Tin khắp nơi – 14/01/2019
Trump đang quay lưng lại với châu Âu?
Với tình trạng ngoại giao dần đi xuống giữa EU và Washington, mối quan hệ xuyên đại dương của hai bên đã thay đổi ra sao dưới chính quyền Donald Trump?
Trong quá khứ, các tổng thống Hoa Kỳ dành những lời có cánh dành cho những người đồng cấp ở châu Âu.
Họ tới châu Âu, kêu gọi và tuyên truyền tự do ở bức tường Berlin,và hứa hẹn về một mối quan hệ song phương tốt đẹp đối với châu Âu sau khi tường Berlin sụp đổ. Tuy nhiên, những ngày đó có vẻ như đã kết thúc với Donald Trump ở Washington.
Bài diễn văn ”Ich bin ein Berliner” bởi John F. Kennedy, lời thỉnh cầu do Ronald Reagan gửi đến Moscow năm 1987 ”Ngài Gorbachev, hãy gỡ bỏ bức tường Berlin!”, lời hứa về mối hợp tác song phương sau Chiến tranh Lạnh của George HW Bush và hy vọng thắt chặt quan hê với các đồng nghiệp ở bên kia dại dương của Obama, giờ chỉ là những tồn dư của quá khứ.
Từ các chuyến thăm châu Âu, các dòng tweet của Donald Trump, với nội dung luôn nhắc tới vấn đề thuế quan ở EU và chi phí của NATO, không khó để thấy Trump hiện coi châu Âu như một gánh nặng hơn là một đồng minh.
Chưa một tổng thống Hoa Kỳ nào dám nghĩ tới việc gọi EU là một ”kẻ thù”, như cách Tổng thống Trump đã làm trong một bài phỏng vấn về thương mại.
Với những câu hỏi chưa có giải đáp về trở ngại của Brexit ở châu Âu, các nhà lãnh đạo EU càng thêm đau đầu khi quan hệ đối với Washington vẫn chưa có nhiều tiến triển.
Trong phát biểu của mình vài tháng trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, đã đến lúc châu Âu buộc phải quyết định số phận của chính mình.
Là thành viên của Hội đồng Đối ngoại Đức, Daniela Schwarzer nhận định: ”Với chính sách ”nước Mỹ đầu tiên”, Hoa Kỳ đã biến châu Âu và Đức trở thành một đối thủ cạnh tranh chiến lược, nếu không phải là một kẻ thù.”
Kể từ ngày tuyên thệ nhậm chức của Donald Trump từ hai năm trước – khi mà cụm từ ” nước Mỹ đầu tiên” trở nên phổ – nhiều người đặt câu hỏi rằng Trump sẽ đi được bao xa. Phải chăng, thực tế và quyền lực trong tay sẽ khiến các chính sách của ông thay đổi? Có vẻ không.
Karen Donfried, cố vấn châu Âu của cưu Tổng thống Obama, nói rằng: ”Những người ủng hộ Donald Trump sẽ không quay lại được thời điểm của nước Mỹ trước Trump.”
”Chính quyền Trump, dù bốn hay tám năm nữa, đã và sẽ tiếp tục thay đổi vai trò Hoa Kỳ trên toàn cầu.”
Thay đổi như thế nào? Hãy lấy ví dụ về khủng hoảng biên giới giữa Ukraine và Nga.
Kể từ khủng hoảng Crimea năm 2014, sự kiện mà chính quyên Obama cáo buộc Nga đã vi phạm các luật pháp quốc tế, hàng loạt các cuộc xung đột ở khu vực liên tiếp xảy ra, cho thấy Vladimir Putin không có định làm dịu tình hình trong khu vực.
Tuy nhiên ở Washington, Donald Trump chưa có động thái phản ứng gì về chính sách bành trướng của Putin – điều mà các nước EU, đặc biệt là Ba Lan và Đức, đang lo ngại.
Thay vì thúc đẩy tập thể, Trump vẫn trung thành với lối đàm phán trực tiếp của mình, và cho rằng mối quan hệ của ông và Putin đã có nhiều tiến triển sau cuộc gặp gỡ của hai nhà lãnh đạo trong cuộc họp thượng đỉnh ở Helsinki vào tháng 7/2018.
Điều này dẫn tới sự hoài nghi từ Angela Merkel, khi bà cho rằng Nhà Trắng cần phải thông báo trước về cuộc họp với Tổng thống Nga với các đồng minh.
”Hoa Kỳ là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi, và chúng tôi cũng hiểu rằng Hoa Kỳ có những đóng góp như thế nào đối với quốc phòng và an ninh ở châu Âu.” David McAllister, một đại biểu nghị viện châu Âu đại diện cho đảng Liên minh Dân chủ Kito giáo Đức, và đồng nghiệp thân thiết của Angele Merkel, cho biết.
”Tuy nhiên, giờ là lúc chúng tôi cần phải gia tăng vị thế của châu Âu trong khối NATO, vì dưới Tổng thống Trump – và có thể là dưới các tổng thống kế tiếp – Washington có vẻ dành ít sự quan tâm về việc can thiệp vào các vấn đề trong khu vực lân cận khi cần thiết.”
Việc cải tổ trong NATO là cần thiết, tuy nhiên, nó gặp một trở ngại lớn: Angela Merkel, gương mặt nổi trội nhất trong khối EU, sẽ chính thức kết thúc nhiệm kỳ của mình trong năm 2021.
Vậy giải pháp đối với châu Âu là gì? Để đặt câu hỏi luôn dễ hơn tìm câu trả lời.
Có một điều ai cũng biết, là mặc cho tư tưởng và giá trị chung của hai bên, trên bàn đàm phán, châu Âu và Hoa Kỳ sẽ phải cải tiến mối quan hệ của họ trong một thời kỳ bất ổn chính trị như hiện nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46864416
Thượng đỉnh Mỹ-Triều
dự kiến diễn ra vào trung tuần tháng 2
Chủ tịch đảng Dân chủ cầm quyền tại Hàn Quốc Lee Hae-chan hôm 13/1 cho biết, cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ được tổ chức vào trung tuần tháng 2 tới.
Hãng thông tấn Yonhap ngày 13/1 dẫn tuyên bố của ông Lee Hae-chan cho biết, nhiều khả năng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều sẽ sớm diễn ra, song hai bên cần tiến hành các cuộc đàm phán giữa các quan chức cấp cao.
Trước đó, tờ Korea Herald dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, Việt Nam cùng Singapore là một trong hai địa điểm cuối cùng được cân nhắc trở thành nơi đăng cai hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2
Mỹ – Israel quan ngại bị đánh cắp thông tin
khi sử dụng thiết bị viễn thông TQ
Cả Mỹ và Israel đều bày tỏ quan ngại về việc sử dụng các thiết bị viễn thông của Trung Quốc trong một số ngành nhạy cảm.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ ngày 9/1 cho hay nhận định trên được đưa ra trong cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi cuối tuần qua tại Washington.
Quan chức này khẳng định hai nước lo ngại tình trạng đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và các công ty viễn thông Trung Quốc là nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo.
Đề cập đến hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại cảng Haifa, cảng biển lớn nhất của Israel và là nơi neo đậu của các tàu chiến thuộc Hạm đội 6 của Mỹ, quan chức này cũng nêu rõ Washington không muốn bất kỳ trở ngại nào trong việc chia sẻ thông tin nhạy cảm với Israel.
Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh các công ty công nghệ của Trung Quốc đẩy mạnh nhiều thương vụ mua lại các công ty công nghệ của Israel. Hồi tháng 12/216, tập đoàn Huawei đã thâu tóm công ty khởi nghiệp HexaTier của Israel với giá 42 triệu USD, qua đó sở hữu công nghệ lưu trữ dữ liệu đám mây.
Cũng trong thời gian này, Huawei đã hoàn tất thương vụ mua lại công ty nghiên cứu công nghệ thông tin Toga Networks, song không tiết lộ giá trị thương vụ này. Theo truyền thông Israel, không chỉ Huawei mà ZTE cũng đang để ý tới ngành công nghệ của nước này.
Hồi tháng 8 năm ngoái, Mỹ đã ngăn chặn Huawei và một tập đoàn lớn khác của Trung Quốc là ZTE tiếp cận thị trường nước này với lý do đảm bảo an ninh quốc gia.
Mới đây nhất, vào cuối tháng 12/2018, chính quyền Mỹ dự định kể từ đầu năm 2019 sẽ cấm các doanh nghiệp nước này mua thiết bị viễn thông do Trung Quốc sản xuất, theo đó chắc chắn hai tập đoàn Huawei và ZTE sẽ có danh sách cấm này.
Nhiều quốc gia như Nhật Bản, Australia, Anh, Đức hay Pháp cũng bắt đầu chủ trương không để các tập đoàn Trung Quốc tham gia vào những lĩnh vực công nghệ thông tin chiến lược, đặc biệt là mạng 5G.
Huawei trong ván cờ của ông Trump
Liệu nhiều nước đang tẩy chay Huawei có phải là chiến thuật gây sức ép tối đa quen thuộc của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm giành lợi thế trên bàn đàm phán thương mại?
Nhiều người cho rằng Huawei được xem là quân cờ của bàn cờ ngoại giao thời công nghệ giữa một bên gồm Mỹ và các nước, bên còn lại là Trung Quốc.
Câu chuyện của Huawei đã phản ánh một sự thật rằng chưa bao giờ người ta thấy Mỹ thành công như vậy trong việc liên kết các nước đồng loạt bày tỏ sự lo ngại thẳng thừng trước Trung Quốc.
Liên kết các nước
Ba Lan là ví dụ mới nhất cho làn sóng này với việc bắt ông Vương Vĩ Tinh, giám đốc bán hàng của Huawei tại Ba Lan. Lý do cho đến nay vẫn nằm ở yếu tố an ninh mạng, khi Warsaw cáo buộc ông Vương dính líu đến đường dây gián điệp.
Dư luận lập tức liên kết trường hợp trên với vụ Canada bắt bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính và là ái nữ của nhà sáng lập Huawei.
Vụ bắt bà Mạnh được thực hiện theo yêu cầu của Mỹ. Giới quan sát Trung Quốc cũng lập tức quy Ba Lan vào diện “thân Mỹ”, khi nhà nghiên cứu Zhao Junjie tại Viện nghiên cứu châu Âu, thuộc Học viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cảnh báo Ba Lan không nên “quá gần gũi” với Mỹ, đặc biệt trong vụ Huawei.
Nhưng bất kể thế nào, một thực tế là Huawei hiện bị “dí” từ Mỹ, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Úc cho đến khắp châu Âu. Cho tới nay nhiều nước lớn ở lục địa già như Anh, Pháp, Đức và Na Uy đều bày tỏ lo ngại về việc sử dụng thiết bị hạ tầng mạng do Huawei cung cấp.
Nói như ông Abigail Grace, nhà nghiên cứu trong chương trình an ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới, đây là lần đầu tiên nhiều người nhìn thấy một “mặt trận đoàn kết” lên tiếng buộc tội Trung Quốc mạnh mẽ như vậy.
Nhận định trên của ông Grace được phát trên CNBC từ tháng 12-2018, thời điểm vụ bắt bà Mạnh vẫn đang là tâm điểm.
CNBC đánh giá tích cực cho ông Trump ở việc tận dụng tiếng nói của các đồng minh, đối tác để gây sức ép lên các nước mà Washington đang nhắm tới. Sau những chỉ trích trên mặt báo, các đồng minh của Mỹ âm thầm làm theo và đây lại là điều ít người để ý.
Việc này cũng được thể hiện rõ qua trường hợp Iran. Dù lên tiếng chỉ trích ông Trump về quyết định rút khỏi hạt nhân Iran, rốt cuộc Liên minh châu Âu (EU) ngày 9-1 cũng thống nhất trừng phạt Iran.
Lý do cho lệnh trừng phạt này là cáo buộc nhằm vào việc Tehran đứng sau các vụ thanh trừng đối thủ chính trị trên đất Đức, Đan Mạch và Pháp. Dẫu dùng bất cứ điều gì để giải thích thì Mỹ và đồng minh vẫn đang “hát cùng một tông”.
Mũi tên trúng nhiều đích
Vấn đề là “dàn đồng ca” này cất tiếng luôn rất đúng thời điểm có lợi cho Mỹ.
Cụ thể, vụ bắt giữ ông Vương ở Ba Lan được đưa lên mặt báo ngay sau khi hai phái đoàn Mỹ và Trung Quốc kết thúc vòng đàm phán thương mại đầu tiên kể từ sau tuyên bố 90 ngày không áp thêm thuế nhập khẩu lên nhau. Kết quả cuộc đàm phán ấy đi đến thống nhất rằng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán ở cấp cao hơn vào cuối tháng 1 này.
Đã xuất hiện những bài viết cho rằng Huawei đang bị biến thành một con bài của Washington trong đàm phán thương mại với Bắc Kinh. Tính thời điểm của những cáo buộc nhằm vào Huawei và Trung Quốc cũng diễn ra gần như ngay trước khi hai bên ngồi vào thảo luận.
Hôm 8-1, tức ngày đầu tiên của cuộc đàm phán tranh chấp thương mại Mỹ – Trung cấp thứ trưởng, tờ Wall Street Journal đăng bài điều tra nói quan chức Trung Quốc đề nghị “giúp đỡ Malaysia” che đậy vụ bê bối quỹ đầu tư quốc gia 1MDB.
Không ai nói ra nhưng ai cũng hiểu áp lực lập tức đặt lên vai Trung Quốc như thế nào. Đó là lý do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng khi đề cập vụ 1MDB đã nhắc về chuyện hai bên “cần cư xử có trách nhiệm đối với việc tạo ra điều kiện tốt nhất” cho đàm phán thương mại.
Giờ còn chừng nửa tháng cho đến ngày đàm phán cấp cao hơn, chưa rõ liệu ai đang cần “cư xử có trách nhiệm” để chốt được một đồng thuận.
Việc nhắm vào Huawei cũng bị giới quan sát cho rằng đa số tập trung vào hạ tầng mạng không dây thế hệ thứ 5 (mạng 5G). Vì vậy, chuyện ngăn chặn được hiểm họa an ninh mạng từ Trung Quốc cũng mở đường cho một cuộc chạy đua 5G mới được tái khởi động.
Huawei đã bị biến thành tâm điểm mâu thuẫn ngoại giao, từ đó cũng ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc với các quốc gia cáo buộc. Tờ Globe and Mail của Canada ngày 12-1 cũng đã cảnh báo rằng ý định ký thỏa thuận thương mại song phương Canada – Trung Quốc gần như tan biến.
Bắc Kinh muốn gặp ông Vương Vĩ Tinh
Kênh truyền hình nhà nước CCTV của Trung Quốc ngày 12-1 đưa tin Bắc Kinh đang tìm cách tiếp cận lãnh sự đối với Vương Vĩ Tinh, giám đốc bán hàng của Huawei tại Ba Lan, với cáo buộc gián điệp.
CCTV dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh đang theo dõi chặt chẽ vụ việc và đã đề nghị được thăm lãnh sự sớm nhất có thể đối với ông Vương. Đại sứ quán Trung Quốc tại Ba Lan đã đề nghị phía Ba Lan “đảm bảo những quyền lợi hợp pháp, lợi ích và đối xử nhân đạo, an toàn” với nhân vật này.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25796-huawei-trong-van-co-cua-ong-trump.html
Mỹ-Iran : Nhà Trắng
đã tính đến giải pháp quân sự
Tháng 9/2018, tại Irak, một nhóm dân quân Shia bị xem là thân chế độ Iran đã nã ba quả súng cối vào khu an toàn ở trung tâm Bagdad, nơi đặt trụ sở chính phủ Irak và sứ quán Mỹ, Nhà Trắng đã yêu cầu bộ Quốc Phòng đề nghị phương án đánh Iran để trả đũa. Tin này được báo Wall Street Journal tiết lộ cuối tuần qua.
