Đọc báo Pháp – 15/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 15/12/2018

Điểm tuần báo : Hoa Vi, Áo Vàng và Fake food

Tú Anh

Macron chao đảo, Carlos Ghosn bị cầm tù, Mạnh Vãn Châu bị quản thúc, Brexit trong khung cửa hẹp, « fake food » ngon miệng hại thân, là những chủ đề thời sự cuối năm trên các tuần báo Pháp.

Huyền thoại « mình đồng da sắt »

của Trung Quốc nứt rạn

Nữ giám đốc tài chính của Hoa Vi, tập đoàn viễn thông điện tử Trung Quốc, bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ làm sứt mẻ hình ảnh « mình đồng da sắt » của Trung Quốc, theo nhận định của báo chí Canada, được tổng hợp trên Courrier Internatinal.

Bà Mạnh Vãn Châu bị nghi ngờ khai gian để SkyCom, một chi nhánh của Hoa Vi tại Hồng Kông có thể buôn bán với Iran. Với tội danh này, thừa kế tập đoàn viễn thông số một Trung Quốc, thứ hai thế giới có thể lãnh án 30 năm tù, theo luật pháp Mỹ.

Báo Global and Mail của Canada giải thích : Ottawa ở trong thế khó xử giữ hai siêu cường đang đấu tranh giành thế áp đảo cho các công ty nhà. Mike Gow, một chuyên gia Anh mô tả rõ hơn : cuộc chiến tranh địa chính trị này đang diễn ra trong các chiến hào của công nghệ số. Trong cuộc thư hùng mà một trong những thách thức lớn là tung ra thị trường công nghệ điện thoại thế hệ 5.

Theo quan điểm của nhật báo Canada này, Hoa Kỳ đang chiếm lợi thế so với Trung Quốc từ tháng 5 năm nay. Vào thời điểm đó, một tập đoàn trang thiết bị viễn thông khác của Trung Quốc là ZTE, đã bị cấm nhập cảng linh kiện của Mỹ. Huyền thoại một siêu cường Trung Quốc «vách sắt thành đồng » tan vỡ.

Những điều Trung Quốc lo ngại hiện rõ : căng thẳng thương mại leo thang, chiến tranh lạnh Mỹ- Trung tái diễn, Hoa Kỳ tung chiến dịch huy động thế giới cản đường phát triển công nghệ cao cấp của Trung Quốc. Giờ đây là việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính đại công ty trong tầm nhắm của chiến dịch.

Trong thời gian trước đó, Trung Quốc luôn biểu dương thế mạnh bất bại : Thế Vận Hội 2008, kinh tế vững vàng trong một thế giới khủng hoảng. Tây phương bái phục những công trình nghiên cứu và bằng sáng chế, những thành phố siêu hiện đại. Ẩn số duy nhất là khi nào thì Trung Quốc qua mặt nước Mỹ.

Thế rồi, « ZTE bị Mỹ dập vùi » và Trung Quốc mới ý thức là doanh nghiệp của mình có nhiều nhược điểm hơn là họ lầm tưởng. Nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại, Bắc Kinh phản ứng dữ dội trong vụ Mạnh Vãn Châu, hăm dọa trả đũa Canada với những « hệ quả nghiêm trọng ». Báo Le Devoir và La Presse nhận định đồng điệu: kẹt giữa hai siêu cường Canada chọn lựa sao đây ?

Căm giận và chống Macron

xuất phát từ đâu và sẽ đi đến đâu ?

Câu hỏi trên trang bìa của L’Express. Tuần báo cánh tả L’Obs tập trung vào « 4 tuần lễ tê liệt » và « giải pháp » của Áo vàng.

Theo thăm dò ý kiến, phong trào chống đối Macron không mang màu sắc chính trị mà xuất phát từ nhận định và thất vọng vì tổng thống Pháp không bảo vệ « quyền lợi chung » mà còn lên tiếng dạy đời, chứng tỏ một sự mù lòa về xã hội.

Về phần tổng thống Pháp, ông nghĩ gì ? Điều làm ông đau đớn nhất là bị phê phán không hiểu nguyện vọng người dân có mức thu nhập thấp. Macron bị giằng co giữa trí thông minh và bản tính : đầu thì hiểu mà lòng thì không chấp nhận. L’Express cảnh báo : nếu không thóat ra được khủng hoảng, tương lai Macron là « xác ướp ». Cực hữu và cực tả, mỗi phe một chiến thuật thúc đẩy phong trào Áo vàng đi vào bạo động.

