Tin Việt Nam – 14/12/2018
“Súc quyền” và nhân quyền
Nguyễn Tường Thụy
Như vậy là còn hơn một năm nữa, súc vật nuôi sẽ được hưởng “súc quyền” qui định ở Luật chăn nuôi vừa được quốc hội thông qua ngày 19/11/2018. Luật này hơn hẳn Pháp lệnh Giống vật nuôi mà nó sẽ thay thế về khoản đối xử nhân đạo với vật nuôi. Theo đó, người chăn nuôi không được phép đánh đập hành hạ vật nuôi, vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh. Đến ngay cả khâu giết mổ, qui định cũng hết sức nhân đạo như hạn chế gây đau đớn, không để vật nuôi bị sốc về tâm lý (không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ)….
Tìm hiểu về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi, người ta không khỏi cảm thấy ngậm ngùi cho số phận con người.
Quy định vật nuôi phải ở trong chuồng trại hợp vệ sinh, có đầy đủ thức ăn nước uống, được phòng bệnh và chữa bệnh khiến tôi lại nghĩ đến từng đoàn dân oan khắp các tỉnh thành trong cả nước, ngủ vật vờ ở vườn hoa, ở vỉa hè, thiếu thốn đủ mọi thứ. Đã thế, họ luôn bị xua đuổi, bị phun nước nước vào cơm và đồ ăn. Nhiều gia đình đang sống bình thường, bỗng nhiên bị đuổi ra khỏi nhà của mình để cưỡng chế mà không có cơ sở pháp lý nào. Khu 4,3 héc ta ở Thủ Thiêm là một ví dụ.
Ở khâu vận chuyển, vật nuôi cũng phải được đối xử nhân đạo như sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, gây sợ hãi cho vật nuôi. Điều khoản này làm ta lại nhớ đến Bùi Thị Minh Hằng bị “vận chuyển” từ trại Thanh Hà tận Phú Thọ bằng ô tô về Vũng Tàu. Chị cho biết, chị bị xích vào ghế ngồi trong suốt quá trình “vận chuyển” trong đau đớn, khó chịu và bức xúc tột độ.
Không được làm cho vật nuôi sợ hãi, trong khi nhiều người làm việc với công an dù đi theo giấy mời, giấy triệu tập hay bị bắt về đồn thường bị khủng bố tinh thần như quát tháo phủ đầu, đe dọa, chửi bới, lăng mạ. Trong nhiều cuộc biểu tình, không khí căng thẳng, sợ hãi mỗi khi bị đàn áp bốc lên ngùn ngụt.
Vật nuôi được phòng bệnh và trị bệnh trong khi những tù nhân lương tâm không được nhận chăn, áo ấm người nhà gửi trong những ngày mùa đông lạnh giá. Khi bị bệnh, không được chữa trị hay đi bệnh viện kịp thời. Cảnh 4,5 người chung một giường bệnh ở các bệnh viện là rất phổ biến.
Vật nuôi được phòng bệnh và trị bệnh trong khi những tù nhân lương tâm không được nhận chăn, áo ấm người nhà gửi trong những ngày mùa đông lạnh giá. Khi bị bệnh, không được chữa trị hay đi bệnh viện kịp thời. Cảnh 4,5 người chung một giường bệnh ở các bệnh viện là rất phổ biến.
Đọc đến đoạn không được đánh đập, hành hạ vật nuôi, tôi vẫn còn nguyên căm phẫn khi nghĩ đến hình ảnh Lê Quốc Quyết bị công an lôi từ trong nhà tôi ra ngoài sân. Một đám 5,6 tên tranh nhau đánh, giẫm đạp lên mình, lên đầu anh. Mặt mũi anh sưng vều, be bét máu. Còn chị Dương Thị Tân kể chị bị tên Nguyễn Quang Khoa trưởng công an xã Vĩnh Quỳnh quấn tóc mấy vòng dập đầu liên tiếp vào tường. Đấy là chuyện hôm chúng lùng sục để bắt Nguyễn Phương Uyên ngày 25/9/2013. Rồi hình ảnh Trương Văn Dũng bị đánh ngất trong trại Lộc Hà, máu me bê bết bị chúng khiêng ra vứt ở cổng trại ngày 2/6/2013 còn ám ảnh những người biểu tình chống Trung Quốc cho đến tận bây giờ. Ông Trịnh Xuân Tùng cha của Trịnh Kim Tiến bị công an đánh chết chỉ vì khi vào bến, xe chưa dừng hẳn đã bỏ mũ bảo hiểm ra. Kẻ đánh chết ông chỉ bị tù 4 năm. Giới luật sư cũng không được an toàn khi tham gia vào các vụ kiện được cho là “nhạy cảm”. Họ bị đón đường đánh, bị tước tài liệu, bị cướp phương tiện hành nghề. Câu chuyện “bụi Chương Mỹ” giới quan tâm vẫn thường nhắc đến mỗi khi nói về tính nguy hiểm trong nghề luật sư…
Người ta rùng mình ghê sợ khi một báo cáo tại Quốc hội cho thấy chỉ trong 3 năm, có tới 226 người chết trong các trại tạm giam, tạm giữ.
Có quá nhiều ví dụ về công an đánh đập người vô cớ mà muốn lập hồ sơ đầy đủ thì phải tốn kém thời gian và dung lượng gấp nhiều trăm lần mấy cái gạch đầu dòng trên đây.
Trong các kỳ họp Quốc hội hàng năm, người ta bàn bạc, thảo luận đủ thứ thượng vàng hạ cám. Thế nhưng, không có phiên họp nào vấn đề vi phạm nhân quyền đang trở nên ngày càng trầm trọng được đề cập.
* * *
Câu chuyện về “súc quyền” đang râm ran trên mạng xã hội với đủ mọi chê bai, giễu cợt. Trong khi nhân quyền bị vi phạm nghiêm trọng, thì Quốc hội thông qua những qui định chặt chẽ về chính sách nhân đạo đối với vật nuôi. Tôi không nói những qui định ấy là không cần thiết. Có điều là, khi đưa “súc quyền” vào luật, cần phải nghiêm túc xem xét xem nhân quyền đã đảm bảo chưa và cần đưa ra các biện pháp để chấm dứt tình trạng vi phạm nhân quyền đã trở thành căn bệnh trầm kha.
Pháp lệnh Giống vật nuôi sẽ được thay bởi Luật chăn nuôi khi Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Tại sao Luật chăn nuôi lại thêm hẳn một mục về “Đối xử nhân đạo với vật nuôi”? Phải chăng, nhân quyền ở VN đã quá đẩy đủ nên người ta mới có thời gian quan tâm đến gia súc. Tôi cho rằng, chính vì VN luôn luôn bị nhắc nhở về nhân quyền nên họ mới đưa tinh thần “Đối xử nhân đạo với vật nuôi” vào luật. Để mỗi khi có ai đặt ra vấn đề nhân quyền ở VN thì đã có câu trả lời: Ở VN, vật nuôi còn được đối xử nhân đạo như thế, huống chi con người.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/animal-right-and-human-rights-12142018094711.html
Thân nhân của tù nhân lương tâm
Hội Anh Em Dân Chủ gặp gỡ với Đại sứ quán Mỹ
Thân nhân của 4 tù nhân chính trị, là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ, có cuộc gặp gỡ với đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ, ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 12 để trình bày về tình cảnh của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Ký giả Trương Minh Đức, Kỹ sư Phạm Văn Trội và cô TrầnThị Xuân đang bị đàn áp trong tù.
Đó là tình trạng không cho gửi thức ăn vào mà chỉ được mua đồ ăn của căn tin với giá đắt đỏ, không cho mặc quần áo ấm của gia đình mà chỉ được mặc đồ của trại giam trong mùa đông…
Bà Nguyễn Thị Lành, vợ của Mục sư Nguyễn Trung Tôn, vào chiều cùng ngày nói với RFA về nội dung buổi gặp gỡ với Đại sứ quán Hoa Kỳ
“Chúng tôi trình bày theo ý nguyện chung là tất cả anh em tù nhân trong Hội Anh Em Dân Chủ hiện giờ đang bị đối xử áp đặc khắc nghiệt trong các trại giam; người bị đi làm ngày 8 tiếng đồng hồ như anh Phạm Văn Trội, còn như chồng tôi là Mục sư Nguyễn Trung Tôn trong phòng giam mỗi ngày bị bắt làm kiểm điểm nhưng anh không làm. Anh bị đưa sang phòng học kỷ luật và anh cũng không học. Bắt họ đi tù mà còn làm những việc đày đọa họ trong tù như bắt não bộ của họ miệt mài làm giấy kiểm điểm như thế.”
Hồi tháng 4 năm 2018, Tòa án Việt Nam tuyên án tù đối với 6 thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ với cáo buộc “ hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, theo Điều 79 Bộ Luật Hình Sự và mức án tổng cộng lên đến 66 năm tù giam.
Thân nhân của 4 tù nhân lương tâm Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Ký giả Trương Minh Đức, Kỹ sư Phạm Văn Trội và cô TrầnThị Xuân cho biết đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ hứa hẹn sẽ quan tâm nhiều hơn cũng như lên tiếng cho trường hợp của các tù nhân lương tâm là thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ nói riêng và tù nhân lương tâm tại Việt Nam nói chung.
Tù nhân lương tâm ở trại Ba Sao: Tù trong tù
Nguyễn Tường Thụy
Đấy là nhận xét của TNLT Phạm Văn Trội nói về anh và những người TNLT trong trại giam Ba Sao (Hà Nam) khi gia đình đến thăm nuôi.
Hiện nay, ở trại này đang giam giữ những TNLT mà nhiều người biết đến như Phạm Văn Trội, Hồ Đức Hòa, Lê Thanh Tùng, Vũ Quang Thuận, Phan Kim Khánh…
Hôm 9/12 vừa qua, Hội Bầu bí tương thân đồng hành cùng hai gia đình Phạm Văn Trội và Hồ Đức Hòa đến thăm các anh. Với gia đình Hòa, chúng tôi hẹn nhau tại cổng trại, còn với gia đình Trội, chúng tôi đưa đón vợ và con anh đi thăm chồng, thăm cha. Tất nhiên chúng tôi phải ngồi ngoài cổng trại trong thời gian gia đình các anh vào thăm. Cô Nguyễn Huyền Trang vợ Phạm Văn Trội kể, khi em nói anh và các anh chị đang ngồi ngoài cổng, anh vui lắm, biết anh chị em ở ngoài không bao giờ quên những TNLT đang phải chịu đựng nhiều gian khổ trong trại giam.
Trong câu chuyện với Trang trên đường về, có thể hình dung ra việc Trội và những anh em TNLT trong trại này đang gặp phải sự đối xử khắc nghiệt. Trang nói, mỗi lần gặp, gia đình được nói chuyện khoảng 1 giờ. Câu chuyện thì nhiều lắm, em có ghi lại cho khỏi quên thì sau đó trại giam bắt hủy nên kể lại không đầy đủ đâu.
Theo lời Trang kể thì những TNLT ở trại này đều bị cô lập, không được tiếp xúc với những tù thường phạm khác vì họ sợ tinh thần của TNLT ảnh hưởng đến toàn trại. Các anh không được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao. Giờ giấc lao động cưỡng bức cũng rất căng, đúng 8 giờ 1 ngày. Hàng ngày đi làm sớm nên các anh phải dậy từ rất sớm để còn tập thể dục, vệ sinh cá nhân. Công việc là làm đồ mây tre đan. Việc này tuy không vất vả nhưng rất độc hại vì nguyên liệu được ngâm tẩm chất hóa học. Nguyên liệu lại chất đầy trước buồng giam nên không chỉ lúc làm mà suốt ngày các anh hít phải hơi độc. Phòng giam ẩm thấp, bẩn thỉu và thiếu ánh sáng trầm trọng, vì nơi các anh đang ở bây giờ chính là khu biệt giam trước đây
Về sinh hoạt rất vất vả. Mùa đông trại không cho nhận chăn, quần áo rét người nhà gửi vào. Mỗi người chỉ được dùng 1 áo ấm. Đồ ăn cũng không được nhận của gia đình gửi vào mà phải mua của trại rất đắt, gấp nhiều so với giá thị trường. Đã phải mua đắt nhưng lại không ngon, chất lượng thế nào thì chịu thế.
