Tin Việt Nam – 26/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 26/01/2019

Thành viên Đảng Việt Tân nghi bị bắt ở Việt Nam

Ông Châu Văn Khảm, một đảng viên Việt Tân người Úc gốc Việt nghi ngờ đã bị bắt giữ tại Việt Nam hôm 13/1, đại diện đảng cho BBC biết.

Ông Khảm nghi ngờ đã bị bắt giữ cùng ông Nguyễn Văn Viễn, thành viên Hội Anh em Dân chủ.

Hôm 25/1, Đảng Việt Tân đã công bố thông cáo báo chí về sự mất tích của ông Khảm, cho rằng công an TP Hồ Chí Minh đã bắt giữ ông.

“Đảng Việt Tân khẳng định rằng ông Châu Văn Khảm đi về với một mục đích là tìm hiểu và lượng định hiện trạng nhân quyền tại Việt Nam,” theo thông cáo báo chí.

Will Nguyễn và những ngày trong khám Chí Hòa

Bà Thúy Nga đoạt giải Nhân quyền Lê Đình Lượng

Lê Thu Hà bị trục xuất khỏi VN theo luật gì?

Ông Châu Văn Khảm là ai?

Ông Châu Văn Khảm, 69 tuổi và là một thương gia đã về hưu.

Theo ông Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện Đảng Việt Tân tại Úc, ông Khảm đã nhập cư vào Úc từ khoảng hơn 20 năm trước và là một thành viên lâu năm của đảng.

“Ông Khảm là một khuôn mặt quen thuộc và tích cực trong cộng đồng người Việt tại Sydney, Úc” và hay tham gia các hoạt động thúc đẩy dân chủ và thường xuyên tiếp xúc với chính giới và Bộ Ngoại Giao Úc để vận động cho nhân quyền.

Ông đến Việt Nam từ Campuchia với mục đích “đi tìm sự thật”, “tìm hiểu tình hình nhân quyền” và dự định ngày 16/1 sẽ quay trở lại Úc.

Ông Phong cho BBC biết lần cuối ông Khảm liên lạc với gia đình là hôm 12/1.

“Gia đình và chúng tôi được biết người bạn của ông là ông Nguyễn Văn Viễn đã bị bắt do vợ của ông Viễn đã được công an thông báo. Qua đó chúng tôi nghi ngờ là ông Khảm cũng đã bị bắt vì khi đó hai người đang gặp nhau,” ông Phong nói.

“Hiện tại chúng tôi không biết ông ấy đang ở đâu.”

Ông Khảm có vợ và hai con đang sinh sống ở Úc. Ông Phong cho biết gia đình và Đảng Việt Tân tiếp tục làm việc với Bộ Ngoại giao và các dân biểu để làm việc với bên Việt Nam để tìm cách đưa ông Khảm trở lại Úc.

Chấp nhận rủi ro để về nước

“Những ai về đương nhiên đã có một sự chuẩn bị trước nhưng mà nhưng những người như ông Khảm là người có lòng tha thiết với đất nước, họ hiểu rõ rủi nhưng họ vẫn quyết tâm phải thấy tận mắt tình hình hiện nay,” ông Phong nói.

Ông Phong cũng cho biết ông Khảm không dự tính về để “tổ chức biểu tình hay tham gia sinh hoạt gì cả, chỉ đi tham khảo tình hình trong nước, gặp lại bạn bè”.

Đảng Việt Tân, hay tên đầy đủ là Việt Nam canh tân cách mạng đảng đã bị chính quyền Việt Nam liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố vào tháng 10/2016.

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Công an, người nào có hành vi tham gia, tuyên truyền, lôi kéo, xúi giục người khác tham gia, tài trợ, nhận tài trợ của ‘Việt tân’; tham gia các khóa đào tạo, huấn luyện do ‘Việt tân’ tổ chức; hoạt động theo sự chỉ đạo của ‘Việt tân’… sẽ đồng phạm tội khủng bố, tài trợ khủng bố và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Theo AFP, Úc cho biết Canberra đang tìm cách tiếp cận nhà hoạt động người Úc gốc Việt đang bị bắt giữ ở Việt Nam.

Bộ Ngoại giao Úc xác nhận với AFP rằng đang “tìm cách tiếp cận lãnh sự với người đàn Úc bị bắt ở Việt Nam.”

“Vì lý do bảo mật riêng tư nên chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin,” một tuyên bố của bộ cho biết.

Đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức gì từ phía Việt Nam về việc bắt giữ ông Châu Văn Khảm.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-47012636

 

An ninh CSVN mở rộng vụ án

liên quan đến người Mỹ gốc Việt, Minh Phương Nguyễn

Tin từ Hà Nội – Ngày 25 tháng 1, cơ quan an ninh CSVN đang mở rộng vụ án “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109 của Bộ luật hình sự 2015.  Ngày 24/01, công an Hà Nội đã gửi giấy triệu tập nhà hoạt động Lê Mỹ Hạnh (ở xã Thanh Thuỳ, huyện Thanh Oai), yêu cầu cô đến cơ quan điều tra vào ngày 29  tháng 1 để “làm việc liên quan đến vụ án lật đổ chính quyền.”  Cô Lê Mỹ Hạnh cho biết, “vụ án” mà công an Hà Nội nhắc đến là việc bắt giữ ông Michael Minh Phương Nguyễn, một công dân Hoa Kỳ gốc Việt, và một số bạn của ông.

Như đã đưa tin, Ông Michael Minh Phương Nguyễn từ Hoa Kỳ về thăm Việt Nam cuối tháng 6 năm 2018. Ông cùng một số nhà hoạt động trẻ Huỳnh Đức Thanh Bình, Trần Long Phi và Thomas Báo đi thăm Huế và Đà Nẵng. Tại Huế, họ có gặp cô Lê Mỹ Hạnh, khi đó cô đang thực hiện dự án kinh doanh ở đây. Trên đường trở về Sài Gòn ngày 06/7/2018, nhóm bị mật vụ bám theo. Họ bị mất liên lạc vào ngày 07/7 và được cho là đã bị bắt bởi an ninh CSVN ở Sài Gòn.  Ngày 08/7, an ninh CSVN bắt ông Huỳnh Đức Thịnh, cựu tù chính trị và là bố của anh Huỳnh Đức Thanh Bình, thành viên của Hội Sinh viên Nhân quyền Việt Nam, một tổ chức sáng lập bởi tù nhân lương tâm Trần Hoàng Phúc.  Sau đó, người thanh niên trẻ Huỳnh Đức Thanh Bình bị cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền” theo Điều 109, một cáo buộc nghiêm trọng với mức án cao nhất là chung thân hoặc tử hình.

Phía công an CSVN không công bố cáo buộc chống lại ông Michael Phương Minh Nguyễn, thanh niên Trần Long Phi và ông Huỳnh Đức Thịnh. Riêng Thomas Báo được cho là đã chạy thoát khỏi mật vụ.

Cô Lê Mỹ Hạnh là một nhà hoạt động xã hội, từng tham gia một số sự kiện chống Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông, phản đối chính quyền Hà Nội chặt cây cổ thụ, và Formosa do công ty này xả thải và gây thảm hoạ môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016.

Quốc Tuấn

https://www.sbtn.tv/an-ninh-csvn-mo-rong-vu-an-lien-quan-den-nguoi-my-goc-viet-minh-phuong-nguyen/

 

Việt Nam: Top 20 nước đàn áp Thiên chúa giáo

tệ hại nhất

Việt Nam trong top 20 nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo nặng nề nhất trên tổng số 50 nước được tổ chức OpenDoors theo dõi và đánh giá trong năm 2018.

