Chiến Tranh Thương Mại Mỹ-Trung, một cuộc chiến không thể tránh khỏi để quân bình trật tự thế giới

Cac Bai Khac

No sub-categories

Chiến Tranh Thương Mại Mỹ-Trung, một cuộc chiến không thể tránh khỏi để quân bình trật tự thế giới
Đinh Hoàng Việt (Danlambao) – Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã nổ ra, đang quyết liệt, và không biết khi nào thì chấm dứt. Nó bắt đầu vào ngày 22 tháng 3 khi Tổng Thống Trump ra lịnh cho Bộ Thương Mại Mỹ áp đặt 10% lên 50 tỉ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Cộng. Từ đó hai nước đã đánh thuế thêm lên hàng hóa của nhau cho nhiều mặt hàng. Đến nay thì con số hàng hóa bị ảnh hưởng lên đến hàng ngàn mặt hàng khác nhau và trị giá khoảng 250 tỉ Dollars. Chính phủ Mỹ đã có kế hoạch để tăng mức thuế từ 10% đến 25% vào đầu năm 2019, nhưng kế hoạch nầy tạm thời bị đình hoãn 90 ngày sau cuộc họp tay đôi của Tổng Thống Mỹ Donald Trump và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình. Họ đã đồng ý giữ nguyên tình trạng, không tăng thêm thuế, trong thời gian 90 ngày nầy để đàm phán và giải quyết những đòi hỏi từ phía Hoa Kỳ.
Từ ngày cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung xảy ra, truyền thông báo chí đều có đưa tin, bình luận, phê phán mỗi ngày và đa số những người có quan tâm đến thời cuộc đều không thể bỏ qua, không chỉ là công dân Mỹ mà rất nhiều người ở nhiều nước trên thế giới. Trong số những người quan tâm theo dõi, không ít người ủng hộ đường lối cứng rắn và kiên quyết của chính phủ Mỹ, nhưng cũng có nhiều người không ủng hộ vì lo sợ vật giá leo thang, vì những lý do khác nhau, hay chỉ đơn thuần là vì không thích ông Trump và sẵn sàng chống đối bất cứ việc gì ông và chính phủ của ông làm dù cho đó là điều cần thiết vì lợi ích quốc gia.
Cho dù đứng về phía ủng hộ hay chống đối, chắc hẳn mọi người đồng ý rằng từ lâu mức thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và Trung Cộng đã xảy ra và ngày càng to lớn. Với chế độ độc tài toàn trị, nhà nước Trung Cộng đã có những chính sách hạn chế sự cạnh tranh của các công ty nước ngoài ở nước họ trong khi tự do cạnh tranh một cách bình đẳng ở nước ngoài. Quan trọng hơn hết là việc ép buộc chuyển giao công nghệ khi các hãng xưởng muốn làm ăn buôn bán hay đầu tư ở Trung Cộng, và việc ăn cắp sở hữu trí tuệ, kỹ thuật cao từ các công ty nước ngoài một cách có tính toán bởi nhà nước và các công ty Trung Cộng.
Chính phủ Mỹ đã công khai hóa một tài liệu có nhiều chi tiết về những chiến lược và phương pháp mà Trung Cộng đã và đang làm để qua mặt Hoa Kỳ và các nước khác trên thế giới về mặt kinh tế và để thực hiên mộng bá chủ thế giới một cách bất lương. Trong đó có nhiều thủ đoạn bất chính rất đáng bị lên án và dẹp bỏ. Sau đây là 6 chiến lược mà Trung Cộng đã và đang thực hiện:
1) Bảo vệ và đóng cửa thị trường Trung Cộng trước những cạnh tranh từ những công ty nước ngoài.
2) Xâm nhập và bành trướng ra thị trường nước ngoài.
3) Chiếm hữu và kiểm soát các nguyên liệu quan trọng ở mọi nơi trên thế giới.
4) Thống trị các kỹ nghệ sản xuất truyền thống.
5) Thâu tóm các kỹ thuật và tài sản trí tuệ của Mỹ và các nước khác.
6) Thâu tóm các kỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao có tính quyết định cho tương lai phát triển và ưu thế của kỹ nghệ quốc phòng.
Để thực hiện những chiến lược có tầm vóc quốc gia ở trên, Trung Cộng đã dùng nhiều phương pháp và thủ đoạn khác nhau mà được tóm tắt ở 53 điểm trong tập tài liệu nói trên. Chúng bao gồm:
1. Dùng các thủ tục hành chánh và đòi hỏi khó khăn trong việc cung cấp giấy phép cho các hoạt động thương mại ở Trung Cộng.
2. Lạm dụng luật chống độc quyền để ngăn cản sự phát triển của các công ty nước ngoài.
3. Đạt được những hợp đồng mua bán qua những cách thức gian lận như đút lót, hối lộ các quan chức, chính phủ thối nát ở các nước khác.
4. Ép buộc các công ty nước ngoài phải dùng các thương hiệu của Trung Cộng.
5. Đòi hỏi các thử nghiệm khó khăn, tốn kém và không thực tế.
6. Các quản trị viên là người của đảng Cộng Sản Trung Cộng.
7. Dùng người Tàu cho các công việc thâu lượm tin tức ở các cơ xưởng, công trình ở nước ngoài.
8. Dùng quyền đặc nhiểm quốc gia để khỏi bị truy tố trước pháp luật.
9. Kết hợp các công ty quốc danh để có các công ty tầm cỡ quốc gia.
10. Làm hàng nhái và ăn cắp những tài sản trí tuệ.
11. Lũng đoạn và phá giá đồng Nhân Dân Tệ.
12. Do thám và ăn trộm trên không gian ảo.
13. Những đòi hỏi, quy định bắt buộc lưu trữ tin tức, tài liệu ở máy địa phương.
14. Dùng bẫy nợ cho các các khoản vay nợ ở nước đang phát triển.
15. Gây trễ nải trong việc chuẩn thuận các đề án, công trình.
16. Phân biệt đối xử những thương gia nước ngoài.
17. Phân biệt và giới hạn quyền sở hữu trí tuệ và sáng chế.
18. Xuất cảng hàng loạt hàng hóa rẻ mạt sang thị trường nước ngoài để tiêu diệt sự cạnh tranh.
19. Qua mặt luật kiểm soát xuất cảng của Mỹ.
20. Dùng ban kiểm tra chuyên môn để bắt buộc tiết lộ những tài liệu riêng tư của các hãng.
21. Dùng luật giới hạn xuất khẩu cho các nguyên liệu chưa biến chế.
22. Trợ giúp tài chính của nhà nước để tăng trưởng xuất khẩu và thay thế hàng nhập khẩu.
23. Ép buộc các công ty nước ngoài đặt những trung tâm nghiên cứu và sáng chế ở Trung Cộng.
24. Giới hạn sở hữu và ép buộc chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ.
25. Hạn chế các cơ quan chính phủ mua các sản phẩm của các công ty nước ngoài.
26. Thiết lập các tiêu chuẩn kỹ thuật của riêng Trung Cộng để các công ty nước ngoài phải làm theo.
27. Bày ra những vụ kiện dựa trên những bằng sáng chế không còn giá trị.
28. Thiếu minh bạch trong sổ sách tài chính lợi nhuận.
29. Thiếu và không đồng nhất luật lệ về lao động.
30. Độc quyền mua bán.
31. Thay đổi tiêu chuẩn luật lệ.
32. Thu lượm các tài liệu khoa học kỹ thuật.
33. Dùng phương pháp quá tải và trang bị dư thừa để làm cho các công ty nước ngoài phải ra đi.
34. Ăn cắp kỹ thuật và tài sản trí tuệ qua các hình thức gián điệp kinh tế.
35. Gài cắm các nhân viên người Tàu vào các công ty được sở hữu bởi nước ngoài và Trung Cộng.
36. Kiểm soát giá để hạn chế nhập cảng.
37. Dùng các trạm chuyển tiếp ở các nước khác để qua mặt luật lệ kiểm soát của Hoa Kỳ trên các mặt hàng phá giá hay hàng nhái từ Trung Cộng.
38. Hứa hẹn việc hợp tác trong các vấn đề an ninh để thương thảo có lợi cho Trung Cộng.
39. Dùng các chỉ tiêu số lượng và thuế để chiếm ưu thế.
40. Chiêu dụ và thuê mướn các tài năng trong các lãnh vực khoa học, kỹ thuật, thương mại và tài chính.
41. Đe dọa trả thù và trả đũa các chính sách hành động không theo ý muốn của Trung Cộng.
42. Sao chép để làm nhái các sản phẩm nước ngoài qua phương pháp đảo ngược quá trình sản xuất, lắp ráp.
43. Dùng tiêu chuẩn vệ sinh và tiêu chuẩn sản xuất hoa quả để nâng cao rào cảng cho các mặt hàng không phải đóng thuế.
44. Kiểm soát các tiêu chuẩn kỹ thuật.
45. Các kiểm tra của ban an ninh trong chuyển giao kỹ thuật và tài sản trí tuệ.
46. Hình thành các giao dịch có tính toán để tránh né các kiểm tra của chính phủ Mỹ trong việc đầu tư của Trung Cộng ở Hoa Kỳ.
47. Trợ giúp các công ty Trung Cộng trong các lãnh vực vốn, năng lượng, điện nước và đất đai.
48. Đóng thuế cao trên các mặt hàng nhập cảng.
49. Hướng dẫn đầu tư từ các công ty nước ngoài để thu lượm kỹ thuật.
50. Dùng các phương pháp do thám và tình báo truyền thống.
51. Chuyển hàng từ tàu nầy sang tàu khác trên biển để tránh thuế.
52. Trợ giúp các hãng sản xuất của Trung Cộng qua hình thức điều chỉnh và trả lại tiền.
53. Luật lệ môi trường lỏng lẻo, yếu kém và không được tuân thủ.
Qua những thông tin trên, chắc hẳn ai cũng đồng ý về mối nguy Trung Cộng đối với sự tồn vong và phát triển của nhân loại. Cái mộng làm bá chủ thế giới đã khiến Trung Cộng cố tâm phát triển kinh tế, thu tóm tài sản và tiền bạc để xây dựng quân đội, chiếm đoạt lãnh thổ, lãnh hải, và lũng đoạn các nước nhỏ hay yếu hơn mình. Chính những chính sách phát triển không từ thủ đoạn, không cần biết đến hậu quả của Trung Cộng đã phá hoại môi trường ở nhiều nước trên thế giới khi có các hãng xưởng Trung Cộng đến làm ăn. Chính những tư tưởng coi trọng lợi nhuận xem nhẹ nhân phẩm và sức khỏe con người đã sản sinh ra những sản phẩm độc hại gây bịnh tật và chết chóc ở nhiều nơi.
Trung Cộng đã dùng những thủ đoạn bất chính để theo đuổi và qua mặt các nước khác và Hoa Kỳ. Hơn ai hết, người Mỹ đã ý thức được mối nguy nầy và đã nhiều lần lên tiếng đòi hỏi Trung Cộng phải tuân thủ luật lệ quốc tế và cạnh tranh một cách công bằng. Tuy nhiên, những cam kết và hứa hẹn của Trung Cộng trong những năm qua đều là những lời nói suông. Họ nói một đàng và làm một nẻo. Vì vậy cuộc chiến tranh thương mại phải xảy ra và đã xảy ra vì chỉ có nó là con đường duy nhất có thể bắt buộc Trung Cộng ngồi vào bàn đàm phán một cách nghiêm túc và thực tâm hơn.