Anh em rất bức xúc về qui định vô lý của trại nên đã viết đơn gửi ban giám thị yêu cầu giải quyết nhưng 2 tháng tình hình vẫn thế và trại vẫn không có ý kiến gì về lá đơn ấy cả.
Trang nhận xét: “Trại này rất có kinh nghiệm quản lý TNLT anh ạ. Nó hành hạ về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly từng tí”. Tôi hỏi sao họ kiểm soát được và kiểm soát như thế nào? Cô kể tiếp:
Trại này rất có kinh nghiệm quản lý TNLT anh ạ. Nó hành hạ về tinh thần là chủ yếu. Họ kiểm soát ý nghĩ con người rất gắt gao, từng ly từng tí – Nguyễn Huyền Trang
Khi nói chuyện với anh Trội, anh luôn bị ngắt lời khi kể về tình hình sinh hoạt trong tù như thế nào. Anh Trội tỏ thái độ phản đối rất gay gắt. Anh bảo: “Tôi sẵn sàng hủy cuộc gặp hôm nay, tôi không cần gặp gia đình nữa nếu không cho tôi nói”. Lúc ấy tay cán bộ đi kèm có nhiệm vụ canh chừng mới hạ giọng và cuộc nói chuyện mới tiếp tục.
Trang kể tiếp: “Khi nói chuyện, em có ghi chép lại những gì anh ấy nói vì em sợ không nhớ hết. Sau cuộc gặp, họ bắt em phải lên văn phòng gặp phó giám thị về việc em sử dụng giấy bút ghi chép trong khi thăm gặp, buộc em phải đưa cho họ xem nội dung ghi những gì và họ hủy trước khi em rời trại.
Em phản đối và nói không có quy định nào cấm ghi chép khi gia đình thăm gặp tù nhân, các anh làm như thế là bất chấp mọi qui định.
Thực ra giấy ấy chỉ ghi lại những gì anh Trội nói rất bình thường thôi nhưng họ làm rất gay gắt. Em ghi được nhiều nhưng chỉ nhớ được mấy ý thôi. Em nghĩ là họ sợ tất cả thông tin này bị mang ra ngoài”.
Thì ra, lý do chúng tôi chờ mẹ con Trang rất lâu, từ 9 giờ 20’ tới gần 12 giờ mới thấy mẹ con cô ra là vì thế. Như vậy, việc thông tin giữa tù nhân và gia đình phải chịu 2 lần kiểm soát, một là can thiệp ngay nếu tù nhân nói ngoài ý muốn của họ, hai là không cho người nhà ghi chép lại để những chuyện trong trại giam không lọt ra ngoài.
“Em nghĩ những người TNLT như anh Trội không chỉ là trong cảnh tù đầy đâu mà tù trong tù luôn ấy anh ạ. Cho nên về mặt tinh thần của các anh ấy rất mệt mỏi. Anh Trội muốn nhấn mạnh là các anh bị họ cô lập, không cho tiếp xúc với tù thường phạm” – Trang nói.
* * *
Trại giam Ba Sao nằm ở một vùng núi đá thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam nên thời tiết rất khắc nghiệt, mùa đông thì lạnh, mùa hè thì nóng hơn những vùng bình thường khác, gọi là lam sơn chướng khí. Nơi đây đã từng giam hàng nghìn tù chính trị và quân cán binh Việt Nam cộng hòa. Những câu chuyện bi thương về số phận những người tù, Phạm Thanh Nghiên đã viết trong “Ba Sao chi mộ” và Thanh Trúc với bài “Những vong linh tù cải tạo trại Ba Sao” đăng ở RFA.
Tuy không nên chỉ căn cứ vào “truyền thống” ấy để suy xét về những TNLT đang bị giam ở trại giam này, nhưng những gì mà Phạm Văn Trội thông tin cho thấy có nhiều điều rất đáng lo ngại cho các anh. Tôi đã tìm hiểu cuộc sống của TNLT ở nhiều trại giam thông qua câu chuyện với gia đình họ, hoặc chính TNLT khi ra tù kể. Mỗi trại giam có những khắc nghiệt khác nhau. Ở trại giam này, có những khắc nghiệt và vô lý riêng của nó. Lối hành xử không theo những qui định chung mà lại làm theo những gì họ muốn.
Mỗi bản án, trước đoạn tuyên án đều có câu cần phải cách ly phạm nhân ra khỏi xã hội. Nếu chỉ hiểu theo như thế thì trong tù, quyền con người vẫn được đảm bảo. Thế nhưng, trên thực tế, ngoài việc bị cầm tù, họ còn bị tước nhiều quyền khác và bị hành xử cực kỳ vô lý mà không biết kêu ai, trừ kêu với chính những kẻ đã hành hạ họ. Với trại giam Ba Sao, cơ sở nào mà họ ngăn cách TNLT với tù thường phạm? Họ có quyền gì mà không cho tù nhân nhận đồ ăn từ gia đình để buộc phải mua hàng căn tin của trại, dùng căn tin làm công cụ bóc lột tù nhân, tùy ý định giá và chất lượng sản phẩm? Lương tâm họ để đâu mà không cho tù nhân nhận quần áo chống rét từ gia đình? Nếu trại giam Ba Sao làm việc đàng hoàng, tại sao phải cấm tù nhân kể thật về mọi việc diễn ra trong trại?. Phải chăng, chuyện đày ải tù nhân là một bí mật quốc gia?
Mới rõ hơn rằng, các anh chị em TNLT không chỉ bị tách ra khỏi xã hội mà còn bị trừng phạt, đày ải. Trong những ngày mưa phùn gió bấc với cái lạnh thấu xương như mấy hôm nay, nghĩ về các anh trong trại giam Ba Sao không đủ đồ chống rét mà rùng mình, thương các anh vô kể và cũng căm giận vô cùng những kẻ đang đày đọa các anh. Việc hành hạ những tù nhân nói chung và TNLT nói riêng mà ở đây là trại giam Ba Sao là những việc làm độc ác, cần phải có nhiều hơn sự lên tiếng của lương tâm tất cả mọi người.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/prisoners-of-conscience-in-basao-12142018103936.html
LS Võ An Đôn sống thế nào
sau một năm bị tước thẻ?
Ben NgôBBC Tiếng Việt
Luật sư Võ An Đôn trao đổi với BBC về chuyện tại sao ông khởi kiện bộ trưởng Tư pháp và việc mưu sinh nuôi vợ cùng ba con sau một năm kể từ ngày bị tước thẻ hành nghề.
Hôm 4/12, Luật sư Võ An Đôn thông báo ông đã nộp đơn khởi kiện ông Lê Thành Long, Bộ trưởng Tư pháp, yêu cầu Tòa án tỉnh Phú Yên hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại và trả lại quyền hành nghề luật sư cho ông.
Việc xử lý LS Đôn ‘tạo tiền lệ rất xấu’
LS Võ An Đôn chỉ còn ‘làm nông để mưu sinh’
Hơn 100 luật sư cùng ủng hộ Võ An Đôn
Ba người, một tổ chức nhận giải nhân quyền
Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Tư pháp bác toàn bộ nội dung khiếu nại của ông Võ An Đôn về việc bị xóa tên khỏi đoàn luật sư tỉnh này, theo báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh.
Hôm 13/12, trả lời BBC từ Phú Yên, Luật sư Võ An Đôn nói: “Đến nay đã nửa tháng từ ngày tôi nộp đơn kiện bộ trưởng Tư pháp nhưng tôi chưa nhận được phản hồi, dù theo luật thì tòa án phải trả lời trong 5 ngày.”
“Dựa vào thực tế của nghề luật ở Việt Nam, tôi tự biết khả năng mình thắng kiện trong vụ này không bao giờ xảy ra, vì tòa không thể nào bác quyết định của bộ trưởng.”
“Từ trước đến nay đã có một số luật sư bị tước thẻ hành nghề nhưng chưa có ai đi kiện.”
Tôi rất muốn các con của tôi sau này lớn lên thì sẽ theo nghề luật, vì nghề luật là nghề tôi đam mê từ thuở nhỏ. Hơn nữa, nghề luật giúp người học hiểu biết về pháp luật, mà pháp luật thì điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.luật sư Võ An Đôn
“Tôi muốn là người đầu tiên đi kiện bộ trưởng Tư pháp là để cho người dân biết bộ mặt thật của luật pháp Việt Nam.”
“Bên cạnh đó, tôi muốn giới lãnh đạo Liên đoàn Luật sư và Bộ Tư pháp phải dè chừng khi treo thẻ một người mà không có căn cứ nếu không muốn bị kiện tiếp.”
“Tôi cũng nghĩ đến khả năng mình bị tước thẻ mãi mãi nhưng sẽ vẫn chiến đấu cho vụ này.”
‘Tòa không được cấm luật sư sao chụp hồ sơ vụ án’
Luật sư Phạm Công Út bị kỷ luật, xóa tên
“Ít luật sư bảo vệ cho người bất đồng chính kiến”
Việt Nam công nhận ‘quyền im lặng’?
Ý kiến trước phiên xử Nguyễn Văn Đài
Cuộc sống sau khi bị tước thẻ
Luật sư Võ An Đôn cũng nói với BBC: “Sau khi bị tước thẻ, tôi vẫn cố gắng tư vấn pháp luật cho người dân trong một số vụ án dân sự.”
“Ngoài ra, tôi mưu sinh bằng việc làm nông, làm vườn, chăn nuôi để nuôi vợ và ba con từ 2 đến 7 tuổi.”
“Nói chung là giống như bất kỳ người dân nông thôn nào khác ở Việt Nam.”
“Người ta sống được thì mình sống được, dù trước khi có thu nhập ổn định thì mình đỡ hơn, còn nay thì phải tính toán mọi khoản chi tiêu trong nhà kỹ hơn.”
Trả lời câu hỏi của BBC về việc luật sư ở Việt Nam có nên bày tỏ chính kiến, và nếu có thì phải chuẩn bị tâm lý thế nào và sẽ gặp những rủi ro gì về nghề nghiệp, ông Đôn đáp:
“Theo tôi là luật sư thì phải biết bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề của xã hội. Vì hơn ai hết, luật sư được xem là thành phần tri thức, khi thấy những hiện tượng tiêu cực, bất công, vi phạm pháp luật, trái đạo đức thì mình phải có nghĩa vụ lên tiếng, để mọi người biết đâu là đúng, đâu là sai.”
“Luật pháp và chính trị được ví như hình với bóng, làm luật sư nghĩa là làm chính trị mà không dám bày tỏ chính kiến của mình, làm ngơ với các tiêu cực xã hội, chỉ biết kiếm tiền làm giàu cho bản thân, thì thật là hổ thẹn với lương tâm và với mọi người.”
“Luật sư Việt Nam muốn bày tỏ chính kiến thì phải chuẩn bị tâm lý vững vàng, với những rủi ro thường gặp phải sau đây: bị an ninh thường xuyên theo dõi, bị tước thẻ luật sư, bị đi tù.”
