Tin khắp nơi – 16/12/2018
Bộ trưởng Nội vụ của Trump sẽ từ chức
giữa hàng loạt cuộc điều tra
Bộ trưởng Nội vụ Hoa Kỳ Ryan Zinke, người đã tìm cách mở các vùng biển ngoài khơi của Mỹ cho hoạt động khoan dầu khí bất chấp các cuộc biểu tình phản đối về môi trường, sẽ rời chức vào cuối năm nay, Tổng thống Donald Trump cho biết trên Twitter vào ngày thứ Bảy. Ông là quan chức cao cấp mới nhất rời một chính quyền thường xuyên chứng kiến những xáo trộn nhân sự trong hai năm qua.
Ông Trump không nêu lí do cho sự ra đi của ông Zinke. Tuy nhiên, cựu biệt kích Hải quân và cựu nghị sĩ bang Montana này đang đối mặt với nhiều cuộc điều tra về việc ông sử dụng các toán an ninh, các chuyến bay thuê bao và một thỏa thuận bất động sản.
“Ryan đã đạt được nhiều thành tựu trong nhiệm quyền của mình và tôi muốn cảm ơn ông ấy vì đã phụng sự Quốc gia của chúng ta,” ông Trump nói trên Twitter. “Chính quyền Trump sẽ loan báo bộ trưởng Nội vụ mới vào tuần sau,” ông nói thêm.
Ông Zinke điều hành Bộ Nội vụ Hoa Kỳ có nhiệm vụ quản lí và bảo tồn đất liên bang và tài nguyên thiên nhiên từ đầu năm 2017. Ông theo đuổi chủ trương của ông Trump là thúc đẩy hoạt động khoan dầu và khai thác than bằng cách mở rộng việc cho thuê đất liên bang, cắt giảm giá thuê sử dụng đất và nới lỏng các biện pháp bảo vệ đất.
Ông Zinke, 51 tuổi, là một trong số những thành viên nội các tích cực nhất của ông Trump. Ông quyết liệt thu hẹp quy mô các di tích hoang dã rộng lớn của quốc gia ở bang Utah và đề xuất cho khoan dầu ngoài khơi ở Bắc Cực, Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Ông trở thành con cưng của ngành năng lượng và khai khoáng ở Mỹ và là mục tiêu đả kích hàng đầu của những người chủ trương bảo tồn thiên nhiên và các tổ chức môi trường.
Vào tháng 7, Văn phòng Tổng Thanh tra Bộ Nội vụ bắt đầu điều tra một thỏa thuận đất đai ở Montana giữa một quỹ tài chính mà ông Zinke thành lập và một tổ chức phát triển bất động sản được tài trợ bởi chủ tịch công ty dịch vụ dầu mỏ Halliburton Co, có hoạt động kinh doanh với Bộ Nội vụ.
Vào cuối tháng 10, cuộc điều tra đó đã được chuyển sang Bộ Tư pháp Mỹ để điều tra hình sự khả dĩ, theo nhiều bản tin của giới truyền thông. Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ từ chối bình luận.
Có hai cuộc điều tra khác đang diễn tiến nhắm vào hành vi của ông Zinke. Cơ quan giám sát của Bộ Nội vụ đang xem xét liệu bộ này có cố tình vẽ lại ranh giới của Khu Di tích Quốc gia Grand Staircase-Escalante ở bang Utah theo một cách mà sẽ làm lợi cho một nhà lập pháp cấp bang sở hữu bất động sản liền kề hay không.
Cơ quan giám sát này cũng đang điều tra quyết định của ông Zinke chặn đề xuất xây sòng bạc được đệ trình bởi hai bộ lạc người Mỹ bản địa ở bang Connecticut. Những người chỉ trích nói rằng ông ra quyết định đó, bất chấp khuyến nghị của nhân viên của bộ, ngay sau khi gặp gỡ những người vận động hành lang cho MGM Resorts International, công ty sở hữu một sòng bạc mới trong khu vực này.
Ông Zinke đã nhiều lần phủ nhận mọi hành vi sai trái.
Trước đó, tổng thanh tra Bộ Nội vụ đã kết thúc hai cuộc điều tra khác liên quan đến chi phí đi lại của ông Zinke. Các cuộc điều tra xác định rằng một chuyến bay riêng tư trị giá 12.000 đôla mà ông sử dụng sau cuộc gặp gỡ một đội khúc côn cầu chuyên nghiệp lẽ ra có thể tránh được, và các toán an ninh mà ông mang theo khi đi chơi với gia đình ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ tiêu tốn 25.000 đôla.
Ông Zinke là quan chức cấp Nội các thứ chín phải rời nhiệm sở kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng hai năm trước.
Ông Mulvaney từng gọi TT Trump
là ‘con người tồi tệ’ hồi 2016
Người vừa được Tổng thống Donald Trump cử giữ chức quyền chánh văn phòng Nhà Trắng đã từng miêu tả ông là “một con người tồi tệ.”
Một video cho thấy ông Mick Mulvaney có những lời phát biểu coi thường ông Trump trong một cuộc tranh luận trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016.
“Vâng, tôi ủng hộ Donald Trump, nhưng tôi làm như vậy mặc dù tôi vẫn nghĩ rằng ông ấy là một con người tồi tệ,” ông Mulvaney nói.
Ông nói rằng đối thủ khi đó của ông Trump, bà Hillary Clinton, “cũng tồi tệ không kém”.
Vì sao Trump quyết tâm trục xuất người Việt tỵ nạn?
Cohen đổ lỗi cho ‘hành động bẩn thỉu’ của Trump
Chánh văn phòng John Kelly ‘sắp rời Nhà Trắng’
Ông Mulvaney, 51 tuổi, là cựu Nghị sỹ Cộng hòa và video mà tờ Daily Beast phát hiện được quay trong một cuộc tranh luận giữa ông và nghị sỹ Dân chủ Fran Person ở York, Nam Carolina.
Hiện ông Mulvaney là người đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB), và ông sẽ đảm nhận vị trí mới vào tháng 1/2019.
Bà Meghan Burris, người phát ngôn của OMB nói những lời phát biểu trên được đưa ra trước khi ông Mulvaney gặp Tổng thống Trump và chỉ là “tin cũ”, tờ New York Times đưa tin.
Bà Burris nói ông Mulvaney “vừa quý vừa tôn trọng ngài tổng thống, và ông thích được làm việc cho ông Trump.”
Hiện chưa có bình luận nào từ phía Nhà Trắng.
Một bài viết trên Facebook từ năm 2016 cũng được tìm lại, trong đó ông Mulvaney mô tả ông Trump là “một người không tốt,” đài NBC đưa tin.
Trong dòng trạng thái này, ông Mulvaney phản ứng khi một băng video từ năm 2005 được công bố, trong đó ông Trump có những phát biểu dâm ô về phụ nữ.
“Tôi nghĩ một điều mà tôi đã học được về Donald Trump trong chiến dịch này là ông ấy không phải là một người tốt,” ông Mulvaney viết trên Facebook. “Những gì ông ấy nói trong băng thu âm thật là ghê tởm và không thể bào chữa được. Tôi đoán là có thể ông ấy còn nói những điều tồi tệ hơn.”
Nhưng ông nói thêm: “Tôi quyết định rằng tôi không mấy ưa Donald Trump như một cá nhân. Nhưng tôi sẽ vẫn bỏ phiếu cho ông ta. Và tôi vẫn kêu gọi những người khác cũng làm vậy. Và có một lý do đơn giản của điều này: Hillary Clinton.”
Ông Mulvaney sẽ thay thế Tướng John Kelly, người sẽ thôi giữ chức chánh văn phòng Nhà Trắng vào cuối năm nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46584284
Sau vụ sỹ quan Trung Quốc kêu gọi
đâm chiến hạm Mỹ, chuyên gia đề xuất
tăng cường sức mạnh tàu sân bay Hoa Kỳ
Các chuyên gia nhận định Hoa Kỳ cần tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng và thực hiện các biện pháp khác để đối phó với những mối đe dọa từ các đối thủ như Trung Quốc.
Ông Jerry Hendrix, phó chủ tịch của Tập đoàn Telemus, một công ty tư vấn chuyên về dự báo và phân tích quốc phòng, đã cảnh báo về một cuộc xung đột tiềm tàng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, theo tạp chí National Defense.
“Chúng ta đang cạnh tranh với Trung Quốc. Nếu sắp có một cuộc chiến tranh tiếp theo, cuộc chiến đó sẽ diễn ra với Trung Quốc”, ông Hendrix cho biết trong một cuộc thảo luận ở Hội đồng Di sản hôm 11/12.