Có lẽ có nhiều người không mấy tin tưởng vào kết quả của những cuộc đàm phán sẽ xảy ra vì Trung Cộng luôn bị coi là không đáng tin tưởng. Tuy nhiên, bây giờ chính phủ Mỹ đã công khai những chiến lược, thủ đoạn Trung Cộng đã và đang làm, và những đòi hỏi của Hoa Kỳ để có một thế giới công bằng và trật tự hơn. Trung Cộng đã bị đặt vào thế phải thay đổi vì họ sẽ không thể chịu đựng lâu hơn hậu quả của những trận chiến mậu dịch và không thể tiếp tục tiến hành những thủ đoạn bất chính khi mà lương tâm toàn thể nhân loại đã được đánh thức. Chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung không những là những đòn phép nặng ký của Hoa Kỳ để trừng phạt Trung Cộng vì những chính sách và thủ đoạn bất chính gian xảo của Trung Cộng mà còn là hồi chuông hiệu quả để cảnh báo nhân loại và vạch trần bộ mặt giả dối của nó. Từ nay Trung Cộng khó lòng mà tuyên truyền, dụ dỗ, hay lừa bịp được người dân ở những nước khác.
Mỗi người trong chúng ta đều có thể đánh giá và xác nhận những thành tựu của các cuộc đàm phán vì chúng ta đã biết tổng quát nội dung của những cuộc đàm phán là gì. Hơn thế nữa, mỗi một công dân Hoa Kỳ nói riêng và mọi người lương thiện trên thế giới cũng phải có nhiệm vụ giám sát và đòi hỏi chính phủ của mình phải cảnh giác với những chiến lược và thủ đoạn của Trung Cộng như những điều đã được đề cập ở trên, và có những chính sách phù hợp để khỏi bị lũng đoạn, chèn ép, mua chuộc, và xâm chiếm như Trung Cộng đã từng làm với nhiều nước khác trên thế giới.
Trong bài nói chuyện vào ngày 8 tháng 11 vừa qua, Dr. Peter Navarro, Giám Đốc của Hội Đồng Thương Mại Quốc Gia Hoa Kỳ, và là tác giả của quyển sách nổi tiếng “Chết Bởi Trung Cộng” đã nói lên quan điểm của chính phủ Mỹ do Tổng Thống Trump lãnh đạo trong việc nâng cao tầm quan trọng của các chính sách về kinh tế. Ông nhấn mạnh nhiều lần: “An ninh kinh tế là an ninh quốc gia”.
Quả thật một quốc gia hùng mạnh không thể nào có một nền kinh tế èo ụt, yếu kém. Trung Cộng đã đạt được những thành tựu lớn lao trong những năm qua vì biết xử dụng lực lượng nhân công rẻ mạt của mình, nhưng quan trọng hơn hết là họ dùng mọi biện pháp để rút ngắn đường dài như việc ăn cắp sở hữu trí tuệ và ép buộc chuyển giao công nghệ. Từ những thành tựu về kinh tế họ có khả năng phát triển quốc phòng và bắt đầu đi xâm chiếm các lãnh hải, lãnh thổ ở nhiều nơi trên thế giới, gây ra nhiều bất ổn và xáo trộn. Vì vậy cuộc chiến thương mại và những kết quả sau các cuộc thương thảo sẽ góp phần vào việc giữ gìn an ninh quốc gia và vãn hồi trật tự thế giới. Đó là điều đáng làm, nên làm nhưng đòi hỏi quyết tâm, sự sáng suốt của chính quyền và sự ủng hộ của người dân. Một sự ủng hộ không dựa trên quan điểm chính trị, đảng phái, mà dựa trên quyền lợi của quốc gia và lương tâm yêu chuộng công bằng và lẽ phải của nhân loại.