Tuần báo L’Obs tương đối lạc quan : Vị tổng thống đứng bên bờ vực, tuy không nói ra, nhưng đã thay đổi đường lối. Một cố vấn xác nhận từ nay sẽ « làm lại từ đầu » không để « bộ máy hành chánh điều hành đất nước nữa mà là người hoạt động chính trị ». Bởi vì, một rừng yêu sách của phong trào Áo vàng, ngoài đòi tăng sức mua, chống thuế nó còn thể hiện nguyện vọng một nền dân chủ kiểu mới, mọi hy sinh, mọi lợi nhuận phải chia sẻ đồng đều, dân muốn trực tiếp tham gia việc nước và có quyền được biết vì sao đóng thuế và tiền thuế được sử dụng ra sao.

Liệu tổng thống Pháp Macron đã hết thời ?

Câu hỏi chính không riêng gì của báo chí Pháp mà còn là đề tài bình luận của các đồng nghiệp quốc tế cùng lúc cảnh báo các chế độ dân chủ trước làn sóng ích kỷ, cực đoan.

Với tựa « Trong ngõ cụt », bài xã luận của tuần báo Courrier Internatinal không dấu lo âu : bất hạnh của Macron là hạnh phúc của nhiều người khác. Donald Trump, Vladimir Putin, Recep Ergogan không bỏ lỡ cơ hội mỉa mai những khó khăn của tổng thống Pháp. Lãnh đạo dân túy tại Ý, Matteo Salvini cũng sẵn dịp trả thù, chế nhạo Macron.

Bị nội tình rối loạn làm vướng tay vướng chân, chủ nhân Điện Elysée đâu còn tâm trí phục hưng Liên Hiệp Châu Âu. Đã vậy, còn ai để lắng nghe ông ? Phe Áo vàng chắc chắn là không . Còn giới lãnh đạo các quốc gia châu Âu ? Angela Merkel từ từ ra khỏi sân khấu chính trị Đức sau khi bị phe cực hữu lấn sân. Đầu tàu Pháp- Đức không tránh khỏi hệ quả. Anh Quốc từ lâu nay đã vắng mặt, Theresa May cũng lao đao với phương trình Brexit nan giải. Tây Ban Nha bối rối với phong trào độc lập Catalunya và xu hướng cực hữu chiến thắng ở Andalusia. Thủ tướng Bỉ Charles Michel bị bắt buộc lãnh đạo một nội các thiểu số sau khi phe dân tộc chủ nghĩa nói tiếng Flamand rút lui (để phản đối Bỉ ký Hiệp ước Di trú của Liên Hiệp Quốc).

Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng là đến ngày bầu cử Nghị Viện Châu Âu, những lãnh đạo bài ngoại ở Hungari và Ý có thể xoa tay khoái chí. Bởi vì tổng thống Pháp không phải chỉ thua phe Áo vàng : thất bại trong nước làm giảm cơ may trở thành « cứu tinh của Châu Âu » như tuần báo Anh The Economist kỳ vọng trong số báo tháng 06/2017. Một thóang mây bay.

Khủng hoảng tại Pháp

nhưng cùng lúc đe dọa tương lai châu Âu

Ai sẽ thay thế Theresa May ? Chiếc ghế thủ tướng Anh đang bị nội bộ đảng bảo thủ rình rập, nhận định của The Daily Telegraph. Phải chăng đó là triệu chứng một cuộc khủng hỏang mới tại châu Âu ? báo The Times lo ngại : Đức, Ý, Ai Len, Hà lan… những khó khăn mà chính phủ Pháp đang đối đầu, cũng là tình trạng chung của nhiều thành viên của Liên Hiệp Châu Âu. Macron « gia nhập » hàng ngũ những nhà lãnh đạo bị suy yếu vì nội tình chính trị.

Báo « Người Frankfurt chủ nhật » không hoàn toàn đồng ý : Chính quyền Berlin vẫn còn vận may, thủ tướng Angela Merkel cũng thế. Bởi vì sau 13 năm lãnh đạo, công cuộc chuyển giao quyền thừa kế trong đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo được tổ chức hài hòa. Cho dù bị suy yếu vì «mở cửa cho di dân, tị nạn », Angela Merkel đã thành công chuyển trao bộ máy đảng cho tân chủ tịch AKK (Annegret Kramp-Karrenbauer), cùng đường hướng chính trị.

