá hành hung dân ở Phú Yên
sẽ bị xử lý theo pháp luật
Đại tá Lương Tấn Dĩnh – trưởng phòng Tham mưu, người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên – cho biết sẽ xử lý kỷ luật viên công an “dùng chân tác động” vào dân theo đúng pháp luật. Báo Đất Việt loan tin hôm 1/2/2019.
Trong đoạn video clip được lan truyền trên mạng xã hội từ hôm 29/1, người ta thấy một công an dùng chân đá, đạp vào một người dân đang nằm dưới đất tại trụ sở công an, khi có một công an khác đến ngăn thì sự việc mới dừng lại.
Theo báo chí trong nước thì người công an đá vào dân là Trung tá Huỳnh Minh Lễ – Phó trưởng Công an phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa, Phú Yên, và nạn nhân là anh Lê Hữu Quốc, ngụ cùng phường.
Báo Đất Việt trích lời Đại tá Dĩnh rằng “Một mặt vẫn ưu tiên động viên các công an phường Phú Thạnh tập trung giữ gìn trật tự an ninh trong phường để phục vụ nhân dân vui xuân đón Tết, còn chuyện xử lý vẫn phải xử lý nhưng trong nội bộ làm và sẽ xử lý nghiêm khắc. Công an tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo công an thành phố Tuy Hòa xử lý theo tiêu chí đó” .
Theo thông tin trên Tiền Phong thì chiều ngày 30/1, Đại tá Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Công an TP.Tuy Hòa cho biết, đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Trung tá Huỳnh Minh Lễ.
Chuyện công an đá, đánh hay tát vào mặt dân vẫn thường xảy ra, nhưng truyền thông trong nước khi đưa tin thì thường dùng những cụm từ như ‘hất tay’; ‘dùng chân tác động’; ‘chân giơ hơi cao’; ‘gạt tay trúng vào má’…để biện hộ.
Qua vụ bác sĩ Hoàng Công Lương, nhận xét
về tự do ngôn luận ở một số trí thức Việt Nam
Tre
Ngay khi phiên tòa sơ thẩm vụ tai nạn trong khi chạy thận ở Hòa Bình làm 9 bệnh nhân chết đang diễn ra, trên mạng xã hội dùng tiếng Việt (bao gồm cả người Việt sống trong nước và nước ngoài) đã dấy lên những phản ứng mang tính đối kháng, rất lý thú cho những người thích nghiên cứu xã hội Việt Nam.
Trọng điểm của cuộc tranh cãi xoay quanh mức án tù 42 tháng cho bác sĩ Hoàng Công Lương. Bản án sơ thẩm ngày 30/1/2019 tuyên bác sĩ Hoàng Công Lương có tội Vô ý làm chết người vì đã cẩu thả trong khi thực hiện chức trách. Ông này đã ra lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân, trong khi không có biên bản nhận bàn giao máy lọc nước chạy thận (trước đó đã được đem đi sửa chữa). Trước tòa, người súc rửa máy lọc nước (thuê ngoài) khai đã dùng các thứ hóa chất bị cấm để súc rửa, gây tồn dư chất độc trong nước. Anh ta cũng khai rằng từ trước đến nay khi súc rửa xong thì chỉ cần thông báo miệng là bác sĩ cho chạy thận luôn. Nhưng lần này anh ta chưa bàn giao máy.
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP Hòa Bình kết luận việc làm của ông Lương đã trực tiếp gây ra cái chết của 9 bệnh nhân. Ông bị kết án tù cùng với 6 người khác có trách nhiệm trong vụ việc.
Đầu tiên, giống như trong tất cả các sự kiện gây chú ý khác, vụ này chia những người quan tâm ra làm hai phe. Một bên theo dõi các chi tiết trong vụ án được xét xử, cho rằng bác sĩ Lương bị kết án là đúng pháp luật. Bên kia cho rằng bác sĩ Lương bị oan. Trong cả hai phe, ngoài những người ngoài ngành thì đều có những y bác sĩ và sinh viên y khoa.
Những cuộc tranh cãi ngày càng căng thẳng theo diễn biến phiên tòa diễn ra trong suốt 10 ngày. Đến chiều 30/1/2019, khi bản án được tuyên thì nó bùng nổ trên bề nổi, trong giới làm ngành y.
Bác sĩ tuyên bố không chữa bệnh cho những người bất đồng ý kiến
Trên mạng xã hội facebook, bác sĩ Phan Xuân Trung, một người từng nổi tiếng thời còn trẻ vì sự nhiệt huyết và nhạy bén, từng lập nên trang web ykhoa.net để chia sẻ miễn phí các kiến thức y tế cộng đồng vào thời hầu như xã hội còn rất ngố với công nghệ thông tin, từng được trân trọng trao tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin, viết trên trang nhà: “Từ nay tôi từ chối khám chữa bệnh cho bất cứ ai trong ngành tư pháp Việt Nam cho đến khi bác sĩ Hoàng Công Lương được tuyên vô tội”.
Một người có nick là Nha khoa Vũ Anh, viết: “Tất cả nhân viên ngành Y hãy để cho bọn Kiểm sát viên và Tòa án tỉnh Hòa Bình chết trong bệnh tật, đừng cứu chúng”. Vào trang nhà xem, hóa ra đây cũng là một bác sĩ, trông đã lớn tuổi. Ông ta tự giới thiệu mình là Chủ nhiệm Bộ môn tại Bệnh viện 103 – Học viện Quân y.
Dưới những status như vậy có khá nhiều comment đồng tình và cổ vũ của những người trong ngành y.
Thậm chí có những lời đe dọa công khai hơn nhắm vào bất kể ai cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương bị kết tội là đúng pháp luật.
Trên facebook của mình, bà Phan Vũ Diễm Hằng, một người phụ nữ có uy tín trong xã hội, từng nhiều năm công tác trong ngành y tế tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, chương trình phòng chống AIDS của Liên hợp quốc và làm tư vấn độc lập về y tế công cộng, thể hiện quan điểm đồng tình với việc bác sĩ Hoàng Công Lương phải chịu trách nhiệm hình sự. Và đây là một comment đáp trả bà:
“Ở đây đồng tiền đang làm mờ mắt quan toà
Mày phải biết luật nhân quả không trừ ai đâu
Sự ngu dốt và thất đức của mày sẽ phải trả giá bằng tính mạng con mày”.
Người viết không ngần ngại để ảnh mặc áo blue trắng, đeo thẻ nhân viên ngành y tế cười rất tươi trên avatar, ghi rõ “Học bác sĩ Nội-nhi tổng quát tại Đại học Y Thái Bình”.
Trên trang nhà của người này, còn có những comment dữ dội hơn. Một người tên Nu Dinh Thi viết” Ngành y bảo nhau cứ thấy lũ quan toà bị bệnh là dứt khoát không chữa để chúng chết vợi đi cho giá nhà đất giảm xuống kaka”.
Bình luận này nhận được “yêu thích” của chính vị bác sĩ nữ chủ nhà.
Trên các trang nhà của nhiều bác sĩ khác cũng đầy rẫy những lời nguyền rủa, hứa hẹn và đe dọa công khai rằng sẽ không chữa trị cho bất cứ người nào dám có ý kiến không đồng tình Hoàng Công Lương vô tội.
Những ý kiến phản đối lập tức bị “ném đá” tập thể bởi những nhân viên làm trong ngành y tế. Họ bị gán ghép “là người nhà của công an, viện kiểm sát, tòa án TP Hòa Bình”, là “ăn tiền của phe bên kia để cố đẩy bác sĩ Hoàng Công Lương vào tù”, là “có hận thù cá nhân với bác sĩ Hoàng Công Lương”, hoặc chỉ đơn giản là “không làm trong ngành y mới có thể suy nghĩ như vậy”.
Tự do ngôn luận là bảo vệ đến chết quyền phản biện của người khác
Với những người sống tại các thể chế dân chủ hơn cũng như có nền pháp luật phát triển hơn, việc các bác sĩ công khai trên mạng xã hội đe dọa, buộc tội người khác, cũng như hăm dọa sẽ không chữa trị người bệnh như thế sẽ gây ra sự kinh ngạc và sợ hãi. Nhưng tại Việt Nam, các chuỗi phản ứng tương tự đã xảy ra nhiều lần cho nên nó khá quen thuộc. Ở góc độ xã hội, những phản ứng cực đoan thậm chí phi nhân tính đều thể hiện một nét đặc thù của một xã hội đang tập tành thực hiện dân chủ, bắt đầu từ những trí thức tập tành tự do ngôn luận.
Vì tập tành, cho nên mới có những khái niệm cốt yếu mang tính nền tảng của nền dân chủ không những bị bỏ qua, mà còn bị chà đạp như kể trên.
Có một câu nói nổi tiếng để diễn tả nguyên tắc của sự tự do ngôn luận. “I disapprove of what you say, but I will defend to the death your right to say it,” [4] (Tôi có thể không đồng ý những điều anh nói, nhưng tôi có thể chết để bảo vệ quyền anh được nói những điều đó). Câu nói này của nhà văn người Anh Evelyn Beatrice Hall (1868 – 1956) bút danh S. G. Tallentyre (nó thường được trích dẫn nhầm là của Voltaire). Bà Tallentyre đã viết câu này trong tác phẩm ”The Friends of Voltaire”.
Tôi đoán các bác sĩ chắc nhiều người biết câu nói ấy.
Quyền Tự do ngôn luận cũng được quy định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (có hiệu lực ngày 23/3/1976), tại điều 19, như sau: “ Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp” tuy nhiên “phải kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt (…) có thể phải chịu một số hạn chế nhất định. Những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”.
Minh bạch như thế đấy
Tự do, trong một xã hội có pháp luật, là việc thực hiện các quyền được pháp luật bảo hộ của bản thân, trong một giới hạn không được đe dọa đến các quyền tương tự của các cá thể khác. Đồng thời tất cả các quyền tự do cá nhân vẫn đều phải đặt các lợi ích công cộng khác lên hàng đầu (ở đây là an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe và đạo đức xã hội).
Những bác sĩ kể trên (còn nhiều bác sĩ nữa) thật may mắn vì luật pháp tại Việt Nam chưa được thực hiện nghiêm khắc. Nếu không, chỉ với những bằng chứng trên mạng xã hội như thế, họ hoàn toàn đối đầu với vụ kiện vì đã công khai đe dọa đến sức khỏe của người khác, cũng như xâm phạm đạo đức xã hội (đe dọa không chữa bệnh là vi phạm đạo đức của ngành y).