Phúc trình vừa công bố của cơ quan giám sát toàn cầu chuyên bảo vệ các tín đồ Thiên Chúa giáo bị đàn áp trên thế giới nhấn mạnh vào sự đàn áp đối với hai nhóm tín đồ Thiên Chúa giáo: các sắc tộc thiểu số và những người hoạt động chính trị chống chính quyền.

Báo cáo của OpenDoors nói chính quyền Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo từ cấp trung ương đến cấp địa phương ‘theo dõi các hoạt động của người theo Thiên Chúa giáo và gây áp lực lớn lên các tín đồ’.

OpenDoors ghi nhận trong năm 2018 Việt Nam đã bỏ tù một số nhà hoạt động, blogger Công giáo và mục sư Tin Lành. Báo cáo dẫn ra trường hợp của giáo dân Nghệ An Lê Đình Lượng bị kết án 20 năm tù về cáo buộc ‘hoạt động lật đổ chính quyền’ cùng vụ trục xuất luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và thành viên ‘Hội Anh em Dân chủ’ Lê Thu Hà sang Đức. Ông Đài và bà Hà đều là tín đồ Thiên Chúa giáo. Hồi tháng 10 năm 2018, một tín đồ Công giáo khác là blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được phóng thích sau hai năm thụ án với điều kiện phải sang Mỹ sống lưu vong.

Vẫn theo OpenDoors, năm qua có một số giáo xứ và tu viện ở Hà Nội, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh bị tấn công và ‘bị áp lực của các côn đồ do chính quyền thuê’, phải chấp nhận bị cưỡng chế thu hồi đất.

Một nhóm con chiên Thiên Chúa giáo khác đặc biệt bị ngược đãi ở Việt Nam là các sắc dân thiểu số, theo OpenDoors. Tổ chức này cho biết đa số người cải đạo sang Thiên Chúa giáo là các dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa của Việt Nam và ước tính có đến 80% tín đồ Tin Lành ở Việt Nam là người dân tộc thiểu số.

Phúc trình chỉ ra một số hình thức ngược đãi chẳng hạn như học sinh theo đạo bị phân biệt đối xử ở trường và không được quan tâm như các bạn học khác hay không được chăm sóc y tế. Một số em ‘thậm chí còn không được đi học’. Khi sinh viên người dân tộc ở Tây Nguyên cải đạo sang Thiên Chúa giáo (chủ yếu là Tin Lành), các em bị trường đe dọa đuổi học hoặc bị các thầy cô giáo thuyết phục bỏ đạo.

Sự ngược đãi không chỉ xuất phát từ chính quyền mà còn xảy ra ở chính những người thân, gia đình, cộng đồng, làng xã của người cải đạo, theo báo cáo.

OpenDoors nói khi phát hiện có người mới theo đạo Thiên Chúa ở những nơi mà phong tục tập quán của tổ tiên họ vẫn còn mạnh, để bảo vệ văn hóa của buôn làng, các trưởng tộc sẽ khai trừ người đó ra khỏi làng và xem họ là ‘những kẻ phản bội văn hóa và bản sắc của cha ông’. Ngoài ra, các lãnh đạo buôn làng còn hợp tác với chính quyền để ngược đãi những người cải đạo còn dân làng thì ngăn cản các buổi cầu nguyện của con chiên trong làng.

OpenDoors cho biết những người cải đạo còn bị người thân trong gia đình cắt đứt mọi quan hệ và không cho thừa hưởng gia sản. Trong một số trường hợp, họ còn buộc ly hôn với người vợ hoặc chồng theo Thiên Chúa giáo và không cho họ quyền nuôi con.

Trung Quốc ‘đỡ hơn’

Tổ chức OpenDoor cho biết cứ ba tín đồ Thiên Chúa giáo ở châu Á thì có một người bị ngược đãi. Trên toàn cầu, tổ chức này ước tính, có 245 triệu tín đồ Thiên Chúa giáo bị ngược đãi, tăng so với 215 triệu người một năm trước đó.

Trên bảng xếp hạng, so với Trung Quốc, Việt Nam hà khắc hơn đối với các tín đồ Thiên Chúa giáo. Quốc gia đông dân nhất thế giới đã đi từ hạng 43 lên hạng 27, tức là đàn áp ngày càng mạnh tay.

Ở Trung Quốc, tình trạng phân biệt đối xử với tín đồ Thiên Chúa giáo, kể cả Công giáo và Tin Lành, là tệ nhất trong vòng một thập niên, theo OpenDoors, với ít nhất 50 triệu người bị các hình thức đàn áp nào đó trong lúc chính quyền Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát tôn giáo.

Ông Henrietta Blyth, trưởng điều hành của Open Doors Anh và Ireland, dẫn lời một số lãnh đạo Giáo hội ở Trung Quốc cho biết sự ngược đãi trong năm 2018 là ‘tệ nhất kể từ Cách mạng Văn hóa hồi năm 1976’.

Trung Quốc đang trên đà trở thành quốc gia có đông tín đồ Thiên Chúa giáo nhất thế giới vào năm 2030 do dân số khổng lồ của nước này. Hiện ước tính có khoảng 93 cho đến 115 triệu tín đồ Tin Lành và từ 10 cho đến 12 triệu tín đồ Công giáo ở Trung Quốc. Đa phần sinh hoạt với các giáo hội không đăng ký với chính quyền.

Trong năm 2018, chính quyền Bắc Kinh đã đóng cửa hàng trăm nhà thờ không chính thức, bắt giam các linh mục và các tín đồ, hạ thánh giá, cấm bán Kinh Thánh trực tuyến và tăng cường giám sát các hội thánh. Hồi tháng trước, một số trường học và thành phố đã cấm tổ chức Lễ Giáng sinh.

Ông Blyth cho biết sự ngược đãi ở Trung Quốc là do ba yếu tố: sự lãnh đạo về mặt tư tưởng của Chủ tịch Tập Cận Bình, lo lắng của chính quyền về sự gia tăng tín đồ Thiên Chúa giáo và việc sử dụng công nghệ như là một công cụ đàn áp.

Tháng 9 năm ngoái, Vatican đã ký một thỏa thuận tạm thời với Bắc Kinh về việc bổ nhiệm các giám mục với mục đích làm nồng ấm hơn quan hệ ngoại giao giữa hai bên. Tuy nhiên, một số vị chức sắc trong giáo hội gọi đây là sự phản bội. Hồng y Joseph Zen, cựu Tổng giám mục Hong Kong, nói rằng hậu quả sẽ là ‘thảm họa và kéo dài’ không chỉ đối với giáo hội ở Trung Quốc mà còn là toàn thể giáo hội bởi vì nó hủy hoại uy tín.

Dẫn đầu danh sách các nước đàn áp tín đồ Thiên Chúa giáo mạnh tay nhất là Bắc Triều Tiên. Tiếp theo sau lần lượt là Afghanistan, Somalia, Libya, Pakistan, Sudan, Eritrea, Yemen, Iran và Ấn Độ.

Theo Open Doors, chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Ấn là nguyên nhân làm tăng các vụ tấn công bạo lực của những người Hindu cực đoan nhắm vào các tín đồ Thiên Chúa giáo và nhà thờ.

“Đối với nhiều người Thiên Chúa giáo ở Ấn Độ, cuộc sống thường nhật của họ giờ đây đầy sự sợ hãi, hoàn toàn khác với bốn hay năm năm trước đây,” ông Blyth nói.

Mười tám năm liên tiếp Bắc Triều Tiên dẫn đầu danh sách các nước bức hại tín đồ Thiên Chúa giáo. Trong năm 2018, hơn 4.305 tín đồ Thiên Chúa giáo bị sát hại tại quốc gia cộng sản cô lập này chỉ vì đức tin của họ, theo Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-top-20-nuoc-dan-ap-thien-chua-giao-te-hai-nhat/4759497.html

 

Ai sẽ lãnh đạo Việt Nam sau hai năm nữa?

