Tin Việt Nam – 11/12/2018
Bà Thúy Nga hiện đang bị tù,
được trao giải Nhân quyền Lê Đình Lượng
Tù nhân chính trị Thúy Nga vừa được trao Giải thưởng Nhân quyền Lê Đình Lượng năm 2018 do đảng Việt Tân khởi xướng.
Bà Thúy Nga (tên thật là Trần Thị Nga), hiện đang chấp hành án tù 9 năm, 5 năm quản chế, với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Đại diện đảng Việt Tân cho hay giải thưởng này lần đầu được công bố, mang tên Lê Đình Lượng, “một người yêu nước đã có nhiều nỗ lực tranh đấu bảo vệ quyền lợi của đồng bào và chủ quyền của đất nước”.
Tòa Hà Nam y án 9 năm tù cho bà Trần Thúy Nga
Nhà hoạt động Thúy Nga ‘sắp bị truy tố Điều 88’
Người bất đồng chính kiến Công giáo bị ”ngắm”?
Ông Lê Đình Lượng hiện đang chấp hành án tù 20 năm với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ban giám khảo của Giải thưởng Lê Đình Lượng 2018 gồm có dân biểu liên bang Hoa Kỳ Alan Lowenthal, luật sư Lê Công Định và nhà giáo Phạm Minh Hoàng.
“Mục tiêu của giải thưởng nhằm đề cao sự hy sinh và việc làm của những cá nhân, tổ chức đang đấu tranh cho nhân quyền của Việt Nam, đồng thời cảnh giác và duy trì sự quan tâm của thế giới trước chính sách vi phạm nhân quyền có hệ thống của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam,” theo thông tin từ Việt Tân.
Lễ trao giải thưởng sẽ được tổ chức vào tháng 1/2019.
Trước đó, bà Thúy Nga cũng vừa được vinh danh với Giải Nhân Quyền Việt Nam 2018, cùng blogger Phạm Đoan Trang và tù nhân chính trị Hoàng Đức Bình. Giải thưởng này do Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam trao tặng.
Quá trình hoạt động của tù nhân lương tâm Thúy Nga
Đầu thập niên 2000, bà Thúy Nga là công nhân xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Sau đó, bà bị tai nạn và phải chữa trị trong suốt ba năm. Thời gian này, bà bắt đầu tìm hiểu về tình hình chính trị, xã hội của Việt Nam.
Năm 2008, bà Thúy Nga bắt đầu lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho những người xuất khẩu lao động bị bóc lột, đặc biệt là những phụ nữ bị bán ra nước ngoài.
Từ năm 2011, bà Thúy Nga đã tham gia biểu tình chống Trung Quốc, tuần hành bảo vệ cây xanh Hà Nội, lên tiếng yêu cầu chính quyền điều tra nguyên nhân thảm họa môi trường miền Trung, v.v…
Ngày 21/1/2017, bà bị công an bắt giam.
Ngày 22/12/2017, phiên tòa phúc thẩm đã tuyên án bà Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.
Bà Nga hiện có hai con nhỏ.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46516838
Công an VN truy nã 2 người
“Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”
Chiều ngày 11/12/2018, Công an tỉnh Thanh Hóa và Quảng Ngãi xác nhận qua điện thoại với Đài Á Châu Tự Do về việc đang truy nã nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng và cựu Thượng úy quân đội nhân dân Việt Nam Lê Văn Thương với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 Bộ luật hình sự năm 2015.
Hôm 10/12, nhà hoạt động Nguyễn Văn Tráng thuộc Hội Anh em dân chủ đăng tải thông báo về việc Truy nã bị can của cơ quan an ninh tỉnh Thanh Hóa ký ngày 5/12 của Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng.
Nói với Đài Á Châu Tự Do qua điện thoại vào ngày tối ngày 11/12, ông Nguyễn Văn Tráng cho biết hiện ông đã biết về lệnh truy nã này khi bỏ trốn. Ông Tráng cho biết: “Lúc này tôi không có ở địa phương. Tôi có nghe người nhà thông báo là trước đó hôm 4/12, lực lượng an ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa có đọc quyết định khởi tố tôi và hôm 10/12 những viên an ninh đó đã đến nhà đọc quyết định truy nã tôi với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ông cho biết trong ngày này, an ninh tỉnh Thanh Hóa đọc quyết định truy nã trước sự chứng kiến của người thân và chính quyền địa phương.
“Thực tế là 94 triệu người dân Việt Nam chưa từng bầu cho những kẻ “ăn không từ của dân thứ gì”, như các lãnh đạo hiện nay.
Tôi bước vào con đường đấu tranh chỉ có một ước muốn được đóng góp một phần sức trẻ vào mục tiêu công bằng xã hội. Mọi nỗ lực của tôi, kể cả tham gia vào Hội Anh Em Dân Chủ cũng không ngoài mục đích khác,” ông Tráng khẳng định trên Facebook cá nhân.
Quyết định Truy nã bị can của cơ quan an ninh điều tra, công an tỉnh Quảng Ngãi ký ngày 26/11/2018 được ông Lê Văn Thương chia sẻ gần đây trên mạng xã hội cho thấy, ông cũng bị truy nã với cùng tội danh.