Tháng 5/2018, ở Mỹ, có một vụ kiện lý thú liên quan đến tổng thống Trump và quyền tự do ngôn luận. Báo Dân trí trích dịch vụ việc này như sau: “một thẩm phán liên bang Mỹ ở New York tên là Naomi Reice Buchwald đã cấm Tổng thống Trump không được chặn các tài khoản mạng xã hội Twitter chỉ trích ông. Theo phán quyết của bà Buchwald, hành động chặn của ông Trump –tài khoản của ông được để ở chế độ công cộng và được xem như một diễn đàn công cộng- sẽ khiến những người dùng không thể đọc và tương tác với những bài viết của ông trên Twitter. Như thế ông đã vi phạm quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Điều này được cho là đi ngược lại với Tu chính án thứ Nhất trong Hiến pháp Mỹ.
Kết luận này được đưa ra sau khi một nhóm người dùng mạng xã hội Twitter đã nộp đơn kiện ông Trump (sau khi họ đưa ra các ý kiến trái chiều trên trang Twitter của ông, ông đã chặn họ)”.
Với vụ án hiếm có trên, tôi lại muốn thốt lên câu nói này, cho dù có thể nó không hoàn toàn chính xác trong mọi trường hợp: “Quả là đất nước của tự do, nơi pháp luật được thượng tôn”.
Tập tành dân chủ
Quay trở lại với thực trạng Việt Nam. Những ví dụ kể trên tuy không đại diện cho tất cả những người tham gia mạng xã hội, nhưng sự lặp đi lặp lại và số lượng người hưởng ứng rất cao của nó cho thấy sự thật là có một số đông người được liệt vào tầng lớp trí thức của Việt Nam cũng còn rất xa mới tiến đến ngưỡng cửa của việc thực hành dân chủ, trong đó quyền tự do ngôn luận là điều đầu tiên và cơ bản nhất.
Tuy vậy, đây vẫn là dấu hiệu đáng mừng. Từ những người không dám mở miệng, nói ra câu gì cũng sợ hãi; từ một xã hội “mackeno” (mặc kệ nó) của những năm 90 thế kỷ trước, bây giờ người Việt đã dám nói công khai ý nghĩ của mình và cùng nhau thiết lập một xã hội tranh cãi tưng bừng trên mạng xã hội.
Bất kể là nói ngu hay nói khôn, chỉ cần là suy nghĩ thật sự thì nên cần mở miệng ra nói. Qua tranh cãi, những người cầu thị và có tư duy độc lập sẽ nhận được lợi ích nhiều nhất qua những kiến thức và góc nhìn đa chiều. Họ sẽ là người tìm ra chân lý. Tuy thế, những ý kiến cảm tính và cực đoan cũng không hề vô ích. Vì chúng luôn luôn kích thích sự phản biện và lập luận đúng nghĩa của những người khác. Xin cảm ơn công lao vô lượng của anh Mark Zuckerberg.
Việt Nam sẽ còn phải dò dẫm đi trên con đường rất dài, rất gập ghềnh để có một tầng lớp trí thức có hiểu biết và có trách nhiệm xã hội thật sự, xứng đáng là tinh hoa dẫn dắt xã hội. Nếu biết tranh cãi một cách cầu thị, biết tư duy độc lập phản biện, đừng để cho bất cứ ai dắt mũi mình, chúng ta sẽ đẩy được nhanh bước tiến trên con đường ấy.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Lý lẽ nào bảo vệ cho bác sỹ Hoàng Công Lương?
Nguyễn Trang Nhung
Ngày 30/1 vừa qua, tòa án nhân dân (TAND) Hòa Bình đã tuyên án cho 7 bị cáo trong vụ án chạy thận làm 9 người chết ở bệnh viện đa khoa Hòa Bình, trong đó, BS Hoàng Công Lương, người được dư luận quan tâm nhất, bị tuyên án 42 tháng tù với tội vô ý làm chết người, theo Khoản 2, Điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 (có hiệu lực vào thời điểm vụ án xảy ra).
TAND Hòa Bình cho rằng BS Lương là bác sỹ điều trị có chứng chỉ hành nghề, được đào tạo chuyên môn thận nhân tạo, và được giao trách nhiệm chuyên môn ở đơn nguyên thận nhân tạo. Theo quy chế lọc máu, anh không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước nhưng phải biết rõ tầm quan trọng của nước trong chạy thận, anh chưa biết hệ thống nước đã đảm bảo an toàn hay chưa mà chỉ nghe điều dưỡng viên thông báo rồi đưa hệ thống nước vào chạy thận. Từ đó, hội đồng xét xử (HĐXX) đã kết luận anh “cẩu thả, làm việc theo thói quen và tự tin vào kinh nghiệm bản thân“.[1] Đây cũng là luận điểm của viện kiểm sát (VKS) Hòa Bình.[2]
Để bị kết án về tội vô ý làm chết người do cẩu thả, một người phải bị cáo buộc rằng đã không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước khả năng gây ra hậu quả đó. Đây được gọi là lỗi vô ý do cẩu thả, một mặt chủ quan của tội phạm trong khoa học hình sự. Như vậy, lập luận của TAND và VKS Hòa Bình là BS Lương đã không thấy trước nhưng phải thấy trước và có thể thấy trước rằng hệ thống nước có thể không an toàn sau khi được sửa chữa và do đó có thể gây ra cái chết cho các bệnh nhân.
Bất kể lập luận của TAND và VKS Hòa Bình, một bộ phận dân chúng theo dõi vụ án đã phản đối bản án và cho rằng BS Lương vô tội.
Để bảo vệ cho BS Lương, các luật sư và những người bảo vệ khác đã đưa ra nhiều lập luận, trong đó có một số lập luận chính sau đây:
1. BS Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước, mà kỹ thuật viên phải chịu trách nhiệm này.
Theo BS Nguyễn Hữu Dũng, trưởng khoa thận nhân tạo, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, “Về nguyên tắc, người sửa chữa phải đảm bảo nguồn nước an toàn để tiến hành lọc máu“.[3]
2. BS Lương ra y lệnh đúng và phù hợp với các quy trình mà Bộ Y tế đã ban hành.
Cũng theo BS Dũng, “Khi điều dưỡng viên hoặc kỹ thuật viên thông báo đã sửa chữa xong thì bác sỹ có thể ra y lệnh“.[4]
3. Biên bản kiểm tra tình trạng thiết bị được dùng để buộc tội BS Lương có dấu hiệu bị làm giả.
LS bào chữa cho BS Lương cho rằng biên bản đã bị sửa chữa nhiều chi tiết nên đặt nghi vấn về tính khách quan của nó khi nó được dùng làm chứng cứ buộc tội đối với BS Lương. LS cũng cho rằng việc sửa chữa có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu, hồ sơ vụ án.[5]
Các lập luận này có đủ thuyết phục để bác bỏ hoàn toàn lập luận của TAND và VKS Hòa Bình hay không?
Về lập luận 1, TAND và VKS Hòa Bình cũng thừa nhận rằng BS Lương không phải chịu trách nhiệm về nguồn nước (như trên đã nêu), cho nên điều này không cần được nhắc lại.
Về lập luận 2, báo chí dẫn lời VKS Hòa Bình rằng BS Lương chỉ nghe thông báo từ một điều dưỡng viên không được giao trách nhiệm về nguồn nước mà đã ra y lệnh.[6] Câu hỏi được đặt ra là nghe thông báo từ điều dưỡng viên như vậy có thực sự đúng và phù hợp với các quy trình hay không? Ngay cả khi câu trả lời là ‘Có’, câu hỏi tiếp theo là khi làm theo một quy trình sơ hở và dẫn đến hậu quả, liệu vấn đề chỉ nằm ở quy trình hay nằm ở cả người làm theo quy trình đó?
Về lập luận 3, nếu đúng là BS Lương đề xuất sửa chữa hệ thống nước, biết rõ việc sửa chữa diễn ra vào ngày 28/5/2017, và đã thừa nhận điều này (*) như VKS Hòa Bình cho hay[7] thì ở đây, lỗi vô ý do cẩu thả (như trên đã nêu) là vẫn tồn tại.
Trên lý thuyết, lỗi vô ý do cẩu thả trong khoa học hình sự được xác định dựa vào 2 điều kiện sau đây:
Một là người phạm tội phải thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều kiện này xuất phát từ các yêu cầu về sự thận trọng cần thiết nhằm tránh gây ra thiệt hại cho xã hội trong các hoạt động chuyên môn, nghề nghiệp, các quy tắc của đời sống, pháp luật, v.v.[8]
Hai là người phạm tội có thể thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Điều kiện này xác định rằng một người cụ thể với các đặc điểm cá nhân và nghề nghiệp của mình, cũng như hoàn cảnh thực hiện tội phạm có thể thấy trước hậu quả nguy hiểm của hành vi của mình cho xã hội.[9]
Liệu 2 điều kiện này có được thỏa mãn trong trường hợp của BS Lương hay không? Câu trả lời, theo người viết, là ‘Có’. BS Lương có chuyên môn để hiểu rằng chất lượng của nước là quan trọng. Đặt vào hoàn cảnh của sự cố, BS Lương biết rằng hệ thống nước được sửa chữa và chuẩn bị điều trị cho một số lớn (mà ở đây là 18) bệnh nhân, lẽ ra BS Lương phải thận trọng hơn bình thường để đảm bảo nguồn nước đã an toàn thay vì đơn thuần dựa vào thông báo từ một điều dưỡng viên không được giao trách nhiệm về nguồn nước. BS Lương hoàn toàn có thể xác minh lại với người nào có trách nhiệm, và nếu được người đó cho biết là không chắc nguồn nước an toàn, anh có thể thông báo điều này cho cấp trên để có phương hướng xử lý. BS Lương không thể biện hộ với lý do rằng mình tin điều dưỡng viên[10] hay làm việc theo thói quen, vì hoàn cảnh của sự cố có những tình tiết đặc thù khiến lý do này không thuyết phục.
Do đó, người viết cho rằng lập luận của TAND và VKS Hòa Bình, rằng BS Lương lẽ ra phải đảm bảo các điều kiện an toàn của hệ thống nước, là có phần hợp lý, tuy nhiên, để thuyết phục thì điều (*) phải được hỗ trợ bởi chứng cứ thích hợp.
Như vậy, trong 3 lập luận bảo vệ cho BS Lương, trừ lập luận 1 không cần được nhắc lại nữa, còn lại lập luận 2 cần được xem xét thêm để kết luận về tính thuyết phục, và lập luận 3 không thể bác bỏ hoàn toàn lỗi vô ý do cẩu thả của BS Lương, mà lỗi này chính là căn cứ quan trọng để cáo buộc BS Lương phạm tội vô ý làm chết người.
