Tản Mạn Về Ngôn Ngữ Việt
Hạ Long Bụt Sĩ LƯU VĂN VỊNH
TẢN MẠN VỀ NGÔN NGỮ VIỆT
Nhóm Ngôn ngữ
Theo tài liệu dân tộc học thì Việt Nam có 8 nhóm ngôn ngữ :
– Việt-Mường ( Việt, Mường, Chứt, Pọng) trên 80% dân số –
– Tày-Thái ( Tày đến từ tk I, Nùng, Thái từ tk 9, Sán Chí, Lào- Người Tày ở Cao Bằng, Lạng Sơn trở thành người Việt qua giao lưu văn hoá từ tk 16-17 với Triều đình Mạc di lên Cao Bằng)
– Dao-Hmong ( Dao từ tk 13, Hmong tk 18 )
– Tạng-Miến ( Lô Lô..)
– Hán ( Hoa, Sán Dìu từ Quảng Đông)
– Môn-Khmer ( Khơ Mú, Khơ Me, Mạ, Ba-na..)
– Mã Lai-Đa Đảo ( Malaysian-Polynesian- Chàm, Gia Rai, Ê Đê..)
– Nam Á ( South Asian)
Ghi chú :
Hmong là Mán, Dao là Mèo, Thổ ( nhiều bộ lạc) và Chứt-nghĩa là vách núi đá-, chỉ còn 2400 người ở vùng Nghệ An, Quảng Bình. Ba nhóm thiểu số Tày, Mường, Thái đông nhất ở miền Bắc, kể từ Nghệ Tĩnh trở ra. Dân Mường-còn 900,000 người ở dài từ Phú Thọ tới Hoà Bình và Thanh Hoá, họ là bộ tộc vùng núi còn lại chưa bị pha trộn từ đời Hùng Vương chăng ? Các nhóm thiểu số khoảng 15% dân số toàn quốc nhưng họ cư trú miền rừng núi chiếm 2/3 diện tích đất nước ! Chứt, Pọng có lẽ là các tộc Đa đảo Nam Á, như các tộc ở Cao nguyên Trung Phần chăng ?
Ngôn ngữ Tiền Việt Mường, qua tiếng nói người Pọng ( còn vài trăm mạng sống ở biên giới Lào- Việt vùng Nghệ An), Tày, Mường, Rục..cho thấy tiếng Việt cổ dùng song tiết và có âm L cuối từ như kavèl (làng), kacèt (ghét, giết)..trước khi chịu ảnh hưởng đơn tiết của Tầu. Càng về sau, trăm năm nay, tiếng Việt càng trở lại song tiết qua cách đặt 2 từ đồng nghĩa như dấu vết, yêu dấu, thợ thuyền.. ( theo P.Papin trong ViệtNam, Parcours d’une nation -bản dịch Nguyễn Khánh Long, Canada 2001- tr. 59)
Tiếng Việt Sinh tồn và Tiến hoá
Tiếng Việt rất phong phú, chẳng những hình dung từ mô tả cảnh, tình, đại danh từ xưng hô theo ngôi bậc, địa vị, quan hệ ( cô dì chú bác..), mà cả động từ mô tả tác động. Riêng một động từ lột vỏ một quả cam, một quả cau, tiếng Việt có những từ như : GỌT , BÓC, LỘT, BỔ cam, bổ cau, CẮT ..rồi từ đấy lại có thể biến ra BÓC LỘT, ĐẼO GỌT, CẮT XÉN..Giếng nông, giếng cạn..tiếng Pháp nói profond hay peu profond, không có riêng hai từ Nông, Cạn như ta. Hán có đường kính và bán kính, ta có thể dùng đường bán kính hay nôm na là đường Tia ( như tia sáng từ một trung tâm điểm phát ra, tia bánh xe..).
Đại danh từ xưng hô rất tế nhị, tuỳ tuổi tác, tuỳ quan hệ tình cảm, phản ảnh rất trung thực nền văn hoá làng xã dựa trên lễ phép. Ngay trong chùa chiền, cũng dùng cách xưng hô thân tình : sư tổ ( già cả, có thể trên 70), sư cụ ( trên 50-60), sư ông ( trung niên 40-50 không có nghĩa ngang ông nội bà nội !), sư bác ( trẻ hơn, 30-40, từ bác theo lối xưng hô của miền Bắc Việt chỉ hàng cha chú mà cũng có khi chỉ hàng ngang của mình : bác ăn mày, bác nông phu, mời bác hút thuốc, xin các bác nâng ly.. ), chú tiểu..Nay có người chế thêm Sư chú, sư em…đã kính trọng gọi là thầy, là sư, mà lại cho xuống hàng chú, hàng em, thì không hợp tình và chưa nắm hết tinh tuý của cách xưng hô Việt Nam tinh ròng, cũng may chưa thấy ai chế tác từ sư con, sư cháu !!!
