Paris Trong Khói Lửa

Cac Bai Khac

No sub-categories

Paris Trong Khói Lửa

Ảnh chụp từ trên không xuống những người biểu tình mặc áo vest vàng (gilets jaunes). Ảnh: Reuters

Kể từ ngày 17 tháng 11 đến hôm nay ngày 11 tháng 12, 2018, nước Pháp đã có nhiều cuộc biểu tình vào những ngày cuối tuần trong bốn tuần lễ liên tiếp để chống lại việc tăng thuế nhiên liệu, chi phí sinh hoạt cao và các vấn đề khác.

Theo con số ghi nhận của BBC thì:

  1.  Ngày 17 tháng 11: 282,000 người biểu tình – 01 người chết, 409 người bị thương – 73 người bị giam giữ.
  2.  Ngày 24 tháng 11: 166,000 người biểu tình – 84 người bị thương – 307 bị giam giữ
  3.  Ngày 01 tháng 12: 136,000 người biểu tình – 263 người bị thương – 630 bị giam giữ
  4.  Ngày 08 tháng 12: 125,000 người biểu tình – 118 người bị thương – 1,220 bị giam giữ

Bộ trưởng Bộ Tài Chánh Pháp Bruno Le Maire gọi tình trạng này là “một cuộc khủng hoảng” cho cả xã hội và dân chủ. “Đó là một thảm họa cho kinh doanh, đó là một thảm họa cho nền kinh tế của chúng ta,” ông nói trong chuyến thăm các cửa hàng ở Paris đã bị hư hại trong các cuộc biểu tình.

Thủ đô Paris đặc biệt bị ảnh hưởng nặng nề, các cửa sổ bị đập nát, xe hơi bị đốt cháy và các cửa hàng bị đập phá hôi của, khi có 10,000 người tham gia biểu tình.

Theo đó chính phủ của Tổng Thống Emmanuel Macron bị tố cáo là kiêu ngạo và xa rời với thực trạng của người dân.

Sáng thứ Hai, ngày 10/12/18, ông Macron sẽ họp với các lãnh đạo nghiệp đoàn và các tổ chức của các công ty hãng xưởng và các giới chức dân cử địa phương để cố gắng tạo ra một đáp ứng thích hợp nhằm giải quyết các vấn đề mà phong trào “áo vét vàng” (gilets jaunes) đã đưa ra và tạo ra bão tố cho cả nước Pháp khác hẳn với các cách liên lạc truyền thống giữa các nghiệp đoàn công nhân và chính trị với chính  phủ Pháp.

Và tối thứ Hai, ngày 10/12/18, Tổng Thống Macron sẽ có buổi nói chuyện trên đài truyền hình với quốc dân Pháp sau bốn tuần có những cuộc biểu tình chống chính phủ trên toàn quốc.

Lần cuối cùng ông phát biểu trên truyền hình là vào ngày 27 tháng 11 và đã nói rằng ông sẽ không bị buộc phải thay đổi chính sách bởi những tên côn đồ (thugs).

Bộ trưởng Bộ Lao Động Muriel Penicaud cho biết trên đài truyền hình LCI là Tổng Thống Macron sẽ công bố các biện pháp “cụ thể và tức thời”, nhưng sẽ không bao gồm việc tăng mức lương tối thiểu. Bà nói, “Tăng mức lương tối thiểu sẽ tiêu diệt việc làm. Nhiều nơi kinh doanh nhỏ không thể đáp ứng việc tăng lương và điều này có nguy cơ làm họ bị phá sản.”

Phát ngôn viên của chính phủ, ông Benjamin Griveaux cũng đưa ra những nhắc nhở là không nên có những kỳ vọng không thực tế.  Ông nói, “Không phải tất cả mọi vấn đề của người biểu tình mặc áo vest vàng sẽ được giải quyết bằng cách vẫy một cây đũa thần.”

Phong trào áo vest vàng (gilets jaunes/yellow vest) là gì?

Phong trào bắt đầu khi có một cuộc biểu tình chống lại sự gia tăng thuế lên nhiên liệu diesel, mà giới lái xe motor của Pháp rất hay dùng và từ lâu đã bị đánh thuế nặng hơn các loại nhiên liệu khác.

Giá dầu diesel đã tăng khoảng 23% trong 12 tháng qua – và quyết định của ông Macron về việc tăng thuế 6.5 cent đối với dầu diesel và 2.9 cent đối với xăng dầu áp dụng từ ngày 1 tháng Một, 2019 đã làm từ những người biểu tình nổi giận.