Di dân nhập cư trả giá khủng hoảng

Thế nhưng, trong bối cảnh sắp bầu Nghị Viện Châu Âu và đối mặt với làn sóng cực hữu, dân túy bài ngoại, tâm lý bao dung trong cánh tả ở châu Âu cũng giảm nhiều đối với một làn sóng khác : làn sóng di dân. L’Obs dành một bài phóng sự dài điểm qua bốn nước châu Âu : Đan Mạch, Anh, Đức, Ý. Cánh tả Pháp cũng do dự : chống di dân thì trái với đạo lý còn ủng hộ thì mất phiếu của cử tri bình dân.

Tư pháp Nhật ép Carlos Ghosn cung khai để làm gì ?

Tuần báo L’Obs tìm câu trả lời vì sao lãnh đạo tập đoàn xe hơi Renault Pháp, liên doanh với Nissan bị tư pháp Nhật bắt giam từ một tháng nay? Nhà phân tích Jean-Marie Bouissou, sử gia thông thạo văn hóa Nhật, trong bài phỏng vấn, cho rằng « đó và vấn đề danh dự ».

Carlos Ghosn đến với Nhật như một cứu tinh vào lúc Nissan thua lỗ, kinh tế Nhật suy trầm. Thế mà trong liên doanh, Nissan phải đóng góp vốn nhiều hơn Renault, lại bị « chiếm đọat » công nghệ nên ngậm đắng nuốt cay dù rất bất bình.

Trong giai đoạn đó, nhiều ngôi sao công nghiệp của Nhật bị rơi vào tay nước ngoài, Mỹ và Đài Loan, như Takana, Toshiba và Sharp.

Giờ đây, kinh tế Nhật có dấu hiệu phục hồi, thất nghiệp giảm, tội ác hình sự xuống thấp. Người Nhật có quyền hãnh diện về thành quả này. Thế giới cũng sắp đỗ dồn nhìn về quần đảo Phù Tang với Cúp Bóng Bầu Dục 2019, Thế Vận Hội Tokyo 2020 và Triển Lãm Toàn Cầu 2025. Đằng sau vụ cách chức Carlos Ghosn là xu hướng dân tộc chủ nghĩa hồi sinh.

Đối với chưởng lý toà án Tokyo, bắt lãnh đạo tập đoàn Renault cung khai tội trốn thuế là một chuyện danh dự. Nếu thất bại, thì nền tư pháp Nhật Bản và nước Nhật sẽ mất mặt với báo chí quốc tế, thường chỉ ra những bất cập của các quyết định pháp lý. Điển hình là vụ tạm giam 6 tuần lễ bà Julie Hamp tân giám đốc giao tế của Toyota, một phụ nữ người Mỹ với « tội danh dùng ma túy » vì bà dùng thuốc chống đau khớp có chứa một ít nha phiến trong công thức. Ngay chủ tịch Toyota, vì lên tiếng bên vực bà Julie Hamp mà văn phòng cũng bị lục sóat.

Tại Nhật, một nghi can từ chối khai báo có thể bị giam đến ba tuần. Carlos Ghosn có thể ngồi tù đến ngày ra toà. Năm 2006, doanh nhân Takafumi Horie, cũng bị cáo buộc tội danh tương tự và bị nhốt hai năm rưỡi vì tính khí cương cường. Luật sư của Carlos Ghosn biết viên chưởng lý này, người chiếu cố Takafumi Horie và nay đang chiếu cố lãnh đạo Renault.

Trong tình huống này, theo nhà phân tích Jean-Marie Bouissou, Paris khó mà can thiệp. Tổng thống Pháp không lẽ cứu một nghi can bị tố trốn thuế 40 triệu đôla. Về phía Nhật, thủ tướng Shinzo Abe cũng không dám đi ngược lại công luận mà đa số chống Carlos Ghosn. Cả hai nhà lãnh đạo Pháp Nhật chỉ còn có giải pháp gồng mình lãnh búa rìu báo chí. Trang Webronza ở Tokyo chỉ trích tâm lý « dân tộc chủ nghĩa » : Carlos Ghosn là nạn nhân của nạn « được xôi rồi việc ».

Từ Trung Đông, báo Al Mondo của Liban không bênh vực doanh nhân Pháp mang dòng máu Liban mà còn lập luận lạ thường : Ghosn « lên voi xuống chó » vì « chơi thân với dân Do Thái ».

Ăn chay cứu trái đất

Giảm ăn thịt để bảo vệ sức khỏe và trái đất. Đó là một vấn đề đạo lý,môi trường và sức khỏe theo khẳng định của Courrier International trong « hồ sơ đặc biệt ». Thức ăn công nghiệp hại sức khỏe ra sao, làm sao tránh, kết quả điều tra với tựa « Fake Food » của tuần báo L’Obs. Không hẹn mà nên, trong mùa lễ hội cuối năm, hai tuần báo Pháp tập trung vào thực phẩm… bị nghi là có hại.