Theo Wall Street Journal, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia do diều hâu John Bolton lãnh đạo yêu cầu Lầu Năm Góc đề nghị một số biện pháp quân sự để tấn công Iran. Yêu cầu « thiếu thận trọng » này đã gây lo ngại cho bộ Quốc Phòng Mỹ, một viên chức xin giấu tên cho biết.
Lầu Năm Góc đã thỏa mãn yêu cầu của Nhà Trắng và đề nghị một số phương án khả thi. Tuy nhiên, không rõ là các kế hoạch đó có đưa qua Nhà Trắng, cũng không biết là tổng thống Donald Trump có được thông báo hay không.
Được AFP đặt câu hỏi kiểm chứng, Lầu Năm Góc cho biết « soạn thảo kế hoạch quân sự là nhiệm vụ bình thường của bộ Quốc Phòng, kể cả để đối phó với Iran ». Ngoại trưởng Mike Pompeo, đang công du Trung Đông, cũng từ chối bình luận.
Tháng 9/2018, sau vụ nã pháo vào vùng an toàn ở thủ đô Irak, Nhà Trắng ra thông cáo quy trách nhiệm cho Iran và nói thêm là sẽ trả đũa một cách nhanh chóng và quyết định để bảo vệ sinh mạng người Mỹ.
Trước khi được bổ nhiệm làm cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng 04/2018, năm 2015, John Bolton ra quyển sách mang tựa đề : Để chận Iran, phải oanh tạc Iran.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190114-my-iran-nha-trang-da-tinh-den-giai-phap-quan-su
TT Trump tránh trả lời câu hỏi về ‘làm việc cho Nga’
Tổng thống Mỹ Donald Trump tránh trả lời trực tiếp khi được hỏi rằng liệu ông có đang hoặc từng làm việc cho Nga, sau khi một bài báo của tờ The New York Times nói rằng các quan chức thực thi pháp luật của Mỹ đã bắt đầu điều tra khả năng đó.
Nguyên thủ Mỹ nói rằng đó là câu hỏi “gây xúc phạm nhất” mà ông từng nhận được, theo AP.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại hôm 12/1, người dẫn chương trình của kênh Fox News, bà Jeanine Pirro, một người bạn của ông Trump, đã đặt câu hỏi về bài báo của The New York Times.
Tổng thống Mỹ trả lời: “Tôi nghĩ rằng đó là điều gây sỉ nhục nhất mà tôi từng được hỏi. Tôi cũng nghĩ rằng đó là bài báo sỉ nhục nhất từng viết về tôi, và nếu bà đọc bài báo đó, thì thấy rằng họ hoàn toàn không phát hiện được điều gì”.
Theo AP, ông Trump không trả lời trực tiếp câu hỏi của bà Pirro và nhấn mạnh rằng không có tổng thống Mỹ nào có quan điểm cứng rắn hơn ông về Nga.
“Nếu bà hỏi những người ở Nga, [họ sẽ nói] rằng tôi cứng rắn hơn đối với Nga so với bất kỳ ai khác, so với bất kỳ tổng thống nào khác, ít nhất là so với ba hoặc bốn đời tổng thống gần nhất”, ông Trump nói.
NYT: FBI mở điều tra phản gián nhắm vào Trump sau vụ sa thải Comey
Tuy nhiên, tuyên bố của ông Trump đã bị bác bỏ bởi thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Virginia, ông Mark Warner, nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Ủy ban Tình báo Thượng viện.
Ông Warner nói rằng gần như mọi biện pháp trừng phạt Nga không phải xuất phát từ Nhà Trắng mà từ Quốc hội vì nhiều nhà lập pháp của cả hai đảng cảm thấy quan ngại về các hành động của Nga.
Thượng nghị sĩ này cũng cáo buộc Nhà Trắng phản ứng chậm chạp về các biện pháp trừng phạt.
Tờ New York Times đưa tin rằng một số nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ và một số quan chức cấp cao của Hoa Kỳ nghi ngờ về mối quan hệ của ông Trump với Nga trong chiến dịch tranh cử năm 2016, nhưng lúc đó không mở một cuộc điều tra vì không biết phải tiếp cận như thế nào đối với một cuộc điều tra nhạy cảm như vậy.
Tuy nhiên, thái độ của ông Trump đối với việc sa thải Giám đốc FBI James Comey năm 2017 đã dẫn tới cuộc điều tra xem liệu ông Trump có phải là một mối đe dọa tiềm tàng đối với an ninh quốc gia, hay liệu ông có cố ý làm việc cho Nga hay bị tác động một cách không chủ đích bởi Nga hay không.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tránh-trả-lời-câu-hỏi-về-làm-việc-cho-nga-/4741054.html
Quan chức Cộng hòa thúc giục Trump
‘tạm’ mở cửa chính phủ
Một quan chức cao cấp đảng Cộng hòa kêu gọi Tổng thống Donald Trump tạm thời mở lại một phần chính phủ liên bang đã đóng cửa trong hơn ba tuần qua.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, người thân cận của ông Trump, cho biết việc mở cửa có giới hạn trong vài tuần sẽ cho phép các cuộc đàm phán giữa hai phe Cộng hòa và Dân chủ nối lại.
Việc đóng cửa một phần của chính phủ Trump được ghi nhận kéo dài lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Đóng cửa chính phủ Mỹ: Tiếp theo là gì?
Trump ‘bye bye’ đàm phán về đóng cửa chính phủ
Trump sẵn sàng đóng cửa chính phủ Mỹ ‘nhiều năm’
Đóng cửa chính phủ: 13 ảnh hưởng tiêu cực
Hệ lụy là hàng trăm ngàn viên chức không được trả lương và các văn phòng chính phủ đóng cửa.
Tổng thống Trump từ chối phê duyệt ngân sách trừ khi nó bao gồm 5,7 tỷ đô la để xây bức tường biên giới với Mexico – một cam kết then chốt trong chiến dịch tranh cử của ông, bức tường mà ông Trump nói Mexico sẽ phải trả. Phe Dân chủ bác yêu cầu này và nói rằng họ sẽ không đàm phán thêm cho đến khi chính phủ được mở cửa trở lại.
Trong khi đó, ông Trump làm cho tình trạng khẩn trương thêm, khi đe dọa sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để có tiền xây tường mà không cần Quốc hội thông qua.
Lindsey Graham đề nghị gì?
Ông Graham, Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cho biết ông thúc giục tổng thống hôm 13/1 về chuyện tạm thời mở lại chính phủ để nối lại đàm phán.
Ông nói nếu các cuộc đàm phán vẫn không ngã ngũ về chuyện cấp ngân sách, khi đó Nhà Trắng có thể tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
“Trước khi ông ấy bỏ qua lựa chọn lập pháp, tôi sẽ thúc giục mở cửa chính phủ trong một khoảng thời gian ngắn, cỡ như ba tuần, để xem chúng ta có thể có được một thỏa thuận, “ông Graham nói với Fox News.
Ông cho biết ông Trump nói với ông: “Hãy thỏa thuận, rồi sau đó mở cửa chính phủ”.Giới phóng viên nói rằng áp lực đang gia tăng cho ông Trump khi tranh chấp kéo dài. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều người Mỹ quy trách nhiệm cho tổng thống hơn là đảng Dân chủ về việc chính phủ bị đóng cửa.
Nhưng hôm 13/1, ông Trump vẫn đang tiếp tục đổ lỗi sự bế tắc cho các đối thủ.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump gọi biên giới Mỹ – Mexico là cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia trong khi Đảng Dân chủ cáo buộc ông bắt giữ con tin Mỹ trước mối đe dọa giả mạo.
Hai bên tiếp tục đào sâu vấn đề về bài diễn văn quốc gia vào tối hôm thứ Ba – vậy chuyện gì đang xảy ra?
Khi đất nước chờ đợi Washington tiến lên, đây là một vài lựa chọn mở ra cho ông Trump, theo phân tích của Anthony Zurcher của BBC.
1. Trump tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Bài diễn văn của tổng thống không tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders nói với phóng viên hôm thứ Tư rằng việc này “chắc chắn vẫn còn trên bàn”.
Nếu ông Trump sử dụng quyền lực tổng thống của mình, ông có thể bỏ qua Quốc hội và đạt được việc xây dựng bức tường thông qua nguồn lực quân sự.
Giới chỉ trích có thể coi đây là sự lạm dụng quyền lực một cách trắng trợn, và ngay cả sau khi ông Trump soạn thảo tuyên bố của mình, ông phải thông báo cho Quốc hội chính xác những quyền lực mà ông đang sử dụng.
Sau đó, Quốc hội có thể vô hiệu hóa nó bằng một cuộc bỏ phiếu của cả Thượng viện và Hạ viện – nhưng theo luật pháp Hoa Kỳ, việc bãi bỏ tình trạng khẩn cấp sẽ vẫn cần Tổng thống ký để nó có hiệu lực.
Trong tình huống như vậy, dường như ông Trump sẽ không thông qua, gây ra cuộc chiến pháp lý giữa hai nhánh của chính phủ.
Nhưng Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia năm 1976, đưa ra thẩm quyền đơn phương cho tổng thống trong trường hợp khẩn cấp, cũng như lịch sử tòa án về việc trì hoãn các quyết định an ninh quốc gia của tổng thống, có thể có lợi cho ông.
Trong khi tranh luận rằng có một cuộc khủng hoảng cần giải quyết, ông Trump nói rằng 300 công dân Mỹ chết mỗi tuần vì heroin, “90% heroin đó tràn qua từ biên giới phía nam của chúng ta”.
Đúng là gần như tất cả heroin vào Mỹ là từ Mexico, nhưng theo Cơ quan Quản lý Thực thi Ma túy của ông Trump, hầu hết heroin vào Mỹ qua các cảng nhập cảnh hợp pháp. Vì vậy, việc xây dựng bức tường sẽ không có hiệu quả.
Và trước cuộc bầu cử một năm, có vẻ như tổng thống sẽ không nhận được sự ủng hộ hoàn toàn cho biện pháp gây tranh cãi như vậy từ chính đảng của ông.
Như Thượng nghị sĩ Marco Rubio nói với BBC hôm thứ Tư: “Chúng ta phải thận trọng trong việc tán thành rộng rãi việc sử dụng quyền hành pháp.”
Anthony Zurcher: Donald Trump sắp hết tác dụng đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Đảng Dân chủ.
Mối đe dọa “khẩn cấp quốc gia” chỉ là lá bài duy nhất còn lại của ông – nhưng tối thứ Ba, có lẽ là cơ hội tốt nhất để sử dụng là bài, khi ông có thể thực hiện nó trước quốc gia.
Trong khi thực hiện bước đi như vậy sẽ cho phép tổng thống tuyên bố rằng ông đang hành động trong khi chuyển trận chiến sang tòa án, thậm chí một số người bảo thủ lo sợ rằng nó sẽ tạo ra tiền lệ xấu.
Đảng Dân chủ có thể kết luận ông đang lừa gạt – đưa tổng thống trở lại điểm xuất phát.
2. Trump thỏa thuận với Quốc hội
Ông Trump đã gặp các nhà lãnh đạo quốc hội tại Nhà Trắng hôm thứ Tư trong một nỗ lực khác để giải quyết việc đóng cửa chính phủ, chỉ để kết thúc việc không đạt được thỏa thuận khi Đảng Dân chủ vẫn kiên quyết không tài trợ xây dựng bức tường.
Trong khi đó, áp lực đang gia tăng ở Capital Hill – như có những nỗ lực ngăn cản.
Hôm thứ Ba, Đảng Dân chủ trong Thượng viện đã không thông qua dự luật chính sách ở Trung Đông của lưỡng đảng trong sự phản đối, và có thể tiếp tục chặn luật đóng cửa chính phủ trong sự phản đối.
“Chúng ta không thể tiếp tục, với việc chính phủ đóng cửa, người dân không nhận được tiền lương và bị tổn hại,” Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Patty Murray của Washington nói với CNN sau cuộc bỏ phiếu.
Cùng lúc đó, Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Hakeem Jeffries, nói với các phóng viên sau cuộc họp kín của Đảng Dân chủ rằng “với mỗi ngày trôi qua”, đảng của ông hy vọng sẽ có thêm nhiều sự sẵn sàng đàm phán từ Đảng Cộng hòa.
Ông Jeffries nhắc lại rằng Đảng Dân chủ Hạ viện sẵn sàng sử dụng luật trước đây của Đảng Cộng hòa Thượng viện để mở lại chính phủ.
“Điều đó với tôi dường như là một sự thỏa hiệp hợp lý,” ông nói. “Những gì chúng tôi đang nói là chúng tôi sẽ không để bị ép vào một cuộc thảo luận mà chúng tôi phải chịu nhường hàng tỷ đô la cho một bức tường biên giới mà không ai tin rằng nó sẽ có hiệu quả.”
Tất cả chín đại biểu quốc hội (gồm một người của Đảng Cộng hòa) của các quận giáp Mexico đều phản đối bức tường của ông Trump.
Anthony Zurcher: khi việc đóng cửa chính phủ trở nên tồi tệ hơn, sẽ ngày càng khó khăn hơn cho ông Trump trong việc giữ cho Đảng Cộng hòa trong Quốc hội không bị phá vỡ hàng ngũ.
Đã có ba thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa kêu gọi mở lại chính phủ mà không cần phải có tiền tài trợ xây dựng bức tường. Khi Hạ viện bỏ phiếu về dự luật của Đảng Dân chủ để mở lại chính phủ, bảy người Cộng hòa đã cùng tham gia.
Trong tương lai số phiếu chắc chắn sẽ tăng lên. Các thành viên của cả hai viện đều đang tìm kiếm một lối thoát trong các cuộc đàm phán để thoát khỏi mớ hỗn độn này.
Nếu đảng Cộng hòa không thể đưa ra cho đảng Dân chủ bất cứ điều gì để giải quyết tình trạng cho những người di cư không có giấy tờ ở Mỹ, thì kết quả rất có thể sẽ mới, khoản tiền tài trợ an ninh biên giới mơ hồ mà không cung cấp tiền một cách rõ ràng cho tổng thống để xây dựng bức tường như đã hứa của ông.
3. Tiếp tục đóng cửa chính phủ
Khoảng 800.000 công nhân liên bang dự kiến sẽ lỡ tiền lương đầu tiên trong tuần này nếu tổng thống và các nhà lập pháp không thể đạt được thỏa hiệp.
Nhiều người đã bị nghỉ phép – tạm thời nghỉ việc – nhưng những người được coi là thiết yếu đã làm việc từ ngày 22/12 mà không được trả tiền.
Và nếu việc đóng cửa một phần kéo dài đến cuối tuần, nó sẽ trở thành vụ đóng cửa chính phủ lâu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46859774
Xung đột thương mại Mỹ – Trung và những hệ lụy
Xung đột thương mại Mỹ – Trung Quốc càng sâu sắc thì ảnh hưởng rất nhiều đến khu vực và trên toàn thế giới
Năm 2019 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xút
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định kết quả của cuộc xung đột thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc có tác động lớn đối với kinh tế khu vực trong năm 2019. Theo ông, nếu quan hệ Mỹ – Trung ngày càng xấu đi và căng thẳng leo thang thành chiến tranh thương mại toàn diện thì nền kinh tế Trung Quốc “sẽ hứng chịu ảnh hưởng tức thời đặc biệt nặng nề”, còn những nền kinh tế đang phát triển ở châu Á “cũng sẽ gặp khó khăn ban đầu do sản xuất chậm lại”.
