Đọc báo Pháp – 20/12/2018
Pháp : “Áo Vàng” khiến chính phủ liên tục
trống đánh xuôi, kèn thổi ngược
Sự lúng túng và tự mâu thuẫn của chính phủ Pháp xung quanh các biện pháp đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng là chủ đề thời sự lớn trong nước của báo chí Pháp hôm nay, 20/12/2018. Chủ đề quốc tế hàng đầu là quyết định bất ngờ của tổng thống Mỹ rút quân sớm khỏi Syria.
Tờ thiên hữa Le Figaro chạy tựa trang nhất : « Chương trình ‘‘Áo Vàng’’ khiến hành pháp chao đảo ». Tựa lớn của báo thiên tả Libération là « Những kẻ học nghề », với hình hai lãnh đạo hành pháp, tổng thống Macron và thủ tướng Philippe. Cả hai tờ báo đều nhấn mạnh đến những trục trặc liên tục trong những ngày qua của chính quyền Pháp, với cặp bài trùng Emmanuel Macron và Edouard Philippe vốn lâu nay tỏ ra rất ăn ý.
Xã luận Le Figaro với tựa đề « Giữ lời » ghi nhận : « các tuyên bố của chính phủ để đáp ứng các yêu sách của phong trào Áo Vàng là khá rõ ràng – tăng lương tối thiểu 100 euro, ngân phiếu năng lượng, thỏa luận lớn trên toàn quốc… – nhưng khâu thực thi lại trở nên vô cùng phức tạp, quá tinh xảo – có thể là như vậy – đến mức không còn ai hiểu được nữa ». Theo Le Figaro, đa số cầm quyền đã có những phản ứng khó hiểu, cần phải theo dõi « gần như hàng giờ » thì mới có thể nắm rõ những diễn biến bất ngờ, từ hủy bỏ các biện pháp được đưa ra, đến đình chỉ, rồi lại phục hồi… Tình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược rõ ràng đến mức cho thấy có thể giữa hai lãnh đạo hành pháp, tổng thống và thủ tướng, đang có những bất đồng lớn.
Bốn trục trặc
Le Figaro điểm lại bốn trục trặc chính, kể từ khi chính phủ lên tiếng đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng. Thứ nhất là tuyên bố hoãn tăng thuế xăng dầu trong 6 tháng của thủ tướng, đưa ra hôm 4/12, Quốc Hội đang chuẩn bị bỏ phiếu. Đúng vào thời điểm đó, phủ tổng thống ra lệnh hủy bỏ hoàn toàn dự định tăng thuế trong năm 2019. Trả lời phỏng vấn ngày hôm sau, thủ tướng Philippe tuyên bố không hề có bất đồng với tổng thống.
Trục trặc thứ hai là lời hứa tăng lương 100 euro cho tất cả những người có thu nhập tối thiểu (SMIC) của tổng thống ngay từ năm 2019, hôm 10/2019. Nếu như đây được coi là một biện pháp mạnh, gây bất ngờ, của tổng thống, để trấn an công luận, thì ngay sau đó, công luận nhận ra rằng không phải tất cả mọi người có thu nhập tối thiểu đều được hưởng, và trên thực tế, đây không phải là biện pháp mới, mà thực chất chỉ là việc đẩy nhanh kế hoạch tăng tiền thưởng dự kiến rải ra trong suốt nhiệm kỳ 5 năm.
Một trục trặc khác mà Le Figaro nhấn mạnh là chủ đề di cư, được tổng thống Pháp tuyên bố như là một trong năm chủ đề thảo luận quốc gia chính, thậm chí đã được đưa vào văn bản trình bày trước Hội đồng Bộ trưởng hôm 12/12. Nhưng rốt cục « di cư » không còn là một chủ đề chính, mà được nhập vào chủ đề « nền dân chủ – tính công dân ». Bản thân lịch trình thảo luận cũng bị hoãn lại đến một tháng.
