Tin Việt Nam – 13/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Tin Việt Nam – 13/12/2018

Tài xế phản đối BOT An Sương An Lạc

 thu phí “lố” 31 tháng

Những ngày vừa qua, một số tài xế chứng minh rằng BOT An Sương – An Lạc nằm trên quốc lộ 1A, quận Bình Tân, Tp HCM đã hết hạn thu phí cách đây 31 tháng. Các tài xế qua trạm đã từ chối mua vé vì cho rằng BOT không thực hiện thu phí theo đúng thời gian trên hợp đồng.

Bắt đầu từ ngày 3/12, một số tài xế đã từ chối mua vé khi qua BOT An Sương – An Lạc vì cho rằng BOT này hoạt động thu phí quá thời hạn đến nay là 31 tháng. Video đăng tải trên facebook Huỳnh Long cho thấy các tài xế này đưa ra văn bản số 1423 ngày 6/6/2017 của Thanh Tra Chính Phủ. Trong đó, mục ‘3.1.2. Dự Án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương – An Lạc’ có chỉ rõ ‘thời gian hoàn thành dự án và bắt đầu thu phí là tháng 04/2004. Thời gian thu phí trong 145 tháng.’  Là những gì mà thanh tra chính phủ đã dựa theo hợp đồng mà chủ đầu tư là công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng IDICO đã ký kết với Bộ Giao Thông Vận Tải.

Trước những thông tin và sự việc trên, các tài xế khác cũng tỏ ý không đồng tình:

-Làm kiểu đó là không đúng pháp luật rồi. Cái đó là không đồng ý. Cái đó là sai rồi.

-Phải xả cho người ta đi chớ đâu có thu lố như vậy được đâu. Mỗi năm đóng phí đường bộ hết trơn rồi. Mà năm nào cũng đóng triệu mấy hai ba triệu không. Công ty đây tới mười mấy xe lận, ra zô ra zô liên thường luôn.

Tài xế này cho biết thêm, hiện anh đang lái cho một công ty, sử dụng vé tháng nên đã lỡ mua rồi thì sử dụng. Nhưng nếu không có vé tháng, anh cũng sẽ phản đối bằng cách không mua vé qua trạm BOT này, anh cho rằng việc từ chối mua vé khi trạm BOT thu quá hạn là điều hợp lý:

-Hợp lý, cái đó cũng là giúp lại cho anh em tài xế thôi. Đây là chủ mua vé tháng, vé tháng đành phải qua thôi, chứ gặp tui là tui không mua vé tháng là tui cũng phải giúp đỡ anh em.

Một tài xế khác cho biết ông muốn sự việc được các bộ ngành liên quan giải thích rõ ràng.

-Thì mình cũng đi qua mình hỏi thử mấy anh trạm thu phí thử lý do như thế nào vẫn thu tiền.

– Mình phải nói với lại bên đường bộ như thế nào chứ đâu có phải thu phí zậy hoài, đâu có được.

Rạng sáng ngày 07/12, tiếp tục từ chối mua vé qua trạm BOT An Sương An Lạc thì các tài xế gặp phải sự phản ứng gay gắt từ phía lực lượng dân phòng. Video đăng tải từ facebook Trương Châu Hữu Danh cho thấy tài xế này đang bị bao vây và hứng chịu những lời lẽ mang tính đe dọa.

Thông tin từ facebook này cho biết thêm, rạng sáng cùng ngày có một người tên Lê Thái Hùng, khi ngồi trên xe tranh luận về việc BOT thu phí quá hạn thì anh bị những kẻ lạ mặt lôi ra khỏi xe và hành hung gây, dù có công an và lực lượng bảo vệ tại hiện trường nhưng không ai can thiệp kịp thời. Sau khi bị lôi đi thì không ai liên lạc được với anh Hùng. Hơn 12 tiếng đồng hồ sau đó thì bạn bè tìm thấy anh này trong đồn công an phường Bình Hưng Hòa B cùng với những vết thương trên mặt trên cơ thể và một biên bản vi phạm hành chính.

Xét cho đúng, thì sự việc giữa bên thu phí là BOT An Sương – An Lạc và các phương tiện trả phí  là vấn đề tranh chấp dân sự giữa hai bên. Thế nhưng việc các lực lượng công quyền có thái độ phản ứng gay gắt và làm ngơ khi người dân bị côn đồ hành hung, nhận xét về sự việc này, một tài xế cho biết:

-Thấy công an cho quýnh người, quýnh tài xế cũng như là tụi em đúng không? Cái đó công an xem xét lại. Quýnh người như đó là sai trái rồi. Tại vì bữa hổm hồi sáng em có coi cái clip có mấy anh xe benz là đòi đập xe trong nhóm bạn hữu của em. Cái đó là không được. Trong lúc đó là cũng có công an luôn. Mà công an không giải quyết.

