Tin khắp nơi – 11/12/2018
Bão tuyết khiến hai người chết
tại Bắc Carolina, Mỹ
Một trận bão tuyết lớn tràn qua các tiểu bang đông nam Hoa Kỳ, giết chết ít nhất hai người và khiến hàng trăm ngàn người sống trong cảnh mất điện.
Tình trạng khẩn cấp được ban bố tại bang Bắc Carolina; tin tức nói một số nơi bị tuyết rơi phủ dày tới 0,5m trong dịp cuối tuần.
Cháy rừng California và biến đổi khí hậu
Chống biến đổi khí hậu qua ảnh chỉ mất thời gian?
Sạt lở ở Nha Trang: Nạn nhân bị giải tỏa nhà trước đó?
‘Tuyết Viễn Đông’ trải thảm châu Âu
Một người đàn ông tử vong do bị cây đổ đè vào xe hơi. Hiện người ta đang di tìm người tài xế lái chiếc xe được phát hiện trôi trên sông.
Hàng ngàn chuyến bay cũng bị hủy trong khu vực.
‘Một hệ thống nguy hiểm’
Tuyết, mưa tuyết và mưa lạnh tiếp tục tác động tới khu vực miền Nam.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, Thống đốc Bắc Carolina Roy Cooper nói “lượng tuyết tương đương với lượng tuyết của cả một năm tại một số nơi đã đổ xuống chỉ trong một ngày”.
Hơn 300 ngàn người bị ảnh hưởng do bị mất điện tại Carolina, Alabama, Tennessee và Georgia hôm Chủ Nhật, trong lúc các cảnh báo về bão vẫn được đưa ra tại khu vực đông nam,”đặc biệt là Bắc Carolina và Virginia”, Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia (NWS) viết trên Twitter.
Trận báo được trông đợi sẽ di chuyển ra vùng duyên hải vào thứ Hai, tuy chuyên gia dự báo thời tiết hàng đầu của NWS Michael Schichtel cảnh báo rằng nó tiếp tục là ‘một hệ thống nguy hiểm.
“Nó từ từ rời khỏi Carolina nhưng sẽ không tấn công vào Tân England,” ông nói với hãng tin Reuters.
Tại một số nơi, tuyết rơi nhiều tới mức làm đổ cả các đường dây điện.
Nhưng mối nguy hiểm chính có vẻ như là ở trên các con đường.
Đã có báo cáo về gần 60 vụ đâm va tại Virginia, cảnh sát tiểu bang nói với truyền thông địa phương, với con số tăng lên đến 672 ở Bắc Carolina, tính đến sáng thứ Hai.
Các quan chức NWS cảnh báo về việc hình thành đá đen trên đường vào thứ Hai và thứ Ba.
Thống đốc Cooper nhấn mạnh rằng các con đường có thể “biến thành sân trượt băng” thậm chí cả khi bão đã đi qua.
Tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, ông thống đốc xác nhận có hai trường hợp tử vong do bão, và nói cơn bão này “đã biến thành ác mộng và thảm kịch”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46514973
Mỹ ngưng tìm 5 Thủy quân lục chiến mất tích ở Nhật
Quân đội Mỹ hôm 11/12 kết thúc cuộc tìm kiếm 5 binh sĩ thủy quân lục chiến bị mất tích ở ngoài khơi Nhật Bản, sau khi hai chiếc máy bay Thủy quân lục chiến lâm nạn trong một cuộc huấn luyện tiếp nhiên liệu trên không hôm 6/12.
Năm thành viên trong phi hành đoàn của chiếc máy bay tiếp nhiên liệu KC-130 Hercules mất tích đã chính thức được tuyên bố là đã chết.
Trung tá Mitchell Maury, chỉ huy Phi đội Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ (USMC) nói trong một tuyên bố:
“Quyết định khó khăn đó đã được đưa ra sau khi đã tận dụng mọi nguồn lực trong cố gắng hết sức mình để tìm kiếm các binh sĩ Thủy quân lục chiến của chúng ta”. Ông nói tiếp: “Chúng tôi vô cùng đau lòng, và xin gửi những lời cầu nguyện đến gia đình và bạn bè của tất cả 5 thành viên phi hành đoàn.”