Ông Macron đã đổ lỗi cho giá dầu thế giới đã nằm trong 3/4 mức tăng giá, nhưng cho biết việc đánh thuế cao hơn đối với loại nhiên liệu hóa thạch (fossil fuels) là đều cần thiết để tài trợ cho các khoản đầu tư năng lượng tái tạo (renewable energy).

Các cuộc biểu tình rồi được gọi tên là phong trào “vest vàng” (yellow vest hay gilets jaunes) vì những người biểu tình khi xuống đường đã mặc áo khoác màu vàng mà luật của nước Pháp bắt buộc phải mang theo trong mọi chiếc xe để khoác lên người khi trong trường hợp khẩn cấp.

Biểu tình gần Arc de Triomph (Khải Hoàn Môn) – Ảnh AP

Tại Paris, là địa điểm bị thiệt hại nặng nhất.  Cảnh sát đã ngăn chặn được bạo động và tàn phá tập trung chung quanh Điện Champs Élysées.  Nhưng, đổi lại, khi các nhóm biểu tình bị giải tán tại khu vực đó, họ lại lan ra khắp thủ đô Paris gây ra sự hỗn loạn và thiệt hại rộng lớn hơn.

Phần lớn sự tàn phá là do các băng đảng phá hoại (casseurs), thành phần du kích trên đường phố chuyên hôi của và cướp bóc. Trong số những người biểu tình có người mặc áo vest vàng, có người biểu tình mặc áo đen và những người trẻ tuổi đeo mặt nạ, những người mà chính quyền đã có ý cho rằng họ thuộc về các nhóm cực hữu, cực tả, hay thuộc thành phần vô chính phủ.

Bạo động cũng bộc phát tại các cuộc biểu tình mặc áo vest vàng ở các thành phố Marseille, Bordeaux, Lyon, Nantes, Dijon và Toulouse trong cuộc biểu tình cuối tuần thứ tư trên toàn quốc.

Phong trào chống đối này, nhanh chóng lan truyền trên Facebook và các mạng xã hội, bây giờ có vẻ như gồm có cả những thành phần áo vest vàng “thật” (“real” gilets jaunes), thành phần phá hoại (casseurs), cũng như các phần tử chính trị cực đoan. Việc chính quyền muốn đàm phán với các nhóm áo vest vàng này cũng bị trở ngại vì phong trào không có tổ chức hoặc lãnh đạo chính thức.

Bộ Nội Vụ cho biết đã có 136,000 người đã tham gia vào cuộc biểu tình mà các thành phần mặc áo vest vàng đã tự gắn nhãn hiệu cho là Hồi IV (Act IV) trong chiến dịch hành động của họ. Con số tham dự lần này cũng tương tự như trong tuần trước.

Cảnh sát đã bắt giữ 1,723 người, trong đó 1,220 người vẫn bị giam giữ qua đêm, 900 người trong số họ ở Paris. Con số này gấp hơn bốn lần so với tuần trước. Các viên chức cho biết 264 người bị thương, trong đó có 39 cảnh sát và nhiều nhà báo.

Tại Bordeaux, đã có 44 vụ bắt giữ sau khi có các cuộc đụng độ bạo động giữa cảnh sát và người biểu tình, trong đó 26 người bị thương, trong đó có một người đàn ông bị mất tay sau khi thông báo nhặt một quả lựu đạn đàn áp đám đông (crowd control grenade) để ném lại.

Tại Toulouse, nơi những người biểu tình đốt lửa rào chắn và ném đạn vào cảnh sát, chính quyền đã đổ lỗi cho hàng trăm người casseurs Hồi giáo vì bạo lực.

Mục Đích Của Phong Trào Phản Đối

Chính phủ Pháp đã đồng ý loại bỏ việc tăng thuế nhiên liệu và đã ngưng không tăng giá điện và khí đốt cho năm 2019 vào tuần trước.

Nhưng phong trào phản kháng đã biến thái thành một cuộc biểu tình rộng lớn hơn để đưa ra các vấn đề khác như:

  • Chống lại các thứ thuế cao,
  • Chống giá sinh hoạt tăng,
  • Kêu gọi mức lương cao hơn, thuế thấp hơn, lương hưu tốt hơn và
  • Yêu cầu các điều kiện dễ dàng hơn để vào đại học.

