Việt Nam và đối đầu Mỹ-Trung (P4)
Posted on 20/12/2018 by The Observer
Tác giả: Nguyễn Quang Dy
Biển Đông: Không của riêng ai hay cái ao của Trung Quốc?
Gần đây, tại Hội nghị TW8 (10/2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW (22/10/2018) về “chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển…”. Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, đúng vào thời điểm có những biến chuyển nhanh và khó lường trên thế giới. Nhưng chiến lược phát triển kinh tế biển phải gắn liền với bàn cờ Biển Đông.
Nay Biển Đông không chỉ là “không gian sinh tồn” của Việt Nam, mà còn là “tâm điểm” của đối đầu Mỹ-Trung. Tuy Việt Nam không muốn cùng Trung Quốc “khai thác chung” nguồn dầu khí của mình tại Biển Đông (như họ muốn), nhưng Việt Nam cũng không luôn luôn có thể “khai thác riêng”. Thất bại của dự án hợp tác với Repsol để khai thác mỏ dầu Cá Rồng Đỏ và Cá Kiếm Nâu (lô 136-03 & 07-03) là một bài học. Vấn đề không phải là khai thác chung hay riêng, mà là hợp tác như thế nào để hai bên cùng có lợi, vừa tạo được không gian sinh tồn, vừa giữ được chủ quyền quốc gia. Muốn giữ được chủ quyền và khai thác dầu khí cũng như tài nguyên biển khác, Việt Nam cần khôn khéo hợp tác với Mỹ và các đối tác khác để tạo ra đòn bẩy chiến lược, nhằm tái cân bằng bàn cờ chiến lược tại Biển Đông.
Các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Mỹ (Jim Mattis và Mike Pompeo) vừa gặp các người đồng nhiệm Trung Quốc (Ngụy Phượng Hòa và Dương Khiết Trì) tại Washington (9/11/2018). Ngoài các chủ đề nóng khác, hai bên đã trao đổi về vấn đề Biển Đông. Nhưng bất chấp rủi ro ngày càng lớn, hai bên dường như vẫn chưa sẵn sàng xuống thang, nên chưa thể có thỏa thuận gì đáng kể.
Tại diễn đàn ASEAN & APEC 2018 tại Singapore và Port Moresby (PNG) lập trường của Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông còn rất xa nhau. Theo Reuters (16/11/2018) phó tổng thống Mike Pence đã tuyên bố thẳng thừng tại Singapore: “Biển Đông không thuộc riêng một nước nào, chắc chắn tàu thuyền và máy bay Mỹ sẽ tiếp tục đi qua bất cứ đâu mà luật quốc tế cho phép và lợi ích quốc gia của chúng tôi đòi hỏi”.
Tuần trước đó, đô đốc John Richardson (Chief of Naval Operations) kêu gọi Trung Quốc tuân thủ “quy tắc đã thỏa thuận” để giảm thiểu khả năng tính toán nhầm có thể dẫn đến sự cố khu vực và nguy cơ leo thang. Nhưng điều đó chẳng khác gì kêu gọi Trung Quốc từ bỏ vai trò “chúa tể Biển Đông”. Lo ngại đối đầu ngày càng tăng còn do các chiến hạm Mỹ đang bị đẩy vào thế thủ. Sau 70 năm hải quân Mỹ đã làm chúa tể Thái Bình Dương, nay vị trí đó đang bị Trung Quốc thách thức. Đô đốc Philip Davidson (Indo-Pacific Command) đã nói tại Quốc hội Mỹ (5/2018): Trung Quốc đã kiểm soát được Biển Đông “trong mọi tình huống trừ chiến tranh” (in all scenarios short of war).
Theo Nikkei Asian Review (3/11/2018), Mỹ và Nhật đã tiến hành cuộc tập trận “Thanh kiếm sắc” (Keen Sword) từ 29/10 đến 8/11/2018 tại vùng biển phía nam Nhật Bản, với sự tham gia của 47.000 binh sỹ Nhật và 9.500 binh sỹ Mỹ. Đây là cuộc tập trận lớn nhất từ trước tới nay giữa Mỹ và Nhật, tiếp theo sau cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới RIMPAC 2018 (lần thứ 26) từ 27/6 đến 2/8/2018, gồm 45 tàu chiến và tàu ngầm các loại, 200 máy bay chiến đấu và 25.000 binh sĩ đến từ 25 quốc gia. Đây là lần đầu tiên Việt Nam được mời tham gia tập trận RIMPAC, trong khi Trung Quốc không được Mỹ mời tham gia RIMPAC 2018.