Chủ tịch ADB dự báo những loại thuế suất Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm 0,5 điểm phần trăm trong năm 2019 và có thể lên tới 1 điểm phần trăm nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn. Viễn cảnh xấu nhất có thể khiến tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay chỉ ở mức 5,3%, thấp nhất kể từ năm 1992. Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2019 sẽ từ 6 – 6,5%, thấp hơn mức 6,6% của năm 2018 và bằng với mục tiêu do chính phủ nước này đặt ra, theo South China Morning Post.
Về phía Mỹ, thuế suất trả đũa từ Trung Quốc chỉ khiến tăng trưởng kinh tế nước này giảm 0,1 điểm phần trăm trong năm nay. Từ khi xung đột thương mại song phương bùng nổ vào tháng 7.2018 đến nay, Mỹ áp thuế lên tổng cộng 250 tỉ USD hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Đáp lại, Trung Quốc áp thuế lên 110 tỉ USD hàng hóa Mỹ. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố sẽ tăng thuế suất từ 10% hiện nay lên 25% đối với khối hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỉ USD từ ngày 2.3 nếu Bắc Kinh không đáp ứng các yêu cầu của Washington về bảo vệ tài sản trí tuệ và mở cửa thị trường.
Hiện nhiều bên kỳ vọng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung có thể tạo ra đột phá, hoặc ít nhất là tránh để căng thẳng leo thang hơn nữa. Quan chức hai bên vừa gặp nhau tại Bắc Kinh từ ngày 7 – 9.1 trong cuộc đàm phán đầu tiên kể từ khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1.12.2018 nhất trí “đình chiến” trong 90 ngày bằng cách không áp thêm thuế suất đối với hàng hóa của nhau, cố gắng giải quyết bất đồng và đạt được thỏa thuận.
Hôm 10.1, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết hai bên “đã đạt được bước tiến” về nhiều vấn đề như chuyển giao công nghệ bắt buộc, quyền sở hữu trí tuệ, hàng rào thuế quan và tấn công mạng, theo Reuters. Tổng thống Trump sau đó cũng khẳng định Mỹ đạt được “thành công lớn” trên bàn đàm phán. Theo kế hoạch, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ đến Mỹ trong tháng này để tham dự cuộc đàm phán cấp cao hơn. Bloomberg dẫn các nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay ông Lưu có thể sẽ hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào ngày 30 – 31.1.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25795-xung-dot-thuong-mai-my-trung-va-nhung-he-luy.html
Bão tuyết ập vào thủ đô Hoa Kỳ
Một trận bão mùa đông gây chết chóc đã ập vào Washington DC và vùng bờ Đông nước Mỹ.
Tới cuối ngày 13/1, tại một số khu vực phụ cận của thủ đô, dự báo tuyết có thể rơi dày từ 13 tới 25 cm, theo AP.
Các hãng hàng không sáng 13/1 đã phải hủy hơn một trăm chuyến bay cất cánh từ thủ đô của Hoa Kỳ.
Cơ quan dự báo thời tiết quốc gia đã phát cảnh báo rằng bão có thể khiến việc đi lại tại thủ đô và các tiểu bang kế cận như Virginia và Maryland hết sức nguy hiểm hoặc thậm chí không thể.
Thống đốc Virginia ngày 12/1 phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp và huy động lực lượng ứng phó với cơn bão.
Trận bão trước đó đã làm ít nhất 7 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn vì đường trơn trượt ở Kansas và Missouri thuộc vùng Trung Tây nước Mỹ, theo Reuters.
Cảnh sát tiểu bang Missouri cho biết rằng tới giữa ngày 12/1, họ đã phải xử lý khoảng 900 vụ tai nạn liên quan tới cơn bão tuyết.
Đây được coi là trận bão tuyết lớn đầu tiên ở khu vực thủ đô Washington DC trong mùa đông năm nay.
https://www.voatiengviet.com/a/bão-tuyết-ập-vào-thủ-đô-hoa-kỳ/4740972.html
Công dân Canada bị Trung Quốc nâng mức án
từ 15 năm tù lên tử hình
Một tòa án Trung Quốc hôm thứ Hai đã tuyên án tử hình đối với một người đàn ông Canada về tội danh buôn lậu ma túy sau khi các công tố viên nói rằng bản án 15 năm tù được tuyên trước đó, vào tháng 11 năm ngoái, là quá khoan dung.
Tòa án Nhân dân cấp trung của thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh ở đông-bắc Trung Quốc, đã mang vụ án chống lại ông Robert Lloyd Schellenberg ra xét xử lại và tuyên án tử hình đối với ông, trong một thông báo ngắn tải lên trên trang web của tòa.
Vụ án này một lần nữa lại có nguy cơ thách thức mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Ottawa, vốn đã căng thẳng từ khi Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc Tài chính của công ty Huawei của Trung Quốc hồi tháng 12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Sau khi bà Mạnh bị bắt giữ, Trung Quốc tống giam hai công dân Canada vì hai người này bị tình nghi có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Trước tòa, ông Schellenberg được cho biết là ông có quyền kháng cáo lên Tòa án tối cao Liêu Ninh trong vòng 10 ngày sau khi nhận phán quyết, theo thông báo thứ nhì của tòa, theo đó ông có dính líu trong các nhóm tội phạm ma túy quốc tế có tổ chức.
Luật sư của ông Schellenberg, Zhang Dongshuo, nói với Reuters rằng có phần chắc ông sẽ kháng án. Schellenberg lẽ ra sẽ bị trục xuất sau khi thọ án. Ông đã nộp đơn kháng cáo sau khi bị tuyên án 15 năm tù vào ngày 20 tháng 11 tại Đại Liên.
https://www.voatiengviet.com/a/cong-dan-canada-bi-tq-nang-muc-an-15-nam-tu-len-tu-hinh/4741992.html
Lãnh đạo đối lập Venezuela bị bắt giữ
Ông Juan Guaidó, lãnh đạo đối lập ở Venezuela ‘bị bắt giữ’ bởi các nhân viên tình báo.
Ông là người đứng đầu Quốc hội do phe đối lập kiểm soát.
Venezuela phớt lờ chỉ trích về Maduro
Venezuela: Quốc gia đang ‘rơi tự do’
Vợ ông, bà Fabiana Rosales, viết trên Twitter rằng hiện không rõ ông Guaidó đang ở đâu.
Một video đăng tải trên mạng xã hội cho thấy có vẻ như các điệp viên đã chặn xe hơi của ông ở giữa một con phố đông người.
Tin tức nói hai phóng viên tường thuật vụ việc đã bị bắt giữ.
Hôm thứ Sáu, ông nói ông đã sẵn sàng đảm nhận chức tổng thống lâm thời sau khi Tổng thống Nicolás Maduro tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ hai.
Ông bị bắt giữ khi đang trên đường tới một cuộc tuần hành chính trị ở bang Vargas ở miền bắc, các thành viên phe đối lập nói.
Phe đối lập tuyên bố việc ông Maduro lên nắm nhiệm kỳ 6 năm lần thứ hai là không hợp pháp.
Các phóng viên bị bắt được nêu danh là Beatriz Adrián và Osmary Hernández, làm việc cho kênh tin tức tiếng Tây Ban Nha của hãng CNN.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46856288
Venezuela: Chủ tịch Quốc Hội được thả
sau khi bị an ninh bắt cóc
Tại Venezuela, chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido đã bị cơ quan an ninh quốc nội (SEBIN) bắt giữ khoảng một tiếng đồng hồ vào hôm qua 13/01/2019.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tố cáo vụ bắt giữ « tùy tiện » này, trong khi đó chính quyền Caracas rũ bỏ mọi trách nhiệm. Quốc Hội là định chế duy nhất ở Venezuela do đối lập nắm giữ.
Từ Caracas, thông tín viên Benjamin Delille cho biết thêm chi tiết :
« Chủ tịch Quốc Hội Juan Guaido đã bị bắt vào buổi trưa trên xa lộ. Khi đang trên đường ra sân bay để dự một cuộc mít-tinh, những người che mặt bỗng xuất hiện, buộc ông Guaido ra khỏi xe và bắt đi. Tuy nhiên, ông chỉ bị giữ lại có một tiếng đồng hồ.
Theo bộ trưởng Thông Tin Jorge Rodriguez, các nhân viên bắt ông Juan Guaido đã hành động một cách đơn phương và bất hợp pháp. Bộ trưởng khẳng định đây là một sự dàn cảnh để làm suy yếu chính phủ. Ông nói : Vụ này là một trò diễn truyền thông cổ điển của phe cực hữu, vốn muốn phá vỡ sự bình yên mà tất cả chúng ta xứng đáng được hưởng.
Khi được thả ra, Juan Guaido tham dự cuộc mít-tinh như đã dự trù. Guaido cho biết đã thuyết phục được những kẻ bắt cóc thả ông ra, và theo ông, đây là bằng chứng cho thấy chính quyền không còn quyền lực ngay cả đối với lực lượng an ninh của mình.
Ông tuyên bố : Tôi muốn gởi một thông điệp rất rõ : các đồng chí ạ, thời thế đã đổi thay rồi. Nhân dân đã xuống đường và họ vẫn trụ lại trên đường phố !
Dưới những tràng pháo tay của công chúng, chủ tịch Quốc Hội một lần nữa kêu gọi quân đội tham gia cuộc biểu tình quy mô chống chính phủ dự kiến vào ngày 23 tháng Giêng tới ».
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190114-venezuela-chu-tich-quoc-hoi-bi-tinh-bao-bat-giu-mot-thoi-gian-ngan
LHQ kêu gọi Myanmar
cho phép cứu trợ nhân đạo đến Rakhine
Liên Hợp Quốc hôm 14/1 kêu gọi chính phủ Myanmar tạo điều kiện thuận tiện cho cứu trợ nhân đạo được nhanh chóng đưa tới bang Rakhine, nơi mà cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và phe nổi dậy đòi tự trị đã khiến hàng nghìn người phải di tản.
Chính quyền bang Rakhine tuần trước ra thông báo cấm các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan của Liên hiệp quốc đến các vùng nông thôn của năm thị trấn ở khu vực phía bắc và giữa bang này bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.
Hội Chữ thập đỏ Quốc tế và Chương trình Lương thực Thế giới được miễn trừ lệnh cấm.
Tổng thống Myanmar, trong cuộc họp với tổng tư lệnh hồi tuần trước, thúc giục quân đội đập tan quân đội Arakan nổi loạn. Tổng thống Win Myint được xem là một người trung thành với nhà lãnh đạo chính phủ trên thực tế Aung San Suu Kyi.
Chiến sự đã buộc khoảng 5.000 người phải bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn, và đến trú ẩn tại các tu viện và khu vực công cộng kể từ đầu tháng 1, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hiệp quốc.
Chúng tôi rất lo ngại về những lệnh cấm mới đối với cứu trợ nhân đạo, khiến hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em ở các khu vực bị ảnh hưởng xung đột trong bang Rakhine, không được cứu giúp và bảo vệ, ông Pierre Peron, phát ngôn viên của văn phòng Liên hiệp quốc.
Ông Peron nói trong một email: “Chúng tôi hy vọng chính phủ đáp ứng tích cực lời kêu gọi của chúng tôi về việc cho phép cứu trợ nhân đạo được tiếp cận nhanh chóng và không bị cản trở, và để bảo vệ thường dân theo luật nhân quyền và nhân quyền quốc tế.”
Giới hữu trách bang Rakhine nói với Reuters rằng những hạn chế đối với việc tiếp cận cứu trợ nhân đạo đã được đưa ra vì lý do an ninh, và không biết các lệnh giới hạn này sẽ kéo dài bao lâu.
Xung đột và bạo lực liên tiếp xảy ra tại bang Rakhine trong những năm gần đây.
Năm 2017, quân đội chính phủ mạnh tay đàn áp trong khu vực này sau khi xảy ra các cuộc tấn công của phiến quân Hồi giáo Rohingya. Khoảng 730.000 người Rohingya phải chạy sang nước láng giềng Bangladesh ở phía tây để lánh nạn.
Quân đội Arakan, nhóm đã mở các cuộc tấn công hồi gần đây, đang đòi chính phủ trung ương trao cho họ quyền tự trị lớn hơn tại bang Rakhine.
Hồi đầu tháng này, các chiến binh của quân đội Arakan đã giết chết 13 cảnh sát và làm bị thương 9 người trong các cuộc tấn công vào bốn đồn cảnh sát, theo truyền thông nhà nước.
Chính phủ Myanmar phải đối phó với nhiều nhóm nổi dậy thuộc các dân tộc thiểu số đòi quyền tự trị kể từ sau khi nước này giành được độc lập từ Anh vào năm 1948, mặc dù đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với một số nhóm.
Pháp – Thảo luận toàn quốc:
Giải đáp một số vấn đề còn chưa sáng tỏ
Gần hai tháng kể từ khi phong trào « Áo Vàng » phản đối tăng thuế xăng dầu bùng nổ, rồi biến thành một khủng hoảng chính trị chưa từng có kể từ hàng chục năm nay, nước Pháp – theo chủ trương của tổng thống Macron – sẽ bước vào một cuộc « Thảo luận toàn quốc » từ ngày mai 15/01/2019, để tìm lối thoát cho khủng hoảng.
Trong lá thư dài năm trang với văn phong giản dị gửi đến người Pháp hôm qua 13/01, tổng thống Emmanuel Macron chìa bàn tay hòa giải và kêu gọi các cử tri Pháp « hãy cùng nhau tìm ra giải pháp từ sự phẫn nộ». Emmanuel Macron cũng kêu gọi mọi người tham gia đông đảo vào cuộc thảo luận, mà theo ông sẽ « không có đề tài cấm kỵ ».
Đọc thêm : TT Macron kêu gọi “nắm bắt cơ hội”
Ý tưởng về cuộc Thảo luận toàn quốc đã được tổng thống Pháp thông báo cách nay hơn một tháng, vào lúc khủng hoảng « Áo Vàng » đang ở cao trào. Tuy nhiên, một ngày trước cuộc Thảo luận, dự kiến kéo dài hai tháng, vẫn còn nhiều vấn đề chưa thật sáng tỏ với đông đảo công chúng. Phóng viên Lucie Bouteloup của RFI tìm cách giải đáp.
***
Nhiều câu hỏi cần được giải đáp, đó là ai sẽ là người dẫn dắt cuộc Thảo luận, sau khi bà Chantal Jouanno từ nhiệm ? Cuộc Thảo luận sẽ được tổ chức như thế nào ? Liệu chính phủ đã sẵn sàng hay chưa ? Trước hết, xin được hỏi các mục tiêu của cuộc Thảo luận là gì ?
Các công dân Pháp được mời tham gia thảo luận về bốn chủ đề lớn. Chủ đề đầu tiên là về « Transition Ecologique », hay công cuộc chuyển đổi sang xã hội tôn trọng môi trường – sinh thái. Cụ thể là làm cách nào để cách nhiệt được tốt nhà ở (để tiết kiệm năng lượng) ? sưởi ấm thế nào? đi lại như thế nào ?
Đọc thêm : Phong trào Áo Vàng – ”Cuộc bùng nổ xã hội” đầu tiên vì vấn đề sinh thái
Chủ đề lớn thứ hai là về hệ thống thuế khóa và các chi tiêu công. Có nghĩa là làm thế nào để hệ thống thuế công bằng hơn, hiệu quả hơn và có tính chất cạnh tranh hơn.
Vấn đề lớn thứ ba là về vai trò của công dân, về sự hoàn thiện các phương thức thực hành dân chủ, trong đó có vấn đề di dân. Và chủ đề lớn thứ tư liên quan đến việc tổ chức của Nhà nước, của các dịch vụ công, để làm sao cho các dịch vụ ấy gần gũi với người dân hơn, và hiệu quả hơn.