Kính Hòa RFA

Nhân sự là một nội dung quan trọng trong hội nghị trung ương đảng lần thứ 9 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa diễn ra cuối năm 2018.

Hội nghị này xem như là một hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đại hội 12 Đảng Cộng sản Việt Nam.

Sau đây là một số ý kiến xung quanh tương lai của bộ phận lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam sắp tới đây.

Hội nghị trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 9 được tổ chức vào cuối năm 2018, kết thúc vào ngày 26/12/2018. Hội nghị này được công luận chú ý nhiều đến chi tiết các các bộ cao cấp bị kỷ luật, như ông Tất Thành Cang, thuộc thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là ủy viên trung ương đảng, bị cách chức vì có liên quan đến những vụ bê bối về quản lý đất đai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Những tin tức đó phần nào che lấp đi một nội dung quan trọng khác của hội nghị trung ương 9, đó là việc chuẩn bị nhân sự cho tầng lớp lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam cho giai đoạn sau năm 2021, tức là thời điểm tổ chức đại hội toàn quốc của Đảng Cộng sản vào năm 2021.

Theo những bản tin của thông tấn xã nhà nước Việt Nam đưa ra trong thời gian hội nghị trung ương 9, có hơn 200 cán bộ đảng được chọn lựa từ 250 người được các tỉnh thành và cơ quan đưa lên. Những người này, theo các bản tin của nhà nước Việt Nam, đã được chọn lựa ở cấp cơ sở vào tháng 11/2018.

Theo hai tác giả Hà Hoàng Hợp và Lại Lương Phúc viết trên trang của viện nghiên cứu Yusof Ishak, Singapore, danh sách các ủy viên trung ương tiềm năng là 205 người.

Theo báo chí Việt Nam những người này sẽ được tiếp tục theo dõi và “huấn luyện” sau hội nghị trung ương 9.

Hai ứng viên hàng đầu cho chức Tổng bí thư đảng có thể là hai ông Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính.

-Hà Hoàng Hợp và Lại Lương Phúc.

Bình luận về việc đưa ra danh sách ủy viên trung ương, tuy rằng không công bố cho công chúng, hai năm trước khi bắt đầu đại hội đảng toàn quốc, nhà quan sát chính trị trong nước là Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, cho biết:

Việc chuẩn bị nhân sự cho đại hội 13 như vậy là không có sớm, thực ra việc chạy đua đã bắt đầu từ hồi năm 2017 rồi. Và cuộc chạy đua này sẽ tăng tốc trong những kỳ hội nghị trung ương tiếp theo.”

Một nhà quan sát khác là Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, từ Singapore cũng cho rằng việc chuẩn bị nhân sự tại một kỳ họp giữa nhiệm kỳ như vậy là cũng bình thường như trước đây.

Nhưng theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, danh sách 205 người vừa được xem xét là một danh sách có tên gọi là qui hoạch chiến lược, lần đầu tiên một danh sách như vậy xuất hiện. Đó là một điều mới.

Điều đó có thể đưa đến nhận định rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đang rất lo lắng trước việc chuẩn bị cho thế hệ lãnh đạo tương lai của mình.

Một câu hỏi thường hay được giới quan sát đưa ra sau những kỳ họp đảng quan trọng của Đảng Cộng sản Việt Nam, là ai sẽ là người đứng đầu đảng, cũng như những chức danh thủ tướng, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội kèm theo, thường được gọi là tứ trụ.

Các vị trí tứ trụ, hiện nay chỉ còn tam trụ, vì ông Nguyễn Phú Trọng đang cáng đáng hai chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước, thường được bầu lên từ Bộ chính trị đương thời.

Theo phân tích của Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, giới hạn tuổi tác sẽ làm cho các vị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc có thể sẽ về hưu vào năm 2021, và như vậy hai ứng viên hàng đầu cho chức Tổng bí thư đảng có thể là hai ông Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính.

Tuy nhiên theo ông Lê Hồng Hiệp, cũng chưa thể biết được, và khả năng ông Nguyễn Phú Trọng ở lại thêm dù đã quá tuổi vẫn có thể xảy ra, như trường hợp ông Đỗ Mười vào Đại hội đảng lần thứ tám.

Ông Phạm Chí Dũng đồng ý rằng chuyện sửa lại luật đảng để cho ông Trọng nắm quyền thêm vẫn có thể xảy ra. Ông Hà Hoàng Hợp cũng đồng ý là khả năng đưa ra tiêu chuẩn áp dụng cho chức vị Tổng bí thư một cách riêng biệt vẫn có thể xảy ra.

Quan sát những hoạt động trong nước của các vị lãnh đạo Việt Nam ông Phạm Chí Dũng đưa ra một nhận xét khá thú vị, dù ông không muốn đưa ra kết luận gì:

Cũng nên lưu ý là trong thời gian gần đây những hoạt động của ông Nguyễn Xuân Phúc trở nên rộn rã hơn, những hoạt động đi đến địa phương. Nhiều người cho rằng ông Phúc đang tự vận động cho mình đế tiến tới đại hội 13.”

Trong những hoạt động đó, ông Phạm Chí Dũng đưa ra một cuộc thăm viếng Tổng cục 2, là cơ quan tình báo của quân đội, là lạ và quan trọng, vì nó nằm ngoài chức năng điều hành kinh tế của ông Phúc.

Theo ông Phạm Chí Dũng, cơ quan Tổng cục 2 là rất quan trọng trong chính trường Việt Nam, nhất là trong bối cảnh cơ quan tình báo của Bộ Công an đã bị giải tán.

Nhiều người cho rằng ông Phúc đang tự vận động cho mình đế tiến tới đại hội 13.
-Tiến sĩ Phạm Chí Dũng.

Một điều rất đáng chú ý trong bộ máy chính trị Việt Nam hiện nay là ba cái ghế trống trong Bộ Chính trị, cơ quan có quyền lực cao nhất tại Việt Nam hiện nay.

Ba chiếc ghế đó là ông Đinh La Thăng bị bắt về tội tham nhũng vào tháng 12/2017, ông Đinh Thế Huynh, chính thức nghỉ bệnh vào tháng 3/2018, và ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước, mất vào tháng 9/2018.

Qua các kỳ hội nghị trung ương, các chiếc ghế này không được bầu bổ sung.

Người đưa ra nhận xét này đầu tiên là Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, ông cho rằng với việc thiếu vắng ba người như vậy, cuộc đua vào vị trí tối cao vào năm 2021 có thể sẽ đơn giản hơn.

Ông Phạm Chí Dũng thì đưa ra nhận xét khác, ông cho rằng đó là thủ đoạn chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng muốn để ba chổ trống, tạo nên sự tranh giành từ bên dưới lên, để ông có thể dễ dàng kiểm soát hơn.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/who-vn-leaders-in-two-years-01252019125805.html

 

‘Đặt Đảng trước Xuân là trò lố bịch’

Diễm Thi, RFA

Chủ trương hay thói quen?

Từ mấy chục năm qua, cứ dịp Tết đến Xuân về thì người dân cả nước, từ thôn quê cho đến thành thị đều thấy những băng rôn, khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân” treo khắp nơi, từ phố phường, cơ quan công quyền, bệnh viện, trường học…

Mấy năm gần đây giới trí thức bắt đầu lên tiếng về việc tại sao để Đảng trước Xuân, và năm 2016, trên trang báo điện tử của ĐCS có bài viết ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’. Khẩu hiệu năm đó được thay bằng ‘Mừng Xuân, mừng Đảng, mừng đất nước đổi mới’.