Trong bối cảnh đó, sự cố đối đầu trên biển Đông giữa khu trục hạm USS Decatur (của Mỹ) và khu trục hạm Luyang (của Trung Quốc) gần bãi đá Gaven (30/9/2018) là một sự kiện làm dư luận chú ý. Theo Bill Hayton (Chatham House) đây là lần đầu tiên một chiến hạm Mỹ bị chiến hạm Trung Quốc chặn đầu rất nguy hiểm (chỉ cách 41m) và đe dọa phải đổi hướng nếu không sẽ “gánh chịu hậu quả”. Hành động cố ý này của Trung Quốc để “nâng cấp mức độ phản ứng” là một thông điệp không chỉ với Mỹ mà còn với các nước khác (như Anh và Úc) vì chiến hạm của họ đã tham gia tuần tra FONOP và tập trận tại Biển Đông. Các quan chức hải quân Mỹ lo ngại về một giai đoạn đối đầu mới đang diễn ra tại vùng biển này, trong khi hai bên chưa có thỏa thuận về quy tắc ứng xử để ngăn ngừa leo thang (như thời Chiến tranh Lạnh). Một chuyên gia nói “Việc đụng độ xảy ra chỉ là vấn đề thời gian…Đây là “trò đấu gà” (game of chicken) tại các điểm nóng của Châu Á”.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung càng leo thang (như Chiến tranh Lạnh), thì nguy cơ xung đột càng cao, triển vọng sa vào “bẫy Thucydides” càng lớn. Đó là quy luật vì khả năng va chạm trên biển và trên không luôn tiềm ẩn và đã từng xảy ra giữa Mỹ và Liên Xô (trước đây) cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc (gần đây). Vì vậy, hai bên cần tìm cách dàn xếp để không dẫn đến xung đột bất ngờ nếu họ vẫn chưa sẵn sàng chiến tranh. Đó là điều “bình thường mới” (new normal). Nhưng điều không bình thường là Trung Quốc đã khai thác tâm lý sợ chiến tranh và tránh căng thẳng của Mỹ dưới thời Obama để lấn sân và thay đổi thực địa tại Biển Đông, bằng kế “tầm ăn dâu” (salami) như “chuyện đã rồi” (fait accompli).
Theo số liệu công bố năm 2017, hải quân Trung Quốc có 317 chiến hạm (trong đó có 2 tàu sân bay), trong khi hải quân Mỹ có 283 chiến hạm (trong đó có 11 tàu sân bay). Theo một báo cáo, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ có 4 tàu sân bay và tăng thêm 30% số máy bay chiến đấu. Dù Mỹ có triển khai 60% lực lượng hải quân của họ tại Thái Bình Dương (như tuyên bố), thì cũng không đủ lực lượng để ngăn chặn hay răn đe Trung Quốc, nhất là tại Biển Đông, nơi “hạm đội dân quân biển” (militia fleet) của Trung Quốc có hàng ngàn chiếc, thường xuyên thao túng và làm chủ vùng biển này như cái ao của mình. Có lẽ đây là điểm yếu nhất của hải quân Mỹ và đồng minh (về lợi thế so sánh lực lượng tại Biển Đông) nếu Mỹ không có một chiến lược nào hiệu quả hơn, mặc dù hiện nay đã có 8 nước đồng minh điều chiến hạm đến Biển Đông để tham gia tập trận và tuần tra (FONOP) với Mỹ.