Tóm lại, mặc dù bản án của TAND Hòa Bình cần phải được mổ xẻ thêm vì vụ án còn những tình tiết chưa được làm rõ, song nói chung, nếu điều (*) là đúng, thì lập luận mà TAND và VKS Hòa Bình đưa ra là có phần hợp lý, còn các lập luận bảo vệ cho BS Lương thì không đủ thuyết phục, cho nên kết luận của một bộ phận dư luận rằng BS Lương vô tội là có phần khiên cưỡng.
Chú thích:
[1] Hoàng Công Lương bị phạt 42 tháng tù
https://vnexpress.net/phap-luat/hoang-cong-luong-bi-phat-42-thang-tu-387…
[2] VKS: Hoàng Công Lương không phải chịu trách nhiệm về nước chạy thận
https://vnexpress.net/phap-luat/vks-hoang-cong-luong-khong-phai-chiu-tra…
[3][4] Giáo sư Nguyễn Gia Bình: ‘Hoàng Công Lương ra y lệnh đúng’
https://tuoitre.vn/giao-su-nguyen-gia-binh-hoang-cong-luong-ra-y-lenh-du…
[5] Có dấu hiệu làm giả hồ sơ để buộc tội Hoàng Công Lương?
https://plo.vn/phap-luat/co-dau-hieu-lam-gia-ho-so-de-buoc-toi-hoang-con…
[6][7] Như [2]
[8][9] Khoa Luật Hình sự, ĐH Luật TP. Hồ Chí Minh, Những vấn đề chung về luật hình sự và tội
phạm
[10] Hoàng Công Lương: Bị cáo không phạm tội vô ý làm chết người
https://news.zing.vn/hoang-cong-luong-bi-cao-khong-pham-toi-vo-y-lam-che…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Tết đến người Little Sài Gòn
đi tìm chút hương Xuân
Phụng LinhGửi đến BBC từ Nam California
Với người Việt mọi lứa tuổi, dù mới theo gia đình sang định cư một, hai năm, hay đã vượt biển đến Hoa Kỳ ba – bốn chục năm về trước, đón Tết âm lịch, mừng Xuân mới là dịp để họ tìm kiếm chút hơi hướm của quê nhà.
Nghe tiếng pháo nổ đì đùng, nhìn ngắm những chậu mai vàng, giò lan tím, cành huệ đỏ nở rộ, nếm thử món bánh chưng đậm đà thơm nức… và hồi nhớ một vùng trời xa xưa. Ở đó, Tết là tất cả, của mơ ước về tương lai tốt đẹp, của thời khắc đoàn tụ gia đình, của những ngày được ăn ngon, mặc đẹp dù hết sức ngắn ngủi nhưng chẳng thể nào quên.
Viet Film Fest 2018 ở California và người Việt khắp thế giới
Ông John McCain là cầu nối Mỹ-Việt
Việt kiều Mỹ phản đối TQ đầu tư ở Quận Cam
Nghị viện California: Nguyễn đi ra, Diệp bước vào
Little Sài Gòn vào Xuân
Năm nào cũng thế, Little Sài Gòn có ít nhất 2 tháng chuẩn bị cho cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, rộn ràng bắt đầu từ 3 tuần lễ trước. Đoạn đường Bolsa, trục lộ chính của thành phố Westminster kéo dài từ con đường Moran cho đến Magnolia, từ thương xá Phước Lộc Thọ cho đến chợ ABC rộn rịp với những quầy hàng Tết: Bánh mứt, bông hoa, bao lì xì, trái cây… tất cả đều cho Tết, cho một tuần lễ trước, trong và sau Tết.
Khu chợ Tết Phước Lộc Thọ tấp nập nhất vào ngày Chủ Nhật 27 tháng Giêng, tuy chưa phải là Chủ Nhật cuối cùng của năm Mậu Tuất. Khách du Xuân ra vào khu vực này bắt đầu từ 10 giờ sáng, đông tới nỗi các bãi đậu xe sau thương xá Phước Lộc Thọ và chợ Á Đông rộng lớn mà không còn một chỗ trống.
Năm nay người ta thấy xuất hiện thêm các quầy hàng bên trái đường vào ngoài khu vực chợ hoa Tết trước thương xá Phước Lộc Thọ. Cả khu vực chợ Tết lan sang khu vỉa hè bên trái của con đường Bolsa làm thành một khu vực sầm uất tấp nập người qua lại.
Từ 10 giờ sáng, sân khấu bên trong khu thương xá trở thành nơi sinh hoạt tưng bừng vui nhộn với sự tham dự của các Hoa Hậu Từ Thiện Nam California do đài truyền hình Little Sài Gòn Ti vi viết tắt là LSTV tổ chức. Theo Giám đốc LSTV, ông Đinh Xuân Thái, sân khấu này 12 mùa tết qua là sàn diễn văn nghệ, thi thố tài gói bánh tét, bánh chưng, thi thời trang … của thiếu nhi, con em của các gia đình cộng đồng Việt Nam tại Orange County.
Mặc dù chương trình sinh hoạt của LSTV diễn ra tưng bừng, khu chợ Tết phía trước thương xá Phước Lộc Thọ vẫn không kém phần náo nhiệt. Có người đi cả đại gia đình, có những phụ nữ lớn tuổi dắt cháu ngoại du Xuân, súng sính trong chiếc áo dài gấm màu hồng rực rỡ.
Chúng tôi thấy có nhiều cặp vợ chồng Mỹ – Việt chen lẫn trong số người tấp nập trước các gian hàng bán hoa, bánh mứt Tết. Tôi gặp cả một gia đình gốc Mễ bồng bế con nhỏ, người đàn ông có lẽ là chủ gia đình hãy còn rất trẻ bê trên tay một giò thuỷ tiên. Tôi ngạc nhiên hỏi, anh nói biết có hội chợ Xuân của người Việt Nam thì đi cho biết, chứ không biết đúng một tuần nữa sẽ là ngày bắt đầu một năm âm lịch mới, những ngày lễ Tết truyền thống trọng đại của người Việt.
Nhiều người bạn của tôi dẫu đã định cư ở Hoa Kỳ gần 30 năm nay, vẫn coi trọng phong tục ngàn đời của ông cha để lại.
Một chị dặn phải mua chổi quét nhà mới, và mua sắm đầy đủ mắm, muối, gạo trong nhà bếp, không để phải “bươn bả đi chợ mua những món vặt vãnh trong ba ngày Tết.”Một người bạn khác thì “Mỹ hoá” hơn, không quen cúng bái trong ba ngày Tết vì nhà của chị không có bàn thờ tổ tiên. Với chị, thú vui ngày Tết duy nhất là đến một nhà hàng ở đường Bolsa, nằm trong bất cứ khu mua sắm nào, để vừa nhâm nhi món ăn, vừa nghe pháo nổ khai trương các cửa hàng của người Việt Nam tưng bừng.
Một nét đặc thù của người Việt Nam là gửi tặng trà mứt, bánh tét, bánh chưng và cả trái cây… đến bạn bè, người thân. Một người hàng xóm khu mobile home nơi tôi ở, một gia đình gốc Bắc thổi lửa nấu bánh chưng, bánh tét ngày đêm để bán vẫn không kịp. Trung bình mỗi ngày, ông gói khoảng vài trăm cái bánh để bán gây quỹ cho nhà thờ Công Giáo trong vùng.
Chính vì tấm lòng thơm thảo, luôn nghĩ về nhau, các nhân viên bưu điện Bolsa làm việc không hở tay trong vòng một tuần lễ trước Tết vì hàng đống bưu kiện, thùng giấy chất đầy chờ chuyển đến các tiểu bang. Họ gửi bánh tét, bánh chưng, trái cây đến thân nhân, bạn bè ở vùng xa. Người dân Orange County có cái lý của họ. Khu vực Little Sài Gòn đầy ắp các loại món ăn Tết, bánh tét, bánh chưng, và đủ loại trái cây: đu đủ, xoài, chôm chôm… tha hồ chưng mâm ngũ quả bày lên bàn thờ cúng ông bà đêm giao thừa, mà các tiểu bang miền Đông có không nhiều, trừ thành phố Houston của Texas và tiểu bang Florida.
Trung bình mỗi khách hàng xếp hàng ở Bưu điện Bolsa mất không dưới 5 phút để chờ đến lượt mình. Nhân viên Bưu Điện làm việc không ngơi tay mà dòng người đứng chờ vẫn cứ dài ra. Dù mệt, tôi không thấy ai than thở một lời. Có người còn nói, mỗi năm chỉ có một lần nên phải chịu khó thôi.
Cựu đại sứ Ted Osius nói về ‘người Việt nhập cư bị trục xuất’
‘Tôi không hạnh phúc ở Mỹ nên đã đến Việt Nam’
Việt kiều Mỹ sống với nỗi lo bị trục xuất
Từ Mỹ nhìn về giáo dục ở Việt Nam
Xuân về, ai có hay?
Tôi trở lại Phước Lộc Thọ trưa ngày 30 tháng Giêng, tức 25 tháng Chạp, ngày thứ Tư cuối cùng của năm Mậu Tuất. Chỉ còn 4 ngày nữa, mọi người Việt Nam khắp năm châu sẽ cùng đón giao thừa, tiễn năm cũ, chào năm mới. Vì là ngày thường, khung cảnh chợ tết Phước Lộc Thọ ngày thường kém phần tấp nập so với Chủ Nhật rồi. Tôi hỏi người bán hoa lan, mai Mễ và một cô chủ nhân sạp bán đủ loại quà lưu niệm, họ đều nói sức mua chậm hơn so với năm ngoái.
Ghé lại gian hàng bán đủ loại quà lưu niệm đặt trong khu chợ Tết Phước Lộc Thọ của các sư cô chùa Đại Bi, toạ lạc tại đường Fifth, thành phố Santa Ana, bỗng dưng, tôi được mời đến lễ chùa ngày mùng 1 Tết để được ăn chay miễn phí, hưởng lộc chùa. Tôi nói sư cô không cần phải mời, năm nào Phật tử cũng siêng năng lễ Phật ba ngày đầu năm, và thường đi đủ “thập tự.” Chỉ lo ba ngày Tết năm nay không phải cuối tuần, không ai dám nghỉ việc để đi lễ.
Little Sài Gòn, thương xá Phước Lộc Thọ lâu nay là trung tâm của lễ hội Tết Việt Nam, nơi tụ hội của người Việt khắp nơi.
Nhiều người Việt quanh vùng nói phải đến Little Sài Gòn thì người ta mới thấy Xuân về, Tết đến. Rất may, khí hậu Orange County trong những ngày cuối năm âm lịch khá thuận lợi, nắng tốt, không mưa.
