Đoạn tang

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đoạn tang
Hạ Ngôn (Danlambao)…Sài Gòn vẫn sinh hoạt nhộn nhịp. Không một ai nói đến Lộc Hưng. Mấy người em tôi cũng chẳng biết gì về một khu đất vừa bị cưỡng chế. Tất cả đều im lìm, như tiếng than van uất nghẹn của dân Lộc Hưng. 
 
Ngày tôi bỏ khăn tang xuống cũng là ngày đồng bào Lộc Hưng khoác lên người mảnh khăn trắng của bất công, của uất ức, và của oan khiên…
*
Xả tang, người bình dân gọi thế. Đoạn hay xả đều có nghĩa là cắt đứt, bỏ đi. Anh em tôi, dâu rể, con cháu quay về VN để dự lễ đoạn tang của ông cụ. Sao không xả tang ở Mỹ, có người hỏi tôi. Thưa vì bà cụ muốn thế, và vì ông cụ hiện đang yên nghỉ tại nghĩa trang của một họ đạo.
Phong tục VN cho phép con cái đoạn tang sau một thời gian dăm ba năm. Trong thời gian này, con cái hạn chế những cuộc vui chơi, hội hè vì đang chịu tang lớn trong gia đình, và để tỏ lòng hiếu thảo. Sau lễ đoạn tang (tục xưa con cháu bỏ hết khăn tang vào một hũ hớn và đốt cháy ra tro), con cái vui vẻ quay trở lại nếp sống sinh hoạt bình thường. Đoạn tang mang ý nghĩa đó, chứ không phải dứt tang là cắt đứt mối liên hệ với kẻ quá cố. Theo đức tin, con cái phải luôn cầu nguyện cho cha mẹ đã nằm xuống cho đến lúc chết, vì đó là bổn phận theo điều răn thứ bốn, là hiếu thảo theo truyền thống văn hóa VN.
Phi trường TSN vẫn chật ních người. Nhà nước không lường được số lượng quá tải khi mở rộng vòng đai phi trường. Đường sá chỉ đến đó, trục lộ giao thông không kham nổi một lượng xe cộ chạy rầm rập ngày lẫn đêm. Tầm nhìn của những kẻ có trách nhiệm ở đâu đó chỉ một vài năm ngắn hạn. Cả một Saigòn bức nóng, ồn ào, ngột ngạt hơi thở như hai năm trước khi tôi về để tang ông cụ. Tất cả vẫn vậy, chẳng có gì thay đổi.
Vậy mà tôi nhận ra một thay đổi. Anh thuế quan xét giấy nhập cảnh tại hàng rào an ninh là một người miền Nam. Người Bắc dọn vào miền Nam sinh sống khá đông sau 75, nhưng chỉ có phi trường là nơi tập trung nhiều người Bắc nhất. Họ nắm giữ các chức vụ then chốt, chỉ nhường lại những công việc tầm thường cho người địa phương. Những lần trước về, khi bước đến quầy thuế quan, tôi đều bắt gặp ánh mắt dò xét, và giọng nói dấm dẳn thật lạ tai của người miền Bắc. Cặp mắt anh loang loáng đầy nghi kỵ đến nỗi tôi cứ tưởng mặt tôi dính nhọ. Cung cách hỏi của anh, “về làm gì, ở đâu,” (thường không có chủ từ) “ở bao lâu,” như quan tòa ngồi ngất ngưởng trên cao hạch sách phạm nhân. Tôi là công dân Mỹ lương thiện nên cứ bình thản trả lời từng câu hỏi cộc lốc. Cũng ngắn, gọn, vừa phải. Giọng vừa đủ nghe, nói không thêm, không bớt. Riêng âm giọng anh cao ngất, xoáy vào tai nghe như búa bổ. Bởi thế, những lần trước cứ bước ra khỏi hàng rào an ninh là đầu tôi nhức nhối khó chịu.