Tâm lý sợ chiến tranh cũng là một yếu tố răn đe (deterrence). Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã vận dụng tối đa yếu tố này để gây căng thẳng như xung đột về đảo Điếu Ngư, tuyên bố vùng nhận dạng phòng không (ADIZ), khủng hoảng tên lửa Triều Tiên, để ép đối phương phải nhân nhượng. Tại Biển Đông (5/2014), Bắc Kinh đã dùng dàn khoan HD981 để gây áp lực tối đa, trong khi lặng lẽ thay đổi thực địa và quân sự hóa các đảo họ chiếm. Bên cạnh hạm đội hải quân “biển xanh” (blue ocean), “hạm đội dân quân biển” hùng hậu của Trung Quốc chính là lực lượng cưỡng chế không có đối thủ, để bắt nạt các nước láng giềng nhỏ yếu hơn, trong một “vùng xám” (grey area) mà Trung Quốc có ưu thế tuyệt đối. Nói cách khác, hạm đội dân quân biển của Trung Quốc có thể vô hiệu hóa sức mạnh hải quân Mỹ, bằng cách vận dụng “cờ vây” vào một cuộc chiến cục bộ “không cân xứng” (asymmetric) trong một thế trận mà họ không cần đánh nhưng vẫn thắng.
Theo các chuyên gia, một khi đã xác định vấn đề cốt lõi của Biển Đông là Trung Quốc “nổi dậy” (insurgency) để thay đổi trật tự, thì giải pháp chiến lược của Mỹ và đồng minh và đối tác trong khu vực này là “chống nổi dậy” (counterinsurgency). Muốn chống “nổi dậy trên biển”, họ phải bảo vệ được các hoạt động dân sự chính đáng tại Biển Đông khỏi bị Trung Quốc bắt nạt hay bắt chẹt. Để giúp các nước khu vực thực hiện quyền hợp pháp của mình, theo luật quốc tế về tự do trên biển, họ phải bảo vệ được sinh mạng và tài sản của các doanh nghiệp và người dân trước sự đe dọa của Trung Quốc, để họ có đủ lòng tin vào luật pháp và trật tự tại Biển Đông. Đây chính là điểm yếu nhất về quyền tự do hàng hải hiện nay, khi các hoạt động tuần tra FONOP của Mỹ và đồng minh chỉ “đi qua vô hại”, mà chưa có tác dụng răn đe lâu bền để đảm bảo một không gian sinh tồn. Vì vậy, chính quyền Trump cần vận dụng chính binh pháp Tôn Tử để chống lại Trung Quốc trên Biển Đông cũng như họ đang vận dụng vào cuộc chiến thương mại, để lấy “gậy ông đập lưng ông”.
Mục đích chính của “chống nổi dậy trên biển” là vô hiệu hóa thế mạnh của Trung Quốc tại Biển Đông mà không cần đến chiến tranh, như Trung Quốc đã từng vô hiệu hóa thế mạnh của Mỹ trong mấy năm qua. Nếu Mỹ và đồng minh có thể cân bằng lực lượng bằng sức mạnh cứng (như Quad), đồng thời “chống nổi dậy trên biển” bằng sức mạnh mềm (như TPP), thì mới vô hiệu hóa được thế mạnh của Trung Quốc, để đảm bảo không gian sinh tồn cho các nước khu vực trước sự đe dọa của Trung Quốc.
Theo báo Wall Street Journal (13/11/2018), John Bolton (Cố vấn An ninh Quốc gia) tuyên bố: “Mỹ phản đối bất kỳ thỏa thuận nào giữa Trung Quốc và các nước tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông mà giới hạn tự do hàng hải”. Trước đó (11/10/2018), Bolton nói Mỹ sẽ hợp tác khai thác tài nguyên (dầu khí) tại Biển Đông “dù có hợp tác với Trung Quốc hay không” và răn đe Trung Quốc “Họ cần phải biết rằng họ không thể đạt được sự việc đã rồi tại khu vực này. Đây không phải là một tỉnh của Trung Quốc và sẽ không bao giờ là một tỉnh của Trung Quốc”. Trong thời gian này, hai nhóm tàu sân bay gồm USS Ronald Reagon và USS John Stennis đã tiến hành diễn tập tại Biển Đông, để chống tàu ngầm, và khẳng định nguyên tắc tự do đi lại. Tiếp theo cuộc tập trận “Keen Sword”, cuộc diễn tập lần này được tổ chức trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đang leo thang, đàm phán về phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bị đình trệ, và phó tổng thống Mike Pence đang dự họp ASEAN & APEC. Tại Port Moresby, Mỹ và Úc đã tuyên bố sẽ giúp Papua New Guinea nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum (tại đảo Manus) như một tiền đồn chiến lược mới của Mỹ tại tây Thái Bình Dương.
