Tin Biển Đông – 11/12/2018
Giới chức quân đội Trung Quốc
đòi tấn công tàu Mỹ đến Biển Đông
Một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc thúc giục hải quân nước này dùng vũ lực để ngăn chặn các hành động của Mỹ trên Biển Đông khi phát biểu tại một hội nghị cuối tuần qua ở Bắc Kinh, theo Taiwan News.
Tờ nhật báo Đài Loan cho biết một vị đại tá của Lực lượng Không quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) nói rằng hải quân nước này nên đâm vào các tàu hải quân Mỹ khi các tàu đó tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên “lãnh hải của Trung Quốc” ở Biển Đông.
Cú ‘chạm mặt’ nguy hiểm trên Biển Đông: Trung Quốc đổ lỗi Mỹ
Một hành động gây hấn như vậy chắc chắn sẽ cấu thành sự leo thang căng thẳng như một vụ việc hồi tháng 9 trong đó một tàu khu trục của hải quân Trung Quốc xuýt đâm vào một tàu chiến của Mỹ trên Biển Đông.
Đại tá không quân Trung Quốc Đới Húc, chủ tịch của Viện An toàn và Hợp tác Hàng hải, nói tại hội nghị hôm 8/12 rằng: “Nếu tàu chiến Mỹ một lần nữa đi vào hải phận của Trung Quốc, tôi gợi ý rằng chúng ta nên cử hai tàu chiến: một để chặn chúng lại và một để đâm vào chúng.”
Taiwan News, lấy nguồn của Hoàn cầu Thời báo – một tờ báo của nhà nước Trung Quốc đứng ra tổ chức hội nghị, trích lời ông Đới nói: “Trong lãnh hải của chúng ta, chúng ta không cho phép các tàu chiến Mỹ gây ra xáo trộn.”
Ông Đới, được biết tiếng với các phát ngôn diều hâu, cho rằng những hoạt động của hải quân Mỹ là những hành động gây hấn nhằm làm suy yếu lãnh thổ của Trung Quốc hơn là một nỗ lực để đảm bảo tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế. Hải quân Mỹ thường xuyên đưa các tàu khu trục và tàu tuần dương đi ngang qua các vùng lãnh hải mà Trung Quốc chiếm giữ trên Biển Đông trong khi các máy bay ném bom của Không lực Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các chuyến bay trên vùng trời khu vực này làm Bắc Kinh gận dữ.
Trong hoạt động gần đây nhất vào cuối tháng 11, hải quân Mỹ gửi tàu tuần duyên USS Chancellorsville có tên lửa lớp Ticonderoga dẫn đường tới thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa.
Hoàn cầu Thời báo thường có những bài viết mang tính khiêu khích và khác với những cơ quan truyền thông nhà nước khác của Trung Quốc như Xinhua cũng như thu hút thành phần độc giả khác ở nước này. Phát ngôn của ông Đới tại hội nghị hôm 8/12 có vẻ đi theo đường lối đó khi vị đại tá không quân này dường như hoan nghênh sự gia tăng về những căng thẳng và cho rằng việc đối đầu trên Biển Đông có thể tạo ra một cơ hội cho Trung Hoa lục địa lấy lại được Đài Loan.
“Nó sẽ làm tăng tốc việc đoàn tụ của chúng ta với Đài Loan,” ông Đới được trích lời nói tại hội nghị. “Hãy chuẩn bị và chờ xem. Một khi có một cơ hội chiến lược, chúng ta phải sẵn sàng để giành lại Đài Loan.”
Những bình luận của ông Đới về việc dùng vũ lực trên Biển Đông được đưa ra sau vụ các tàu chiến của Trung Quốc và Mỹ xuýt đâm nhau hồi tháng 9. Tàu khu trục lớp Lữ Dương (Luyang) của Trung Quốc đối đầu với tàu khu trục USS Decatur có tên lửa lớp Arleigh Burke dẫn đường trong một hoạt động ở Quần đảo Hoàng Sa.
Trong sự việc mà phía Mỹ gọi là “không an toàn”, tàu Trung Quốc dường như sẵn sàng đâm vào tàu Mỹ để đẩy họ ra khỏi tuyến hàng hải. Chuyên gia về chính sách ngoại giao của The Diplomat, Ankit Panda, mô tả vụ việc là “hành động trực diện và nguy hiểm nhất của Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm can thiệp vào hoạt động hợp pháp của hải quân Mỹ trên Biển Đông cho tới lúc này.”