Người dân có lẽ đã khấp khởi mừng thầm rằng tiếng nói của họ đã được lắng nghe, và từ nay họ không còn phải thấy khẩu hiệu chướng mắt mừng đảng rồi mới tới mừng Xuân nữa. Nhưng chỉ được một năm, đến mùa Xuân 2017 thì mọi việc trở lại như cũ.

Ông Trần Bang, một người dân Sài Gòn cho rằng việc đặt đảng lên trên hết là đã có chủ trương từ mấy chục năm qua:

Mình không biết trong nội bộ như thế nào nhưng theo cảm nhận của tôi thì từ những năm 1970 đã có bài hát “đảng đã cho ta một mùa Xuân”. Rõ ràng họ có chủ trương xuyên suốt từ ngày xưa, từ thời ông Tố Hữu đã cho rằng đảng là đẹp hơn tất cả so với đất trời, so với đất nước. Có lẽ đó là chủ trương tuyên truyền trong bộ máy tuyên giáo của đảng từ ngày xưa tới bây giờ vẫn giữ như vậy.”

Giáo sư Hoàng Dũng từ Sài Gòn thì lại nhận định không có chủ trương gì hết mà tất cả là do một chế độ độc đảng toàn trị, nên cái gì cũng có bóng dáng của đảng, kể cả tự nhiên, thiên nhiên. Đó là cái nếp tư duy mà sau này càng lúc người dân càng thoát ra khỏi cái tư duy đó, bởi người ta thấy nó kỳ cục, nhưng với nhà cầm quyền thì khó mà thay đổi được cái tư duy đã ăn quá sâu:

“Thực ra cũng chẳng có một cái chủ trương, một cái quyết định hay một cái văn bản gì bắt phải đặt đảng trước hay Xuân trước đâu. Tôi tin như thế. Chẳng qua là cái nếp nghĩ đảng là toàn diện nó ăn sâu rồi. Nếu có thay đổi thì mấy hôm sau nó lại trở lại. Khó mà thay đổi được. Cái quan trọng là người dân càng lúc họ càng thấy buồn cười. Cái đầu óc nào mà cứ gắn như thế thì chỉ làm cho người ta cười thôi.”

Còn với Giáo Sư Nguyễn Thanh Giang từ Hà Nội thì cái tư duy đảng trên hết là tư duy mà theo ông là của ‘kẻ cướp’:

“Đảng luôn luôn giành lợi ích dân tộc đem về cho mình, kể cả giành xương máu của nhân dân, của đồng bào về để tô son vẽ phấn cho đảng. Tức là đảng không phải là người đem lại quyền lợi cho dân tộc, mà bắt dân tộc hy sinh đổ xương đổ máu để tô điểm cho cái gọi là vinh quang hão của đảng.”

Xuân phải trên Đảng

Kể từ khi ra đời vào năm 1930, đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) là đảng lãnh đạo duy nhất tại Việt Nam. Theo Cương lĩnh và Điều lệ chính thức được công bố thì ĐCSVN là đại biểu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. ĐCSVN lấy chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động.

Tuy ‘sinh sau đẻ muộn’ nhưng ĐCSVN được nhà cầm quyền đặt trên cả đất nước, cả thiên nhiên của Đất Trời. Giáo sư Nguyễn Thế Hùng từ Đà Nẵng từng nhận định với RFA:

“Chuyện này không hợp lý và nhiều người cũng đã nói rồi. Thí dụ như Xuân là Xuân của Đất Trời. Xuân về là vạn vật đâm chồi, nảy lộc. Và con người là một sinh vật rất nhỏ bé được tạo hóa ban ơn. Lẽ ra mỗi buổi sáng mở mắt ra là chúng ta phải cảm tạ Thượng Đế. Như vậy thì đầu năm, chúng ta phải mừng Xuân trước rồi mới mừng đất nước, rồi sau đó là cái gì nữa thì nó mới hợp lý, theo lẽ thường tình.”

Có một sự trùng hợp là ngày thành lập đảng lại gần vào dịp Tết nên sinh nhật đảng đôi khi lại trùng vào ngày Tết, thế nên mừng đảng và mừng Xuân hay đi cùng.

Vào năm 2011, ngày thành lập đảng lại rơi đúng vào mùng một Tết Tân Mão. Trong cuộc trò chuyện với VTCNews, nhà báo Hữu Thọ lập luận rằng với những kỳ tích mà ĐCSVN đã làm được trong hơn 80 năm lãnh đạo nhân dân thì việc gắn Đảng với mùa xuân không có gì là lạ, nhưng ông thừa nhận khẩu hiệu “Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước” là không hợp lý mà nên sắp xếp lại thành “Mừng Xuân, mừng Đất nước, mừng Đảng”.

Ông lý luận rằng khi Tết đến Xuân về, theo lẽ tự nhiên, mỗi người sống trong nhân gian phải mừng Xuân mới trước, sau đó, với tư cách là một công dân của một tổ quốc thì phải mừng Đất nước. Cuối cùng mới là mừng Đảng.

Trong một lần trò chuyện với RFA về chuyện đặt Đảng trên Xuân, nhà văn Phạm Đình Trọng cho rằng làm như vậy là lố bịch, không còn biết đến Trời Đất, không còn biết đến lẽ phải, nếu không muốn nói đây là một sự ngang ngược của người cộng sản. Ông kết luận:

“Tất nhiên là không đúng rồi bởi vì thiên nhiên của đất nước. Thiên nhiên thì đã có từ khi khai thiên lập địa rồi; đất nước thì cũng đã có ngàn tuổi rồi. Còn đảng thì mới có mấy chục năm.

Một thời đảng quá hợm hĩnh, quá ngạo mạn, tự đề cao mình như thế. Đây là cái mà có lẽ đến bây giờ nó vẫn chưa chấm dứt, và kéo dài kể từ khi xuất hiện người cộng sản đến giờ. Việc tự cho mình là cứu đất nước, mang mùa Xuân đến cho “dân tộc, rồi “mừng đảng, mừng Xuân”, tức cái gì cũng đều đưa đảng lên trên cả. Đấy là một sự ngang ngược, ngạo mạn của người cộng sản.”

Một trong những điều mà mỗi đảng viên ĐCS phải có trách nhiệm thực hiện là phải tích cực tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng. Nhưng với Giáo Sư Hoàng Dũng thì những lời tuyên truyền hay các khẩu hiệu ngày càng ít tác dụng, bởi cuộc sống người dân ngày càng khốn khó, từng ngày chứng kiến những chuyện trái tai gai mắt, những hành xử coi thường pháp luật của chính quyền, dù rằng pháp luật cũng không hoàn thiện, khiến tất cả những câu ca ngợi đảng thành ra mỉa mai và những câu khẩu hiệu càng ngày càng ít tác dụng.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/when-the-think-communist-party-is-the-best-will-be-released-dt-01252019125847.html

 

Biển Đông 2019: Lấy nhu thắng cương!

Phương Hiền

“Nhu” ở đây không phải là những tuyên bố suông. “Nhu” là triệt để tận dụng các chuyển động từ thời cuộc, khi mà quốc tế đồng lòng trong việc kềm chế các hành động bành trướng của Trung Quốc. Hoà cùng với trào lưu của thời đại, hãy để cho người dân phát huy lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm trước sự tồn vong của dân tộc.

Tuần giáp Tết, truyền thông quốc tế sôi nổi về việc Việt Nam cứng lên trong vấn đề Biển Đông. Cứng lên được cho trên hai hồ sơ căn bản: thứ nhất, khẳng định Bộ Quy tắc COC phải được ràng buộc về pháp lý và thứ hai, ngăn chặn Trung Quốc thiết lập ADIZ (Khu vực nhận dạng phòng không) trên BĐ. Tuy nhiên, theo ý kiến chuyên gia trong nước, VN chẳng “cứng lên” là bao nhiêu.