Mục đích chính của phong trào này là để nói lên sự thất vọng về kinh tế và mất lòng tin chính trị của các gia đình lao động nghèo đối với chính quyền.  Theo đó, các nhà lãnh đạo của Pháp bị chỉ trích là thành phần tháp ngà (elitist), kiêu ngạo và  xa rời với thực trạng của người dân.

Chính vì những mục đích chính đáng đó phong trào vẫn còn nhận được sự hỗ trợ rộng rãi dù là đã có những bạo động và phá hoại gây ảnh hưởng xấu đến phong trào.

Có cuộc thăm dò ý kiến đã cho thấy sự giảm sút trong việc hỗ trợ cho các cuộc biểu tình, nhưng sự ủng hộ phong trào vẫn đứng ở mức 66%.

Trong khi đó, sự ủng hộ Tổng Thống Macron đã giảm xuống 23% trong cuộc khủng hoảng, theo các cuộc thăm dò ý kiến.

Thiệt hại kinh tế

Vẫn còn quá sớm để có thể ước tính được đúng sự tổn thất nhưng chắc chắn là nghiêm trọng.

Xe bị đốt trong cuộc biểu tình tại Paris. Ảnh BBC

Báo Le Parisien cho biết tại thủ đô khoảng 50 xe hơi đã bị đốt cháy và hàng chục cửa hàng thương mại bị phá hoại, trong đó có một số bị đập phá hôi của. Chính quyền trong thành phố nói rằng bạo loạn đã gây ra thiệt hại hàng nhiều triệu đô la.

Hôm thứ Sáu, liên đoàn bán lẻ của Pháp nói với hãng tin Reuters rằng các nhà bán lẻ đã mất khoảng 1 tỷ euro (1.1 tỷ đô la) kể từ khi cuộc biểu tình lần đầu tiên bắt đầu vào ngày 17 tháng 11; ông La Maire cho biết trước khi có cuộc biểu tỉnh ngày 8/12/2018.

Và Francois Asselin, người đứng đầu liên minh các thương nghiệp loại trung và nhỏ, nói với tờ báo Journal du Dimanche rằng, nhìn chung, các cuộc biểu tình có thể khiến các thành viên của ông phải hao tổn đến 10 tỷ euro (~11.366 tỷ đô la).

Phát ngôn viên chính phủ, ông Benjamin Griveaux nói với đài phát thanh Europe 1, “Rõ ràng là chúng tôi đã đánh giá thấp nhu cầu của người dân muốn tiếng nói của họ phải được lắng nghe.”

Tình trạng bất ổn dân sự tại Pháp sau những ngày biểu tình được châm ngòi bởi phong trào áo vest vàng để chống lại giá cả sinh hoạt ngày càng tăng, đã khiến nước Pháp đang phải tính toán lại các tổn phí to lớn cho những gì mà các vị bộ trưởng của họ mô tả là thảm họa kinh tế và xã hội.

Hôm thứ Hai, ngân hàng trung ương của Pháp đã giảm một nửa dự báo tăng trưởng tam cá nguyệt thứ IV xuống từ 0.4% để chỉ còn là 0.2% , thấp hơn mức tăng trưởng 0.8% cần thiết để đáp ứng mục tiêu cả năm của chính phủ là 1.7%.

Ông Tổng Thống Emmanuel Macron và Dân Pháp

Tổng Thống Macron là người mà trong quá khứ đã từng chế nhạo các người biểu tình của các nghiệp đoàn là kẻ “lười biếng”, và “yếm thế” (cynical), và đã chỉ trích những người tiền nhiệm của ông trong Điện Elysée là đã quá dễ dàng hàng phục trước những đòi hỏi của những thành phần chỉ trích.

Ông Macron đã từng bảo đảm rằng chính quyền của ông sẽ giữ theo đúng chương trình cải cách đã đề ra có chiều hướng thân thiện với giới kinh doanh (business-friendly reform agenda) ngay cả khi không được ưa chuộng.

Từng là cựu nhân viên ngân hàng đầu tư và bộ trưởng kinh tế, ông Macron đã thẳng thừng nói vào mùa thu năm ngoái là “nền dân chủ không phải ở trên đường phố (democracy is not in the street).”