Quyết định truy nã cho biết ông Thương đã bỏ trốn khỏi địa phương vào ngày 9/11 và bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Ủy ban nhân dân nơi gần nhất.
Một nữ trực ban công an tỉnh Quảng Ngãi xác nhận quyết định này là có thật, tuy nhiên khi phóng viên giới thiệu thuộc Đài Á Châu Tự Do thì người này cúp máy.
Ông Lê Văn Thương, sinh năm 1988 ở tỉnh Quảng Ngãi, là cựu Thượng úy Quân đội nhân dân Việt Nam. Chức vụ cuối cùng khi tại ngũ được ông cho hay là Phó đại đội trưởng Đại đội 1, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3 đóng quân ở Tây Nguyên.
Hồi tháng 8 năm nay ông nhiều lần bị công an phát giấy mời làm việc vì những video trực tiếp trên Facebook chia sẻ về tình hình đất nước.
Nói với Đài Á Châu Tự Do sau quyết định truy nã của Công an Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Tráng cho biết trước mắt ông sẽ vẫn tiếp tục phải trốn nhưng sẽ không bỏ cuộc. “Tôi sẽ vẫn tiếp tục đấu tranh cho đến khi quyền con người ở Việt Nam được thực thi“, ông Tráng nói.
https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/2-activists-wanted-12112018081424.html
Ít nhất 9 người chết và mất tích
do mưa lũ ở miền Trung
Đã có ít nhất 9 người chết và mất tích do lũ lụt nặng nề và lở đất do mưa lớn ở các tỉnh miền Trung từ ngày 8/12 đến nay.
Cụ thể, theo Ủy ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 1 giờ 30 ngày 11 tháng 12 năm 2018, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung đã làm 5 người chết và 4 người mất tích.
Ngoài ra, mưa lũ làm hơn 23 ngàn căn nhà ở miền Trung bị ngập nước, 1.830 hộ dân ở Quảng Nam phải di dời khẩn cấp…
Mưa lũ cũng làm hơn 7.800 ha lúa, hoa màu bị hư hại, hơn 61 ngàn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, 14 đập thủy lợi bị ảnh hưởng và hơn 10.000 m bờ biển, bờ sông bị sạt lở.
Tại tỉnh Bình Định, theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho báo chí biết vào chiều 11/12, mưa lũ kéo dài đã khiến 3 người dân ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bị nước cuốn thiệt mạng… Hiện lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể của cả 3 nạn nhân.
Cũng trong ngày 11 tháng 12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế đã yêu cầu thủy điện Hương Điền điều tiết xả lũ sớm để đối phó với mưa lớn tại tỉnh này trong những ngày tới.
Hiện mức nước trên sông Bồ nơi thủy điện Hương Điền sẽ xả lũ về là 2,25 mét, trên báo động I là 0,75 mét.
Thủy điện Hương Điền là thủy điện lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế, ảnh hưởng đến các địa phương tại Huế là huyện Quảng Điền, thị xã Hương Trà và một phần huyện Phong Điền.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2018, thiên tai tại Việt Nam đã khiến 185 người chết hoặc mất tích, làm bị thương 134 người, gây thiệt hại hơn 8,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 38 triệu USD.
Đà Nẵng: Ngập lụt do lỗi quy hoạch
Cơn mưa tầm tã mấy ngày cuối tuần làm hai thành phố Đà Nẵng và Hội An ngập trong nước. Nước tràn vào nhà vào sân với tốc độ nhanh chóng, nhiều công trình bị ngập úng và nhiều trường học phải đóng cửa.
Có thể nói đây là lần đầu tiên tình trạng nước ngập do mưa xảy ra trên diện rộng đồng thời ở Hội An và Đà Nẵng. Một cư dân Hội An, bà Thu Thủy, cho biết:
“Không phải lụt, không phải là nước từ trên nguồn xuống mà là mưa quá lớn. Mưa hai hôm rất nặng hạt, liên tục như vậy cho nên nước ngập đường cống rồi dâng lên toàn thành phố. Nước ứ đọng vô trong nhà, ngoài hiên, ngập hết nửa bánh xe. Tất cả các điểm du lịch ngay trung tâm là bị hết, trong phố cổngay bờ sông thì không bị vì nó không phải nước lụt mà là nước ngập.”
Tại Đà Nẵng, xe cô, đường xá, các trục giao thông lớn và nhà cửa cũng như các chợ trong thành phố đều bị ngập nước. Báo chí đăng hình ảnh người dân có thể bơi từ nơi này sang nơi khác như bơi trên sông, ngay các trường học trong thành phố đều đóng cửa trong ngày thứ Hai.
Lượng mưa ghi nhận trong 24 giờ hôm thứ bảy 8/12 tại Đà Nẵng đạt mức cao kỷ lục 635mm/ngày, cao nhất kể từ năm 1975 đến nay.
Ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch Hiệp Hội Du Lịch Đà Nẵng cho biết :
“Cũng tùy khu vực, nhà tôi thì nước chỉ vào tới sân thôi. Cái này không phải nước sông dâng mà do nước trong thành phố không thoát kịp. Nếu nhà nào quá thấp thì nước vào cả trong nhà, cũng làm ảnh hưởng việc đi lại, sinh hoạt của gia đình, các thiết bị điện này kia. Ở một số chung cư thì các tầng hầm bị nước ngập, xe cộ ô tô bị hỏng.”