Biến hoá nhờ linh động chế tác
Từ kép luyến láy : Treo LỦNG LẲNG chế ra LỦNG LÀ LỦNG LẲNG, rất gợi hình và có thể dùng để mô tả một tình huống tâm lý : ‘ Chẳng quyết định gì cả, cứ lủng là lủng lẳng” trong khi từ gốc Lủng Lẳng thường dùng theo nghĩa đen : con vịt quay treo lủng lẳng .
Rất nhiều từ chế tác theo vần A như trên, thí dụ : Nhấm nha nhấm nhẳng, Đủng đà đủng đỉnh, Lấp la lấp lửng, Chí cha chí choé, Lung ta lung tung, Loay ha loay hoay, Lâm ra lâm râm, Lúc nha lúc nhúc, Hung ha hung hăng, Ngọng ngà ngọng nghịu, Xí xa xí xọn, Líu la líu lo, Lúc la lúc lắc, Tí ta tí toét, Thút tha thút thít, Lê tha lê thê, Kềnh cà kềnh càng, Phì phà phì phèo..Núng na núng nính, Ụt à ụt ịt, Xì xà xì xụp..
Chế tác theo vần IẾC : Bolsa bôn xiếc, ngồi Thiền ngồi thiếc, thuốc lá thuốc liếc, nhẩy đầm nhẩy điếc, đi bơi đi biếc, tennis ten niếc..
Chế tác theo vần điệu : Tơ lơ mơ, bé tẻo tèo teo, Tùm lum tà la, Đĩ rời đĩ rạc đĩ lạc thùng rác..Đã có chuyện khôi hài, nhưng có thật vào thời Pháp thuộc : một giáo sư Pháp bắt thí sinh dịch Ông Giẳng ông Giăng, ông giằng búi tóc..ra tiếng Pháp, thí sinh Việt Nam nhanh trí dịch ngay là La Luỷn la lune…
Những từ chế tác làm thay đổi cường điệu, nhẹ đi hoặc mạnh lên, làm linh động, gợi hình, hoặc chỉ có mục đích làm câu nói trôi chảy đỡ cộc lốc ( tiếng Tầu cũng hay dùng từ kép xưng hô thân mật như bà bà, tiểu tiểu, tẩu tẩu, mei mei.. ) một cách trở về nguồn ngôn ngữ song tiết của tiếng Việt cổ truyền chăng ?
Cũng có loại chế tác tạo liên tưởng bằng cách chắp hai từ, hai ý tưởng vào nhau như : Sè Sè ( Kiều) chắp hai hình ảnh SỜ SỜ và LÈ TÈ, mồ Đạm Tiên vừa thấp lè tè nhưng sờ sờ ra đấy. Lừ đừ ( như ông từ vào đền) gồm lừ lừ và đừ, chậm chạp, mệt đừ..Dậm dật ( ăn no ấm cật, dậm dật mọi nơi) gợi hình đi lại đây đó lăng nhăng, lại hàm ý dâm dật, chơi bời sau khi ăn no ấm cật. Thiểm = hiểm độc + thô thiển (?), con mẹ ấy thiểm, hiểm nhưng không độc hại lắm, chỉ ty tiện thôi..Ảnh ( tiếng miền Nam) là chắp Anh + ấy, Vẹm = Việt Minh, lại hậu ý con Vẹt ( nói như Vẹm)..Lại còn các từ gợi ý như Cỏ tức cây nhỏ, con Nghé hàm ý bé..