Tuy nhiên, hình như năm nay cư dân từ các tiểu bang khác của nước Mỹ đổ về Little Sài Gòn không nhiều. Người ta còn chờ xem số lượng người đến với hội chợ Tết do Tổng Hội Sinh Viên Nam California tổ chức hàng năm tại Orange County Fair & Event Center, thành phố Costa Mesa, Orange County trong ba ngày 8, 9 và 10 tháng 2 mới biết được không khí du Xuân chộn rộn đến mức nào.
Tôi đến khu nhà lồng bán hoa Tết ở góc đường Brookhust và Edinger trưng bày nhiều loại hoa chưng tết, từ thuỷ tiên, cho đến đủ loại lan. Không phải người trong nghề nên tôi không nhận biết rằng lan năm nay kém sắc so với mọi năm vì thời tiết nóng lạnh bất thường của vùng Nam California.
Ở đây, tôi gặp ông Cảnh Nguyễn, cư dân thành phố Foutain Valley có mặt tại đây để hỏi thăm ngày tổ chức múa lân. Năm ngoái, ông đưa các cháu nội ngoại đến xem múa lân đón giao thừa, nhưng năm nay thì không. Tôi hỏi, và ông tâm sự.
Vài năm gần đây,Tết chỉ còn là dư vị chìm lắng. Giờ đây, tết chỉ làm bùng lên nỗi buồn về những người bạn già đang gian nan, vất vả kiếm miếng ăn ở Việt Nam. Bạn bè thân thiết ngày xưa xa cách lần hồi, kẻ còn người mất. Với ông, Xuân chỉ trở lại khi ngắm nhìn đàn cháu nội, ngoại hớn hở trong chiếc áo dài truyền thống Việt Nam đủ màu sắc, tụ hội về một nhà chúc tết ông bà để được lì xì.
Năm nay, mùng 1 Tết nhằm ngày thứ ba, khởi đầu một tuần làm việc mới chắc chắn sẽ làm bớt đi phần nào không khí rộn ràng của mùa Xuân.
Vì lý do này, diễn hành đầu năm mới của cộng đồng Việt Nam thường diễn ra vào ngày mùng 1 tết như năm rồi, năm nay phải chờ đến mùng 5 Tết, tức ngày thứ Bảy 9 tháng 2. Ba ngày Tết ở các chùa, nhà thờ Orange County cũng sẽ không sôi động như mọi năm, vì người lớn bận đi làm, trẻ con phải đi học, chỉ rảnh rang từ sau 5 giờ chiều trở đi.
Không còn rộn ràng treo mấy bộ quần áo mới màu sắc rực rỡ để mặc trong 3 ngày Tết cho hên, cũng không còn siêng năng giữ tục lệ khai bút đầu Xuân, tôi tìm dư vị ngày Tết Việt Nam trong những ngày Xuân đích thực: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy.”
—
Phụng Linh là bút hiệu của bà Võ Thị Hai, hiện cư ngụ tại Nam California, Hoa Kỳ. Bà từng là ký giả của các báo Tuổi Trẻ, Phụ Nữ, Thời Báo Kinh tế Sài Gòn ký bút hiệu Bích Vi, và vẫn tiếp tục cầm bút sau khi sang Mỹ định cư từ năm 2004.
https://www.bbc.com/vietnamese/47067944
Biến tướng quà biếu lãnh đạo tại Việt Nam
Ngay trước tết Nguyên Đán 2019, Văn phòng Chính phủ Việt Nam cùng với các cấp lãnh đạo vào ngày 31/1 tại buổi họp báo của Chính phủ, ban hành chỉ thị bảo đảm việc đón Tết Nguyên Đán 2019 lành mạnh, an toàn và tiết kiệm.
Trong đó, ông Mai Tiến Dũng chủ nhiệm văn phòng chính phủ nhận mạnh đến việc nghiêm cấm mọi hình thức tặng nhận quà Tết cho cấp trên, không được sử dụng tiền, phương tiện và tài sản công trái quy định vào các hoạt động các nhân trong dịp Tết Nguyên Đán.
Trước đó là chỉ thị cùng nội dung của Thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, rồi Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh…
Sau khi chỉ thị của chính phủ được công khai, công luận tiếp tục phản ứng cho rằng, năm nào cũng chỉ thị nghiêm cấm nhưng việc lệnh cấm này hầu như chẳng có tác dụng gì.
Nhà báo Ngô Nhật Đăng từ Việt Nam đồng ý với điều đó và ông nhận định:
Tôi nghĩ rằng nếu có lệnh cấm thì nó cũng không có tác dụng gì, ta thấy việc ban hành lệnh cấm chỉ làm cho công luận thấy làm mục tiêu để đả kích thôi chứ không hề có tác dụng gì.
– NB. Ngô Nhật Đăng
“Chúng ta cũng biết là tình trạng này từ lâu lắm rồi hầu như năm nào cứ đến dịp trước tết là có những việc xảy ra: các quan lớn nhận quà biếu như là dịp trả ơn và nói thẳng ra là những việc hối lộ nhân dịp tết là quà biếu. Tôi nghĩ rằng nếu có lệnh cấm thì nó cũng không có tác dụng gì, ta thấy việc ban hành lệnh cấm chỉ làm cho công luận thấy làm mục tiêu để đả kích thôi chứ không hề có tác dụng gì.”
Còn đối với nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang thì không thể qui kết hoàn toàn là do thể chế của Đảng.
“Cái tập tính tập quán biếu xén cấp dưới biếu cấp trên, nhân viên cấp dưới biếu xén lãnh đạo, địa phương biếu xén trung ương nó đã có từ rất lâu rồi. Tôi nghĩ rằng không thể qui kết hoàn toàn do thể chế của đảng cộng sản. Tôi nghĩ rằng hồi xa xưa dân tộc mình cũng đã có truyền thống như thế, người dưới biếu người trên, dân thì biếu quan và trò biếu thầy cô nhưng nói thật cái lễ nghĩa ngày xưa nó chỉ có tính chất tình cảm nhẹ nhàng là chủ yếu chứ ít có trường hợp động cơ nhằm trục lợi như bây giờ, bây giờ nó thô thiển lắm biếu lên lương, lên chức rồi thay đổi vị trí công tác. Vấn nạn này tại Việt Nam trong nhiều năm qua rất là nặng nề trong những dịp lễ tết.”
Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng thừa nhận với báo chí rằng, việc chúc Tết là văn hóa tốt và truyền thống của người Việt Nam, tại các nước phương Tây người ta đến thăm nhau, tặng nhau những món quà mang tính chất tượng trưng, nhiều ý nghĩa…. Tuy nhiên thực tế ở nước ta đôi khi việc tặng quà Tết đã bị biến tướng và lợi dụng và những mục đích khác nhau.
Đồng ý với điều này nhà báo Ngô Nhật Đăng chia sẽ:
“Ông Dũng nói là chính xác vì không chỉ riêng tại Việt Nam mà hầu như các nước khác cũng đều như thế vào những dịp lễ tết bạn bè thăm nhau vào những dịp tụ họp thì đều có những món quà. Ta thấy như là tại Châu Âu các nước theo đạo Công giáo vào dịp Giáng sinh tặng quà cho nhau nhưng tại Việt Nam nó trở thành biến tướng, hàng ngày cũng có có dịp quà biếu nhưng nhân dịp tết thì nó xảy ra quá nhiều, thấy rằng nó biến tướng một cách nghiêm trọng, ta nên dùng từ là suy đồi thì đúng hơn.”
Văn phòng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành cấm sử dụng tiền, phương tiện và tài sản công trái quy định sử dụng vào mục đích đi lại dịp Tết, liên hoan và quyền lợi cá nhân.
Trên mạng xã hội Facebook từ hôm 30/1 lan truyền hình ảnh một chiếc xe phòng cháy chữa cháy đang vận chuyển một chậu hoa đào lớn lên một chung cư. Tòa chung cư này được dư luận cho rằng rất nhiều cán bộ công an đang cư ngụ tại đó.
Một số chuyên gia và các nhà quan sát cho rằng, những việc làm như thế là trái với qui định pháp luật và yêu cầu ban lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội làm rõ và xử lý vấn đề này.
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, những hành vi đó là lợi dụng và lạm dụng tài sản công vào việc tư nên về nguyên tắc nó vi phạm pháp luật và có các điều khoản trong luật pháp rõ ràng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh quan trọng nhất là người ta xử lý vụ việc như thế nào mà thôi.
Ông dẫn ví dụ: “Người dân với nhau mà ăn cắp con gà thôi là đi tù mấy năm nhưng còn quan xử quan thì nó nhẹ lắm. Vụ ồn ào nhất mới đây là vụ xe công của Bộ Công thương sử dụng xe biển số 80B là của cơ quan trung ương là xe đặc biệt ấy ra tận chân cầu thang máy bay đón vợ của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Mạng xã hội thì nói rất là nhiều còn báo chí nhà nước thì không nói gì rồi cũng mổ xẻ cho đến giờ cũng chưa đâu vào đâu cả, nếu nói về tác dụng thì nó hạ uy tín của nhà nước đối với nhân dân, nếu quy ra tiền thì nó cũng không phải ít đâu là phạm pháp rồi nhưng chả thấy ai khởi tố hình sự, chứ nếu là người dân là chết chắc rồi.”
Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng cho rằng, nếu nhìn theo tinh thần thượng tôn pháp luật thì đó là hình ảnh rõ ràng vi phạm pháp luật nhưng nhìn về mặt khác chúng ta sẽ thấy nó phản ánh tình trạng vô pháp luật tại Việt Nam.
“Pháp luật thì chỉ dành cho một số người thôi còn các quan chức, công an thì hầu như họ đứng trên luật pháp nên chúng ta thấy nền pháp luật Việt Nam có một khái niệm gọi là chế độ công an trị, khi luật pháp không được tôn trọng nó lên tới đỉnh điểm thì nó sẽ xảy ra tình trạng đó, không có tam quyền phân lập lực lượng chức năng lợi dụng các quyền của mình đứng trên luật pháp.”
Theo nhận định của các nhà báo, việc chế tài và hạn chế những tình trạng lợi dụng biếu quà tết nhằm trục lợi hay sử dụng tài sản công trái quy định một cách nghiêm khắc là một điều vô cùng khó và không thể chế tài bằng pháp luật được.
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng nó phụ thuộc vào sự quyết tâm của những người lãnh đạo, đứng đầu thể chế này. Còn đối với nhà báo Ngô Nhật Đăng, tất cả mọi thứ bây giờ đều trong tay một Đảng lãnh đạo thì dù pháp luật ngăn cấm thì biện pháp chế tài hầu như không bao giờ thực thi được.
