Đọc báo Pháp – 13/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 13/12/2018

Pháp “cần đoàn kết”

trước khủng hoảng xã hội và khủng bố

Thu Hằng

Vụ khủng bố tại Strasbourg, cuộc khủng hoảng xã hội mà nước Pháp đang trải qua là hai chủ đề chính trên các nhật báo số ra ngày 13/12/2018. Nước Pháp, một lần nữa, trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố Hồi giáo cực đoan, khi cuộc khủng hoảng xã hội Áo Vàng còn chưa chấm dứt.

Nhiều tin đồn cho rằng đó là một âm mưu chính trị để dập tắt hẳn phong trào Áo Vàng, còn chưa hài lòng về những biện pháp nhượng bộ của chính phủ.

Với xã luận của nhật báo Công Giáo La Croix, đây là thời điểm toàn nước Pháp « phải đoàn kết », không phải là lúc cất lên những tiếng nói chỉ trích, cáo buộc chính sách an ninh của chính phủ, cảnh sát, tư pháp… mà theo họ là « không hiệu quả ». Một sự kiện đau thương như vậy cần được phân tích kỹ lưỡng để rút ra bài học cần thiết, chứ không phải là công cụ để gây chia rẽ.

Từ bốn năm nay, người dân Pháp phải đối mặt với những cuộc tấn công ngay trên lãnh thổ, nhưng họ biết giữ bình tĩnh, dũng cảm đối mặt, không để những kẻ khủng bố hăm dọa. Họ đoàn kết để tiếp tục sống. « Cùng nhau »« đoàn kết » là những từ đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khủng hoảng mà Pháp đang trải qua.

Xã luận của nhật báo thiên tả Libération cũng nhấn mạnh đến « đoàn kết dân tộc » trong bối cảnh hiện tại, vậy mà một bộ phận đối lập lại tranh thủ cơ hội để tấn công chính phủ, mà theo Libération, những lời chỉ trích này là « vô lý ». Thực vậy, tình trạng khẩn cấp đã được ghi trong luật thông thường ; việc giam cứu những người bị liệt vào danh sách « S » – điều này hiện bị luật pháp, thậm chí là Hiến Pháp cấm – cần sự thay đổi thể chế quan trọng. Ngoài ra, phải nhấn mạnh rằng làm sao có thể giam giữ vô thời hạn khoảng 10.000 người, mà không có lý do tư pháp, mà chỉ xuất phát từ một hồ sơ mang tính « công cụ theo dõi », chứ không phải là một danh sách tội phạm. Đề xuất giam giữ những người trong danh sách « S » nhiều lần đã bị phản bác vì vi hiến.

Về phần người dân, thêm một lần nữa phẫn nộ, tiếp tục kháng cự ngay từ đầu vụ thảm sát. Nền Cộng Hòa chống cự và hành động. Thay lời kết luận, bài xã luận đặt câu hỏi : Vậy phải cổ vũ, củng cố cho việc này ? Hay gây chia rẽ ?

Strasbourg : Đêm kinh hoàng và câu hỏi về biện pháp an ninh

Trang nhất của Le Figaro là hình ảnh xe cứu thương và quân nhân Pháp trước một lối vào khu chợ Noel với hàng tựa : « Strasbourg : cú sốc và cuộc truy đuổi ». Ít nhất 750 cảnh sát và hiến binh được huy động để truy tìm một thủ phạm, « Chérif Chekatt : một kẻ lưu manh đi theo Hồi giáo cực đoan, bị theo dõi trước khi ra tay hành động ».

Nhật báo Libération « Thuật lại vụ tấn công : Đêm kinh hoàng tại Strasbourg » với năm trang phóng sự về « Lộ trình của kẻ tấn công ngay trung tâm thành phố », bắt đầu từ lúc 19h50 tối thứ Ba 11/12 và cuộc truy tìm « Chérif Chekatt, nghi phạm nằm trong danh sách « S » đầy tiền án tiền sự », ngay từ thời thiếu niên và nhiều lần bị án tù ở Pháp và ở Đức. « Sau vụ tấn công ở Strasbourg, chính phủ đối đầu với một mặt trận mới » là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.

Libération cũng đặt câu hỏi về « An ninh ở trung tâm thành phố Strasbourg ». Làm thế nào giải thích việc một người đàn ông dễ dàng mang vũ khí vào khu chợ Giáng Sinh trong khi biện pháp khám xét người và tư trang được áp dụng ở các lối vào.