Theo South China Morning Post (5/11/2018), Đài Loan đang xem xét cho Mỹ sử dụng căn cứ tại đảo Ba Bình (Itu Aba), thuộc Trường Sa. Tuy chưa rõ Washington có muốn sử dụng đảo Ba Bình làm căn cứ hay không, nhưng động thái này rất nhạy cảm đối với Trung Quốc. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang leo thang thành chiến tranh lạnh, khả năng tăng cường hợp tác quân sự giữa Mỹ và Đài Loan là dễ hiểu vì John Bolton là nhân vật diều hâu, thân Đài Loan và chống Trung Quốc. Gần đây, Đài Loan vừa hạ thủy hai khu trục hạm hiện đại (PFG-1112 và PFG-111) trị giá $190 triệu, do Mỹ sản xuất và chuyển giao cho Đài Loan (tháng 11/2018) để tăng cường khả năng chống tàu ngầm tại Biển Đông. Theo ông Michael Pillsbury (Hudson Institute), đã đến lúc phải xem xét lại toàn bộ quan hệ Mỹ-Trung trong đó có Đài Loan và chính sách “Một Trung Quốc”. Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của Đài Loan ngày càng quan trọng, không kém Triều Tiên.
ASEAN & APEC 2018: Hai con voi trong phòng
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN/EAS Summit (Singapore, 11-15/11/2018) và APEC 2018 (Port Moresby, 12-18/11/2018), Mỹ cử phó tổng thống Mike Pence và cố vấn an ninh quốc gia John Bolton tới dự. Theo các nhà phân tích, tổng thống Trump vắng mặt đã “bỏ qua một cơ hội tốt vì tính toán sai lầm đúng lúc Mỹ và Trung Quốc đang mắc kẹt vào cuộc chiến giành ảnh hưởng tại một khu vực được coi là sân sau của Bắc Kinh”. Tuy phó tổng thống Pence gần đây có vai trò nổi bật hơn, nhưng sự vắng mặt của tổng thống Trump làm nhiều người thất vọng và lo ngại về cam kết của Mỹ (sau khi Trump bỏ rơi TPP). Theo Ben Rhodes (cựu trợ lý cố vấn an ninh quốc gia thời tổng thống Obama), Trump vắng mặt tại APEC 2018 đã “tặng cho Trung Quốc một cơ hội lớn để mở rộng ảnh hưởng tại khu vực”.
Richard Haass (chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại) cho rằng “Ông Pence không thể thay ông Trump, nếu các nước khác như Trung Quốc có nguyên thủ đến dự”. Ông Trump vắng mặt càng củng cố cảm nhận chung là ông không thực sự coi trọng khu vực này, nên thấy không cần thiết phải có mặt, và cam kết của Mỹ tại Châu Á đang bị suy giảm, trong khi ảnh hưởng của Trung Quốc tăng lên.
Theo Fareed Zakaria (Washington Post, November 15, 2018) “trong khi Mỹ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, thì họ lại bỏ ngỏ Đông Nam Á cho Trung Quốc thao túng”. Đáng lẽ tổng thống Trump phải dành thời gian đến dự các sự kiện khu vực để làm chủ chương trình, củng cố tinh thần và tăng cường quan hệ đồng minh và đối tác, thì ông lại “mất tích” (MIA). Đó là biểu hiện thiếu quan tâm, chỉ càng làm tăng thêm lo ngại. Đây chính là cơ hội tốt để Trung Quốc và Nga giành thế thượng phong tại diễn đàn ASEAN và APEC 2018.
Brian Harding (phó giám đốc Đông Nam Á tại CSIS) cho rằng Trump quyết định không đến dự họp APEC là “một vấn đề lớn và nhãn quan yếu kém”. Các nước Đông Nam Á muốn quan hệ gắn bó hơn với Mỹ và không muốn khu vực này bị Trung Quốc thống trị, mà “họ muốn các lựa chọn khác nhau và sự cân bằng”. Các nước khu vực muốn Mỹ tăng cường can dự và lãnh đạo khu vực để đối trọng lại tham vọng “Vành đai Con đường” của Trung Quốc, mà thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad gần đây đã gọi là “thực dân kiểu mới”.