Bên cạnh đó, còn có ý kiến cho rằng vẫn cứ trả phí khi qua trạm, cho đến khi nào có quyết định từ phía chính quyền yêu cầu BOT xả trạm.

-Bên tôi thì chừng nào nhà nước người ta ngưng thu thì mình mới ấy… chứ còn người ta đang thu bằng cách phản đối không mua vé được. Đó là quan điểm của tôi là như vậy.

Qua tuyến đường này thường xuyên, ông cho biết thêm BOT này gây ách tắc giao thông trong khu vực:

– Giờ mà cái gì nó được giải quyết sớm thì càng tốt. Cái trạm này nó cũng làm ách tắc giao thông nhiều lắm. Kẹt do cái trạm này nó thu không kịp á. Nhất là cái chiều về, đi về nó kẹt do cái trạm này không đó chứ.

Chiều ngày 04/12, trong một cuộc họp liên quan đến vấn đề của BOT An Sương An Lạc, báo giaothongvantai.vn trích lời ông Nguyễn Văn Tám, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, ông này nói ‘Các thủ tục về thẩm định, phê duyệt, cấp giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đúng theo quy định pháp luật. Thời gian thu phí được tính toán dự kiến đến 2033. Tuy nhiên, sẽ căn cứ vào doanh thu và kết quả thực tế sẽ xem xét điều chỉnh thời gian thu’.

Còn về phía chủ đầu tư IDICO thì nói rằng thời gian thu phí đã được điều chỉnh đến năm 2033 là hợp lý vì họ đã đầu tư xây dựng hai cầu vượt gần đó là cầu vượt Hương Lộ 2 và cầu vượt ngã tư Gò Mây. Dù cho một loạt các sai phạm đã được chỉ rõ trong kết luận của thanh tra chính phủ thì đến thời điểm hiện tại, BOT vẫn tiếp tục thu phí bình thường.

Ngoài BOT An Sương An Lạc, trước đây có BOT Cai Lậy, BOT Biên Hòa cũng bị một làn sóng phản ứng mạnh mẽ do vị trí đặt trạm và mức phí thu không hợp lý.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/reportfromvn/Drivers-protest-bot-an-suong-for-past-due-fee-12122018125028.html

 

Việt Nam truy nã nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng

Công an tỉnh Thanh Hóa vừa ra quyết định truy nã đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng, thành viên của Hội Anh em Dân chủ, với cáo buộc “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Hôm 12/12, Cổng thông Công an Tỉnh Thanh Hóa loan báo Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa hôm 5/12 đã quyết định truy nã bị can đối với Nguyễn Văn Tráng theo điều 109 Bộ Luật hình sự 2015.

Hãng tin Reuters cho biết Nguyễn Văn Tráng là một trong số các thành viên của Hội Anh em Dân chủ, một tổ chức bị cấm hoạt động tại Việt Nam. Reuters cho biết nhiều thành viên của tổ chức này đã bị bắt, xét xử, giam cầm kể từ khi thành lập vào năm 2013 cho đến nay.

Theo cơ quan an ninh điều tra, khi còn là sinh viên Trường Đại học Hồng Đức, Nguyễn Văn Tráng đã có những hoạt động “đi ngược với quy chế giáo dục của nhà trường và có nhiều phát ngôn phản kháng cực đoan.”

Truyền thông trong nước trích lời công an tỉnh Thanh Hóa cho biết Nguyễn Văn Tráng đã tham gia “Hội anh em dân chủ”, thường xuyên sử dụng trang Facebook cá nhân Trang Nguyen (Vô Danh Khách) để đăng tải các bài, hình ảnh, video clip “xuyên tạc chủ trương, đường lối, nói xấu chế độ và lôi kéo kích động người dân tham gia biểu tình, gây rối trật tự công cộng…”

Trong một thông cáo hôm 11/12, Hội Anh em Dân chủ phản đối lệnh truy nã đối với nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng, cho rằng đó là một “cáo buộc mơ hồ.”