Duy trì tiếng Việt cho con ở nước ngoài:
gian nan nhưng đáng làm
TS Trần Hồng VânGửi cho BBC từ Úc
Là một gia đình có các con ở độ tuổi đi học và đang sinh sống ở Úc, cách đây vài năm, mỗi khi có khách từ Việt Nam qua chơi, tôi không biết nên vui hay buồn khi nghe mọi người trầm trồ khen các cháu nói tiếng Anh với nhau hay quá.
Tuổi nào tốt nhất để học một ngôn ngữ
‘Làm việc bằng ngoại ngữ lợi thế hơn tiếng mẹ đẻ’
‘Đừng nên phí thời gian học ngoại ngữ’
Ở nước ngoài, từ khi bắt đầu đi học, trẻ em đã luôn “phải” tiếp xúc với tiếng của nước sở tại, ví dụ như tiếng Anh ở Anh, Úc, Mỹ, nên ngôn ngữ này ở các em sẽ có cơ hội phát triển, gần giống tiếng Việt với trẻ em ở Việt nam, trong khi tiếng mẹ đẻ lại có nguy cơ bị sao nhãng.
Khi con trai lớn của tôi 5 tuổi, có lần cháu mách: ”Bố ơi, em cứ lấy cái bút chì knock con on my head.”
”Con nói lại, chỉ dùng tiếng Việt thôi xem nào”, chồng tôi nhắc cháu.
”Em cứ lấy cái bút chì đập vào head của con”, cháu sửa.
”Chưa được, con nói lại lần nữa nào”, chồng tôi kiên nhẫn.
”Em cứ lấy bút chì hit vào đầu con”, cháu nói.
”Bố thấy vẫn chưa được. Hoặc con nói tiếng Anh, hoặc con nói tiếng Việt, chứ không nên trộn lẫn như thế. Con thử nói lại dùng toàn tiếng Việt xem nào.”, chồng tôi vẫn kiên định và giải thích cho cháu.
Nghĩ một lúc cháu nói: ”Em cứ lấy bút chì gõ vào đầu con.” Ngôn ngữ của trẻ em sinh sống ở nước ngoài ở độ tuổi bắt đầu đi học thường có kiểu “ba rọi” như vậy. Lớn hơn chút nữa, nếu không được bố mẹ nhắc nhở, các em rất dễ chuyển sang nói tiếng Anh hoàn toàn ở nhà và thấy rất khó khăn mỗi khi phải nói tiếng Việt.
Có nhiều cháu khi bố mẹ nhắc nói tiếng Việt thì thường mếu máo: nhưng con không biết, con không nói được. Những lúc như thế, bố mẹ phải rất kiên nhẫn và có thể giúp con với những từ ngữ con không biết, chứ không nên dễ dàng thỏa hiệp và chuyển sang nói tiếng Anh với con.
Giữ tiếng Việt cho các con giống như một cuộc chiến không cân sức giữa một bên là trường học và xã hội, nơi các cháu luôn cần sử dụng tiếng Anh và một bên chỉ có bố mẹ (và đôi khi nếu may mắn thì có sự hỗ trợ của ông bà). Muốn làm được điều này, bố mẹ cần phải rất kiên định trong việc dùng tiếng Việt ở nhà. Bố mẹ cũng có thể nói chuyện giúp con hiểu lợi ích của việc nói được tiếng Việt.
“Con sẽ trở nên thông minh, học giỏi hơn nếu con nói được tiếng Việt”, tôi giải thích cho con gái tôi khi cháu thắc mắc tại sao cháu phải nói tiếng Việt ở nhà.
“Con sẽ giỏi hơn bạn Lilly á?”, cháu hỏi.
“Không, không phải là con sẽ giỏi hơn một bạn khác mà con sẽ giỏi hơn chính bản thân con khi không nói được tiếng Việt”.
Não bộ hoạt động linh hoạt, tăng khả năng tập trung học tập ở trẻ em, giảm nguy cơ mất trí nhớ ở người già
Ở người nói được hai hay nhiều ngôn ngữ, não bộ luôn hoạt động linh hoạt để đáp ứng nhu cầu phải chuyển từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nghiên cứu ở nhiều nơi trên thế giới chứng minh rằng so với những trẻ em chỉ nói được một ngôn ngữ, trẻ em nói được hai hay nhiều ngôn ngữ có khả năng xử lý và phân biệt các âm thanh lời nói khác nhau tốt hơn và thích ứng linh hoạt hơn với các điều kiện học tập mới.
Việc nói được hai hay nhiều ngôn ngữ còn có tác động tích cực đến trí nhớ ngắn hạn, khả năng kiểm soát ham muốn và khả năng tập trung. Trí nhớ ngắn hạn tốt giúp các em ghi nhớ các hướng dẫn tốt hơn và có thể có kết quả học tập cao hơn.
Ngoài ra, một nghiên cứu ở Canada còn cho thấy ở những người cao tuổi nói được hai hay nhiều ngôn ngữ, những triệu chứng của bệnh Alzheimer và bệnh mất trí nhớ xuất hiện chậm hơn năm năm so với những người chỉ nói được một ngôn ngữ.
Duy trì bản sắc văn hóa Việt và xây dựng quan hệ gia đình thân thiết
Một vấn đề phổ biến với nhiều gia đình sống ở nước ngoài là mỗi khi có ông bà sang chơi hoặc nói chuyện trên điện thoại với ông bà và người thân ở Việt nam, các cháu chỉ dừng lại ở “Cháu chào ông bà ạ. Ông bà có khỏe không ạ?” là hết “vốn” tiếng Việt.
Bốn năm trước, ba mẹ tôi sang thăm gia đình chúng tôi khi các con tôi đang ở độ tuổi học tiểu học và mẫu giáo. Ngày đầu tiên các cháu ở nhà một mình với ông bà, tôi hỏi: “Hôm nay hai anh em ở nhà với ông bà có ổn không?”, “Ổn mẹ ạ,” nói rồi con trai tôi chỉ vào cái máy tính: “Con dùng Google Translate”.
Google Translate có thể là một giải pháp tình thế tạm thời chứ chắc không ai thích kè kè cái máy tính hay điện thoại khi muốn giao tiếp với người khác cả.
Duy trì tiếng Việt giúp các thế hệ trong gia đình có thể nói chuyện, trao đổi với nhau về các nét văn hóa truyền thống, các giá trị trong cuộc sống, hay đơn giản là về lối sống hay cách cư xử trong gia đình khi có hai nền văn hóa cùng tồn tại, tránh được những xung đột không đáng có do rào cản ngôn ngữ gây ra.
Một nghiên cứu về duy trì tiếng mẹ đẻ ở Mỹ dẫn câu chuyện đáng buồn của một gia đình nhập cư người Hàn quốc.
Ông bố và bà mẹ bị gọi tới văn phòng dịch vụ xã hội của địa phương để trả lời các câu hỏi liên quan đến các vết bầm tím trên người bọn trẻ. Người ta tìm hiểu ra là chúng bị bố quật roi. Nguyên nhân của sự việc là do bọn trẻ nói năng và có thái độ không lễ phép với ông nội.
Thực ra bọn trẻ trong gia đình này từ lâu đã không nói tiếng Hàn quốc ở nhà nhưng chúng buộc phải nói tiếng Hàn với ông khi ông sang chơi. Tuy nhiên, do lâu ngày không nói tiếng mẹ đẻ, cộng với đặc trưng của tiếng Hàn là dùng kính ngữ để thể hiện sự tôn trọng với người nói chuyện lớn tuổi hơn hoặc có địa vị cao hơn, bọn trẻ làm cho người ông cảm thấy bị xúc phạm và ông quay ra trách mắng người bố, dẫn đến kết cục đáng buồn ở trên.
Có cơ hội việc làm tốt hơn, đặc biệt là việc làm liên quan đến cộng đồng nói tiếng Việt
Nói được tiếng Việt còn cho con cái chúng ta thêm lựa chọn khi xin việc làm và có cơ hội được trả lương cao hơn. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy, trong bối cảnh toàn cầu hóa các nền kinh tế như xu hướng hiện nay, các doanh nghiệp thích tuyển chọn những người nói được hai hay nhiều ngôn ngữ vì những người này linh hoạt, có hiểu biết về các nền văn hóa khác và có khả năng giao tiếp trong bối cảnh đa văn hóa và đa ngôn ngữ.
Nghiên cứu ở Quebec, Canada còn cho thấy những người nói được cả tiếng Anh và tiếng Pháp có thu nhập 1.6% cao hơn những người chỉ nói được một ngôn ngữ.
Ở trường Việt ngữ Inner West nơi tôi dạy tiếng Việt cho các cháu trong cộng đồng, khi nói chuyện về nghề nghiệp tương lai, tôi thường nhắc đến những ví dụ về các nhà khoa học, các ca sĩ hay đầu bếp nổi tiếng mà các cháu biết, họ lớn lên ở nước ngoài nhưng về Việt Nam làm việc và đã rất thành công.
Đóng góp vào sự phát triển đa văn hóa, đa ngôn ngữ
Ngoài những lợi ích cho bản thân và gia đình, nói tiếng Việt cũng đem lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng tại các quốc gia mà người Việt đến định cư. Duy trì tiếng Việt cũng là duy trì bản sắc văn hóa Việt, góp phần vào xây dựng xã hội đa văn hóa, đa ngôn ngữ theo xu hướng chung ở các nước có số lượng dân nhập cư đông.
Chính phủ Úc gần đây đã dành hàng triệu đô la vào các chương trình khuyến khích phát triển ngôn ngữ cộng đồng với hi vọng duy trì và phát triển một quốc gia đa ngôn ngữ, đa văn hóa.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Tiến sĩ Trần Hồng Vân, Đại học Charles Sturt, Australia.
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-47028662
Human Rights Watch: Hà Nội gian dối
hồ sơ nhân quyền với Liên Hiệp Quốc
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 1 tháng 2 năm 2019, ra thông cáo chỉ trích chính phủ Việt Nam “đã đệ trình một hình ảnh rất sai thực tế về hồ sơ nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp Quốc ở Geneva vào ngày 22 tháng Giêng năm 2019.”
Theo đó, tuyên bố của chính quyền Việt Nam về việc đã thực thi được 175 trong tổng số 182 khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận từ đợt Đánh giá Định kỳ Phổ quát (UPR) năm 2014 là khác xa so với thực tế.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu trong thông cáo của HRW rằng “Các nhà lãnh đạo Việt Nam lẽ ra có thể vận dụng phiên kiểm định của Liên hiệp Quốc để thực thi các cải cách về nhân quyền thực sự, nhưng họ lại lún sâu hơn qua việc chối bỏ hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình.