Thơ văn rất cần câu ví von so sánh, mà cách ví von của tiếng Việt thường phong phú đặc biệt : Ngon quắn lỗ tai, Buồn như châu chấu cắn, Tức nổ cổ, tức ứ hơi, Miệng kẻ sang có gang có thép..Lá đa, Mõm chó..Lợn què chữa lợn lành..Lùn tìn tịt, Cao lêu nghêu..Tinh như ma..Nghịch như quỷ..Đĩ ngựa..Chó cắn ma..Cắn hột cơm không vỡ..Dốt đặc cán mai..Nói như Thánh Thán..Nóng như Trương Phi, Hiền như Bụt, Lừ đừ như ông từ vào đền, Chạy cong đuôi, Cà cuống chết đến đít hãy còn cay, Hòn đất mà biết nói năng, thì thầy địa lý hàm răng không còn..Con kiến kiện củ khoai..Nói chuyện với đầu gối..Gàn bát sách..Hỗn như gấu..Quê một cục..Già chơi trống bỏi..Già đựơc bát canh, trẻ được manh áo mới..Dai như đỉa đói, Miệng bằng cái don, ăn lở non lở núi…
VẤN ĐỀ DỊCH THUẬT
Tiếng Việt là một sinh ngữ, như tiếng Anh, chuyển hoá theo thời đại, dễ chế tác tạo từ, dễ hiểu, gợi hình, gợi ý. Ngay khi dịch các danh từ chuyên môn, thiết nghĩ cũng nên theo tiêu chuẩn giản dị nôm na dễ hiểu, chỉ trừ nếu thô kệch quá thì mới nên dùng từ Hán Việt : Dược khoa lâm sàng (Clinical Pharmacy), Khảo nghiệm lâm sàng (clinical studies).. từ lâm sàng rất khó hiểu nên có thể dùng từ Dược khoa bệnh viện (Hospital Pharmacy) cũng hàm ý Clinical hay Dược khoa Trị liệu, khảo nghiệm bệnh lý.. Inertie nên dịch là Ỳ tính như đã dùng thời 1945 hơn là Quán tính, Noã tính, từ ỳ nôm na diễn đựơc ý bất động, ỳ ra..trong vật lý học, réaction intéressante , phản ứng (hoá học) có vị giáo sư dịch là phản ứng hay ho, nghe không ổn, Xưởng đẻ nghe kỳ cục nhưng đỡ đẻ, sản khoa.. nghe đã quen tai, O.D. ( doctor of optometry) không dịch là bác sĩ đo mắt mà dịch là Bác sĩ nhãn khoa, vậy thì Ophthalmologist M.D. dịch là gì ? Phòng mạch chỉnh hình, phòng mạch optometry !! không những sai, mà còn lố lăng nữa, ai cũng muốn bắt mạch giống bác sĩ y khoa cả ! sống ở hải ngoại mà còn như vậy thì chớ trách trong nước bằng giả bằng mua lên tới hàng ngàn tiến sĩ giấy ! nhưng chúng ta không có Hàn Lâm Viện hoặc một tập thể có uy tín như Larousse, Webster, Cambridge..nên rất khó quy định chính tả, ngôn từ. Từ Dịch dùng từ lâu nhưng bây giờ nhiều người thích dùng từ Chuyển ngữ nghe cao trọng hơn, trước đây chuyển ngữ -langue vehicule- chỉ dùng như một danh từ, td : thời Pháp thuộc Pháp ngữ là chuyển ngữ ở Trung học, Đại học, sau 1945, Việt ngữ là chuyển ngữ ở các trường.
Ngay thời tiền chiến, từ grammaire dịch là văn phạm đã bị chỉ trích là sai, nay dịch là Ngữ pháp, còn syntaxe mới là Văn phạm ! Ông thầy Việt văn của tôi thời Trung học nhất định tiếng Việt không có article ( mạo từ, loại từ ), cụ đưa thí dụ : một đống cát, đống phân..chữ nào là loại từ ? Thời 1960 khi Sàigòn bắt đầu có TV, đài VTTHVN theo Mỹ viết tắt mà lại còn đọc tắt nữa : Vê Tê Tê Hát Vê En..bị chỉnh ngay : tiếng Việt đơn âm, đọc nguyên con cũng 6 âm, đọc tắt cũng 6 âm, nghĩa là tắt chẳng lợi gì cả mà thêm tối mò! Tiếng Việt đơn âm, hay đa âm, đơn tiết hay song tiết ? nói chữ một, như Bác thì rõ ràng là đơn, nhưng Bác-Sĩ thì là đa, song âm, tách Bác với Sĩ, thì khác hẳn nghĩa, văn-sĩ, cơ-duyên, nói- phét, đi- làm, nghỉ- hè, lơ-tơ-mơ,..không thể tách ra làm hai làm ba ..mà phải để nguyên tổng thể mới có nghĩa. Vì thế, có nên viết liền nhau hai âm trọn một nghĩa danh từ, thí dụ : Bácsĩ, văngia, đốngcát, chậunước..không ?
Đa số các từ bầy đặt gần đây, từ miền Bắc CS, mới nghe rất lạ và chướng tai : khẩn trương, vô tư, xưởng đẻ, tổ trưởng (tổ vũ nữ!), máy bay lên thẳng..phó tiến sĩ..phó quay phim, phó đạo diễn, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, đồng hồ cao cấp, đồ lót cao cấp, ăn mặc đẳng cấp,triển khai, ….đôi khi gây lầm lẫn như từ Thạc sĩ xưa kia dùng để chỉ hàng giáo sư (Agrégé) nay dùng để dịch học vị Master, Cao học ( D.E.S)..Duy một từ tôi rất tâm đắc là từ Ngõ và Ngách, td Ngõ Gia Ngư, Ngách 2…khỏi phải dùng nhiều số “suyệt” (sur = trên) như 22 trên 13 trên 4A đường Bàn Cờ ( 22/13/4A) v.v. như thời 1950-60 ở Sài Gòn. Vài từ mới như trải nghiệm ( kinh nghiệm từng trải) cũng sẽ quen dần, nhưng nói “đường banh rất khó chịu” thì không ổn, trận đấu đầy kịch tính ( dịch từ dramatic ?) nghe chướng, tại sao không nói đường banh rất hiểm hóc, hoặc trận đấu gay go, nhiều màn bất ngờ v..v..dễ hiểu và dễ cảm nhận hơn.