Theo con số chính thức, để bảo vệ cho hội chợ Noel thu hút 2 triệu khách tham quan, hàng ngày có khoảng 260 nhân viên cảnh sát quốc gia, 50 cảnh sát của thành phố và vài chục quân nhân trong chiến dịch Sentinelle tuần tra. Dường như người dân Strasbourg cho rằng nguy cơ khủng bố đã giảm bớt, thêm vào đó là tâm lý đi đâu trong trung tâm thành phố cũng bị khám xét, nên lực lượng an ninh, được áp dụng từ năm 2015 để bảo vệ khu chợ, có vẻ đã được giảm nhẹ hơn so với những mùa Giáng Sinh trước. Một số nhiệm vụ thường do lực lượng cảnh sát đảm nhiệm đã được giao cho các công ty cung cấp dịch vụ an ninh tư nhân.

Trong bài viết « Khủng bố, chất vấn về sự cảnh giác », La Croix cũng đồng tình rằng « trong khi cường độ đe dọa có vẻ giảm đi, thì từ vài tháng nay, nhiều nhà quan sát cảnh báo về sự lơ là cảnh giác ». Điều này được một nghị sĩ châu Âu nêu lên trước Nghị Viện châu Âu chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ nổ súng. Ông nói : « Xu hướng hiện nay là giảm nhẹ mối đe dọa vì một số tổ chức khủng bố chịu thất bại, nhưng đây có lẽ là một sai lầm nghiêm trọng ».

Đúng là « cường độ nguy cơ khủng bố đã giảm bớt, căn cứ vào số âm mưu khủng bố bị phá vỡ : 17 vụ vào năm 2016, 20 vào năm 2017, 6 vào năm 2018 », theo ông Sébastien Pietrasanta, một cố vấn về khủng bố. Tuy nhiên, vụ khủng bố ở Strasbourg nhắc lại rằng nguy cơ khủng bố vẫn tồn tại, dù đã thay đổi bản chất, từ giờ chủ yếu xuất phát từ bên trong nước Pháp, từ những tên tội phạm như Chérif Chekkat, dù khả năng một đội khủng bố từ nước ngoài thâm nhập vào Pháp vẫn còn đó.

An ninh : Tổng thống Macron lại hứng chỉ trích

Trang nhất của Le Monde dành nói về «Vụ tấn công ở Strasbourg : Nước Pháp lại bị chấn động ». Phong trào Áo Vàng chưa chấm dứt, tổng thống «Macron lại bị cả cánh tả và cực tả chỉ trích » về chính sách an ninh của chính phủ, theo nhận định của Le Monde.

Vụ xả súng ở Strasbourg là vụ tấn công khủng bố thứ năm xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Macron và có thể là một trong những vụ đẫm máu nhất cùng với các vụ tấn công ở Carcassonne và Trèbes.

Thực vậy, cánh hữu, đại diện là chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains), Laurent Wauquiez, và cực hữu, đại diện là bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement national) lại «làm dấy lên cuộc tranh luận về những người bị liệt vào danh sách «S » theo dõi đặc biệt». Cả hai yêu cầu nghiêm khắc hơn với những cá nhân trở nên cực đoan. Theo thống kê của Le Figaro, có 18 thành phần bị liệt vào danh sách theo dõi đặc biệt đã ra tay hành động từ năm 2012 đến năm 2018.

Biện pháp xoa dịu Áo Vàng: Từ thông báo đến thực hành

Theo dự kiến trước khi xảy ra vụ thảm sát ở Strasbourg, chính phủ dành cả sáng thứ Tư 12/12 cho việc bàn cách triển khai các biện pháp được tổng thống Pháp công bố để xoa dịu phong trào Áo Vàng. Theo xã luận của Le Monde, «trong bối cảnh này, khả năng của chính phủ trong việc theo đuổi các biện pháp cải cách, kể cả hồ sơ nhạy cảm là cải cách hưu trí, trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận».

Công việc khẩn cấp trước mắt của chính phủ là giải thích nội dung các biện pháp trên. Theo Le Monde, vì các biện pháp được đưa ra khá khẩn cấp, chưa được đánh giá trước và cách thực hiện chưa hẳn được xác định, nên chính phủ sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt về mặt tài chính.