Theo ông Huỳnh Tấn Vinh, tình trạng ngập nước hay ứ nước trong thành phố khi mưa lớn sẽ còn xảy ra nữa, mà nguyên nhân xâu xa chính là quá trình đô thị hóa:
“Bởi vì quá trình đô thị hóa quá nhanh đồng thời qui hoạch chưa được chặc chẽ lắm làm cho hệ thống thoát ước không theo kịp việc xây dựng các công trình và cơ sở hạ tầng tại những tòa nhà. Quá trình đô thị hóa nhanh mà không có qui hoạch bền vững thì các nơi gọi là khu chứa nước điều hòa, lẽ ra mưa dâng lên thì xuống những hồ đó rồi từ từ thoát đi, thì bây giờ những hồ đó bị lấp hết cho nên ngập ở những chỗ khác thôi. Có lẽ thành phố nên xem xét lại qui hoạch của mình, đồng thời nhanh chóng mở lối để nước mưa thoát nhanh ra biển hay ra sông thì cũng giải quyết được phần nào.”
Qui hoạch sai, thiếu cân nhắc, đã dẫn đến hậu quả ngập nước trên diện rộng trong thành phố mỗi khi có mưa lớn, là câu trả lời của kiến trúc sư Hồ Duy Diệm, nguyên trưởng Ban Qui Hoạch thành phố Đà Nẵng.
“Thứ nhất, qui hoạch của thành phố Đà Nẵng là một qui hoạch không tốt. Qui hoạch đó làm cho nước của thành phố bị ngập, Vì sao? Vì người ta lấp những vùng hồ ao, những vùng trũng, là những nơi để làm những hồ chứa nước, những hồ tiêu thủy tự nhiên khi mùa mưa về hay khi nước trên nguồn đổ xuống. Mà sông Hàn khi nước biển dâng lên thì có chỗ để nước mưa , nước tiêu dùng đổ xuống đó và tích tụ nằm lại đó chờ khi nước triều xuống thì nó tuôn ra và như thế là thanh phố không bị ngập.
Bây giờ những chỗ đó người ta nậng cao lên, người ta đắp lên thành những khu đô thị mới, những khu này cao hơn khu đô thị cũ, vây hết đô thị cũ, và nó làm cho nơi để tiêu nước, giữ nước cho thành phố không còn. Thành phố cũ trở thành vùng lòng chảo, nước thì bao giờ cũng chảy vào chỗ trũng cả. Cái cơ bản cái quan trọng nhất của vấn đề là chỗ đó.”
Tác nhân thứ hai, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm giải thích tiếp, là việc bê tông hóa đi đôi với qui hoạch kém:
“Trước kia thành phố Đà Nẵng nhà người ta có vườn, có cây, chung quanh có ruộng, có đồng, có nhiều nơi chứa nước. Bây giờ bê tông hóa hết, nước trên mái nhà chảy xuống ra đường ra phố cũng bị bê tông, không có chỗ nào cho nước thấm hết thì nó phải dồn lên đường, dồn mãi hoài như thế thì trở thanh ngập lụt không thoát ra được.
Đường phố là để giao thông nhưng thực ra trong qui hoạch đô thị đường còn nhiều chức năng nữa. Con đường còn là cái lòng máng, lòng cống, là cái mương để cho nước thoát ra bởi vì nước mưa ở trên xuống là chảy luôn ra sông, mà với đường phố như Đà Nẵng thì phải ra sông Hàn, ra những bờ sông những bờ hồ, chứ cống không bao giờ đủ sức tiêu những trận mưa lớn. Cống chỉ tiêu những cơn mưa nhỏ và những cơn mưa đầu thôi, còn những cơn mưa sau, nếu lớn lên thì 15 hay 20 phú, nửa tiếng đồng hồ sau thì tất cả nước sẽ chảy trên mặt đường.”
Cho đến lúc này thì nước ngập tại Đà Nẵng đã rút đi nhưng hậu quả sau đó lại nặng nề vì rác rưởi ứ đọng. Kiến trúc sư Hồ Duy Diệm giải thích:
“Dân mình có rác rưởi xà bần gì đều đổ xuống cống. Năm nay lũ 23 tháng Mười không về, do đó người ta chủ quan không nạo vét, tất cả cống rãnh trong thành phố Đà Nẵng bị bít hết. Nước không đủ sức thoát ra được. Trong mấy ngày hôm nay khi mưa xuống nó ứ nó dồn thì người ta nạo vét người ta mở mấy cái miệng cống đó ra thì nước đã chảy và đã thoát, chứng tỏcông tác quản lý đô thị cũng như quản lý người dân sống trong đô thị không kịp được trình độ của người văn minh.”
Đã thấy được nguyên nhân thì cũng sẽ thấy được cách giải quyết, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm khẳng định:
“Nhưng mình không thể nâng cái nền của đô thị lên được nữa vì họ ở cả trăm năm nay rồi. Như vậy chỉ còn cách khác là đào hồ, đào mương thoát nước, phải tìm hồ chứa để những cơn mưa, cơn lũ hay lụt có chỗ chứa trong khi nước triều lên và khi nước triều xuống có chỗ thoát ra. Phải dung hệ thống máy bơm, tất cả những biện pháp kỹ thuật đều có thể giải quyết được cả.”