Việt Nam cần nhận thấy rằng, khi chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất chúc mừng mình về ‘tiến bộ nhân quyền’ thì hiển nhiên là mình đã phạm quá nhiều sai lầm,” Tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở tại Hoa Kỳ cũng chỉ ra những vi phạm nhân quyền mà Việt Nam che giấu ở Geneva.
Cụ thể là tại đợt kiểm định UPR này, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu rằng Việt Nam đảm bảo cho mọi người “quyền bình đẳng trước pháp luật” và được tiếp cận luật sư biện hộ.
Tuy nhiên theo HRW, trên thực tế, hệ thống tư pháp là một công cụ đàn áp của chính quyền, quyền tiếp xúc với luật sư và quyền được xét xử công bằng bị hạn chế. Các luật sư bào chữa không có đủ thời gian để chuẩn bị cho các phiên xử có động cơ chính trị và trình bày ý kiến trước tòa.
Hầu hết các phiên xử về tội danh an ninh quốc gia chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, một số vụ thậm chí chỉ vẻn vẹn trong hai tiếng đồng hồ.
Tổ chức này ghi nhận chỉ trong 2 năm 2017 và 2018 có ít nhất 63 nhà hoạt động và blogger bị bắt giữ tùy tiện, trong đó việc bắt giữ gần đây nhất là vụ bắt ông Nguyễn Văn Viễn, một nhà hoạt động thuộc hội Anh em dân chủ, diễn ra chỉ chín ngày trước phiên UPR.
Tương tự, phái đoàn Việt Nam cũng tuyên bố trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc rằng, nước này đã tôn trọng và tạo điều kiện thực thi quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí và tự do lập hội.
Nhưng trên thực tế những báo cáo mà tổ chức Theo dõi Nhân quyền có được là hoàn toàn ngược lại. Ví dụ như chính quyền gọi các nhóm tôn giáo độc lập, như các nhóm Tin Lành Đề Ga của người Thượng ở vùng Tây Nguyên là “tà đạo,” ép buộc thành viên của các nhóm này phải từ bỏ tín ngưỡng, họ còn bị đấu tố trước công chúng, câu lưu và tra tấn.
Hay theo luật an ninh mạng mới có hiệu lực, hàng chục triệu người sử dụng internet ở Việt Nam sẽ không có quyền bảo mật riêng tư và có thể bị bắt giữ tùy tiện vì đăng tải thông tin bị chính quyền cho là đe dọa tới an ninh quốc gia.
Ông Phil Robertson nói thêm “Các nhà lãnh đạo Việt Nam thường viện cớ an ninh quốc gia để cố biện minh cho chính sách đàn áp các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Nhưng hệ thống luật pháp và thực thi pháp luật hà khắc của đất nước này không nhằm bảo vệ an ninh quốc gia mà để bảo vệ sự độc tôn quyền lực của Đảng Cộng sản.”
Việt Nam vi phạm các quyền
bắt giữ nhà hoạt động người Úc gốc Việt
Chính phủ Hà Nội đã bắt giữ nhà hoạt động nhân quyền người Úc gốc Việt, ông Châu Văn Khảm gần 3 tuần; đồng thời sử dụng truyền thông nhà nước để mạ lị ông cùng với công việc ủng hộ dân chủ của Đảng Việt Tân.
Đảng Việt Tân vào ngày 1 tháng 2 ra thông cáo báo chí lên án Việt Nam vi phạm các quyền bắt giữ nhà hoạt động dân chủ, ông Châu Văn Khảm, một người Úc gốc Việt với nội dung vừa nêu.
Thông cáo báo chí này được phổ biến sau khi mạng Báo Công an Nhân dân (CAND), vào ngày 30 tháng 1, loan tin Công an Việt Nam “đã phát hiện và ngăn chặn thành công đối tượng là thành viên cốt cán của tổ chức khủng bố Việt Tân xâm nhập, tìm cách hoạt động chống phá” trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019. Mạng Báo CAND xác nhận Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ông Châu Văn Khảm, đảng viên Đảng Việt Tân và ông Nguyễn Văn Viễn, thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ và Dân Chủ Việt.
Trong thông cáo báo chí của Đảng Việt Tân, đảng này lên tiếng cáo buộc Bộ Công An Việt Nam đã dùng truyền thông chính thống là mạng Báo CAND để tấn công ông Châu Văn Khảm và nhấn mạnh rằng đây là việc làm vi phạm trắng trợn các quyền bắt giữ theo luật quốc tế. Đảng Việt Tân cho rằng việc phổ biến thông tin về địa chỉ tư gia của ông Khảm trên báo chí là vi phạm sự riêng tư của ông Khảm cùng gia đình của ông.
Đảng Việt Tân khẳng định Chính quyền Việt Nam thường xuyên bắt giữ tùy tiện và vu khống thanh danh của Đảng Việt Tân qua việc sử dụng truyền thông loan báo bắt giữ ông Lê Quốc Bình hồi tháng 8 năm 2018, với cáo buộc là đảng viên Đảng Việt Tân đã mang vũ khí vào Việt Nam hay việc bắt giữ ông Lê Văn Phan và bà Nguyễn Thị Thịnh hồi tháng 11 năm 2017 cũng với cùng một cáo buộc; trong khi Đảng Việt Tân xác nhận 3 người bị bắt giữ không phải là thành viên của đảng này.
Chủ tịch Đảng Việt Tân, ông Đỗ Hoàng Điềm tuyên bố trong thông cáo báo chí rằng Đảng Việt Tân hoạt động với mục đích ủng hộ dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam qua hành động dân sự phi bạo lực, do đó Đảng Việt Tân thách thức Chính quyền Cộng sản Việt Nam cung cấp bất kỳ bằng chứng rằng Đảng Việt Tân liên can đến cái gọi là khủng bố hay bạo động.
Thủ tướng VN yêu cầu Bộ Công an
‘vào cuộc’ vụ 152 du khách bỏ trốn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu Bộ Công an “điều tra, xử lý nghiêm” các tổ chức, cá nhân đưa người trái phép ra nước ngoài lao động qua đường du lịch, sau hơn 1 tháng xảy ra vụ 152 du khách Việt Nam bỏ trốn trong lúc sang “tham quan” Đài Loan, truyền thông trong nước cho biết hôm 31/1.
Theo nguồn tin của Vietnamnet, Văn phòng chính phủ Việt Nam vừa có văn bản gửi cho Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Văn hóa-Thể thao-Du lịch và cơ quan liên quan để thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, trong đó yêu cầu các cơ quan phải điều tra và xử lý nghiêm vụ này.
Trước đó, 4 nhóm du khách Việt Nam với tổng cộng 153 người đã đến Đài Loan du lịch vào ngày 21/12 và 23/12/2018. 152 người trong nhóm, trừ hướng dẫn viên, đã biến mất ngay sau khi đặt chân tới Đài Loan.
Cho đến nay, tổ chuyên án do Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan lập ra để săn lùng nhóm người này đã bắt được 87 người. Trước đó, có 3 người đã tự ý rời khỏi Đài Loan.
Hôm 21/1, người đứng đầu Văn phòng phía Nam của Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan, ông Tạ Văn Trung, cho biết đã bắt giữ 7 người bị tình nghi đứng sau vụ 152 du khách bỏ trốn. 3 trong số 7 nghi phạm này đã được xác định là người môi giới trong các đường dây buôn người từ Việt Nam sang Đài Loan.
Vẫn theo Cơ quan Di trú Quốc gia Đài Loan, bộ ba trên đã sử dụng một công ty lữ hành Việt Nam để quảng cáo các cơ hội làm việc tại Đài Loan trên mạng internet. Chi phí dịch vụ của công ty này là từ 1.000-3.000 đôla Mỹ (30.890-92.645 Đài tệ) mỗi người.
Những người này được sắp xếp đi sang Đài Loan theo chương trình visa “Quan Hồng”, một chương trình nới lỏng thị thực do chính phủ Đài Loan đưa ra vài năm gần đây cho một số quốc gia là Việt Nam, Indonesia, Myanamar, Lào, Campuchia và Ấn Độ.
Sau khi xảy ra vụ 152 du khách Việt bỏ trốn, Bộ Ngoại giao Đài Loan hôm 27/12 thông báo đình chỉ các đơn đăng ký xin visa điện tử của các đoàn khách du lịch Việt Nam sắp sang tham quan Đài Loan.
Theo báo Thanh Niên, Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện đang làm việc với phía Đài Loan để đề nghị tiếp tục áp dụng chính sách visa “Quan Hồng” cho các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, đặc biệt với các doanh nghiệp đã đặt dịch vụ, khai thác đoàn khách du kịch trong dịp Tết Nguyên Đán.
Sao Việt Nam không thể ‘dứt áo’
với những dự án vay vốn Trung Quốc?
Thanh Trúc
Theo bản tin AFP hôm 27 tháng Giêng, Thủ tướng Mahathir Mohamad quyết định hủy bỏ dự án đường sắt từ Tây sang Đông trên lãnh thổ Malaysia, gọi tắt là ECRL, mà Trung Quốc trúng thầu với trị giá 81 tỷ ringgit tương đương 19 tỷ 600 triệu đô la.
Đây là dự án lớn ký với Trung Quốc từ thời chính phủ tiền nhiệm của Thủ tướng Najib Razak, hiện đang bị truy tố vì tội tham nhũng.
Tin cho biết Bộ trưởng Kinh tế Malaysia, ông Azmin Ali, nói rằng phát triển tuyến hỏa xa từ Tây sang Đông là dự án quá sức tốn kém vào khi Malaysia không đủ khả năng tài chính trong lúc này.
Vẫn theo lời ông Azmin Ali, nếu không ngưng lại thì mỗi năm chính phủ phải chi trả 500 triệu ringgit tiền lời mà Kuala Lumpur không kham nổi.