Trục trặc thứ tư vừa xảy ra hôm thứ Ba, 18/12. Phủ thủ tướng thông báo hủy bỏ hủy bỏ một phần các biện pháp hỗ trợ người dân trong vấn đề « thuế carbone vì sinh thái », đã được thông báo trong tháng 11, như mở rộng số lượng người được hưởng ngân phiếu năng lượng, hay tăng tiền thưởng cho những ai mua xe hơi chạy điện. Bị phản đối mạnh, ít giờ sau đó, phía thủ tướng tuyên bố lại duy trì các biện pháp vừa bị tuyên bố hủy.
Những người tập tọng nghề cứu hỏa
Báo Libération ngán ngẩm than : « Bất tài, làm việc tài tử, do dự, vô chính phủ, không có nghị lực… cái thế giới mà họ gọi là mới là như vậy đấy. Người ta đã tung hê giai tầng chính trị già nua, để rồi lại cũng làm như vậy, và thậm chí tồi tệ hơn ».
Xã luận Libération kết luận mỉa mai : « Sự thật là chính phủ này đang trong tình thế hoảng loạn. Họ đã làm bùng lên một đám cháy và không biết làm thế nào để dập được lửa, họ đã đổ hàng thùng nước lớn để dập lửa, để cuối cùng mới nhận ra là trong nước có cả dầu. Đây chính là số phận của những kẻ tập tọng học nghề cứu hỏa ».
Từ một góc nhìn khác, Le Figaro chỉ ra sự phản ứng khác thường của các nghị sĩ thuộc đa số cầm quyền, đảng Nước Cộng Hòa Tiến Bước (LaREM). Từ trước đến nay, các dân biểu của đảng này vốn bị chê trách là rất thụ động, chỉ làm theo các quyết định của tổng thống và chính phủ. Nhưng kể từ giờ, nhiều dân biểu của phe tổng thống, rút kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng Áo Vàng, đã tập hợp lại, để buộc chính phủ phải lắng nghe. Ba ngày sau Hồi 3 của Áo Vàng, chủ tịch nhóm dân biểu đảng LaREM đã triệu tập « cuộc họp cố vấn chính trị » đầu tiên, để thảo luận về khủng hoảng.
Cũng về cuộc khủng hoảng chính trị hiên nay tại Pháp, Le Monde có bài phân tích : « Nền đệ ngũ cộng hòa không có phương tiện để đáp ứng với các đòi hỏi của công dân », với nhận định : « Các định chế (của đệ ngũ cộng hòa) vốn được sử dụng làm lá chắn để bảo vệ tổng thống, nhưng chính chiếc lá chắn này đã tạo ra khoảng cách giữa tổng thống với các công dân và những người đại diện của họ ».
Syria : Quyết định rút quân
của tổng thống Trump bị lên án
Quyết đinh bất ngờ rút khỏi Syria của tổng thống Mỹ được hầu hết các báo Pháp hôm nay nói đến. Le Figaro ghi nhận quyết định rút quân nhanh chóng của tổng thống Mỹ, và vấn đề người Kurdistan bị bỏ qua.
Theo Le Figaro, quyết định triệt thoái quân Mỹ khỏi Syria đã được ứng cử viên tổng thống Trump đưa ra trong tranh cử. Giờ đâyDonald Trump không còn lắng nghe giới tướng lĩnh thân cận, những người đã từng khuyên ông không nên rút quân chừng nào chưa chiến thắng Daech hoàn toàn, ông Donald Trump tin tưởng là tổng thống Nhà Nước Hồi Giáo đã bị tiêu diệt. Le Figaro nhấn mạnh là tổng thống Trump giờ đây chỉ lắng nghe « bản năng của mình », cho dù lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo vẫn còn bám trụ được ở một số vùng đất nhỏ hẹp tại Syria.