Ảnh hưởng khu vực và toàn vùng

Quan điểm chính thống xưa nay vẫn thế. Chẳng qua gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao được phép “dõng dạc hơn” trong việc khẳng định chủ quyền của VN đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Thêm nữa, phát biểu của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh ở Chiang Mai ngày 17/1 vừa qua được mở volume “to hơn” các hội nghị truớc đây một chút.

Theo ông Minh, thực địa vẫn diễn biến phức tạp, hoạt động quân sự hóa tiếp tục gia tăng. Và ông đề nghị ASEAN đoàn kết, đóng góp cho hòa bình, ổn định và an ninh khu vực trên cơ sở tự kiềm chế và không quân sự hóa, thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và phấn đấu đạt COC, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật biển 1982.

Tình hình 2018 quả thật hết sức phức tạp, theo ngoại trưởng VN, là do sự thay đổi nguyên trạng, do kết quả của mở rộng và quân sự hóa các đảo đá (Chỗ này thì ông ngoại trưởng nói rất khác với TQ). Các nước đều lo ngại, tương lai có thể xảy ra những sự kiện gây ảnh hưởng tới môi trường hòa bình, không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn Châu Á – TBD.

Theo nhiều chuyên gia, các hoạt động xây đắp, với tổng diện tích hàng nghìn acre và với tốc độ nhanh chóng như vậy, là chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Việc xây dựng nói trên đã phá hủy hoàn toàn hệ sinh thái ở nhiều nơi, đến mức khôngthể hồi phục. Điều đáng lưu ý là các hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo diễn ra dồn dập cách đây hơn 3 năm, đúng thời điểm mà Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hiệp Quốc chuẩn bị ra phán quyết về vụ Manila kiện Bắc Kinh.

Vẫn theo ngoại trưởng Minh, từ lâu Biển Đông đã là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế, nhưng quan điểm của VN vẫn là không tiến hành các hoạt động có thể dẫn đến sự cố hay gây xung đột, bởi VN sẽ là nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Vậy xin hỏi ngoại trưởng Phạm Bình Minh, nếu không có sự chung tay của cộng đồng quốc tế thì lấy đâu ra sức mạnh đối trọng? Chỉ tuyên bố “suông” liệu TQ có bớt hung hăng?

Sức mạnh đến từ thời đại

Ngày 24/01/2019, Reuters cho biết, lo ngại trước việc Trung Quốc gia tăng hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương, New Delhi sẽ mở thêm một căn cứ Không quân thứ ba trên quần đảo Andaman và Nicobar. Mục tiêu của New Delhi khi lập thêm một căn cứ Không quân mới tại hai nơi này là để tăng cường giám sát tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đi vào khu vực Ấn Độ Dương, qua ngả eo biển Malacca.

Hàng năm có khoảng 120.000 tàu thuyền qua lại Ấn Độ Dương, trong đó gần 70.000 chiếc đi qua Malacca. Cựu sĩ quan hải quân Anil Jai Singh lưu ý là Trung Quốc đang có xu hướng bành trướng tại đây. Để theo dõi các hoạt động của Hải quân TQ, cần có đủ phương tiện. Theo ông, cùng với Không quân, phải triển khai thêm nhiều tàu chiến tại căn cứ quân sự nói trên.

Ngày 16/1/2019, lần đầu tiên hai chiến hạm của Mỹ và Anh đã kết thúc cuộc tập trận chung trên Biển Đông, nơi TQ đã xây dựng một loạt căn cứ trên các thực thể họ chiếm đóng. Cuộc diễn tập được tổ chức trong bối cảnh Washington đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đồng minh để gây áp lực với Bắc Kinh.

Reuters trích một thông cáo báo chí cho biết, khu trục hạm USS McCampbell có trang bị tên lửa dẫn đường và khu trục Anh HMS Argyll đang được triển khai tại châu Á, cùng tiến hành một loạt thao diễn thông tin liên lạc, hậu cần và những bài tập khác từ 11/1 đến 16/1. Mục tiêu là nhằm “giải quyết các ưu tiên an ninh chung” của hai bên.

Từ năm 2010 đến nay, Anh và Mỹ chưa từng có cuộc tập trận chung nào trên Biển Đông. Một mặt, cuộc tập trận Anh—Mỹ vừa diễn ra vào lúc London ngày càng có những cam kết sâu hơn về Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Anh mới tiết lộ ý định thiết lập một căn cứ quân sự của Anh tại khu vực, có thể ở Singapore hay Brunei.

Mặt khác, từ 2018, Mỹ đã liên tục thực thi các chiến dịch tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông, dẫn đến những vụ chạm trán chưa từng thấy với Hải quân Trung Quốc. Về phía mình, Trung Quốc có những bước leo thang liều lĩnh như lần đầu tiên triển khai tên lửa, máy bay ném bom ra các thực thể mà họ cưỡng chiếm trái phép ở Trường Sa.

Mùa hè vừa qua, Jakarta cũng thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng, đặc biệt là hải quân, với Ấn Độ trong một kế hoạch triển khai cảng quân sự trên Ấn Độ Dương. Tổng thống Joko Widodo tiếp Thủ tướng Narendra Modi, đã đề xuất một kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và khu kinh tế ở Sabang, nằm giữa đảo Sumatra và eo biển Malacca, một trong những kênh thương mại nhộn nhịp nhất.

Đối với Ấn Độ, đây là một phần của chính sách “Hành động hướng Đông” nhằm thắt chặt quan hệ với ASEAN. Narendra Modi tuyên bố: “Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và ASEAN phải trở thành sức mạnh bảo đảm hòa bình, tiến bộ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và xa hơn nữa”. Thủ tướng Ấn cho biết, nước này sẽ xây thêm các hải cảng và phi cảng tại ĐNÁ.

Giới quan sát không mấy ngạc nhiên khi nghe bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly tuyên bố, sẽ cử hàng không mẫu hạm Charles de Gaulle đến Biển Đông với lực lượng mạnh chưa từng có vào tháng Giêng này. Lần đầu tiên, Charles de Gaulle sẽ thực hiện tuần tra trên Biển Đông bằng toàn bộ khả năng tác chiến với gần 40 máy bay tiêm kích Rafale M. Xem thế để thấy, cộng đồng quốc tế chắc chắn chưa dừng lại trước các làn sóng bành trướng của TQ.

Người dân cần biết sự thật

Điều đáng ngạc nhiên là, một tờ báo trong nước lại công kích các nỗ lực quốc tế nhằm đối phó với nguy cơ TQ. Mạng SOHA, trích ý kiến từ một đại sứ (Việt Nam hẳn hoi) cho rằng, tập trận Mỹ—Anh vừa qua chỉ là hành động kéo bè kéo cánh, nêu vấn đề khi nào thì Mỹ “để TQ muốn làm gì thì làm ở khu vực Biển Đông”, đồng thời còn đe nẹt “những hậu quả chưa lường hết khi Anh tuyên bố đặt căn cứ quân sự ở Đông Nam Á!”

Tiếp đến, việc “rón rén” kỷ niệm 45 ngày mất Hoàng Sa (19/1/1974—19/1/2019) xem ra cũng lại là một hạ sách. Mặc dù đã để mất toàn bộ Hoàng Sa vào 1974 và một phần quan trọng của quần đảo Trường Sa vào cuối thập niên 1980 nhưng phải đến giữa thập niên 2010, nhiều người trong nước mới được biết và một phần thông tin, khi ấy cũng mới được đăng tải trên các mặt báo, về Hoàng Sa, Trường Sa, cùng với sự tàn bạo của Trung Quốc.

Ngay cho đến tận bây giờ, dường như nhà cầm quyền vẫn còn e ngại việc chia sẻ đầy đủ tin tức về Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như về dã tâm độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Bởi thế, dẫu cho có thành tâm hay thiện ý đến mấy thì lòng yêu nước của người dân vẫn thường bị cáo buộc là có mưu đồ xấu. Vụ tướng đả tướng xung quanh cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” là một ví dụ đau xót.