Người biểu tình trong “áo vest vàng” trên Đại lộ Champs-Elysees với Khải Hoàn Môn, Paris, ngày 8/12/2018- VOA

Tuy nhiên, sau ba tuần biểu tình dữ dội, với ba người chết, hơn 800 người bị thương và hơn 1,600 vụ bắt giữ, và bạo loạn ở một số khu dân cư giàu có nhất ở Paris, thì sau cùng, chính quyền của ông Macron đã công nhận đòi hỏi chính yếu của cái-gọi-là phong trào áo vest vàng (gilets jaunes). Đó là lý dó khiến chính phủ Pháp đi đến quyết định hủy bỏ việc tăng thuế nhiên liệu vào đầu năm tới.

Tuy nhiên, nếu hy vọng là các cuộc biểu tình sẽ biến mất sau khi đã hủy bỏ thuế nhiên liệu, thì nhiều người trong chính quyền Pháp có thể sẽ thất vọng. Vì những biện pháp mà chính phủ Pháp đưa ra không giải quyết được toàn bộ những vấn đề vẫn nằm sâu ở trung tâm của cuộc nổi dậy.

Nói một cách khác, sự phản kháng này không bao giờ chỉ hoàn toàn là nhằm vào thuế nhiên liệu.

Bên ngoài các thành phố lớn, hầu hết người Pháp lái xe hơi. Đây là sinh hoạt đã tiêu thụ một phần lớn thu nhập của họ – nói một cách tổng quát, còn nhiều hơn rất nhiều so với giới lái xe tại Hoa Kỳ, nơi tổng số lương cao hơn và chính phủ tiểu bang đánh một mức thuế rất thấp lên xăng dầu.

Theo cơ quan thống kê nhà nước, người Pháp có thu nhập trung bình hàng tháng là 1,700 euro, hoặc khoảng 1,900 đô la. Trong khi đó, nhiên liệu diesel, mà hầu hết các giới lái xe sử dụng, thì giá hơn 1.50 euro/ lít tương đương với 6.74 USD/gallon. Rồi còn tăng lên khoảng 25% trong năm ngoái.

[Chú thích của HT: Theo https://gasprices.aaa.com/, tính đến ngày 10/12/2018, thì giá trung bình của xăng (regular) trên toàn nước Mỹ là 2.420 USD/gallon (California: 3.453 USD/gallon) và diesel là 3.116 USD/gallon.]

Từ mùa hè năm nay, dân Pháp đã cảm thấy bất ổn với giá nhiên liệu bắt đầu gia tăng. Đến tháng 9, mức độ ngột ngạt đã lên đến một mức cao khi chính phủ tuyên bố sẽ tăng thêm 10% thuế vào tháng 1 năm 2019. Đến cuối tháng 10, đã có một kiến nghị với 500,000 chữ ký yêu cầu giảm giá nhiên liệu.

Sau khi gặp được kiến nghị đó trong tháng, tài xế xe tải Erice Drouet đã tạo ra một trang Facebook bâng quơ kêu gọi “một phong trào quốc gia chống lại việc tăng thuế” (national movement against tax increases) vào ngày 17 tháng 11.

Không ai biết rõ chuyện gì đã xảy ra. Nhưng cuối cùng, đã có hơn 282,000 người đáp ứng lại lời kêu gọi của Drouet.

Nhiều người trong số đó đã đứng ra ngăn chận các khúc đường giao thông ở các vùng của đất nước chưa bao giờ được biết đến trong các cuộc biểu tình, từ các ngôi làng dân cư thưa thớt ở Brittany đến vùng ngoại ô của tầng lớp lao động ở bờ biển Địa Trung Hải.

Sau đó, số lượng người biểu tình đã thực sự giảm. Con số giảm xuống chỉ còn 106,000 trên toàn quốc trong “Hồi II (Act II)” vào ngày 24/11 và 75,000 người cho “Hồi III” (Act III) vào thứ Bẩy kế tiếp.

Theo tiêu chuẩn biểu tình của Pháp, thì những con số này vẫn còn là khiêm tốn. Khi các nghiệp đoàn đạt đến con số tối thiểu là 160,000 người có mặt trong “ngày hành động” (day of action) để bảo vệ “mô hình xã hội Pháp” vào một ngày đi làm trong tháng 10, thì hầu như cả hai giới báo chí và chính phủ đều không chớp mắt.

Tuy nhiên, những người mặc áo vest vàng đã khéo léo chiếm giữ được sự quan tâm trên sân khấu chính trị quốc gia, họ đã đưa được cảm giác sợ hãi đến ngay tận nơi các giới chính trị, một điều mà chưa bao giờ nhìn thấy được kể từ những ngày chống đối Tổng Thống Pháp Nicolas Sarkozy (2007-2012) và các cuộc biểu tình không thành công vào năm 2010 chống lại sự gia tăng tuổi về hưu.