“Tôi rất muốn các con của tôi sau này lớn lên thì sẽ theo nghề luật, vì nghề luật là nghề tôi đam mê từ thuở nhỏ. Hơn nữa, nghề luật giúp người học hiểu biết về pháp luật, mà pháp luật thì điều chỉnh tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.”
“Người học luật có kiến thức tổng quát rộng, họ biết cách xử sự trong cuộc sống hàng ngày, biết đâu là đúng, đâu là sai nên hành vi của họ rất chuẩn mực.”
“Mình làm nghề luật thì có điều kiện giúp người khác về mặt pháp lý và đấu tranh cho sự công bằng của xã hội, để xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn.”
Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh hồi tháng 11/2108 viết:
“Trong sáu clip trả lời phỏng vấn của người có tên là Thanh Tâm trên tài khoản Facebook “Thanh Tâm Nguyễn”, ông Đôn đã nhân danh giới luật sư có nhiều phát biểu, trả lời phỏng vấn với nội dung không đúng sự thật, suy diễn chủ quan, nói xấu thể chế chính trị. Bộ Tư pháp cho rằng những phát biểu của ông Đôn trong những clip này đã phủ nhận giá trị, vai trò của hệ thống pháp luật và hoạt động tố tụng Việt Nam; phủ nhận vị trí, vai trò của nghề luật sư và đội ngũ luật sư Việt Nam. Ông Đôn không đưa ra được các bằng chứng để chứng minh cho các nội dung đã nói.”
Hồi tháng 11/2017, báo Việt Nam dẫn lời đại diện Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên giải thích quyết định tước thẻ luật sư là vì ông Đôn “lợi dụng quyền tự do ngôn luận, có nhiều bài viết, phát ngôn, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mang tính bịa đặt, nói xấu luật sư, các cơ quan tố tụng, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhằm mục đích kích động, tuyên truyền, xuyên tạc, không đúng sự thật, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, các cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư Việt Nam”.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46548666
Phỏng vấn Đại diện Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền
tại LHQ về Tiền Hội nghị UPR ở Genève
Ỷ Lan
Tuần lễ này trong vòng 3 ngày, các tổ chức xã hội dân sự và phi chính phủ đến trụ sở LHQ ở Genève hoạt động, chuẩn bị cho kỳ kiểm điểm UPR sắp tới vào khoá họp của Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 22 tháng giêng năm 2019. Trong 3 ngày này nhiều cuộc gặp gỡ, thảo luận, hội luận được tổ chức nhằm báo động các thành viên quốc gia LHQ về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng xẩy ra tại Việt Nam.
Đặc biệt tuần trước đây, nhà cầm quyền Hà Nội gửi lên LHQ bản Phúc trình UPR lần 3 và tuyên bố đã thực hiện 96,2% các khuyến thỉnh mà kỳ UPR bốn năm trước đây đưa ra. Ngược lại, các phúc trình, báo cáo, phản bác của các tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự đưa ra gần đây, thì tình hình nhân quyền tại Việt Nam bốn năm qua đang xuống dốc từ xấu đến tồi tệ.
Để nắm vững vấn đề, chúng tôi tìm hỏi chị Sonia Tancic, Trưởng Văn phòng Thường trực FIDH, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève, vốn đã gặp gỡ trên 40 Phái đoàn Chính phủ. Xin mời quý thính giả theo dõi cuộc phỏng vấn sau đây :
—————
Ỷ Lan : Thưa chị Sonia Tancic, là Trưởng Văn phòng Thường trực FIDH, Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Genève. Trong mấy ngày vừa qua mọi hoạt động nhân quyền ở đây tập trung vào biến cố UPR, tức Kiểm điểmThường kỳ Phổ Quát, Việt Nam lần thứ 3. Xin chị vui lòng giải thích UPR là gì? Tầm quan trọng của UPR như thế nào ?
Sonia Tancic : Vâng, UPR là cơ chế LHQ kiểm soát các quốc gia thành viên trong thế giới thực thi nhân quyền ở nước mình như thế nào. Áp dụng mỗi 4 năm cho mỗi quốc gia. Tháng giêng năm 2019 là tới phiên Việt Nam. Đây sẽ là lần thứ 3 Việt Nam được kiểm điểm theo cơ chế UPR. Tại cuộc kiểm điểm này, các quốc gia khác trong thế giới sẽ đưa những lời khuyến thỉnh cải thiện nhân quyền tại Việt Nam.
Ỷ Lan : Nếu UPR thực hiện đầu năm tới, thì tại sao ngay lúc này đã sôi động suốt mấy ngày qua ?
Sonia Tancic : Cơ chế UPR dành cho các quốc gia, các tổ chức xã hội dân sự không được quyền phát biểu tại khoá họp tháng Giêng tới. Vì vậy mà một tiền hội nghị được tổ chức tại Genève là cơ hội cho các xã hội dân sự gặp gỡ, tiếp xúc với các phái đoàn chính phủ đến từ khắp thế giới để chia sẻ mối quan tâm về những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam và thúc đẩy các quốc gia nầy lên tiếng tại khóa họp kiểm điểm UPR chính thức đầu năm tới.
Rất quan trọng những cuộc gặp gỡ đầu tiên này với các chính phủ. Bởi vì họ cũng đang chuẩn bị những câu hỏi và những lời khuyến thỉnh đặt ra cho Việt Nam vào khoá họp tháng giêng. Đây là một quá trình dài hơi vì họ phải thu tập các thông tin từ các Đại sứ quán của họ tại Việt Nam nếu có, và tại Phái đoàn thường trực ở LHQ, rồi chuyển ngay các thông tin về thủ đô nước họ, nơi chính phủ sẽ định đoạt những đề mục ưu tiên mà nước họ sẽ phải lên tiếng. Đây là lý do tối quan trọng cho các xã hội dân sự cung cấp cho các chính phủ những nhập liệu bổ sung vào giai đoạn này, để thỉnh cầu các bước cụ thể mà Việt Nam cần cải thiện tình hình nhân quyền.
Ỷ Lan : Như vậy thì FIDH, Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền, làm gì trong tuần này ?
Sonia Tancic : Tuần này, cùng với thành viên của chúng tôi là Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, chúng tôi tiếp xúc các thành viên thuộc 40 Phái đoàn Chính phủ, cung cấp cho họ những phúc trình và những tài liệu vi phạm nhân quyền do chúng tôi phát hiện, kèm theo các điểm khuyến thỉnh cho sự thay đổi chính sách nhân quyền tại Việt Nam trên các lĩnh vực chính trị, dân quyền, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, và văn hoá. Chúng tôi thảo luận với các phái đoàn về tình hình nhân quyền tại Việt Nam theo chứng liệu do Uỳ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam cung cấp, đặc biệt kể từ cuộc Kiểm điểm UPR năm 2014, mà trọng tâm nhắm vào tự do biểu đạt, tư do tôn giáo tín ngưỡng, tự do báo chí, thiếu sự hợp tác với các Báo cáo viên Đặc biệt LHQ, và nhiều đề mục khác… Chúng tôi yêu cầu phái đoàn xướng lên những vấn đề uu tiên này với chính phủ Việt Nam trong kỳ Kiểm điểm UPR sắp tới.
Ỷ Lan : Những thông tin gì đã cung cấp cho các phái đoàn chính phủ ?
Sonia Tancic : Vào tháng 7 vừa qua, FIDH và VCHR, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam, đã cung cấp cho LHQ một bản Báo cáo về hầu hết các thảm nạn nhân quyền quan trọng tại Việt Nam. Thêm vào đó, Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam đã cho ấn hành một Phúc trình mang tên « Không gian khép kín » đưa ra một loạt chứng liệu cụ thể cho thấy bằng cách nào nhà cầm quyền Việt Nam tăng cường đàn áp, sách nhiễu, giam cầm các nhà hoạt động xã hội dân sự và sử dụng pháp luật để giảm thiểu không gian hoạt động của các xã hội dân sự kể từ cuộc kiểm điểm UPR bốn năm trước.
Phúc trình phân tích những pháp luật giới hạn mới được Việt Nam thông qua, như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo, Luật An ninh Mạng, Luật Hình sự sửa đổi đã không cắt bỏ các điều luật trong chương « an ninh quốc gia », ngoại trừ thay đổi tên số các điều luật, vân vân.
Ỷ Lan : Các Phái đoàn chính phủ đã phản ứng ra sao về thông tin này?
Sonia Tancic : Họ rất đáp ứng với những điều chúng tôi quan tâm nêu ra. Đa số các Phái đoàn Chính phủ chia sẻ sự quan tâm với chúng tôi, thực tế thì họ đã từng lên tiếng trước đây với Việt Nam. Các phái đoàn tỏ ra không hài lòng với sự thờ ơ của Việt Nam không thực hiện các khuyến cáo của chính phủ họ, và cho biết sẽ lập lại những khuyến cáo này trong kỳ UPR sắp tới và nhấn mạnh đến thành quả cu thể. Thật là quan trọng khi các chính phủ duy trì lời họ cam kết và tiếp tục tạo áp lực lên Việt Nam để cải thiện tình trạng nhân quyền hiện nay.
Ỷ Lan : Xin chị câu hỏi chót, FIDH đã bỏ nhiều thời gian cho sự cải tiến nhân quyền tại Việt Nam, nhìn chung thì chị đánh giá tình hình nhân quyền Việt Nam như thế nào?
Sonia Tancic : Với những gì chúng ta chứng kiến, và những gì chúng ta trao đổi với tổ chức thành viên thì tình hình nhân quyền không được cải thiện. Trái lại tình hình còn xấu đi, và chúng ta có những chứng cứ lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng tăng bội. Vì vậy chúng ta muốn sử dụng cơ hội này nói rõ cho các chính phủ rằng, sự thay đổi phấn son trên bề mặt mà chính phủ Việt Nam khoe khoang, thì trên nền tảng cụ thể, chẳng sánh được chút nào với sự thay đổi đầy ý nghĩa cho nhân dân Việt Nam.
Ỷ Lan : Xin cám ơn chị Sonia Tancic
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/interview-rep-fidh-about-upr-12142018092254.html
Khởi tố hai cựu thứ trưởng công an
vì vụ án Phan Văn Anh Vũ
Trong diễn tiến “chấn động” dư luận Việt Nam, hai cựu thứ trưởng công an bị khởi tố bị can vì liên quan ông Phan Văn Anh Vũ.
VN: Đâu là thực chất trận đồ chiến dịch ‘đốt lò’?
Thủ tướng VN cách chức Thứ trưởng Công an Bùi Văn Thành
Bộ Công an Việt Nam ngày 14/12 thông báo đã khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú với ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành.
Ông Trần Việt Tân là con rể vị tướng huyền thoại của Việt Nam, Đại tướng Chu Huy Mân.
‘Không còn là công an’
Theo báo chí Việt Nam, trước khi có quyết định khởi tố, ông Trần Việt Tân và ông Bùi Văn Thành đã bị tước danh hiệu Công an nhân dân.
Hai ông đều từng là thứ trưởng công an Việt Nam, nhưng vào tháng 8/2018, ông Tân, đã nghỉ hưu, bị xóa tư cách thứ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016, còn ông Thành đang là đương kim thứ trưởng thì bị cách chức.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đó cũng ký Tờ trình Chủ tịch nước giáng cấp bậc hàm từ Thượng tướng xuống Trung tướng đối với ông Trần Việt Tân và giáng cấp bậc hàm từ Trung tướng xuống Đại tá đối với ông Bùi Văn Thành.
Vì vậy, thông báo của Bộ Công an ghi ông Trần Việt Tân, nguyên Tổng cục trưởng và ông Bùi Văn Thành, nguyên Cục trưởng Bộ Công an, bị khởi tố về “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 285, Bộ luật Hình sự năm 1999.
