Tin Biển Đông – 14/01/2019

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Biển Đông – 14/01/2019

Vừa cho tàu chiến áp sát Hoàng Sa, Mỹ gặp ngay

tên lửa có thể gieo rắc nỗi kinh hoàng từ TQ

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa DF-26 cũng đã gây lo ngại ở Nhật Bản, nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ.

Hãng tin RFI (Pháp) dẫn bài viết trên tờ Japan Times của Nhật cho biết, báo chí Trung Quốc mới đây đã loan tin rằng nước này đã cho triển khai ở miền tây bắc loại tên lửa chống hạm được mệnh danh là sát thủ diệt tàu sân bay.

Tờ báo Nhật đã đặc biệt ghi nhận rằng, thông tin này được tung ra hôm 08/01, tức đúng một ngày sau khi Mỹ cho chiến hạm tiến vào tuần tra “bảo vệ quyền tự do hàng hải” gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép) tại Biển Đông.

Theo tờ Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc, trích dẫn đài truyền hình nhà nước CCTV, thì hệ thống tên lửa được triển khai là loại tên lửa đạn đạo DF-26, được cho là có tầm bắn từ 3.000 đến 4.000 km. Địa điểm bố trí các giàn tên lửa này là ở vùng cao nguyên và sa mạc miền tây bắc Trung Quốc.

Mặc dù ngày triển khai cụ thể không được tiết lộ, nhưng thời điểm loan tin là chỉ ít lâu sau chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mới nhất mà chiến hạm Mỹ USS McCampbell tiến hành gần quần đảo Hoàng Sa hôm thứ Hai (07/01) – một hoạt động bị Bắc Kinh cho là “khiêu khích”.

 

Hoàn Cầu Thời Báo đã ám chỉ đến hoạt động của Hoa Kỳ, khi trích dẫn lời một chuyên gia giấu tên lưu ý rằng, việc triển khai tên lửa diệt hạm là một lời cảnh báo mà Trung Quốc đưa ra, đó là “nước này hoàn toàn có khả năng bảo vệ lãnh thổ của mình”.

Theo chuyên gia này, ngay cả khi được phóng đi từ các khu vực sâu trong đất liền, tên lửa DF-26 vẫn có tầm bắn đủ xa để bao quát Biển Đông.

Tờ báo nổi tiếng là diều hâu này của Trung Quốc còn khoe rằng DF-26 là thế hệ tên lửa đạn đạo tầm trung mới, có khả năng phá hủy các loại tàu cỡ trung và cỡ lớn ngoài khơi xa. trên biển.

Còn tờ báo Nhật cũng trích dẫn báo cáo năm 2018 của Lầu Năm Góc về sức mạnh quân sự Trung Quốc, loại tên lửa di động trên bộ đó đã được đưa vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 2016 và “có khả năng thực hiện các cuộc tấn công vào các mục tiêu trên biển ở phía tây Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Biển Đông”.

Theo các chuyên gia, một vụ phóng tên lửa di động từ sâu bên trong nội địa Trung Quốc sẽ khó bị chặn hơn so với một vụ phóng đi từ khu vực gần bờ.

Việc Trung Quốc triển khai tên lửa DF-26 cũng đã gây lo ngại ở Nhật Bản, nơi có nhiều căn cứ quân sự quan trọng của Hoa Kỳ.

Cũng liên quan đến chiến dịch tuần tra Hoàng Sa mới nhất của Hải Quân Mỹ, theo hãng tin Anh Reuters, hôm 09/01, một chuyên gia hải quân cao cấp của Trung Quốc, ông Trương Quân Xã (Zhang Junshe), đã cảnh cáo Mỹ rằng các chiến dịch của Hoa Kỳ tại Biển Đông có thể làm chiến tranh bùng nổ, và Mỹ sẽ là bên phải chịu trách nhiệm.

http://biendong.net/bi-n-nong/25803-vua-cho-tau-chien-ap-sat-hoang-sa-my-gap-ngay-ten-lua-co-the-gieo-rac-noi-kinh-hoang-tu-tq.html

 

Giải pháp giúp Mỹ đối phó

dàn ‘sát thủ tàu sân bay’ TQ

Pháo laser và tác chiến điện tử có thể giúp tàu sân bay Mỹ sống sót trước tên lửa diệt hạm uy lực cao của Trung Quốc.

Chuẩn đô đốc La Viện, phó giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc, hồi tháng trước tuyên bố Bắc Kinh có thể khiến Washington “sợ hãi” bằng cách đánh chìm hai siêu tàu sân bay Mỹ, khiến ít nhất 10.000 binh sĩ thiệt mạng.