Trong lúc giới phân tích bên ngoài quan ngại rằng quyết định của Thủ tướng Mahathir Mohamad ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ song phương Malaysia-Trung Quốc, người am hiểu tình hình ở Việt Nam, nơi có nhiều dự án bạc tỷ vay vốn và thực hiện bởi tổng thầu Hoa Lục, lại bày tỏ sự đồng tình với vị Thủ tướng cao tuổi của Malaysia,
Đối với Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên Viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ Và Môi Trường, Thủ tướng Mahathir Mohamad là một người sáng suốt:
“Sáng suốt ở quyết định phải ngưng lại hơn là tiếp tục theo đuổi, bởi từ 16 đến 20 tỷ đô la mà chưa nói tới phát sinh thì mỗi năm như thế lấy đâu cả mấy trăm triệu đô la để trả cho nhà thi công. Hai nữa cái thiệt hại của họ là người Malaysia không được công ăn việc làm, vì người Trung Quốc đưa cả thợ thuyền của họ kéo sang làm. Nghĩa là công việc làm cho người bản địa là không có mà lại còn gánh năng nợ nần. Quyết định phải ngưng lại là sáng suốt.”
Khi đấu giá thì họ đấu giá thấp, nhưng quá trình làm thì cứ phát sinh và phát sinh mãi làm đội vốn lên nhiều và thời gian lâu.
-TS. Lê Huy Bá
Nhà quan sát Phạm Chí Dũng, từng làm việc trong ngành Nội Chính Đảng, cho rằng quyết định của Thủ tướng Malaysia là một đòn đau cho Trung Quốc đối với những dự án đầu tư ra nước ngoài mà không mang lại phúc lợi cho dân bản địa: :
Tôi cho đấy là một quyết định tuyệt vời. Vào năm 2013, dự án đập thủy điện Myitsone trị giá 7 tỷ đô la của Trung Quốc ở Myanmar đã phải ngưng lại và từ đó tới nay không triển khai nữa. Và quyết định thứ hai mà Mahathir Mohamad giáng vào Trung Quốc cho thấy không thể dùng tiền mua cả thế giới như Trung Quốc thường khoe khoang, và Malaysia cũng không phải như một số nước Châu Phi, không phải là Zimbabwe hay là Venezuela ở Châu Mỹ La Tinh mà Trung Quốc có thể vung tiền vào các dự án đầu tư để chi phối nền kinh tế và thao túng chính trị.
Theo số liệu từ Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, trong một thập niên trở lại đây nhiều nhà thầu Trung Quốc đã trúng thầu các dự án của Việt Nam. Quá trình thực hiện cho thấy nhiều dự án lâm cảnh chậm trễ, đội vốn, kiện tụng. Nguyên nhân trì trệ phần lớn từ phía Trung Quốc, điển hình như dự án đạm Ninh Bình đã không thể tiến hành sau khi vay vốn và sử dụng nhà thầu Trung Quốc. Kế đó là dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên từ năm 2007 vì kéo dài khiến mức vốn tăng cao.
Nhiều dự án của ngành Công Thương cũng gặp cảnh gọi là ngậm đắng nuốt cay khi đối mặt và làm việc chung với nhà thầu Trung Quốc.
Một trong những chuyện gần nhất và được nói tới nhiều nhất là dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đã hai lần tăng vốn khiến một số nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia và các tổ chức dân sự lên tiếng bằng nhiều bài phản biện trên mạng.
Dưới mắt Giáo sư Tiến sĩ Lê Huy Bá, đường sắt đô thị Cái Linh – Hà Đông là dự án kéo dài quá lâu :
“Quá lâu mà còn đôi vốn lên nhiều lần, còn công nghệ thì theo tôi biết cũng không phải là công nghệ tiên tiến. Người sử dụng kỹ thuật đưa sang đây làm cũng không phải loại hảo hạng, có thể nói là người của công ty bản địa thuộc hạng kém mới cho sang đây. Đấy là những yếu tố làm cho kéo dài, đội vốn. Khi đấu giá thì họ đấu giá thấp, nhưng quá trình làm thì cứ phát sinh và phát sinh mãi làm đội vốn lên nhiều và thời gian lâu.”
Tháng Mười Một năm 2018 vừa qua, một bản tin trên VietnamNet cũng cho hay vì nhiều vấn đề trì trệ và bất ưng khiến nhiều chủ đầu tư phải chấm dứt hợp đồng với phía nhà thầu Trung Quốc, thậm chí chấp nhận bị thưa kiện.
Câu hỏi ở đây là tại sao Việt Nam không thể chấm dứt hay ngưng cho tiến hành những dự án tốn kém đã ký với tổng thầu Trung Quốc như Myanmar lúc trước và Malaysia mới đây? Kỹ sư Ngô Sĩ thiết, một thành viên nhóm Minh Triết ở Hà Nội nhận định:
“Đất nước người ta có độc lập trong cách hành xử, còn Việt Nam lãnh đạo phải xứ lý những quan hệ rất khó khăn vì bị phụ thuộc vào nhiều thứ mà từ góc độ ở ngoài mình không thể biết hết được. Cho nên đối với những dự án có Trung Quốc đầu tư thì không dễ mà từ chối như là Malaysia hoặc một nước khác.
Từ việc khởi xướng dự án đến việc chọn nhà thầu đến việc vay vốn đến tiến trình triển khai Việt Nam thực sự bị lệ thuộc trong việc đưa ra những quyết định mang tính chất độc lập. Ngày trước ông Đinh La Thăng có thể hiện ý kiến cá nhân là “đuổi nhà thầu Trung Quốc” mà hậu quả là ông bây giờ đã bị bỏ tù, hầu như không ai dám mạnh bạo như ông Đinh La Thăng nữa.”
Các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ liên kết liên doanh với Trung Quốc thì đã nhận chung chi, và rất nhiều dư luận cho rằng Trung Quốc là một quốc gia chịu chung chi, chịu hối lộ thoáng nhất thế giới.
-Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng
Đinh La Thăng là cựu Ủy viên Bộ Chính trị, từng có thời là Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải và đã có những chỉ trích mạnh mẽ đối với nhà thầu Trung Quốc. Ông Thăng bị kết án tù vào năm ngoái về tội cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng.
Tế nhị và phức tạp là nhận xét của giáo sư Đào Công Tiến, cựu Hiệu trưởng Đại Học Kinh Tế Sài Gòn:
“Bỏ một dự án? Có những cái không thể chuyển được đâu, còn cái chuyển được thì cũng phải gỡ những cái vướng những cái phức tạp. Đấy là vì sao? Vì nó liên quan đến những cái không thể giải quyết bằng phương án bỏ được, phải tính toán nhiều thứ không thể nói dông dài trên máy được.”
Nhà quan sát chính trị Phạm Chí Dũng phân tích thêm:
“Tại sao không dừng được? Lý do đầu tiên thành thực mà nói là khó có bằng chứng nhưng mà vô cùng nhiều dư luận cho rằng lãnh đạo hoặc giới chuyên trách đã không quyết tâm, không dứt khoát và không dám làm rõ. Các doanh nghiệp Việt Nam trong quan hệ liên kết liên doanh với Trung Quốc thì đã nhận chung chi, và rất nhiều dư luận cho rằng Trung Quốc là một quốc gia chịu chung chi, chịu hối lộ thoáng nhất thế giới. Rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp có mối quan hệ đặc thù với Trung Quốc, đặc thù ở đây có nghĩa là có lợi nhuận, và những dự án liên quan tới ODA hoặc liên quan tới ngân sách nhà nước, thì dư luận cho rằng không hiếm những doanh nghiệp này đã nhận tiền từ các doanh nghiệp Trung Quốc và để cho Trung Quốc trở thành tổng thầu. Tôi cho rằng vấn đề tham nhũng là lý do đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt Nam không dám bỏ những dự án với Trung Quốc.
Lý do thứ hai thì cho tới nay Việt Nam không chỉ lệ thuộc vào kinh tế cho tới những dự án đấu thầu có Trung Quốc mà còn bị chi phối bởi mặt chính trị, thậm chí dư luận còn đồn đoán là Trung Quốc chi phối tới cấp trung ương của đảng. Thế thì việc hủy bỏ những dự án lớn của Trung Quốc ở Việt Nam thì rõ ràng vì lý do chính trị Việt Nam đã không dám làm, điển hình là dự án bô xít Tây Nguyên.”
Vẫn theo báo mạng Vietnam.Net tháng Mười Một năm 2018, để nâng cao giải pháp cũng như chấn chỉnh công tác quản lý lãnh vực đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam thông qua các dự án lớn nhỏ, từ năm 2015 Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương đồng thời sửa đổi Luật Đấu Thầu và các văn bản liên quan.
Bên cạnh đó, chính phủ và các cơ quan chức năng cũng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý sai phạm mà theo báo cáo thì đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên theo các nhà quan sát và các tổ chức dân sự ở trong nước, minh bạch mới là cần thiết chứ không chỉ những qui định trên giấy mà đủ, và giải pháp nào cho những gói thầu với Trung Quốc bị trì trệ và đội vốn vẫn còn là câu hỏi phía trước.
Làm phim tiền tấn cất kho,
nghệ sĩ Hãng phim truyện Việt Nam tiếp tục đòi bú sữa
Tre
Cách đây hơn một tuần, đi qua hãng phim truyện Việt Nam ở số 4 Thụy Khuê (Hà Nội), người ta giật mình vì băng rôn đỏ chói dán kín khắp từ ngoài vào trong, to tướng, nổi bật mang nội dung yêu cầu Vivaso “get out” (nguyên văn), trả lại Hãng phim cho nghệ sĩ. Trong đó có những băng rôn viết rất khẩn thiết “Chúng tôi cần làm việc”.
Vivaso là Công ty vận tải thủy Việt Nam, họ mới mua lại cổ phần của hãng phim này cách đây ba năm, trở thành nhà đầu tư chiến lược với 65% cổ phần.
Chưa bao giờ thấy nghệ sĩ Việt Nam đoàn kết đấu tranh đòi quyền lợi đến vậy. Không khí rừng rực quá khiến tôi tò mò đi tìm hiểu coi sao. Mà thôi chả cần nói thế cho hoa mỹ, tôi muốn biết quả thực các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam thật sự muốn làm việc đến mức nào, còn ai đã tước của họ cái quyền chính đáng ấy?
Vì hầu như người (tre trẻ) nào ở Hà Nội cũng từng đến cái điểm số 4 Thụy Khuê này nhiều lần. Không phải đến để làm việc (nghệ sĩ họ mới cần làm việc!) mà là đi nhậu.