Như vậy, phải chăng các công dân không thể đưa ra các chủ đề khác, ngoài những gì mà chính phủ đề xuất ?
Không. Tổng thống Pháp đã bảo đảm trong bức thư hôm qua là sẽ không có những câu hỏi bị cấm, cho dù chính ông cũng đã đưa ra một số lằn ranh đỏ. Đối với tổng thống Macron, sẽ không có việc đảo ngược lại những cải cách từ khi ông lên nắm quyền, ví dụ như việc bỏ sắc thuế ISF (đánh vào những người giàu nhất). Các vấn đề khác cũng sẽ không được thảo luận là bỏ án tử hình, quyền phá thai và quyền hôn nhân bình đẳng đối với người đồng tính.
Cụ thể là, làm thế nào có thể tham gia thảo luận ?
Có nhiều khả năng. Hoặc thông qua các diễn đàn thảo luận trên mạng, bắt đầu mở ra từ ngày mai, 15 tháng Giêng. Hoặc đến các tòa thị chính, nơi tổ chức thu nhận ý kiến của người dân với các « cahiers de doléances » (tạm dịch là « sổ kiến nghị ») (1). Để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc Thảo luận. Phủ tổng thống hứa sẽ tổ chức nhiều điểm thông tin và thu thập các kiến nghị tại các nhà ga, nơi làm việc hay thông qua các quầy thông tin di động. Và cuối cùng là, đối với những ai muốn tham gia thông qua con đường thư từ, chính quyền sẽ thông báo một địa chỉ bưu điện chính thức.
Một điểm quan trọng khác là, tất cả mọi người đều có thể tổ chức thảo luận, với quy mô tùy theo khả năng của mình, với điều kiện là đăng ký trước đó trên trang mạng granddebat.fr. Và những ai quan tâm có thể tìm thấy trên trang mạng này, ngay từ ngày mai, một cẩm nang hướng dẫn phương pháp, với những tư vấn cụ thể.
Song song với những việc này, mỗi vùng của nước Pháp sẽ tổ chức rút thăm chọn ra 100 công dân, để tham gia vào các hội nghị, và trao đổi về các đề xuất, về các phân tích sẽ được đưa ra, dựa trên các cuộc thảo luận, được tổ chức khắp nơi tại Pháp.
Chỉ còn một ngày nữa là ngày khai mạc cuộc Thảo luận toàn quốc. Chính phủ hiện nay có sẵn sàng để mọi thứ diễn ra trong các điều kiện tốt nhất ?
Đây đúng là điều gây lo ngại. Cho đến ngày hôm nay vẫn còn nhiều điều hiện chưa được biết rõ. Ví dụ như việc ai sẽ thay thế bà Chantal Jouanno, vừa từ chức chủ tịch CNDP – Ủy Ban Quốc Gia về Thảo Luận Toàn Quốc, người có vai trò dẫn dắt, bảo đảm cuộc thảo luận diễn ra một cách công bằng. Danh tính của người hoặc những người thay thế sẽ phải được thủ tướng Edouard Philippe thông báo trong ngày hôm nay.
Một vấn đề khác là nguy cơ một số thế lực lobby lũng đoạn cuộc thảo luận. Mọi người đều nhớ đến các nỗ lực thâm nhập của phong trào « Manif pour tous » chống quyền hôn nhân của những người đồng tính, trong cuộc thảo luận toàn quốc về vấn đề đạo lý sinh học, tổ chức hồi năm ngoái.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng không biết chính xác là những ai sẽ tham gia vào cuộc Thảo luận này, và quy mô của các cuộc biểu tình của phong trào Áo Vàng sẽ ra sao. Một bộ phận trong số họ đã tuyên bố lập trường rõ ràng, với việc lên án các thủ đoạn của chính quyền.
Nhiều lực lượng chính trị đối lập cũng có thái độ tương tự. Đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất lên án một « hành động lừa đảo ». Còn đảng cực hữu Tập Hợp Quốc Gia cho biết « không trông đợi gì » từ « cuộc độc thoại » do chính quyền tổ chức.
Đọc thêm : Đối thoại Áo Vàng ‘‘Hồi 1’’
Trong khi đó, chúng ta biết rằng cuộc Thảo luận này có thành công hay không là phụ thuộc vào mức độ tham gia của các công dân Pháp. Câu hỏi để ngỏ là : Liệu bức thư của tổng thống Macron – được báo chí đăng tải hôm qua, trong đó ông kêu gọi mọi người dân tham gia đông đảo nhất có thể – có đủ sức thuyết phục được những người ngoan cố nhất hay không ?
Ghi chú
1. Theo Franceinfo, tính đến ngày 08/01/2019, đã có ít nhất 5.000 xã và thị trấn tiếp nhận kiến nghị của công dân. Việc lấy kiến nghị bắt đầu từ ngày 08/12/2018, theo lời kêu gọi của Hiệp hội các xã trưởng (Association des maires ruraux – AMRF) và Hiệp hội thị trưởng các thị trấn nhỏ (Association des petites villes de France – APVF), để ủng hộ thiện chí đối thoại và chủ trương tổ chức Thảo luận toàn quốc, được tổng thống Macron đưa ra ít ngày trước. Xem thêm « 10.000 địa phương chuẩn bị lắng nghe Áo Vàng», ngày 08/12/2018 (phần hai trong bài).
http://vi.rfi.fr/phap/20190114-phap-thao-luan-toan-quoc-cac-the-thuc-muc-tieu-va-trien-vong
Khủng hoảng Pháp : Tổng thống Macron
kêu gọi dân chúng « góp ý »
Bị phong trào Áo Vàng xem là « đối tượng » tấn công, tổng thống Pháp kêu gọi toàn dân tham gia đông đảo cuộc « thảo luận toàn quốc » trong tinh thần « tôn trọng lẫn nhau ».
Trong bức thư ngỏ được công bố chiều Chủ Nhật 13/01/2019 qua mạng xã hội và truyền thông, Emmanuel Macron khẳng định : mục đích của chiến dịch tham khảo ý kiến trong hai tháng bắt đầu từ ngày thứ Ba, 15/01, là tìm giải đáp cho nguyện vọng của dân chúng nhưng không phải là « trưng cầu dân ý ».
« Hãy cùng nhau tìm ra giải pháp từ sự phẫn nộ »… đó là mong muốn của chủ nhân Điện Elysée, qua bức thư dài năm trang với văn phong giản dị, chìa bàn tay hòa giải với dân Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi cùng tham gia thảo luận mọi vấn đề cụ thể có thể giúp cải thiện đời sống hằng ngày và « không có đề tài cấm kỵ ». Tổng thống Pháp liệt kê 35 câu hỏi xoay quanh 4 chủ đề khá đa dạng : thuế khóa, tổ chức bộ máy hành chánh trung ương địa phương, dân chủ trực tiếp với trưng cầu dân ý, chuyển đổi sang kinh tế xanh… Đây là một số đòi hỏi cốt lõi của phong trào Áo Vàng từ tháng 11 đến nay.
Trái lại, tổng thống Macron nhất định không xem xét lại quyết định bỏ thuế đánh vào người có tài sản lớn gọi tắt là ISF và tăng tỷ lệ đánh thuế an sinh xã hội CGS.
Thuế ISF là phần đóng góp của người giàu thì được bỏ còn CGS, ai cũng phải đóng, kể cả người về hưu, thì duy trì. Chính điểm lấn cấn này mà ông Emmanuel Macron bị chỉ trích là tổng thống của người giàu.
Để biện minh, tổng thống Pháp nhắc lại là ông được bầu với một chương trình hành động cải cách quốc gia và do vậy « phải trung thành » với lời hứa lúc tranh cử. Đây là đường ranh đỏ biểu lộ thái độ cứng rắn.
Tuyên bố sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của người dân, tất cả người dân, vì ông không một lần nhắc đến phe Áo Vàng, tổng thống Macron cho biết chính ông sẽ « tổng kết » hai tháng thảo luận và công bố kết luận một tháng, sau khi chiến dịch tham khảo ý kiến kết thúc, tức vào khoảng giữa tháng Tư, bốn tuần trước cuộc bầu cử Nghị Viện Châu Âu.
http://vi.rfi.fr/phap/20190114-khung-hoang-phap-tong-thong-macron-keu-goi-dan-chung-«-gop-y-»
Áo Vàng Pháp : Phóng Viên Không Biên Giới
phản đối nạn hành hung nhà báo
Tổng thư ký tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) « đánh động công luận» tiếp theo một loạt vụ nhà báo bị đe dọa và hành hung khi đi làm phóng sự biểu tình của phong trào Áo Vàng tại Pháp.
Trong một chương trình truyền hình Chủ Nhật 13/01/2019, Christophe Deloire, tổng thư ký tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới kêu gọi tất cả chính trị gia Pháp phải lên án hành động hành hung nhà báo mà ông cho là « đã lên đến mức không thể chấp nhận được và có xu hướng tồi tệ hơn ».
Tuy hoan nghênh những người Áo Vàng che chở cho các nhà báo bị hành hung, Christophe Deloire lên án những người biểu tình bịt mặt dùng chân tay « bắt chẹt nhà báo phải đưa tin theo ý họ », nếu không sẽ bị đánh đập. Do tình trạng bạo lực này mà hầu hết các toà soạn khi gửi phóng viên theo dõi các cuộc biểu tình của Áo Vàng đều thuê vệ sĩ.
Trong cuộc xuống đường lần thứ 9, vào thứ Bảy tuần trước, đã xẩy ra nhiều hành động « phi dân chủ »: tại Rouen, nhóm phóng viên của đài truyền hình LCI bị bao vây, vệ sĩ bị đánh dập sống mũi. Tại Marseille, phóng viên đài FR3 và hai nhiếp ảnh viên bị chận không cho thu hình chụp ảnh.
Nghiêm trọng hơn nữa là ở Toulouse, một nữ phóng viên báo địa phương bị hàng chục kẻ bịt mặt dọa cưỡng hiếp, nhưng may mắn có một nhóm Áo Vàng khác can thiệp bảo vệ. Nhiều cơ quan báo chí, truyền thông cũng bị đe dọa, bị chận cửa với lý do là đưa tin không trung thực. Trong thời gian qua, hàng chục dân biểu của đảng Cộng Hoà Tiến Bước ! hoặc bị hành hung hoặc nhận được thư dọa giết.
http://vi.rfi.fr/phap/20190114-ao-vang-phong-vien-khong-bien-gioi-phan-doi-nan-hanh-hung-nha-bao
Vụ tổng giám đốc Renault :
Vợ doanh nhân nghi can kêu gọi HRW can thiệp
Từ ngày 19/11/2018, chủ tịch – tổng giám đốc tập đoàn Pháp Renault bị tạm giam tại Tokyo vì nghi án nhũng lạm công quỹ, khai gian thu nhập. Báo chí quốc tế đồng loạt chỉ trích hệ thống pháp lý Nhật Bản.
Trong một bức thư 9 trang gửi Human Rights Watch, bà Carole Ghosn phu nhân của ông Ghosn, kêu gọi tổ chức nhân quyền Mỹ khuyến cáo Tokyo cải thiện chế độ lao tù « phi nhân».
Trong khi đó, công luận Nhật nghĩ sao ? Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval gửi về bài phóng sự:
« Trong nhà giam, nơi mà khẩu phần ăn rất đạm bạc, Carlos Ghosn đã mất 10 kí lô. Cựu tổng giám đốc Nissan bị bệnh, sốt cao, nhưng phòng không có máy sưởi.
RFI đặt câu hỏi với một người đàn ông Nhật Bản. Điều kiện giam cầm khắc nghiệt nói trên không khiến người này xúc cảm. Ông nói: Cải thiện tiện nghi, gắn máy lạnh, máy sưởi trong mỗi phòng giam chỉ làm tốn công quỹ. Người dân chúng tôi đã đóng thuế khá nhiều.
Khi được biết tại Pháp, nhà giam có phòng đặc biệt cho những nhân vật có vai vế ngoài đời, một người Nhật khác bình phẩm: Ở nước Nhật, khi vào nhà giam thì ai cũng như ai, giàu hay nghèo, người Nhật hay người ngoại quốc đều bình đẳng. Đó là điều hay.
Tại Nhật, thời gian câu lưu dài ba tuần. Trong thời gian này, luật sư không có quyền hỗ trợ thân chủ trong các cuộc thẩm tra. Đa phần, đơn xin tại ngoại hầu tra bị bác bỏ, nhất là với các trường hợp như ông Carlos Ghosn, phủ nhận mọi cáo buộc. Trong 10 vụ án thì có đến 9 vụ kết thúc bằng một bản án.
Một cô giáo ủng hộ chế độ nghiêm khắc này: Nhờ luật pháp cứng rắn mà Nhật Bản là một nước rất an ninh. Tỷ lệ phạm pháp hiện nay thấp kỷ lục. Do vậy, không nên sửa đổi.
Tây phương hóa bộ luật hình sự, tức là nhân đạo hóa, đa số người Nhật không chấp nhận điều này ».
Thủ tướng Anh cảnh báo « thảm họa »
nếu Hạ Viện bác thỏa thuận với châu Âu
Hôm nay 14/01/2019 thủ tướng Anh Theresa May một lần nữa thúc giục các dân biểu thông qua thỏa thuận Brexit đã thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu (EU), nếu không đất nước có thể rơi vào tình trạng « thảm họa ».
Theo bà May, ngày mai 15/01, nếu Hạ Viện bác bỏ văn bản – vốn rất vất vả mới đạt được với châu Âu – nước Anh có nguy cơ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà không có thỏa thuận nào, đồng thời không tôn trọng nền dân chủ vì đa số đã bỏ phiếu cho Brexit.
Trong bối cảnh còn hai tháng rưỡi nữa là Anh quốc chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cơ hội thành công của thủ tướng May rất thấp. Phe bảo thủ tố cáo việc Luân Đôn vẫn còn các ràng buộc với Liên Hiệp Châu Âu, phía Công Đảng không muốn nhượng bộ, còn phe Dân chủ Tự do đòi chấm dứt tiến trình Brexit.
Thủ tướng Anh sẽ phát biểu trước Hạ Viện vào lúc 15 giờ 30 GMT hôm nay, sau đó các dân biểu tiếp tục tranh luận về Brexit trước cuộc bỏ phiếu quan trọng ngày mai.
Theo kênh Sky News, bà Theresa May sẽ tập trung vào tính chất tạm thời của « backstop » (vẫn mở biên giới Ireland, Anh quốc vẫn nằm trong liên minh thuế quan châu Âu trong thời gian đầu). Còn kênh RTE của Ireland cho biết Liên Hiệp Châu Âu chuẩn bị công bố một bức thư về vấn đề này, nhằm trấn an các dân biểu Anh còn do dự.
Tranh thủ tình hình rối loạn hiện nay, lãnh tụ Công Đảng đối lập, ông Jeremy Corbyn hôm qua một lần nữa kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn nếu thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu bị bác bỏ, cho biết đang chuẩn bị ra kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Tuy nhiên ông Corbyn nhìn nhận nếu Công Đảng lên nắm quyền, tiến trình Brexit sẽ bị chậm lại.