La Viện cho rằng các loại tên lửa đạn đạo diệt hạm trong biên chế quân đội Trung Quốc hiện nay đủ sức thực hiện đòn tấn công này. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng hải quân Mỹ nhiều khả năng đã lường trước mối đe dọa này và xây dựng phương án đối phó, theo Business Insider.

Chuyên gia quân sự Christopher Woody nhận định việc hạn chế hoặc phong tỏa năng lực hoạt động của quân đội Mỹ ở Biển Đông và biển Hoa Đông là một phần quan trọng trong nỗ lực thay đổi cán cân sức mạnh khu vực của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn giành lợi thế bằng cách đưa ra những đe dọa khiến Washington phải ngần ngại khi triển khai các khí tài có giá trị cao để đảm bảo an ninh cho các đồng minh và đối tác.

Trung Quốc đã phát triển nhiều tên lửa đạn đạo diệt hạm uy lực, được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” để phục vụ chiến lược này. Mẫu DF-21 có tầm bắn 1.540 km vươn đến Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi tên lửa DF-26 mới phát triển đạt tầm bắn tới 4.100 km, đủ sức tấn công gần như toàn bộ căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Bắc Kinh cũng triển khai nhiều hệ thống phòng không và không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân. Điều này buộc Mỹ nhanh chóng tìm cách đối phó khi các tàu sân bay và chiến hạm hộ tống của họ đều có nguy cơ bị tấn công.

“Nếu hải quân Mỹ tăng cường năng lực phòng không bằng các tổ hợp vũ khí được quảng cáo lâu nay, họ sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng thủ của nhóm tác chiến tàu sân bay”, Bryan Clark, học giả tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách Mỹ (CSBA), đánh giá.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ hoạt động cách bờ biển Trung Quốc khoảng 1.600 km có thể đánh chặn 450 tên lửa các loại nếu được trang bị hệ thống phòng không tầm xa, tổ hợp gây nhiễu điện tử và pháo laser. Trong khi đó, Trung Quốc có ít nhất 600 tên lửa có khả năng diệt tàu sân bay ở khoảng cách này, đủ sức xuyên thủng lưới phòng thủ đa tầng của hải quân Mỹ.

“Nếu hải quân Mỹ thay thế tên lửa tầm ngắn như RIM-162 ESSM bằng đạn đánh chặn tầm xa SM-2, pháo laser và pháo điện từ (HVP), lớp phòng thủ tàu sân bay có thể đối phó khoảng 800 tên lửa diệt hạm”, Clark nhận định.

Để giúp tàu sân bay hoạt động lâu hơn trong vùng biển nguy hiểm, Washington cũng có thể tận dụng năng lực tác chiến điện tử để gây khó khăn cho việc xác định mục tiêu, thậm chí chủ động tung đòn phá hủy bệ phóng tên lửa và oanh tạc cơ đối phương.

Với việc Trung Quốc và Nga liên tục cải tiến tên lửa hành trình diệt hạm phóng từ tàu ngầm, Mỹ cũng phải thay đổi thành phần khí tài trong không đoàn tàu sân bay, phát triển khả năng tác chiến tầm xa trong môi trường nhiều thách thức.

“Cách tiếp cận này có thể giúp nhóm tàu sân bay Mỹ trở nên bất khả xâm phạm, hoặc ít nhất cũng đủ sức phòng thủ khi nổ ra chiến tranh với Trung Quốc. Đây là phương thức tác chiến hải quân Mỹ đang triển khai hiện nay”, Clark khẳng định.

Lã Viện thuộc nhóm diều hâu trong giới bình luận chính sách đối ngoại Trung Quốc. Lời đe dọa đánh chìm tàu sân bay Mỹ dường như phản ánh quan điểm chung của Trung Quốc hiện nay là quân đội Mỹ mạnh nhưng không có quyết tâm chiến đấu.

“Ngày càng nhiều người Trung Quốc tin rằng Mỹ đã mềm mỏng hơn và không muốn chấp nhận hy sinh nhân mạng. Họ cho rằng Washington sẽ từ bỏ và rút lui ngay khi gặp thách thức”, Brad Glosserman, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Tama ở Nhật Bản, nhận xét về bình luận của Lã Viện.

Chuyên gia quân sự Michael Peck cho rằng tên lửa siêu vượt âm và tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể tấn công tàu sân bay Mỹ trên lý thuyết, nhưng chưa từng được kiểm chứng trong thực chiến. Ngoài ra, nếu Trung Quốc đánh chìm tàu sân bay Mỹ, đó sẽ là hành động đẩy hai nước vào chiến tranh tổng lực, buộc Washington đáp trả mạnh mẽ, bởi hàng không mẫu hạm là biểu tượng cho niềm tự hào và sức mạnh quân sự Mỹ.