Ông cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc đã trở nên chính trị hơn và đang trở nên “bất ổn định hơn với mỗi ngày trôi qua”. Sau đó ông ám chỉ sự việc gần đây khi một sỹ quan Trung Quốc kêu gọi tấn công tàu chiến Mỹ đi qua vùng biển quốc tế trên Biển Đông.
Ông Dai Xu, đại tá cấp cao của Không quân Trung Quốc, chủ tịch Viện Hợp tác và An toàn Hàng hải, phát biểu tại một hội nghị do tờ báo Hoàn Cầu (Global Times) tổ chức: “Nếu tàu chiến Hoa Kỳ đột nhập vào vùng biển Trung Quốc một lần nữa, tôi đề nghị nên cử hai tàu chiến: một để ngăn chặn nó và một tàu khác để đâm thủng nó”.
Chiến lược quốc phòng của Hoa Kỳ, được phát hành đầu năm 2018, cũng xác định Trung Quốc là mối đe dọa ngày càng tăng, và đặt ra ưu tiên hàng đầu là chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc và Nga. Bản chiến lược viết: “Trung Quốc là một đối thủ chiến lược sử dụng kinh tế học cướp bóc để đe dọa các nước láng giềng trong khi quân sự hóa các tính năng ở Biển Đông”.
Điều đáng lo ngại là việc Bắc Kinh tăng cường phát triển tên lửa chống hạm và các vũ khí khác có thể đe dọa các tàu sân bay của Hoa Kỳ, theo ông Bryan Clark, một thành viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách.
Ông Hendrix đề xuất một số điều mà ông cho rằng cần thực hiện đối với các tàu sân bay Mỹ để chuẩn bị cho các cuộc xung đột trong tương lai. Nhận định các tàu sân bay là biểu tượng cho sức mạnh của Hoa Kỳ, ông Hendrix cho rằng cần triển khai các máy bay không người lái cho các pháo đài trên biển này.
Ông cho rằng ngành công nghiệp quốc phòng Hoa Kỳ phải phát triển hơn nữa để có thể sản xuất ra những chiếc tàu sân bay mới và cải thiện các tàu hiện có. Ông nói: “Chúng ta phải mở rộng cơ sở công nghiệp quốc phòng cả về sản xuất và về sửa chữa để có thể chế tạo tàu sân bay mới, đồng thời sửa chữa những chiếc bị hư hại”.
Hoa Kỳ có 11 tàu sân bay hiện đang phục vụ và hai tàu đang được xây dựng. Chiếc tàu sân bay mới nhất, USS John F. Kennedy, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2020, và USS Enterprise, dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2027.
Mỹ Ngăn Cản Đà TQ Bành Trướng
WASHINGTON/BEIJING — Chính phủ Mỹ đang ra sức ngăn chận sức bành trướng của Trung Quốc…
Bản tin NHK ghi rằng Mỹ muốn ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại châu Phi thông qua việc phát triển quan hệ kinh tế và bảo vệ lợi ích của Mỹ tại đây.
Trong bài phát biểu tại Washington hôm thứ Năm, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton đã tóm lược về chiến lược mới của Mỹ đối với châu Phi.
Ông Bolton nói Trung Quốc và Nga đang nhanh chóng gia tăng ảnh hưởng về tài chính và chính trị trên khắp châu Phi, và các nước này đang tập trung đầu tư mạnh một cách có chủ ý vào khu vực này nhằm giành được lợi thế cạnh tranh so với Mỹ.
Ông cáo buộc Trung Quốc thông qua hành động hối lộ, các thỏa thuận không rõ ràng và các khoản nợ để buộc các quốc gia châu Phi phải tuân theo các yêu cầu của Bắc Kinh.
NHK ghi lời Ông Bolton nói “các hành động bóc lột” của Trung Quốc và Nga cản trở sự phát triển kinh tế của châu lục này. Theo ông, kinh tế đình trệ đã khiến cho khủng bố gia tăng tại đây.
Về sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại châu Phi, ông Bolton cho biết Mỹ sẽ đánh giá lại hỗ trợ của Mỹ đối với sứ mệnh này. Ông nói Mỹ sẽ không tài trợ cho các hoạt động không đem lại kết quả.
Trong khi đó, một bản tin VOA ghi nhận rằng chính phủ Bắc Kinh dường như giảm nhẹ cường độ thúc đẩy chính sách công nghiệp ‘Made in China 2025’ vốn từ lâu đã là cái gai đối với Washington trong bối cảnh hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực làm giảm căng thẳng thương mại.
Trong một bản hướng dẫn mới cho chính quyền cơ sở, Bắc Kinh đã bỏ cụm từ ‘Made in China 2025’ – một sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và đã được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi được đưa ra hồi năm 2015.
Chiến lược này là cốt lõi trong mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050 và sẽ có khả năng cạnh tranh cao hơn trong những lĩnh vực như tự động hóa, máy bay và xe hơi năng lượng sạch.
Tuy nhiên, những nỗ lực công khai của Bắc Kinh sử dụng nguồn lực và sự hỗ trợ của nhà nước để thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước đã phát triển khiến phương Tây cảnh giác và phản ứng mạnh mẽ của chính quyền Mỹ.
Trong bản hướng dẫn chính quyền cơ sở vào năm 2016, Quốc vụ viện nói rằng các chính quyền địa phương nào thúc đẩy thực hiện chính sách ‘Made in China 2025’ trong khi vẫn khuyến khích tăng trưởng công nghiệp và nâng cấp khả năng sản xuất nên được ưu tiên hỗ trợ.
Trong bản hướng dẫn mới nhất do truyền thông Nhà nước Trung Quốc tường thuật hôm 12/12, cụm từ ‘Made in China 2025’ đã bị bỏ.
Bản tin VOA nhắc rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 12 đã đồng ý đình lại cuộc chiến thuế quan giữa hai nước trong vòng 90 ngày để tìm giải pháp cho tranh chấp thương mại giữa hai nước. Theo đó, Mỹ sẽ không tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trong bản hướng dẫn mới nhất cho chính quyền cơ sở, Quốc vụ viện cũng kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài.
Tờ Wall Street Journal hôm 12/12 đưa tin rằng Bắc Kinh có kế hoạch thay thế ‘Made in China 2025’ bằng một chính sách mới để làm giảm tham vọng của Bắc Kinh chiếm thế thượng phong trong ngành sản xuất và sẽ cởi mở hơn với sự tham gia của các công ty nước ngoài vào thị trường trong nước.
Cũng theo tờ báo này thì kế hoạch sẽ được thực thi vào đầu năm tới.
Cũng trong bản hướng dẫn này, Bắc Kinh cũng thay đổi các thứ tự ưu tiên để tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và xử lý ô nhiễm nguồn nước.
Các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ tập trung vào xây dựng đường sắt và đường bộ mới.
Quốc vụ viện sẽ dành sự hỗ trợ nhiều hơn cho các thành phố, nhất là các thành phố dựa vào các ngành công nghiệp cơ bản, để cải thiện môi trường.
https://vietbao.com/p114a288696/my-ngan-can-da-tq-banh-truong
Hàng Canada, Mỹ nguy cơ bị tẩy chay ở TQ
Nhà sản xuất áo khoác cao cấp Canada Goose dường như đang bị kẹt giữa căng thẳng chính trị hiện nay giữa Bắc Kinh và Ottawa.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, người tiêu dùng nước này đã bắt đầu tẩy chay các nhãn hàng của Canada, đặc biệt là Canada Goose. Động thái này được cho là nhằm đáp trả vụ Ottawa bắt bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính và cũng là con gái nhà sáng lập tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, hồi đầu tháng theo yêu cầu của Mỹ.
Tin tức về một làn sóng tẩy chay xuất hiện sau khi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt ngày 1/12 ở thành phố Vancover khi đang quá cảnh tại sân bay. Reuters dẫn tài liệu tòa án cho biết bà Mạnh, 46 tuổi, đối mặt với các cáo buộc của Mỹ rằng bà lừa dối các ngân hàng đa quốc gia về sự kiểm soát của Huawei đối với một công ty đang hoạt động ở Iran. Sự lừa dối này đã đặt các ngân hàng vào rủi ro vi phạm các lệnh cấm vận của Mỹ và phải chịu các hình phạt nghiêm khắc.
Giới chức Mỹ cho rằng, Huawei đang cố gắng sử dụng các ngân hàng đó để tuồn tiền ra ngoài Iran. Bà Mạnh có thể bị dẫn độ sang Mỹ để hầu tòa và đối mặt với mức án lên tới 30 năm tù. Hôm 11/12, nữ giám đốc tài chính Huawei đã được tòa án Canada cho đóng tiền bảo lãnh tại ngoại.