Những từ Hán Việt gây ngộ nhận thì vô kể : Cứu Cánh ( mục đích cao cả) hiểu sai là cứu vớt, Liêu trai ( căn phòng tạm gọi là phòng) hiểu đại là Liễu trai ( như cây liễu), vật tư (?), Phi với Vô, tư liệu hay tài liệu ? tác giả hay tác gia ? Những từ ngoại ngữ, nhưng đã thành quốc tế, thì không nên vì tự ái dân tộc quá khích mà dịch khác đi : ông Tổng Thống Ba Tư bắt dịch từ Pizza sang tiếng Ba Tư, vậy từ Phở có nên dịch là beef soup không ? Áo dài dịch là long dress thì không thể lột hết hình ảnh áo dài Việt Nam.. Aspirin, chip, pixel, megabytes..nên để nguyên, kilometre dịch là kilômét thì cũng thế thôi, mà có thể làm hại sinh viên đi du học nữa ! Có vị cho rằng Nhật dịch âm Romance thành Lô măng, sau Tầu chuyển thành Lãng mạn vừa theo âm vừa hàm ý “tràn bờ”, Café dịch âm ra cà phê rất hay vì từ cà nôm na lại hàm nghĩa gốc cây quả..Nhưng khi ta theo Tầu dịch Paris là Ba Lê, Buddha thành Phật đà..tức là theo cái sai của Tầu (Tầu phát âm lẫn lộn P, B ), từ Phở rất có thể bắt chước theo từ feu (lửa, pot au feu, súp nóng) của Pháp. Trẻ em Việt ở ngoại quốc thường lầm những từ căn bản như con đường( way) với đường ngọt (sugar), đừng nói gì tới những từ Hán Việt như Ngã, té, với Ngã, vô Ngã !!!
***
Những dòng lạm bàn tản mạn trên chỉ muốn gợi ý ước mong các nhà ngôn ngữ Việt hội lại, hoàn thành một cuốn Từ Điển Tiếng Việt hoàn hảo hơn những cuốn trước..chưa kể việc soạn thảo Văn phạm Ngữ pháp, Từ điển song ngữ..cũng rất cần thiết, ngay ở Hoa kỳ, đã có cuốn Từ điển Anh Việt, Việt Anh nào chưa hay vẫn phải dùng những cuốn cũ rất thiếu sót như của Nguyễn văn Khôn, hay của các soạn giả trong nước ? Đây là thời đại điện tử, cách làm tự điển đã khoa học hơn nhiều, cuốn từ điển Anh ngữ English Language Dictionary của Collins, Cobuild English Language Dictionary (Collins Birmingham University) 1987 có lẽ là cuốn từ điển đầu tiên dùng máy vi tính xếp đặt và biên soạn : mỗi ngày nhóm biên soạn đọc qua 20 triệu từ, hàng triệu bài, sách báo, câu nói (gọi là lõi -corpus)..chứa đựng các từ đó, lọc lựa ra từ nào dùng trong những trường hợp thông dụng nhất..cuốn từ điển đã hoàn thành với các thí dụ giúp người đọc, viết, ở mức độ chuẩn xác khoa học nhất từ trước tới nay. Từ đó về sau, khoảng mươi lăm năm nay, các từ điển Âu Mỹ đều áp dụng cách này, còn Việt Nam ta chưa biết ra sao, dường như các tác gia làm việc, dù có dùng vi tính, vẫn là theo hứng cá nhân, nhất là ở hải ngoại, trong tinh thần nhất kiếm anh hùng cố hữu của dân Việt :
Bút lông bút sắt bút chì
Đến thời bút điện chữ đi tàng hình
Tú Xương sống dậy thất kinh
Văn minh mạng lưới phận mình ra sao !
(LVV- 2000-2003)
Tham khảo chính
Nguyễn Hy Vọng : Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt CD-
Nguồn Gốc tiếng Nói Của Người Việt ( VHS)
Philippe Papin : VietNam, Parcours d’une nation- Paris 1999- Bản dịch Nguyễn Khánh Long, Canada, 2001
Nguyễn Xuân Quang : Ca dao Tục Ngữ, Khai Quật Kho Tàng Cổ Sử 2002
Bình Nguyên Lộc : Nguồn Gốc Mã Lai của Tiếng Việt 1973
Trương Hữu Quýnh : Đại Cương Lịch Sử VN tập I -2003