Trước xu thế hội nhập toàn diện và sâu rộng, chính quyền vẫn lẫm lũi ngược dòng khi tìm cách hạn chế hành động phản đối (ôn hòa) của người dân trước sự “vô luân vô pháp” của TQ bằng các uyển ngữ như “tàu lạ” mỗi khi tàu cá của ngư dân Việt bị tàu hải cảnh TQ húc chìm, hay chỉ dám gọi mơ hồ là “thương lái nước ngoài” mỗi khi con buôn TQ rắp tâm triệt hạ đầu ra của nông sản Việt bằng đủ thứ thủ đoạn???

Dù muộn, song biết rằng đã bắt đầu có sự điều chỉnh! Chẳng hạn, việc Mỹ đưa khu trục hạm đi qua Hoàng Sa hôm 9/1 là một ví dụ. Trong lúc BNG Trung Quốc cho rằng hoạt động ấy là vi phạm luật Trung Quốc, luật quốc tế và Trung Quốc “kịch liệt phản đối” thì người phát ngôn BNG Việt Nam Lê Thị Thu Hằng lại bày tỏ quan điểm “tôn trọng quyền tự do hàng hải” của Mỹ (tức không phản đối FONOP!) Tuy nhiên, chỉ vậy xem ra chưa đủ.

Một quốc gia có trách nhiệm

Để không bị cô lập trong cuộc đấu tranh vì hoà bình và công lý cho Biển Đông, cũng như vì lợi ích tối cao của dân tộc, chính quyền phải thể hiện cho thế giới thấy hình ảnh một quốc gia có trách nhiệm đối với các vấn đề khu vực và quốc tế, bên cạnh tinh thần thượng tôn pháp luật. Chỉ như vậy, một khi Trung Quốc đụng đến Việt Nam thì mới hy vọng người dân từ EU đến ASEAN, từ Nhật Bản đến Hoa Kỳ… cùng đứng vào hàng ngũ bảo vệ Việt Nam.

Từ góc nhìn này, những trường hợp bỏ tù các nhà yêu nước như Nguyễn Thị Nga, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Hữu Vinh…, đàn áp bà con Giáo xứ Thái Hà và mới đây nhất là người dân ở vườn rau Lộc Hưng…, thực sự là những bước lùi nguy hiểm. Tiếp tục đà này, vô hình chung chính quyền tự loại bỏ một nguồn sức mạnh khổng lồ từ hàng chục triệu bà con cả lương lẫn giáo, mà nhẽ ra họ có thể góp phần xứng đáng vào sứ mệnh phục hưng dân tộc và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Để nhận được sự tôn trọng của thế giới, chính quyền cần thay đổi ngay thái độ lẫn cách hành xử với người dân, đặc biệt là bà con công giáo, để khỏi bị chỉ trích “là cừu trước các thế lực ngoại bang, nhưng lại là sói đối với chính đồng bào mình” (Nhận định của Lưu Á Châu, chính ủy Học viện Quốc phòng TQ). Chẳng hay ho gì khi chính quyền phải sử dụng đến các công cụ cứng rắn để tước đoạt đất đai, tài sản và trấn áp các ý kiến bất đồng, mà lại coi đó là thành tích trị nước.

Một quyết định như việc EU hoãn phê chuẩn hiệp định EVFTA trong lúc Thủ tướng Phúc đang vận động hành lang ở Davos (ngày 24/1) là một thất bại đối với chính phủ, có sức huỷ hoại ghê gớm “sức mạnh mềm” gây dựng bao lâu nay. Cách hành xử của chính quyền nếu không được soi sáng bởi các giá trị của thời đại thì con đường chấn hưng dân tộc, cũng như việc đòi lại chủ quyền biển đảo cho đất nước vẫn còn đối mặt với nhiều bất trắc ở phía trước./.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/south-china-sea-soft-power-01262019092449.html

 

Vẫn chuyện học sinh chán học lịch sử!

Trung Khang, RFA

Ông Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khi tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam hôm 20 tháng 1 tiếp tục nhìn nhận lịch sử chưa phải là môn học hấp dẫn đối với học sinh trong nước. Nguyên nhân do đâu?

Vị Thủ tướng cho rằng muốn học sinh yêu lịch sử, phải làm cho môn lịch sử trở nên hấp dẫn hơn.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 15 tháng 1 năm 2019, Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục, cũng từng giảng dạy môn lịch sử, hiện đã về hưu, nhận xét:

Có nhiều trường hợp sự thật lịch sử nhiều khi không được nhắc đến một cách khách quan, trung thực. Cho nên học sinh chán, đó là lý do thứ hai.

-PGS. TS. Mạc Văn Trang

“Trước kia tôi đã từng dạy lịch sử, ở những năm 60, 70, 80, học sinh rất thích học môn lịch sử. Mà bây giờ việc học gắn liền với việc thi, tức thi gì học nấy, mà môn sử thì không thi. Chứ không phải học sử vì thích thú, học vì phát triển trí tuệ, nhân cách. Mà ở Việt Nam học là mục đích để có cái bằng. Đấy là lý do thứ nhất, lý do thứ hai là càng lên trên môn học lịch sử càng bị chính trị hóa đi, nó trở nên khô khan, trở nên một cái gì nó nhàm chán. Và có nhiều trường hợp sự thật lịch sử nhiều khi không được nhắc đến một cách khách quan, trung thực. Cho nên học sinh chán, đó là lý do thứ hai.”

Còn theo Nhà giáo Phạm Toàn, môn lịch sử bây giờ học sinh không thích là vì giảng giải chứ không được tìm hiểu. Lịch sử cũng như những môn học khác là phải học cái cách học. Nhưng theo ông, hiện nay chương trình chỉ tập trung vào kiến thức. Ông nói tiếp:

“Môn học lịch sử khi nói đến cách học thì học sinh phải được nhập thân, nhập cái tâm hồn tình cảm của mình vào những sử liệu. Nhưng sử liệu bây giờ không có, hoặc có rất ít, hoặc có một cách phiến diện. Khi học sinh nhập thân vào sử liệu rồi nó mới có cái phán đoán lịch sử, tức là học sinh phải được quyền phản biện. Mà quyền phản biện thì bây giờ người lớn còn bị hạn chế huống gì trẻ con.”

Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nêu lên. Nhiều năm nay, nhiều chuyên gia giáo dục từng lên tiếng cho rằng học sinh, sinh viên ngày này không còn thích học môn lịch sử. Tuy nhiên mọi ý kiến phản biện thì như thường lệ, ít được lắng nghe.

Theo Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, thật sự lịch sử Việt Nam rất nhiều cái bi hùng, chống giặc ngoại xâm, giành độc lập, nhiều tấm gương hy sinh anh hùng, từ thời Hai Bà Trưng đến nay. Nhưng vì chính trị hóa môn lịch sử, nên học sinh không thích học nữa, giáo viên cũng không thích dạy nữa. Ông nói thêm:

“Tôi lấy ví dụ ngay cuộc cách mạng tháng tám 1945, nói là chính quyền đảng cộng sản lãnh đạo cướp chính quyền, giành thắng lợi.v.v… thì cũng không nói rõ chính phủ Trần Trọng Kim lúc đó như thế nào. Sau này cũng nhiều học sinh thắc mắc. Thứ hai là khi nói về cuộc chiến tranh giữa miền nam và miền bắc, thì lên án chính quyền Sài Gòn là ngụy quân ngụy quyền, và nói toàn những điều xấu xa. Đã gọi là ngụy thì cái gì cũng xấu xa. Nhưng học sinh bây giờ có thông tin nhiều chiều lắm, các em học sinh biết ông Ngô Đình Diệm ngày xưa cũng rất là yêu nước, có tinh thần dân tộc và chính quyền Sài Gòn ngày xưa cũng có nhiều cái phát triển rất là tốt.v.v… Thế thì khi học sinh hỏi vặn lại giáo viên thì giáo viên không dám trả lời.”