Đây là một phần trong cuộc điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm thực hiện.
Vi phạm
Hồi tháng Bảy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương của Đảng Cộng sản thông báo về vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật (Tổng cục IV, Bộ Công an).
Theo kết luận này, ông Bùi Văn Thành với cương vị Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Công an Trung ương, Thứ trưởng Công an, trực tiếp phụ trách Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật, đã để xảy ra nhiều vi phạm.
Trong đó có việc ký văn bản của Bộ Công an đề xuất bán chỉ định một số cơ sở nhà, đất an ninh không đúng quy định pháp luật; ký một số văn bản không thuộc trách nhiệm được phân công.
Còn ông Trần Việt Tân bị cho là thiếu trách nhiệm, ký một số văn bản vi phạm quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Bộ Chính trị Đảng Cộng sản vào ngày 28/7 quyết định cách hết chức vụ trong Đảng với ông Bùi Văn Thành, và cách chức Ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2011 – 2016 đối với ông Trần Việt Tân.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46554652
Diễn tiến mới của vụ phân bón Thuận Phong
Tin cho hay Bộ Khoa học – Công nghệ Việt Nam có thể sắp đưa ra kết luận có hay không việc công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả.
Vụ phân bón Thuận Phong: Vì sao kéo ‘quá lâu’?
Dàn lãnh đạo cũ của Tổng cục Cảnh sát bị kỷ luật?
Bình luận về kỳ họp Quốc hội VN
Đây là một vụ việc đã kéo dài bốn năm chưa xong, dù đã có hai lần giám định, cùng văn bản liên quan của 6 bộ, ngành ở Việt Nam.
Hôm 31/10, trong dấu hiệu vụ việc đang được quan tâm trở lại, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn của đại biểu về vụ này tại Quốc hội.
Diễn tiến mới
Khi đó, ông Lê Minh Trí nói vấn đề là xác định Công ty này có sản xuất, mua bán, nhập khẩu phân bón giả hay không, theo tường thuật của Vov.vn.
Ông Trí cho biết đã yêu cầu VKSND tỉnh Đồng Nai ban hành quyết định huỷ quyết định không khởi tố vụ án hình sự và yêu cầu thụ lý theo tố tụng.
Công an Đồng Nai tiếp nhận, xử lý tin báo tố giác tội phạm và đề nghị Bộ NN-PTNT, Công Thương, KH-CN giám định trả lời phân bón có giả hay không, có giả mạo nhãn mác hay không.
Bộ NN-PTNT có văn bản trả lời nhưng két quả chưa đạt yêu cầu giám định điều tra, còn Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ chưa trả lời.
Đến ngày 14/12, tin chưa chính thức nói rằng Bộ Khoa học và Công nghệ sắp hoàn tất báo cáo trả lời về vụ Thuận Phong.
Vụ việc liên quan công ty phân bón Thuận Phong bắt đầu từ ngày 24/4/2015, khi Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) tiến hành kiểm tra nơi sản xuất của Công ty Thuận Phong, tỉnh Đồng Nai.
Một bản tin năm 2015 của trang web Chính phủ Việt Nam cho hay tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện “hành vi sang chiết, đóng chai phân bón (dạng nước) mang nhãn hiệu VITOL, làm giả nguồn gốc, xuất xứ “MADE IN USA” của Công ty Thuận Phong”.
Kéo dài
Vào tháng 10/2015, ông Nguyễn Xuân Phúc, thời điểm đó là Phó Thủ tướng và Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ đạo giao Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương – Phó Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia – tiến hành điều tra.
Vài tháng sau, ngày 24/3/2016, tại một cuộc họp của Bộ Công an, Thứ trưởng Lê Quý Vương kết luận những sai phạm của Công ty Thuận Phong “không có dấu hiệu tội phạm, không có căn cứ để xử lý hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả”, theo tường thuật trên báo Hải Quan
Tiếp đó, công an tỉnh Đồng Nai ra quyết định không khởi tố vụ án.
Nhưng sau ý kiến phản đối của một số bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, lúc này đã thay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban chỉ đạo 389 Quốc gia, chủ trì cuộc họp ngày 12/11/2016.
Tại đây, ông Trương Hòa Bình đồng ý với ý kiến của 4 bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Quốc phòng rằng công ty Thuận Phong “có dấu hiệu sản xuất, buôn bán hàng giả là phân bón”, theo báo Quân đội Nhân dân.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình sau đó yêu cầu các bộ “truy cho ra tận gốc” vụ việc.
Vụ việc vẫn tiếp tục kéo dài, mặc dù sang tháng 5/2017, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu hủy quyết định không khởi tố vụ án hình sự để tiếp tục điều tra.
Tháng 10/2017, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói: “Chúng tôi tin vụ việc này sẽ được xử lý theo đúng các quy định pháp luật, mang lại đúng sự thật để trả lời dư luận nhân dân, nhất là Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp làm ăn chân chính.”
Tại một sự kiện gặp gỡ nông dân tháng 4/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay ông đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan xử lý dứt điểm.
Ngày 17/10, họp với Ban Nội chính Trung ương, đại diện Công an tỉnh Đồng Nai nói giữ nguyên quan điểm không khởi tố vụ án và đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương xem xét để kết thúc vụ việc vì “không có căn cứ nào để xử lý hình sự”.
Trang báo Đồng Nai hôm 13/12 có bài: “Vụ Công ty Thuận Phong bị nghi làm giả phân bón: Cần sớm có câu trả lời”.
Theo bài này, thiệt hại của doanh nghiệp sau gần 4 năm xảy ra vụ việc đã lên đến hàng chục tỷ đồng, với số phận của gần vài trăm con người gắn liền với đó.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46554651
Di dời trạm thu phí BOT Tân Đệ
Một trong những trạm thu phí đường bộ bị phản đối mạnh mẽ trong thời gian qua là Trạm thu phí BOT Tân Đệ ở Thái Bình sẽ bị di dời và chấm dứt mọi hoạt động thu phí tại trạm này trong thời gian tới.
Truyền thông trong nước dẫn lời phát biểu như vừa nêu của ông Phạm Quang Dũng, chủ tịch Công ty Cổ phần Tasco chủ đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 vào hôm 14/12.
Theo ông Phạm Quang Dũng, công ty Tasco sẽ tiến hành di dời và lắp đặt trạm thu phí mới tại đường tránh quốc lộ 10 đoạn qua thị trấn Đông Hưng, kinh phí lắp đặt do Tổng Cục Đường bộ hỗ trợ.
Ngoài ra, ông Dũng còn cho báo chí biết sau nhiều cuộc gặp và thống nhất phương án di dời với Bộ Giao thông- Vận tải, ông khẳng định rằng bản thân ông không muốn di dời vì thời gian thu phí hoàn vốn dự án này khoảng hơn 2 năm nữa mới xong nhưng vì nhà nước yêu cầu nên phải chấp nhận thôi.
Vị chủ tịch Tasco cho biết do vướng nhiều thủ tục di dời nên nhanh nhất là đến tháng 6/2019 trạm thu phí trên tuyến tránh mới tiến hành thu phí.
Từ giữa năm 2018, rất đông giới tài xế tập trung phản đối vị trí trạm thu phí BOT Tân Đệ vì cho rằng trạm đã hết thời hạn thu phí. Trước phản ứng gây gắt của nhiều tài xế, chủ đầu tư dự án BOT Tân Đệ đã phải xả trạm liên tục từ tháng 7/2018 cho đến nay.
Cũng tin liên quan đến các vấn đề trạm thu phí BOT, Sở Giao thông- Vận tải TPHCM vào ngày 14/12 đề nghị Công an Thành phố cùng với các cơ quan chức năng quận Bình Tân bố trí lực lượng theo dõi và xử lý tình trạng bị cho gây mất an toàn giao thông tại trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc.
Đề nghị của Sở Giao thông- Vận tải được đưa ra và được truyền thông loan đi cho biết nhằm để tránh tái diễn sự cố tụ tập đông người gây ùn tắc tại khu vực trạm thu phí trong nhiều ngày qua.
Trước đó, chiều 3/12, hàng chục tài xế chạy xe đến trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc phản đối việc thu phí vì cho rằng trạm đã hoạt động quá hạn 31 tháng. Bộ Giao thông vận tải chỉ cho phép chủ đầu tư thu phí từ tháng 4/2004, kéo dài 145 tháng.
Truyền thông báo chí nhà nước loan tin cho rằng, do các tài xế dừng trạm quá lâu không chịu qua trạm khiến tình trạng kẹt xe kéo dài nghiêm trọng tại khu vực này, buộc trạm BOT An Sương phải xả trạm. Sự việc vẫn tiếp tục kéo dài cho đến nay.
Cơ quan chức năng quận Bình Tân cho biết ,từ hình ảnh camera ghi lại, một số trường hợp tài xế cho xe chạy vòng qua trạm nhiều lần để cố tình phản đối thu phí. Ngoài ra có khoảng 40 người không có chức năng nhưng cũng tụ tập tại khu vực này.
Một tài xế nói với đài Á Châu Tự Do rằng những video trên Facebook cho thấy một số viên dân phòng và thanh niên lạ mặt đã đe dọa tài xế phản đối trạm BOT An Sương và thậm chí có tài xế cáo buộc bị đưa về đồn công an đánh đập.
Trước đó, hôm 11/12 Sở Giao thông- Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề nghị công an thành phố xử lý và đảm bảo tình trạng mất an toàn giao thông tại khu vực này.
Công ty Tân Thuận bị phát hiện thêm sai phạm
Thêm sai phạm của Công ty Tân Thuận, một doanh nghiệp Nhà nước do UBND thành phố Hồ Chí Minh lập ra, bị phát hiện chuyển cơ quan điều tra hôm 14 tháng 12 năm 2018.
Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày.
Cụ thể sai phạm mới phát hiện của Công ty Tân Thuận là việc chuyển nhượng dự án ở khu dân cư ven sông tại phường Tân Phong, quận 7 và sai phạm trong vụ bán cổ phần làm giảm tỉ lệ vốn góp của Công ty Tân Thuận, cũng như sai phạm trong việc thẩm định giá của các đơn vị liên quan.
Trong sai phạm bán đất dự án, Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư dự án khu dân cư ven sông rộng hơn 25ha nằm trong khu chức năng số 4 của khu đô thị mới Nam Sài Gòn, thuộc phường Tân Phong.
Tuy nhiên Công ty Tân Thuận không thực hiện dự án ở phần 11.967m2 trong khu 4, mà bán cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai và một công ty khác. Sau đó toàn bộ khu đất cũng về tay Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai.
Vụ việc Công ty Tân Thuận không thực hiện dự án mà xin chuyển nhượng đã được được Văn phòng Thành ủy đồng ý.
Ngoài ra, trước đó, công ty này cũng bị chuyển cơ quan điều tra hồ sơ sai phạm trong việc bán 32ha đất ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè, thành phố Hồ Chí Minh.
Cũng trong năm 2017, Công ty Tân Thuận tham gia phát hành cổ phiếu và bán chỉ định 9 triệu cổ phiếu cho Công ty Nguyễn Kim, làm giảm tỉ lệ vốn góp tại Sadeco, là doanh nghiệp do các cổ đông nhà nước nắm quyền chi phối.
Theo thanh tra TPHCM, khi đó nếu chỉ căn cứ vào giá cổ phiếu đã giao dịch thành thì thiệt hại thấp nhất cũng đã là 153 tỉ đồng.
Kết luận của Thanh tra thành phố trước đó cũng chỉ ra các sai phạm mà công ty Tân Thuận thực hiện là theo chỉ đạo của ông Tất Thành Cang, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM.
