Đọc báo Pháp – 19/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 19/12/2018

Nhật Bản tăng cường tiềm lực quân sự

để đối phó Trung Quốc

Thu Hằng

Ngày 18/12/2018, chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch mua thêm trang thiết bị quân sự cho 5 năm tới và xác định những ưu tiên chiến lược cho 10 năm tiếp theo. Theo nhật báo Le Monde, « Nhật Bản trang bị khả năng quân sự phản công », trong đó « Nhật Bản giải ngân 210 tỉ để trang bị hai hàng không mẫu hạm », theo nhật báo kinh tế Les Echos, nhằm đối phó với những mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Trung Quốc, thậm chí cả từ Nga.

Về mặt vật chất, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ có thêm 105 chiến đấu cơ Mỹ F-35, phiên bản A và B, thay thế cho những chiếc F-15 đời cũ. Chưa dừng ở đó, Tokyo cho nâng cấp tầu chở trực thăng Izumo thành tầu sân bay, dù chính phủ Nhật sử dụng cụm từ tầu « đa chức năng », để có khả năng chứa chiến đấu cơ, cất cánh thẳng hoặc lấy đà ngắn. Đây sẽ là hàng không mẫu hạm đầu tiên của Nhật Bản kể từ sau Thế Chiến II, đồng thời chấm dứt « chính sách an ninh phòng thủ thời hậu chiến của Nhật Bản », theo đánh giá của nhật báo trung tả Asahi.

Một ưu tiên khác được nêu trong loạt kế hoạch mới được thông qua ngày 18/12/2018 là tăng cường khả năng trong các lĩnh vực không gian, chiến tranh mạng và chiến tranh điện tử, với việc thành lập một đơn vị quy tụ các lực lượng hải quân, bộ binh và không quân. Khả năng phòng thủ tên lửa được tăng cường với việc mua hai hệ thống chặn tên lửa Aegis Ashore của Mỹ.

Tại sao Nhật Bản tăng cường phương tiện phản ứng cho Lực lượng Phòng vệ ? Lý do thứ nhất, theo Le Monde, là để bảo vệ các đảo ngoài khơi, như quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc. Tháng 04/2018, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã giới thiệu đội tác chiến nhanh hỗn hợp thủy-lục quân đầu tiên. Đơn vị này có 2.100 quân, được thành lập theo mô hình của Hải Quân Mỹ và được các cố vấn Mỹ trợ giúp, có nhiệm vụ lấy lại những hòn đảo bị chiếm đóng.

Tiếp theo, Nhật Bản muốn phòng ngừa những mối đe dọa được nêu rõ trong Sách Trắng Quốc Phòng. Ngoài sự phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên, Tokyo còn nhấn mạnh đến « sự tăng cường đơn phương các hoạt động quân sự của Trung Quốc », đồng thời vẫn phải lưu ý đến ý đồ của Nga. Chỉ từ tháng 04 đến 06/2018, tổng cộng 271 lần máy bay Nga và Trung Quốc vi phạm không phận của Nhật, nhiều hơn 42 vụ so với cùng thời kỳ năm 2017.

Theo Le Monde, những hợp đồng mua vũ khí của Mỹ cũng nhằm làm hài lòng tổng thống Donald Trump, người luôn sẵn sàng quy trách nhiệm cho Nhật Bản trong thâm hụt thương mại của Mỹ. Thúc đẩy chuyển hóa quốc phòng cũng nhằm thỏa mãn mong muốn của thủ tướng Shinzo Abe biến Nhật Bản thành một « nước bình thường » về mặt quân sự.

Sau khi sửa đổi điều 9 của Hiến Pháp chủ hòa vào năm 2014, Nhật Bản có thể tham gia vào hệ thống phòng thủ tập thể. Năm 2015, một đạo luật được thông qua, cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật có thể can thiệp bên ngoài lãnh thổ để hỗ trợ các đồng mình, với một điều kiện là« sự sống còn của Nhật Bản bị đe dọa ».

Ngân sách quốc phòng của Nhật không ngừng gia tăng kể từ khi thủ tướng Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012 và đạt đến 41,3 tỉ euro cho năm 2019, tăng 2,1% trong vòng 1 năm, nhưng con số này vẫn thấp hơn 4 lần so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.

Trung Quốc trước những lựa chọn tế nhị

 do tăng trưởng chững lại

Thành quả kinh tế đưa hơn 740 triệu người Trung Quốc thoát nghèo có được « là nhờ chúng ta đi theo đường lối tập trung và thống nhất của đảng», với những phát biểu như vậy, « ông Tập Cận Bình tái khẳng định vai trò trọng tâm của đảng Cộng Sản Trung Quốc », theo nhật báo kinh tế Les Echos và « tái khẳng định quyền tối cao của đảng Cộng Sản Trung Quốc » theo Le Figaro.

Lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc cũng hứa tiếp tục theo đuổi chính sách mở cửa kinh tế, nhưng lại không đưa ra biện pháp cụ thể nào. Phát biểu này, theo nhật báo kinh tế Pháp, đã dội một gáo nước lạnh vào hy vọng của nhiều nhà phân tích và đầu tư, vẫn trông đợi vào những dấu hiệu cụ thể của chủ tịch Trung Quốc nhằm giảm bớt lo ngại liên quan đến căng thẳng thương mại và sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc.

Ngay sau lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện chính sách mở cửa, như thông lệ vào tháng 12, các nhà lãnh đạo chủ chốt của đảng Cộng Sản Trung Quốc họp kín trong hai ngày để định hướng những chính sách kinh tế và tài chính cho năm 2019. Nhật báo Les Echos nhận định : « Tăng trưởng chậm lại đặt Trung Quốc trước những lựa chọn tế nhị ». Một vài chỉ số thực tế được Les Echos nhắc lại : tăng trưởng quý 3 bị chậm lại (6,5%, mức thấp nhất từ năm 2009), lượng bán lẻ thấp nhất từ 15 năm qua, sản xuất công nghiệp cũng ở mức thấp nhất kể từ 3 năm gần đây, thị trường ô tô bị thu hẹp trong năm 2018…

Theo chuyên gia của tổ chức Eurasia, trong bối cảnh này, « vấn đề mấu chốt ở chỗ Bắc Kinh làm thế nào để cân đối giữa cam kết giảm rủi ro tài chính với nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng đang trượt dốc ». Chính quyền trung ương và địa phương bị giằng co giữa hai mục tiêu này. Để ngăn đà giảm tăng trưởng, Bắc Kinh đã tung ra một loạt biện pháp : nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm thuế 165 tỉ euro cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, khuyến khích tăng đầu tư cơ sở hạ tầng tại các địa phương… Tuy nhiên, tác động của những biện pháp này vẫn còn hạn chế.

Nhiều kinh tế gia và cố vấn chính phủ đề xuất Bắc Kinh hạ mức tăng trưởng, từ 6% đến 6,5% cho năm 2019 và ưu tiên cải cách. Mục tiêu tăng trưởng luôn là điểm quyết định trong chính sách kinh tế của Trung Quốc, tuy nhiên, chỉ số này sẽ không được công bố trước kỳ họp toàn thể của Quốc Hội vào tháng 03/2019.

Bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc,

Hoa Vi phản công

Hai tuần sau khi bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou), giám đốc tài chính tập đoàn Hoa Vi, bị bắt, lần đầu tiên, « từ trụ sở mới, Hoa Vi dàn dựng màn đáp trả quốc tế », theo thông tin của nhật báo kinh tế Les Echos.

Tập đoàn có 180.000 nhân viên tổ chức họp báo ngày 18/12/2018 tại thành phố Đông Quản (Dongguan, miền nam Trung Quốc) và khẳng định « không hề có bằng chứng về việc Hoa Vi đe dọa an ninh quốc gia của bất kỳ nước nào ». Theo Les Echos, không phải ngẫu nhiên mà Hoa Vi chọn Đông Quản vì tại đây, nhà cung cấp viễn thông Trung Quốc có khu công nghệ riêng có quy mô lớn và trở thành biểu tượng của Hoa Vi.

Nhiều số liệu về thành công của tập đoàn Trung Quốc cũng được công bố : lần đầu tiên kể từ khi thành lập cách đây 30 năm, doanh thu của Hoa Vi vượt ngưỡng 100 tỉ đô la trong năm 2018, 25 hợp đồng về mạng 5G đã được ký… Cuối cùng, Hoa Vi sẽ đầu tư 2 tỉ đô la trong lĩnh vực an ninh mạng trong vòng 5 năm. Một trung tâm dành cho lĩnh vực này sẽ được khánh thành trong quý I năm 2019 tại Bruxelles (Bỉ) để khách hàng có thể thử nghiệm trang thiết bị mới.

Mỹ khẳng định Nga can thiệp bầu cử tổng thống 2016

Hai báo cáo được trình lên Thượng Viện Mỹ ngày 17/12 khẳng định Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

« Can thiệp của Nga : phương pháp đánh lừa » là hàng tựa của Libération. Nhiều tập đoàn internet lớn đã bị sử dụng vào các chiến dịch có mục tiêu cụ thể, trong đó có việc ngăn cử tri da đen đi bỏ phiếu. Hai bản báo cáo còn nêu lên quy mô lớn chưa từng có của các chiến dịch trên và thủ thuật tinh xảo trong việc bóp méo thông tin qua mạng xã hội.

Internet Research Agency (IRA), do Evgeny Prigogine, một doanh nhân thân tổng thống Nga quản lý, bị chỉ đích danh là « nhà máy tung tin giả ». Khoảng 1.000 nhân viên được cơ quan này huy động vào việc mở và duy trì vài trăm tài khoản giả, mang danh tính của người Mỹ, để đăng nội dung trên các mạng xã hội có lợi cho đảng Cộng Hòa, đặc biệt là cho ứng viên Donald Trump, trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Theo Le Figaro, « Nga cũng khai thác mạng Instagram để gây ảnh hưởng đến bầu cử Mỹ 2016 ». Hai bản báo cáo nhấn mạnh : « Instagram là mạng hữu hiệu nhất của IRA và chắc chắn hiện vẫn là chiến trường quan trọng nhất đối với họ ».

Tổng thống Mỹ bị kẹt trong bức tường với Mêhicô

Vẫn liên quan đến Mỹ, xây bức tường ở biên giới với Mêhicô là lời hứa chắc như đinh đóng cột của nhà tỉ phú Mỹ Donald Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống năm 2016. Hai năm sau khi đắc cử tổng thống, chủ nhân Nhà Trắng vẫn chưa được Quốc Hội bật đèn xanh để giải ngân 5 tỉ đô la nhằm khởi động công trình này.

Theo Le Monde, do thiếu thỏa thuận về ngân sách của 9 trên 15 bộ, trong đó có bộ an ninh nội địa Mỹ, chịu trách nhiệm về đường biên giới, các bộ này có thể sẽ bị ngừng hoạt động kể từ ngày 21/12. Trước đó, ngày 13/12, phe đối lập đã phản đối nhu cầu và hiệu quả của bức tường biên giới và từ chối cấp 1,3 tỉ đô la để xây công trình này. Tuy nhiên, tổng thống Mỹ dọa khóa ngân sách liên bang nếu ông không nhận được tài chính để thực hiện dự án xây bức tường biên giới với Mêhicô.

Hiện tại, tổng thống Mỹ không có lợi thế do đa số ở Hạ Viện thuộc về đảng Dân Chủ. Dù đảng Cộng Hòa hơn một ghế ở Thượng Viện, dự án xây bức tường phải thu được nhiều hơn 9 phiếu.

Cuộc chiến tài chính để xây bức tường hiện cho thấy rõ những hạn chế trong phát ngôn của tổng thống Mỹ, trước hết là sự phi lý trong phát biểu « Mêhicô phải trả tiền xây bức tường ». Tuy nhiên, trên Twitter, tổng thống Mỹ trấn an rằng thỏa thuận tự do mậu dịch mới với Mêhicô và Canada « vô cùng có lợi » và vì thế với « số tiền mà chúng ta thu về được, Mêhicô trả giá ».

Trang nhất các nhật báo

Hệ quả của phong trào Áo Vàng tiếp tục là chủ đề chính trên trang nhất của các nhật báo Pháp. Theo Le Monde, « Cảnh sát tham gia phong trào phản đối » vì nhận thấy nhiều yêu sách của phong trào Áo Vàng cũng liên quan đến họ.

Các thị trưởng lên tuyến đầu trong « cuộc thảo luận toàn quốc », được Libération đánh giá là « Những người đầu tiên gánh vác trách nhiệm » sau khi tổng thống Pháp cầu cứu đến họ. Kéo dài ba tháng, kể từ đầu năm 2019, « cuộc thảo luận toàn quốc » sẽ đề cập đến nhiều chủ đề quan trọng : chuyển đổi năng lượng, thuế khóa, tổ chức Nhà nước và sự liên kết tốt hơn giữa công dân và các quyết định.

Nhờ tỉ lệ lạm phát thấp và các biện pháp nhượng bộ trước phong trào Áo Vàng của tổng thống Macron, « Sức mua tăng rõ nét vào năm tới », theo dự báo của Les Echos. Tuy nhiên, tăng trưởng của Pháp sẽ bị chững lại.

Le Figaro quan tâm đến « Cải cách trường trung học (cấp III) : Những ẩn số của một chương trình cải cách tham vọng », với việc xóa một số ban Văn học (L), Kinh tế và Xã hội (ES) và Khoa học (S).

Nhật báo Công Giáo La Croix đăng « những lời khuyên của giáo hoàng đến các chính trị gia »trong thông điệp được Vatican công bố ngày 18/12, nhân kỷ niệm lần thứ 52 Ngày Quốc tế vì Hòa Bình.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181219-nhat-ban-tang-suc-phan-cong-quan-su-de-doi-pho-trung-quoc

 

Tin đọc nhanh

(AFP) –Trung Quốc : Một giám mục bị người của giáo hội « chính thức » thay thế. 

Một vị giám mục trung thành với Roma ở Quảng Đông đã phải nhường chỗ cho một giám mục khác do Bắc Kinh và Tòa Thánh cùng công nhận. Thông tin do báo chí Hoa lục đưa ra hôm nay 19/12/2018 cho thấy thêm một dấu hiệu mới chứng tỏ Trung Quốc và Vatican đang xích lại gần nhau hơn.

(AFP) –Mỹ thành lập quân đội không gian, Trung Quốc phản đối. 

Sau khi tổng thống Donald Trump hôm qua loan báo việc thành lập một bộ chỉ huy quân sự phụ trách về không gian mang tên Spacecom, Bắc Kinh hôm nay 19/12/2018 phản đối việc « quân sự hóa » vũ trụ, « biến không gian thành chiến trường mới ».

NHK – Chiến hạm Nhật-Anh-Mỹ chuẩn bị tập trận trên Thái Bình Dương. 

Một hôm sau khi chính thức loan báo quyết định cải tiến các khu trục hạm chở trực thăng lớp Izumo thành tàu sân bay, mang theo chiến đấu cơ F-35B loại lên thẳng do Mỹ thiết kế, Lực Lượng Phòng Vệ Biển – tức Hải Quân – Nhật Bản ngày 19/12/2018 cho biết sẽ cử chiếc Izumo xuống Thái Bình Dương tham gia tập trận với Hải Quân Mỹ và Anh. Đây là một cuộc tập trân hải quân ba bên đầu tiên giữa Nhật Bản, Anh Quốc và Hoa Kỳ, nhằm thể hiện quan hệ đối tác chặt chẽ giữa ba nước trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tăng cường các hoạt động trên biển.

(AFP) – CPJ tố cáo tình trạng nhà báo giết hại bị gia tăng. 

Sau tổ chức Phóng Viện Không Biên Giới, đến lượt Ủy Ban Bảo Vệ các Nhà Báo (CPJ) hôm qua, 18/12/2019, tố cáo việc giới phóng viên bị tấn công ngày càng nhiều hơn thế giới. Tổng cộng có 53 phóng viên bị giết trên thế giới trong năm 2018 đang qua, so với 47 người hồi năm ngoái. Afghanistan bị coi là quốc gia nguy hiểm nhất với báo giới. CPJ nhấn mạnh đến vụ nhà báo Ả Rập Xê Út Khashoggi bị giết trong lãnh sự quán nước này ở Thổ Nhĩ Kỳ, như một trường hợp tiêu biểu.

 (AFP) – Bốn tổ chức nhân quyền kiện Pháp vì không tích cực chống biến đổi khí hậu. 

Quỹ vì Thiên nhiên và Con người, Greenpeace France, Notre Affaire à Tous và Oxfam France khởi sự hôm 17/12/2018, vụ kiện chống lại Nhà nước Pháp, bị xem là đã không hành động đủ để chống biến đổi khí hậu. Theo các tổ chức môi trường và nhân quyền nói trên, chính quyền đã không hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ an ninh, sức khỏe cho con người, theo Hiến pháp và Công Ước Nhân Quyền Châu Âu.

(Reuters) –Daesh hành quyết 700 tù nhân tại Syria. 

Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria (OSDH) hôm nay 19/12/2018 cho biết tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (IS, Daesh) trong hai tháng qua đã giết 700 tù nhân, trong số 1.350 thường dân và chiến binh bị bắt giữ ở Hajin, gần biên giới Irak. Theo Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), vẫn còn ít nhất 5.000 quân thánh chiến cố thủ tại khu vực này.

(Reuters) – Mỹ sẽ giảm nhẹ cấm vận Bắc Triều Tiên để giúp viện trợ nhân đạo. 

Đặc phái viên phụ trách chính sách Bắc Triều Tiên của Mỹ Stephen Biegun đã đến Hàn Quốc hôm nay, 19/12/2018 trong một chuyến thăm 4 ngày, nhằm phối hợp với Seoul trong việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Phát biểu ngay khi vừa đặt chân xuống Seoul, ông Biegun cho biết là phía Mỹ có kế hoạch xem xét lại lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng cũng như lệnh hạn chế người Mỹ đến Bắc Triều Tiên để giúp cho việc chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Bắc Triều Tiên được suôn sẻ.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181219-tin-doc-nhanh