Tiếp theo, các biện pháp được tổng thống thông báo sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Nghị Viện. Le Monde đề cập đến «Những điểm còn mù mờ và lịch trình ngân sách bị đảo lộn trước các biện pháp tăng sức mua». Theo đó, chính phủ sẽ còn phải nêu chính xác các biện pháp tài chính để thực hiện những lời hứa của tổng thống, tiếp theo là chạy đua với thời gian để những điểm sửa đổi được đưa vào dự luật tài chính cho năm 2019 và thông qua dự luật này vào trước Giáng Sinh để các biện pháp có thể được áp dụng từ ngày 01/01/2019.

« Điện Elysée muốn các doanh nghiệp tham gia đóng góp cho phong trào Áo Vàng » là hàng tựa trên Le Figaro và Les Echos. Tổng thống Macron đã tiếp nhiều chủ doanh nghiệp lớn, đại diện của giới chủ và yêu cầu họ thưởng tiền cho nhân viên dịp lễ cuối năm. Bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire không loại trừ khả năng « đề nghị » doanh nghiệp « nỗ lực lớn » để cùng chi trả cho kế hoạch Áo Vàng.

Brexit : Thủ tướng Theresa May thoát hiểm

Brexit là chủ đề thời sự lớn thứ hai được các nhật báo Pháp quan tâm. « Theresa May cứu được vị trí thủ tướng » là thông tin trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Tương tự, Le Figaro cho biết : « Theresa may thoát khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của phe phản đối Liên Hiệp Châu Âu trong nội bộ đảng Bảo Thủ ».

Chỉ một phần ba (117 người) nghị sĩ bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm, hai phần ba còn lại tiếp tục ủng hộ thủ tướng Anh trong cuộc bỏ phiếu nội bộ tối 12/12. Như vậy, bà May còn có một năm tạm thời lặng gió để tiếp tục điều hành chính phủ và thực hiện Brexit.

Trước cuộc bỏ phiếu, « bà May rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, các đối thủ của bà thì rình rập phản công », theo nhận định của Le Monde. Bà phải hoãn đưa hồ sơ Brexit ra thảo luận ở Quốc Hội, đi một vòng qua Bỉ, Đức, Hà Lan để tìm thêm chút nhượng bộ từ phía Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ Brexit. Lãnh Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn cho là « thủ tướng bỏ trốn » và chuyến đi của bà chỉ « mất thời gian và tốn tiền ».

Nhật báo Công Giáo La Croix đánh giá cao « sự bền bỉ, khảng khái trong cơn bão Brexit của bà Theresa May » trong bài viết phác lại sự nghiệp từ khi bà lên làm thủ tướng Anh.

Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là hình thức

Thời sự châu Á không được đề cập nhiều trên các nhật báo Pháp, trừ cuộc hưu chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo mục « Nhìn từ nơi khác » của Le Monde, « giữa Trump và Tập, cuộc hưu chiến chỉ là hình thức ».

Bài viết đặt một số câu hỏi : Các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu ? Kịch bản thứ nhất, Trung Quốc có thể mua nhiều hơn đậu nành của Mỹ ; như thế, tổng thống Trump có thể nói đến một chiến thắng lớn và vẫy cờ trắng. Có lẽ sẽ không có gì thay đổi cả, nhưng ít nhất hai bên có thể chấm dứt tung đòn ngoại giao và thương mại. Điều này đã xảy ra với Thỏa thuận Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ.

Một giả thuyết khác : Trung Quốc có thể sẽ thông báo thay đổi sâu rộng nền kinh tế nước này, hoặc chính quyền Mỹ sẽ khẳng định là Bắc Kinh đã nói vậy. Trên thực tế, sẽ không có gì thay đổi đáng kể và Donald Trump, cuối cùng nhận ra điều đó và cuộc chiến thương mại tái diễn.

Vậy kịch bản nào có thể xảy ra ? Theo tác giả bài viết, điều này tùy thuộc vào tiến triển của tình hình kinh tế Hoa Kỳ. Nếu tăng trưởng tiếp tục như khi diễn ra các cuộc tái đàm phán thỏa thuận NAFTA, tổng thống Mỹ có thể chấp nhận một số nhượng bộ. Nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu suy thoái, ông Trump sẽ chỉ ra một thủ phạm. Và người ta biết trước là ai !

http://vi.rfi.fr/phap/20181213-phap-can-doan-ket-truoc-khung-hoang-xa-hoi-va-khung-bo

 

Tin đọc nhanh

(AFP) – Thổ Nhĩ Kỳ chuẩn bị tấn công người Kurdistan tại Syria. 