Theo Hội Anh em Dân chủ, từ năm 2016 cho đến nay, nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào dân chủ Việt Nam dù “liên tục bị lực lượng an ninh chìm nổi của tỉnh Thanh Hóa sách nhiễu, đàn áp, và truy lùng.”

https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-truy-na-nha-hoat-dong-nguyen-van-trang/4698911.html

 

Nghệ An: Điểm nhóm Tin lành bị ép bỏ đạo,

 treo hình Hồ Chí Minh

Một hội thánh Tin lành ở Việt Nam đã lên tiếng yêu cầu nhà chức trách Nghệ An điều tra vụ các tín hữu người H’mong ở vùng biên giới xa xôi bị chính quyền địa phương ép bỏ đức tin Chúa của họ, buộc phải theo đạo Phật, và treo hình ông Hồ Chí Minh.

Từ bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, thuộc huyện Tương Dương, ông Xồng Bá Chò, trưởng nhóm Tin lành có 7 hộ dân với 33 nhân khẩu, cho VOA biết:

Ngày hôm đó có lực lượng đồn biên phòng 551, công an huyện, công an xã đến đây nói rằng sẽ không bao giờ cho chúng tôi theo đạo Tin lành, ngăn cấm chúng tôi cho đến khi nào chúng tôi bỏ đạo thì thôi.

Ông Xồng Bá Chò

Họ đưa ra các sự lựa chọn là đạo Phật, hoặc là thờ phượng ông bà cùng với bức ảnh của ông Hồ Chí Minh, và cờ tổ quốc.”

Sự việc diễn ra vào ngày Chủ Nhật 2/12, với một lực lượng “hùng hậu” từ các cấp chính quyền xã và huyện, và cả bộ đội biên phòng, theo lời của ông Hoàng Văn Pa, một người sắc tộc H’mong đang xin quy chế tị nạn tại Thái Lan.

XEM THÊM:

Công an yêu cầu tháo dỡ hang đá Giáng sinh ở Nghệ An?

Ông Hoàng Văn Pa giúp các tín hữu bị sách nhiễu ở trong nước đưa thông tin ra bên ngoài. Ông nói với VOA:

“Ngày Chủ Nhật 2/12 vừa rồi có một đoàn liên ngành rất hùng hậu bao gồm ủy ban xã, công an, đồn biên phòng cầm theo một tượng Phật yêu cầu rằng nếu bà con không từ bỏ đạo Tin lành thì nhà nước bằng mọi giá ngăn cấm. Họ nói rằng nếu muốn nhà nước tạo điều kiện, quan tâm, được tự do hành đạo thì phải theo đạo Phật để hưởng các chế độ của nhà nước, muốn gì thì nhà nước sẽ hỗ trợ. Khi bà con nhất quyết không thờ bức tượng (Phật) đó thì nhà nước ngày càng làm khó.”

Họ nói rằng nếu muốn nhà nước tạo điều kiện, quan tâm, được tự do hành đạo thì phải theo đạo Phật để hưởng các chế độ của nhà nước, muốn gì thì nhà nước sẽ hỗ trợ.

Ông Hoàng Văn Pa

Ông Xồng Bá Chò khẳng định rằng đoàn làm việc của chính quyền địa phương và đồn biên phòng có mang theo hình Hồ Chí Minh và cờ tổ quốc, cùng với một tượng Phật và yêu cầu các tín hữu lựa chọn để thờ phượng:

“Họ đưa ra một tượng Phật, một bức hình Hồ Chí Minh, cờ tổ quốc để treo trong nhà, chứ còn thờ thượng Chúa theo đạo Tin Lành thì họ không cho.”

Từ Hà Nội, mục sư Nguyễn Đức Đồng, Phó Hội trưởng Ngoại vụ của Hội thánh Tin lành Việt Nam Miền Bắc, cho VOA biết các tín hữu của bản Phó Lõm cương quyết giữ niềm tin vào đạo Tin lành và không cải đạo.

“Họ có niềm tin Thiên Chúa, gần đây chính quyền có tới yêu cầu không được theo mà phải trở lại với đạo thờ tổ tiên. Tuy nhiên, họ vẫn cương quyết đi theo Tin Lành, vì họ nhận thức được rằng chỉ có theo Chúa thì mới được cứu, được tha tội, cho dù có khó khăn như thế nào thì họ vẫn cương quyết theo Chúa.”

Ông Hoàng Văn Pa, em trai của tín hữu Tin lành Hoàng Văn Ngài được cho là bị chính quyền Đak Nông sát hại tại đồn công an năm 2013, chia sẻ thêm về sự đe dọa, sách nhiễu tôn giáo tại điểm nhóm này.