Biểu tình tại tháp Eiffel – Chủ Nhật ngày 08/12/18. Ảnh AP

Nhiều người sợ hãi vì bạo động được thể hiện qua những hình ảnh luân lưu khắp thế giới của những chiếc xe bị đốt cháy ở trung tâm Paris và những vẽ bậy chống chính phủ đã làm ô uế Arc deTriomphe.

Tuy nhiên, một yếu tố còn đáng lo sợ hơn nữa là về việc phong trào này phát nguồn không do bởi một chủ trương có hoạch định nào cả, mà chỉ bắt nguồn từ một cuộc bàn cãi loạn xạ trên các phương tiện truyền thông xã hội và đã diễn ra mà không có được sự hỗ trợ của các đảng chính trị hoặc các nghiệp đoàn.

Trong khi Marine Le Pen của phe cực hữu và  Jean-Luc Mélenchoncủa phe tả đều lên tiếng ủng hộ phong trào gilets jaunes (áo vest vàng) và hiển nhiên là họ hy vọng sẽ tận dụng được thành quả của sự thành công của phong trào này.  Nhưng thực ra các các đảng nói trên chỉ đóng một vai trò tối thiểu trong việc thành lập kế hoạch cho hàng trăm cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Càng làm cho Điện Elysée bị kinh sợ hơn nữa là trên thực tế phong trào gilets jaunes nhận được sự ưng thuận rộng rãi của công chúng.  Tính theo các cuộc thăm dò ý kiến, thì không một đảng phái đứng hàng đầu nào của nước Pháp lại đạt được sự ủng hộ của đa số quần chúng với tỷ số gần được như phong trào áo vest vàng – gilets jaunes.

Ngay sau cuộc bạo loạn tại Paris, thì qua các thăm dò cho thấy, trong khi hầu hết không đồng ý với việc sử dụng bạo lực, thì 7 trong số 10 người vẫn ủng hộ phong trào áo vest vàng.

Theo một nghiên cứu riêng biệt được công bố vào ngày 28 tháng 11, có khoảng bốn phần năm (80%) số người được phỏng vấn thuộc thành phần lao động, vốn là những người được định nghĩa là công nhân lao động (blue-collar) và trong ngành dịch vụ (service) đã bày tỏ sự thông cảm hoặc ủng hộ phong trào. Chỉ có 56 phần trăm các nhà quản lý và các thành phần làm trong văn phòng (white-collar) cảm thấy giống như vậy.

Nếu phong trào áo vest vàng tại Pháp đã giành được sự ủng hộ rộng rãi như vậy cho đến nay, là bởi vì chính nó đã đụng đến một cảm giác bất công xã hội sâu xa hơn.

Trong khi mối lo ngại đó được chia sẻ trên toàn quốc ở các mức độ khác nhau, các cuộc biểu tình đã nổi lên phần lớn ở nông thôn và những gì được gọi là le périurbain: các vùng bên ngoài dân cư thưa thớt của vùng ngoại ô và khu vực đô thị. Đây là những phần của nước Pháp bị thất nghiệp cao và phụ thuộc nhiều vào đầu tư của chính phủ để cộng đồng của họ vẫn còn sinh hoạt được, từ trợ cấp thất nghiệp cho đến hệ thống đường sắt công cộng liên kết họ với các thành phố lớn hơn.

Kỳ vọng đặt vào chính quyền càng cao thì càng có những sự xoi mói kỹ lưỡng về hành động của chính quyền. Thái độ này có thể bị diễn dịch sai lạc là sự thù địch chống đối với quan niệm can thiệp của chính quyền vào nền kinh tế (public intervention in the economy), và, không có gì ngạc nhiên khi thấy những người thuộc hữu phái từ các nước ngoài đã tưởng tượng nhiều điều không đúng về làn sóng phản đối của người dân Pháp. Nhưng sự thật vẫn là đa số những cảm tình viên với  phong trào áo vest vàng ở Pháp không phản đối vai trò của nhà nước trong nền kinh tế, mà họ chỉ đơn giản muốn chính quyền đó hành động công bằng hơn.