Theo đề án tái cơ cấu, công ty Tân Thuận sở hữu 44% cổ phần không cần giảm thêm tại Công ty Sadeco, đặc biệt là trong bối cảnh công ty này đang có lợi nhuận rất cao.
Ngoài vụ việc này, ông Tất Thành Cang trong thời gian giữ cương vị giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai trong việc ký quyết định phê duyệt dự án xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Bốn tuyến đường chính này dài gần 12 kilomet và khoản kinh phí đầu tư lên đến 12 ngàn tỷ đồng.
Ông Tất Thành Cang là một quan chức Thành phố Hồ Chí Minh đang chờ kỷ luật; ngoài ra một nhân vật cao cấp hơn cũng được giới quan sát nhắc đến là ông cựu bí thư Lê Thanh Hải.
Nghệ An loại bỏ 16 dự án thủy điện
Thanh Trúc
Quyết định loại bỏ 16 dự án thủy điện ra khỏi qui hoạch của Nghệ An, nhằm tránh ảnh hưởng xấu đến môi trường, sinh thái và đời sống người dân, được ông Bùi Xuân Hùng, trưởng Phòng Quản Lý Điện Năng trực thuộc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An, loan báo hôm thứ Hai ngày 11 vừa qua.
Tin cho hay 16 dự án thủy điện bị loại bỏ phần lớn nằm trên vùng cao có nhiều người dân tộc như Yên Thắng, Bản Khuổi, Khe Bu, Khe Nà, Lưu Kiền, Phà Lài, Suối Cùng, Nậm Típ vân vân…Được biết tổng công suất dự trù tính trên 16 dự án bị loại bỏ này là hơn 46 MW. Riêng dự án Nhà Máy Thủy Điện Xốc Cốp tại xã Yên Thắng, huyện Tương Dương với công suất 4 MW đang được Sở Kế Hoạch Đầu Tư xem xét có nên loại bỏ hay không.
Một giáo viên vùng núi tỉnh Nghệ An, ông Thanh, bày tỏ sự đồng tình, nói rằng việc loại bỏ các thủy điện không chỉ tốt cho vùng nghèo Nghệ An mà còn cho các tỉnh khác:
“Loại bỏ 16 cái dự án mà thực hiện được thì rất tốt. Thực ra cái gì cũng có 2 mặt, nếu đảm bảo được đời sống an sinh cho nhân dân thì chấp nhận, còn bảo là loại bỏ lâu dài mà không đảm bảo được đời sống an sinh thì cũng phải nên cân nhắc lại.”
Rất hoan nghênh về chuyện dẹp đi một số các dự án thủy điện. Trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng thủy điện là một cái giải pháp thuộc loại tăng trưởng xanh, tức là không phải dùng nhiệt điện. Thế nhưng trên thực tế và qua quá trình vừa rồi thì thủy điện lại thể hiện rất nhiều nhược điểm, thậm chí còn nặng hơn những dự án có phát thải. – TS. Đặng Hùng Võ
Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường nhận định:
“Rất hoan nghênh về chuyện dẹp đi một số các dự án thủy điện. Trước đây chúng ta cứ nghĩ rằng thủy điện là một cái giải pháp thuộc loại tăng trưởng xanh, tức là không phải dùng nhiệt điện. Thế nhưng trên thực tế và qua quá trình vừa rồi thì thủy điện lại thể hiện rất nhiều nhược điểm, thậm chí còn nặng hơn những dự án có phát thải.”
Theo báo chí trong nước, khu vực mạn Tây của Nghệ An là nơi nhà máy thủy điện mọc lên như nấm sau mưa trong vòng hơn thập niên nay. Thực tế cho thấy nội trong 5 huyện mà đã có tới 32 dự án thủy điện với tổng công suất 1.324 Megawatt.
Trong số 32 nhà máy thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc đang khảo sát xin phép đầu tư, có 13 nhà máy đang vận hành phát điện, 2 nhà máy đang chạy thử nghiệm, 9 nhà máy đang triển khai thi công, 5 nhà máy đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai. Điểm đáng nói ở đây là hầu hết những công trình thủy điện ở Nghệ An không có hồ điều tiết nước.
Giáo sư tiến sĩ Lê Huy Bá, nguyên viện trưởng Viện Khoa Học Công Nghệ và Môi Trường, nhận định về mức độ xây dựng và phát triển thủy điện mà ông gọi là chóng mặt của Nghệ An nói riêng:
“Quá nhiều, không cân đối, có một thời kỳ phát triển quá nóng, quá tự do mà không có qui hoạch một cách chắc chắn. Việc quản trị các thủy điện ở mình chưa tốt, chưa có kế hoạch, Bản Vẽ là một thí dụ. Cũng vì quản trị chưa tốt nên thường xảy ra sự cố. Hệ lụy thì đã quá rõ rồi, ngập lụt rồi vỡ đập vỡ đê làm xảy ra lũ quét mà có thể ngày càng nặng nề hơn nữa.
Phải xác nhận một cách đúng đắn là phải có thủy điện chứ không phải là phủ nhận sạch trơn đâu, nhưng vì làm quá nóng, quá nhiều và qui hoạch không tốt, quản lý không tốt, không khoa học dẫn tới tai họa và sự cố.”
Dưới mắt nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên Môi Trường Đặng Hùng Võ, cái chính của vấn đề vẫn luôn là môi trường, sinh thái và đời sống người dân tại những nơi qui hoạch thủy điện:
“Bởi vì thủy điện thứ nhất là tạo ra sự thay đổi môi trường, đặc biệt hủy hoại môi trường rừng rất lớn. Thường làm thủy điện là phải trữ nước vào các hồ chứa và làm thiệt hại diện tích rừng rất lớn.
Điều thứ hai, đây là dạng trữ nước lại thành túi nước lớn mà nếu không cẩn thận, tức là trường hợp vỡ đập thì tai hại rất lớn. Nhưng ngay cả những trường hợp không vỡ mà điều phối nước, xả nước không phù hợp, thì cũng làm ảnh hưởng tới đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Có ảnh hưởng về tăng trưởng về kinh tế, về điện một chút nhưng lại làm thiệt hại về mặt xã hội cưc kỳ lớn, tác động xấu đến cả câu chuyện bền vững xã hội và bền vững môi trường.”
Nói với đài Á Châu Tự Do, ông Cao Đình Triểu, Viện trưởng Viện địa Vật Lý Ứng Dụng, Liên Hiệp Các Hội Khoa Học Kỹ Thuật Việt Nam, từng đôi ba lần kiến nghị chính phủ cân nhắc việc xây dựng đập thủy điện trên vùng núi ở Nghệ An nói riêng và các nơi khác ở miền Trung nói chung, cảnh báo những nơi Nghệ An đã, đang và sẽ đưa vào qui hoạch thủy điện đều khá nhạy cảm đối với vấn đề ông gọi là tai biến địa chất.
Còn ông Nguyễn Quang Hòa, nguyên Chi cục trường Chi Cục Thủy Lợi tỉnh Nghệ An, nói rằng nếu mưa lũ lớn đi kèm với công trình không an toàn và bảo đảm sự cố thì sẽ tạo hiệu ứng cực kỳ nguy hiểm là vỡ đập dây chuyền thủy điện bậc thang với tai họa khôn lường.
Thực tế thời gian qua từng xảy ra những vụ vỡ đập thủy điện ở miền Trung gây thiệt hại về nhân mạng vật chất nặng nề cho địa phương.
Chính vì vậy, tiến sĩ Đặng Hùng Võ nhắc lại, quyết định loại bỏ 16 dự án thủy điện ở Nghệ An, dù là những dự án nhỏ chăng nữa, vẫn là một quyết định vô cùng quan trọng:
“Đây là một quyết định dẫn đường cho chiến lược phát triển điện Việt Nam, tức cũng đã đến lúc Việt Nam cần xem xét kỹ chuyện phát triển thủy điện. Tương tự như Lào chẳng hạn, vùng phía Tây Bắc, phía Tây Nghệ An, phía Tây Quảng Nam, Tây Nguyên… là những địa bàn mà thủy điện có tiềm năng phát triển nhưng đồng thời đấy cũng là địa bàn sinh sống bình yên bền vững của đồng bào dân tộc thiểu số mà thu nhập hiện nay còn đang thấp còn đang nhỏ.”
Vẫn theo lời ông, loại 16 dự án thủy điện ra khỏi qui hoạch trong thời gian tới ở Nghệ An là một quyết định mạnh dạn, báo hiệu việc xem xét, chỉnh đốn lại việc phát triển thủy lợi của Việt Nam.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/nghe-an-scrap-16-hydropower-plants-12142018093727.html
Thủ thuật mới để vô hiệu hóa một tài khoản Facebook?
Kính Hòa RFA
Sau khi bài viết này được đăng tải, chúng tôi nhận được thông tin từ một nguồn rất thân cận rằng Facebook Việt Nam tại Singapore thuê một số công ty hay người bên trong Việt Nam để xem xét các nội dung đăng tải trên Facebook liên quan đến chính trị, chống tham nhũng,… Chúng tôi không có nguồn khác để kiểm chứng việc này.
Ngày 8/11/2018, nhà báo Lê Trung Khoa, chủ tờ báo mạng Việt ngữ ở Đức tên là Thời Báo thông báo trên trang Facebook của ông và của trang Thời báo.de rằng ông sẽ cùng với Luật sư Nguyễn Văn Đài sẽ có cuộc thảo luận truyền hình trực tiếp trên Facebook về việc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam tại Nghị viện châu Âu.
Một tiếng sau đó, trang Facebook của ông Khoa cũng như của trang Thời báo bị Facebook khóa lại.
Ông Nguyễn Văn Đài là một luật sư bất đồng chính kiến tại Việt Nam, là một tù nhân chính trị tại Việt Nam trước khi ông được Chính phủ Việt Nam cho phép ông sang Đức tị nạn chính trị vào tháng sáu năm nay 2018.
Ông Lê Trung Khoa đã gửi thư khiếu nại đến Tổ chức phóng viên không biên giới, Chính phủ Đức, Quốc hội Châu Âu về việc này.
Sau đó ông Khoa nhận được điện thoại từ Facebook tại Đức, vào ngày 22/11/2018 xin lỗi ông, cũng như giải thích lý do tại sao tài khoản của ông và tờ Thời báo bị khóa lại. Ông Lê Trung Khoa nói với đài RFA:
“Họ nhận rằng họ bị một bên thứ ba nào đó lợi dụng một chức năng của họ. Bên thứ ba đó đưa một tài khoản vào làm quản trị viên của một trang nào đó, sau đó trang này vi phạm tiêu chuẩn của Facebook, nên Facebook tự động khóa trang này lại đồng thời khóa luôn tài khoản bị đưa vào làm quản trị viên.”
Ông Lê Trung Khoa không hề hay biết việc trang Thời báo của mình được đưa vào làm quản trị viên của một trang vi phạm điều luật của Facebook.
Bên thứ ba đó đưa một tài khoản vào làm quản trị viên của một trang nào đó, sau đó trang này vi phạm tiêu chuẩn của Facebook, nên Facebook tự động khóa trang này lại đồng thời khóa luôn tài khoản bị đưa vào làm quản trị viên.
-Nhà báo Lê Trung Khoa.
Đồng thời ông Lê Trung Khoa cũng nhận được thư xin lỗi từ Facebook tại Đức, lặp lại nguyên nhân trang Thời báo. de bị khóa, đồng thời hứa sẽ khắc phục sơ hở kỹ thuật này.