Họ đưa ra một tượng Phật, một bức hình Hồ Chí Minh, cờ tổ quốc để treo trong nhà, chứ còn thờ thượng Chúa theo đạo Tin Lành thì họ không cho.

Ông Xồng Bá Chò.

“Trong thời gian vừa qua tôi liên tục nhận được nhiều lời cầu cứu để báo cáo vi phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam cho LHQ. Tình hình hiện tại là nhà nước Cộng sản Việt Nam ngày càng mạnh tay đàn áp đối với điểm nhóm này, và nếu như họ không từ bỏ đức tin của họ, thì nhà nước bằng nhiều biện pháp để ngăn cấm và có thể đe dọa, hoặc giết chết.”

Mục sư Nguyễn Đức Đồng cho biết giáo hội của ông đã yêu cầu chính quyền Nghệ An làm rõ vụ cưỡng ép bỏ đạo đối với các tín hữu bản Phá Lõm để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của họ.

Theo quyền tự do tín ngưỡng, không ai có quyền ép buộc theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền không được có những hành động làm trái pháp luật, và phải cho người dân ở đó hoàn toàn được tự do lựa chọn niềm tin của mình.

Mục sư Nguyễn Đức Đồng.

“Chúng tôi có gửi công văn và đưa người vào trong đó đại diện cho Giáo hội yêu cầu các cơ quan chính quyền làm rõ theo pháp luật. Đạo Tin lành đã được nhà nước công nhận hàng trăm năm nay, như vậy theo đạo là hoàn toàn hợp pháp. Theo quyền tự do tín ngưỡng, không ai có quyền ép buộc theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Chúng tôi đã yêu cầu chính quyền không được có những hành động làm trái pháp luật, và phải cho người dân ở đó hoàn toàn được tự do lựa chọn niềm tin của mình.”

VOA đã liên lạc với Ban Tôn giáo tỉnh Nghệ An và UBND xã Tam Hợp nhưng chưa được phản hồi.

https://www.voatiengviet.com/a/mot-diem-nhom-tin-lanh-o-nghe-an-bi-ep-bo-dao-phai-treo-hinh-ong-ho-chi-minh/4698953.html

 

Công dân bình thường

vẫn có thể phạm tội lộ bí mật nhà nước

Kính Hòa RFA

Cuối tháng 10/2018, một bộ luật tên là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước (LBMNN) được Quốc hội Việt Nam thông qua.

Trong bộ luật này có qui định thời gian giữ kín, không công khai các “bí mật nhà nước”, sau thời gian đó các “bí mật” đó được tự động bạch hóa.

Lần ngược thời gian, vào năm 2009, Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam có ra một qui định về thời gian giải mật các tài liệu của đảng là 60 năm. Sáu năm sau, vào năm 2015, một bộ Văn kiện tên gọi là Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam giai đoạn 1996-2000 được xuất bản, mà báo chí trong nước nói rằng trong bộ văn kiện này có những thông tin được đưa ra dựa theo qui định về giải mật của Đảng Cộng sản.

Tuy nhiên việc cho phép giải mật vào năm 2009 chỉ là một qui định chứ không phải luật, và cũng không thấy nói là người dân thường có được phép tiếp cận những thông tin đó một cách trực tiếp hay không.

Nhà báo Mai Phan Lợi, cũng như Thạc sĩ luật Hoàng Việt, đều cho rằng LBMNN là một tiến bộ trong việc minh bạch xã hội tại Việt Nam. Ông Hoàng Việt cho biết:

Đây là một tiến bộ về mặt lý thuyết, vì ở Việt Nam có những chuyện không biết bao giờ mới được minh bạch, không bao giờ được thông tin, không biết là nó có thật hay không, dư luận nói thế này thế kia, nhưng không có sự xác nhận của tài liệu. Thế nên việc đưa ra luật này về mặt lý thuyết thì nó cũng tốt, ít nhất là một xu hướng minh bạch hóa thông tin.”

Ông Hoàng Việt đưa ra một ví dụ cho việc những sự việc được đồn đãi rất nhiều nhưng không biết là có thật hay không, ví dụ như lời đồn đãi về sự nhân nhượng của Việt Nam quá nhiều cho Trung quốc, trong cái gọi là Hiệp ước Thành Đô, 1990, dẫn tới việc bình thường hóa quan hệ Việt Trung. Cho tới nay, vẫn không có tài liệu chính thức nào của nhà nước Việt Nam công bố rằng “Hiệp ước Thành Đô” là có thật hay không.

