Trung Cộng với Phi Châu và Mỹ Latin
Quí bạn đọc thân mến,
Cổ Tấn Tinh Châu
Trung Cộng hiện diện ở Phi Châu trong thời kỳ chiến tranh lạnh, thiết lập quan hệ ngoại giao và buôn bán với những nước ít được Mỹ hay Liên Xô để ý. Đến hôm nay cho phép Trung Cộng vừa có nguồn cung ứng dầu hỏa và tài nguyên, vừa có thị trường cho xuất khẩu công nghiệp.
Đã có trên 30% tổng số dầu mỏ Trung Cộng nhập là từ Phi Châu, chủ yếu từ Sudan, Angola, và Congo-Brazaville. Năm 2005 Trung Cộng nhập 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong đó khoảng 800 ngàn thùng là từ 3 nước nói trên. Hiện nay khoảng 40% các xí nghiệp dầu mỏ tại Phi Châu là của Trung Cộng.
Hai năm sau, sau khi Washington cắt bang giao với Sudan vì lý do vi phạm nhân quyền và sau khi các hãng dầu phương Tây rút ra khỏi Sudan, thì CNOOC và các xí nghiệp khác của Trung Quốc tràn vào.
Vì nguyên liệu và nhiên liệu và các lợi ích kinh tế khác Trung Cộng đã sẵn sàng ủng hộ các chính quyền độc tài và tàn bạo mà nhiều nước trên thế giới đã lên án. Quan hệ của Trung Cộng với các nước Phi Châu cũng đã giúp Trung Cộng rất lớn trên mặt trận ngoại giao trên thế giới vì các nước Phi Châu thường bỏ phiếu như là một khối trong các cơ quan quốc tế. Các nước Phi Châu đã ủng hộ Trung Cộng rất mạnh mẽ trong việc chống lại các nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc của một số nước phương Tây tố cáo Trung Cộng về vấn đề vi phạm nhân quyền.
Bắc Kinh trở thành nước cho các quốc gia Phi Châu vay nhiều nhất, khoảng 132 tỷ USD từ năm 2006 tới 2017. Theo số liệu thống kê, thì khoản tín dụng Bắc Kinh cấp cho châu lục này đã lên đến 140 tỷ đô la, kể từ năm 2000.
Đa số nước Phi Châu đánh giá cao đầu tư của TC ở khía cạnh tốc độ triển khai, lãi suất thấp, thời hạn trả nợ dài, không kèm theo ràng buộc về chính trị… Thống kê của Afrobarometer cho thấy 24% người dân Phi Châu đánh giá Trung Cộng là mô hình phù hợp nhứt cho phát triển kinh tế.
Phi Châu nằm trong chính sách đối ngoại năng động của các lãnh đạo ở Bắc Kinh, như là một lục địa chiến lược quan trọng đối với vận mệnh của Trung Cộng, an ninh và tương lai lâu dài của nước này.
Trung Cộng biết rằng lục địa Phi Châu có nguồn thiên phú về dân số, nguyên liệu, nhứt là các mỏ quặng hiếm, vai trò địa chiến lược liên quan đến cuộc chiến chống khủng bố, cũng như quan niệm được gần như tất cả mọi người chấp nhận, theo đó thế kỷ 21 sẽ không thể phát triển mà không có Phi Châu.
Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (Sipri), cho biết số lượng vũ khí mà Trung Cộng bán cho Phi Chậu đã tăng thêm 55% kể từ khi ông Tập Cận Bình lên giữ chức chủ tịch vào năm 2013.
Chưa có lúc nào đầu tư của Trung Cộng vào Phi Châu nhiều như lúc này. Sự hiện diện của Trung Cộng tại Phi Châu trong lĩnh vực kinh tế cũng như là quốc phòng ngày càng lớn. Dấu hiệu cho thấy có sự chuyển hướng trong chiến lược đối ngoại của Bắc Kinh đối với Phi Châu, đi từ hợp tác kinh tế sang thành đối tác chính trị, ngoại giao.
Trung Cộng hiện nay đang trong quá trình khẳng định vị thế cường quốc, Phi Châu quả thật là một trong những đồng minh mà Trung Cộng cần có bên cạnh. Bởi vì 54 quốc gia Phi Châu có thể luôn luôn ứng cứu Trung Cộng tại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.
Ngày 03/09/2018, Trung Cộng trải thảm đỏ đón 53 lãnh đạo Phi Châu đến dự thượng đỉnh « Diễn đàn hợp tác Trung Cộng – Phi Châu » lần thứ 7 tại Bắc Kinh. Tờ La Croix đặt câu hỏi « Liệu Trung Cộng có là cường quốc hàng đầu tại Phi Châu hay không ? »
Trả lời cho câu hỏi này, cả hai chuyên gia Jean-Joseph Boillot, Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Tế CEPII và ông Alain Antil, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp đều khẳng định là « Có ».
Phi Châu giờ không chỉ là nguồn cung cấp nguyên nhiên liệu mà còn là một « thiên đường » tiêu thụ các sản phẩm « Made in China » cho nhiều doanh nghiệp lớn chuyên cung ứng trang thiết bị và phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Cộng.