Lần này khác hẳn, anh thuế quan người miền Nam cất tiếng chào hỏi vợ chồng tôi thật lịch sự. Cũng từng ấy câu hỏi nhưng giọng anh nhã nhặn, nếu không nói là lễ phép. Không vồn vã, cũng không lãnh đạm, đúng cung cách của một người làm việc tại cửa công. Về nhà hỏi lại mấy chú em về dự lễ giỗ và được biết người xét giấy nhập cảnh đều là người miền Nam. Lúc về lại Mỹ, khi trình giấy tờ tôi cũng gặp một cô gái người miền Nam. Hóa ra hàng rào an ninh bây giờ hầu hết là người địa phương. Một thay đổi bất ngờ.
Giỗ đoạn tang xong, cả mấy anh em kéo nhau đi chơi Phú Quốc. Sân bay nội địa từ trước đến nay đều là người miền Nam. Tôi bắt gặp được sự thân quen thuở nào. Đáp máy bay nội địa lần đầu sau gần nửa thế kỷ, thế mà tôi có cảm giác như mới hôm qua, như tôi chưa hề rời mảnh đất thân yêu, dù chỉ một lần. Giọng anh tiếp viên của hãng VietJet trầm bổng bằng 2 thứ tiếng, Anh và Việt, thuần thục và trôi chảy như nhau. Dĩ nhiên, tôi khỏi cần giới thiệu, anh là người miền Nam chính gốc.
Ở Phú Quốc tôi được tin bà con Lộc Hưng bị cưỡng chế đất đai qua mạng FB. Hình ảnh một đứa bé ngồi trên bao tải đựng quần áo dưới mái hiên xiêu vẹo khiến lòng tôi chùng xuống. Đúng ra em được ngồi trên một chiếc ghế nào đó, kế chiếc bàn học. Đáng lẽ quần áo trong bao tải được treo lên móc. Nhưng nhà cửa không còn thì làm gì còn ghế. Tủ quần áo gẫy vụn nằm tả tơi trên nền đất khô thì làm gì còn móc để treo. Cả một cảnh hoang tàn trên một diện tích 220m vuông. Hơn một trăm gia đình lâm vào cảnh màn trời chiếu đất, như vừa qua một trận thiên tai. Không, nhân tai. Ông trời hình như chịu thua cái ác của con người, ngoảnh mặt đi. Tết gần kề, gần nghìn nạn nhân không còn chỗ nương thân, nói gì hưởng Xuân. Chỉ thấy nỗi đau như hơn 50 năm về trước, Tết Mậu Thân. Màu tang trắng thấm máu đỏ nhuộm khắp xứ Huế. Lộc Hưng, 2019, cũng một màu trắng oan khiên. Những giọt nước mắt màu trắng đục rơi lã chã trên vùng đất bị cưỡng chế bởi nhà cầm quyền.
Phú Quốc sống cho khách du lịch. Nhà hàng, khách sạn, kể cả những khu resort, mọc lên san sát dọc theo bờ biển khu Dương Đông. Chợ Đêm rộn ràng tấp nập từ sẩm tối, một sắc thái đặc biệt của hòn đảo cực nam. Hải sản tươi rói, giá cả phải chăng, ăn ngon miệng. Tuy vậy, hòn đảo này còn khá hoang vu. Dọc trên đường từ phi trường về khách sạn, những khu rừng nhỏ còn đậm nét thiên nhiên chạy đều hai bên đường. Hệ thống du lịch hình như chưa phát triển đúng bài bản. Nhiều bãi biển vẫn còn buôn thúng bán bưng, chưa đi vào kế hoạch tầm cỡ. Có thể vì tầm nhìn của các viên chức nhà nước hạn chế, hoặc giả Phú Quốc sửa soạn trở thành đặc khu của Tàu nên nhà cầm quyền thấy không cần phát triển, dành việc phát triển cho nhà nước Tàu.