Nếu ở các quốc gia khác, có một hệ thống tòa án độc lập thì có thể khởi kiện được chứ ở Việt Nam thì vô phương.

-Thạc sĩ Hoàng Việt.

Theo nhà báo Mai Phan Lợi, LBMNN được đưa ra là để bổ sung cho bộ luật Tiếp cận thông tin, đã được đưa ra hồi năm 2016, và có hiệu lực vào tháng 7 năm 2018. Luật này đưa ra những qui định về chuyện công dân và các tổ chức được phép yêu cầu cơ quan chức năng cung cấp thông tin như thế nào.

Trước đấy, khi soạn thảo (Luật tiếp cận thông tin) thì người ta lường trước là sẽ đụng tới vấn đề bí mật nhà nước. Việc lập ra LBMNN như vậy là hiển nhiên nằm trong lộ trình, chỉ sợ người ta không đưa ra thì không biết làm sao thực hiện cái luật kia. Nó vừa nằm trong lộ trình, mà nó cũng là tiến bộ.”

Tuy nhiên cả hai ông Hoàng Việt và Mai Phan Lợi đều có những nghi ngại về một số điểm trong bộ luật mới này.

Ông Hoàng Việt nói:

Ngay trong luật cũng có ghi rằng có thể tiếp tục gia hạn để không giải mật. Và ở Việt Nam hiện nay có vấn đề tùy tiện trong việc đóng dấu mật hay không mật. Và còn một vấn đề nữa là ở Việt Nam ai sẽ phán quyết các cơ quan nhà nước nếu họ không tuân thủ? Nếu ở các quốc gia khác, có một hệ thống tòa án độc lập thì có thể khởi kiện được chứ ở Việt Nam thì vô phương.”

Ông Hoàng Việt đưa ra ví dụ về sự tùy tiện đóng dấu mật là những hợp đồng mà Phó Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tất Thành Cang, ký hợp đồng giao đất tại Thủ Thiêm, đổi cơ sở hạ tầng với nhiều công ty, việc này chỉ là những hợp đồng giữa tư nhân và chính quyền mà thôi, nhưng cũng đóng dấu mật.

Ông Tất Thành Cang vừa bị Đảng Cộng sản kỷ luật vào ngày 7/12/2018 vừa qua do những sai phạm tại Thủ Thiêm.

Theo nhà báo Mai Phan Lợi, việc tùy tiện đóng dấu mật là do ở qui định lâu nay rằng người đứng đầu các cơ quan đơn vị được phép làm điều đó.

Trao quyền xác định độ mật cho người thủ trưởng đơn vị rộng quá nên có thể dẫn đến việc sử dụng tùy tiện dấu mậtNhư vậy người ta sẽ lợi dụng che đậy những gì người ta không muốn cho công chúng giám sát.”

Ông dẫn ra một ví dụ gần đây, trong vụ mua công ty AVG của tập đoàn viễn thông nhà nước, chính Thanh tra chính phủ Việt Nam cũng nói rằng những hợp đồng của vụ mua bán này đã được đóng dấu mật một cách tùy tiện.

Qui cả trách nhiệm (lộ bí mật) cho cả công dân và nhà báo là không đúng.

-Nhà báo Mai Phan Lợi.

Nhà báo Mai Phan Lợi còn đưa ra một sự khác biệt rất lớn nữa giữa LBMNN của Việt Nam và các quốc gia khác, đó là ai phải chịu trách nhiệm về việc tiết lộ bí mật thông tin:

Qui cả trách nhiệm (lộ bí mật) cho cả công dân và nhà báo là không đúng, vì nhà báo chỉ đi săn tin, họ đâu có năng lực để biết cái nào là bí mật nhà nước.”

Ông Mai Phan Lợi đưa ra dẫn chứng vụ án PMU18 năm 2008. Trong vụ án này, một công ty quản lý vốn xây dựng cơ sở hạ tầng là PMU18 đã sử dụng vốn sai mục đích. Trong vụ án này một viên tướng công an là ông Phạm Xuân Quắc được giao điều tra. Ông Quắc đã tiết lộ thông tin cho hai nhà báo là ông Nguyễn Văn Hải, Báo Tuổi Trẻ, và ông Nguyễn Việt Chiến, Báo Thanh Niên. Ông Mai Phan Lợi nói rằng lẽ ra chỉ có ông Phạm Xuân Quắc mới bị truy tố, nhưng cả hai nhà báo cũng bị rơi vào vòng lao lý.