Hãng phim truyện Việt Nam-mảnh đất vàng…. của những quán nhậu
Lần đầu tiên đi vào đây tôi cứ nhìn đi nhìn lại dụi mắt. Sao nó lạ quá thể? Đi qua cái cổng xây cũ nát bẩn thỉu ở đường Thụy Khuê mà bên trên vẫn treo tấm bảng Hãng phim truyện Việt Nam cũng nát cũ không kém, vào sâu bên trong, đi qua hàng dãy phòng làm việc khóa im ỉm, tối tăm, mục rệu, bỗng mở ra một không gian tuyệt vời. Một vuông đất rộng lớn hàng ngàn mét chạy dài sát hồ Tây, mát rười rượi. Ngay giữa trung tâm Hà Nội lại có mảnh đất tuyệt diệu thế này (cho việc ăn nhậu). Rất nhiều nhà hàng, quán nhậu tưng bừng rộn rã đối nghịch với cái đổ nát tiêu điều toàn diện ở mặt ngoài, tận dụng cảnh sắc bên hồ mỹ mãn. Tôi nhớ ngày ấy chúng tôi hay ăn ở quán Vọng Ba Lâu. Như tên gọi, nó có tòa gác rộng (lâu) nhô ra ngoài hồ để ngắm sóng (vọng ba).
Nói tóm lại, mảnh đất vàng của Hãng phim truyện Việt Nam danh giá ấy, từ hàng chục năm trước đây đã được chia năm xẻ bảy ra cho tư nhân thuê làm quán nhậu.
Rất nhiều lần vào đấy tôi chưa hề trông thấy một ti teo hoạt động nào như các hãng phim (mà lại là phim quốc gia), hay một cơ quan đang làm việc-phải có. Thậm chí, đến một bóng người cũng không thấy nốt.
Khung cảnh ấy như thế này:
Tuy vậy, hãng phim vẫn có làm phim.
Làm phim tiền tấn cất kho
Năm 2014, báo chí đưa tin bộ phim Sống cùng lịch sử ế thảm thương, ra rạp suốt hai tuần nhưng không bán nổi vài vé, cuối cùng phải hủy nhiều suất chiếu. Đây là một trong số dự án phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam, lên đến 21 tỷ đồng, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, NSND Nguyễn Thanh Vân đạo diễn và nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn viết kịch bản.
Trước đó, vào năm 2010, báo chí đưa tin bộ phim truyền hình “Thái sư Trần Thủ Độ” (đạo diễn Đào Duy Phúc) sản xuất dịp Đại lễ Thăng Long – Hà Nội (2010) có kinh phí 57 tỷ đồng. Trung bình mỗi tập phim này ngốn 1,7 tỷ đồng, cao gấp gần 10 lần so với kinh phí trung bình của một phim truyền hình sản xuất trong nước. Nhưng do chậm tiến độ đến 3 năm nên cuối cùng đem phát không cho các đài truyền hình.
Phim “Lý Công Uẩn-đường tới thành Thăng Long” (đạo diễn Cận Đức Mậu) kinh phí trăm tỉ đồng, được đem qua Trung Quốc quay, tặng không cho Đài Truyền hình Việt Nam nhưng cũng không được chiếu vì trang phục, bối cảnh, cách làm phim bị “Trung Quốc hóa”.
Phim “Huyền sử thiên đô” (đạo diễn Phạm Thanh Phong, Đặng Tất Bình) tốn hết 60 tỉ đồng, hoàn thành chậm, không kịp chào mừng 1.000 năm Thăng Long nên cũng cất kho.
Vẫn theo tác giả Phạm Lý, nhiều phim quốc doanh khác như phim “Thầu Chín ở Xiêm” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) và “Người trở về” (đạo diễn Đặng Thái Huyền) được đầu tư hơn 10 tỷ đồng mỗi phim đều chiếu miễn phí. Trước đó, không ít phim từng được ra mắt rồi cũng đi thẳng vào kho như “Rừng đen”, “Chơi vơi” hay “Vũ điệu đam mê”.
Về bộ phim “Sống cùng lịch sử”, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân từng nói trên báo chí đại loại “ngay từ lúc làm phim đã không tự tin có khán giả”.
Còn theo tác giả Hạnh Phương của báo Vietnamnet, ông Vân từng phân trần “Sống cùng lịch sử “ nói là được rót 21 tỉ đồng nhưng trên thực tế chỉ còn khoảng 13-14 tỉ đồng vào phim, còn lại để chi phí những việc khác của hãng. Chủ yếu trả lương cho nhân viên, vận hành hãng phim.
Trước đó, Phó giám đốc Hãng phim, nhà quay phim Lý Thái Dũng nói thực ra hãng ông tính chi phí để làm bộ phim này phải là 30 tỷ đồng, nhưng chỉ được cấp có 21 tỷ nên phải gói ghém, tính toán.
Vâng, “có” 21 tỷ thôi. Không biết những người duyệt chi tiền cho bộ phim này có nhột khi nghe thừa nhận của hai ông không, và cũng không biết trong bản dự án chi phí với Bộ Tài chính thì khoản 7 tỷ “để chi phí những việc khác của hãng” có nằm trong sổ sách kết toán hay không. Tiền trong túi Nhà nước nên các ông nói nghe cứ nhẹ như lông hồng.
Ông Dũng cũng từng biện bạch rằng không thể so sánh hiệu quả của hãng phim nhà nước với hãng phim tư nhân vì lý do cơ chế: hãng nhà nước không có tiền, vốn không ai cấp.
Ông Dũng than “Ba năm nay hãng không có một đồng của nhà nước đặt hàng và tài trợ. Hơn 100 con người sống lay lắt. Trong khi hãng tư nhân có khi chỉ cần có 3 người để vận hành bộ máy gọn gàng, không phải “nuôi” ai cả”.
Ủa vậy tại sao 3 năm sống lay lắt mà tại sao cả trăm con người kia không nghỉ đi, lại cứ cố ghì chặt vào cái phao nát mục đó? Chẳng phải để tìm cơ hội đào thêm vài bộ phim vài chục tỷ nữa hay sao?
Mấy chục năm bú sữa quốc gia đến thành què quặt
Không vòng vo như hai ông nói trên, đạo diễn Đặng Nhật Minh nói thẳng “với phim đặt hàng thì Nhà nước cũng không quan tâm mấy đến hiệu quả kinh tế (…) những dịp kỷ niệm lớn có phim chiếu sau đó cất kho cũng không sao, miễn hoàn thành nhiệm vụ chính trị là được”.
Hóa ra là như vậy.
Ngoài các vị đạo diễn nói trên, có ai trong Hãng phim truyện Việt Nam hiểu rõ chuyện này không? Tôi tin chắc họ vốn cũng có ăn có học, chắc phải hiểu rõ hơn ai hết. Vậy thì tại sao khi có người mua lại cái hãng phim đã thoi thóp nhiều năm, tìm cách dựng nó dậy thì hàng mấy chục nghệ sĩ lại phản ứng quyết liệt như vậy?
Hãy xem họ phản ứng vì điều gì.
Không làm việc nhưng đòi có lương
Giữa tháng 1/2019, Vivaso thông báo cắt lương và bảo hiểm của 30 nghệ sĩ vì họ không làm việc và cũng không đến cơ quan chấm công theo quy định. Các nghệ sĩ viện lẽ họ làm công việc đặc thù, sáng tạo, nên không thể buộc đến chấm công như một anh cu li văn phòng được. Nhưng cũng chính họ cho biết trong thời gian này họ không làm việc gì của hãng.
Một cô nhân viên văn phòng cũng dễ dàng thấy rõ logic khi đã có hợp đồng (biên chế) toàn thời gian với nơi làm việc thì công ty yêu cầu anh lên văn phòng chấm công buộc anh phải lên. Công ty đã bỏ tiền mua trọn 8 tiếng làm việc của người lao động nên họ có toàn quyền yêu cầu anh trong thời gian đó. Tiền bảo hiểm cũng là để bảo hiểm cho thời gian làm việc, chứ không ai bảo hiểm cho việc ăn không ngồi nhà. Cái lý lẽ là nghệ sĩ cho nên không cần đến cơ quan (nhưng cũng không làm việc của cơ quan) mà vẫn buộc chủ đầu tư trả lương và bảo hiểm đầy đủ đúng là cái thứ lý lẽ khôn vặt, vừa bẩn tính vừa ăn người.
Bao nhiêu năm chầy bửa, ở không ăn sẵn, cậy cái danh nghệ sĩ quốc gia để làm những thứ mang mác văn hóa tiêu tiền tấn nhưng vô dụng. Bị đe dọa đuổi khỏi ổ thì lăn ra kêu khóc, lại vật vã lôi cái mác nghệ sĩ cao sang để cố bám tiếp bầu sữa nuôi khống mấy chục năm nay?
Thật đúng là báo hại. Xấu hổ thay cho cái danh nghệ sĩ, thực ra thì tầm thường, tham lam hết cỡ nhưng lại cứ cảnh vẻ làm sang.
Cách đây vài năm, nghệ sĩ điện ảnh Nguyễn Chánh Tín phá sản hãng phim riêng vì làm phim Dòng máu anh hùng hết 1,5 triệu USD nhưng chỉ bán vé được 7 tỷ. Nhiều bộ phim cả dòng nghệ thuật lẫn thương mại do tư nhân đầu tư khác như Thiên mệnh anh hùng, Bẫy rồng, Bụi đời Chợ Lớn, Quyên, Fan cuồng… khi thất bại thì nhà đầu tư nghiến răng gánh chịu. Họ đủ hiểu biết và sòng phẳng để không lợi dụng làm trò van vỉ xã hội thương hại như mấy chục “Nghệ sĩ nhân dân” “Nghệ sĩ ưu tú” quốc doanh của Hãng phim truyện quốc gia kể trên.
Ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng vừa “reo” lên “Nhà nước vẫn nuôi anh em chúng ta” khi nằn nì được Nhà nước đồng ý tiếp tục cấp kinh phí, lên đến 85 tỷ/năm. Nếu không được “nuôi” nữa-ông dọa-4 vạn văn chiến sĩ cả nước sẽ lo đi kiếm ăn chứ chẳng còn thời giờ đâu trở thành chiến sĩ giữ vững mặt trận văn hóa tư tưởng của đất nước.
Hóa ra mục đích của đám nghệ sĩ này (xin lỗi các anh chị em nghệ sĩ chân chính), chỉ là để ôm thật chặt miếng cơm được ban phát.
Trên đường phố Sài Gòn, thỉnh thoảng người ta gặp một em bé bán vé số từ chối tiền khách cho vì con bán vé số chứ không ăn xin. Ông Thỉnh và những nghệ sĩ nói trong bài nên đến tìm các em bé ấy mà quỳ xuống học một bài về nhân cách.
Tham khảo:
https://www.nguoiduatin.vn/soc-vi-dien-mao-hang-phim-truyen-viet-nam-sau…
http://thegioidienanh.vn/dao-dien-bui-thac-chuyen-can-xem-xet-lai-cac-hang-phim-nha-nuoc-634.html
https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/nghe-si-hang-phim-truyen-keu-cuu-khi-bi-…
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do