Theo thông tin từ ông Lê Trung Khoa, có nhiều tài khoản Facebook của người Việt bị trường hợp giống như của ông. Một trong những người bị như vậy là ông Bùi Thanh Hiếu, tức bogger Người Buôn Gió, một cây bút thường hay đưa ra những chỉ trích Chính phủ Việt Nam. Ông Bùi Thanh Hiếu nói với Đài RFA:
“Có một trang nào đó mở ra rồi add mình vào làm admin, nhưng khi mình vào thì trang này hoàn toàn trống. Sau đó mình nhận thông báo rằng trang này vi phạm những tiêu chuẩn cộng đồng, rồi bị khóa lại và mình cũng bị khóa luôn.”
Việc được thông báo vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng đã từng xảy ra với nhiều blogger, Facebooker được nhiều người đọc tại Việt Nam.
Một trong những người đó là nhà báo Võ Văn Tạo tại Nha Trang. Ông Tạo nói với RFA về trường hợp của ông:
“Khi mới xảy ra vụ Vũ Nhôm, tôi có ghi một status trên trang Facebook rằng nếu Vũ Nhôm không phải là người của công an thì đây là cơ hội để Bộ Công an nói lên điều đó. Vậy mà Facebook của mình bị khóa, rồi Facebook gửi mình một thông báo nói mình vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng, mình tự hỏi sao tiêu chuẩn cộng đồng gì lạ vậy!”
Vũ Nhôm là biệt danh của ông Phan Văn Anh Vũ, mang quân hàm thượng tá công an, bị bắt vào đầu năm 2018, hiện đang bị ra tòa về những vụ án khác nhau liên quan đến tham nhũng. Trước khi ông Vũ bị bắt đã có lời đồn đoán rằng ông là sĩ quan công an. Status của nhà báo Võ Văn Tạo là muốn đề cập đến nghi vấn này.
Sau khi ông Bùi Thanh Hiếu được trả lại trang Facebook của mình, ông nhận thấy trang của ông không còn được nhiều người tìm thấy trên mạng nữa. Ông nói với RFA:
“Như trang của anh Lê Trung Khoa là một trang báo có đăng ký ở Đức thì dễ, chứ còn trang cá nhân của tôi thì kiện cũng chẳng ăn thua gì. Có lẽ là họ đã bắt tay với chính quyền cộng sản để hạn chế sự tương tác của trang Facebook của mình.”
Cùng thời điểm xảy ra vụ việc của ông Lê Trung Khoa, đài RFA cũng nhận được nhiều nguồn tin cho rằng Facebook đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam để khóa tài khoản của những người chỉ trích.
Chúng tôi có đặt câu hỏi với Facebook bằng email là có chuyện này xảy ra hay không. Facebook không trả lời trực tiếp vào câu hỏi mà viết rằng Facebook luôn tìm cách giữ an toàn cho cộng đồng Facebook Việt Nam.
Vào ngày 5/12/2018, bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam làm việc tại Singapore tuyên bố nghỉ việc từ cuối năm nay. Một nguồn tin từ mạng Zing.com đặt nghi vấn rằng bà Trang đã gặp rắc rối trong nội bộ nhân sự.
Ông Lê Trung Khoa cũng đặt câu hỏi về bên thứ ba trong lời xin lỗi của Facebook gửi đến ông, rằng đó là một người nào đó bên trong bộ phận điều hành của Facebook, hay là Chính phủ Việt Nam?
Toàn văn bức thư xin lỗi của Facebook gửi đến ông Lê Trung Khoa (Hiếu Bá Linh dịch)
Kính gửi ông Khoa Lê,
Trước tiên tôi xin cảm ơn ông đã đặt những câu hỏi về trường hợp của tờ báo trực tuyến Thoibao.de. Những trường hợp như thế này chúng tôi rất coi trọng. Sau một thời gian sưu tra, tôi có những thông tin chi tiết hơn và tôi có thể trả lời ông về vụ việc khóa trang Facebook của tờ báo trực tuyến Thoibao.de đã xảy ra như thế nào.
Trang Facebook của ông tạm thời bị khóa do một cuộc tấn công thâm độc vào một trong những quản trị viên của một trang Facebook khác. Một trong những quản trị viên của trang Facebook này chính là tờ báo trực tuyến Thoibao.de, mà không hề biết mình đã bị đưa vào làm quản trị viên của một trang khác trên Facebook.
Nội dung của trang Facebook khác này đã vi phạm những nguyên tắc của chúng tôi và do đó đã bị xóa bỏ một cách xác đáng. Trong bối cảnh đó, chúng tôi cũng đã thực hiện biện pháp khóa trang Facebook của Thoibao.de vì mọi thứ đều cho thấy rằng quản trị viên Thoibao.de có liên quan đến cả hai trang Facebook.
Khi chúng tôi biết rằng người dùng (chủ tài khoản của trang Thoibao.de trên Facebook) đã không hề biết mình bị đưa vào làm quản trị viên một trang khác mà trang này lại vi phạm các nguyên tắc của chúng tôi, chúng tôi đã ngay lập tức khôi phục tài khoản người dùng và trang Facebook của Thoibao.de.
Chúng tôi biết rằng, không chỉ việc khóa trang Facebook của ông, mà đặc biệt là thời điểm bị khóa
đã gây ra cho ông một sự thất vọng lớn. Facebook đã có biện pháp ngay lập tức để có thể ngăn chặn trong tương lai những hành vi thâm độc như vậy bởi bên thứ ba lạm dụng nền tảng cơ sở Facebook của chúng tôi. Chúng tôi đã lấp một lỗ hổng trong nền tảng cơ sở Facebook, ngay từ bây giờ không còn có thể tự động đưa thêm người vào quản trị một trang Facebook hoặc một nhóm trên Facebook mà không có sự đồng ý của người đó. Những sự tấn công như thế này không còn có thể xảy ra được nữa.
Chúng tôi làm việc quyết liệt để chống lại sự lạm dụng nền tảng cơ sở Facebook của chúng tôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những biện pháp đối với các vi phạm những nguyên tắc của chúng tôi, và sửa lỗi, khi chúng tôi biết được.
Bất cứ lúc nào tôi cũng sẳn sàng đón nhận những câu hỏi của ông.
Tôi, thay mặt cho Facebook, đặc biệt muốn xin lỗi về sự cố này.
Trân trọng
(chữ ký)
Marie-Teresa Weber
Người phụ trách chính sách công cộng (Public Policy Manager) của Facebook.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/facebook-new-trick-12132018114716.html
Dùng tên và ảnh thật trên mạng xã hội:
Biện pháp xiết chặt!
Diễm Thi, RFA
Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam mới đây đưa ra Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử cho nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng mạng xã hội (MXH) ở Việt Nam, trong đó có đề xuất “công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước phải công khai sự xuất hiện trên mạng xã hội bằng cách sử dụng họ tên và hình ảnh thật của cá nhân, công khai cơ quan đang công tác”.
Tăng cường kiểm soát tư tưởng cán bộ, công chức
Truyền thông trong nước trích lời Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo rằng nội dung cốt lõi để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên mạng xã hội là rất cần thiết với tình hình hiện nay.
Trước giải thích đó, cô Tuyền hiện sống ở TP. HCM có ý kiến:
“Theo em nghĩ thì điều đó không đúng luật vì nó vi phạm quyền riêng tư của người dân. Em nghĩ đây là họ muốn tăng cường kiểm soát người dân. Khi người dân đưa tin gì đó bất lợi cho phía chính quyền thì họ có thể có hành động để người dân chùn bước không dám đưa sự thật lên mạng xã hội nữa.
Từ khi mạng xã hội facebook ra đời thì nhiều sự thật được phanh phui và lan truyền rất nhanh và chính quyền gặp nhiều bất lợi. Trước đây nhiều sự thật được giấu kín.”
Quy định không được ứng xử thuận chiều với “thông tin xấu” có nội dung, nội hàm không rõ ràng, thế nào là “thông tin xấu” chưa được quy định rõ. – Ls. Nguyễn Duy Bình
Với nhà báo Đỗ Cao Cường, nguyên phóng viên báo Pháp Luật thì điều này được đưa ra nhằm hạn chế tối đa quyền bày tỏ của người dân và cũng là cách để che đậy sự thật, và đây là một hình thức nô lệ tư duy:
“Khi họ đưa ra Bộ quy tắc đó thì rõ ràng mục đích là để kiểm soát những công chức trong cơ quan nhà nước. Là một hình thức để những công chức không có tiếng nói, không có sự phản biện, không có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân từ cuộc sống, gia đình cho tới quan điểm về đất nước. Đây là một hình thức nô lệ tư duy, là một hình thức để những người trong hệ thống của họ không có quyền tố cáo tham nhũng hoặc đưa ra những sai phạm, tiêu cực trong hệ thống ra xã hội.”
Luật sư Nguyễn Duy Bình ở TP.HCM khi trao đổi với RFA về vấn đề này thì ông cho rằng quy định dùng ảnh thật, tên thật là quy định hợp lý, tránh hiện tượng mạo danh, giấu mặt. Quy định này nên áp dụng cho tất cả những ai tham gia các trang mạng không riêng gì cán bộ, công chức. Tuy nhiên, khi Việt Nam đưa ra quy định này đối với cán bộ, công chức họ lại có mục đích sâu hơn, đó là nhằm hạn chế một số cán bộ, công chức tham gia, hạn chế một số cán bộ, công chức có tư tưởng phản biện xã hội và kiểm soát được hành vi của họ nhằm quán triệt tư tưởng, đường lối, chính sách của đảng và Nhà nước. Phía cơ quan chức năng họ có đủ công cụ kiểm tra và giám sát nên tính khả thi khá cao.
Đây là một hình thức nô lệ tư duy, là một hình thức để những người trong hệ thống của họ không có quyền tố cáo tham nhũng hoặc đưa ra những sai phạm, tiêu cực trong hệ thống ra xã hội. – Nhà báo Đỗ Cao Cường
Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong những luật sư nhân quyền thì cho rằng nếu Bộ quy tắc ứng xử này được thông qua thì sẽ hạn chế hết các quyền bày tỏ chính kiến của các cán bộ công chức vì lâu nay facebook là sân chơi của họ để họ có thể nói lên quan điểm nhưng không bằng tên thật. Ông nói thêm:
“Nếu dự thảo này được thông qua sẽ có tác động thực sự đến cán bộ, công chức. Có nghĩa là họ sẽ hạn chế những thông tin mà tạm gọi là “thông tin xấu”. Khi luật an ninh mạng có hiệu lực nữa thì các thông tin đưa ra họ sẽ dễ dàng kiểm soát. Tôi nghĩ đây là cách để họ kiểm duyệt thông tin một cách gắt gao. Tôi nói thực là các quy định như thế này thì mục đích là để ngăn chặn cái sự mà bên đảng gọi là “tự chuyển hóa” của cán bộ công chức. Họ sợ cán bộ, công chức đưa những thông tin nội bộ, những thông tin không theo ý của họ lên mạng xã hội.”
Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử cũng đề xuất cán bộ, công chức không được ứng xử thuận chiều với những thông tin xấu, độc, tin đồn gây ảnh hưởng tiêu cực trên mạng xã hội. Về điều này, Luật sư Nguyễn Duy Bình đưa ra ý kiến của mình:
“Quy định không được ứng xử thuận chiều với “thông tin xấu” có nội dung, nội hàm không rõ ràng, thế nào là “thông tin xấu” chưa được quy định rõ. Mặt khác, theo thông lệ, những thông tin mà nhà nước không thích thì bị cho là xấu. Nếu vậy, quy định này sẽ hạn chế nếu không nói là bóp nghẹt tư tưởng của cán bộ, công chức khi họ muốn “ứng xử thuận chiều” – đồng tình với những thông tin được nhân dân, nhân loại tiến bộ cho là tốt, là tích cực.”