Theo tờ Hoàn cầu Thời báo, việc bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ “dường như đã kích hoạt một cuộc tẩy chay hàng hóa Canada… với Canada Goose bị tấn công đầu tiên”.
Đầu năm nay, Canada Goose thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động ở Trung Quốc, trong đó có việc thiết lập văn phòng khu vực ở Thượng Hải. Hãng đã mở một cửa hàng bán lẻ ở Hong Kong và một cửa hàng pop-up ở Bắc Kinh – với một quầy hàng thường trực sắp hiện diện.
“Tôi sẽ tẩy chay Canada Goose… bởi vì dù sao tôi cũng không đủ tiền mua sản phẩm đó”, một người sử dụng mạng Weibo bình luận. Một số khác cho biết, họ thà mua hàng hóa từ Bosideng – hãng sản xuất áo khoác của Trung Quốc với các sản phẩm rẻ hơn nhiều.
Sau phiên tòa cho phép bà Mạnh Vãn Chu bảo lãnh tại ngoại ở Vancouver tuần này, cổ phiếu của Canada Goose đã giảm mạnh, lao dốc gần 20% trong vòng 4 ngày. Trái lại, Bosideng chứng kiến giá cổ phiếu của hãng tăng vọt.
Ngoài hàng hóa Canada, người tiêu dùng Trung Quốc cũng quay lưng với hàng hóa Mỹ, đặc biệt là Apple, đối thủ chính của Huawei ở mảng smartphone. Nhiều người dùng Weibo lan tỏa thông tin từ các công ty địa phương tuyên bố nói Không với các sản phẩm Apple. Họ còn kháo nhau rằng, một số hãng ở Thâm Quyến thông báo hỗ trợ 15% chi phí mua điện thoại Huawei hoặc ZTE và phạt nặng, thậm chí sa thải nhân viên nào mua iPhone.
http://biendong.net/bi-n-nong/32-sukien/25292-hang-canada-my-nguy-co-bi-tay-chay-o-tq.html
Thắng lợi của ông Trump
khi TQ mua lượng lớn đậu nành Mỹ
Trung Quốc đã mua 1,13 triệu tấn đậu nành của Hoa Kỳ trong tuần này, một dấu hiệu cho thấy hai nước đang bắt đầu đạt được tiến bộ trong việc giảm bớt căng thẳng thương mại, theo Politico.
Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ hôm thứ Năm (13/12) đã thông báo con số này, trong khi dữ liệu lịch sử cho thấy đây là vụ bán đậu nành hàng ngày lớn thứ chín của Hoa Kỳ từ trước đến nay. Politico bình luận trong bài báo hôm thứ Năm rằng đây là một chiến thắng của Tổng thống Trump trong cuộc cạnh tranh thương mại với Trung Quốc.
Động thái này diễn ra chưa đầy hai tuần sau khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Buenos Aires, Argentina và đồng ý tạm ngừng chiến sự thương mại trong vòng 90 ngày. Là một phần của thỏa thuận ngừng chiến đó, Trung Quốc cho biết họ sẽ lập tức bắt đầu mua các sản phẩm nông nghiệp của Hoa Kỳ, vốn đã bị chậm lại đáng kể do căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế vào đầu năm nay.
Một số cố vấn hàng đầu của Tổng thống Trump cho rằng các giao dịch mua hàng tiềm năng là một dấu hiệu cho thấy liệu Bắc Kinh có tuân theo những cam kết mà họ đã thực hiện ở Argentina hay không.
Bản thân ông Trump cũng cho biết Trung Quốc sẽ mua lượng lớn nông sản từ Mỹ. Ông viết trên Twitter ngay sau cuộc họp với ông Tập: “Nông dân sẽ là người hưởng lợi rất LỚN và NHANH CHÓNG trong thỏa thuận của chúng tôi với Trung Quốc.”
“Chúng ta tạo ra sản phẩm tốt nhất và sạch nhất trên thế giới, và đó là những gì Trung Quốc muốn”, ông viết thêm. “Những người nông dân, tôi yêu các bạn!”
http://biendong.net/bien-dong/25289-thang-loi-cua-ong-trump-khi-tq-mua-luong-lon-dau-nanh-my.html
Các nước đồng thuận về thực thi Thỏa thuận Paris
Matt McGrathEnvironment correspondent
Các nhà đàm phán ở Hội nghị Khí hậu COP24 tại Ba Lan cuối cùng nhất trí về các biện pháp để thực thi Hiệp định khí hậu Paris vào năm 2020.
Cuộc tranh cãi vào phút cuối về thị trường carbon có nguy cơ làm hỏng cuộc họp – và trì hoãn nó một ngày.
Bloomberg chi 4,5 triệu đôla cho Thỏa thuận Paris
Biến đổi khí hậu ‘tác động nhiều đến phụ nữ’
Mỹ bác tin đổi chiều về Thỏa thuận Paris
Merkel ‘đối đầu’ Trump vì vấn đề khí hậu
Các đại biểu tin rằng các quy tắc mới sẽ đảm bảo rằng các quốc gia giữ lời hứa cắt giảm carbon.
Thỏa thuận Katowice nhằm cung cấp các mục tiêu của Hiệp định Paris về việc hạn chế nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C.
Michal Kurtyka, chủ tịch hội nghị COP24, nói: “Đó là một chặng đường dài. Chúng tôi cố gắng hết sức để không có ai bị bỏ lại phía sau.”
Quy tắc chung dự kiến xem xét tính linh hoạt cho các quốc gia nghèo hơn.
Các nước đang phát triển mong muốn có sự công nhận và bồi thường do ảnh hưởng của nhiệt độ tăng.
Ý tưởng chịu trách nhiệm pháp lý về việc gây ra biến đổi khí hậu từ lâu đã bị các quốc gia giàu có bác bỏ vì các nước này lo ngại các khoản bồi hoàn lớn trong tương lai.
Cuối tuần trước, các nhà khoa học và đại biểu đã bị sốc khi Mỹ, Ả rập Saudi, Nga và Kuwait phản đối cuộc họp “chào mừng” một báo cáo gần đây của Liên Hiệp Quốc về việc giữ nhiệt độ toàn cầu tăng trong mức giới hạn 1,5 độ C.
Báo cáo cho biết thế giới hiện đang hướng tới mức tăng 3 độ C trong thế kỷ này.
Và để giữ mục tiêu trước đó thì sẽ cần “những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội”.
Đại diện từ 196 quốc gia tham gia cuộc hội đàm. Họ cố gắng giải quyết một loạt câu hỏi khó về quy tắc của Hiệp định Paris.
Hồi tháng 4/2018, cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg nói ông sẽ tài trợ 4,5 triệu đôla thay cho cam kết tài chính của Mỹ đã hết hiệu lực đối với hiệp ước khí hậu Paris.
Ông nói mình có trách nhiệm giúp cải thiện môi trường sau quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận.
Việc Mỹ rút lui được công bố vào tháng 6/2017 và bị quốc tế lên án.
Thỏa thuận Paris: TQ và EU khước từ Trump
Thỏa thuận Paris đưa ra cam kết chính phủ Mỹ và 187 nước khác đồng ý giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng không quá 2 độ C so với mức nhiệt độ của thời tiền công nghiệp, và sẽ tốt hơn nếu mức tăng chỉ 1,5 độ C.
“Mỹ đã cam kết và, là một công dân Mỹ, nếu chính phủ sẽ không làm điều đó thì tất cả chúng ta đều có trách nhiệm”, ông Bloomberg nói trên kênh CBS.
“Tôi có khả năng làm điều đó. Vì vậy, tôi sẽ gửi cho họ một tấm séc cho các khoản mà Mỹ đã cam kết với tổ chức này như thể họ nhận được từ chính phủ liên bang.”
Quỹ từ thiện của ông, Bloomberg Philanthropies, từng cung cấp 15 triệu đôla để bù đắp cho một khoản thâm hụt về biến đổi khí hậu năm ngoái.
Họ cho biết khoản tiền sẽ được chuyển đến Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC).
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46548667
Vì sao NATO và Ukraine không dám tấn công Nga?
Phương tiện truyền thông Ukraine nói rằng, quân đội Ukraine và NATO không dám tấn công Nga vì lo ngại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở khu vực biển Azov vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí nhiều nguồn tin cho biết rằng lực lượng hải quân NATO và Mỹ đang có ý định tiến vào khu vực này.
Tuy nhiên cổng thông tin Fakty.ua cho rằng, cả Ukraine và NATO sẽ phải cân nhắc rất cẩn thận vì chỉ cần manh động họ sẽ nhận hậu quả thích đáng.
Như đã biết, trong bối cảnh tình hình giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng hơn và tiềm ẩn nguy cơ xung đột, phía Nga đã tiếp tục tăng cường tới Crimea thêm một sư đoàn tên lửa phòng không S-400.