Không nên lấp đi các ao, hồ, ruộng à những nơi chứa nước tự nhiên. Nói một cách khác, phải nên bảo vệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan tự nhiên, vốn đã bền vững cả trăm năm nay rồi. Nếu phá vỡ sinh thái tự nhiên, kiến trúc sư Hồ Duy Diệm nhấn mạnh, có nghĩa là phá vỡ tiến trình qui hoạch đô thị.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/danang-flood-due-to-planning-errors-12112018104522.html
Khai thác Bán đảo Sơn Trà ra sao?
Bán đảo Sơn Trà từ bao đời nay được xem là ‘tấm bình phong’ cho thành phố biển Đà Nẵng. Bên cạnh đó đây còn là cứ điểm quốc phòng quan trọng của Việt Nam. Gần đây, nơi này còn được được biết đến như điểm du lịch sinh thái lý tưởng cho nhiều người cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, gần hai năm qua khu vục này trở nên “nóng” với bao tranh cãi xoay quanh việc chính quyền thành phố Đà Nẵng cho chủ đầu tư xây dựng dự án cụm biệt thự bị cho là “băm nát” cảnh quan thiên nhiên.
“Em thấy không khí và nhiệt độ ở đây thấp hơn ở Sài Gòn tại vì em ở Sài Gòn tới, được cái là khi em lên tới đây em thấy cái cảnh rất đặc biệt. Em thích cảnh thiên nhiên và em muốn khám phá những vùng thiên nhiên giống như vậy”
Đó là trình bày của một nữ du khách khi được hỏi về cảnh quan của vùng bán đảo này của thành phố Đà Nẵng.
Tuy nhiên, gần hai năm qua bán đảo Sơn Trà bỗng “nóng” trên bàn thời sự Việt Nam với vụ việc Công ty cổ phần Biển Tiên Sa có hành vi tiến hành xây dựng 40 móng biệt thự nằm trong Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa khi chưa được chính quyền thành phố Đà Nẵng cấp phép.
Dự án bị nhiều người lên án cho rằng “băm nát” bán đảo Sơn Trà với hằng chục móng biệt thự của một tổ hợp mà mục đích chính nhằm kinh doanh các dịch vụ như nhà hàng, khách sạn… của giới được gọi là ‘nhóm lợi ích’.
Một nhóm nữ du khách có mặt tại đỉnh Bàn Cờ-Sơn Trà không muốn quay hình cho biết ý kiến về kế hoạch phá núi xây tổ hợp nhà hàng, khách sạn như thế:
“Em nghĩ là khách sạn có ở bên dưới rồi, không cần phải mở trên này nữa …em cũng không nghĩ là sẽ mở trên này vì dù sao đi xe từ phía dưới lên đây cũng tiện đâu cần phải mở thêm”.
Trước khi chạy xe lên đỉnh bán đảo Sơn Trà, nhóm nữ du khách này có thể đã đi qua những con đường từ dưới chân bán đảo Sơn Trà như Hoàng Sa, Yết Kiêu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng…đây là nhưng con đường tập trung rất nhiều khách sạn, nhà hàng, quán nhậu và chuỗi resort ven biển vừa đẹp vừa quy mô bậc nhất Đà Nẵng.
Chính vì vậy, việc xây dựng thêm những nhà hàng, khách sạn trên bán đảo Sơn Trà là không cần thiết đối với nhóm nữ du khách này, đồng thời còn phá vỡ cảnh quan thiên nhiên.
“Cảnh thiên nhiên đâu phải chỗ nào cũng có, nó nhiều cây, sông và không khí thiên nhiên trong lành. Bây giờ nếu phá đi, ở đâu cũng có nhà cao cửa rộng đúng không? Người ta đến đây vì cảnh thiên nhiên nếu phá đi để xây khách sạn thì người ta đâu đến đây làm gì?”
Tuy nhiên, cũng có du khách chia sẻ với chúng tôi rằng với số lượng ước chừng mỗi ngày có đến 1000 lượt du khách ghé đến bán đảo Sơn Trà thì chuỗi khách sạn, nhà hàng, quán nhậu và resort dưới chân bán đảo Sơn Trà như nói trên là không đủ nhu cầu đáp ứng cho du khách. Cho nên việc xây dựng và mở rộng thêm các dịch vụ này là cần thiết:
“Em thấy dịch vụ ăn uống, nhà hàng hoặc là khách sạn thì nên mở rộng thêm bởi vì em thấy nó cũng hơi ít so với lượng khách du lịch.”
Còn việc xây dựng có phá vỡ cảnh quan thiên nhiên bán đảo Sơn Trà hay là không thì du khách đến từ Sài Gòn này cho biết:
“Nếu mở thì mình sẽ mở ở bên dưới, ở một phần nào đó mình tập trung vào một khu nào đó giống như là em muốn tìm một chỗ để đi có nhiều khách du lịch để hòa nhịp đi chơi cùng với họ nhưng mà em không thấy. Em muốn mình mở một khu tập trung vào đó những dịch vụ như nhà hàng, khách sạn rồi những khu giải trí vui chơi tập trung một chỗ ở Sơn Trà này.”