Câu hỏi then chốt của nhân loại trong tương lai, theo Courrier Internatinal, là có nên ăn thịt đỏ tức là heo và bò hay không ? Tại Pháp, chiến tranh « ý thức hệ tôn giáo » đã nổ ra giữa doanh nhân bán thịt và phe ăn chay. Cho dù chỉ có khoảng 200 nhà hoạt động năng nổ trên tổng số 200.000 người ăn chay, phe chống thịt, bảo vệ động vật cũng bao vây, phong tỏa hàng thịt theo phóng sự của báo Đức Sudeutsche Zeitung.

Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc thẩm định dân Pháp và dân Đức rất hảo thịt, tính trung bình, mỗi người tiêu thụ đến 90 kí lô mỗi năm. Trung Quốc một mình tiêu thụ 28% lượng thịt sản xuất trên thế giới. Với đà tiêu thụ này thể giới sẽ ra sao ? Theo tạp chí Science, 83% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới được sử dụng để chăn nuôi. Nhưng chăn nuôi cũng có cái giá phải trả : đó là lượng khí thải CO2.

Một khi dân số địa cầu lên 10 tỷ, nhân loại buộc phải thay đổi cách sản xuất và ăn uống. Thay đổi như thế nào ? Đó là cuộc tranh luận hiện nay : ăn chay hay giã từ heo bò ? Chế tạo thịt trong phòng thí nghiệm và không phí phạm thức ăn… liệu có đáp ứng đủ không ? Để nuôi sống 7 tỷ dân hiện nay, mỗi ngày phải giết 50 tỷ thú vật.

Để bảo vệ sức khỏe chống nguy cơ ung thư do ăn thịt thái quá, nhóm nghiên cứu Anh, đại học Oxford, đề nghị tăng thuế đánh lên thịt như phương thức đánh thuế thuốc lá và đường, để làm giảm mức tiêu thụ. Nhưng nhiều nhà khoa học lại cho rằng con số 2,39 triệu người chết vì thịt đỏ trên toàn cầu mỗi năm là đáng ngờ, cho dù liên quan nhân quả giữa lạm dụng thịt và ung thư trực tràng đã được chứng minh.

Nhưng không chỉ thịt đỏ có hại cho sức khỏe. Tuần báo L’Obs, với phóng sự về « Fake Food », trình bày một loạt « thức ăn biến chế » nhờ vào phụ gia làm ngon miệng nhưng hại thân : giá trị dinh dưỡng tồi, bị nghi ngờ là thủ phạm gây nạn béo phì trên thế giới, bệnh tiểu đường và ung thư.

Tại sao gọi là « fake ? Bởi vì các loại thức ăn này tiện lợi cho việc hâm nóng, ăn liền, hợp khẩu trẻ con bị quảng cáo chinh phục, nhưng đó là « thức ăn đã bị biến chất » trong quá trình chế tạo. Tạp chí đương cử hai ví dụ : cá mòi hộp được hấp nóng trong dầu ăn thì không hại gì cả nhưng cá lăn bột chiên thì phải biết là « không còn tự nhiên ». L’Obs phân tích chất lượng một số thực phẩm thường dùng : thịt nguội đẹp mắt ướp muối nitrite, trái olive nhập khẩu, đậu hũ, gan ngỗng, trà giả, sữa chua…

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181215-hoa-vi-ao-vang-va-fake-food

 

Tin đọc nhanh

(Reuters) – Thủ tướng Sri Lanka từ chức. 

Trong một thông cáo, ông Mahinda Rajapakse giải thích là ông không có ý định ở lại làm thủ tướng nếu không có tổng tuyển cử ». Việc ông Rajapakse từ chức sẽ cho phép tổng thống Sri Lanka chỉ định một người thay thế, tránh khả năng chính phủ phải đóng cửa vào ngày 1/1/2019. Quốc gia Nam Á này đối mặt với bất ổn chính trị hơn 1 tháng qua kể từ khi tổng thống Sri Lanka thay thế cựu thủ tướng Ranil Wickremesinghe.

(Reuters) – Trung Quốc hoãn tăng thuế nhập khẩu ô tô Mỹ trong 3 tháng. 