Nguồn tin này nói rằng, các hệ thống của Nga bao phủ một vùng rộng lớn của châu Âu. Vì vậy họ sẵn sàng tần công đáp trả ở nhiều nước châu Âu.
Nhờ sức mạnh của các lực lượng ở Crimea hiện nay Nga đã và đang thực hiện hai chiến lược.
Thứ nhất Nga muốn thiết lập vùng cấm bay ở trên biển Baltic, biển Đen và thậm chí ở Bắc Cực.
Điều này cho phép họ sử dụng các tổ hợp tên lửa, các hệ thống phòng không, bao gồm cả hệ thống S-400 với loại tên lửa mới 40H6E đóng của hoàn toàn không phận khu vực này, kiểm soát hàng không trên biển với bán kính kiểm soát khoảng 400 km.
Trong trường hợp này Nga sẽ kiểm soát không phận một phần khu vực của Ukraine, bao gồm cả Donbass, một phần của Bulgaria, một phần của Romania, phía bắc Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như gần như toàn bộ lãnh thổ Cộng hòa Moldova.
Thứ hai là việc Nga sẽ tiếp tục triển khai tên lửa hành trình trên biển. Các chuyên gia tin rằng, nếu Nga triển khai tên lửa hành trình ở biển Đen, chúng có thể tấn công bất kỳ mục tiêu nào ở Đông Âu và một số khu vực khác, bao gồm Ba Lan, Đức, Slovakia, Cộng hòa Séc, Romania, Bulgaria.
Như đã biết trong vài năm trở lại đây Nga tích cực tiến hành các cuộc tập trận và chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng tấn công đối phương.
Hiện nay Nga tiếp tục tăng cường sự hiện diện của quân đội không chỉ dọc biên giới với Ukraine mà còn ở biển Đen, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các quốc gia quanh khu vực biển Đen.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Stepan Poltorak ngày 07/12 tuyên bố rằng, họ không loại trừ sự xâm lược toàn diện của Nga đối với nước này.
Theo nhà lãnh đạo Quân đội Ukraine, Nga đã huy động một lực lượng khổng lồ gần 100.000 quân trên đường biên giới với Ukraine, bao gồm 26 nhóm chiến thuật và đang huy động thêm ba nhóm và 29 tiểu đoàn khác.
Nga cũng đã huy động một số dự trữ bảo đảm chiến tranh nhất định như đạn dược, nhiên liệu và thực phẩm, đủ để phát động sự xâm lược quân sự quy mô lớn vào lãnh thổ Ukraine.
Căng thẳng giữa Nga và Ukraine trở nên căng thẳng sau khi Ukraine bắt tàu cá Nga trên biển Azov, và đạt đỉnh điểm sau khi Hải quân Nga sử dụng vũ khí bắt giữ ba tàu của Hải quân Ukraine mang tên Berdyansk, Nikopol và Yana Kapa.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25282-vi-sao-nato-va-ukraine-khong-dam-tan-cong-nga.html
Ai đặt hàng cuộc ‘cách mạng màu sắc’ ở Pháp?
Có lẽ tất cả điều này chỉ là các sự trùng hợp ngẫu nhiên, tuy nhiên, vẫn có cơ sở để chúng ta có những nghi ngờ về giả thiết…
Biểu tình ở Pháp có dấu ấn Nga?
Dư luận cho rằng bất bình trước việc chính quyền Paris tăng thuế nhiên liệu từ ngày 1 tháng 1 năm 2019 và tiếp đó là tăng giá xăng, người dân Pháp đã xuống đường tham gia hoạt động phản đối trên toàn quốc từ ngày 17 tháng 11.
Phong trào phản đối mang tên gọi “Áo ghi lê vàng” vì thành phần cơ bản ban đầu gồm các tài xế mặc đồng phục làm việc là áo gile màu vàng. Yêu sách chính ban đầu của phong trào “Áo ghi lê vàng” là giảm giá xăng. Tuy nhiên, sau đó, những người tham gia biểu tình lưu ý rằng, họ chống lại tất cả các loại thuế mới liên tục ban hành trong nước.
Cuộc biểu tình đã có những biến chuyển không thể lường trước được khi từ biểu tình hòa bình ban đầu đã leo thang thành biểu tình bạo loạn, đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát, đốt xe ô tô, đập phá các cửa hiệu và ngân hàng, thậm chí đã xuất hiện những người cố ý mang theo hung khí.
Trong quá trình biểu tình phản đối, cảnh sát Pháp đã sử dụng vòi rồng, bình xịt hơi cay, lựu đạn khói và các công cụ trấn áp người biểu tình. Do những nguyên nhân khác nhau, đã có 4 người chết và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.
Kênh truyền hình BFMTV đưa tin, dẫn nguồn là Bộ trưởng Nội vụ Pháp Christophe Castaner cho biết, tính đến ngày 09/12, số lượng những người biểu tình của phong trào “áo ghi lê vàng” bị bắt giữ đã lên tới con số 1723.
Trong một bài viết của tác giả trang blog Ivan Danilov trên trang web của hãng thông tấn Nga Sputnik cho biết, những dự báo mỉa mai của người dùng mạng xã hội Nga đã trở thành hiện thực: Trong sự kiện “Maidan của Paris”, người ta đã tìm thấy “dấu vết Nga” nhưng thực ra những chi tiết của “bàn tay đen Mỹ” còn nhiều hơn.
Không thể phủ nhận rằng, trong tương lai luận thuyết về việc “bộ máy tuyên truyền của Nga” đã truyền cảm hứng cho cuộc bạo loạn ở Paris sẽ không chỉ trở nên cực kỳ phổ biến trên các phương tiện truyền thông châu Âu và Mỹ, mà còn sẽ tạo cái cớ để áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga.
Câu giả định này ngày càng trở thành thực tế sau khi Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói với các nhà báo rằng, Tổng Thư ký Quốc phòng và An ninh Pháp đang điều tra thông tin về việc Nga có liên quan đến các cuộc biểu tình của phong trào “áo gile vàng”:
“Tôi biết về những tin đồn như vậy… Chúng ta nên chờ đợi kết quả điều tra. Tôi sẽ không phán xét chừng nào chưa làm sáng tỏ sự thật” – ông Le Drian nói.
Những dấu hiệu…
Mặt khác, nếu không chú ý đến cơn cuồng loạn thường kỳ chống lại Nga, thì có thể nói rằng, ở Paris đang diễn ra một cuộc thí nghiệm chính trị-xã học độc đáo: Liệu đây có phải là một cuộc cách mạng sắc màu hay không? Và nếu nó không nhận được sự ủng hộ của bộ máy chính trị châu Âu thì từ đâu?
Ai dat hang cuoc ‘cach mang mau sac’ o Phap?
Cảnh sát chống bạo động Paris huy động chó nghiệp vụ, vòi phun nước, hơn cay và lựu đạn khói để dẹp người biểu tình
Cho đến nay câu trả lời phổ biến nhất là: Không, không thể, nhưng trong trường hợp của Pháp, kết quả cuối cùng vẫn còn rất xa mới nhìn thấy được.
Trong khi luận thuyết về sự can thiệp của Nga dễ dàng được chấp nhận thì những giả thuyết của những nhà bình luận và nhà phân tích về “dấu chân” của Trump” trong các sự kiện ở Pháp và khả năng các sự kiện đó có liên quan đến những lợi ích mang màu sắc địa chính trị, đều bị chế giễu vì thuyết âm mưu.
Tuy nhiên, có những người tin vào chuỗi sự trùng hợp như sau: Trong thời gian qua, Tổng thống Pháp Macron đã tuyên bố về sự cần thiết phải tạo ra một “quân đội chung châu Âu”, để châu Âu tuyên bố độc lập khỏi Hoa Kỳ.
Ông Macron cũng thể hiện sự sẵn sàng đấu tranh đến cùng chống Mỹ trong cuộc chiến thương mại, đồng thời cố gắng tạo ra một cơ chế né tranh các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống Iran và ủng hộ việc giảm các giao dịch bằng đồng dollars Mỹ trong hệ thống tài chính châu Âu và toàn cầu.
Và đột nhiên, ở Pháp bất ngờ bùng nổ một “cuộc cách mạng màu sắc” với các đặc trưng dễ nhận biết của nó: Có sự phối hợp thông qua các mạng xã hội, có nhưng học sinh nhảy múa và những nhạc sĩ biểu diễn cho những người biểu tình trước mặt “cảnh sát đằng đắng sát khí” và thậm chí cả những cảnh video ghi lại cảnh sát đánh đập những người biểu tình là trẻ em.
Thế nhưng, có những “sự trùng hợp” khác đáng sợ hơn.
Thứ nhất là trong khi bạo loạn nổ ra ở Pháp thì Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đặt điều kiện cho Tổng thống Pháp thông qua Twitter rằng: Macron phải đồng ý trả 2% GDP để tài trợ cho Quân đội Hoa Kỳ và phải từ bỏ Hiệp ước Paris về Biến đổi khí hậu.
Thứ hai là Tổng thống Mỹ đã cómột hành động không đẹp với người đồng cấp đồng minh. Ông Trump đã nhấn mạnh rằng những người biểu tình ở Paris đang hô vang khẩu hiệu: “Chúng tôi muốn Trump!”. Liệu niềm tin của người Pháp vào Tổng thống Mỹ chỉ là một sự trùng hợp?
Thứ ba là, sự trùng hợp ngẫu nhiên là việc Steve Bannon, nhà tư vấn chính trị của Tổng thống Mỹ, người đã điều hành chiến dịch tranh cử của ông Trump, đồng thời là một chuyên gia về các tổ chức chính trị “hoạt động ngầm”, hiện đang ở châu Âu với mục đích tạo ra một phong trào chính trị ủng hộ Trump. Và trong một phát biểu tại Brussels, Bannon đã nói rằng, những người đang biểu tình ở Pháp là “những cử tri đã bầu Trump”.
Xin nhắc lại rằng, có lẽ tất cả điều này chỉ là các sự trùng hợp ngẫu nhiên, tuy nhiên, vẫn có cơ sở để chúng ta có những nghi ngờ về giả thiết rằng, ông Macron chỉ đơn giản là không gặp may và tình trạng bất ổn ở Pháp “không có sự can thiệp nào từ bên ngoài”.
Lực lượng an ninh Pháp bắt giữ một người thuộc phong trào áo gilê vàng
Áo gile vàng không thể là phong trào tự phát
Tất cả những điều nói trên không có nghĩa là làn sóng biểu tình không có các nguyên nhân trực tiếp. Ngược lại, bất kỳ sách giáo khoa nào về đảo chính, ví dụ như cuốn sách nổi tiếng của nhà khoa học chính trị Mỹ Edward Luttwak mang tên “Cuộc đảo chính. Hướng dẫn thực hiện”, đều khuyến nghị các nhà tổ chức và các nhà tài trợ cuộc đảo chính nên sử dụng các vấn đề và mâu thuẫn hiện có trong nước.
Xét theo thực tế rằng những cuộc biểu tình của “áo gile vàng” đã lan sang cả Bỉ và Hà Lan, chúng ta có thể rút ra kết luận rằng không chỉ Pháp, mà toàn bộ châu Âu, kể cả những nước thịnh vượng nhất, hiện đang phải đối mặt cuộc khủng hoảng xã hội có hệ thống, do đó các quốc gia châu Âu dễ bị tổn thương bởi những biến động xã hội như vậy.
Trong nhiều năm liền châu Âu đã né tránh nó, sự kiện kiểu Maidan và cuộc nội chiến, nhưng, bây giờ thời đại bình yên đã qua, ờ châu Âu hiện có quá nhiều mâu thuẫn xã hội, và hệ thống chính trị rõ ràng chưa có đủ khả năng đáp ứng đầy đủ các thách thức của xã hội, có nghĩa là sớm hay muộn tại nhiều thủ đô châu Âu có thể xảy ra những sự kiện như ngày nay ở Paris.
Đối với Pháp, đa phần người dân nước này không hài lòng, nền kinh tế nước này đang gặp phải những vấn đề nghiêm trọng, người Pháp phải đóng thuế rất cao, giá nhiên liệu diesel ngay cả sau khi bãi bỏ thuế Macron là khoảng 1,4 euro/lít (theo GlobalPetrol) và nhiều người Pháp bực mình vì thái độ kiêu ngạo của vị Tổng thống, cùng với những chính sách thiên vị người giàu của ông.
Cuộc biểu tình của áo gilê vàng rất giống với Maidan Ukraine năm 2014
Trong điều kiện này, dễ hiểu tại sao tham gia các cuộc biểu tình có những người từ các tầng lớp xã hội rất khác nhau, họ đưa ra những yêu cầu rất khác nhau, đôi khi xung khắc nhau và cũng dễ hiểu tại sao, những người biểu tình nhận được sự ủng hộ rộng rãi (theo các cuộc thăm dò gần đây, hơn 70% người Pháp ủng hộ phong trào “áo gile vàng”).
Nhưng sự ủng hộ này dựa trên một chương trình nghị sự tiêu cực, tức là, phần lớn người Pháp muốn để Điện Elysee nhận thức được rằng, chính sách của chính phủ Pháp và bản thân ông Macron đang gây ra sự phản đối.
Hơn thế nữa, phong trào này không đề xuất một nhân vật chính trị nào để đóng vai trò lãnh đạo. Liệu có một cuộc biểu tình lớn nào lại không có lãnh tụ hay không? Làm cách nào để đám đông hỗn loạn duy trì được sự tổ chức, sự thống nhất trong bối cảnh bị cảnh sát đàn áp?
Những người biểu tình cũng kiên quyết ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của những chính trị gia cực đoan và cấp tiến nhất hòa nhập vào phong trào này, do đó, suốt từ khi bạo loạn nổ ra đến nay, chính quyền Paris không biết phải đàm phán với ai để chấm dứt biểu tình.
Điều đó có thể là một dấu hiệu cho thấy rằng, ngay từ đầu những cuộc biểu tình chỉ đóng vai trò chiếc búa đập vào nước Pháp, vào nền kinh tế và hệ thống chính trị của Pháp.
Rất có thể người đặt hàng “cuộc cách mạng màu sắc” không cần bất kỳ cải cách nào và không quan tâm đến nguyện vọng của người dân thường.
Sự tức giận và kỳ vọng của người dân Pháp vào tương lai tốt hơn chỉ được sử dụng để chống phá nhà nước của họ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25281-ai-dat-hang-cuoc-cach-mang-mau-sac-o-phap.html
Biểu tình Áo Vàng ở Pháp:
Số người tham gia “hồi V” giảm mạnh
Ngày thứ Bảy 15/12/2018 là lần thứ năm mà phong trào Áo Vàng kêu gọi biểu tình tại Paris và trên toàn quốc. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chính quyền, số người tham gia biểu tình đã giảm mạnh so với tuần lễ trước đó, đặc biệt là ở thủ đô Paris.
Theo bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner vào 19h hôm qua, chỉ có khoảng 66.000 người tham gia biểu tình trên cả nước vào lúc cao điểm nhất, giảm một nửa so với con số 126.000 người hôm thứ Bảy 08/12.
Số lượng và mức độ nghiêm trọng của các vụ bạo động, đập phá, cũng giảm nhiều so với tuần trước đó.
Riêng tại Paris, theo sở Cảnh Sát, chỉ có khoảng 2.200 người biểu tình, so với 10.000 người vào thứ Bảy tuần trước đó. Viện Công Tố Paris cho biết ở thủ đô có 114 người bị tạm giữ, 7 người bị thương nhẹ.
Biểu tình ở địa phương có phần đông đảo hơn Paris. Mạnh nhất là ở Bordeaux, Toulouse, với 4.500 người Áo Vàng tham gia, đông gấp đôi so với ở thủ đô.
Bộ trưởng Nội Vụ Pháp Christophe Castaner nhận định « ngày biểu tình đã kết thúc tốt đẹp »,kêu gọi tất cả những người muốn nước Pháp thay đổi phải đoàn kết đối thoại. Ông cũng nhấn mạnh những người Áo Vàng cần ngưng việc chặn đường, vốn gây rối loạn giao thông và cuộc sống hàng ngày của dân chúng như trong những ngày qua.
Mặc dù quy mô biểu tình ngày hôm qua đã giảm, nhưng theo chủ tịch Liên Đoàn Thương Nhân Pháp, thì phong trào Áo Vàng vẫn là « một thảm họa thực sự » cho các cửa hàng kinh doanh nhỏ, khiến doanh thu của họ giảm 40-70%.
Các yêu sách của Áo Vàng
Theo AFP, việc đòi tổng thống Macron từ chức và yêu cầu tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân (gọi tắt là RIC), giống như ở Thụy Sĩ hay Ý, là hai yêu sách chủ đạo của người biểu tình.
Những người Áo Vàng cũng đòi hỏi thay đổi Hiến Pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân để dân chúng có quyền soạn thảo hay bãi bỏ một luật liên quan đến một chủ đề mà họ lựa chọn.
Cuộc trưng cầu dân ý theo sáng kiến công dân cũng có thể cho phép người dân cách chức dân biểu, thậm chí cả tổng thống.
Liên quan tới tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cho dù hôm 10/12 ông đã công bố nhiều biện pháp nhượng bộ nhằm đáp ứng đòi hỏi của phong trào Áo Vàng, cho dù quy mô, mức độ ngày biểu tình thứ Bảy lần thứ 5 đã giảm tương đối, nhưng điểm tín nhiệm của chủ nhân điện Elysée vẫn tiếp tục giảm 2%.
Theo một thăm dò ý kiến do Viện Ifop thực hiện cho tuần báo Journal du Dimanche số ra hôm nay, mức độ được lòng dân của tổng thống chỉ còn 23%.
Áo: Hàng chục ngàn người biểu tình
chống chính phủ liên minh
Ngày 18/12/2018 này là tròn 1 năm ngày đảng bảo thủ của thủ tướng Sebastian Kurz và đảng cực hữu FPO liên minh thành lập chính phủ tại Áo. Nhân dịp này, hàng chục ngàn người dân Áo hôm qua 15/12/2018 đã xuống đường tuần hành ở trung tâm thủ đô Vienna, trong thời tiết lạnh giá và tuyết rơi, để phản đối ôn hòa một năm cầm quyền của chính phủ liên minh giữa cánh hữu và đảng cực hữu. Theo thống kê của cảnh sát, có gần 17.000 người biểu tình. Con số này là khoảng 50.000 người, theo các nhà tổ chức. Họ chỉ trích chính sách nhập cư và xã hội của chính phủ.
Từ Vienna, thông tín viên RFI Isaure Hiace gửi về bài phóng sự :
« Hàng chục ngàn người dân nước Áo đã cho thấy là họ không đồng tình với chính sách của chính phủ từ một năm nay. Quá tự do, không mang nhiều tính xã hội, thậm chí là kỳ thị di dân và người xin tị nạn, đó là một số ý kiến của các nhà đối lập.
Nhưng cần nhìn nhận là chính phủ liên minh vẫn được lòng dân Áo. Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, nếu người dân phải đi bầu lại vào lúc này, kết quả bỏ phiếu vẫn sẽ tương tự như trong kỳ bầu cử lập pháp trước thời hạn, cách nay một năm.
Tuy nhiên, một số người tham gia biểu tình vẫn tin rằng phong trào phản đối sẽ lan rộng. Đó là trường hợp của cô Katrin Proll. Cô cho rằng : « Không ai từng nghĩ là chính sách của chính phủ liên minh lại tồi tệ đến thế. Tồi tệ đối với người nhập cư là chính, nhưng cũng tệ với cả người dân Áo. Và cô lạc quan « hy vọng là những người đã bầu cho liên minh sẽ hiểu rằng chính sách của chính phủ không có lợi cho họ. »
Một số người biểu tình khác, chẳng hạn anh David Cuel thì lại bi quan hơn. Là người Ý, sống ở thủ đô Vienna từ hai năm nay, David Cuel chia sẻ : « Cánh tả đã không làm tốt việc của họ, họ cũng có phần trách nhiệm về tình trạng hiện nay. Tôi tin rằng ý kiến của chúng tôi không được lắng nghe nhiều. Cánh hữu có tiếng nói mạnh hơn ».
Donnerstagsdemo, tức là các cuộc biểu tình vào thứ Năm hàng tuần sẽ được khởi động lại từ tháng Giêng 2019. Giờ chỉ còn chờ xem chiến dịch này sẽ tập hợp được bao nhiêu người thuộc phe đối lập. »
Cũng liên quan đến di dân, tại Ý, hãng tin Pháp AFP cho biết vài ngàn người chiều hôm qua 15/12 cũng đã tuần hành ở thủ đô Roma để phản đối chính sách hạn chế đón tiếp di dân của chính phủ dân túy.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181216-ao-hang-chuc-ngan-nguoi-bieu-tinh-chong-chinh-phu-lien-minh
Doanh số bán ô tô tại thị trường TQ
giảm tháng thứ 5 liên tiếp
Trong tháng 11/2018, gần 2,6 triệu chiếc ô tô đã được bán ra tại thị trường Trung Quốc, giảm gần 14% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán ô tô của thị trường này trong tháng 11 giảm 13,9% so với cùng kỳ năm 2017 xuống còn 2,55 triệu chiếc.
Đây là lần giảm doanh số mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay và đánh dấu tháng giảm thứ 5 liên tiếp của mặt hàng này trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của nước này đang suy giảm và căng thẳng thương mại với Mỹ vẫn còn hiện hữu.
Trước đó, tháng 9 và tháng 10/2018, thị trường này cũng chứng kiến những mức sụt giảm doanh số lần lượt là 12% và 13%. Thị trường ô tô Trung Quốc được dự báo sắp có năm suy giảm đầu tiên kể từ năm 1990.
Washington Post dẫn số liệu từ CAAM cho biết doanh số xe SUV, xe mui kín và xe tải nhỏ tại thị trường lớn nhất thế giới đã giảm 16% so với một năm trước, xuống còn 2,2 triệu chiếc.
Tính cả 11 tháng đầu năm 2018, doanh số đã giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2017 xuống mức 25,42 triệu chiếc. Điều này khiến thị trường ô tô Trung Quốc đối mặt với lần giảm doanh số đầu tiên trong 3 thập kỷ.
Shi Jianhua, phó tổng thư ký CAAM, cho hay kinh tế giảm tốc, chiến tranh thương mại và việc chính phủ siết chặt kiểm soát ô nhiễm không khí là nguyên nhân khiến doanh số thị trường ô tô giảm mạnh. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho hay năm 2019 thị trường ô tô của Trung Quốc sẽ ổn định trở lại.
Sự suy giảm của thị trường ô tô Trung Quốc cho thấy rõ những thách thức mà các hãng xe quốc tế từ General Motors (GM) đến Toyota phải đối mặt, trong bối cảnh các hàng này ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc để tăng trưởng doanh số.
Tuy nhiên, phó tổng thư ký CAAM cũng lưu ý rằng các phương tiện năng lượng mới (NEV) sẽ tiếp tục trở thành động lực cho tăng trưởng thị trường ô tô của Trung Quốc trong năm 2019 và 2020.
Doanh số NEV trong tháng 11 đã tăng 37,6% so với cùng kỳ năm 2017, vượt trội so với thị trường xe hơi nói chung.
Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất thế giới và cũng là một trong những thị trường NEV tăng trưởng nhanh nhất, nhờ các chính sách ưu đãi của chính phủ nước này nhằm tăng cường sử dụng năng lượng sạch để hạn chế ô nhiễm.
Vì sao Huawei lại ‘sợ’ Hoa Kỳ trừng phạt như thế?
Phân tích chỉ ra rằng nếu Hoa Kỳ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với Huawei, điều đó sẽ là đả kích rất lớn đối với “tham vọng”của chính quyền Trung Quốc, BL Daily tổng hợp đưa tin
Công tố viên người Canada John Gibb-Carsley cho biết, Giám đốc Tài chính kiêm Phó chủ tịch Huawei Mạnh Vãn Châu đã bị bắt, và được bảo lãnh tại ngoại tại Vancouver, Canada sau khi chi hơn 10 triệu đô la Canada vào ngày 11/12, tuy nhiên bà phải đeo thiết bị giám sát dưới chân và chịu sự kiểm soát 24/24 của công ty an ninh để đảm bảo bà không chạy trốn.
Bà Mạnh Vãn Châu, 46 tuổi, bị Hoa Kỳ cáo buộc che giấu mối quan hệ giữa mình và SkyCom Tech Co. – một công ty Hồng Kông – đứng ra giao dịch mua bán thiết bị với Iran, theo IT Times Chinese.
BBC Chinese đưa tin, nếu cáo buộc của Washington là đúng, Huawei đã vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Iran, vậy Hoa Kỳ sẽ áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với Huawei, tất cả hoạt động kinh doanh của Huawei sẽ bị đình trệ, đặc biệt là dự án triển khai mạng 5G toàn cầu của Huawei, vì Huawei vẫn còn phụ thuộc vào công nghệ và con chip của Hoa Kỳ.
Trong nửa đầu năm nay, ZTE – một công ty viễn thông khác của Trung Quốc, đã vi phạm lệnh cấm của Mỹ đối với Iran và Triều Tiên. Cái giá phải trả cho sự dối trá là lệnh cấm xuất khẩu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, hạn chế nghiêm ngặt chuỗi cung ứng của ZTE, gây ảnh hưởng nặng nề và làm ZTE điêu đứng.
Theo nhà cung ứng – Ngân hàng đầu tư Jefferies, Huawei vẫn dựa vào việc nhập khẩu các linh kiện được dùng lắp đặt thiết bị viễn thông của mình từ các công ty chip của Hoa Kỳ như Broadcom, Xilinx hay Analog Devices (ADI).
Huawei đã mua linh kiện từ nhà sản xuất thiết bị lưu trữ dữ liệu Seagate Technology PLC sử dụng chip ghi nhớ dữ liệu do Micron sản xuất, Ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết.
Theo tin tức từ Arete Research và Goldman Sachs, máy tính cá nhân của Huawei vẫn phụ thuộc vào bộ xử lý Intel. Điện thoại di động của Huawei vẫn sử dụng chip của hai nhà sản xuất Skyworks và Qorvo của Mỹ.
Nếu Washington áp dụng lệnh cấm xuất khẩu, mặc dù Huawei có thể chuyển sang các công ty chip của Hàn Quốc, nhưng các linh kiện khác do Mỹ thiết kế, như CPU của Intel và CPU ARM của Qualcomm sẽ hết hàng. Thiết bị viễn thông của Huawei sẽ không thể sản xuất được do thiếu linh kiện.
Huawei là nhân vật chủ chốt trong hai kế hoạch chiến lược quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc gồm Sáng kiến Vành đai – Con đường và Dự án Made in China 2025 do Trung Quốc thực hiện.
Nếu Huawei không thể sản xuất sản phẩm, hai kế hoạch chiến lược của ĐCSTQ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
NTD Chinese cho rằng, một trong những lý do khiến Tổng thống Mỹ Trump phát động chiến tranh thương mại là việc ĐCSTQ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Mỹ và tham vọng Made in China 2025.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25284-vi-sao-huawei-lai-so-hoa-ky-trung-phat-nhu-the.html
Chủ tịch Tập sắp đánh dấu 40 năm ngày TQ mở cửa
Chủ tịch Tập Cận Bình ngày 18/12 sẽ có bài phát biểu quan trọng, đánh dấu 40 năm ngày Trung Quốc cải cách và mở cửa.
Reuters dẫn lại tin của Tân Hoa Xã cho biết rằng ông Tập sẽ phát biểu tại một buổi lễ tổ chức tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh lúc 10 giờ sáng (giờ địa phương) ngày 18/12.
Thông tin trên trùng với những gì mà các nhà ngoại giao đã tiết lộ với hãng, theo Reuters.
‘Việt Nam là lựa chọn duy nhất’ để né tác động thương chiến Mỹ-Trung
Hãng tin Anh nhận định tiếp rằng cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã thực thi chính sách cải cách và mở cửa mang tính lịch sử năm 1978, sau một loạt các thí điểm giúp đưa phần lớn người dân Trung Quốc ra khỏi cảnh nghèo đói.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ được cho là đã khiến nhiều trung tâm nghiên cứu, doanh nhân cũng như cố vấn của chính phủ Trung Quốc kêu gọi quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cải tổ thêm và nhanh hơn nữa, cũng như nới lỏng hơn đối với lĩnh vực tư nhân vẫn chịu kiểm soát của nhà nước.
Trung Quốc: Giám mục Vatican
nhường chức cho giám mục Nhà Nước
Theo yêu cầu của Vatican, một giám mục Trung Quốc từng được Tòa Thánh Vatican chỉ định nhưng không được chính quyền Bắc Kinh công nhận, hôm 15/12/2018, đã nhường chức cho một giám mục vốn được Bắc Kinh công nhận. Hoàn Cầu Thời Báo, đã coi đây là một tín hiệu của Tòa Thánh nhằm cải thiện quan hệ song phương sau khi hai bên mới đây đã ký một thỏa thuận.
Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh tuần qua, một phái đoàn chính thức của Vatican sang thăm Bắc Kinh. Đây là một chuyến thăm hiếm hoi của đại diện Vatican tới Trung Quốc.
Giám mục Quách Hy Cẩm (Vincent Guo Xijin), thuộc « giáo hội thầm lặng » ở tỉnh Phúc Kiến, đã được giáo hoàng chỉ định. Ông chưa bao giờ được chính quyền Trung Quốc công nhận, thậm chí còn bị nhà chức trách thẩm vấn nhiều lần, nhất là vào tháng 03/2018.
Việc chỉ định giám mục là tâm điểm các cuộc đàm phán giữa Trung Quốc và Tòa Thánh. Từ năm 2017, lãnh đạo ngoại giao Vatican đã nhiều lần kêu gọi giám mục Quách từ chức để tạo thuận lợi cho các cuộc thảo luận song phương nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Kinh với Tòa Thánh, nhưng ông không chấp thuận.
Đọc thêm : Thỏa thuận với Bắc Kinh: Tòa Thánh được gì, mất gì ?
Lần này, trả lời Hoàn Cầu Thời Báo, giám mục Quách Hy Cẩm khẳng định là giáo hội thầm lặng (được Vatican công nhận), và giáo hội Nhà Nước (do chính quyền lập ra) sẽ sáp nhập làm một, ông sẽ trở thành giám mục « phụ tá », còn giám mục Chiêm Tư Lộc (Zhan Silu) sẽ là giám mục chính tại giáo phận Mân Đông, tỉnh Phúc Kiến.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181216-trung-quoc-giam-muc-vatican-nhuong-chuc-cho-giam-muc-nha-nuoc
Bắc Hàn lên án lệnh trừng phạt, cảnh báo Mỹ
Bắc Hàn hôm 16/12 lên án chính quyền Hoa Kỳ gia tăng áp đặt các lệnh trừng phạt cũng như áp lực lên nước này.
Phản ứng của Bình Nhưỡng được đưa ra một vài ngày sau khi Mỹ hôm 10/12 thông báo áp dụng lệnh trừng phạt đối với ba quan chức Triều Tiên, trong đó có trợ lý hàng đầu của lãnh tụ Kim Jong Un, vì các vi phạm về nhân quyền.
Theo Reuters, việc phi hạt nhân hóa Bắc Hàn đạt được ít tiến bộ sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Kim và Tổng thống Trump ở Singapore hồi tháng Sáu.
Hai nước vẫn chưa lên lịch lại cuộc họp đã bị hủy hồi tháng 11 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và quan chức cấp cao của Triều Tiên, ông Kim Yong Chol.
Hàn Quốc, Bắc Hàn đạt “cột mốc” trong quá trình “hàn gắn” chiến tranh
Dù cho rằng ông Trump “sẵn lòng” cải thiện quan hệ với Bắc Hàn, Bình Nhưỡng cáo buộc Bộ Ngoại giao Mỹ “đẩy quan hệ Triều Tiên – Mỹ trở lại tình trạng năm ngoái”, vốn có nhiều căng thẳng.
Reuters dẫn một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Bắc Hàn nói rằng Washington đã áp đặt “các biện pháp trừng phạt khoảng 8 lần đối với các công ty, cá nhân và tàu bè không chỉ của Triều Tiên mà còn của Nga, Trung Quốc và các nước thứ ba khác”.
Tuyên bố nói tiếp rằng nếu chính quyền Mỹ tin là việc gây thêm áp lực và các biện pháp trừng phạt sẽ buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, thì đó là “một sự tính toán sai lầm lớn nhất” và nó “sẽ chặn con đường tiến tới phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên mãi mãi”.
Ấn Độ tập trận đồng thời
với cả Mỹ lẫn Nga và Trung Quốc
Trong những ngày cuối năm 2018 này, chính quyền Ấn Độ như đang đẩy mạnh điều có thể gọi là « ngoại giao tập trận », với môt loạt những cuộc diễn tập quân sự gần như là đồng thời, nhưng riêng rẽ với cả Mỹ, lẫn hai đối thủ của Mỹ là Nga và Trung Quốc.
Ex Cope India với Mỹ
Cuộc tập trận đầu tiên mang tên Ex Cope India–18 kéo dài 12 ngày (03-14/12/2018) giữa hai lực lượng Không Quân Ấn Độ và Mỹ, diễn ra tại hai căn cứ không quân Kalaikunda and Panagarh ở bang Tây Bengal (Ấn Độ)
Mỹ đã phái một phi đội gồm các chiến đấu cơ F-15 C/D và vận tải cơ C-130 đến tham gia, trong lúc Không Quân Ấn Độ cử đến các loại máy bay tiêm kích Su-30 MKI của Nga, Jaguar của Anh, Mirage 2000 của Pháp, cùng với máy bay vận tải quân sư C-130J và phi cơ trinh sát AWACS, cả hai loại này đều do Mỹ chế tạo.
Đây là lần thứ tư hai Không Quân Mỹ và Ấn Độ tập trận chung với nhau trong khuôn khổ cuộc thao diễn Ex Cope India, nhưng là lần đầu tiên mà sự kiện được tổ chức tại hai căn cứ Ấn Độ, cho thấy đà thắt chặt thêm về quan hệ quân sự giữa Washington và New Delhi.
Avia Indra với Nga
Dù tăng cường quan hệ với Mỹ, Ấn Độ cũng không quên đồng minh Nga, nguồn cung cấp vũ khí số một cho cường quốc Nam Á. Cũng bắt đầu từ hôm 10/12, và kéo dài cho đến 22/12, Không Quân Ấn Độ đã cử một phi đội máy bay do Nga chế tạo (tiêm kích Su-30 SM, Mig-29, Su-25, trực thăng Mi-8 and vận tải cơ An-26) đến cùng tập trận với Không Quân Nga tại bang Jodhpur, miền Trung Ấn.
Đây là một cuộc tập trận định kỳ hai năm một lần giữa hai nước, có từ năm 2014 đến nay và được đặt tên là Avia Indra. Trong lần thao diễn này, hai nước tập trung trên những kịch bản phối hợp chống khủng bố.
Tay Trong Tay với Trung Quốc
Điểm đáng chú ý nhất trong các hoạt động diễn tập quân sự cuối năm này của Ấn Độ là cuộc tập trận chung Ấn-Trung mang tên « Tay Trong Tay » mở ra ở khu vực Thành Đô, miền trung tây Trung Quốc, hôm 11/12 vừa qua, và sẽ kéo dài đến ngày 23/12.
Cuộc tập trận bộ binh này huy động một đại đội lính người Sikh của Ấn Độ và một trung đoàn thuộc Quân khu Tây Tạng của Trung Quốc.
Cuộc thao diễn quân sự Ấn Trung này đã đặc biệt thu hút sự chú ý vì lẽ chỉ mới năm ngoái thôi, hai quân đội Ấn Độ và Trung Quốc còn gườm nhau hàng tháng trời trên vùng cao nguyên Doklam – nằm giữa Ấn Độ, Bhutan và Trung Quốc.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181216-an-do-tap-tran-dong-thoi-voi-ca-my-lan-nga-va-trung-quoc
Campuchia: phát hiện lượng ngà voi
lớn giấu trong container từ 2017
Campuchia vừa tịch thu hơn 3,2 tấn ngà voi châu Phi được giấu trong một container đến từ Mozambique, quan chức hải quan nước này cho hay.
Vụ phát hiện 1026 chiếc ngà voi tại Cảng Tự trị Phnom Penh hôm thứ Năm diễn ra sau khi có tin báo từ sứ quán Mỹ.
Chuyến hàng tới Campuchia từ năm ngoái và người nhận không rõ tên đã không tới cảng này để nhận.
Nhu cầu ngà voi từ Việt Nam và Trung Quốc khiến Campuchia trở thành một điểm trung chuyển quan trọng cho ngành buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Việt Nam tổ chức hội nghị động vật hoang dã
“Ngà voi được giấu giữa đá cẩm thạch trong một container bị bỏ rơi,” ông Sun Chhay, giám đốc Văn phòng Thuế và Hải quan tại cảng tự trị Phnom Penh nói với hãng tin AFP.
Sun Chhay nói ông không biết liệu chuyến hàng này có đích đến là Campuchia hay các quốc gia khác.
Việt Nam: ‘Đừng để vẻ đẹp tự nhiên biến mất’
Campuchia: ‘Nếu nhà máy đóng cửa, tôi lấy gì ăn?’
Campuchia phát hiện một số vụ buôn lậu ngà voi lớn trong năm năm qua.
Vụ lớn nhất xảy ra năm 2014, khi nhân viên hải quan tịch thu chừng ba tấn ngà voi giấu trong một container chở đậu hạt tại cảng Sihanoukville ở tây nam nước này.
Hồi tháng Tư năm nay, 3,5 tấn ngà voi trên đường tới Campuchia đã bị tịch thu ở Cảng Maputo, Mozambique, tờ Bưu điện Phnom Penh đưa tin.
Hồi tháng 7/2017, chính quyền Hong Kong tịch thu một lượng ngà voi lớn nhất thế giới, khoảng 7,2 tấn.
Các nhà vận động bảo vệ động vật hoang dã cho rằng hàng năm, có khoảng 30,000 voi châu Phi bị bọn săn bắn trộm giết hại.
Buôn bán ngà voi quốc tế đã bị cấm năm 1990.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46584291
Khủng hoảng Sri Lanka chấm dứt :
Thủ tướng bị cách chức trở lại nắm quyền
Hôm nay 16/12/2018, thủ tướng Sri Lanka bất ngờ bị cách chức hồi cuối tháng 10/2018, đã trở lại nắm quyền. Diễn biến nói trên cho phép đời sống chính trị của quốc đảo Nam Á hơn 22 triệu dân trở lại bình thường, sau gần hai tháng chìm trong hỗn loạn.
Hãng tin AFP cho hay, đảng United National Party of Sri Lanka của thủ tướng Ranil Wickremesinghe, 69 tuổi, cho biết tin trên, đồng thời gửi lời cảm ơn đến tất cả mọi công dân Sri Lanka đã tranh đấu chống lại việc « tước quyền bất hợp pháp » này và giúp cho « nền dân chủ được phục hồi ».
Theo AFP, trước đó, ngày thứ Bảy, 15/12, ông Mahinda Rajapakse, người được tổng thống bổ nhiệm làm thủ tướng, không thông qua Quốc Hội, đã từ nhiệm. Quyết định này mở đường cho việc thủ tướng Wickremesinghe trở lại. Không có người điều hành chính phủ, chính quyền Sri Lanka đang rơi vào nguy cơ « tê liệt về ngân sách », nếu không có gì thay đổi từ nay đến cuối tháng. Viễn cảnh này buộc tổng thống Sirisena phải ra quyết định nhanh chóng, bất chấp các bất đồng trong nội bộ.
Đầu tháng trước, sau khi ứng cử viên thủ tướng Rajapakse – do tổng thống đề xuất – không được Quốc Hội chấp thuận, tổng thống Sri Lanka quyết định giải tán Quốc Hội, và tuyên bố bầu cử trước kỳ hạn. Tuy nhiên, tư pháp nước này đã bác bỏ quyết định của tổng thống, với lý do vi phạm Hiến pháp.
Cho đến những ngày gần đây, tổng thống Sri Lanka vẫn từ chối giải pháp mới, với lý do thủ tướng bị phế truất là kẻ tham nhũng và có tư tưởng tự do thái quá về chính trị, đi ngược lại với truyền thống. Nhưng theo một số nguồn tin thân cận với hai phía, tổng thống Sirisana đã có một cuộc thảo luận kín với ông Wickremesinghe, để dàn xếp về việc trở lại.
Đọc thêm : Báo Mỹ vạch trần cách Trung Quốc gài bẫy thâu tóm Sri Lanka
Ông Mahinda Rajapakse Ranil nổi tiếng là người thân Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc chính trị gia này có nhiều nhân nhượng với Bắc Kinh, để đánh đổi lấy một số lợi ích. Trong khi đó, thủ tướng được phục hồi Ranil Wickremesinghe muốn siết chặt quan hệ với đồng minh truyền thống Ấn Độ.
Úc công nhận tây Jerusalem là thủ đô Israel
Úc đã quyết định chính thức công nhận tây Jerusalem là thủ đô của Israel, nhưng sẽ không dời đại sứ quán của mình cho đến khi có một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine, Thủ tướng Scott Morrison loan báo hôm thứ Bảy.
Ông Morrison nói trong một bài diễn văn rằng Úc sẽ công nhận phía đông Jerusalem là thủ đô của Palestine chỉ sau khi đạt được thỏa thuận về giải pháp hai nhà nước. Đại sứ quán Úc sẽ không được dời khỏi Tel Aviv cho tới thời điểm đó, ông nói.
Dù việc dời đại sứ quán bị trì hoãn, ông Morrison cho biết chính phủ của ông sẽ thành lập một văn phòng quốc phòng và thương mại ở Jerusalem và cũng sẽ bắt đầu tìm kiếm một địa điểm thích hợp cho đại sứ quán.
“Chính phủ Úc đã quyết định rằng Úc giờ công nhận tây Jerusalem, nơi đặt trụ sở của Knesset [Quốc hội Israel] và nhiều tổ chức của chính phủ, là thủ đô của Israel,” ông Morrison nói.
Ông nói quyết định này tôn trọng cam kết đối với giải pháp hai nhà nước cũng như các nghị quyết có liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Úc trở thành quốc gia thứ ba công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, sau Mỹ và Guatemala.
Tuy nhiên, không giống như hai nước kia, Úc chỉ công nhận phần phía tây của thành phố. Bước đi này có thể sẽ không làm hài lòng đôi bên.
https://www.voatiengviet.com/a/uc-cong-nhan-tay-jerusalem-la-thu-do-israel/4702363.html