Nhiệm vụ chính của Mike Pence tại ASEAN Summit 2018 là trấn an các nước khu vực, khẳng định Mỹ tiếp tục can dự mạnh mẽ vào châu Á, và đề xuất một sáng kiến tốt hơn cho khu vực cả về chính trị và kinh tế (so với sáng kiến BRI của Trung Quốc). Nói cách khác, ông Pence phải cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược “Indo-Pacific Mở và Tự do” mà tổng thống Trump đã tuyên bố tại APEC Đà Nẵng (11/2017). Trong bài phát biểu khai mạc Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN (Singapore, 15/11/2018), ông Pence đã khẳng định “Sự can dự của Mỹ vào vùng Indo-Pacific là vững chắc và lâu dài… Mỹ chỉ tìm kiếm sự hợp tác, chứ không hề muốn kiểm soát… Chúng tôi rất tự hào coi ASEAN là đối tác chiến lược của Mỹ, có vị trí trung tâm trong kế hoạch của chúng tôi tại khu vực Indo-Pacific… Chúng tôi không loại trừ nước nào, mà chỉ yêu cầu các nước khu vực tôn trọng chủ quyền các nước láng giềng và tôn trọng trật tự dựa trên pháp luật… Biển Đông không của riêng nước nào… Đế quốc và xâm lược không có chỗ trong khu vực Indo-Pacific”.
Tại diễn đàn APEC 2018, hai nước thành viên lớn nhất là Mỹ và Trung Quốc đã đấu khẩu kịch liệt, “gần như trên mọi lĩnh vực” (từ thương mại, đầu tư cho đến an ninh khu vực). Mỹ đã chỉ trích Trung Quốc là “đế quốc và xâm lăng” (empire and aggression). Khi soạn thảo tuyên bố chung, đại diện các nước nhất trí đưa vào một đoạn “chúng tôi nhất trí chống chủ nghĩa bảo hộ bao gồm tất cả các tập quán thương mại bất công” (We agree to fight protectionism including all unfair trade practices). Nhưng đoàn Trung Quốc quá nhạy cảm với chỉ trích của Mỹ nên phản đối kịch liệt câu này, với cách ứng xử thô bạo và vụng về, nên đến phút chót vẫn không thông qua được. Lần đầu tiên trong lịch sử, hội nghị APEC Summit kết thúc mà không có tuyên bố chung. Theo Bonnie Glaser (chuyên gia CSIS) “đó là một hành động rất ngu xuẩn của Trung Quốc. Tất cả chúng ta đành phải kết luận là Trung Quốc sẽ làm mọi cách để tiếp tục các tập quán thương mại bất công”.
Trong cuộc đấu khẩu, Tập Cận Bình đã cảnh báo “bóng ma chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và chủ nghĩa đơn phương đang ám ảnh tăng trưởng toàn cầu”, khẳng định BRI là “một dự án mở rộng cho mọi nước tham gia, không phải là cái bẫy như một số người chụp mũ”, nhấn mạnh “lịch sử cho thấy đối đầu, dù dưới hình thức chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng hay chiến tranh thương mại, sẽ không mang tới chiến thắng cho ai cả”. Trong khi đó, Mike Pence cảnh báo “các nước không nên chấp nhận những khoản vay có nguy cơ xâm phạm chủ quyền”, và khẳng định “Mỹ không bao giờ ép buộc các nước khác phải chấp nhận “vành đai bóp nghẹt hay con đường một chiều” (constricting belt or a one-way road)”. Pence khuyên các nước “đừng chấp nhận loại nợ nước ngoài có thể làm tổn hại đến chủ quyền quốc gia. Hãy bảo vệ quyền lợi của quý vị. Hãy giữ gìn độc lập của quý vị, và cũng như Mỹ, hãy luôn luôn đặt đất nước của quý vị lên hàng đầu”. Pence còn đe dọa “Washington sẽ không chấm dứt việc áp thuế quan lên hàng nhập từ Trung Quốc chừng nào Bắc Kinh chưa thay đổi cách thức làm ăn”.