Trong thập niên vừa qua, họ đã chứng kiến nhiều bệnh viện bị đóng cửa, dịch vụ bưu điện bị cắt giảm và cải tổ phần chuyên chở đường sắt để đặt nền tảng cho việc tư hữu hóa và đưa đến việc làm giá vé cao hơn, như ở Vương quốc Anh. Giống như việc giá nhiên liệu đã đi lên theo vòng xoắn ốc, những chuyện này không phải là những điều làm cho giới giàu có phải mất ngủ.

Trong khi đó, kể từ khi lên nhậm chức trước đây một năm rưỡi, Tổng Tống Macron đã bắt giới lao động thắt lưng buộc bụng hơn nữa. Nhân danh việc tranh đấu chống thâm thủng ngân sách, chính quyền địa phương đã chứng kiến các khoản trợ cấp cho các công việc bán thời gian bị cắt giảm, những người có thu nhập thấp đã bị cắt giảm tiền trợ cấp nhà ở, và lương hưu của người về hưu đã bị cắt bớt.

Người giàu được đối xử theo một cách rất khác biệt: Lần đầu tiên giám sát ngân sách quốc gia với tư cách là tổng thống, Macron vội vã bãi bỏ thuế tài sản của Pháp, vốn chỉ áp dụng đối với những người có tài sản trên 1.3 triệu euro. Đây là lý do tại sao khái niệm về  justice  fiscale, hoặc “công lý thuế,” lại rất nổi bật giữa các cảm tình viên của phong trào áo vest vàng. Họ đặt câu hỏi: Tại sao những người bình thường bị buộc phải trích ra thêm vài trăm euro mỗi tháng trong khi các thành phần quá giàu lại được tưởng thưởng chỉ vì họ đã quá giàu? Tương tự như vậy, nghe ra thì có vẻ kỳ quặc, nhiều người biểu tình đang kêu gọi tổng thống từ chức. Qua cả hai chính sách của ông đã đem lại lợi nhuận không tương xứng cho giới nhà giàu và ông ta có khuynh hướng bỏ ngoài tai lời của các nhà phê bình ông, Macron đã là thí dụ điển hình cho tình trạng thoái thác trách nhiệm của nhà nước đối với người nghèo nhất.

Tổng Thống Macron và Quốc Dân Pháp

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron trình bày trước quốc dân (ngày 10/12/18).  Ảnh AFP

Tối thứ Hai ngày 10/12/18, trong buổi nói chuyện với quốc dân Pháp trên truyền hình, Tổng thống Pháp Macron tuyên bố tăng mức lương tối thiểu và các biện pháp giảm thuế sau tuần lễ thứ tư của các cuộc biểu tình càng lúc càng bạo động bởi những người biểu tình “áo vest vàng.”

Macron cho biết ông sẽ tăng mức lương tối thiểu ở Pháp thêm 100 euro mỗi tháng, tương đương khoảng 114 đô la, bắt đầu vào năm 2019.

Trong khi cho biết sẽ không khôi phục lại loại thuế đối với những người giàu, đã đem lại cho ông biệt danh “tổng thống của nhà giàu,” Macron cũng đã đưa ra một số nhượng bộ quan trọng, trong số đó loại bỏ mức tăng lương cho những người về hưu kiếm nhận được ít hơn 2.000 euro mỗi tháng.

Các khoản giảm thuế khác bao gồm không có thuế đối với tiền làm thêm giờ và khuyến khích giới chủ hãng trả tiền thưởng cuối năm và tiền này sẽ được miễn thuế.

Macron, nhậm chức vào năm ngoái, cũng cho biết ông đang tuyên bố “tình trạng kinh tế và xã hội khẩn cấp.”

Macro nói, “Tôi biết tôi đã làm tổn thương một vài bạn bằng lời nói của tôi. Tôi muốn tối nay sẽ rất rõ ràng với các bạn: Tôi đã chiến đấu để làm lay chuyển hệ thống mà chúng ta hiện đang có. Đây là bởi vì tôi muốn phục vụ đất nước chúng ta, là nơi mà tôi thương mến.”

Trong bài phát biểu dài 13 phút, ông kêu gọi quốc gia đoàn kết “vì tương lai của chúng ta”. Ông lưu ý “sự tức giận chính đáng và bạo lực không thể chấp nhận được” đã càn quét qua Pháp và ca ngợi các sĩ quan cảnh sát được điều động trên khắp đất nước.

“Cảm ơn lòng can đảm và tính chuyên nghiệp phi thường mà các bạn đã thể hiện,” Macro nói.

Huỳnh Thạnh tổng hợp
Tham Khảo: