Những “đồng minh” ngầm của Tổng thống Trump tại Trung Quốc
Tổng thống Donald Trump trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2017. (Ảnh: AP)
Trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump đã có một số đồng minh “ngầm”. Gần như mọi lời than phiền mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ đưa ra tại Bắc Kinh tuần trước đều được các doanh nhân Trung Quốc, những người cảm thấy bị đánh giá thấp và không được chào đón như các đối tác nước ngoài, chia sẻ. Đó là chưa kể tới sự nghi ngờ của cả các nhà đàm phán Mỹ lẫn cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc về sự chân thành trong các nhượng bộ của chính quyền Bắc Kinh.
Sự bất mãn này có thể được tổng kết bằng một nhận định tại Trung Quốc: khi khối nhà nước tiến lên, khối tư nhân buộc phải lùi xuống.
Thực trạng này cho thấy chính quyền Trump sẽ gặp khó khăn như thế nào trong việc thay đổi một loạt những chính sách công nghiệp của nhà nước Trung Quốc – những chính sách vốn bắt nguồn từ góc độ chính trị và hệ tư tưởng, hơn là từ góc độ kinh tế. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra cho ông Trump một cơ hội, đó là dùng chính sức ép nội bộ của Trung Quốc để mở cánh cửa cho các nhà đầu tư quốc tế cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc tuân thủ theo quy tắc thương mại toàn cầu.
Với nỗ lực nhằm đảm bảo quyền kiểm soát của nhà nước đối với mọi khía cạnh của đời sống ở Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm nguội lạnh tinh thần “máu lửa” của các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc, lực lượng chiếm tới hơn 60% sản lượng kinh tế và 80% nguồn cung việc làm.
Mặc dù chính quyền Trung Quốc chào đón các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào nền kinh tế từ năm 2001, song các doanh nghiệp này từ lâu đã có mối quan hệ không mấy thoải mái với khu vực nhà nước. Nhiều doanh nghiệp đã rơi vào cuộc chiến chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình và họ phải trả giá vì các hành vi hối lộ quan chức để đổi lấy những hợp đồng làm ăn, các khoản vay ngân hàng và cả đất đai.
Một số doanh nhân giàu có tại Trung Quốc đã chuyển tiền ra nước ngoài vì lo sợ rằng những khoản tiền thiếu minh bạch của họ một ngày nào đó sẽ bị tịch thu. Trong khi đó, những doanh nhân khác đã dừng đầu tư và tuyển dụng nhân công trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại. Fred Hu, nhà sáng lập hãng đầu tư hàng đầu Trung Quốc Primavera Capital Group, nhận định các doanh nghiệp đang cảm thấy lo lắng, bất ổn và quan ngại về tương lai của họ.
Vai trò của doanh nghiệp tư nhân
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình (Ảnh: AFP)
Nếu Trung Quốc vẫn được xem là động lực cho sự tăng trưởng toàn cầu, cộng đồng quốc tế vẫn muốn các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc thành công. Những nhu cầu của các doanh nghiệp này cũng phản ánh đúng những gì mà các doanh nghiệp đa quốc gia tại Trung Quốc đang kỳ vọng: đó là được tiếp cận tốt hơn với các thị trường dịch vụ, vốn đang bị chi phối bởi sự độc quyền của nhà nước trong các lĩnh vực năng lượng, tài chính, viễn thông và giao thông; được bảo vệ tốt hơn về tài sản trí tuệ, giảm sự trợ cấp của nhà nước đối với một số ngành, tiếp cận tài chính ưu đãi cũng những thuận lợi khác mà các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng, đồng thời thoát khỏi sự nhũng nhiễu của các quan chức nhà nước.
Không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng muốn thoát khỏi sự chi phối của nhà nước. Ngoài ra, việc chuyển đổi chính sách từ các doanh nghiệp nhà nước – vốn thống trị trong các ngành công nghiệp lâu đời, sang các doanh nghiệp tư nhân – lực lượng vượt trội về dịch vụ sáng tạo, sẽ giúp thúc đẩy tiêu dùng nội địa Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình được cho là không bao giờ sẵn sàng từ bỏ cấu trúc kinh tế do nhà nước chi phối vì ông xem đây là sự sống còn của chính quyền. Việc tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước cũng không được đưa ra xem xét, trong khi khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 50% tổng số tín dụng nhưng chỉ đóng góp 20% GDP. Đây rõ ràng là sự phân bổ nguồn lực tài chính không phù hợp.
Mặc dù vậy, vẫn còn hai lý do để hy vọng rằng ông Tập Cận Bình sẵn sàng đưa ra những nhượng bộ thực sự.
Thứ nhất, như những bản tin ảm đạm được đăng tải trên báo chí Trung Quốc gần đây, nền kinh tế nước này đang bị sụt giảm và ngày càng bết bát hơn do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Cách đây vài tháng, Nhân dân Nhật báo, tờ báo của nhà nước Trung Quốc, đã gây ấn tượng với người đọc bằng những câu chuyện ca ngợi chính sách “Made in China 2025” với mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành cường quốc công nghệ cao. Bộ phim tài liệu “Trung Quốc thần kỳ” cũng ca ngợi những thành tựu của ông Tập Cận Bình về khoa học, công nghệ và xóa đói giảm nghèo.
Hiện tại, những tham vọng công nghiệp của Trung Quốc xuất hiện rất ít trên truyền thông và bộ phim tuyên truyền về sức mạnh của Trung Quốc cũng không còn được chiếu. Có thể nói, ông Trump đã thu hút sự chú ý của Bắc Kinh.
Thứ hai, việc mở rộng hơn nữa các thị trường của Trung Quốc đối với cả doanh nghiệp trong nước và quốc tế là cách chắc chắn nhất để ông Tập Cận Bình khôi phục lại tốc độ tăng trưởng kinh tế như trước đây. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra lợi nhuận gấp 3 lần so với các doanh nghiệp nhà nước. Với vai trò tạo ra hầu hết việc làm cho xã hội, các doanh nghiệp tư nhân cũng góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng và giúp nền kinh tế giảm sự phụ thuộc vào đầu tư tín dụng.
Chính phủ Trung Quốc hiểu sự cần thiết của việc nhượng bộ khối doanh nghiệp tư nhân. Từ giữa năm 2018, Trung Quốc đã khuyến khích các ngân hàng cho các công ty tư nhân vay nhiều hơn. Tuy nhiên những nỗ lực này không đạt được nhiều tiến triển do phần lớn hệ thống ngân hàng chưa được xây dựng để cung cấp các khoản vay như vậy. Trong khi đó, để xử lý cuộc khủng hoảng tài chính có nguy cơ xảy ra, chính phủ Trung Quốc đã tìm cách trấn áp các ngân hàng “đen” – nơi các doanh nghiệp nhỏ thường tìm đến để vay vốn.
Thành Đạt Theo Bloomberg
14/01/2019