Trong dự thảo về LBMNN, vẫn còn qui định tại điều số 4 rằng trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước thuộc về cơ quan, tổ chức, và cá nhân, và việc qui định thông tin mật hay không mật vẫn được người đứng đầu cơ quan hay tổ chức có thẩm quyền qui định. Ông Mai Phan Lợi cho rằng đáng ra những người có thẩm quyền này phải là những nhân vật từ cấp bộ trưởng trở lên mà thôi.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/state-secret-law-12122018133447.html

 

Thu hồi tài sản tham nhũng

trong những vụ án kinh tế còn thấp

Công quĩ thất thoát trong những vụ án kinh tế tham nhũng tại Việt Nam còn thấp cần phải được thu hồi cao và kịp thời. Trong thời gian qua dù có giám sát nhưng mức độ hiệu quả trong lĩnh vực này chưa đạt yêu cầu.

Đây là thừa nhận của ông Phan Đình Trạc, Bí Thư Trung Ương Đảng, Trưởng Ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng ban Thường Trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.

Thừa nhận của ông Phan Đình Trạc được đưa ra tại cuộc làm việc với Ngân Hàng Nhà nước Việt Nam về công tác thu hồi tài sản bị mất mát , thất thoát trong những vụ án kinh tế tham nhũng.

Đơn cử trường hợp ông Đinh La Thăng người bị tuyên 13 năm tù và phải nộp 30 tỷ đồng khắc phục; thế nhưng ông này cho biết chỉ có một căn hộ chung cư nếu bán cũng chỉ khắc phục được một phẩn nhỏ.

Trong khi đó Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng có thông tin về công tác thu hồi tài sản tham nhũng; cụ thể chỉ có 20 Sở báo cáo và chỉ thu hồi được hơn 30% tài sản tham nhũng liên quan lĩnh vực đất đai.

Truyền thông trong nước cho biết như vừa nêu tại buổi hội nghị của Đoàn công tác Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng với Bộ Tài nguyên và Môi trường, diễn ra hôm 13/12 tại Hà Nội.

Theo báo cáo, công tác quản lý của nhà nước về lĩnh vực tài nguyên và môi trường có nhiều lĩnh vực nhạy cảm, phức tạp và được dư luận quan tâm, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến đất đai. Trong khi đó, hệ thống chính sách và pháp luật Việt Nam chưa theo kịp với thực tiễn, diễn biến ngày càng phức tạp, khó khăn trong việc quản lý. Các chế tài chưa đủ sức để ngăn chặn đối với các vi phạm.

Ngoài ra, Bộ này còn cho biết cơ chế phối hợp giữa các Bộ, ngành liên quan và giữa trung ương với địa phương còn nhiều chồng chéo, chưa đạt hiệu quả, phân định trách nhiệm chưa rõ ràng và còn nhiều nội dung có “khoảng trống” pháp luật.

Do đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các Luật có liên quan đến phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng để phù hợp với Hiến pháp 2013 và tình hình thực tế, bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn và việc công khai, minh bạch tài sản, thu nhập.

Bộ Tài nguyên và Môi trường còn cho biết kết quả thu hồi tài sản tham nhũng dựa theo báo cáo của 20 Sở có các vụ liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai cho thấy, tổng số tiền thi hành theo quyết định của bản án là 332 tỷ đồng, số tiền đã thi hành các bản án là hơn 100 tỷ đồng, chỉ đạt hơn 30% nên còn rất thấp. Tổng số diện tích đất đã thu hồi gần 700 nghìn m2.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/lost-from-economic-court-cases-12132018075058.html

 

Vũ Nhôm cáo buộc

cơ quan chức năng vi phạm tố tụng

Ông Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ Nhôm và các công tố viên của Viện kiểm sát tranh cãi nhau tại tòa vào sáng ngày 13 tháng 12 trong phiên xử vụ án thất thoát hơn 3600 tỷ đồng tại Ngân hàng Đông Á.

Ông Vũ cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm nghiêm trọng việc tố tụng, ông nói ông nhiều lần yêu cầu được đối chất với ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á, cũng là bị can trong vụ án, nhưng bị từ chối.

Ông Vũ còn nói ông bị đưa ra khỏi trại giam một cách trái pháp luật, và số tiền 200 tỉ đồng lấy từ Ngân hàng Đông Á là ông mượn ông Bình và là một quan hệ dân sự.

Viện Kiểm sát thì nói họ làm đúng pháp luật, nói ông Vũ đã vu khống cơ quan điều tra, số tiền 200 tỉ đồng không phải là quan hệ dân sự mà là sai phạm vì ông Bình đã làm một chứng từ khống về việc thu số tiền đó.