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan ngày 12/12/2018 cho biết chiến dịch tấn công nhắm vào phe dân quân tự vệ Kurdistan được Mỹ hậu thuẫn trên lãnh thổ Syria sẽ diễn ra « trong những ngày sắp tới ». Chiến dịch quân sự này có nguy cơ làm xấu đi quan hệ giữa Ankara và Washington. Hoa Kỳ cảnh cáo một chiến dịch như thế là « không thể chấp nhận ».

(REUTERS) – Trang mạng bộ Ngoại Giao Pháp bị tin tặc.

Bộ Ngoại Giao Pháp ngày 13/12/2018 cho biết các dữ liệu trên trang mạng « Ariane », một trong những trang dịch vụ của bộ, dùng để lưu trữ các thông tin cá nhân các kiều dân Pháp ở nước ngoài đã bị đánh cắp. Thời điểm và số người bị ảnh hưởng hiện chưa được tiết lộ. Vụ việc đã được chuyển sang tư pháp để điều tra.

(AFP) – Pháp : Khả năng sinh con của phụ nữ giảm.

Nghiên cứu của viện Insee công bố hôm nay 13/12/2018 cho biết khả năng sinh nở của phụ nữ Pháp từ năm 2015 đã bị giảm nhẹ, xuống dưới ngưỡng biểu tượng là 2 con/phụ nữ. Mức độ giảm này xảy ra ở mọi độ tuổi, mọi thành phần xã hội. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ sinh nở ở phụ nữ nhập cư vẫn ổn định ở mức 2,73 con cho một phụ nữ.

(AFP) – Mưa lũ : 13 người chết tại miền trung Việt Nam. 

Chính quyền Việt Nam ngày 13/12/2018 thông báo đã có 13 người thiệt mạng, một người mất tích trong đượt mưa lớn gây lũ lụt những ngày qua tại tỉnh Quảng Ngãi. Đợt mua lớn chưa từng thấy đã đổ xuống 6 tỉnh miền Trung Việt Nam và khoảng 160 nghìn gia súc gia cầm bị chết, mùa màng bị phá hủy. Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 200 người chết vì các trận thiên tai bất thường.

 (AFP) – Mỹ bác bỏ các cải cách của OMC.

Các đề xuất cải cách của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới không đáp ứng được những quan tâm mà Hoa Kỳ đã nêu ra, đại diện Mỹ Dennis Shea đã tuyên bố như trên trước Đại hội đồng OMC ngày 12/12/2018. Chính quyền Trump cho rằng OMC không hoàn thành vai trò điều tiết thương mại thế giới vì đã không thể buộc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế từ khi nước này gia nhập tổ chức năm 2001.

(AFP) –Bị cáo buộc phân biệt chủng tộc, tượng Gandhi bị dỡ tại Ghana. 

Một bức tượng của Gandhi, nhà lãnh đạo giành độc lập cho Ấn Độ, nổi tiếng về chủ trương đấu tranh bất bạo động, đã bị dỡ khỏi trường đại học danh giá nhất của Ghana, do Gandhi bị tố cáo là từng khẳng định người Ấn Độ là thượng đẳng so với người da đen châu Phi.

(AFP) –Ukraina triệu tập Hội đồng giám mục để thành lập giáo hội độc lập. 

Các đại diện Chính thống giáo ở Ukraina sẽ họp lại ngày 15/12/2018 trong một « Hội đồng giám mục thống nhất », để lập ra một giáo hội độc lập với giáo hội Chính Thống giáo Nga, sau 332 năm dưới sự lãnh đạo tinh thần của nước láng giềng hùng mạnh.

(AFP) –Hợp đồng xuất bản « Tư Bản luận » của Karl Marx bán được 121.600 euro. 

Được nhà Ader Nordmann mang ra bán đấu giá từ tối qua 12/12/2018, hợp đồng của nhà xuất bản Pháp Maurice Lachâtre để ấn hành tác phẩm nổi tiếng « Tư Bản luận » của Karl Marx đã đạt mức 121.600 euro, gấp năm lần giá ước tính ban đầu. Trong dịp này 23 thư viết tay của triết gia Đức, đa số viết vào năm 1872, cũng được đem đấu giá, và hai bức trong số này đã bán được trên 160.000 euro.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181213-tin-doc-nhanhokkkk