Kết quả APEC Summit 2018 tuy làm nhiều người thất vọng, nhưng không bất ngờ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung vẫn đang leo thang thành chiến tranh lạnh, và ông Trump sẵn sàng “xóa bàn cờ chơi lại” khi các định chế quốc tế (theo ông) không còn phù hợp với lợi ích của “nước Mỹ trước hết”. Có lẽ vì vậy nên ông Trump không đến dự, mà cử ông Pence thay mặt, đến để cãi nhau (vì vai trò phó tổng thống Mỹ là “bad cop”). Không chỉ ông Trump, mà còn nhiều người khác cũng coi vai trò của một số tổ chức quốc tế (như WTO, APEC, ASEAN) như các “câu lạc bộ tranh luận” (talk shop), nếu họ không cải tổ. Thất bại của APEC 2018 (tại Port Moresby) lặp lại thất bại của ASEAN 2012 (tại Phnom Penh).
Tại APEC Summit 2018, Mỹ và đồng minh không chỉ có đấu khẩu, mà họ còn cố thể hiện sức mạnh để phân hóa và lôi kéo đồng minh. Hầu hết các nước khu vực đều có khó khăn về tài chính và nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, nên họ khó cưỡng lại được sáng kiến BRI của Trung Quốc. Như người ta hay nói “có thực mới vực được đạo”, muốn cạnh tranh và đối trọng lại sức mạnh của Trung Quốc, điều đầu tiên là “tiền đâu” (show me your money). Tại APEC 2018, Mỹ, Nhật và Úc đã chính thức công bố kế hoạch hợp tác đóng góp vào quỹ tài trợ phát triển hạ tầng bền vững tại khu vực Indo-Pacific, như một giải pháp thay thế cho sáng kiến BRI của Trung Quốc. Trước mắt, Mỹ và Nhật đã thỏa thuận đóng góp 70 tỷ đô la, trong khi Úc tuyên bố sẽ đóng góp 1,46 tỷ đô la để đầu tư vào các dự án hạ tầng hàng đầu về viễn thông, năng lượng, vận tải, và nguồn nước, tại các nước thuộc khu vực Indo-Pacific. Tuy số tiền này còn khiêm tốn so với số tiền khổng lồ mà Trung Quốc cam kết đầu tư vào các dự án BRI, nhưng bản chất và triển vọng của hai sáng kiến này rất khác nhau.
Tuy các mô hình kinh tế do nhà nước chỉ đạo như mô hình của Tập Cận Bình có thể huy động được nguồn lực và tạo ra tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng không một mô hình nào như vậy có thể duy trì được tăng trưởng mãi mãi. Điều không may đối với Tập Cận Bình là ông lên cầm quyền khi chu kỳ tăng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sắp chấm dứt. Cuộc chiến thương mại mà Trump khởi xướng có thể làm rung chuyển nền kinh tế Trung Quốc vốn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu…Sức mạnh của Trung Quốc cũng là gót chân Asin của họ, một khi người dân Trung Quốc không chịu phục tùng. Theo Gordon Chang, kẻ thù thực sự của Trung Quốc không phải là Mỹ hay Nhật, mà chính là người Trung Quốc.
Scott Kennedy (chuyên gia tại CSIS) cho rằng thủ phạm của suy giảm kinh tế Trung Quốc là sự can thiệp rất lớn của nhà nước. Trong khi nhà nước “tiến lên” thì thị trường “thụt lùi”. Chu Tiểu Xuyên (đứng đầu ngân hàng trung ương Trung Quốc), đã cảnh báo rằng đất nước này đang tiến gần tới “điểm Minsky” khi tình trạng tích lũy nợ gia tăng và lúc đó giá trị tài sản sẽ sụp đổ. Theo ông Chu, nhà nước chỉ có thể trì hoãn cái mà các nhà kinh tế gọi là “sự điều chỉnh”. Nhưng bằng cách trì hoãn nó, người ta chỉ càng mở rộng thêm cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi, và “một khi cuộc khủng hoảng đó ập tới, nó sẽ chôn vùi Trung Quốc”.
(Còn tiếp)