Bắc Kinh ngày 14/12/2018 cho biết sẽ tạm đình hoãn việc tăng thêm 25% trên thuế quan đánh vào xe hơi Mỹ từ ngày 1/1/2019 đến 31/3/2019, thuế đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ. Như vậy mức thuế sẽ tiếp tục ở mức 15%, thay vì 40% nếu việc tăng thuế được duy trì. Việc Trung Quốc hoãn tăng thuế đánh dấu cho lần giảm thuế đầu tiên kể từ khi hai nước chính thức tăng thêm thuế vào tháng 7/2018. Quy định giảm thuế lần này được áp dụng với khoảng 211 mặt hàng trong đó có phụ tùng ô tô và ô tô.

(Reuters) – Lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố « chiến thắng áp đảo » trước tham nhũng. 

Hôm qua, 15/12/2018, trong một cuộc họp của Bộ Chính Trị, đảng Cộng Sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình lãnh đạo đảng, và cũng là chủ tịch nước, đã dùng lời lẽ nói trên để khẳng định thắng lợi trong cuộc chiến chống tham nhũng trong nội bộ đảng cầm quyền.

(AFP) – Yemen : Đặc sứ Liên Hiệp Quốc đòi gởi quan sát viên quốc tế đến cảng Hodeida.

Ông Martin Griffiths, đặc sứ phụ trách Yemen, hôm 14/12/2018, đã yêu cầu Hội Đồng Bảo An nhanh chóng triển khai quan sát viên đến cảng này, nơi xung đột có dấu hiệu bùng lên trở lại tối hôm qua, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn ngày 13/12 giữa chính phủ Yemen và các lực lượng nổi dậy.

 (Reuters) – Bế tắc về Brexit, nhiều bộ trưởng Anh muốn tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai.

Hôm nay, 15/12/2018, nhiều bộ trưởng trong chính phủ Anh, cho rằng thỏa thuận rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà thủ tướng Theresa May vừa nỗ lực thương lượng lần chót với Bruxelles, không có triển vọng được Quốc Hội thông qua. Các bộ trưởng trụ cột trong chính phủ Anh đang bàn thảo về các kịch bản khác, trong đó có tổ chức trưng cầu dân ý lần thứ hai. Một kịch bản được nhiều người ủng hộ khác là Anh rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu không thỏa thuận.

(AFP – Le Monde) – Châu Âu đạt thỏa thuận về dự án lập ngân sách khu vực đồng euro. 

Các bộ trưởng Tài Chính 27 nước châu Âu hôm qua, 14/12/2018, đạt thỏa thuận về một số dự án củng cố eurozone. Thỏa thuận táo bạo nhất được ghi nhận là dự kiến lập ra một « tiểu ngân sách » chung. Các quy định cụ thể về ngân sách này sẽ được quyết định trước tháng 6/2019. Đây là điều chưa có từng có trong lịch sử châu Âu.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181215-tin-doc-nhanh

 

Tạp chí đặc biệt

Năm 2018 : Trump và Kim khuấy động thế giới

Minh Anh

Năm 2018 kết thúc với những biến động địa chính trị và xã hội đầy bất trắc. Viễn cảnh hòa bình mong manh cho bán đảo Triều Tiên ; Quan hệ Mỹ – Bắc Triều Tiên vẫn bất định ; Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung kéo dài dai dẳng ; và Xã hội Pháp đảo lộn vì phong trào Áo Vàng. Trên đây là những sự kiện đáng chú ý trong năm 2018.

Liên Triều : Ba lần anh gặp em

« Khi bước chân qua lằn ranh phân định, tôi mới biết là giới tuyến này không hề bị một vật to lớn nào đó cản trở cả. Có điều là phải đến 11 năm sau, thời khắc lịch sử này mới diễn ra một cách dễ dàng như vậy. Thế nên, khi bước qua đường ranh giới, tôi đã tự hỏi tại sao phải mất đến ngần ấy năm mới có được giây phút này ? Và tại sao điều đó lại khó khăn đến như thế ? »

Lãnh đạo Kim Jong Un, ngày 27/04/2018, đã xúc động phát biểu như trên tại cuộc gặp thượng đỉnh Bắc Triều Tiên – Hàn Quốc diễn ra tại khu phi quân sự Bàn Môn Điếm, bên phía Hàn Quốc. Đây là lần thứ ba lãnh đạo hai nước Nam – Bắc Triều Tiên gặp nhau kể từ sau chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc và là cuộc gặp đầu tiên giữa Kim Jong Un và Moon Jae In. Cuộc gặp này được tổ chức sau khi Kim Jong Un trong bài phát biểu đầu năm bất ngờ thông báo muốn tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeongchang 2018.

