Tin Biển Đông – 01/02/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 01/02/2019

ASEAN trước tham vọng của TQ

Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU kêu gọi kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – EU lần thứ 22 diễn ra đầu tuần qua ở Brussels (Bỉ), khi thảo luận về tình hình Biển Đông, các nước tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. Các bộ trưởng kêu gọi kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Nhìn lại Biển Đông, khoảng 8 năm qua, Trung Quốc thể hiện rõ chiến lược đơn phương sử dụng lực lượng quân sự phục vụ cho tuyên bố chủ quyền tại đây. Thông qua đó, Bắc Kinh muốn thiết lập “trật tự mới” ở châu Á. Giờ đây, Mỹ nhận thức rõ rằng thông qua những gì đang thể hiện ở Biển Đông nói riêng và châu Á nói chung, Trung Quốc đang muốn tạo ra một trật tự quốc tế mới thay cho hệ thống hậu Bretton Woods.

Trong khi đó, ngay tại khu vực, ASEAN vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, chưa thể hiện được sự thống nhất hiệu quả trước các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, điển hình là Biển Đông. Tuy nhiên, ASEAN vẫn là một đối tác để thế giới hợp tác nhằm cùng nhau tạo ra một môi trường đảm bảo an ninh và ổn định ở châu Á. Có như thế, khu vực này mới có thể hạn chế những mối đe dọa nổi lên.

http://biendong.net/goc-nhin-moi/26062-asean-truoc-tham-vong-cua-tq.html

 

Viện ISEAS: Trung Quốc trỗi dậy

khi Mỹ lơ là Đông Nam Á

Diễm Thi, RFA

Một cuộc khảo sát được công bố trong tháng này của Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) tại Singapore chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tăng cường mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế và chính trị, đồng thời hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Nói cách khác là Trung Quốc đang lấp dần những khoảng trống mà Hoa Kỳ bỏ ngỏ.

Cuộc khảo sát có sự tham gia của hơn 1.000 học giả từ 10 nước trong Hiệp hội Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Họ là những giới chức chính phủ, doanh nhân, giới hoạt động xã hội dân sự và truyền thông. Họ được hỏi về các vấn đề địa chính trị, kinh tế và an ninh ảnh hưởng đến khu vực. Khảo sát được thực hiện trực tuyến từ giữa tháng 11 đến đầu tháng 12 năm 2018.

Trong bản báo cáo kết quả khảo sát dài 38 trang, một trong 32 câu hỏi được trả lời cho thấy 74,1% nhận định Trung Quốc – chứ không phải Liên minh châu Âu (EU), Ấn Độ, Nhật Bản hoặc Nga – sẽ tranh giành quyền lãnh đạo chính trị để đáp lại sự lơ là ngày càng tăng của Hoa Kỳ đối với Đông Nam Á và ASEAN.

Kết quả khảo sát cho thấy hơn 70% học giả nói rằng, chính phủ nước họ nên thận trọng trong việc đàm phán các dự án trong phạm vi Sáng kiến Vành đai và Con đường để tránh rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh. Học giả ở Malaysia, Philippines và Thái Lan là những người lên tiếng mạnh mẽ nhất về việc này. Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng cho rằng các dự án này thiếu các tiêu chuẩn về môi trường, khó thực hiện, thiếu khả năng thương mại và nghi ngờ về vấn đề xung đột lợi ích.

Hơn 45% cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành một “cường quốc xét lại với ý đồ biến Đông Nam Á thành khu vực ảnh hưởng của mình”. Trong khi đó chưa đến 9% xem Trung Quốc là một “cường quốc hiền lành và rộng lượng”.

Khảo sát cho rằng “Kết quả này là tiếng chuông thức tỉnh cho Trung Quốc để nước này cải thiện hình ảnh tiêu cực của mình tại Đông Nam Á, dù Bắc Kinh liên tục cam đoan về sự trỗi dậy hiền lành và hòa bình.”

Ngoài ra, hơn một phần tư số người được hỏi bày tỏ sự mất niềm tin vào Hoa Kỳ với vai trò đối tác chiến lược và hỗ trợ an ninh quốc phòng trong khu vực.

Khảo sát nhấn mạnh Trung Quốc không giấu giếm tham vọng trong các vấn đề quốc tế và Đông Nam Á sẽ là nơi cho Bắc Kinh thử nghiệm. Đa số những người được hỏi lo ngại khu vực Đông Nam Á sẽ trở thành nơi cạnh tranh giữa các cường quốc, từ đó dẫn tới phân cực chính trị khu vực sâu sắc hơn nữa. Do đó các nước thành viên ASEAN cần đoàn kết để tránh trở thành con tốt trong trò chơi quyền lực của Trung Quốc hay Mỹ.

Liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (OBOR) của Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á lo ngại dựa trên kinh nghiệm của Sri Lanka và Malaysia với các dự án cảng chiến lược Hambantota và East Coast Rail Link do Trung Quốc hậu thuẫn.

Sri Lanka đang nợ Trung Quốc nhiều tỷ đô la do hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm cảng chiến lược Hambantota, và buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng này trong thời gian 99 năm.

Một lưu ý được đưa ra là cuộc khảo sát chỉ dựa trên ý kiến phản hồi của 1.000 học giả ở Đông Nam Á, nên kết quả của cuộc khảo sát này không có nghĩa là đại diện, mà chỉ nhằm mục đích trình bày một quan điểm chung của những người có sự ảnh hưởng đến các chính sách chính trị, kinh tế và xã hội của những nước trong khu vực.

Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) của Singapore là một tổ chức nghiên cứu công lập được thành lập bởi Quốc hội vào năm 1968 và được đổi tên thành Viện ISEAS – Yusof Ishak vào năm 2015.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-replacing-us-s-power-in-southeast-asian-01312019130220.html