Theo Le Figaro hiện chưa ra lý do cụ thể nào đã khiến tổng thống Mỹ bất ngờ quyết định rút 2.000 quân thuộc lực lượng đặc nhiệm, hiện đang hỗ trợ lực lượng Dân Chủ Kurdistan Syria chống Daech, tại miền đông bắc nước này. Các tướng lĩnh Hoa Kỳ sợ là người Kurdistan bị phản bội, bởi với quyết định rút quân Mỹ, lực lượng Kurdistan sẽ phải đối mặt trực tiếp với đe dọa từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi một số lực lượng Kurdistan tại Syria là khủng bố, và cáo buộc họ hỗ trợ phong trào Kurdistan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ vừa tỏ ý sẽ mua thêm nhiều tên lửa Patriot của Mỹ với tổng trị giá 3,5 tỉ đô la.
Libération dẫn lời của ông Charles Lister, giám đốc Chương trình chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, của Viện Trung Đông ở Washington, phản ứng ngay sau tuyên bố của tổng thống Mỹ. Theo vị chuyên gia này, thì quyết định rút quân nói trên là « thiển cận và ngây thơ ». Đối với các đồng minh của Hoa Kỳ cũng như đối với các đối thủ của Mỹ, quyết định rút quân này hoàn toàn không phải là hệ quả của một chiến thắng trước lực lượng Nhà Nước Hồi Giáo, mà đơn giản chỉ là một sự triệt thoái quân sự. Và trên bình diện địa chính trị, đây là một kịch bản mơ ước đối với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, Nga cũng như chế độ Assad, tất cả đều được hưởng lợi từ quyết định của Trump.
Về phần mình, báo Les Echos chỉ rõ quyết định rút quân của tổng thống Mỹ là kết quả của một « thỏa thuận » có đi có lại với Thổ Nhĩ Kỳ. Hôm thứ Sáu tuần trước, tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm với nguyên thủ Thổ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ mới đây tuyên bố dự định sẽ tiêu diệt toàn bộ lực lượng Kurdistan tại miền bắc Syria, cho dù lực lượng này chống Daech, với hậu thuẫn của Mỹ.
Liên Âu chuẩn bị đối phó với Brexit không thỏa thuận
Le Figaro cho hay, Ủy Ban Châu Âu hôm qua, 19/12, thông báo đã chuẩn bị 14 biện pháp đối phó với kịch bản Anh Quốc rời Liên Âu không thỏa thuận, trong bối cảnh Quốc Hội Anh đang phân hóa cao độ trong vấn đề này. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker dự báo, nếu xảy ra, đây sẽ là một thảm họa. Các biện pháp của Ủy Ban Châu Âu bao gồm hàng loạt lĩnh vực như tài chính, giao thông, thuế quan, chính sách khí hậu và di trú.
Facebook : Một quyết định
đe dọa tự do ngôn luận toàn cầu
Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Monde có bài « Khi Facebook áp đặt luật pháp của mình lên 2 tỉ dân mạng ». Người sáng lập Facebook Mark Zuckerberg hôm 15/12 thông báo sẽ thành lập một lực lượng 30.000 người có trách nhiệm loại trừ khỏi mạng xã hội này các nội dung gây tranh luận mạnh. Chính thông báo này đã gây lo ngại lớn. Le Monde nêu quan điểm của luật sư Benoit Huet, theo đó, loại « tòa án » mà Facebook đang tìm cách lập ra trên mạng xã hội này, để kiểm duyệt nội dung, có thể có một tác động lớn đến quyền tự do ngôn luận trên thế giới mạng nói chung.
Châu Âu lao vào cuộc đua ắc quy xe hơi điện
Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro có bài đáng chú ý : « Cuộc chiến xe hơi chạy điện : Châu Âu dấn thân vào cuộc chạy đua marathon toàn cầu về ắc quy ».
Maros Sefcovic, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, vừa khởi sự chương trình đầu tư lớn, được mệnh danh là « kế hoạch Airbus về ắc quy xe hơi » (đầu tư có thể lên tới 250 tỉ euro, từ nay đến 2025). Theo Le Figaro, quyết định của châu Âu tài trợ mạnh cho lĩnh vực chế tạo ắc quy, vừa được đưa ra, có ý nghĩa cực kỳ hệ trọng trong cuộc chiến xe hơi điện, nơi các nhà sản xuất châu Á đang dẫn đầu. Vì sao châu Âu lại đầu tư vào lĩnh vực trọng điểm này ?