Vậy mà tôi cố ý tìm vẫn không thấy bóng một người Tàu nào. Có thể vì tôi chưa đến những khu resort đắt tiền, $500/đêm. Quanh tôi, chỉ thấy người miền Bắc. Họ từ miền cực bắc, lặn lội đến hòn đảo cực nam để kiếm sống. Tôi nhờ nhân viên khách sạn gọi một cuốc taxi đến cửa hàng ngọc trai Ngọc Hiền. Tài xế là một anh miền Bắc, trắng trẻo, mập mạp, thân nặng trĩu trên ghế. Anh hỏi tôi dấm dẳn, mặt lạnh lùng. Đoạn đường ngắn, chưa đến 4km nên tài xế và khách miệng ngậm hột thị. Đến nơi, tôi hỏi bao nhiêu? Anh chỉ ngón tay vào đồng hồ, chẳng buồn vén môi nói số tiền. Tôi trả tiền và biếu anh số tiền lẻ. Anh chộp lấy tờ giấy bạc không một lời cám ơn. Trên đường về, tôi gặp anh tài xế đen đủi, khẳng khiu. Giọng anh đơn đớt vùng Rạch Giá. Tôi lân la hỏi chuyện làm ăn. Anh tâm sự, mỗi ngày phải trả cho chủ (người miền Bắc) khoảng 450 nghìn, và ký một hợp đồng khoảng 5 tháng. Có ngày dư dả nuôi vợ và hai con, có ngày thiếu hụt phải oằn lưng trả nợ chủ. Không thể trả xe nếu chưa hết hạn hợp đồng. Bất thường, như cuộc sống của anh. Tiền trả chuyến về cũng bằng tiền chuyến đi. Dĩ nhiên, tôi biếu số tiền lẻ như ban sáng. Anh cám ơn chân tình. Xuống xe, tôi móc túi biếu anh thêm. Anh nắm lấy tay tôi cám ơn nồng nàn.
Trầm mình trong nước biển ấm vào buổi sáng trời se lạnh, nhìn về hướng Đông, nơi quê hương thứ hai đã ân cần nắm lấy tay tôi và chợt nghĩ ai sẽ nắm lấy những bàn tay gầy guộc của đồng bào Lộc Hưng? Tôi cố quên Lộc Hưng và dành thì giờ trọn vẹn với gia đình. Những ngày vui qua mau. Bay về đất liền sau mấy ngày đầm mình trong vũng nước mặn quê hương. Vừa bước ra khỏi cửa Tân Sơn Nhất đã nghe tiếng ồn ào của 2 thanh niên miền Bắc. “Bay lâu thế, tao chờ mày vãi l…” Lần đầu tiên tôi nghe nguyên văn một câu trách quá lạ tai. Anh nói oang oang, thật tự nhiên, thoải mái giữa chốn công cọng. Ông tiến sĩ tình dục học Thiên Nguyên đã khẳng định đó là nét văn hóa đặc thù (cứ tìm trên mạng sẽ thấy bài nói chuyện của ông tiến sĩ này) của người dân sống trong lòng xã hội chủ nghĩa. Văn hóa “vãi l…” xuất phát từ miền Bắc sau 75 và du nhập vào Nam. Xem ra người miền Nam chẳng mặn mà gì với nét văn hóa đó. Sự vật biến đổi không ngừng, như tinh túy của nền văn hóa qua bốn nghìn năm kết tụ thành nền văn hóa vãi l…
Sài Gòn vẫn sinh hoạt nhộn nhịp. Không một ai nói đến Lộc Hưng. Mấy người em tôi cũng chẳng biết gì về một khu đất vừa bị cưỡng chế. Tất cả đều im lìm, như tiếng than van uất nghẹn của dân Lộc Hưng.
Ngày tôi bỏ khăn tang xuống cũng là ngày đồng bào Lộc Hưng khoác lên người mảnh khăn trắng của bất công, của uất ức, và của oan khiên.
Xin thêm lời cầu nguyện cho họ.