Trả lời báo chí Việt Nam vào ngày 19/3/2017, Chánh Thanh tra Xây dựng Đà Nẵng ông Trần Văn Dũng nói Dự án du lịch sinh thái Biển Tiên Sa được cấp phép xây dựng vào năm 2009 sau khi đã có đánh giá tác động môi trường vào năm 2007, nhưng do quá trình xây dựng Chủ đầu tư là Công ty cổ phần Biển Tiên Sa đã có những thay đổi về kiến trúc so với ban đầu. Vì vậy, vào ngày 20/3/2017, Ủy ban nhân quận Sơn Trà ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Công ty cổ phần biển Tiên Sa.
Cũng tại thời điểm chúng tôi quay hình, có một nhóm người xuất hiện được có các hộ kinh doanh trên bán đảo Sơn Trà cho biết họ là những cán bộ sở Du lịch Đà Nẵng đi kiểm tra tình hình hoạt động ở bán đảo Sơn Trà. Theo quan sát của chúng tôi, các vị này tỏ ra rất quan tâm đến cảnh quan thiên nhiên nơi này.
“Xây khách sạn xong cảm giác như khách du lịch không muốn đến đây nữa. Chỗ nào bị du lịch hóa nhiều quá dần sau này mất hết khách du lịch …”-Đó là ý kiến chia sẻ của nhóm nữ du khách.
Sau khi thông tin và hình ảnh những móng biệt thự trên Bán đảo Sơn Trà được loan tải công khai, một chiến dịch “giải cứu Sơn Trà-lá phổi Đà Nẵng” được nhiều người dân Đà Nẵng và những người yêu mến Sơn Trà phát động. Chỉ trong thời gian ngắn chiến dịch thu hút khá nhiều chữ ký đồng tình ủng hộ.
Bên cạnh đó nhiều hoạt động kêu gọi bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà, bảo vệ vọoc chà vá chân nâu…cũng được người dân Đà Nẵng và những người yêu mến Sơn Trà phát động khiến cho lãnh đạo thành phố Đà Nẵng phải họp nhiều lần với các sở, ban, ngành liên quan để bàn ra các giải pháp sao cho hài hòa giữa lòng dân lẫn Chủ đầu tư.
Theo chia sẻ của du khách đến từ Sài Gòn thì vẫn có lối mở:
“Em thấy là mình sẽ làm theo mô hình thiên nhiên, dạng resorts nhưng mà resorts thiên nhiên nên vẫn giữ được cái vẻ đẹp thiên nhiên và cũng không phải đi xa để kiếm những nơi cần nghỉ ngơi, đẹp, những nhà hàng để ăn uống ngon, chổ vui chơi giải trí…”.
Cho đến hiện tại, vụ việc ở bán đảo Sơn Trà các cấp chính quyền ở Đà Nẵng chưa trả lời dứt khoát cho người dân được biết là “dừng” hay là “không dừng” việc xây dựng những biệt thự trên bán đảo Sơn Trà? Nhưng qua những chia sẻ các du khách đều cho thấy có điểm chung là cần bảo vệ thiên nhiên Sơn Trà, không thể phá vỡ cảnh quan thiên nhiên Sơn Trà bởi những dự án bê-tông. Giá trị của Sơn Trà là thiên nhiên, mà thiên nhiên một khi bị phá hoại thì sẽ khó lòng khôi phục nếu không muốn nói là không thể.
Bán đảo Sơn Trà nằm cách trung tâm thành phố Đà Nẵng chừng vài Km về phía Đông Bắc, với ba mặt giáp biển. Nơi đây không chỉ được thiên nhiên ưu đãi nguồn không khí trong lành bao trùm cả một vùng diện tích rộng lớn tầm khoảng 60km², khung cảnh núi non hùng vĩ và trữ tình mà còn có hệ sinh thái khép kín, đa dạng về sinh học, hiện có hơn 1.000 loài thực vật và động vật sinh sống, trong đó có không ít loài động vật quý hiếm, nguy cấp thuộc Sách Đỏ của thế giới như chồn bạc má, vọoc chà vá chân nâu…
Từ năm 1992, có hơn 4.400ha đất ở bán đảo Sơn Trà được công nhận là khu vực bảo tồn thiên nhiên. Nhưng đến cuối năm 2016, Thủ tướng Việt Nam là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định cắt đi 1.056ha đất khu bảo tồn thiên nhiên để phát triển thành Khu du lịch Quốc gia.
Có nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Bãi Rạng, Bãi Bụt, khu nghỉ ngơi Đông Dương, chùa Linh Ứng…và các bãi biển đẹp nối dài như: Sơn Trà, Phạm Văn Đồng, T20…góp phần tạo nên một bán đảo Sơn Trà ví như “hòn ngọc” mà thiên nhiên ban tặng cho thành phố Đà Nẵng.
Cùng với đèo Hải Vân, bán đảo Sơn Trà tạo một mối liên kết địa thế bao bọc thành phố Đà Nẵng, giúp thành phố này tránh được phần lớn gió bão từ biển đổ bộ vào đất liền, hoặc gió Lào, tức là hiện tượng Foehn.