Giả thiết ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 29/3 tới mà không có thỏa thuận nào (no deal) gây lo ngại cho giới kinh doanh, ảnh hưởng đến thị trường tài chính. Theo Ngân hàng Anh quốc, « no deal » sẽ khiến nước Anh lâm vào khủng hoảng, đồng bảng Anh sụt giá, thất nghiệp và lạm phát gia tăng, giá nhà đất xuống thấp. Nhiều công ty, siêu thị đã lo trữ thực phẩm, còn nhà sản xuất xe hơi Rolls-Royce tích trữ phụ tùng thay thế.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190114-thu-tuong-anh-se-la-«-tham-hoa-»-neu-ha-vien-bac-thoa-thuan-eu
Ba Lan: Thị trưởng Gdansk chết
vì bị đâm trên sân khấu
Thị trưởng thành phố Gdansk Pawel Adamowicz vừa chết vì vết thương đâm vào bụng trong vụ việc gây chấn động Ba Lan.
Năm nay 53 tuổi, ông Adamowicz khi đang phát biểu ở một sự kiện từ thiện thì bị một người nhảy lên sân khấu, dùng dao đâm liên tục vào bụng.
Trong vụ việc hôm Chủ Nhật điều gây choáng váng hơn là thủ phạm, 27 tuổi, không hề bỏ chạy mà đứng lại trên sân khấu để tung ra các tuyên bố chính trị.
Dù được các bác sĩ phẫu thuật 5 giờ liền, ông Adamowicz đã không qua khỏi trong ngày thứ Hai.
Ba Lan: Người Việt phải ‘rút dần’ trước TQ?
Ba Lan biểu tình phản đối cải cách tư pháp
Ba Lan định giết hết 210.000 heo rừng
Vụ án mạng xảy ra bất ngờ khi sự kiện từ thiện quyên tiền cho các bệnh viện Ba Lan được truyền trực tiếp trên truyền hình.
Cảnh sát Ba Lan tin rằng thủ phạm, một người đàn ông có tiền án tiền sự, đã dùng thẻ nhà báo để lên sân khấu.
Theo báo địa phương thì thủ phạm đã hô to “Adamowicz phải chết”, và chửi rủa đảng Cương lĩnh Công dân (PO).
Theo những phát biểu khi đó thì thủ phạm đổ lỗi cho đảng này, từng cầm quyền ở Ba Lan nhiệm kỳ chính phủ trước, đã “bỏ tù sai trái” với ông ta.
Không khí thù hằn
Một số nhà bình luận tại Ba Lan cho rằng không khí thù hằn, đòi tiêu diệt đối thủ chính trị bị thổi lên những năm qua tại Ba Lan.
Ông Adamowicz, làm thị trưởng thành phố Gdansk ở Ba Lan 20 năm qua, và là thành viên đảng PO.
Ông được biết đến như người có quan điểm tự do, và ở vào vị thế đối lập với đảng cầm quyền cánh hữu Pháp luật và Công lý.
Sự kiện ông ủng hộ là buổi hòa nhạc Wielka Orchestra (Great Orchestra of Christmas Charity) thường quyên tiền cho các bệnh viện nhi ở Ba Lan.
Có ý kiến nói trước khi xảy ra sự việc, nhiều bình luận trên mạng xã hội của phe cựu hữu, dân tộc chủ nghĩa Ba Lan đã công kích ông Adamowicz.
Tin mới nhất cho hay Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Donald Tusk sẽ bay về Gdansk.
Ông Tusk, người thuộc đảng PO và từng giữ chức thủ tướng Ba Lan trước khi sang làm quan chức cao cấp của châu Âu, nói ông là “bạn thân” của Pawel Adamowicz.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46868385
Thổ Nhĩ Kỳ đau đầu
vì chính sách điên đảo của Mỹ tại Syria
Phải chăng giai đoạn quan hệ nồng ấm ngắn ngủi giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã qua ? Tháng trước, chính vì lời khuyên của Ankara mà Washington đã bất ngờ thông báo rút 2000 quân khỏi Syria.
Quyết định đột ngột này để ngỏ cánh cửa cho Thổ Nhĩ Kỳ rộng đường tấn công lực lượng dân quân Kurdistan tại Syria YPG, nhằm tiêu diệt mọi ý định ly khai của người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng từ một tháng qua quan hệ giữa hai thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO này không còn được mặn nồng. YPG đang trở thành cái gai giữa chính quyền Trump và Erdogan.
Tổng thống Mỹ, vốn có thói quen điều hành đất nước và kể cả chính sách ngoại giao qua mạng xã hội Twitter, ngày 13/01/2019, dọa sẽ « tàn phá kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, nếu Ankara tấn công người Kurdistan ». Tuyên bố này được đưa ra đúng vào lúc ngoại trưởng Pompeo đang công du nhiều nước trong khu vực Trung Đông, để trấn an các đồng minh của Hoa Kỳ về căng thẳng với chính quyền Erdogan, về chính sách của Nhà Trắng trên hồ sơ Syria.
Đứng đầu trong số những đối tác của Mỹ cần được trấn an là người Kurdistan Syria từng sát cánh với Hoa Kỳ và liên quân quốc tế trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tại Syria, nay bị bỏ rơi. Lo ngại này của người Kurdistan tại Syria ngày càng gia tăng khi Ankara coi lực lượng dân quân YPG là một « nhóm khủng bố » thông đồng với đảng PKK của người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ năm 1984, đảng PKK đã bị liệt vào danh sách đen, và bị coi là kẻ thù không đội trời chung của Ankara.
Ngày 19/12/2018 khi thông báo kế hoạch rút quân khỏi Syria, Ankara lập tức dọa mở chiến dịch quân sự ở miền bắc Syria để tiêu diệt lực lượng dân quân Kurdistan YPG. Thế nhưng, tuyên bố của tổng thống Trump đưa lính Mỹ can thiệp tại Syria « về nhà » sau đó đã liên tục được điều chỉnh lại. Bởi như đánh giá của các chuyên gia, ông Trump trước hết muốn chứng minh với công luận Mỹ, với thành phần cử tri ủng hộ ông, rằng Hoa Kỳ không có trách nhiệm đóng vai trò sen đầm quốc tế, không dùng tiền của người dân Mỹ để bảo đảm hòa bình cho một vùng đất xa xôi. Nhưng Nhà Trắng đã không đo lường được hết hậu quả khi quyết định để lại một chỗ trống tại Trung Đông. Riêng với Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đòi Ankara hứa không tàn sát người Kurdistan, và thậm chí coi đấy là một trong những « điều kiện » để rút quân khỏi Syria.
Tổng thống Erdogan trực tiếp chỉ trích ông Trump bao che cho lực lượng vũ trang Kurdistan. Đành rằng về mặt chính thức, Ankara không thể đánh mất uy tín với quốc tế trên hồ sơ Kurdistan và đích thân ông Erdogan, trên nhật báo New York Times tuần trước, đã khẳng định là « không có vấn đề với người Kurdistan ở Syria ». Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ chưa bao giờ che giấu ý định tiêu diệt mọi âm mưu hình thành một nhà nước Kurdistan ngay sát cạnh, bởi kịch bản đó châm thêm củi lửa cho tham vọng ly khai của cộng đồng Kurdistan đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát ngôn viên của tổng thống Erdogan, tuần trước, khi tiếp cố vấn An Ninh của Nhà Trắng, đã trực tiếp đòi Washington rút lại « toàn bộ vũ khí mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho lực lượng YPG trong nỗ lực chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ». Về phần ngoại trưởng Hoa Kỳ trong vòng công du Trung Đông, ông Pompeo nỗ lực trấn an các đồng minh, cả Ankara lẫn phe người Kurdistan.
Có điều, theo nhận định của giáo sư Jean Marcou, chuyên gia về khu vực Địa Trung Hải và Trung Đông, trường Khoa Học Chính Trị Grenoble, trên nhật báo Pháp, La Croix, số ra ngày 21/12/2018, vào lúc khủng hoảng Syria sắp bước vào hồi kết, Thổ Nhĩ Kỳ đòi được trả công : Đó là ngăn chặn bằng giá mọi ý đồ thành lập một nhà nước Kurdistan ngay sát cạnh.
Trong hoàn cảnh đó, chuyên gia Thomas Pierret thuộc Trung Tâm Khoa Học Quốc Gia Pháp CNRS lo ngại là « về lâu dài, Washington sẽ sẵn sàng hy sinh lực lượng YPG để đổi lấy quan hệ tốt đẹp với Thổ Nhĩ Kỳ, một đối tác chiến lược của Mỹ trong NATO ». Dù vậy trước mắt, những tuyên bố trống đánh xuôi, kèn thổi ngược về chiến lược của Mỹ tại Syria đang làm Thổ Nhĩ Kỳ đau đầu !
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190114-tho-nhi-ky-dau-dau-vi-chinh-sach-dien-dao-cua-my-tai-syria
Thổ Nhĩ Kỳ quyết tiêu diệt
quân Kurdistan ở Syria bất chấp Mỹ đe dọa
Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng mạnh mẽ trước việc Nhà Trắng thay đổi thái độ trên hồ sơ người Kurdistan. Ankara ngày 14/01/2019 ra thông cáo “vẫn tấn công tiêu diệt” lực lượng YPG của người Kurdistan tại Syria, nhằm ngăn chận mọi mầm mống ly khai của người Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là phản ứng tiếp theo đáp trả đe dọa của Donald Trump đòi “phá hủy” kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, nếu người Kurdistan bị uy hiếp.
Đến nay chính quyền Ankara vẫn coi lực lượng dân quân YPG của người Kurdistan là một nhóm khủng bố. Nhưng nhóm này lại được Mỹ yểm trợ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Syria.
Trên mạng xã hội Twitter, phát ngôn viên của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin, trực tiếp lưu ý Donald Trump rằng “quân khủng bố không thể là đối tác và đồng minh” của Ankara. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, không có “sự khác biệt nào giữa tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo và YPG“, do vậy Ankara sẽ tiếp tục “tấn công vào các lực lượng này“.
Vài giờ trước đó, tổng thống Donald Trump trên Twitter ngày 13/01/2019 đã đổi ý về chiến lược của Hoa Kỳ tại Syria. Qua mạng xã hội, nguyên thủ Hoa Kỳ cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh chịu những hậu quả kinh tế “tàn khốc“, nếu động đến người Kurdistan, đồng thời Nhà Trắng kêu gọi phía Kurdistan tránh mọi hành vi “khiêu khích Ankara”.
Chính quyền của tổng thống Erdogan rất tức giận trước việc Washington liên tục điều chỉnh chiến lược tại Trung Đông từ gần một tháng qua, sau khi bất ngờ thông báo rút quân khỏi Syria, mở ra viễn cảnh Ankara rộng tay đàn áp lực lượng Kurdistan tại Syria, sát cạnh biên giới, nhằm tiêu diệt mọi mầm mống ly khai của cộng đồng Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày tàn của quân thánh chiến tại Syria
Về tình hình tại Syria, ông Moustafa Bali đại diện của lực lượng FDS, liên minh Ả Rập và Kurdistan được liên minh quốc tế yểm trợ, ngày 13/01/2019, tuyên bố tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo đang “sống những ngày cuối cùng tại căn cứ địa cuối cùng” trên lãnh thổ Syria. Phát ngôn viên của liên quân quốc tế, tướng Sean Ryan, cũng khẳng định với hãng tin Reuters là lực lượng Syria FDS đang “tiến nhanh và tiếp tục giải phóng những vùng lãnh thổ do quân thánh chiến kiểm soát“, dù vậy theo tướng Sean Ryan, tiêu diệt Daech là mục tiêu trước mắt, tổ chức này vẫn “đe dọa ổn định trong khu vực về dài hạn. Cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo vẫn chưa kết thúc”.
Tai nạn máy bay ở Iran khiến 15 người thiệt mạng
Một chiếc máy bay chở hàng đã gặp sự cố và đâm vào khu vực dân cư ở gần thủ đô Tehran của Iran, làm chết 15 người.
Trump cảnh báo đối tác thương mại với Iran
Mỹ tung chế tài ‘nặng nề nhất’ đối với Iran
Chiếc Boeing 707 được cho rằng đã mất lái trên đường băng và đâm vào một bức tường khi đang hạ cánh ở sân bay Fath, Karaj, cách thủ đô Tehran 40 km về phía tây, dưới thời tiết xấu.
Chỉ duy nhất một trong 16 người có mặt trên máy bay được tìm thấy sống sót, và được đưa tới bệnh viện, quân đội Iran cho biết.
”Hộp đen” của máy bay đã được tìm thấy ở khu vực xảy ra tai nạn, các đơn vị truyền thông địa phương đưa tin.
Trên truyền hình quốc gia, người phát ngôn của quân đội xác nhận chiếc máy bay xảy ra sự cố là của Iran, và tất cả những người trên máy bay là công dân Iran
Sân bay Faith thuộc sở hữu của Quân đoàn Vệ Binh Cách Mạng Iran, nằm ở tỉnh Alborz.
Đống đổ nát máy bay được tìm thấy ở trong một khu vực dân cư giữa sân bay Fath và sân bay quốc tế Payam.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46867447
Báo Nhật: Mỹ đề nghị Triều Tiên
tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim ở VN vào tháng 2
Hôm 14/1, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và một trợ lý thân cận của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un có thể gặp nhau ở Bình Nhưỡng hoặc New York để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim lần hai, một nguồn tin cho biết hôm thứ Hai 14/1.
Hãng tin Nhật Kyodo cho biết NT Pompeo và ông Kim Yong Chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, được biết như cánh tay phải của ông Kim, có thể gặp nhau sớm nhất là vào cuối tuần này để ấn định ngày và địa điểm cho hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un.
Cũng hôm 14/1, truyền thông Nhật Bản cho biết chính phủ Mỹ đã đề nghị với phía Triều Tiên tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo hai nước vào giữa tháng 2/2019 tại Việt Nam.
Tờ Yomiuri Shimbun của Nhật Bản ngày 13/1 dẫn nhiều nguồn tin ngoại giao Mỹ, Hàn Quốc, Nhật cho biết phía Triều Tiên đã nhận được đề xuất tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Việt Nam.
Một số nguồn tin cho biết Trump và Kim có thể gặp nhau vào tháng 2 tại Việt Nam, nơi cả Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đều có đại sứ quán, theo tờ Kyodo.
Theo Yonhap, báo Nhật Yomiuri Shimbun cũng khẳng định đề xuất thượng định tại Việt Nam là do chính Tổng thống Donald Trump đưa ra.
Theo báo Japan Times, thủ đô Hà Nội – cách thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên chưa tới 3.000km, là một địa điểm phù hợp cho cả hai nhà lãnh đạo Mỹ – Triều xét về khả năng di chuyển, ăn ở và an ninh.
Ngoài ra, tờ báo của Nhật cũng đánh giá cao Việt Nam vì Việt Nam từng tổ chức nhiều sự kiện cấp cao quy mô như Diễn đàn APEC.
Tuy nhiên, cho tới giờ này chính phủ Mỹ và Triều Tiên chưa có thông báo chính thức về thông tin này.
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Zhao Tong, một học giả thuộc Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, cho biết Việt Nam “đáp ứng tất cả các tiêu chí cần thiết cho một cuộc gặp thượng đỉnh.”
Truyền thông Trung Quốc cho biết trong một cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh vào tuần trước, ông Kim Jong Un cam kết sẽ đạt được “kết quả” tại hội nghị thượng đỉnh tiềm năng tiếp theo giữa ông với ông Trump sẽ được cộng đồng quốc tế tán thành.
Trong một tuyên bố chung được đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của hai nhà lãnh đạo Mỹ -Triều tại Singapore vào tháng 6/2018, ông Kim cam kết sẽ tiến hành phi hạt nhân hóa “hoàn toàn” bán đảo Triều Tiên, trong khi ông Trump cam kết cung cấp bảo đảm an ninh cho Bình Nhưỡng.