Liệu có khả thi?
Mạng xã hội hiện nay thực tế vẫn là mạng ảo dù Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng phát biểu “mạng xã hội không phải là ảo nữa, mà thật rồi…”, do đó không kiểm soát việc người dùng có sử dụng tên thật hay ảnh thật hay không. Một người muốn có bao nhiêu tài khoản facebook thì cứ việc tạo, facebook không quản lý. Vậy nếu Nhà nước ra luật mà muốn khả thi thì phải có sự hợp tác từ các nhà cung cấp dịch vụ, kể cả facebook.
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết hiện tại luật không bắt buộc vì facebook là mạng xã hội ảo. Thực tế facebook chưa đưa vào luật ở Việt Nam. Ông nhấn mạnh:
“Luật pháp Việt Nam làm sao can thiệp vào chính việc kinh doanh của người khác được. Nếu pháp luật mà quy định như thế thì nó vượt quá thẩm quyền.
Việc quy định như thế không khả thi trên thực tế vì một người có thể lập cả chục tài khoản mà không ai biết được cả. Nếu vậy thì phải có điều kiện là facebook Việt Nam phải yêu cầu bắt buộc người dùng cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh thư chẳng hạn. Hiện tại thì tôi thấy họ chưa áp dụng.”
Đây là một sự kiểm soát hoàn toàn kể cả người dùng lẫn các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở Việt Nam. – Ls. Ngô Anh Tuấn
Nhiều người dùng facebook, trong đó có cả những cán bộ công chức đã sử dụng tài khoản cá nhân với tên thật hoặc tên giả để nói lên những vấn nạn trong xã hội, về những thông tin không có trên báo chí chính thống. Vậy nếu Bộ quy tắc ứng xử được thông qua thì liệu họ có còn dám lên tiếng dưới tên thật của mình hay không, nhà báo Đỗ Cao Cường nhận định số lượng đó cũng sẽ giảm đi rất nhiều vì nó đụng đến miếng cơm manh áo của người ta:
“Bây giờ nhiều công chức nhà nước chỉ dám lập những phây ảo cho an toàn chứ họ không dám dùng tên thật để bày tỏ vì họ còn nặng gánh gia đình. Bây giờ đưa ra quy tắc đó thì facebook cũng như các mạng xã hội khác phải yêu cầu người dùng phải có thông tin cá nhân rõ ràng. Đây là một sự kiểm soát hoàn toàn kể cả người dùng lẫn các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội ở Việt Nam.”
Cô Tuyền, một người dân ở TP.HCM thì cho rằng nhà cầm quyền càng cố ngăn cản thì những tiếng nói phản biện sẽ càng mạnh, nhưng họ thể hiện theo cách khác:
“Em nghĩ những người dám làm dám chịu, có gan nói lên sự thật thì họ vẫn nói. Còn những người chưa vượt qua nỗi sợ hãi thì họ sẽ lui về “ở ẩn”, sẽ chùn bước nhưng họ sẽ vẫn ngấm ngầm ủng hộ những người nói lên sự thật. Nhà cầm quyền có làm cách nào thì cũng không thể ngăn được tiếng nói phản biện. Càng cố ngăn cản thì tiếng nói sẽ càng mạnh hơn.”
Nhà cầm quyền có làm cách nào thì cũng không thể ngăn được tiếng nói phản biện. Càng cố ngăn cản thì tiếng nói sẽ càng mạnh hơn. – Cô Tuyền
Với luật sư Ngô Anh Tuấn thì số người làm việc cho nhà nước mà lên tiếng về các vấn đề tiêu cực trong xã hội chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông cho rằng những người dám nói từ đầu thì sau này họ vẫn nói tiếp, nhưng những người bày tỏ bằng tên giả trên facebook thì chắc chắn sau này họ không dám nói nữa, bởi họ sợ:
“Họ sợ, vì ở Việt Nam nhiều người họ quen làm công chức, ra ngoài họ khó sống nên muốn hay không họ vẫn phải bám trụ với nhà nước và buộc lòng họ phải thỏa hiệp. Không biết điều đó là tốt hay xấu với bản thân họ, nhưng đó là điều không tốt với sự phát triển của xã hội, sự phản biện của xã hội.”
Mạng xã hội, đặc biệt là facebook đã quá quen thuộc với người Việt Nam những năm qua.
Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc thì mức độ thâm nhập Internet của Việt Nam hơn 60% dân số và Việt Nam hiện là nước đứng thứ bảy trên thế giới với số lượng người dùng facebook là 58 triệu.
‘Lý tưởng cách mạng’ chỉ là cụm từ cửa miệng!
Vấn đề không có lý tưởng cách mạng, bị kích động, đi ngược lại đường lối chính sách của đảng lại được ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập khi đến dự đại hội.
Do đó, ông yêu cầu sinh viên cần quan tâm rèn luyện chính trị, không để phai nhạt lý tưởng chính trị, sống thực dụng và xa rời truyền thống Việt Nam.
Đài Á Châu Tự Do có liên lạc với một số bạn sinh viên cũng như giới trẻ tại Việt Nam để tìm hiểu về sự việc và được bạn Cát Linh hiện đang sống tại Hà Nội chia sẻ với chúng tôi rằng, lý tưởng chính trị đối với giới trẻ hiện nay là một điều gì đó xa vời không có thực tiễn.
“Em nghĩ giới trẻ VN nghĩ về lý tưởng cách mạng thì nó đã phai nhạt nhiều và ngay cả bản thân em nó cũng đã phai nhạt dần, không còn cảm giác gì cả. Bời vì mình học toàn những thứ được tuyên truyền và hầu như cái gì cũng tốt, giờ mình nghĩ lại thì nó cũng không hoàn toàn là như thế, được tô vẻ lên rất nhiều cho nên nói về lý tưởng cách mạng trong lòng giới trẻ hiện nay thì CL thấy nó hơi xa vời.”
Em nghĩ giới trẻ VN nghĩ về lý tưởng cách mạng thì nó đã phai nhạt nhiều và ngay cả bản thân em nó cũng đã phai nhạt dần, không còn cảm giác gì cả.
– Sinh Viên
Một bạn trẻ khác tên Ngọc cũng ra trường được vài năm và hiện đang làm việc tại Hà Nội trao đổi với chúng tôi rằng, bạn không quan tâm đến chính trị hay lý tưởng cách mạng, bạn cho rằng nó là môt điều gì đó mơ hồ.
“Em không quan tâm anh ơi, đối với em cách mạng nó là một cái gì nó rất là mơ hồ, nó quá chung chung và nó không liên quan gì đến cuộc sống hằng ngày của em cả. Và nó là những cái mà người chỉ hô hào thôi, em không thấy nó hiện hữu và nó không có gì liên quan gần gần đến cuộc sống của em cả. Cho nên phải định nghĩa được cách mạng nó được thể hiện qua các điều nào, đối với em từ trước đến nay cái đó vẫn là cái gì chung chung và không có thực tiễn và chỉ mang tính cổ động thôi.”
Ngoài ra, bạn Ngọc còn chia sẻ thêm rằng, sự quan tâm chính trị đối với giới trẻ Việt Nam hiện nay khắc hẳn so với thời còn đi học của bạn này.
“Khi học lớp 11, 12 học về mấy bài liên quan lịch sử về tuyên ngôn…. Thì em thấy như học công thức ấy và em không bao giờ cố gắng hiểu hoặc cắt nghĩa những chuyện ấy như thế nào. Nhưng giới trẻ bây giờ tụi nó có nhiều thắc mắc hơn, có phản biện hơn khi nghe bất cứ cái gì nó đều phân tích chứ nó không nghe như mình hồi xưa nữa và những cái quan tâm đời sống chính trị thì nó không phải là lớn lao đâu.”
Theo nhà báo Võ Văn Tạo, một nhà quan sát chính trị hiện đang sống tại Nha Trang cho chúng tôi biết, phai nhạt lý tưởng cách mạng nó không phải đặc biệt đối với sinh viên mà ngay cả Đảng viên và nhiều tầng lớp khác nhau của xã hội.
“Theo tôi mọi tầng lớp đều có độ phai nhạt chính trị hết, đúng là sinh viên so với trước đây thì độ phai nhạt nó mạnh hơn rất nhiều so với tầng lớp cựu chiến binh. Lớp trẻ được tiếp cận nhiều thông tin và thứ hai do cuộc sống bây giờ khác hồi xưa về vật chất và giải trí nó đa dạng hơn thì bản chất của giới trẻ thì họ sẽ quan tâm nhiều đến giải trí hơn. Do tiến bộ khoa học kỹ thuật và nhiều vấn đề khác chi phối cho nên chắc chắn so vơi thế hệ chúng tôi thì phai nhạt lý tưởng mạnh hơn rất nhiều, nói thẳng ra hồi đó chúng tôi còn ngu lắm, bây giờ tụi trẻ bớt ngu rồi mặc dù các ông nhà nước vẫn cố gắng níu kéo đó nhưng cũng không được mấy đâu.”
Cũng tại Đại hội Sinh viên Việt Nam, ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng một bộ phân sinh viên thiếu động cơ học tập, là đối tượng dễ bị kích động, lôi kéo và tham gia vào các hoạt động trái với quy định của pháp luật nên chưa chuẩn bị tốt để khởi nghiệp và lập nghiệp.
Cát Linh từ Hà Nội chia sẻ “Thứ nhất em nghĩ là mình cũng nhìn nhận lại nền giáo dục VN bởi vì giáo dục VN không dạy cho học sinh cách phản biện và cách phản ứng trước những thông tin đa chiều mà hiện nay trong đất nước VN không có nhiều thông tin đa chiều ngoài mạng xã hội ra. Thứ hai nói về học sinh bị kích động lôi kéo bởi các thế lực thù địch, ông nói như thế cũng là một phần coi thường người dân và giới trẻ. Vì mặc dù ông có thể nói rằng là nền giáo dục kém nhưng mà mỗi người đều có một quan điểm riêng, tư duy riêng chứ không ai giống nhau cả cho nên dứng trước những vấn đề khác nhau thì người ta cũng biết phân biệt đúng sai.”
Một thầy giáo hiện đang làm giảng viên tại một trường đại học tại Sài Gòn không muốn nêu tên chia sẻ với chúng tôi rằng, việc sinh viên có thể bị kích động, lôi kéo tham gia hoạt động trái luật thì đối với các sinh viên đang theo học trong môi trường của Việt Nam điều này rất khó xảy ra và hoàn toàn không dễ dàng. Cho nên việc nói như vậy chỉ là câu cửa miệng thôi.
Ngoài ra, vị giảng viên còn cho biết thêm, không phải vì công nghệ phát triển nên việc tiếp cận thông tin dễ dàng mà các bạn trẻ có thể quan tâm đến chính trị mà các bạn chỉ quan tâm vấn đề mang tính giải trí là chính.
“Ngay cả học viện báo chí tuyên truyền khi được hỏi về tình hình chung thì rất là quan tâm chính trị nhưng khi mà hỏi thủ tướng hoăc phó thủ tướng thì họ không phân biệt được là ai mà. Thật ra mối quan tâm của họ là đối với công nghệ 4.0 đang phát triển thì việc tiếp cận thông tin mang tính giải trí nhiều hơn thật sự quan tâm chính trị. Như thế nào là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa thì đâu có phân biệt được, hay là kinh tế tư bản và kinh tế thị trường như thế nào đâu có phân biệt được đâu chỉ biết lơ mơ vậy thôi.”