Luật sư của ông Vũ là ông Nguyễn Hữu Thế Trạch nói lời buộc tội vu cáo của Viện kiểm sát là chưa thực sự làm rõ sự thật khách quan. Ông Trạch còn đặt câu hỏi là tại sao những buổi đối chất lại không có băng ghi hình và âm thanh.

Luật sư Trạch cho rằng cơ quan điều tra đã vi phạm luật tố tụng hình sự.

Ông Phan Văn Anh Vũ vốn là Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Bắc Nam 79, và cũng mang quân hàm thượng tá công an Việt Nam. Ông bị bắt tại Singapore và dẫn về Việt Nam hồi đầu năm nay.

Ông bị cáo buộc đã lợi dụng chức vụ mua bán đất đai nhà cửa công sản rồi bán lại kiếm lời.

Vào tháng 7, Phan Văn Anh Vũ bị kết án 9 năm tù với cáo buộc tội làm lộ bí mật nhà nước. Sau đó tại phiên phúc thẩm vào cuối tháng 10, tòa giảm 1 năm cho Vũ Nhôm về tội danh này.

Tình trạng vi phạm thủ tục tố tụng trong những vụ án chính trị thường được những người trong cuộc và luật sư bào chữa nêu ra; tuy nhiên đối với những vụ án kinh tế lớn như vụ Ngân Hàng Đông Á hiện đang diễn ra thường ít được nói đến.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vu-aluminum-and-prosecutors-accuses-judicial-violations-12132018074559.html

 

Công an Thanh Hóa bị nghi ngờ bảo kê tín dụng đen

Hoạt động tín dụng đen tại tỉnh Thanh Hóa có thể được công an bảo kê.

Một số đại biểu Hội đồng Nhân Dân tỉnh Thanh Hóa bảy tỏ quan ngại vừa nêu trong cuộc họp diễn ra vào ngày 13 tháng 12.

Chất vấn về tình trạng tín dụng đen bị cho là phức tạp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được các đại biểu Hội Đồng Nhân Dân nêu ra với ông Thiếu Tướng Nguyển Hải Trung, Giám Đốc Công An Tỉnh Thanh Hóa Tại kỳ họp thứ 7 hôm ngày 13 tháng 12.

Truyền thông trong nước loan tin vừa nói cùng ngày.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa nhìn nhận cơ quan chức năng chưa thực sự quyết liệt trong việc ngăn chặn, kiềm chế hoạt động tín dụng “đen”. Ông khẳng định hoạt động tín dụng “đen” trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang diễn ra với mức độ cao hơn, tinh vi hơn và đã có nhiều gia đình rơi vào tình cảnh tan cửa, nát nhà do vay nợ với lãi suất cao của các công ty dịch vụ tài chính, cơ sở cầm đồ…

Trong buổi chất vấn, các đại biểu có ý kiến về nghi vấn có hay không việc cán bộ, công an bảo kê cho hoạt động tín dụng “đen”.

Trả lời các đại biểu, ông Nguyễn Hải Trung khẳng định, hiện chưa phát hiện công an “tiếp tay” cho các tổ chức tín dụng đen hoạt động, nếu có Công an Thanh Hóa sẽ sử lý nghiêm trước pháp luật.

Cũng tại buổi chất vấn, Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết, hiện tỉnh này có 132 công ty dịch vụ tài chính với 142 cơ sở và 786 cơ sở cầm đồ. Đặc biệt tại huyện Hậu Lộc đã có công ty cổ phần dịch vụ đòi nợ thuê Hưng Thịnh Phát hoạt động với khẩu hiệu “Đã nợ là phải đòi – Đã đòi là phải trả.”

Theo ông Trịnh Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá, đây là vấn đề có sự quan tâm lớn của nhân dân và cử tri trong tỉnh nên cần được chất vấn. Tuy nhiên, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra khá lạnh nhạt so sức nóng của vấn đề, nhiều thời điểm hội trường rơi vào im lặng. Chỉ có 7 trên 94 đại biểu đăng ký chất vấn.

Vấn đề được các đại biểu tập trung chất vấn là trách nhiệm của ngành công an trong tỉnh như thế nào trong vấn đề này?