Cùng quan điểm với Phó Giáo sư – Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, một giáo viên dạy lịch sử cấp trung học, tại Sài Gòn, không muốn nêu tên chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do:

“Lịch sử là phải đa chiều, sự thật lịch sử phải nằm ở chỗ nhiều góc tiếp cận, nhưng họ chỉ tiếp cận theo quan điểm lịch sử của họ thôi. Như thế bản chất môn lịch sử đã chết từ lâu. Thành ra học sinh không thích học nữa, vì cứ học cầm súng tiến lên, nay thắng trận này, mai thắng trận kia, đế quốc Mỹ rồi ngụy quân, ngụy quyền nhét vô ngày mấy tháng mấy, rồi Ấp Bắc ngày mấy tháng mấy. Như vậy học sinh nó ngán quá. Lịch sử như vậy không phải là lịch sử.”

Tiến Sĩ Mạc Văn Trang nhìn nhận tuy không nghiên cứu sâu môn học lịch sử của miền nam Việt Nam trước 1975, nhưng ông thấy chế độ Việt Nam Cộng Hòa viết về lịch sử khách quan và trung thực hơn. Ông đưa ra ví dụ như khi nói về ông Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp chẳng hạn, họ không hề bôi nhọ bêu xấu mặc dù họ chống cộng.

Môn học lịch sử khi nói đến cách học thì học sinh phải được nhập thân, nhập cái tâm hồn tình cảm của mình vào những sử liệu. Nhưng sử liệu bây giờ không có, hoặc có rất ít, hoặc có một cách phiến diện.

-Nhà giáo Phạm Toàn

Khi trả Đài Á Châu Tự Do trước đây, Sử gia Trần Gia Phụng cho biết trước năm 1975, chính sách giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa là nhân bản, dân tộc và khai phóng; sau năm 1975, chính sách giáo dục của cộng sản là giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng cộng sản. Vì vậy trước và sau năm 1975, việc giáo dục hoàn toàn khác nhau.

Ông Trần Gia Phụng nói thêm về sách giáo khoa, trước năm 1975, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa chỉ đưa ra chương trình lịch sử, không ban hành sách giáo khoa. Mỗi giáo sư tự soạn giáo khoa giảng dạy cho học sinh, hoặc dùng một sách giáo khoa do tư nhân soạn mà giáo sư ưng ý.

Theo Tiến Sĩ Mạc Văn Trang, môn lịch sử muốn thu hút học sinh, phải viết lại lịch sử cho trung thực khách quan, phải cho phổ biến bộ quốc sử viết lại, phải thay đổi nhận thức trong xã hội, trong ngành giáo dục. Về phía giáo viên theo ông cũng phải đào tạo lại, phải dạy lịch sử đúng với phương pháp của lịch sử, chứ không thể chính trị hóa được. Ngoài ra, phải cho học sinh có nhiều tài liệu tham khảo, tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt và có những tranh luận khác nhau.

Tuy nhiên Tiến Sĩ Mạc Văn Trang cũng nhìn nhận, nhiều vấn đề không thể cải tổ do sự cản trở của thể chế:

“Thể chế rất cản trở việc cải cách. Như ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư và chủ tịch nước, ổng nói là không được nói được làm gì trái với chủ trương của đảng và nhà nước. Cho nên ai cũng sợ, nói khác đi thì ổng nói là tự diễn biến, tự chuyển hóa, suy thoái…”

Tiến Sĩ Mạc Văn Trang kết luận, trong thể chế này, môn học lịch sử cũng như môn khoa học xã hội nói chung, bị chính trị hóa, không còn hấp dẫn, thiếu trung thực và khách quan.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/history-under-vietnam-schools-not-attractable-students-01252019133422.html

 

Tết, hương nhà ngày đã một xa

Mặc Lâm

Khá lâu hai chữ “ăn tết” chừng như không còn làm cho những người xa nhà xôn xao nữa, bởi không xa nhà như Nguyễn Bính, cách một hai lần đò, chúng tôi xa nhà vạn dặm không con đò nào đưa về quê được nên nhớ nhà chỉ còn cách duy nhất là lần về bằng trí nhớ, mà một khi trí nhớ hao mòn thì giống như thanh tre gát trên cầu khỉ gãy ngang, gây hụt hẫng cho người lần dò lấy nó mà đi cho dù con sông mà nó bắc ngang chỉ trong gang tất.

Khi cái mát lạnh của mùa xuân phảng phất thì chừng như những ngày tết đã cận kề. Nhớ như in về mẹ, những ngày này bận rộn nhưng môi mẹ chừng như không ngớt mỉm cười. Gia đình sống phiêu dạt theo chân cha trên nhiều tỉnh thành nhưng cái chất quê ngọt ngào không hề phai trên đôi vai của mẹ. Chiều 23 Tết trong khi mọi nhà cúng kiến ông Táo về trời thì nhà mình lại im ắng trước mâm cơm thường nhật. Sau bữa cơm mẹ kêu mình ra thử bộ quần áo mới mẹ vừa mua, cái cảm giác thử áo theo mình suốt bao nhiêu năm đến nỗi khi đã thành người lớn mỗi lần mua một bộ quần áo mới lại nhớ đến mẹ, nhớ từng cái vuốt cho áo thẳng thớm, kéo bên này phủi bên kia làm cho mình cảm thấy như được vuốt ve dưới manh áo mới. Mùi thơm của vải là thứ duy nhất nối liền mình với mẹ cho tới nay, nó như thứ nước hoa không thể lẫn giữa muôn ngàn loại hương thơm khác trong đời sống.

Và từ lúc thử cho tới lúc chính thức được mặc bộ quần áo mới là cả một chuỗi ngày chờ đợi.

Cũng may, chỉ một tuần lễ là tết, sự bận bịu không chừa một ai làm thời gian ngắn lại. Mẹ thường dẫn mình đi chợ tết vào những ngày sát tết thường là 27 tết khi mọi thứ bớt rầm rộ và giòng người len lỏi trong chợ ít đi. Đó là lúc mẹ chọn dưa hấu, các loại bánh mứt trên bàn thờ, thịt heo, gà sống, củ kiệu và hàng chục món khác. Mình thích nhất là chợ hoa trong những ngày này, những chậu mai hiền lành, những cụm vạn thọ vàng rực một góc chợ chen với cúc, huệ, và nhiều loại hoa khác làm cho không khí tết rực rỡ hẳn lên. Người ngắm kẻ mua chen lẫn nhau và mình chợt nhận ra mọi người đều hiền hòa, dễ thương so với ngày thường nhiều lắm, có lẽ mùa Tết làm cho người ta gần nhau hơn bởi ai cũng cùng chung mục đích: “ăn tết”.

Đêm ba mươi dù buồn ngủ cách nào mình và các chị không bao giờ vào mùng sớm vì còn xem nấu bánh tét. Cả nhà đi vô đi ra như chờ đợi một điều gì quan trọng lắm, thì ra chờ giây phút giao thừa để được đốt phong pháo mà cha mua về từ hôm trước. Cái thời khắc thiêng liêng ấy được chờ đợi trong hồi hộp vì pháo nổ là tết chính thức bước vào nhà và năm cũ ra đi dể năm mới hoàn toàn khác trở về. Những ngày tết về sau này nhà nước cấm đốt pháo thì mình đã xa quê nhưng tâm trí cứ nghĩ về tiếng pháo giao thừa của những ngày xưa cũ. Tiếng pháo đánh thức niềm hy vọng, hương thơm của pháo tết lan tỏa khắp nơi làm không khí ngày tết đượm mùi gần gũi của hàng xóm láng giềng. Pháo nổ làm cho những phiền muộn của người nghèo tạm thời bay xa nó làm cho những gia đình khá giả biết ơn những gì trời đất đã dành cho họ. Tiếng pháo mang nặng tâm lý cộng đồng và chính nó làm cho người ta gần gũi nhau hơn mỗi lần tết đến.