“Một cuộc tấn công như vậy sẽ đánh thức người khổng lồ đang ngủ say và khiến Mỹ quyết tâm trả đũa. La Viện chắc vẫn nhớ bài học của Nhật Bản trong Thế chiến II”, Peck cảnh báo.

http://biendong.net/bi-n-nong/25791-giai-phap-giup-my-doi-pho-dan-sat-thu-tau-san-bay-tq.html

 

VN chọc giận Bắc Kinh bằng

‘tự do hàng hải’ của Mỹ trên Biển Đông

Trong lúc Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục đấu với nhau trong các cuộc chiến thương mại và địa chính trị, Việt Nam cố tìm cách giữ thăng bằng trên Biển Đông đầy sóng gió, vừa tìm cách duy trì quan hệ chặt chẽ với Washington, vừa tìm cách tránh làm phật lòng Bắc Kinh – theo bình luận của các chuyên gia.

Cuối tuần qua, Hà Nội đã tận dụng vụ tranh cãi mới nhất giữa Washington và Bắc Kinh liên quan đến chiến dịch tự họ hàng hải của Mỹ trong Biển Đông để không những bày tỏ ủng hộ đối với đồng minh phương tây của mình, mà còn tái khẳng định tuyên bố chủ quyền trong lãnh hải tranh chấp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng trong trả lời báo chí hôm 9/1 về việc hải quân Mỹ đưa khu trục hạm trang bị tên lửa dẫn đường USS McCampbell đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa đã tái khẳng định rằng Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

VNExpress dẫn lời bà Hằng cho biết Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, và kêu gọi các nước đóng góp cho hòa bình, ổn định ở Biển Đông.

Ông Derek Grossman, phân tích gia kỳ cựu tại Rand Corporation, nói rằng mặc dù đó là tuyên bố mà Việt Nam thường dùng để bày tỏ đồng quan điểm với Washington về những vấn đề, chẳng hạn như tự do hàng hải, nhưng thời điểm đưa ra tuyên bố này rất đáng ngạc nhiên trong bối cảnh căng thẳng đang tăng cao giữ Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Grossman nói rằng: “Quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt được tăng cường đáng kể trong lúc Hà Nội cố tìm cách che giấu để tránh làm Bắc Kinh giận dữ một cách không cần thiết.”

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng hành vi của tàu Mỹ đã vi phạm luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, và Trung Quốc “nghiêm khắc phản đối.”

Trước đó, hôm 7/1, nữ phát ngôn viên của Hạm đội Thái Bình Dương Rachel McMarr cho biết tàu USS McCampbell đã thực hiện hoạt động “tự do hàng hải” trong phạm vi 12 hải lý thuộc Quần đảo Hoàng Sa “để thách thức các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức.”

Ông Lục Khảng nói: “Chúng tôi kêu gọi Hoa Kỳ chấm dứt ngay hành động khiêu khích này.”

Ông Collin Koh, một phân tích gia về an ninh hàng hải của Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói rằng việc Hà Nội ủng hộ chiến dịch tự do hàng hải của Hoa Kỳ không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng lần này sự việc diễn ra gần các đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.”

Báo SCMP trích lời ông Koh nói rằng: “Chẳng hạn như khi phản ứng vềTrường Sa, Việt Nam thường im lặng hơn, một phần là vì ở đó có nhiều bên tranh chấp, và Hà Nội không muốn vướng vào tình huống quá phức tạp.

Mặc dù Hà Nội dùng vụ khu trục hạm McCampbell để lập lại tuyên bố chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, những họ không muốn làm phật lòng hoặc chọc giận Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – SCMP trích nhận định của ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại Đại học New South Wales ở Canberra.

Ông Thayer nói: “Hà Nội muốn giữa khoảng cách đều nhau trong quan hệ với các cường quốc.”

Một cuộc khảo sát mới đây của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore ghi nhận rằng trong số các quốc gia Ðông Nam Á, Việt Nam là nước ủng hộ mạnh mẽ nhất sức mạnh của Mỹ trong khu vực.

Hơn phân nửa trong tổng số 1.000 học giả, phân tích gia và chuyên gia tham gia cuộc khảo sát nói họ tin tưởng “mạnh mẽ” hoặc “một mức độ nào đó” vào Mỹ là một đối tác chiến lược và là thế lực duy trì ổn định trong khu vực.

Hồi đầu tuần trước, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink đã họp với Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Minh của Việt Nam để thảo luận về hợp tác an ninh, ngoại giao và thương mại.

Ông Kritenbrink nói Hoa Kỳ hy vọng sẽ tăng cường hợp tác tự do hàng hải trên Biển Đông.

(Theo SCMP, VNExpress)

https://www.voatiengviet.com/a/vn-chọc-gian-bac-kinh-bang-tu-do-hang-hai-cua-my-tren-bien-dong/4742140.html