Tuy nhiên Thiếu tướng Nguyễn Hải Trung chỉ trả lời rõ một số vấn đề. Nhiều câu hỏi khác, Giám đốc Công an tỉnh đã chưa trả lời rõ, trực tiếp.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/illegal-shark-loan-network-in-thanh-hoa-12132018065514.html

 

Sân golf Tân Sơn Nhất bị đề nghị xóa bỏ

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM vừa đề nghị xóa bỏ sân golf Tân Sơn Nhất trong báo cáo về tình hình triển khai thực hiện quy hoạch sân golf trên địa bàn thành phố trình Ủy Ban Nhân Dân Thành phố.

Báo trong nước loan tin trên hôm 10/12, cho biết theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh bổ sung danh mục sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020, TP.HCM đã định hướng quy hoạch 5 dự án sân golf tại Củ Chi, sân bay Tân Sơn Nhất, Lâm Viên (Q9), An Phú (Q2) và Bình Chánh.

Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM báo cáo cho biết trong số 5 sân golf nói trên, hai sân golf đã bị quy hoạch và điều chỉnh chức năng là sân tại An Phú (Q2) và sân tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo truyền thông trong nước, Bộ Giao thông Vận tải vào tháng 8 năm nay đã có quyết định phê duyệt xóa bỏ sân golf trong khu vực đất phía Bắc sân bay Tân Sơn Nhất và dự kiến thay thế bằng khu vực nhà ga, khu hangar, hồ điều tiết và cây xanh.

Trước đó vào năm 2010, khu sân golf Tân Sơn Nhất được quy hoạch với diện tích gần 160 hecta bao gồm sân golf thể thao kết hợp dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm hội nghị, khách sạn, nhà ở cho thuê.

Nhiều ý kiến sau đó tranh cãi cho rằng việc xây dựng sân golf trong khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là bất hợp lý trước tình hình quá tải của sân bay, và chỉ trích chính quyền dùng đất quân đội để làm kinh tế.

Trước sức ép của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 6/2017 đã phải chỉ đạo dừng tất cả công trình tại sân golf Tân Sơn Nhất để nghiên cứu mở rộng đường bay cho sân bay này.

Vào ngày 16/4/2018, Chính phủ Việt Nam thông báo kết luận phương pháp mở rộng sân bay. Theo kết luận này, ngoài một nhà ga được xây mới ở khu phía Nam, khu phía sân golf ở phía Bắc sẽ trở thành khu nhà ga dành cho hàng hóa, khu vực bãi đậu và bảo dưỡng máy bay.

Sân golf này được Bộ Quốc phòng giao cho công LOBICO thuộc tập đoàn Him Lam làm chủ đầu tư từ năm 2007. Sân golf này cũng là chủ đề tranh cãi trong thời gian dài. Công luận cho rằng Bộ Quốc phòng nên trả lại đất cho sân bay để mở rộng sân bay.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tan-son-nhat-golf-course-is-expected-to-be-removed-12122018125057.html

 

Việt Nam ngừng mua tên lửa Israel?

Hãng tin TASS của Nga hôm 13/12 dẫn một nguồn tin trong Bộ Quốc phòng Việt Nam đưa tin rằng Hà Nội nhiều khả năng sẽ không mua thêm hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn SPYDER của Israel vì những lỗ hổng kỹ thuật trong thiết bị này.

Nguồn tin của TASS được trích lời nói rằng lý do dẫn tới quyết định trên là hệ thống tên lửa này “hoạt động tồi trong điều kiện khí hậu nhiệt đới và thường hỏng hóc”.

Ngoài ra, hãng tin Nga dẫn nguồn tin của mình nói rằng tên lửa SPYDER không tương thích với hệ thống tên lửa đất đối không mua của Nga trước đây, và điều đó “giảm bớt hiệu quả của hệ thống phòng không chung của Việt Nam”.

XEM THÊM:

VN bắn tên lửa, diễn tập trên biển: Tín hiệu cho TQ?

“Hệ thống của Israel đã được bắn thử nghiệm ở Việt Nam kể từ đầu năm nay và phần lớn thất bại”, nguồn tin của TASS nói.

Trong khi đó, trang tin Zing News dẫn lại báo Quân đội Nhân dân nói rằng Việt Nam lần đầu bắn thử hệ thống phòng không SPYDER vào đầu tháng Chín năm ngoái.

Hãng tin này cho biết chưa nhận được phản ứng của cả Bộ Quốc phòng Việt Nam lẫn Israel.

TASS đưa tin rằng hợp đồng mua bán tên lửa đất đối không SYPER được ký năm 2015 với một khoản tiền không được tiết lộ.

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-ng%E1%BB%ABng-mua-t%C3%AAn-l%E1%BB%ADa-israel-/4698981.html