Ngoài ra, bán đảo Sơn Trà còn là một cứ điểm quốc phòng quan trọng, từ đây có thể phóng tầm nhìn bao quát cả Vùng 3 Hải quân, các nơi neo đậu thuyền, tàu Cảnh sát biển. Trên đỉnh Sơn Trà có hệ thống radar của quân đội Việt Nam bao quát khu vực biển Đông, được mệnh danh là “đôi mắt thần Đông Dương”.
Cảnh sát Châu Âu
phá đường dây buôn người Việt Nam
Theo Cảnh sát Châu Âu (Europol), 37 nghi phạm trong một đường dây buôn người Việt Nam vào Châu Âu vừa bị bắt giữ trong một chiến dịch truy quét kéo dài gần 1 năm qua.
Thông cáo báo chí của Europol hôm 6/12 cho biết những kẻ buôn người đã sử dụng hệ thống tinh vi để tuồn người Việt vào Châu Âu. Những người Việt này thường được chia ra làm những nhóm từ 6 đến 12 người và do một người trong nhóm buôn người biết nói tiếng Anh đứng đầu. Những người Việt Nam này được đưa từ Việt Nam sang Nam Mỹ rồi sau đó mới đưa vào các nước Châu Âu.
Europol cho biết đường dây buôn người này đã thu khoảng 13 triệu Euro tương đương khoảng hơn 14 triệu đô la.
Chiến dịch truy quét được thực hiện trong vòng 11 tháng, tập trung chủ yếu vào cơ sở hoạt động chính của băng này ở Barcelona, Tây Ban Nha. Cảnh sát đã lục soát 10 căn nhà và hơn 100 cửa hiệu làm đẹp. Đã có 4 xe và hơn 60.000 Euro bị tịch thu.
Tiết lộ mức tăng lương
cho Chủ tịch nước, Thủ tướng Việt Nam
Với mức lương vừa được Quốc hội phê chuẩn tăng lên từ 1,25 – 1,3 triệu đồng/tháng, các chức vụ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam như Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Chủ tịch QH vào năm 2019 vẫn chưa đến 20 triệu đồng/tháng. Theo nhận xét của một nhà phân tích, mức lương này không thể giúp các quan chức có một cuộc sống “đàng hoàng” và ngăn họ khỏi tham nhũng.
Theo nghị quyết dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, mức lương cơ sở của công chức, cán bộ nhà nước trong năm tới sẽ được tăng từ 1,39 triệu đồng/tháng lên 1,49 triệu đồng/tháng.
Như vậy, với hệ số lương 13, mức lương của Chủ tịch nước sẽ tăng 1,3 triệu đồng/tháng, lên thành 19.370.000 đồng/tháng (831,55 USD/tháng). Còn mức lương của Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội đều tăng 1,25 triệu đồng, lên mức 18.625.000 đồng/tháng (799,57 USD/tháng).
Theo tìm hiểu của VOA, mức lương của chức danh còn lại trong “tứ trụ” trước kia là chức Tổng bí thư cũng theo hệ số lương 13. Như vậy, khi kiêm nhiệm hai chức danh, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ được hưởng hai đầu lương cùng một lúc.
Tuy nhiên, theo nhận xét của một nhà phân tích chính trị, thời sự Việt Nam, TS. Nguyễn Quang A, thì “dẫu ông ấy có làm 2 chức vụ, 3 chức vụ đi nữa và hưởng thêm cả 3 khoản lương thì có lẽ ông ấy làm cả đời cũng khó mà mua nổi một cái nhà, chứ đừng nói là có một cuộc sống gọi là đường hoàng”.
Đề cập về khái niệm “lương lậu” vốn rất quen thuộc trong giới công chức Việt Nam, trong đó “lương” chỉ là phụ và “lậu” mới là chính, TS. Nguyễn Quang A nói với VOA rằng cho dù có tăng lương, nhưng mức lương chưa tới 1.000 USD/tháng của những người “to nhất nước” là con số “nực cười”.
Ông nói: “Tôi nghĩ nếu Việt Nam thực sự muốn chọn được người tài, muốn chống được tham nhũng, chắc chắn hệ thống lương [theo kiểu] giả vờ trả lương, giả vờ làm việc như thế này phải thay đổi”.
Theo ông, việc thay đổi hệ thống lương cho công chức cần phải được “cải tổ triệt để”, ít nhất là bằng hoặc gần bằng với hệ thống doanh nghiệp, thì lúc đó nó mới có thể trở thành một yếu tố giúp giảm bớt tham nhũng.
“Bởi vì hiện nay nói chung công chức Việt Nam muốn vào được một chức nho nhỏ ở cấp xã, huyện thôi cũng đã phải đút lót khá nhiều tiền. Mà với đồng lương ấy thì phải bao nhiêu năm làm việc, không ăn không xài gì cả thì may ra mới thu hồi được số vốn đầu tư như thế”, TS. Nguyễn Quang A nói với VOA.