Với giới chuyên gia, thông báo này là « một đòn tấn công ngoại giao ngoạn mục ». Bởi vì, tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh bán đảo Triều Tiên căng thẳng tột độ, tưởng chừng chiến tranh sắp xảy ra sau nhiều tháng khẩu chiến dọa dẫm giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Thành công của thượng đỉnh « Moon – Kim lần I » cũng được giới phân tích đánh giá là « một cú đột phá ngoại giao ». Việc chọn thời điểm diễn ra thượng đỉnh cũng không phải là một sự ngẫu nhiên như nhận xét của ông Cleo Thement, viện Đông Á, trường Ecole Normale Supérieure của Lyon, từng có thời gian đến giảng dậy tại Đại học Khoa Học và Công Nghệ Bình Nhưỡng, khi trả lời phỏng vấn ban Tiếng Việt đài RFI ngày 26/04/2018.

« Tổng thống Hàn Quốc được bầu vào tháng 05/2017 và điều này đã dẫn đến việc chính quyền Hàn Quốc thay đổi chính sách trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Chính quyền Hàn Quốc trước đó rất bảo thủ và chống đối mạnh mẽ mọi tiến trình cải thiện quan hệ Nam-Bắc Triều Tiên.

Về phần mình, Bắc Triều Tiên đã quyết định hoàn tất việc phát triển các chương trình nguyên tử và tên lửa đạn đạo, để tạo thế mạnh khi tiến hành thương lượng với Hàn Quốc và sau đó với Hoa Kỳ. »

Tình hình bán đảo Triều Tiên bỗng nhiên cũng hạ nhiệt với các lần thượng đỉnh II (5/2018) và III (9/2018) tiếp theo. Những hình ảnh phát đi cho thấy cảnh lãnh đạo hai miền thân mật bắt tay, ôm chầm lấy nhau ; cử chỉ thân thiện của Kim Jong Un mời lãnh đạo Hàn Quốc bước qua lằn ranh phân định giới tuyến hay hình ảnh tổng thống Moon và phu nhân cùng thăm đỉnh núi thiêng Paektu với lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã mang lại nhiều hy vọng nhưng cũng chứa đựng đầy hoài nghi.

Bởi vì không ai có thể tiên liệu được rằng những hình ảnh đầy xúc động đó có thể tiếp tục duy trì tình trạng hạ nhiệt này cho bán đảo đến tận bao giờ.

Thượng đỉnh Singapore : « Kỳ phùng địch thủ »

Một hình ảnh khác cũng gây ấn tượng không kém trong năm 2018 chính là cái bắt tay lịch sử giữa tổng thống Mỹ, Donald Trump và lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Un, tại thượng đỉnh Singapore, ngày 12/06/2018.

« Con đường dẫn đến cuộc gặp này không mấy gì dễ dàng. Những định kiến xưa cũ và các thói quen trong quá khứ đã dựng nên nhiều cản trở cho tiến trình. Nhưng chúng ta đều đã vượt qua và ngày hôm nay chúng ta đều có mặt ở đây ».

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã có phát biểu như trên nhân cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Singapore. Cuộc gặp được cho là kết thúc tốt đẹp với lời hứa phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên của lãnh đạo Kim Jong Un. Thế nhưng, lời cam kết này đã không thuyết phục được giới chuyên gia.

Vài ngày trước khi diễn ra thượng đỉnh, trang mạng 38 vĩ tuyến bắc tiết lộ các hình ảnh cho thấy dường như trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon của Bắc Triều Tiên đã được mở rộng và đang gia tăng các hoạt động làm giầu chất uramium.

Do vậy theo quan điểm của bà Jenny Town, điều phối viên trang mạng 38 Vĩ tuyến bắc, thế giới nên cảnh giác trước những gì Kim Jong Un hứa hẹn tại thượng đỉnh Singapore :

« Đây mới là trung tâm chính trong chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cùng với một lò phản ứng chất plutonium, nhiều nhà máy làm giầu chất uranium, những nơi sản xuất ra chất uranium cực kỳ đậm đặc. Chính ở đó họ sản xuất chất liệu hạt nhân dùng để chế tạo bom nguyên tử. Bởi vì, các hình ảnh vệ tinh của chúng tôi cho thấy một số chương trình mở rộng vốn được khởi động NGAY TRƯỚC thượng đỉnh kể từ giờ đã vào giai đoạn hoàn tất.

