Bộ Chính trị định đoạt về Biển Đông?

Cac Bai Khac

No sub-categories

Bộ Chính trị định đoạt về Biển Đông?

Truyền hình CSVN công bố video tố cáo tàu Trung Cộng đâm chìm một tàu cá của Việt Nam gần Hoàng Sa.

TS. Dương Danh Huy – Quỹ Nghiên cứu Biển Đông – Theo BBC – 08:59 GMT – thứ Ba, 10 tháng 6, 2014

Tường thuật của ngư dân và clip về việc tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc bao vây, đuổi và đâm chìm làm tôi nhớ lại một chuyện thời sinh viên.

Hôm đó, tôi thấy trong một thư viện của đại học một quyển sách với một chuỗi hình chụp từ máy bay. Những hình này chụp lại cảnh một chiếc thuyền cuả người Việt tỵ nạn trong thập niên 1980 bị nhiều thuyền hải tặc bao vây. Thuyền hải tặc dùng bạt che số hiệu và đâm húc cho đến khi chiếc thuyền xấu số chìm. Không biết bao nhiêu sinh mạng đã bị dập tắt trong lòng biển. Lần này may mắn là các nạn nhân được cứu.

Từ năm 2009, Trung Quốc đã đâm húc tàu thuyền ngư dân Việt Nam, bắn họ, đánh đập họ, bắt họ, đòi tiên chuộc, cướp phá hoại tài sản của họ biết bao nhiêu lần. Hoàng Sa thì từ khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao, họ khăng khăng là không có tranh chấp, không có gì để đàm phán. Trong cuộc đối đầu về giàn khoan HD-981, họ đã đâm hư hại 24 tàu của cơ quan nhà nước Việt Nam, coi nhà nước Việt Nam không ra gì.

Trung Quốc không nhượng bộ

Với thực tế đó, còn có gì để nấn ná với khái niệm “kiên trì đàm phán” nữa? Chắc chắn là Trung Quốc sẽ không nhượng bộ gì về chủ quyền đối với các đảo. Về vùng đặc quyền kinh tế có thể có chung quanh các đảo nói chung và vấn đề giàn khoan HD-981 nói riêng, nếu Trung Quốc có nhượng bộ, chắc chắn là họ sẽ ra giá. Giá đó có thể là công nhận “chủ quyền Trung Quốc” trên quần đảo và trong vùng nội thủy và lãnh hải mà họ tuyên bố, hay là để cho họ cùng khai thác trong vùng Tư Chính – Nam Côn Sơn. Thậm chí, cũng có thể một trong những mục đích chính của Trung Quốc trong việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 là để gây áp lực buộc Việt Nam cho họ cùng khai thác trong vùng Tư Chính – Nam Côn Sơn.

Như vậy, thực chất của biện pháp “kiên trì đàm phán” chính là vì “đại cục” mà hy sinh Hoàng Sa, và vùng biển Hoàng Sa có thể có. Biện pháp thứ nhì, đối đầu trên thực địa, là không thể thiếu được, nhưng là một cuộc chiến không cân sức cho Việt Nam. Việt Nam phải bổ xung bên cạnh lòng dũng cảm, sự chịu đựng và hy sinh của cảnh sát biển Việt Nam, kiểm ngư và ngư dân với biện pháp thứ ba: biện pháp pháp lý.

Ngày 23/5, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời phóng viên Reuters, “Cá nhân tôi là một luật gia, tôi luôn luôn hỏi mình khi nào là thời điểm để sử dụng biện pháp pháp lý. Tuy nhiên, chúng ta phải chờ đợi quyết định của Chính phủ.” Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ Chính trị sẽ quyết định “thời điểm nào hợp lý” cho việc kiện. Tuy không phải là luật gia, tôi cũng tự hỏi, “Bao giờ Bộ Chính trị Việt Nam mới quyết định xử dụng biện pháp pháp lý, một biện pháp hòa bình, văn minh, và là biện pháp duy nhất trong đó Việt Nam có thể chiến đấu một cách bình đẳng với Trung Quốc?”

Dường như có điều gì đó làm họ chần chừ. Có phải là họ ngại trả đũa kinh tế từ Trung Quốc chăng?

Hệ quả?

Ngày xưa, khi trả lời câu hỏi “Hòa hay chiến?”, có lẽ lãnh đạo và người dân Đại Việt cũng đã nghĩ tới những hệ quả xấu cho nông nghiệp từ vó ngựa Mông Cổ. Có lẽ họ cũng đã nghĩ đến chiến lược đồng không nhà trống có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế nào. Và họ còn phải nghĩ sẽ sinh bao nhiêu xương máu trước quân đội thiện chiến nhất thế giới lúc đó. Nhưng trả lời của họ vẫn là trả lời mãi có tiếng thơm trong lịch sử.

Ngày nay, câu hỏi không khắc nghiệt bằng “Hòa hay chiến?”, nó là “Kiện hay không kiện?” (Kiện ở đây là kiện Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS trong sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, không phải là kiện để đòi lại Hoàng Sa, vì không có tòa nào có thẩm quyền để thụ lý vụ kiện kiện để đòi lại Hoàng Sa).

Việt Nam tổ chức họp báo lên án Trung Quốc

Ngày nay, việc ra tòa để giải quyết tranh chấp là một phương tiện văn minh. Hàng chục nước trên thế giới đã ra tòa để giải quyết tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, trong đó có cả Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore và Indonesia. Philippines cũng đã phải hỏi câu hỏi “Kiện hay không kiện?”, và họ đã có một trả lời không bị cột vào nỗi sợ Trung Quốc sẽ trả đũa kinh tế, hay nỗi sợ nào đó khác.

Trả lời của Bộ chính trị cho câu hỏi “Kiện hay không?” sẽ trả lời những câu hỏi, “Lãnh đạo Việt Nam có dùng tất cả các biện pháp hòa bình không? Có dùng tất cả những biện pháp cần thiết không? Có dùng tất cả những biện pháp trong đó Việt Nam có thể đấu tranh một cách bình đẳng không?”.

“Trung Quốc đã cố ý triển khai giàn khoan ở một địa điểm mà Việt Nam có thể đơn phương kiện. Có thể đó là phép thử của họ, xem lãnh đạo Việt Nam có dám kiện hay không. “

Trả lời cho những câu hỏi đó sẽ là những chỉ số quan trọng về lãnh đạo Việt Nam đối phó với Trung Quốc thế nào trong cuộc tranh chấp có tính sống còn cho Việt Nam, có thể giúp chúng ta dự đoán về tương lai, và có thể giúp Trung Quốc đánh giá về ý chí trên thực tế của lãnh đạo Việt Nam.

Trung Quốc đã cố ý triển khai giàn khoan ở một địa điểm mà Việt Nam có thể đơn phương kiện. Có thể đó là phép thử của họ, xem lãnh đạo Việt Nam có dám kiện hay không. Nếu Trung Quốc cho rằng lãnh đạo Việt Nam sợ trả đũa kinh tế, hay sợ điều gì khác, cho nên không dám kiện, họ sẽ lấn tới và làm cho tình hình của Việt Nam nguy khốn hơn.

Hiện nay, cảnh sát biển và kiểm ngư đang dũng cảm thi hành nhiệm vụ của họ, ngư dân Việt Nam đang kiên trì bám biển dưới mũi tàu sắt Trung Quốc, lòng dân đang bức xúc, nhưng chưa biết Bộ chính trị sẽ thi hành nhiệm vụ của họ thế nào.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong của tác giả, một thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.