Vào tháng 5 vừa qua, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương của Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có bài viết đăng trên Dân Trí, nói rằng cải cách tiền lương là “một trong ba đề án quan trọng” được Ban chấp hành Trung ương Đảng thảo luận tại Hội nghị lần thứ 7.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục điều chỉnh tăng mức lương cơ sở theo Nghị quyết của QH từ năm 2018 đến năm 2020. Đến năm 2021, tiền lương thấp nhất của cán bộ, công chức, viên chức sẽ bằng mức lương thấp nhất bình quân của khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo thiết kế cơ cấu tiền lương mới của Nghị quyết 27 do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 21/5/2018, mức lương cơ bản sẽ chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, trong khi các khoản phụ cấp chỉ được chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương và một loạt phụ cấp sẽ bị bãi bỏ.
Hiện nay, mức lương công bố chính thức của các lãnh đạo Việt Nam đang thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, chỉ khoảng 8.000 – 8.320 USD/năm, trong khi mức lương của chức vụ Thủ tướng ở Campuchia là 30.000 USD/năm, Thái Lan là 49.725 UDS/năm và Malaysia là 61.844 USD/năm.
Cựu tổng giám đốc Vinashin Trương Văn Tuyến bị bắt
Ngày 10/12, Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt đối với ông Trương Văn Tuyến, nguyên Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và ông Phạm Thanh Sơn, phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC), theo Tuổi Trẻ.
Cả hai đang bị bắt để điều tra tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” tại Tập đoàn Vinashin theo Điều 355, Bộ Luật hình sự 2015.
Trước đó, vào tháng 1/2018, ông Nguyễn Ngọc Sự, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Vinashin đã bị khởi tố và bắt tạm giam vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Vinashin: Ông Nguyễn Ngọc Sự bị bắt
Ông Trần Bắc Hà chính thức bị khởi tố
Ông Đinh La Thăng ra tòa lần hai
Đây là những diễn biến mới nhất trong quá trình điều tra mở rộng giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm.
Theo báo Thanh Niên, ông Tuyến, Sơn đã ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đòan Vinashin vào Oceanbank trái quy định để chiếm đoạt 105 tỷ đồng ngoài lãi suất.
Trước đó, tại phiên tòa phúc thẩm đại án Oceanbank, cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị mức án chung thân vì bốn tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.
Cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình với ba tội danh: tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Năm 2002, ông Nguyễn Ngọc Sự, khi đó là Phó Tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định điều động giữ chức chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam năm 2012.
Tháng 8/2017, ông Sự nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí chủ tịch hội đồng thành viên tập đoàn này.
Ngoài vụ án tại Vinashin, cơ quan tố tụng đã khởi tố ba vụ án hình sự, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng Công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), theo báo Thanh Niên.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-46517487
Người Trung Quốc mua đất tại TPHCM
tăng đột biến
Trong 9 tháng đầu năm 2018, khách hàng Trung Quốc đã mua 31% lượng bất động sản bán ra tại thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu do công ty nghiên cứu thị trường CBRE cung cấp hôm 11/12.
Hiện khách hàng Trung Quốc đã vươn lên dẫn đầu thị trường người nước ngoài mua nhà tại thành phố này dù trước đó quốc gia này không nằm trong 5 vị trí đầu tiên.
Theo CBRE, từ năm 2016-2017 lượng khách hàng trong nước mua bất động sản đã giảm đi đáng kể từ 47% còn 36%. Trong khi đó, lượng khách hàng nước ngoài đầu tư bất động sản tại TPHCM tăng mạnh và đáng kể nhất là lượng khách hàng Trung Quốc. Các nhà đầu tư Trung Quốc tập trung nhiều ở phân khúc căn hộ cao cấp và bất động sản nghỉ dưỡng, nhiều nhất vẫn là phân khúc căn hộ cao cấp ở những khu vực trung tâm thành phố
Chuyên gia của CBRE được truyền thông trong nước trích lời cho biết khách hàng từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hong Kong tỏ ra ưa chuộng các dự án có quy mô lớn, vị trí trung tâm như Alpha Hill của Alpha King mới mở bán hay Vinhomes Central Park và Vinhomes gold River của Vingroup.
Theo các chuyên gia của CBRE, lý do người Trung Quốc mua bất động sản ở thành phố tăng vọt là vì quy định cho phép người nước ngoài được mua 30% số lượng đơn vị nhà ở trong các dự án bất động sản tại Việt Nam có hiệu lực kể từ năm 2015.
Chính quyền TP.HCM thu hồi khu ‘đất vàng’ Lê Duẩn
Ủy Ban Nhân Dân (UBND) TP.HCM vào sáng 11/12 đã ban hành quyết định thu hồi khu đất được mệnh danh ‘đất vàng’ ở số 8 – 12 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1 với diện tích gần 5 ngàn m2.
Truyền thông trong nước loan tin cho biết khu đất trên bị thu hồi vì liên quan đến những sai phạm về quản lý đất đai của lãnh đạo UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011 – 2015, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Theo đó, các nguyên lãnh đạo UBND và sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM đã móc nối, ký các quyết định cho thuê khu đất này không qua đấu thầu, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Cơ quan điều tra Bộ Công an Việt Nam hôm 8/12 đã thực hiện lệnh bắt giam đối với cựu Phó Chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Thành Tài vì hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước liên quan vụ việc trên.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư quận 2, cũng bị khởi tố liên quan và đang bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Hai đồng phạm khác được xác định là ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, và ông Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường hiện cũng đã bị bắt giam.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết khu đất này được UBND TP.HCM xác lập quyền sở hữu nhà nước từ tháng 3/1994 nên việc bán, chuyển nhượng quyền sử dụng phải thông qua hình thức bán đấu giá.