Tổng thống Đài Loan kêu gọi người dân
bảo vệ quê hương và nền dân chủ
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, trong bài phát biểu tại Đài Bắc hôm Chủ nhật (13/1), nói rằng đoạn thời gian này là thời điểm quan trọng nhất đối với Đài Loan, bà lưu ý người dân những vấn đề như căng thẳng giữa hai bờ eo biển và những lo ngại xung quanh dịch sốt lợn châu Phi đang bùng phát ở Trung Quốc, theo Taiwan News.
Trong bài phát biểu của mình, Tổng thống Thái kêu gọi người dân bảo vệ Đài Loan và nền dân chủ của hòn đảo, và nói thêm rằng bà tin tưởng rằng năm 2019 sẽ có những điều tốt đẹp hơn đến với Đài Loan.
Cũng trong bài phát biểu, bà Thái cho rằng Đảng Dân Tiến của bà đã thua trong trận chiến bầu cử địa phương 9 trong 1 vào cuối năm ngoái, nhưng họ đã không thua trong toàn bộ cuộc chiến. Bà Thái cũng thông báo rằng nội các mới của chính phủ Đài Loan sẽ chính thức được thành lập vào ngày 14/1.
Bà Thái cũng kêu gọi những người ủng hộ giúp thực hiện ba điều: ủng hộ và tin tưởng vào nội các mới, truyền đạt công việc của chính phủ tới công chúng và tiếp tục bảo vệ nền dân chủ của Đài Loan.
Ngay sau phát biểu hôm 2/1 của chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và úp mở việc Bắc Kinh sẽ không ngần ngại sử dụng vũ lực để buộc Đài Loan thống nhất, theo Taiwan News, ngày 5/1, bà Thái đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ nền dân chủ của Đài Loan. Và ám chỉ rằng nếu thế giới không làm điều này thì các nền dân chủ khác cũng sẽ chịu chung số phận như quê hương của bà khi phải đối mặt với tham vọng của chính quyền Trung Quốc.
Lý do TQ sẽ thảm bại
nếu dùng vũ lực tấn công Đài Loan
Năng lực phòng thủ của Đài Loan và mức độ rủi ro lớn của hoạt động đổ bộ khiến Trung Quốc khó thu hồi hòn đảo bằng vũ lực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 2/1 tuyên bố không từ bỏ biện pháp dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Chỉ vài ngày sau, ông Tập tiếp tục yêu cầu quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh tổng lực, làm dấy lên những lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sẽ phát động một chiến dịch quân sự để thu hồi Đài Loan trong thời gian tới.
Lo ngại này không phải là không có cơ sở, bởi giới quan sát cho rằng ông Tập luôn coi mục tiêu thống nhất Đài Loan sẽ là thành tựu lớn nhất của mình, giống như những người tiền nhiệm đã đạt được khi thu hồi Hong Kong, Macau.
“Ông Tập có lập trường càng cứng rắn hơn với Đài Loan sau khi Quốc Dân Đảng thân Bắc Kinh thất bại trong cuộc bầu cử năm 2016 ở hòn đảo này”, Wendell Minnick, chuyên gia phân tích quân sự ở Đài Loan, nhận định. “Chủ tịch Trung Quốc coi 2020 là hạn chót để đưa ra quyết định cuối cùng về việc đưa quân đổ bộ chiếm Đài Loan hoặc quay lại bàn đàm phán”.
Lực lượng phòng vệ Đài Loan gần đây cũng phải đưa ra những chiến thuật mới để tiến hành một loạt cuộc tập trận nhằm đối phó với nguy cơ Trung Quốc tiến hành chiến dịch đổ bộ quy mô lớn. Cuộc tập trận mô phỏng tình huống quân đội Trung Quốc tiến đánh thành phố Đài Trung sẽ được Đài Loan tổ chức vào ngày 17/1.
Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng dù ông Tập ngày càng đề cập nhiều hơn đến việc dùng biện pháp quân sự để thu hồi Đài Loan, năng lực phòng thủ của hòn đảo cùng sự hỗ trợ của Mỹ có thể khiến chiến dịch đổ bộ qua eo biển của Trung Quốc thất bại thảm hại, theo Asia Times.
Michael Beckley, phó giáo sư nghiên cứu chính trị tại Đại học Tufts của Mỹ, cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể đẩy lùi hoàn toàn các cuộc tấn công của Trung Quốc bằng chiến lược chống xâm nhập/chống tiếp cận khu vực (A2/AD) với sự hỗ trợ tối thiểu của Mỹ.
“Với sự hậu thuẫn của Mỹ, Đài Loan gần đây đang tăng cường nỗ lực nhằm cân bằng sức mạnh quân sự ở Đông Á. Cán cân sức mạnh này sẽ ổn định trong vài năm tới, vì Trung Quốc chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh cần thiết để áp đảo năng lực A2/AD của Đài Loan”, Beckley nhận định trong một bài viết trên tạp chí International Security.
Chiến lược A2/AD thường được Trung Quốc sử dụng để ngăn Mỹ can thiệp vào mọi cuộc xung đột khu vực hoặc khiến Mỹ trả giá đắt nếu tham chiến. Tuy nhiên, Washington và các đồng minh châu Á cũng có thể áp dụng trở lại chiến lược này để đối phó Trung Quốc.
Theo đó, thay vì tìm cách chiếm ưu thế trên không và trên biển theo chiến thuật truyền thống, lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể áp dụng các biện pháp để phong tỏa vùng trời, vùng biển trước các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc.
Để tấn công được Đài Loan, quân đội Trung Quốc sẽ phải tiến hành chiến dịch cơ động lực lượng vượt qua eo biển và đổ bộ lên các đảo nhỏ vòng ngoài trước khi tiến tới đảo chính. Đây sẽ là thách thức rất lớn với quân đội Trung Quốc, bởi hoạt động đổ bộ từ biển luôn là hình thức tác chiến khó khăn nhất.
Lực lượng tấn công của Trung Quốc sẽ rất dễ bị các loại vũ khí dẫn đường chính xác của Đài Loan tập kích khi đang cơ động vượt eo biển. Do đó, để chiến dịch thành công, Bắc Kinh sẽ phải hoàn toàn chiếm ưu thế trên không và kiểm soát vùng biển trong khu vực.
“Nếu Đài Loan sở hữu các vũ khí diệt hạm và phòng không uy lực mạnh, Trung Quốc sẽ không thể thực hành tấn công đổ bộ do những vũ khí này có thể tiêu diệt tàu đổ bộ khi chúng di chuyển qua eo biển”, Beckley đánh giá.
Để có thể phá hủy năng lực phòng thủ của Đài Loan và đảm bảo chiến dịch đổ bộ thành công, Trung Quốc phải giữ được yếu tố bất ngờ về thời điểm tấn công và đồng loạt phóng nhiều tên lửa vượt eo biển để tiêu diệt các tổ hợp phòng không, diệt hạm hay sân bay quân sự của đối phương.
Tuy nhiên, nếu được cảnh báo trước về cuộc tấn công, Đài Loan có thể phân tán chiến đấu cơ đến 36 sân bay quân sự trên hòn đảo, chưa kể một loạt sân bay dân sự và đường cao tốc cũng có thể được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đài Loan cũng có các bệ phóng tên lửa di động và vũ khí phòng không cũng như tàu chiến và tàu ngầm đối phó đòn phủ đầu bằng tên lửa của Trung Quốc.
Trung Quốc hầu như không thể loại bỏ toàn bộ hệ thống phòng thủ của đối phương trong đòn tấn công phủ đầu, bởi Đài Loan hiện sở hữu các hệ thống cảnh báo sớm tối tân. Ngay cả Mỹ cũng không thể làm được điều đó khi phát động tấn công các đối thủ yếu hơn nhiều như Iraq năm 1991 hay Serbia năm 1999.
Quân đội Trung Quốc vốn chưa từng tham gia cuộc chiến lớn nào trong ba thập kỷ qua cũng không thể đảm bảo được rằng sẽ thành công trong chiến dịch tấn công đổ bộ vào Đài Loan. Chỉ 10% bờ biển Đài Loan thích hợp cho hoạt động đổ bộ, nên nếu tập trung lực lượng phòng thủ ở một số khu vực trọng yếu, Đài Loan hoàn toàn có thể áp đảo lực lượng đổ bộ Trung Quốc.
Trong chiến lược phòng thủ kiểu A2/AD này, Mỹ không cần triển khai tàu sân bay hay tiêm kích tới eo biển Đài Loan để hỗ trợ đồng minh và hứng chịu rủi ro lớn về con người và vũ khí. Quân đội Mỹ có thể sử dụng năng lực trinh sát, do thám và cảnh báo tầm xa của mình để cung cấp thông tin về hoạt động điều chuyển lực lượng của Trung Quốc, cũng như dữ liệu mục tiêu để lực lượng phòng vệ Đài Loan có thể phong tỏa vùng biển, vùng trời xung quanh hòn đảo.
Trong trường hợp cần thiết, Mỹ có thể dùng các loại máy bay tàng hình tối tân như oanh tạc cơ B2, tiêm kích F-35 hoặc tàu ngầm lớp Ohio để tấn công các lực lượng đổ bộ của Trung Quốc tại bờ biển Đài Loan, giúp đồng minh đẩy lùi cuộc tấn công quy mô lớn.
“Dù có giọng điệu cứng rắn, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không dùng vũ lực với Đài Loan do tính rủi ro lớn của chiến dịch. Thay vào đó, Bắc Kinh dường như sẽ tiếp tục chiến lược thống nhất hòa bình trong thời gian tới”, Beckley nhấn mạnh.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25792-ly-do-tq-se-tham-bai-neu-dung-vu-luc-tan-cong-dai-loan.html
Chứng “bệnh” của binh sĩ khiến ông Tập Cận Bình
bắt quân đội TQ tập trận hơn 18.000 lần/1 năm
Trong năm 2018, hơn 2 triệu binh sĩ trên toàn lãnh thổ Trung Quốc đã tham gia hơn 18.000 cuộc tập trận quân sự lớn nhỏ. Trong năm nay, con số ấy còn có thể lớn hơn nữa.
Quân đội Trung Quốc tăng cường tập trận – sẵn sàng cho chiến tranh?
Trong bài viết được đăng tải ngày 8/1 vừa qua, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP – Hồng Kông) đã dự đoán rằng trong năm nay, lực lượng Giải phóng Quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ đẩy mạnh công tác huấn luyện và tăng cường tập trận trước thềm một số dịp lễ kỉ niệm lớn, trong đó bao gồm kỉ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Bên cạnh đó, những căng thẳng địa chiến lược trong khu vực, xung đột gia tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như sức ép từ Mỹ khi coi Trung Quốc là đối thủ chiến lược, cũng là những động lực quan trọng đối với lực lượng PLA, SCMP trích dẫn ý kiến của giới quan sát.
Theo số liệu mới nhất được công bố trên Tân Hoa Xã, trong năm 2018, quân đội Trung Quốc đã tiến hành hơn 18.000 cuộc tập trận lớn nhỏ, với sự tham gia của khoảng 2 triệu binh sĩ.
Tuy trang này không so sánh với số liệu năm 2017, nhưng số lượng cuộc tập trận được tổ chức trong năm 2016 khá khiêm tốn, theo các hãng thông tấn trung ương, và cụ thể là khoảng 100 cuộc tập trận quy mô vừa và lớn.
Sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra chỉ đạo đầu tiên trong năm 2019, cụ thể là lời kêu gọi quân đội chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh, nhiều trung đoàn trên khắp lãnh thổ nước này đã bắt đầu triển khai các cuộc tập trận, theo cơ quan ngôn luận chính thức của quân đội Trung Quốc PLA Daily.
Không những thế, tờ báo này còn đăng tải những bài xã luận nhằm phê phán thái độ lười biếng trong quân đội và đốc thúc các binh sĩ chăm chỉ tập luyện hơn nữa.
Theo chỉ đạo từ phía trung ương, công tác huấn luyện quân đội Trung Quốc ngày càng được chú trọng và đẩy mạnh trong vài năm gần đây sau khi ông Tập Cận Bình tuyên bố hiện đại hóa và cải cách quân đội, bao gồm việc cắt giảm quân số và chú trọng hơn vào huấn luyện.
Nếu như trước đây “đả hổ, diệt ruồi” là ưu tiên của chính phủ Trung Quốc, thì hiện nay việc nâng cao năng lực quân đội đã trở thành ưu tiên số 1.
Theo một bài viết được đăng tải trên SCMP hồi tháng 4/2018, trước những ý kiến cho rằng quân đội Trung Quốc đang mắc “bệnh hòa bình”, khiến các sĩ quan lơ là nhiệm vụ và giảm năng lực chiến đấu, ông Tập Cận Bình đã chỉ đạo tiến hành các biện pháp thay đổi hình ảnh quân đội, trong đó bao gồm việc nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu và loại trừ vấn nạn hối lộ, tham nhũng trong quân đội.
Trung Quốc có thể mở thêm căn cứ quân đội ở nước ngoài nếu cần thiết
Theo một bài viết mới được đăng tải trên cổng thông tin china.org.cn, trích dẫn phát biểu của Trung tướng He Lei, cựu Phó Chủ tịch Học viện Khoa học Quân sự PLA, cho biết Bắc Kinh có thể sẽ cân nhắc việc thiết lập các căn cứ quân đội mới ở nước ngoài nếu cần thiết.
Điều này sẽ không chỉ phụ thuộc vào nhu cầu của phía Trung Quốc, mà sẽ còn phụ thuộc vào sự chấp thuận của quốc gia bản địa, ông Lei cho biết.
Hiện nay, quân đội Trung Quốc chỉ có duy nhất một căn cứ ở nước ngoài tại thủ đô của Djibouti, quốc gia thuộc khu vực Sừng châu Phi. Căn cứ này bắt đầu được đưa vào hoạt động từ tháng 8/2017.
Các quốc gia Mỹ, Pháp và Nhật Bản cũng đang có căn cứ quân sự tại Djibouti. Sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này đã khiến nhiều ý kiến tại Mỹ lo ngại rằng căn cứ của mình sẽ bị đối thủ chiến lược “bóp nghẹt”, nhất là khi đó lại là căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại châu Phi.
Mỹ cũng có nhược điểm chí mạng?
Trong rất nhiều bài phân tích, bình luận, các học giả, chuyên gia Mỹ cũng từng chỉ ra nhược điểm thiếu kinh nghiệm thực chiến – điều được coi là “chí mạng” của Trung Quốc nếu kịch bản chiến tranh xảy ra.
Trái lại, nếu tạm thời bỏ qua yếu tố vũ khí, thì các nước Mỹ và phương Tây rõ ràng vẫn có lợi thế hơn do đã tham gia vào nhiều cuộc chiến lớn nhỏ, theo tác giả Timothy R. Heath trong bài viết được đăng tải trên trang Foreign Policy.
Tuy nhiên, gần đây nhiều ý kiến đã cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc thực chất cũng có tiềm lực đáng gờm và cảnh báo Mỹ nên cẩn trọng nhằm tránh xảy ra kịch bản chiến tranh nóng.
Mới đây, một bản báo cáo nội bộ của Lầu Năm góc đã thừa nhận nhược điểm về hậu cần của Mỹ, theo đó công việc hậu cần của quân đội Mỹ đã bị bỏ bê trong rất nhiều năm nay, khiến nước này sẽ khó mà xoay xở được trong tình huống chiến tranh với Nga hay Mỹ.
“Lực lượng đặc nhiệm [Mỹ] đã phát hiện những thiếu sót đáng kể [trong vấn đề hậu cần], và nếu chúng không được giải quyết thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng tới khả năng phô diễn năng lực chiến đấu và chống lại đối thủ chiến lược”, theo báo cáo trên.