Ý đồ của TQ khi lần đầu tiên công bố dịch vụ
tour du lịch biển tới Hoàng Sa bằng đường hàng không
Tại Lễ hội văn hóa du lịch quốc tế Hoàng Sa 2018 được tổ chức từ ngày 04 đến ngày 08/12/2018, Trung Quốc đã lần đầu tiên công bố dịch vụ tour du lịch biển tới Hoàng Sa bằng đường hàng không. Đây là tiếp tục là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Theo tin từ trang mạng Sina của Trung Quốc hôm 30/11, Trung Quốc đã tổ chức “Lễ hội văn hóa du lịch quốc tế Hoàng Sa 2018” được từ ngày 04/12 đến ngày 08/12/2018. Sự kiện này do Cục quảng bá văn hóa mới thuộc khu vực Nam Sa (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), Quảng Châu của Trung Quốc và Cục Thể thao – Du lịch Quảng Châu phối hợp với Tập đoàn du lịch Ctrip Group tổ chức. Theo truyền thông Trung Quốc, nội dung chương trình “Lễ hội văn hóa du lịch quốc tế Hoàng Sa 2018” gồm các hoạt động như cuộc thi người đẹp biển, hướng dẫn viên du lịch cho người Trung Quốc đến Nam Sa. Cũng tại sự kiện này, Trung Quốc sẽ công bố tour du lịch Hoàng Sa bằng máy bay lần đầu tiên. Đây là tiếp tục là hành động leo thang mới của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Được biết, Trung Quốc khai thác trái phép tuyến du lịch sinh thái ra Hoàng Sa từ tháng 4/2013. Đến nay Trung Quốc đã ngang nhiên vận hành gần 200 chuyến du lịch phi pháp, đưa đón hàng chục nghìn lượt khách. Chuyến tàu du lịch đầu tiên do hãng đóng tàu Hainan Strait của Trung Quốc sản xuất khởi hành trái phép tới quần đảo Hoàng Sa là vào năm 2013. Từ đó đến nay, Trung Quốc đã âm thầm tiến hành nhiều hoạt động du lịch ra quần đảo Trường Sa. Ngày 02/3/2017, Trung Quốc đưa tàu “Công chúa Trường Lạc” chở 308 khách khởi hành từ Tam Á tới quần đảo Hoàng Sa trong hành trình kéo dài 4 ngày 3 đêm. Con tàu này do Công ty cổ phần vận tải eo biển Hải Nam quản lý, được đầu tư với số tiền 230 triệu nhân dân tệ (33,4 triệu USD). Đây là tàu du lịch hạng sang do Công ty đóng tàu Quảng Châu chế tạo, với trọng tải 12.336 tấn, có khả năng chở 499 người, gần 2.200 tấn hàng hóa, với vận tốc 16,5 hải lý. Con tàu sẽ đảm nhận khai thác tuyến du lịch sinh thái biển phi pháp tới nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các công ty du lịch Trung Quốc cho biết sau các tuyến du lịch đến Hoàng Sa, Trung Quốc sẽ phát triển các tuyến khác ở Biển Đông và Eo biển Đài Loan, rồi dần dần mở rộng thành các tuyến du lịch quốc tế, nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia đầu tiên của Trung Quốc về tàu du lịch biển. Năm 2017,Tỉnh Hải Nam, Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố kế hoạch phát triển du lịch từ nay đến 2020, nâng cấp tàu du lịch ra quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Kế hoạch phát triển du lịch 2016 đến 2020 của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc là nâng cấp tàu du lịch ra Hoàng Sa, đưa thuyền du lịch định kỳ ra Trường Sa và nhiều điểm khác trên Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo này.
Trong những năm qua, cùng với các hoạt động quân sự hóa, mở rộng bồi đắp đảo nhân tạo ở Biển Đông, Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào ngành du lịch biển, đảo nhằm thúc đẩy hoạt động này vươn ra Biển Đông. Trong những bước đi đầy toan tính, Trung Quốc đã ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, phương tiện cho hoạt động du lịch biển, đảo. Tháng 2/2017, Ngân hàng Trung Quốc (BOC) đã khai trương trái phép chi nhánh tại cái gọi là “thành phố Tam Sa”, thực chất là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người dân thanh toán và sử dụng dịch vụ tại đây. Trước đó, Công ty phát triển vận tải quốc tế Tam Á tháng 7/2016 đã công bố kế hoạch mua từ 5 đến 8 tàu du lịch chở khách mới trong vòng 5 năm tới, đồng thời xây
dựng thêm 4 bến tàu ở Tam Á, đảo Hải Nam. Đây là trung tâm du lịch cung cấp tour du lịch tàu biển ở vùng Biển Đông. Hiện nay các tàu xuất phát từ cảng biển trên hòn đảo nhân tạo Phoenix gần thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam. Trong tương lai, Phoenix sẽ trở thành cảng du lịch lớn nhất cấp dịch vụ cho 2 triệu khách du lịch mỗi năm. Trên đảo này, Trung Quốc sẽ xây dựng các khách sạn, nhà hàng, công viên, cửa hàng miễn thuế. Ông Liu Junli, Chủ tịch công ty SICDC cho biết công ty này đang vận hành tàu “Giấc mơ Biển Đông” và dự kiến bổ sung 2 tàu mới tới hoạt động trái phép xung quanh nhóm đảo Lưỡi Liềm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục khởi công xây dựng các công trình khác như khách sạn, các cửa hàng sẽ được xây dựng trái phép ở nhóm đảo Lưỡi Liềm. Còn tại Trường Sa, chính quyền tỉnh Hải Nam từng công khai sẽ mở rộng hoạt động du lịch ra quần đảo này vào trước năm 2020. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tích cực tạo cơ chế thông thoáng nhằm thu hút khách du lịch. Tháng 4/2018, tỉnh Hải Nam thông báo miễn thị thực cho công dân của 59 quốc gia bắt đầu từ ngày 01/5/2018. Quy định mới cho phép du khách được miễn thị thực có thể đi riêng lẻ và ở lại Hải Nam trong thời gian lên tới 30 ngày, thay vì phải đi theo nhóm và không được ở quá 21 ngày như trước. Các nước được bổ sung vào danh sách miễn thị thực nhập cảnh vào Hải Nam mới là Bỉ, Brazil, Hy Lạp, Ba Lan và Qatar. Theo Tân hoa xã, quy định mới sẽ “mở rộng cửa hơn nữa ngành du lịch và thu hút thêm nhiều du khách quốc tế tới Hải Nam, đồng thời sẽ thúc đẩy phát triển ngành hàng không và phát triển kinh tế trên hòn đảo du lịch nổi tiếng”. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc miễn visa cho khách du lịch tới Hải Nam có thể lót đường cho một số du khách có tính hiếu kỳ tham quan các thực thể trong vùng biển đang tranh chấp với các nước khác. Vừa qua, chính quyền tỉnh Hải Nam đã kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm. Trung Quốc cũng chủ động tăng cường hợp tác cùng khai thác trong lĩnh vực du lịch với các nước. Tháng 7/2018, đại diện của nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng và công ty cho thuê tàu biển của Trung Quốc đã đến Manila, Subic và Palawan của Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch, nhằm tận dụng các cảng biển, điều kiện thiên nhiên của Philippines để phát triển du lịch tàu biển. Một số nguồn tin cho biết Trung Quốc đang hối thúc chính quyền Philippines áp dụng chính sách thị thực tiện lợi hơn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành của Trung Quốc đầu tư, phát triển. Trung Quốc cũng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về hoạt động du lịch biển và hoạt động du lịch yêu nước, nhằm quảng bá đến người dân về chủ quyền biển đảo và thành quả, chính sách của nhà nước trong vấn đề biển đảo. Khách du lịch tham gia các tour ra Biển Đông phải đảm bảo một số quy định bắt buộc như là người Trung Quốc đại lục, không vi phạm pháp luật, không có hành vi chống chính quyền, có quá trình phấn đấu tốt… Du lịch biển được coi là một hoạt động hướng về tổ quốc và thể hiện tinh thần yêu nước của người dân Trung Quốc.
Giới chuyên gia khu vực và quốc tế đã đưa ra nhiều nhận định về ý đồ sau các hoạt động du lịch tại Biển Đông của Trung Quốc. Chuyên gia nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore Collin Koh nhận định “làm như vậy (hoạt động du lịch biển) sẽ cho phép Trung Quốc khẳng định chủ quyền của mình, mà không chỉ có thế, Trung Quốc còn khẳng định họ có quyền quản lý trên thực tế đối với khu vực”. Còn chuyên gia của hãng tin Sputnik (Nga) cho rằng “hành trình du lịch đến các đảo ở Biển Đông có thể trở thành một công cụ trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông gồm các tranh chấp về đảo và vùng biển trong khu vực. Hoạt động này có thể gây ra sự chỉ trích và thậm chí phản đối từ phía những nước khác tham gia tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông”.
Giới chuyên gia cũng khuyến cáo các nước khu vực cần thận trọng, cảnh giác đối với các đề nghị hợp tác du lịch biển của chính phủ và doanh nghiệp Trung Quốc. Vừa qua nhiều công ty tàu du lịch nổi tiếng Trung Quốc và công ty cho thuê tàu biển đã đến Philippines để tiến hành khảo sát về hợp tác du lịch. Đây có thể là những tính toán của Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy hợp tác cùng khai thác với Philippines ở Biển Đông nhằm đánh lừa dư luận về các hoạt động quân sự hóa và ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc.
Trước các hoạt động du lịch trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông, Bộ ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định “Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việc Trung Quốc xây dựng, đưa vào sử dụng trái phép các công trình trên các đá, bãi, tại khu vực quần đảo Trường Sa hoặc tổ chức du lịch ra quần đảo Hoàng Sa đều xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Những hành động phi pháp như vậy không thể thay đổi sự thực về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này”. Cùng với các tuyên bố đó, Bộ ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động sai trái và không để tái diễn các hành động tương tự, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.