Điều cơ bản là vì ắc quy xe hơi điện chiếm đến 40% giá trị của một chiếc xe. Hiện tại, châu Âu rất mạnh về động cơ và bộ phận kiểm soát tốc độ, nhưng lại yếu về ắc quy. Dự kiến đến năm 2025, bốn quốc gia chính trong lĩnh vực xe hơi điện, rất có thể trong đó sẽ có Nhật Bản, Hàn Quốc, và Trung Quốc (đang đứng đầu thị trường hiện nay), dự kiến sẽ chiếm hơn 71% thị trường xe hơi điện toàn cầu.
Chạy đua để không bị bỏ rơi trong cuộc chiến xe hơi điện cũng có ý nghĩa quan trọng, để giúp châu Âu có thể thực hiện được các mục tiêu giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, ngay tại chính châu lục. Hiện tại, Bruxelles đang đòi hỏi ngày càng khắt khe hơn về các tiêu chuẩn cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, chính vì vậy các nhà sản xuất sẽ buộc phải tăng tốc cuộc đua xe hơi điện.
http://vi.rfi.fr/phap/20181220-phap-ao-vang-khien-chinh-phu-lien-tuc-trong-danh-xuoi-ken-thoi-nguoc
Tin đọc nhanh
(Reuters) – Séoul muốn mở các cuộc tập trận cỡ “nhỏ” với Mỹ năm tới.
Bộ Quốc Phòng Hàn Quốc ngày 20/12/2018 để ngỏ cánh cửa mở các cuộc tập trận với Hoa Kỳ vào năm 2019, nhưng với quy mô nhỏ hơn. Tuyên bố nói trên được đưa ra sau khi vào tháng trước, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, James Mattis không loại trừ khả năng Washington và Seoul rà soát lại “quy mô của chiến dịch tập trận chung Foal Eagle, tránh để làm phương hại tới các hoạt động ngoại giao” giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
(AFP) – Bắc Triều Tiên đặt điều kiện với Mỹ về giải trừ hạt nhân.
Hãng tin KCNA của Bình Nhưỡng ngày 20/12/2018 cảnh báo rằng Bắc Triều Tiên cam kết phi hạt nhân hóa với điều kiện Mỹ “rút toàn bộ mọi đe dọa nguyên tử” trên bán đảo Triều Tiên và sẽ là một “ảo vọng” nếu nghĩ rằng Bình Nhưỡng sẽ “đơn phương từ bỏ vũ khí hạt nhân”. Lời cảnh cáo nói trên được đưa ra trong bối cảnh đàm phán về hạt nhân Bắc Triều Tiên bế tắc từ sau thượng đỉnh Donald Trump- Kim Jong Un tại Singapore hồi tháng 6/2018.
(AFP) – Pháp-Nhật : Cựu lãnh đạo Renault- Nissan – Mitsubishi hy vọng được trả tự do.
Sau đúng một tháng bị tạm giam, cựu lãnh đạo liên doanh Renault – Nissan – Mitsubishi, Carlos Ghosn hy vọng được đón lễ Giáng Sinh với gia đình. Một tòa án tại Tokyo ngày 19/12/2018 bất ngờ bác bỏ đề nghị của Viện Công Tố Nhật Bản đòi triển hạn lệnh tạm giam ông Carlos Ghosn. Với quyết định nói trên, doanh nhân người Pháp gốc Liban và Brazil này hy vọng được đoàn tụ với gia đình. Ông bị cáo buộc “quên” khai một khoản thu nhập 38 triệu euro với các giới chức tài chính Nhật Bản. Là người cứu hãng xe Nhật Nissan, ông Ghosn điều hành liên doanh Renault -Nissan từ năm 2000 và liên doanh này đã mua lại một phần Mitsubishi Motors năm 2016. Carlos Ghosn đã mất chức chủ tịch của hai tập đoàn xe hơi Nhật Bản là Nissan và Mitsubishi.
(AFP) – Bắc Kinh ra lệnh theo dõi một trí thức Úc trong thời gian ông này công tác tại Hồng Kông.
Giáo sư Kevin Carrico, giảng dậy tại Đại Học Macquarie –Sydney, ngày 20/12/2018 cho biết ông đã bị tờ Văn Hối Báo (Wen Wei Po) của Hồng Kông thân Bắc Kinh theo dõi “sát nút” trong vòng một tuần lễ. Tờ báo này sau đó đăng một loạt bài tố cáo giáo sư Carrico “bí mật tiếp xúc với các nhà ly khai” Hồng Kông. Nhà trí thức người Úc này lo ngại rằng dưới áp lực của Bắc Kinh, ông sẽ bị cấm cửa Hồng Kông. Đây là một dấu hiệu mới cho thấy Trung Quốc gia tăng kiểm soát đặc khu hành chính này, đe dọa mô hình “một đất nước hai chế độ”.
(Yonhap) – Hàn Quốc : Các nạn nhân lao động cưỡng bức thời Nhật Bản chiếm đóng, đòi chính phủ bồi thường.
Họ đòi trả cho họ số tiền mà chính quyền Nhật đã bồi hoàn hồi năm 1965. Hôm nay 20/12/2018, Hiệp Hội Nạn Nhân Chiến Tranh Thái Bình Dương tổ chức họp báo tại Seoul và thông báo tổng cộng 1.103 người đệ đơn khiếu kiện tập thể lên một tòa án ở thủ đô đòi chính phủ trả cho các nạn nhân và con cháu họ số tiền 300 triệu đô la mà chính phủ Nhật Bản đã bồi thường cho Seoul hồi năm 1965. Ngoài ra, các nạn nhân nạn nhân Hàn Quốc và gia đình họ cũng đệ đơn kiện 70 doanh nghiệp Nhật Bản có liên quan.
(AFP) – Thêm một công dân Canada bị bắt tại Trung Quốc.
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm nay 20/12/2018 cho biết cô Sarah Mclver bị bắt và tạm giam vì lao động bất hợp pháp tại Trung Quốc nhưng có thể chỉ bị xử phạt hành chính. Sarah Mclver bị công an địa phương chứ không phải An Ninh Nhà Nước Trung Quốc bắt giữ. Sarah Mclver là một giáo viên đến từ tỉnh Alberta miền tây Canada. Chính quyền Ottawa hôm qua xác định thông tin công dân Sarah Mclver bị Trung Quốc bắt, nhưng cho rằng vụ này không có liên quan đến vụ giám đốc tài chính Mạnh Vãn Châu của tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi bị bắt tại Canada.
(AFP) – Anh Quốc : Tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới có thể là giải pháp để tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng Brexit.
Bộ trưởng Lao Động Anh, Amber Rudd tối hôm qua 19/12/2018 phát biểu trên kênh truyền hình ITV như trên, đi ngược lại quan điểm của thủ tướng Anh. Thủ tướng Theresa May đã nhiều lần bác bỏ khả năng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit vì cho rằng điều này có nghĩa là chính quyền phản bội sự lựa chọn của người dân Anh Quốc.
(AFP) – Ngân Hàng Thế Giới : Tăng trưởng kinh tế 2019 của Trung Quốc sẽ đạt mức 6,2%.
Mức tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Trung Quốc sẽ chỉ đạt 6,2%, chủ yếu do tác động từ các căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ. Ngân Hàng Thế giới dự báo như trên, trong một báo cáo ra ngày hôm nay 20/12/2018. Mức tăng trưởng kinh tế dự báo cho năm 2018 vẫn được Ngân Hàng Thế Giới giữ nguyên ở tỉ lệ gần 6,5 % như đã dự báo hồi tháng Tư. Đây sẽ là tỉ lệ tăng trưởng thấp nhất của Trung Quốc từ 28 năm nay. Liên quan tới cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, hôm nay 20/12/2018, bộ Thương Mại Trung Quốc thông báo các cuộc đàm phán mới với Mỹ dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng Giêng 2019. Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc phát biểu là khả năng hợp tác của hai nước trong lĩnh vực thương mại quốc tế rất lớn và có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181220-tin-doc-nhanh