Nhưng vào năm 2011, quan chức TP.HCM lúc ấy đã ký quyết định cho công ty Lavenue (có vốn là 2,100 tỷ đồng) thuê khu đất để đầu tư khách sạn, thương mại, dịch vụ với thời hạn 50 năm. Công ty Lavenue được nói đã nộp tiền thuê đất hơn 700 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ vào năm 2018 kiểm tra và cho biết thực tế khu đất này trên đường Lê Duẩn có giá trên 400 triệu đồng/m2 vì có tới 3 mặt tiền. Như vậy, số tiền UBND đã cho công ty Lavenue thuê là ít hơn so với số tiền có thể thu được thực tế.
Hiện tại, khu đất này vẫn chưa được chủ đầu tư là công ty Lavenue thi công và chỉ tận dụng làm bãi xe ô tô vì liên quan đến việc thanh tra.
Sở Tài nguyên – Môi trường TP.HCM đã được yêu cầu thu hồi giấy chứng nhận đã cấp cho công ty Lavenue, hoặc hủy bỏ giá trị pháp lý của giấy chứng nhận thuê đất trước đó.
Phó Thủ tướng: Những người gây rối
khi cổ động bóng đá cần bị xử lý nghiêm
Bộ Công An và các cơ quan chức năng cần phối hợp để ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc có hành vi quá khích, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông khi cổ vũ bóng đá ở nơi công cộng.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Trương Hòa Bình đưa ra yêu cầu như vừa nêu trước khi trận bóng đá chung kết giải vô địch Đông Nam Á-AFF Cup giữa Việt Nam và Malaysia diễn ra vào ngày 11 và 15 tháng 12.
Theo yêu cầu của ông Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì bên cạnh công việc đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông trong và sau khi trận bóng diễn ra, lực lượng công an cần phải ngăn chặn và xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức được cho là lợi dụng để gây rối, có hành vi cổ động quá khích hay đua xe và tổ chức đua xe trái phép…
Truyền thông trong nước cho biết Công an thành phố Hà Nội vào tối ngày 11 tháng 12, huy động 100% quân số trực tại hơn 300 nút giao thông ở 10 quận nội thành để ứng phó với tình hình cổ vũ đội tuyển Việt Nam trong trận chung kết lượt đi.
Trước đó, sau trận bán kết lượt về diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình vào tối ngày 6 tháng 12, hàng ngàn người ra đường ăn mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam. Nhiều tai nạn, ẩu đả, các vụ được cho là ‘kích động gây rối’ đã xảy ra tại hai thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đã có ít nhất hai người bị thương nặng do tại nạn xe ở Hà Nội và 78 trường hợp bị Công an thành phố Hồ Chí Minh xử lý phạt hành chính.
Luật mới: Lực lượng Công an sẽ có tối đa 199 tướng
Luật Công an nhân dân sửa đổi của Việt Nam quy định lực lượng Công an sẽ có tối đa 199 tướng và Giám đốc công an địa phương là đơn hành chính cấp tỉnh loại 1 có trần quân hàm thiếu tướng với số lượng không quá 11.
Luật công an nhân dân sửa đổi vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố sáng 11/12/2018.
Theo luật mới, ngành công an sẽ không còn chức danh Tổng cục trưởng mà chỉ có các chức danh: Bộ trưởng Công an; cục trưởng, tư lệnh; giám đốc công an tỉnh, thành trực thuộc trung ương; trưởng phòng, trưởng công an cấp huyện, trung đoàn trưởng; đội trưởng, trưởng công an cấp xã, tiểu đoàn trưởng; đại đội trưởng; trung đội trưởng; tiểu đội trưởng.
Các chức vụ tương đương với các chức danh trên do Bộ trưởng Công an quy định.
Bên cạnh đó luật còn có quy định về thời hạn thăng mỗi bậc hàm cấp tướng tối thiểu là 4 năm. Tuổi của sĩ quan được xét thăng cấp bậc hàm từ đại tá lên thiếu tướng không quá 57, trường hợp cao hơn khi có yêu cầu theo quyết định của Chủ tịch nước.
Với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM thì phó giám đốc Công an cũng phải có trần quân hàm là thiếu tướng, số lượng mỗi đơn vị không quá 3 người.
Luật Công an nhân dân sửa đổi có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2019. Riêng các quy định về cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng; phong, thăng, giáng, tước cấp bậc hàm cấp tướng; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, giáng chức các chức vụ có cấp bậc hàm cấp cao nhất là cấp tướng có hiệu lực thi hành từ ngày 11/1/2019.
Ngoài luật Công an nhân dân sửa đổi, hôm 11/12, Văn phòng Chủ tịch còn công bố thêm tám luật đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 6. Đó là Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Đặc xá; Luật Trồng trọt; Luật Chăn nuôi; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch.