“Liệu Trung Quốc đã ra sao”

Cac Bai Khac

No sub-categories

“Liệu Trung Quốc đã ra sao”
 Tho Nguyen 16-12-2018

“What China Might Have Been”,hay “Liệu Trung Quốc đã ra sao” là tên bài báo đăng trên Asia Sentinel hôm 12.3.2007 [1] mà tiều phu bỗng nhớ đến, khi đọc tin nhiều nước đề phòng Huawei. Phương Tây đã không còn mơ hồ về Trung Quốc. Mọi hy vọng, “Cải cách kinh tế sẽ đem lại cho kẻ khổng lồ một khuôn mặt dễ chịu”, đã tan thành mây khói.

Trung Quốc không còn là con hổ giấy, mà là một sự đe dọa toàn diện cho nhân loại. Tại sao người ta lại sợ một dân tộc đang trỗi dậy? Câu trả lời nằm trong bản chất phát xít của chế độ XHCN mang mầu sắc Trung Hoa mà tôi đã viết trong loạt bài “Trung quốc xã”.[2]

Dĩ nhiên là 1,4 tỷ người Trung Quốc hoàn toàn có quyền được hưởng sự thịnh vượng và Trung Quốc có quyền được là một cường quốc. Nhưng với một Trung Quốc dân chủ và nhân văn thì không ai phải lo sợ.

Sau đêm dài đen tối của Mao, đã có những nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn xây dựng một xã hội như vậy. Đó là Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương. Hồ Diệu Bang làm Tổng bí thư đảng Cộng sản TQ từ 1980-1987. Ông Triệu Tử Dương, thủ tướng của Hồ Diệu Bang, kế tục chức Tổng bí thư từ 1987. Cả hai ông đều là những người cộng sản cởi mở, nhân ái nên đã đưa ra nhiều chính sách kinh tế, xã hội tiến bộ, dẫn Trung Quốc ra khỏi vòng đói nghèo và khủng hoảng.

Thời kỳ này, bên cạnh những thành tích kinh tế ngoạn mục, cũng chứng kiến sự khởi sắc của văn học, nghệ thuật, điện ảnh Trung Quốc. Việc phục hồi vai trò của trí thức và nới lỏng kiểm duyệt đã đem không khí tự do cho đất nước. Hình ảnh một nước Trung Hoa mở cửa đã tác động không ít đến tình hình chính trị Đông Âu. Trước khi ở Đông Âu nổ ra các cuộc cách mạng nhung thì đầu tháng 6.1989, sinh viên Bắc Kinh đã biểu tình tại Thiên An Môn, đòi cải cách xã hội.

Tổng bí thư Triệu Tử Dương chủ trương đối thoại với sinh viên, nhằm tìm ra một giải pháp tối ưu cho đất nước. Tuy Tổng bí thư được coi là nhân vật lãnh đạo cao nhất, nhưng cả Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương luôn bị Đặng Tiểu Bình kìm hãm. Ông Đặng tuy già yếu, nhưng vẫn giật dây ở hậu trường trong cương vị Chủ tịch Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Đặng cùng thủ tướng Lý Bằng và phe diều hâu trong đảng quyết dùng bạo lực nên đã tổ chức một cuộc đảo chính, tước quyền TBT của Triệu Tử Dương. Sau bể máu Thiên An Môn, ông Đặng bắt ông Triệu nhận lỗi để được giảm nhẹ kỷ luật. Sau khi hỏi ý kiến gia đình, ông Triệu đã khước từ thẳng thừng và chấp nhận bị giam lỏng cho đến khi qua đời ngày 7.1.2005.

Tuy Tân Hoa Xã chỉ công bố một tin ngắn vài dòng về cái chết của ông, nhưng toàn bộ lực lượng vũ trang TQ được đặt trong tình trạng báo động. Một Ủy ban bất thường được lập ra để đối phó với một đám tang có thể làm sụp đổ chế độ. Đế quốc hùng mạnh lo sợ cái chết của ông già 96 tuổi có thể gây ra một Thiên An Môn 2, như đám tang Hồ Diệu Bang đã dẫn đến Thiên An Môn 1.