Do đó, trước những lời cảnh báo và kêu gọi lực lượng đẩy mạnh huấn luyện, tăng cường tập trận để chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản chiến tranh của Trung Quốc, Mỹ sẽ cần hết sức lưu ý và cẩn trọng trong năm 2019 này. Trung Quốc có thể thiếu kinh nghiệm, nhưng hành động của họ cho thấy quyết tâm cao độ để khắc phục điều đó, trước rất nhiều sức ép từ cả trong và ngoài nước.
Tổ chức 18.000 đợt tập trận,
khả năng thực chiến của quân đội TQ ra sao?
Trong năm 2018, quân đội Trung Quốc đã tiến hành hơn 18.000 cuộc tập trận song năng lực thực chiến vẫn được xem là ‘tụt hậu’.
Quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện trong năm 2019.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), giới quan sát nhận định trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung không ngừng gia tăng và lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào tháng 10 tới, quân đội Trung Quốc sẽ còn đẩy mạnh công tác huấn luyện trong năm 2019.
Mới đây, Tân Hoa Xã tiết lộ khoảng 2 triệu quân nhân Trung Quốc đã tham gia hơn 18.000 cuộc diễn tập nhưng chủ yếu có quy mô nhỏ trong năm 2018. Năm 2019 được xem là năm chứng kiến số lượng diễn tập “khủng hơn nữa” của Trung Quốc.
Dù không đưa ra con số cụ thể so sánh với số lượng các cuộc diễn tập được tổ chức vào năm 2017, song Tân Hoa Xã cho hay so với năm 2016, Trung Quốc tiến hành gần 100 cuộc diễn tập có quy mô lớn hơn vào năm 2018.
Trong khi đó, hôm 8/1, tờ PLA Daily đưa tin các trung đoàn trên toàn lãnh thổ Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai huấn luyện sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đưa ra mệnh lệnh đầu tiên trong năm 2019.
Tờ PLA Daily đồng thời khuyến cáo quân nhân Trung Quốc cần chăm chỉ huấn luyện hơn, tránh thờ ơ với công tác sẵn sàng chiến đấu.
“Một số sĩ quan và binh sĩ cho rằng họ có thể trải qua nghiệp binh trong hòa bình và một số đơn vị đã lơ là công tác huấn luyện. Họ thờ ơ trước trách nhiệm phải luôn sẵn sàng tham chiến và dẫn tới kết quả đáng thất vọng”, PLA Daily bình luận.
Một số nhà phân tích cho rằng lời kêu gọi quân đội Trung Quốc tăng cường huấn luyện được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu nguội lạnh. Nói cách khác, cuộc đua giữa Mỹ – Trung không chỉ dừng lại ở các vấn đề chiến lược mà mở rộng sang cả chiến tranh thương mại trong lĩnh vực công nghệ và an ninh.
Nhà bình luận ở Bắc Kinh Zhou Chenming nhận định sự xuất hiện của tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS McCampbell gần quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) hôm 7/1 cho thấy, Mỹ sẽ tăng cường hoạt động ở Biển Đông trong năm 2019.
Phía hải quân Mỹ thì khẳng định tàu USS McCampbell chỉ thực hiện nhiệm vụ tuần tra đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
“Bán đảo Triều Tiên có thể quay trở lại thành điểm nóng trong năm 2019. Quan trọng hơn, vấn đề Đài Loan đang là mối đe dọa nghiêm trọng. Do đó, quân đội Trung Quốc cần phải sẵn sàng đối phó”, ông Zhou chia sẻ.
Tướng quân đội Trung Quốc nghỉ hưu Yue Gang cho rằng, công tác huấn luyện ngày càng được chú trọng kể từ sau chiến lược hiện đại hóa quân đội được nhà lãnh đạo Tập Cận Bình công bố vào năm 2015.
Cũng theo ông Yue, trong nhiều năm qua, quân đội Trung Quốc chưa tham gia thực chiến nên năng lực chiến đấu bị giới hạn. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho cuộc diễu binh ở Bắc Kinh vào ngày 1/10, quân đội Trung Quốc sẽ tăng cường huấn luyện.
“Một số loại vũ khí mới cũng sẽ được ra mắt trong sự kiện này”, ông Yue nói.
Trong những nằm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh tiến hành các cuộc diễn tập chung với nhiều đội quân trên thế giới.
Cụ thể, hồi năm ngoái, 3.200 binh sĩ Trung Quốc đã tham gia cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay của Nga mang tên Vostok-18. Trước đó, Mỹ đã rút lại lời mời Trung Quốc tham dự đợt diễn tập RIMPAC ở Hawaii.
TQ đang kế hoạch chiến tranh với Mỹ và Ấn Độ,
giới chuyên gia cảnh báo
Trung Quốc đang lên kế hoạch cho khả năng chiến tranh với Hoa Kỳ đối với hòn đảo tranh chấp Đài Loan và một cuộc xung đột có thể xảy ra với Ấn Độ, theo các chuyên gia có trụ sở tại Hoa Kỳ, tờ Express của Anh cho biết.
Và Trung tâm Vì lợi ích quốc gia (CNI) cho rằng các nỗ lực của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nhằm mô tả “định hướng quốc phòng hòa bình” của quốc gia này là không đúng với thực tế. CNI cũng kêu gọi Hoa Kỳ hợp nhất vấn đề quốc phòng của Đài Loan vào kiến trúc quốc phòng khu vực của mình.
Các khả năng xung đột nóng được thảo luận trong ấn bản mới nhất của National Interest, một tạp chí hai tháng một lần được xuất bản bởi CNI. Trung tâm đã thảo luận về những gì được mô tả như 5 kế hoạch chiến tranh hàng đầu của Trung Quốc.
Bài viết của Ian Easton ghi: “Kịch bản Cơn ác mộng của PLA (Quân đội Trung Quốc) dường như là một trong đó nó sẽ được yêu cầu tiến hành tất cả 5 hoạt động chung trong một cuộc chiến hai mặt trận chống lại Hoa Kỳ và Đài Loan ở phía Đông và Ấn Độ ở miền Nam”.
“Trong kịch bản này, các nguồn quân sự Trung Quốc có sẵn hình dung PLA trước tiên tiến hành một cuộc tấn công hỏa lực chung chống lại Đài Loan và sau đó tiến hành một cuộc phong tỏa chung cường độ cao trong thời gian ngắn trên đảo. Khi quân đội Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) được đánh giá là đã đủ suy yếu, PLA sẽ tiến hành một chiến dịch tấn công chung và thực hiện đổ bộ”.
“Một khi các bãi biển lớn được nắm vững, các hoạt động chiến tranh trên núi và đô thị dữ dội vào sâu trong hòn đảo sẽ diễn ra”.
“Theo các giả định được nhìn thấy trong các văn bản của PLA, tại một thời điểm không xác định, Hoa Kỳ có thể can thiệp và tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và không kích vào lực lượng Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và dọc bờ biển PRC (Trung Quốc đại lục)”.
Các cuộc tấn công như vậy của Mỹ có thể buộc Trung Quốc phải chiến đấu với một chiến dịch không kích.
Bài viết cho biết thêm: “Ngoài ra, người ta cho rằng quân đội Ấn Độ và/hoặc các chiến binh tự do Tây Tạng có thể tấn công qua biên giới Himalaya đầy biến động, buộc Trung Quốc phải đồng thời chiến đấu với một chiến dịch ở khu vực biên giới chung”.
“Các văn bản của PLA cho thấy một số lo ngại rằng Nhật Bản, Úc và một số quốc gia Đông Nam Á cũng có thể chống lại Trung Quốc trong một kịch bản chiến tranh eo biển Đài Loan lớn, nhưng các nguồn có sẵn ít chú ý đến khả năng này”.
Bài viết cho rằng Quân đội Trung Quốc cũng đã phát triển các kế hoạch chiến tranh cho các hoạt động khác, nhưng cho rằn 5 phác thảo về điều này là “động lực chính của cải cách quân sự Trung Quốc và xây dựng thành công”.
Cảnh sát vũ trang Trung Quốctham gia một cuộc tập trận trên bãi biển gần thành phố Thái Châu thuộc tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc, ngày 3 tháng 8 năm 2009. (Ảnh: Tân Hoa Xã / Gia Châu)
Bài viết thêm: “Bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ tìm cách thuyết phục mọi người rằng Trung Quốc là một quốc gia hòa bình và thiên về phòng vệ. Thông điệp này không phù hợp với thực tế”.
“Hiểu về sự tích tụ của Quân đội Trung Quốc có nghĩa là hiểu rằng Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh xâm lược nguy hiểm chống lại Đài Loan, và mở rộng ra với cả Hoa Kỳ và các đồng minh của họ”.
Những phân tích hiện tại cho thấy Biển Đông có tiềm năng trở thành nơi diễn ra cuộc đối đầu siêu cường đầu tiên của thế kỷ 21, và Đô đốc Mỹ Philip S Davidson nói với Nghị viện năm ngoái: “Nói tóm lại, Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống cận chiến tranh với Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, National Interest cho biết thêm: “Các bài viết của PLA cho thấy việc xây dựng quân đội của Trung Quốc chủ yếu nhằm vào chiến đấu ở eo biển Đài Loan và Tây Thái Bình Dương”.
“Để đáp lại, chính phủ Hoa Kỳ nên dỡ bỏ các hạn chế tự áp đặt đối với các tương tác chính trị, quốc phòng và an ninh với Đài Loan và chuyển sang tích hợp quân đội của hòn đảo vào kiến trúc phòng thủ khu vực”.
Người đứng đầu Hải quân Hoa Kỳ sẽ gặp gỡ người đồng cấp Trung Quốc để đàm phán nhằm tránh tính toán sai lầm khi căng thẳng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục gia tăng.
Đô đốc John Richardson đang thăm Bắc Kinh để đàm phán nhằm giảm “rủi ro và tính toán sai lầm”
Hoa Vi : Báo đảng Cộng Sản Trung Quốc
đòi trừng phạt Ba Lan
Tuy tập đoàn điện thoại Hoa Vi đã sa thải ông Vương Vệ Tinh (Wang Weijing) vì lý do « làm hại thanh danh » xí nghiệp, nhưng báo đảng Trung Quốc đòi nghiêm phạt Vacxava để trả đũa vụ giám đốc Hoa Vi ở Ba Lan bị bắt vì làm gián điệp.
Trong bài xã luận bốc lửa, Hoàn Cầu Thời Báo, cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc, số ra ngày thứ Hai 14/01/2019, đe dọa : Ba Lan phải trả giá vì đã bắt giam Vương Vệ Tinh, giám đốc của Hoa Vi tại nước đông Âu này. Không chỉ phản đối Ba Lan, Hoàn Cầu Thời Báo còn khuyến khích « Bắc Kinh phải mạnh mẽ đàm phán với Vacsava để cứu Vương Vệ Tinh, đưa ra những biện pháp trả đũa để cho thế giới hiểu rằng Ba Lan là một đồng lõa của Mỹ». Tờ báo đại diện cho phe chủ chiến không nói là phải trả đũa như thế nào.
AFP nhắc lại một vụ việc khác là một ngày sau khi Canada câu lưu Mạnh Vãn Châu, con gái của chủ nhân sáng lập Hoa Vi, chính quyền Trung Quốc đã bắt ngay hai công dân Canada.
Trong vụ Vương Vệ Tinh, trong khi chính phủ Trung Quốc tuyên bố « quan ngại » thì Hoa Vi lập tức sa thải cán bộ này và đưa ra lập luận biện minh : hành động của đương sự không liên quan đến hoạt động của công ty.
Cùng với Vương Vệ Tinh, một nhân viên an ninh Ba Lan cũng bị phản gián Ba Lan bắt giam. Cả hai bị tình nghi hoạt động cho tình báo Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20190114-hoa-vi-bao-dang-cong-san-trung-quoc-doi-trung-phat-ba-lan
Ngoại thương sụt mạnh, khiến Bắc Kinh
thêm khó khi đàm phán với Mỹ
Theo số liệu được công bố hôm nay 04/01/2019, tuy thặng dư thương mại với Hoa Kỳ đạt kỷ lục vào năm ngoái, nhưng xuất nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm hẳn trong tháng 12/2018. Tình hình này cho thấy nền kinh tế thứ nhì thế giới đang chao đảo do cuộc thương chiến Mỹ-Trung, gây thêm áp lực trong cuộc đàm phán thương mại của Bắc Kinh với Washington.
Bloomberg cho biết xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 12/2018 sụt mất 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tệ hại nhất kể từ 2016. Bối cảnh u ám này gây thêm khó khăn cho các nhà đàm phán Bắc Kinh, đang tìm kiếm một thỏa thuận với chính quyền Donald Trump để thoát khỏi ngõ cụt hiện nay.
Nhập khẩu của Trung Quốc giảm đến 7,6%, cũng tồi tệ nhất kể từ năm 2016, cho thấy nhu cầu tiêu thụ trong nước đã chậm lại.
Trong khi đó thặng dư thương mại với Mỹ đã đạt con số kỷ lục trong năm 2018, lên đến 323,32 tỉ đô la, cao nhất từ một thập niên qua theo Reuters. Nhưng đó là do các nhà xuất khẩu hối hả giao hàng để né mức thuế do ông Trump áp đặt, nay nhiều kho dự trữ ở Mỹ đã bão hòa.
Những con số đáng thất vọng trên đây chứng tỏ nền kinh tế Trung Quốc đang sa sút, cho dù Bắc Kinh đã có một loạt biện pháp để thúc đẩy trong những tháng gần đây, từ gia tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng đến giảm thuế.
Bloomberg dẫn lời ông Louis Kuijs, kinh tế gia trưởng của Oxford Economics ở Hồng Kông : « Dữ liệu xấu về thương mại có thể làm gia tăng sức ép lên Trung Quốc để đạt cho được một thỏa thuận với Hoa Kỳ, hoặc ít nhất là ngưng việc tăng thuế hải quan ».
Cho đến nay, không có mấy tiến triển đối với các hồ sơ phức tạp nhất trong đàm phán thương mại Mỹ-Trung, như sở hữu trí tuệ hay việc trợ giá cho các công ty quốc doanh. Xuất nhập khẩu sụt giảm vào lúc các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đang đau đầu vì tiêu thụ chậm lại, các nhà sản xuất mất tinh thần vì sợ giảm phát, nguy cơ thất nghiệp gia tăng.
Kinh tế Trung Quốc sa sút khiến thị trường chứng khoán từ Âu sang Á hôm nay đều sụt giảm.
Riêng với Bắc Triều Tiên, doanh số mua bán Trung-Triều giảm 52,4% trong năm 2018 do áp dụng trừng phạt của quốc tế.
TQ: Tòa án tối cao bị lật tẩy bưng bít
hồ sơ “bốc hơi” bí ẩn, Trung Nam Hải
giáng đòn chưa từng thấy
Trung Quốc vừa có động thái hiếm thấy khi lập nhóm điều tra cấp cao nhằm vào vụ mất hồ sơ pháp lý đầy bí ẩn tại Tòa án nhân dân tối cao nước này.
Hồ sơ biến mất bí ẩn khỏi Tòa án nhân dân tối cao
Ủy ban chính pháp trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, cơ quan lãnh đạo của ĐCSTQ trong lĩnh vực tư pháp, thông báo vào tối 8/1 rằng đơn vị này sẽ lãnh đạo một nhóm liên ngành gồm đại diện từ cơ quan chống tham nhũng, cơ quan kiểm sát, và cảnh sát để điều tra vụ việc làm chấn động ngành tư pháp.
“Một kênh liên kết đã được thiết lập để điều tra vụ việc trên cơ sở luật pháp và kỷ luật [đảng],” thông cáo của Ủy ban chính pháp cho biết. “Các chi tiết liên quan sẽ được công khai sớm sau khi xác nhận.”
Vào tháng 12/2018, trong dư luận Trung Quốc nổi lên thông tin rằng các tài liệu quan trọng đã biến mất khỏi văn phòng của thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Vương Lâm Thanh vào năm 2016. Đây là các tài liệu liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu một mỏ quặng tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc giữa một đơn vị tư nhân và nhà nước.
Thẩm phán Vương ra phán quyết có lợi cho công ty tư nhân của doanh nhân Triệu Phát Kỳ, chống lại đơn vị nhà nước là Viện thăm dò địa chất và khoáng sản Tây An. Theo đó, ông Triệu nhận
được khoản bồi thường 13.7 triệu nhân dân tệ (khoảng 2 triệu USD). Tuy nhiên vụ “bốc hơi” các tài liệu khỏi văn phòng ông Vương khiến tiến độ thi hành phán quyết này bị ngưng trệ.
Vào tháng 11/2016, ngay khi ông Vương chuẩn bị trao phán quyết cho công ty Kechley của doanh nhân họ Triệu, thì tất cả số tài liệu liên quan đã mất tích khỏi văn phòng của ông.
Việc Ủy ban chính pháp lập tổ điều tra liên ngành cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc quyết định can thiệp vào cuộc điều tra nội bộ do Tòa án nhân dân tự tiến hành.
Trước đó, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc bác bỏ thông tin về những bất ổn trong cơ quan tư pháp hàng đầu này, cho đến khi Thôi Vĩnh Nguyên – MC nổi tiếng, ủy viên Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc – đăng tải bằng chứng gây chấn động trên mạng xã hội nước này.
Trong một video do ông Thôi đăng tải ngày 30/12/2018, người đàn ông được cho là thẩm phán Vương Lâm Thanh cho biết đã lưu trữ các tài liệu pháp lý trong văn phòng, và đề cập khả năng camera giám sát (CCTV) tại đây bị phá hoại vào thời điểm các tài liệu biến mất.
Vụ bê bối nhanh chóng làm dấy lên làn sóng tranh luận ở Trung Quốc, và nghi vấn về việc những tài liệu quan trọng có thể dễ dàng biến mất giữa hàng loạt biện pháp an ninh nghiêm ngặt của Tòa tối cao, và có hay không một vụ cố ý phá hoại?
Theo SCMP, hồi tháng trước Tòa tối cao Trung Quốc tỏ ra chần chừ trong việc cho đơn vị kỷ luật nội bộ rà soát vụ mất hồ sơ bí ẩn, và chỉ vào cuộc khi dư luận sôi sục trước việc Tòa chối bỏ vụ việc cùng với những bằng chứng do Thôi Vĩnh Nguyên tung ra.
Thông cáo do Tòa tối cao công bố tháng trước nói rằng cuộc điều tra nội bộ sẽ tập trung vào “những vi phạm kỷ luật”, nhưng không đề cập các bê bối pháp lý khác.
Sau khi Ủy ban chính pháp thông báo quyết định lập tổ điều tra hôm 8/1, Tòa tối cao ngay lập tức khẳng định “hoàn toàn ủng hộ” cuộc điều tra mới.
Tổ điều tra chưa từng có tiền lệ
Wang Jiangyu, giáo sư luật tại Đại học quốc gia Singapore, đánh giá động thái của Ủy ban chính pháp Trung Quốc hôm 8/1 là bất thường và thể hiện quyết tâm của ban lãnh đạo nhằm dọn sạch bê bối.
“Động thái như vậy chắc chắn là chưa có tiền lệ,” ông Wang nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP). “Chỉ có Ban chấp hành trung ương đảng hoặc Ban thường vụ Bộ chính trị mới có thể đưa ra quyết định thiết lập tổ điều tra liên ngành như thế.”
Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc từng bị điều tra trong quá khứ, nhưng các cuộc điều tra trước đây chỉ tập trung vào những vụ tham nhũng và chỉ được tiến hành bởi các cơ quan chống tham nhũng.
Hai trong số các vụ điều tra đã khiến các cựu Phó chánh án Tòa án nhân dân tối cao là Hoàng Tùng Hữu và Hề Hiểu Minh bị “ngã ngựa” và kết án chung thân do tội danh tham nhũng vào các năm 2010, 2017.
Tổ công tác do Ủy ban chính pháp lãnh đạo quy tụ toàn bộ cơ quan chấp pháp của đảng và nhà nước Trung Quốc, chỉ trừ đại diện từ chính Tòa án tối cao – đối tượng của cuộc điều tra. Thông cáo ngày 8/1 còn bao gồm số điện thoại đường dây nóng để khích lệ những người tố giác hoặc cung cấp manh mối hỗ trợ điều tra.
Ông Trang Đức Thủy, phó giám đốc trung tâm nghiên cứu chính phủ thuộc Đại học Bắc Kinh, tin rằng sự tham gia của cảnh sát và kiểm sát sẽ khiến vụ điều tra mở rộng.
“Kênh [điều tra] mới sẽ có thẩm quyền lớn hơn và có thể điều tra những vấn đề liên quan đến những quan chức cấp cao, bao gồm các thẩm phán cấp cao,” ông Trang nói. “[Tổ điều tra] có thể xem xét phạm vi các vấn đề rộng hơn, bao gồm những vụ việc về pháp lý như vi phạm nghĩa vụ và tham nhũng.”
Ông Trang cho rằng việc lãnh đạo ĐCSTQ phải lập tổ điều tra Tòa án nhân dân là “hiếm có và dường như là do sức ép công luận”. Nhà chức trách thường muốn giữ kín thông tin các nhân vật cấp cao bị điều tra nhằm tránh mất thể diện và bị dư luận chỉ trích.
“Lúc này cuộc điều tra hướng đến việc trao cho công chúng một câu trả lời thỏa đáng,” ông Trang bổ sung.
Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại năm qua, chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo cấp cao khác nhiều lần cam kết tăng cường bảo hộ pháp lý cho các doanh nghiệp tư nhân và tìm ra những phương án mới để hỗ trợ họ
Triều Tiên có sự ủng hộ của TQ
về kế hoạch thượng đỉnh với Mỹ
Ông Tập Cận Bình đã ủng hộ “sự tiếp tục tuân thủ hướng phi hạt nhân hóa” của Bình Nhưỡng, đồng thời ủng hộ Triều Tiên và Mỹ “tổ chức hội nghị thượng đỉnh và đạt được kết quả.”
Theo Yonhap, các nhà phân tích ngày 10/1 cho biết sự lạc quan thận trọng đang tăng lên về hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức có được sự ủng hộ từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch gặp lại Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tân Hoa xã đưa tin, tại cuộc gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên ở Bắc Kinh trước đó trong tuần này, ông Tập Cận Bình đã ủng hộ “sự tiếp tục tuân thủ hướng phi hạt nhân hóa” của Bình Nhưỡng, đồng thời ủng hộ Triều Tiên và Mỹ “tổ chức hội nghị thượng đỉnh và đạt được kết quả.”
Tái khẳng định cam kết phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, ông Kim Jong-un cũng cho biết sẽ nỗ lực để đạt kết quả từ hội nghị thượng đỉnh có khả năng sắp diễn ra với ông Trump, vốn sẽ được “cả cộng đồng quốc tế hoan nghênh.”
Ông Kim Jong-un vừa kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, sự kiện mà giới phân tích cho là nhằm đảm bảo rằng mối quan hệ giữa hai nước đồng minh này được thắt chặt trước thềm hội nghị thượng đỉnh với ông Trump dự kiến sẽ diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng tới.
Ông Kim Jong-Un và ông Trump dường như đang chuẩn bị cho cuộc gặp thứ hai của họ trong nỗ lực nhằm khơi thông bế tắc trong cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa của Triều Tiên để đổi lấy đảm bảo an ninh từ Mỹ và những hỗ trợ khác. Ông Trump công khai nói rằng địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh này có thể sẽ được công bố “trong tương lai không xa.”
Các nhà phân tích nhận định rằng sự ủng hộ của ông Tập Cận Bình đối với các bước đi của Bình Nhưỡng về phi hạt nhân hóa – hoặc gián tiếp gây sức ép đối với sự tiến triển về vấn đề này, và mong muốn của ông Kim về kết quả khả quan từ cuộc đàm phán với ông Trump sẽ tạo động lực mới cho nỗ lực hòa bình trên bán đảo bị chia cắt.
Phát biểu với hãng Yonhap, ông Kim Heung-kyu – chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Ajou, nhấn mạnh: “Hội nghị thượng đỉnh lần này với ông Tập Cận Bình là một nỗ lực của ông Kim Jong-un nhằm trấn an Trung Quốc rằng Triều Tiên phối hợp với đồng minh cộng sản này trước một thỏa thuận lớn có thể đạt với Mỹ, và một nỗ lực để đảm bảo rằng nước này có Trung Quốc ủng hộ (trong trường hợp cuộc đàm phán với Washington sụp đổ).
Tóm lại, chuyến thăm của ông Kim Jong-un tới Bắc Kinh lần này có thể được hiểu như là ý chí của ông muốn tiến tới một bước lớn trong tiến trình phi hạt nhân hóa.”
Các nhà phân tích cho rằng, ông Kim có nhiều lý do để thúc đẩy một thỏa thuận lớn với Washington trong năm nay. Đứng đầu trong số đó là cam kết phát triển kinh tế của đất nước mình, vì điều này mà Bình Nhưỡng cần Washington nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Các nhà quan sát cũng cho rằng ông Tập Cận Bình có thể đã cố gắng thuyết phục ông Kim Jong-un thực hiện thêm các bước cụ thể hơn nữa trong việc phi hạt nhân hóa của nước này, vì việc thiếu những bước như vậy, có thể làm dấy lên những chỉ trích rằng Bắc Kinh đã không thể hiện được “vai trò xây dựng” như nước này cam kết trong nỗ lực kiến tạo hòa bình ở bán đảo Triều Tiên.
Ông Park Won-gon, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Toàn cầu Handong, lập luận: “Có thể có một gánh nặng đáng kể đối với phía Trung Quốc nếu Bình Nhưỡng không thực hiện được bất kỳ bước tiến quan trọng nào hướng tới phi hạt nhân hóa
Hun Sen dọa sẽ tiêu diệt phe đối lập
nếu EU rút ưu đãi thuế quan
Hôm 14/1, Thủ tướng Campuchia Hun Sen dọa sẽ trả đũa phe đối lập nếu Liên minh châu Âu (EU) ngừng quy chế ưu đãi thuế quan đối với hàng hóa Campuchia vì quan ngại về những hành động vi phạm nhân quyền của Phnom Penh.
Vào tháng 11/2018, EU bắt đầu tiến hành thủ tục chính thức để tước bỏ một quy chế ưu đãi gọi là “Mọi thứ trừ Vũ khí – EBA) đối với Campuchia, sau khi ông Hun Sen tái đắc cử trong các cuộc tổng tuyển cử vào tháng 7/2018, khi đảng của ông giành được tất cả các ghế trong quốc hội sau một chiến dịch đàn áp phe đối lập.
Phát biểu tại lễ khánh thành một tuyến đường vành đai thủ đô Phnom Penh hôm 14/1, Thủ tướng Hun Sen nói:
“Nếu các ông muốn phe đối lập chết, thì cứ việc cắt nó đi”, ông Hun Sen nói khi đề cập tới quy chế EBA của EU.
“Còn nếu các ông muốn phe đối lập tồn tại thì đừng cắt và hãy cùng đàm phán,” ông Hun Sen nói thêm.
EBA là một sáng kiến nhằm giúp đỡ các nước nghèo hơn, nhưng sáng kiến này có thể bị rút lại trong trường hợp nước liên hệ có hành động vi phạm nghiêm trọng các công ước quốc tế về nhân quyền.
EU đe dọa sẽ rút các ưu đãi thương mại đối với Campuchia vì một chiến dịch đàn áp nhắm vào phe đối lập trước cuộc bầu cử tháng 7/2018.
EU lên án kết quả cuộc bầu cử này là không đáng tin cậy.
Tìm thấy thiết bị ghi âm của phi cơ Lion Air gặp nạn
“Hộp đen” ghi âm nội dung âm thanh trong chuyến bay gặp nạn ngoài khơi Jakarta của hãng Lion Air đã được tìm thấy, giới chức thông báo hôm thứ Hai.
Toàn bộ 189 người trên khoang đều thiệt mạng khi chuyến bay JT610 lao xuống biển ngay sau khi mới cất cánh trong hành trình tới Pangkal Pinang.
Hôn thê nạn nhân Lion Air chụp ảnh cưới một mình
Vụ Lion Air: Đã bắt được tín hiệu hộp đen?
Indonesia: Vì sao Boeing 737 mới tinh đã rơi?
Viên phi công đã đề nghị bộ phận kiểm soát lưu không cho phép quay trở lại sân bay, nhưng rồi mất liên lạc.
Các điều tra viên nói chiếc phi cơ đã gặp những vấn đề kỹ thuật.
Xác máy bay đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Thiết bị ghi âm có màu cam sáng được tìm thấy cách ít nhất 50m so với vị trí hôp đen đầu tiên – là thiết bị ghi dữ liệu hành trình chuyến bay – được tìm thấy hồi tháng 11 năm ngoái.
Thiết bị ghi âm được tìm thấy sáng thứ Hai, nhưng bị “rời thành hai mảnh”.
“Hy vọng là nó vẫn hữu ích [cho các điều tra viên],” Haryo Satmiko, phó giám đốc ủy ban an toàn giao thông Indonesia (KNKT) nói với hãng AFP.
Phát ngôn viên lực lượng hải quân Indonesia Agung Nugroho nói với Reuters rằng thiết bị ghi âm được tìmt thấy ở độ sâu 8m, dưới lớp bùn ở đáy biển.
Ông Nugroho nói rằng có một tín hiệu yếu ớt phát ra từ thiết bị này đã được phát hiện ra “trong vài ngày”.
Ông nói thêm rằng thiết bị “hiển nhiên là có những trầy xước”, nhưng không rõ mức độ hư hại tới đâu.
Những mảnh thi thể người cũng đã được tìm thấy ở gần nơi người ta tìm ra thiết bị ghi âm, ông Nugroho nói.
Khi thiết bị ghi dữ liệu hành trình chuyến bay được tìm thấy hồi tháng 11, giới chức nói rằng có thể mất tới sáu tháng để phân tích dữ liệu.
Nghe nội dung các cuộc đối thoại cuối cùng giữa tổ bay với bộ phận kiểm soát dưới mặt đất sẽ có thể giúp các điều tra viên dựng lại được những gì đã xảy ra trong chuyến bay ngắn ngủi này và tìm được nguyên nhân vụ việc.
‘Không đảm bảo để bay’
Chuyến bay JT610 khởi hành từ Jakarta lúc 06:20 sáng thứ Hai (23:20 GMT đêm Chủ Nhật).
Chỉ ít phút sau, cơ trưởng yêu cầu được cho quay trở lại sân bay.
Kết quả điều tra của KNKT cho thấy Lion Air đã đưa chiếc phi cơ này vào hoạt động tuy nó đã có những vấn đề trong các chuyến bay trước.
Đội bay có vẻ như gặp khó khăn với hệ thống tự động, vốn được thiết kế nhằm giữ cho máy bay không bị ngưng động cơ – tính năng mới của dòng phi cơ Boeing 737 Max.
Hệ thống chống ngưng động cơ liên tục buộc chiếc phi cơ chúc đầu xuống, bất chấp các nỗ lực của tổ bay, kết quả điều tra cho thấy.
Các điều tra viên nay nói rằng chiếc phi cơ không đảm bảo tiêu chuẩn để bay và lẽ ra phải không được đưa vào sử dụng.