Chính các bước cải thiện này sẽ củng cố hơn nữa khả năng sản xuất nguyên liệu phân hạch của họ. Đây là bằng chứng cho thấy nên ngừng những lời nói hoa mỹ, không nên bằng lòng về một tuyên bố và nên nhanh chóng đàm phán một thỏa thuận thật sự : Cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, đây không phải là một thỏa thuận, mà một mục tiêu. Chừng nào chưa có những chỉ thị rõ ràng từ trên ban xuống, chừng ấy họ vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. »

Tóm lại, thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore chỉ mới là màn mở đầu cho một tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên « dài hơi » và « bất định ». Bởi lẽ, bên nào cũng khăng khăng giữ nguyên lập trường và luôn trong trạng thái nghi kỵ lẫn nhau.

Nhưng đối với Bắc Triều Tiên đây cũng là một bước đi quan trọng. Hình ảnh cái bắt tay lịch sử đó phần nào giúp Bình Nhưỡng phá đi thế cô lập ngoại giao do quốc tế mà Hoa Kỳ đứng đầu dựng nên từ nhiều năm qua.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung :

 Truyện dài nhiều tập

Năm 2018 còn mang đậm dấu ấn bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Từ mấy tháng nay, Trung Quốc và Hoa Kỳ lao vào một cuộc chiến thuế quan vô tiền khoáng hậu.

Chính quyền Washington cáo buộc Bắc Kinh cạnh tranh không lành mạnh, không tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tấn công tin tặc… nên đã thiết lập một hàng rào thuế quan nghiêm ngặt chưa từng thấy nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc. Và ngược lại, Bắc Kinh không chịu lép vế, đáp trả tương xứng đánh thuế nhiều mặt hàng nhập khẩu của Mỹ.

Cuộc chiến tưởng chừng sẽ kéo dài sang năm mới, thì đột nhiên hai bên thông báo hưu chiến trong vòng 90 ngày bên lề thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, thủ đô Achentina.

Tuy nhiên, theo giới quan sát, thương mại chỉ là bề nổi, vì ẩn sau cuộc đọ sức Mỹ – Trung này là một mặt trận khác : Cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng và giành quyền thống trị các công nghệ tương lai. Hơn bao giờ hết thế độc tôn lãnh đạo của Mỹ trên thế giới bị đe dọa.

Về điểm này, mục tạp chí Tiêu điểm thời sự ngày 13/12/2018 của ban Tiếng Việt có trích dẫn nhận xét của ông François Godement, giám đốc Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế, Thượng viện Pháp, khách mời của chương trình Địa chính trị của RFI, phân tích :

« Trung Quốc bắt đầu trỗi dậy từ năm sau khi Mao qua đời và với cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình năm 1978. Trong một thời gian dài với khẩu hiệu « náu mình chờ thời » (thao quang dưỡng hối). Giới lãnh đạo sau đó tuyên bố theo chính sách « phát triển » trong tinh thần hiếu hòa.

Họ còn cân nhắc giữa « phát triển và trỗi dậy » và tuyên bố là chỉ phát triển trong tinh thần hòa bình. Thế rồi, đến khi Tập Cận Bình lên nắm quyền thì mọi việc sáng tỏ hơn : Trung Quốc « trỗi dậy trong mọi lãnh vực », đó là kết quả của một quá trình chạy đua vũ trang rất, rất dài. Sức mạnh quân sự của Trung Quốc vượt trội các quốc gia láng giềng. Do vậy, Hoa Kỳ mới lo ngại.

Thế giới đã qua rồi thời kỳ sống chung với một siêu cường với nền kinh tế thị trường hùng mạnh hơn bất cứ nước nào lại có thêm sức mạnh quân sự (Mỹ). Ngày nay, thế giới có thêm một nước Trung Quốc với tham vọng làm bá chủ thế giới từ công nghệ cho đến thương mại, một nước Trung Quốc « dân tộc chủ nghĩa », bảo hộ thị trường và đang cạnh tranh ngang tầm với Hoa Kỳ trong một số lãnh vực. »

Pháp : « Vô địch bóng đá » và « vô địch bạo động »

Cuối cùng, nhìn sang nước Pháp. Năm 2018 có lẽ sẽ năm đáng nhớ. Bởi vì chẳng có quốc gia nào có một cảm giác buồn vui lẫn lộn như tại Pháp năm nay. Tháng 7 người dân Pháp hoan hỉ đón nhận chiếc cúp vô địch bóng đá thế giới thứ hai.

Theo nhận định của chuyên gia Pascal Boniface trên đài RFI trong một chương trình phát thanh hồi tháng Bảy, trong bối cảnh nền kinh tế, chính trị và xã hội u ám hiện nay, thắng lợi của đội nhà đã mang đến cho đất nước một luồng sinh khí mới.