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề này được nói tại các đại hội, hội nghị toàn quốc. Vào ngày 11/12/2017 tại đại hội đoàn toàn quốc, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nói rằng các đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cần tránh “nhạt đảng, khô đoàn, xa rời chính trị”. Trước đây, ông Trọng cũng từng nhắc đến cụm từ này trong một văn bản về giáo dục tư tưởng từ năm 2009.
Chuyện lạ làm thuốc từ lúa non!
Trung Khang, RFA
Tình trạng thương lái thu mua lúa non ồ ạt, bất thường ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre trong những ngày qua lại khiến nhiều người cảm thấy hoang mang bởi không biết mục đích phía sau của sự việc này là gì?
Nghi ngờ thương lái Trung Quốc đứng sau
Vào ngày 10 tháng 12 năm 2018, ông Nguyễn Thành Nhân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, xác nhận với báo chí việc thương lái đến địa phương mua ruộng lúa với tổng diện tích gần 7.000 m2, rồi tổ chức thu hoạch khi lúa đang ngậm đòng hoặc vừa trổ bông. Hình thức mua này được người dân Miền Tây gọi là mua ‘mão’.
Ông Nhân cho biết, hiện vẫn chưa rõ về giá cả cũng như mục đích mua lúa non của thương lái, chỉ mới nghe người dân nói thương lái mua lúa non là để làm… thuốc nam”.
Theo ông Nhân, người mua lúa non tên Dương Văn Ba, sống ở Sài Gòn. Khoảng vài năm gần đây, vào mùa thu hoạch lúa thường xuống để mua gốc rạ của nông dân, nói là để mang lên thành phố Hồ Chí Minh làm thuốc nam. Ông Nhân cho biết thêm, riêng năm nay ông Ba đến đây hỏi mua lúa lúc còn đang ngậm đòng hoặc vừa trổ bông, khiến dư luận địa phương nghi ngờ ông mua để bán lại cho thương lái Trung Quốc.
Ở miền Nam, thì tôi bao giờ thấy người ta thu hoạch lúa non để sản xuất thực phẩm hay làm thuốc hay làm thứ gì khác cả. Tôi cho rằng hiện tượng này là hiện tượng không bình thường, tôi nghĩ chắc là có vấn đề gì đó ở đây.
-TS. Đặng Kim Sơn
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, cho biết:
“Chắc chắn nếu có hiện tượng mua lúa non thì đó là hiện tượng không bình thường. Theo tôi được biết, về mặt kinh tế, về mặt kỹ thuật, ở miền Bắc thì người ta có lấy lúa non về để làm cốm. Thế còn ở miền Nam, thì tôi có bao giờ thấy người ta thu hoạch lúa non để sản xuất thực phẩm hay làm thuốc hay làm thứ gì khác cả. Tôi cho rằng hiện tượng này là hiện tượng không bình thường, tôi nghĩ chắc là có vấn đề gì đó ở đây.”
Để tìm hiểu thêm sự việc, Đài Á Châu Tự Do liện lạc Hội nông dân huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre và được trả lời như sau:
“Cái này phải gặp lãnh đạo… chứ e không dám cung cấp thông tin anh ơi… Cũng vài ba hộ thôi à… một hai hộ gì đó… Lúa non mới ngậm sữa thì làm gì làm thuốc… cái lý đưa ra là không đúng rồi. Cái này chưa có nắm kỹ anh ơi… cái này anh gặp lãnh đạo giùm em nhe anh. Anh trao đổi với lãnh đạo chứ cái này em cũng không dám trao đổi rộng nữa. Anh thông cảm dùm em nhe.”
Chưa từng nghe làm thuốc từ lúa non?
Tin cho biết, đây là lần đầu tiên tình trạng thu mua lúa non ồ ạt diễn ra ở khu vực miền Tây Nam Bộ. Theo tìm hiểu của Báo Đất Việt, đơn vị đứng sau thu mua được xác định là Công ty Núi Cam Xanh ở quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh. Công ty này khẳng định việc thu mua lúa non của mình để làm dược liệu chứ không phải xuất sang Trung Quốc như dư luận đang lo lắng. Tuy nhiên, công ty này không chia sẻ công năng của lúa non làm dược liệu có công dụng chữa bệnh gì hay chăm sóc sức khỏe cho con người như thế nào.
Chúng tôi liên lạc Hội đông y huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, và được vị lương y phụ trách Hội cho biết ý kiến:
“Không có lấy lúa non làm thuốc… không có nghe cái đó… cũng như không có thấy tài liệu nào làm cái đó cả…”
Lương y Nguyễn Văn Minh ở Sài Gòn cũng cho biết chưa từng nghe chuyện lấy lúa non làm thuốc:
“Từ xưa đến giờ mình không nghe chuyện dùng lúa non làm thuốc bao giờ cả. Còn nếu có công trình nghiên cứu gì mới thì mình không biết. Chứ còn bản thân thì chưa đọc và cũng chưa nghe ai nói là dùng lúa non để chữa bệnh đâu.”
Cũng cùng quan điểm, Phòng khám đông y Nguyễn Hữu Trường ở thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết:
“Phòng khám thì không có dùng lúa non để làm vị thuốc, tuy nhiên chúng tôi chỉ có dùng lúa mạch, mạch nha thôi, còn lúa non thì mình không có cái vị thuốc đó.”
Âm mưu của Trung Quốc thì chúng ta không thể lường trước được. Còn về chuyên môn thì tôi thấy hoàn toàn không thuyết phục trong việc mua lúa non đại trà để làm thuốc.
-Đông y sĩ Nhất Nguyên
Đài Á Châu Tự Do liên lạc Đông y sĩ Nhất Nguyên, hiện sống và làm việc tại Houston, Hoa Kỳ để tìm hiểu rõ về vấn đề này và được ông cho biết:
“Theo kiến thức và theo kinh nghiệm của tôi, tôi chưa từng nghe chuyện thu mua lúa non hàng loạt để làm thuốc. Riêng về chuyên môn lúa non thì chỉ có lúa mạch non thì có những bài thuốc về dinh dưỡng sắc đẹp… trong những bài thuốc dân gian, đơn giản. Vì vậy tôi nghi ngờ có âm mưu Trung Quốc sau chuyện này, trong lịch sử đã nhiều lần thương lài Trung Quốc mua móng trâu, rắn, chuột, mèo, mua lá điều… những điều đó đã làm xáo trộn đời sống người dân chúng ta. Quay trở lại vấn đề lúa non, có thể là nó sẽ không ảnh hưởng vấn đề ăn uống trong nước, nhưng về vấn đề xuất khẩu thì tôi nghĩ có thể ảnh hưởng, âm mưu của Trung Quốc thì chúng ta không thể lường trước được. Còn về chuyên môn thì tôi thấy hoàn toàn không thuyết phục trong việc mua lúa non đại trà để làm thuốc.”
Trong nhiều năm qua tại Việt Nam, chuyện thương lái Trung Quốc thu mua các loại nông sản, thủy sản mà thường ít ai mua, bị nghi ngờ mang tính chất phá hoại, hoặc gây hoang mang, không còn là chuyện hiếm.
Chẳng hạn như vụ thu mua cá lìm kìm gai ở vùng U Minh của tỉnh Cà Mau, hay các vụ thu mua rễ cây Tờ Trung, lá nhàu, rễ tiêu… ở Tây Nguyên… khiến người dân bỏ ruộng chuyển đổi cây trồng, phá rẫy, săn lùng tận diệt các loài đang có giá cao mà không quan tâm đến hệ quả về sau. Cho đến nay các địa phương cũng không hề biết được mục đích chính thật sự của thương lái Trung Quốc là gì?
Cụ thể việc thu mua lúa non ở Bến Tre lần này, khi trả lời báo chí hôm 11 tháng 12, ông Lê Văn La, trưởng Phòng Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn huyện Bình Đại cũng chỉ nói chưa có thông tin rõ ràng.
Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận định:
“Theo cơ chế thị trường thì có người mua thì có người bán, nhưng theo chính sách của mình là chính sách bảo vệ lương thực thì chắc chắn không ai ủng hộ một cái cách mua bán lúa non như thế cả. Bởi vì người nông dân sản xuất lúa là để làm ra gạo, để sản xuất lương thực, đảm bảo an ninh lương thực. Không ai lại cắt lúa non để bán dưới dạng như thế cả.”
Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nếu mà bán như thế thì một vài vụ thì có thể được, về lâu về dài thì hậu quả sẽ khó lường? Theo ông nghĩ, đây là một cách làm không vững bền, và hiệu quả của nó thì thật rất là đáng nghi ngại.
‘Việt Nam là lựa chọn duy nhất’
để né tác động thương chiến Mỹ-Trung
Foxconn Technology, công ty chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất với các nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc, đang tìm nơi chuyển nhà máy sản xuất điện thoại sang Việt Nam để giảm thiểu thiệt hại từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Các chuyên gia thương mại nước ngoài hiện làm ăn ở Việt Nam cho VOA biết càng ngày có nhiều nhà sản xuất hàng xuất khẩu đang có kế hoạch tương tự.
Ông Maxfield Brown, chuyên viên cấp cao của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết:
“Tôi nghĩ rằng Việt Nam là người chiến thắng trong cuộc chiến này do nằm bên cạnh Trung Quốc, ngoài ra, Việt Nam cũng có nhiều kết nối với các thị trường mục tiêu của các nhà sản xuất này.”
Các công ty đa quốc gia có nhà máy ở Trung Quốc đang tìm cách mở rộng sản xuất ở nơi khác có thể di chuyển sang Việt Nam sớm hơn so với dự kiến, vì để càng trễ thì chi phí càng tăng, ông Brown nói.
Giá lao động tại Việt Nam chỉ khoảng 115 đôla/tháng, rẻ hơn so với Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam có đường hàng hải và đường bộ dễ dàng kết nối cũng như vận chuyển nguyên liệu từ Trung Quốc đại lục.
Ông Fiachra MacCana, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của công ty chứng khoán Ho Chi Minh City Securities nhận định Việt Nam là “lựa chọn duy nhất” đối với các nhà sản xuất ở Trung Quốc muốn mở rộng sản xuất sang các nơi khác. Các trung tâm sản xuất khác ở châu Á thì quá xa Trung Quốc, chi phí lại quá cao hoặc thiếu chuỗi cung ứng cho các thiết bị điện tử có giá trị gia tăng.
Foxconn, nhà thầu lắp ráp chính máy điện thoại iPhone cho Apple có các nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc, đang đàm phán với Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc thiết lập một nhà máy lắp ráp iPhone để tránh bớt các tác động từ cuộc tranh chấp thương mại Trung-Mỹ, theo báo Đầu Tư.
Truyền thông quốc tế cho biết GoerTek, công ty sản xuất tai nghe không dây Trung Quốc cũng có kế hoạch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam để né các tác động của cuộc thương chiến.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia nước ngoài đang làm ăn tại Tp. HCM, việc tìm nơi thuê đất, đặt mua thiết bị nhà máy và xin giấy phép tại Việt Nam đã khiến các nhà sản xuất chùn bước.
Ông MacCana nói: “Các công ty chỉ đang đàm phán thôi, chứ chưa có rút khỏi đại lục.”
Ông cho biết thêm rằng các công ty né thuế quan của Hoa Kỳ có thể sẽ bắt đầu thực sự đặt chân đến Việt Nam vào cuối năm tới [2019] khi mà họ xin được giấy phép và thuê được đất.
Theo ông Frederick Burke của công ty luật Baker McKenzie tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết tại Việt Nam cũng đang khan hiếm lao động và đất đai.
Ông nói: “Việc chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam không phải là vì chiến tranh thương mại, mà đó là sự di chuyển tự nhiên của nền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam do chi phí ở Trung Quốc tăng lên và cơ sở hạ tầng ở Việt Nam cũng đã khá hơn.”