Từ khi bị giam lỏng, Triệu Tử Dương bị cô lập trong một căn nhà nhỏ ở Bắc Kinh. Nhưng ông Tống Phương Minh (Zong Fengming) một cán bộ cao cấp đã về hưu, vẫn lấy cớ là dạy khí công để đến thăm ông. Từ 1991 đến 2004, ông Tống đã ghi lại toàn bộ 100 cuộc nói chuyện với ông Triệu và giữ kín cho đến khi tình hình cho phép. Tháng 3.2007, không hiểu bằng cách nào mà cuốn sách “Triệu Tử Dương: Những hội thoại ghi chép” (Zhao Ziyang: Captive Conversations) được nhà sách “Khai Phóng” xuất bản tại Hongkong, như một trái bom chính trị.

Tất nhiên là cuốn sách bị cấm tại Hoa lục và ông Tống Phương Minh bị công an hỏi thăm. Nhưng đối với một cán bộ đảng 87 tuổi, từng giúp việc cho Mao Trạch Đông thì việc công bố ý kiến của một cựu TBT đảng đâu có thể là tội.

Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, một lãnh tụ đảng CS đưa ra một tài liệu dài 300.000 từ, như một cương lĩnh hiện đại hóa đất nước chi tiết đến từng lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, quân sự, đối ngoại v.v. Ai có điều kiện nên tìm đọc cuốn sách này.[3]

Nếu đi theo con đường của Triệu Tử Dương đến đích, thì Trung Quốc ngày nay sẽ khác hẳn, không có một Giang Trạch Dân giết Pháp Luân Công không ghê tay, hay một Hồ Cẩm Đào lạnh lùng hay một Tập Cận Bình nham hiểm. Công nhân đã có công đoàn độc lập bảo vệ quyền lợi, trong một xã hội có truyền thông tự do. Đảng Cộng sản vẫn cầm quyền, nhưng chỉ còn là một tổ chức chính trị dưới hiến pháp và chịu sự kiểm soát của Quốc hội v.v.

Ông Triệu cho rằng: ”Đất nước chỉ có thể hiện đại hóa được, nếu đi theo con đường dân chủ”…”tôi đã tìm thấy một cảm hứng, khi nhìn sang phương Đông thấy Đài Loan và Nam Hàn đã rời bỏ chuyên chế để đi lên dân chủ. Đây là một xu hướng mà không nước nào có thể thoát khỏi”

Cuốn sách cũng tiết lộ sự gắn bó khăng khít giữa Đặng Tiểu Bình và Triệu Tử Dương trong suốt quá trình cải cách đất nước 1979-1989, cho đến khi ông Đặng quyết định thiết quân luật để đàn áp sinh viên. Ông Đặng nói: “Một đảng cộng sản không dám trấn áp quần chúng chắc chắn không phải là một đảng marxist”. Ông Triệu phản đối ngay: ”Một đảng cộng sản mà đàn áp quần chúng thì không phải là đảng cộng sản mà dân tộc Trung Hoa mong muốn”. Tình bạn của họ tan vỡ từ đó.

***

Năm 2007, “Nhà Á Châu” (Asienhaus) của đảng Xanh (Đức) có tổ chức hội thảo về Trung Quốc. Tiều phu đến dự và được chứng kiến một cuộc tranh luận cực kỳ thú vị. Một bên là các nhà hoạt động nhân quyền, phát triển và môi trường, bên kia là đại diện giới doanh nghiệp Đức mà chúng tôi coi là phái hữu.

Những người cánh tả luôn phê phán chính sách phát triển của Trung Quốc và từ lâu, đã cảnh báo về nguy cơ phát xít hóa ở đó. Ngày nay ai cũng giật mình. Anh bạn tôi trích bài báo “What China Might Have Been”, để nêu giả thiết rằng, nếu Trung Quốc đi theo Triệu Tử Dương thì đã tránh được Chủ nghĩa Tư bản lang sói đang hoành hành ở đó.

Giới doanh nghiệp có mặt tại hội nghị thì bênh Trung Quốc ra mặt. Ngày đó họ mua hàng theo giá tàu để bán theo giá Đức, lời vô kể. Không ai trong họ tính đến nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt. Họ cho rằng, lịch sử không có chữ “nếu” và người Trung Quốc đã lựa chọn đúng, rằng Trung Quốc đang đi đúng hướng, rằng với văn hóa, lịch sử của Trung Hoa thì không thể áp dụng dân chủ nhập ngoại để cai trị, sẽ loạn. Phái hữu đã ca ngợi sự ổn định ở Trung Quốc để họ yên tâm đầu tư, làm giàu. Họ cho rằng, mở cửa sẽ giúp Trung Quốc dân chủ hóa và sẽ hòa nhập với thế giới văn minh.

Một ông chủ từng làm ở Ấn Độ, nay đang mở sang Trung Quốc còn phát biểu: Các vị cần biết là Ấn Độ có dân chủ suốt từ 1947 đến nay, nhưng vẫn thua xa Trung Quốc, đang bị các vị chửi là độc tài, cả về năng suất lao động, trình độ khoa học lẫn trật tự xã hội.

Đến lượt mình, tiều phu phát biểu, đại ý:

– Tôi đồng ý là lịch sử không có chữ “nếu”. Tương quan lực lượng ở TQ năm 1989 đã không đủ để các tư tưởng của Triệu Tử Dương thắng thế. Đó là số phận lịch sử ụp lên đầu dân tộc này. Các vị không thể nói là văn hóa, tâm lý (mentality) người Trung Hoa không phù hợp với chế độ dân chủ. Nói như vậy có khác gì các vị chê người Đông Đức là văn hóa thấp, tâm lý đớn hèn nên đáng bị áp bức. Họ chỉ không may hơn các vị mà thôi.

– Nếu các vị coi HongKong là nền dân chủ áp đặt của Anh, không thể so sánh thì các vị nói sao về việc người Hoa lục chạy ra Đài Loan, có cùng lịch sử, văn hóa và tâm lý như người Bắc Kinh cuối cùng đã chọn con đường dân chủ? Không tính đến bom và súng thì rõ ràng nền dân chủ đã đưa Đài Loan đi xa hơn Trung Quốc về mọi mặt. Chỉ cần so hai vị khách du lịch từ hai nước thì rõ.

– Những tư tưởng của Triệu Tử Dương nêu ra trong cuốn sách cho thấy, đây không phải là dân chủ nhập ngoại, mà nó phát sinh từ trong thành phần tinh tú của đảng CS Trung Quốc. Tư tưởng của ông là những đúc kết từ thực tiễn lãnh đạo đất nước của một trí thức có tâm, mang dấu ấn Trung Hoa.

– Các vị phải so sánh Trung Quốc với các lãnh thổ cùng mặt bằng văn hóa, cùng tâm lý con người, cùng xuất phát điểm, như Đài-Loan, Hong Kong hay Ma Cao chứ không thể so sánh với Ấn độ, một dân tộc với những tiền đề khác hẳn. Chỉ nên so Ấn Độ với Pakistan, Bangladesh hay Myanmar để thấy ưu thế của dân chủ.

– Để khẳng định giá trị của dân chủ, cần đặt ngược câu hỏi: Ấn Độ sẽ ra sao, nếu bị cai trị bằng chế độ độc tài đẫm máu từ 60 năm qua? Chắc chắn là sẽ tồi tệ hơn nhiều, cho cả 1,2 tỷ người Ấn và cho cả hòa bình thế giới.

Tiều phu đã múa rìu qua mắt thợ như vậy để bảo vệ điều hắn nghĩ.

Köln 15.12.2018

[1] https://www.asiasentinel.com/politics/what-china-might-have-been/

[2] https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/2265465500138177

[3] https://www.bookandreader.com/threads/about-zhao-ziyang-captive-conversations.17988/

Một số hình ảnh:

Đặng Tiều Bình và Triệu Tử Dương, từ cặp bài trùng cải cách thành kẻ thù của nhau.Hồ Diệu Bang (trái) và Triệu Tử Dương (phải), cả hai Tổng bí thư đảng CS Trung Quốc đều mong muốn một nước Trung Quốc dân chủ và nhân văn.Ông Triệu Tử Dương đến Thiên An Môn để nói chuyện với sinh viên. Lúc này ông đã biết đảng CSTQ sẽ đảo chính ông và đàn áp sinh viên, nên ông khuyên họ ra về, tránh đổ máu.Bức ảnh đi khắp thế giới

Sinh viên cắm trại trên quảng trường Thiên An Môn cuối tháng 5.1989