Rồi sáng mùng một trong lành cũng đến. Mẹ đánh thức mặc cho bộ quần áo mới, dặn dò nhiều điều mà năm trước mẹ từng dặn dò. Mọi người lục tục kéo nhau mừng tuổi ông bà cha mẹ, những phong thơ màu đỏ đựng những đồng tiền mới tinh lì xì cho bọn trẻ, tiếng nhạc mừng xuân bắt đầu rộn rã, bữa ăn sáng mùng một tết được dọn ra và mọi người quây quần bên nhau trước khi ra khỏi nhà mỗi người một hướng.

Mâm cơn sáng mùng một tết có lẽ là mâm cơm tươm tất và ngon nhất trong năm. Mẹ và các chị đã hết sức chăm chút nó từ những ngày trước tết. Củ kiệu và tai heo đã được ủ trong những chiếc hủ sành tính sao cho đủ độ chua ngọt cần có khi bóc ra vào sáng đầu năm. Những khoanh bánh tét xanh ươm màu lá nằm tròn trĩnh cạnh dĩa dưa món đầy màu sắc. Nồi thịt kho măng vàng rực cùng với những chiếc bánh tráng đang chờ cuốn với rau sống là món chủ lực của bữa ăn đầu năm. Tuy ngon và mát mắt như thế nhưng không ai ăn no cả, hình như tiếng trống múa lân ngoài phố đang thúc giục mọi người.

Trước khi xem lân, mình ghé ngang đám đông đầy tụi con nít cỡ tuổi mình trong các sòng “bầu cua cá cọp” bên đường. Những hình ảnh trái bầu đỏ mọng, con cua hùng tráng xanh mầu biển, con nai hiền lành đứng trên con cá đang vẫy đuôi cùng chú gà cồ lảnh lót tiếng gáy theo sát mình suốt mấy ngày tết. Vài đồng bạc lì xì mau chóng vào túi của nhà cái, thường là một anh chàng trong xóm, hết tiền lại chạy đi chơi cái khác, hiếm gì cuộc vui ngày tết hơi đâu phải phí công ngồi ngắm chú bầu con cua?

Tiếng trống múa lân làm cho bọn trẻ cỡ tuổi mình đứng ngồi không yên. Cứ thấy ông địa lắc bụng cầm chiếc quạt rách phe phẩy là mình lại thích thú. Con lân dưới đôi mất ngây thơ của mình thật khác thường, mắt nó chớp giật như một con vật sống đôi lúc làm mình sợ hãi nhưng cũng đầy thích thú. Khi nó leo lên táp túi đựng tiền lì xì của gia chủ là tiếng trống dồn dập, tiếng hò reo cổ vũ đầy trời tạo cho không khí hừng hực mầm sống của ngày tết Nguyên đán.

Lớn lên một chút tết vẫn còn nguyên hương vị của nó như xưa, có điều vì lớn nên cái nhìn ngày tết của mình cũng khác. Lớn có những yêu cầu khác với một cu con nít, tâm trí vỡ ra những hình ảnh mà ngày thường không có, nhất là phong vị của tết, càng lớn thì người ta càng cảm nhận đầy đủ hơn về không khí đặc biệt mà chỉ ngày tết mới có.

Đó là những cuộc đi chơi với bạn bè trong không khí ấm áp đầy hoa của không gian ngày tết. Đây là lúc chưng diện với mọi người chung quanh để chứng tỏ ta đã lớn, đã bước hẳn vào tuổi hoa niên đầy hoa lá chung quanh.

Nhưng có lẽ thời khắc này chính là lúc âm nhạc cuốn hút người ta nhiều nhất.

Tết mà không có nhạc xuân thì còn gì thiếu vắng hơn. “Tấm thiệp đầu xuân” “Xuân này con không về” cùng nhiều bài hát bất hủ khác của ngày tết góp phần làm cho tết lý thú, gắn bó hơn giữa người nghe với nhau…nhưng gì thì gì một bản nhạc không thề thiếu trong ba ngày tết đó là bài “Ly rượu mừng” của Phạm Đình Chương.

Thật vậy, ca khúc Ly rượu mừng đã ăn sâu vào trí nhớ của người Việt đối với những ai sống ở đất nước này từ năm 1975 trở về trước. Giai điệu quyến rũ, ca từ mặn mà, hồn hậu lột tả hết nét nhân văn của một vùng đất tuy đạn bom dày xéo vẫn không mất đi lòng thương yêu, thói quen tha thứ và khuyến khích nhau xây dựng quê hương trong tinh thần tương ái. Là một nhạc sĩ miền Bắc di cư vào Nam, Phạm Đình Chương mang tâm trạng xa quê lồng vào ca khúc này với ước vọng mọi người cùng nhau xây đắp non sông trong một ngày mai hòa bình hạnh phúc. Nhạc sĩ vượt lên mọi cám dỗ thường trực của chiến tranh tâm lý để cho ra đời một ca khúc bất hủ cho dân tộc. Ở đâu trên mọi vùng đất của quê hương, trong những ngày tết xa quê người ta cũng có thể hợp ca Ly rượu mừng để nối liền những người con xa xứ với gia đình.

Nhưng tiếc thay bài hát không thể nối được những đứa con xa quá, xa đến nỗi không con đò nào đem họ về được với quê nhà.

Nguyễn Bính chỉ từ Bắc vào Nam vài ngày đã rên rỉ:

……

Bốn bể vẫn chưa yên sóng gió

Xuân này em chị vẫn tha hương

Vẫn ăn cái Tết ngoài thiên hạ

Son sắt say hoài rượu viễn phương (…)

Đêm ba mươi Tết quê người cũng

Tiếng pháo giao thừa dậy tứ phương….

Ông đúng là giang hồ vặt, chỉ thấy cơm sôi đã nhớ nhà, còn chúng tôi không hề muốn giang hồ, chỉ muốn ngồi bên mộ mẹ ôn lại những ngày còn thơ cũng không được huống chi là tết?

Tản mác khắp thế giới chúng tôi cũng cố giữ cái hồn tết của dân tộc lắm nhưng tiếc thay cố gắng nào cũng vô ích trong suốt hơn 40 năm qua. Chúng tôi đốt pháo nhưng không ai nghe, mua bánh tét bánh chưng chất đầy nhà chỉ để đem đi làm trong mấy ngày được gọi là tết. Những bông hoa giả nằm buồn bã trong góc nhà. Chai rượu đắt tiền không biết khi nào mới khui vì bạn bè ai cũng tất bật mưu sinh không còn thời gian để nhớ tết. Trẻ con không cần áo mới vì chúng có mỗi ngày. Chúng cũng không biết thế nào là lì xì, là bầu cua cá cọp như chúng tôi.

Tết ở phương xa nếu có cũng chỉ ngồi trong bóng tối rồi nghe một mình ca khúc “Xuân này con không về” để tự đánh lừa mình cho một ngày về không được in trong lịch.

Tết, đối với chúng tôi, ngày càng xa, càng teo tóp. Nó giống như tiếng pháo không mùi thuốc pháo vậy thì khác gì tiếng nổ trong mọi cuốn phim hành động?

https://www.voatiengviet.com/a/tet-tha-huong-ngay-da-mot-xa/4757612.html