Hơn nữa, theo chuyên gia Boillot, trong cuộc đua này tại Phi Châu, rõ ràng phương Tây là kẻ thua cuộc. Hàng hóa phương Tây đắt hơn của Trung Quốc từ 3 đến 5 lần, trong khi mức hỗ trợ tài chính của Trung Cộng cho Phi Châu nhiều hơn của Ngân hàng Thế giới.
Le Figaro nhận xét « Trung Cộng mở rộng ảnh hưởng tại Phi Châu bằng các khoản đầu tư ». Chủ tịch Trung Cộng cam kết hỗ trợ thêm 60 tỷ đô la cho sự phát triển Phi Châu, trong đó có 15 tỷ cho vay không hoàn vốn và vay không lãi suất, đồng thời xóa bớt nợ cho nhiều nước Phi Châu đang gặp khó khăn.
Đối với các quốc gia Phi Châu, Trung Cộng là một đối tác thương mại lý tưởng vốn ít khi đặt điều kiện tiên quyết về mặt chính trị đối với những nước sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho họ và còn thường xuyên hậu thuẫn các nước này về mặt ngoại giao.
Theo một báo cáo do Fitch Ratings công bố: Xuất khẩu của Phi Châu sang Trung Cộng trong thập niên qua tăng hơn 3 lần, từ 100 tỷ USD lên 330 tỷ USD. Nhìn tổng thể, cán cân thương mại vẫn còn nghiêng về các nước Phi Châu bởi tính trung bình các nước này xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều hơn nhập khẩu.
Kimanula cho rằng, mối quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Cộng và Phi Châu lại xung đột trực tiếp tới lợi ích của Mỹ, quốc gia cũng đang phải đối mặt với những thách thức trong việc đa dạng hoá các nguồn dầu mỏ nhập khẩu của mình. Kimanula thừa nhận, cho dù nhìn nhận vấn đề đầu tư của Trung Cộng vào Phi Châu theo cách nào, thì đối với người dân lục địa này, sự trỗi dậy của Trung Cộng như một thế lực toàn cầu vẫn là điều tốt, giúp họ thoát ra khỏi quá khứ thuộc địa cay đắng.
Nhà nghiên cứu cao cấp Luke Patey thuộc Viện Nghiên cứu quốc tế Đan Mạch nói vài năm qua, việc Trung Cộng bán vũ khí cho Phi Châu đã qua mặt Mỹ, đặc biệt là vũ khí hạng nhẹ và vũ khí nhỏ được bán tràn lan, vì không như các nhà cung cấp phương Tây, Trung Cộng không bị cấm bán vũ khí cho các nước đang có chiến tranh.
Đầu tư trực tiếp của Trung Cộng vào các nước Phi Châu đã tăng từ mắc 1,44 tỷ USD năm 2009 lên hơn 2,5 tỷ USD năm 2012, với mức tăng trung bình hàng năm là 20,5%. Hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp Trung Cộng đang đầu tư tại các quốc gia ở Phi Châu.
Hàng chục năm qua, sự hiện diện của Trung Cộng ở Phi Châu chủ yếu là các hoạt động kinh tế, thương mại và gìn giữ hòa bình. Nay Bắc Kinh xây dựng kế hoạch lập quan hệ quân sự đáng kể để bảo vệ quyền lợi, tài sản tại lục địa này, cũng như để gieo tầm ảnh hưởng lớn hơn, nhằm thể hiện vai trò Trung Cộng phải lãnh đạo toàn cầu mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã yêu cầu.
Mỹ Latin
Trung Cộng đang mở rộng sự hiện diện ở Mỹ Latin để lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại, bên cạnh việc củng cố vị thế của mình tại khu vực này, Trung Cộng đang tìm cách trở thành một cường quốc lớn về không gian.
Việc Trung Cộng triển khai một cơ sở không gian tại Patagonia của Argentina cũng đang khiến Washington cảm thấy không hài lòng trong bối cảnh Bắc Kinh liên tục tăng cường sự hiện diện tại Mỹ Latin nơi từng được coi là sân sau của Mỹ.
Trong chiến lược của Bắc Kinh, lục địa này có một ý nghĩa về nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn. Gần đây, Mỹ đã “ngừng chú ý” đến Nam Mỹ, và Trung Cộng thấy cơ hội tận dụng điều này, ông Gustavo Cardozo lưu ý.
Bên cạnh đó, Trung Cộng cũng đang tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Ông đề cập đến thực tế rằng khu vực bao quanh trạm vũ trụ của Trung Cộng ở Patagonia được kiểm soát bởi quân đội Trung Cộng và “những người sống trong khu vực lân cận không được phép tiến vào lãnh thổ [của căn cứ]”.
Ngoại trưởng Muñoz nước Chile nhận định, Bắc Kinh đã mang tới hội nghị một thông điệp lớn về chủ nghĩa đa phương cũng như lời phản đối đanh thép chống chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Trong khi đó, ông Vương Nghị nhấn mạnh “mọi cánh cửa đều để mở cho phát triển hợp tác CELAC – Trung Cộng”, và tuyên bố mời 600 chính trị gia Mỹ Latin tới thăm Trung Cộng và cấp 6.000 học bổng cho các nước trong khu vực này nhằm thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau.
Trung Cộng đã trở thành đối tác lớn của Mỹ Latin, với trao đổi mậu dịch hai bên tăng từ hơn 12 tỷ USD năm 2000 lên gần 275 tỷ USD năm 2013, tức là tăng gần 22 lần, trong khi trao đổi thương mại giữa khu vực này với thế giới chỉ tăng 3 lần.
Bà Myers cho biết phản ứng của Washington cho thấy sự phai nhạt trong khu vực. Sự hiện diện và ảnh hưởng của Trung Cộng thực sự là đáng báo động cho Washington.
Mỹ đánh giá rằng những nỗ lực của Trung Cộng nhằm cô lập Đài Loan và kết nạp thêm những đồng minh mới ở Tây bán cầu – “sân sau” của Mỹ – là một mối đe dọa thực sự.
Việc Trung Cộng thành công khi gây áp lực khiến El Salvador quay lưng lại với Đài Loan để hướng về phía mình đã đẩy Mỹ lún sâu hơn vào một cuộc chơi chiến lược về địa- chính trị.
American Entreprise Institute nhận định rằng: “Học thuyết yêu nước của ông Trump đã gián tiếp làm giảm đi cái gọi là sức mạnh Mỹ. Nước Mỹ trở nên kém thu hút với các đồng minh và các đối tác tiềm năng”.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đã có những sự thay đổi về phía Mỹ. Chính quyền Tổng thống Trump dường như đang kín đáo móc hầu bao. Tháng 10 vừa qua, Mỹ đã lên kế hoạch lập một quỹ đầu tư 60 tỷ đô la dành cho các dự án phát triển ngang tầm với các dự án xây dựng các cơ sở hạ tầng và giao thông trong sáng kiến “Một vành đai – Một con đường” của Trung Cộng.
Giờ đây, chúng ta có thể nhận thấy qua thái độ của những nước như El Salvador. Họ phớt lờ yêu cầu của Mỹ để hướng về Trung Cộng.
Đối với Mỹ Latin, thực tế chuyến thăm của Trung Cộng và Nga đều nhằm thỏa mãn những nhu cầu của bản thân họ, mang đến cho châu lục này cái thiếu và lấy đi cái họ cần. Một cách ngoại giao khôn khéo và đầy lợi ích.
Giáo sư Kevin Gallagher thuộc đại học Boston cho biết: “Nếu Mỹ muốn lùi một bước khỏi châu Mỹ Latin, thì chắc chắn Trung Cộng sẽ tiến thêm một bước. Đó là một cơ hội trời cho để Trung Cộng tiếp tục gia tăng ảnh hưởng và tăng cường lợi ích kinh tế-thương mại tại khu vực đầy tiềm năng này”.
Cựu đại sứ Brazil tại Trung Cộng là ông Luiz Augusto Neves cho rằng: “Khi Âu Châu đang gia tăng xu hướng đóng cửa, Mỹ đang là một dấu hỏi, thì Trung Cộng hiển nhiên là một sự lựa chọn tốt hơn. Họ càng lúc càng giống những người chơi toàn cầu, trong khi các nền kinh tế khác thì ngày càng giống những nhà bảo hộ và kẻ gây hấn”.
Hôm Chúa Nhật vừa qua, 2/12/2018, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Tập Cận Bình đã có chuyến thăm chính thức Panama.
Có thể thấy rằng việc Trung Cộng “chiêu dụ” được Panama làm đồng minh là một thuận lợi cho sự thâm nhập vào khu vực Mỹ Latin, nơi mà trước giờ vốn do Hoa Kỳ ”làm chủ”. Ngoài Panama, các quốc gia Mỹ Latin khác đặc biệt ở Trung Mỹ và Nam Mỹ đã ngả về Trung Cộng như Cộng hòa Dominica và El Salvador; Các quốc gia khác như Guatemala, Honduras đang dần dần ngả về Trung Cộng.
Đây được xem là sự thách thức của Trung Cộng đối với Hoa Kỳ trong vài năm qua, làm dấy lên sự lo ngại của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng của Trung Cộng ở Mỹ Châu.
Chính sách mở rộng quyền lợi và rải tiền sang Phi Châu và Mỹ Latin thực sự là một sự thay đổi trong chiến lược kinh tế quốc tế của Bắc Kinh, đã gây áp lực lớn đối với Mỹ trong cuộc chiến thương mại, đã làm xuất hiện thêm hai mặt trận nửa với Trung – Mỹ.
Tháng 12-2018
Cổ Tấn Tinh Châu
Tham khảo:
Demain, la nouvelle Afrique : David H. Shinn and Joshua Eisenman
The Geopolitics of China’s rise in Latin America : Matt Ferchen