« Bởi vì thành thực mà nói, tình hình nước Pháp không mấy tốt đẹp, về kinh tế, xã hội, bị chia rẽ, bầu không khí ảm đạm, rồi các vụ khủng bố… Pháp là một nước bi quan, rất bi quan. Các cuộc điều tra cho thấy dân Pháp còn bi quan hơn cả dân Afghanistan, Irak và đó là một nghịch lý.

Do vậy, dân Pháp cần có những dịp cùng vui chung, quây quần tụ tập, không phải để chống nhau mà để chia sẻ niềm vui. Đó không phải là một sự tập hợp của một tầng lớp nào, một cộng đồng nào, mà của tất cả mọi người. Những dịp như vậy rất hiếm có.

Thành thực mà nói, ngoài bóng đá, tôi không thấy có điều gì có thể tạo được niềm vui chung như vậy. Tại Paris, đã bao nhiêu lần có tới hơn một triệu người xuống đường cùng nhau chia sẻ niềm vui ? Có lẽ là vào dịp Paris được giải phóng khỏi sự xâm chiếm của ngoại bang, hồi tháng 05/1968 chống lại các cuộc đình công, hồi tháng 01/2015 để phản đối các vụ khủng bố.

Tháng 07/2018, Pháp đoạt Cúp vô định bóng đá thế giới, người dân xuống đường trong bầu không khí tích cực, lễ hội, chứ không phải như một số sự kiện trước : xuống đường để tưởng niệm, bày tỏ đau thương hay phản đối. »

Pháp : Áo Vàng phá hỏng tiệc cuối năm

Thế nhưng, niềm vui đó người dân Pháp đã không hưởng trọn vẹn. Từ bốn thứ Bảy liên tiếp, thế giới được chứng kiến những cảnh tượng chưa từng thấy kể từ sau đợt bạo động sinh viên mùa xuân năm 1968. Paris hoang tàn như có nội chiến. Khải Hoàn Môn, điểm tham quan lịch sử, biểu tượng của nước Pháp bị phá hoại, bị bôi nhọ. Đại lộ Champs – Elysées như là một bãi chiến trường. Gạch lát đường, song sắt bảo vệ cây bị cậy phá. Các cửa hiệu thương hiệu cao cấp thì bị cướp phá. Hàng quán thì bị đập vỡ…

Vì đâu nên nỗi ? Paris nạn nhân của một làn sóng phản đối mang tên Áo Vàng. Từ chuyện bất bình về việc giá nhiên liệu tăng, hàng trăm ngàn người dân Pháp đã khoác chiếc « Áo Vàng », chiếc áo an toàn giao thông, xuống đường biểu tình phản đối chính phủ trên nhiều mặt : sưu cao thuế nặng, đời sống đắt đỏ, sức mua giảm…

Một người dân ở vùng Haute-Loire bức xúc trả lời phóng viên đài RFI : « Để đi chợ, chúng tôi buộc phải đi từ 20-30 km. Chúng tôi phải làm sao đây ? Bởi vì ở trong làng giờ không có dịch vụ nào hết. Mỗi lần muốn làm việc gì đều phải dùng đến xe, trong khi có những thứ mà lẽ ra thị trấn nhỏ bé này vẫn có thể làm được. Và như vậy cũng có thể tạo ra việc làm ».

Trước nguy cơ phong trào lan rộng, tổng thống Emmanuel Macron buộc phải lên tiếng nhượng bộ, khẩn cấp đề ra các biện pháp « chữa cháy » : bãi bỏ việc tăng thuế nhiên liệu, miễn thuế thu nhập và mức đóng góp xã hội cho tiền lương phụ trội, hoãn tăng mức đóng góp xã hội CSG đối với những người về hưu có thu nhập thấp hơn 2000 euro/tháng, đồng thời tăng tiền thưởng lao động, dẫn đến việc tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng.

Liệu rằng những biện pháp « chữa cháy » đó có xoa dịu được cơn bất bình của người dân hay chưa ? Câu trả lời giờ phải đợi đến ngày thứ Bảy 15/12/2018 này, bởi vì trong bối cảnh khủng bố ở Strasbourg hôm thứ Ba 11/12 làm ba người chết và 13 người bị thương, phe Áo Vàng vẫn còn do dự có nên tiếp tục xuống đường hay không.

http://vi.rfi.fr/chau-a/20181215-nam-2018-trump-va-kim-khuay-dong-the-gioi