Tự cắn xé nhau
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến đi thăm Đức hồi đầu năm 2012 đã đến thăm ông Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn Liên Bang Đức
Marina Mai * Linh Nhân (Danlambao) dịch – Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức bị tòa án Đức giải thể.
Tiếng nói của nó hầu như không có ở Đức, bây giờ hiệp hội kết hợp các hội đoàn Việt Nam bị giải thể. Câu hỏi đặt ra là chính phủ Hà Nội có bao nhiêu phần lỗi trong vụ việc này và cũng là một phần của cuộc xung đột.
Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức (viết tắt là “Liên Hiệp” – trong bài này tất cả những chữ trong ngoặc là chú thích thêm của người dịch) đã bị giải thể theo một quyết định của tòa án Charlottenburg ở Berlin hồi tháng 12 vừa qua. Hiệp hội này không còn có khả năng chi trả phí tổn cho các vụ thua kiện, do những thành viên của nó đưa đơn kiện về các lỗi hình thức trong cuộc bầu cử Ban chấp hành và các nghị quyết. Liên Hiệp tự cho mình là một hiệp hội đầu não bao trùm các hội đoàn Việt Nam tại Đức. Tuy nhiên trong các cuộc tranh luận chính trị (về người nước ngoài ở Đức), nó gần như không bao giờ cất tiếng nói, mặc dù nó được Cơ quan Liên bang về Nhập cư và Tị nạn tài trợ. Đề tài duy nhất mà nó thường lên tiếng là xung đột lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc về các đảo ở Biển Đông.
Việc thành lập Liên Hiệp hồi năm 2011 là một sự khai sinh hết sức duy ý chí, trái với tự nhiên, mà bà mụ đỡ đẻ là Đại sứ quán Việt Nam tại Đức. Với mong muốn nó sẽ là một hiệp hội có tầm vóc Liên bang bao trùm các hội đoàn người Việt ở Đức, và là một đối tác liên lạc của Đại sứ quán cho cộng đồng người Việt ở Đức. Thế là, (thông qua Liên Hiệp) chính trị của Việt Nam đã được công bố thay vì chính sách hội nhập người nước ngoài vào xã hội Đức.
Nhưng chính trị Việt Nam lại là vấn đề gây chia rẽ nặng nề trong cộng đồng người Việt. Những thuyền nhân tị nạn, mà họ chạy trốn đến Tây Đức vì lý do chính trị sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt hồi năm 1975, đa số không chấp nhận chính phủ Hà Nội và không bao giờ chịu tập hợp dưới một Liên Hiệp do Đại sứ quán giựt dây. Ngược lại nhiều người lao động hợp đồng ở Đông Đức cũ thì cho đến nay họ hướng theo chính phủ Hà Nội về văn hóa, ngôn ngữ và thường cả về chính trị. Còn những người Việt sinh ra ở Đức thì Việt Nam không phải là đề tài đối với họ. Các trải nghiệm về vấn đề kỳ thị chủng tộc thì quan trọng hơn đối với họ.
Qua một hiệp hội có tầm vóc Liên bang, chính phủ Việt Nam muốn có được những tiếng nói tích cực từ nước ngoài đối với các vấn đề chính trị trong nước. Họ muốn Việt kiều cam kết đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, đối với những người tốt nghiệp từ các đại học ưu tú ở nước ngoài, Hà Nội còn cần một mạng lưới để thu hút họ trở về nước.
Đại diện Liên Hiệp gồm ông Bùi Hữu Trung và bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và là thành viên Ban chấp hành Liên Hiệp trong một cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hồi năm 2015
Ông Nguyễn văn Thoại, Chủ tịch Liên Hiệp, giải thích tại sao hiệp hội lại bị thua kiện trước tòa: Người ta có thể là thành viên của Liên Hiệp với tư cách là một cá nhân hay một hội đoàn. Khó mà có thể giải quyết cho rõ ràng vấn đề, ai có quyền bỏ phiếu bầu cử. Bởi vậy hiệp hội đã mắc phải lỗi lầm. Nhưng ông giáo sư dạy toán ở Trier này cho là lý do thật sự của những vụ kiện lại nằm ở chỗ khác: “Hồi tháng 10 năm 2014 bà Đại sứ Việt Nam lúc đó đòi hỏi tôi phải hoãn lại cuộc họp Đại Hội bầu Ban chấp hành tại Bochum. Lý do: Không có đủ thời gian để chuẩn bị”. Ông Thoại đã từ chối yêu sách này, vì ngày giờ họp đã được công bố và việc chuẩn bị không phải là nhiệm vụ của Đại sứ quán. “Bởi vậy bà Đại sứ đã mời các hội viên của Liên Hiệp tới họp tại Đại sứ quán. Có các hình ảnh đăng trên mạng. Chính những người, mà đã tới họp ở đó, sau đó đã kiện chúng tôi”.
Bà Hải Bluhm, một trong những người đi kiện và là nhân viên làm việc xã hội ở thành phố Potsdam, đã phản bác lời trình bày trên cho là Đại sứ quán đứng đằng sau những vụ kiện. Bà nói: “Ông giáo sư này không có kinh nghiệm sinh hoạt hội đoàn. Ông ta điều hành Liên Hiệp một cách độc tài và thường hay khai trừ các hội viên, với lý do thí dụ như họ thiếu tiền hội phí. Qua đó cuộc bầu cử đã diễn ra không hợp lệ. Công việc của hiệp hội nói chung là không minh bạch”.
Việc tự cắn xé nhau kéo dài nhiều năm đã làm cho hoạt động của Liên Hiệp bị tê liệt. Các câu hỏi của các nhà báo Đức thường không được trả lời. Vì thế, giờ đây Liên Hiệp bị giải thể, hầu như không ai cảm thấy mất mát gì. Kinh nghiệm của các hiệp hội Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, hiệp hội trở nên mạnh mẽ khi quan tâm đến những vấn đề ở nước Đức và thỏa thuận với nhau, không mang vào trong hội những tranh cãi về các quan điểm chính trị của quê hương mình.
Tác giả: Marina Mai (đăng trên nhật báo Neues Deutschland, số ra ngày 24.12.2018)