Hai phi công của Hải quân Mỹ điều khiên một chiến đấu cơ phản lực F/A-18 Hornet và 5 thành viên phi hành trên chiếc máy bay KC-130 Hercules đã mất tích trong vùng biển khoảng 320 km (200 dặm) ở ngoài khơi Nhật Bản sau một vụ va chạm trên không, theo các quan chức Mỹ.
Một trong hai phi công lái chiếc phản lực Hornet đã chết sau khi được đội tìm kiếm phát hiện và cứu hộ. Phi công còn lại bị thương.
Tuy nhiên, tàu và máy bay Mỹ và Nhật Bản không tìm thấy phi hành đoàn trên chiếc Hercules. Cả hai máy bay đều xuất phát từ Trạm Hàng không Hải quân Iwakuni ở Nhật Bản.
Đây là tai nạn mới nhất trong một danh sách dài các tai nạn hàng không quân sự của Hoa Kỳ trên khắp thế giới trong những năm gần đây.
Hàng loạt sự cố đã khiến Quốc hội phải mở điều trần để giải quyết những lo ngại về tổn thất nhân mạng và trang thiết bị vì những hoạt động quân sự liên tục, cũng như việc trì hoãn các nỗ lực hiện đại hóa, tình trạng thiếu huấn luyện, và thiết bị quân sự đã quá cũ.
https://www.voatiengviet.com/a/my-ngung-tim-5-thuy-quan-luc-chien-mat-tich-o-nhat/4695793.html
Hồi hương hài cốt quân nhân Mỹ tại Đà Nẵng
Ngày 11/12, Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DPAA) phối hợp cùng Văn phòng Tìm kiếm Người mất tích Việt Nam (VNOSMP) đã tổ chức lễ hồi hương 3 hài cốt quân nhân Mỹ tại Sân bay Quốc tế Đà Nẵng.
Theo một thông cáo của Tòa Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Tp. Hồ Chí Minh, đây là lần hồi hương thứ 147 các hài cốt binh sĩ Mỹ kể từ năm 1973.
Tại buổi lễ, Chính phủ Việt Nam đã trao trả 3 bộ hài cốt được cho là của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Ba bộ hài cốt này là do công dân tự nguyện giao cho cơ quan chức năng và là kết quả của các cuộc khai quật chung ở Việt Nam với 76 chuyên viên Hoa Kỳ và hơn 200 người Việt Nam cùng hợp tác tại các địa điểm ở các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, tuyên bố cho biết.
Báo QĐND trích lời ông Daniel Kritenbrink, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam nói ông gửi lời cảm ơn và đánh giá cao chính sách nhân đạo, thiện chí, sự hợp tác đầy đủ và ngày càng hiệu quả của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Các bộ hài cốt này sẽ được đưa tới phòng giám định của DPAA tại Hawaii để kiểm tra thêm. Lễ hồi hương diễn ra trang nghiêm, và thể hiện sự kính trọng đối với những người đã hy sinh vì tổ quốc.
Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 30 năm hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm thể hiện sự hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước cựu thù trong vấn đề nhân đạo này.
https://www.voatiengviet.com/a/hoi-huong-hai-cot-quan-nhan-my-tai-da-nang/4695749.html
Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc sắp rời chức,
Trump cân nhắc người thay thế
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc dân biểu đảng Cộng hòa Mark Meadows, cựu cố vấn chiến dịch tranh cử David Bossie, và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie cho vị trí Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc khi ông John Kelly rời chức cuối năm nay. Reuters ngày 10/12 dẫn một nguồn thạo tin cho hay.
Một nguồn tin khác, vẫn theo Reuters, cho biết ông Trump cũng ‘để mắt’ tới Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho vị trí này.
Hôm thứ bảy, ông Trump loan báo đương kim Chánh văn phòng của ông là John Kelly sẽ rời Tòa Bạch Ốc vào cuối tháng này sau nhiều tháng ‘bất đồng’ giữa đôi bên.
Ứng viên đầu tiên mà ông Trump chọn thay thế là ông Nick Ayers, hiện là Chánh văn phòng của Phó Tổng thống Mike Pence. Tuy nhiên, hôm 9/12, ông Ayers đã ngỏ ý từ chối.
Tân Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc sẽ phải biết cách giữ lái giữa một môi trường chính trị đầy cam go khi ông Trump bắt đầu năm thứ ba của nhiệm kỳ Tổng thống và chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử 2020.
Một giới chức Tòa Bạch Ốc tiết lộ rằng ông Trump đang cân nhắc chọn 1 trong danh sách 4 ứng viên thay thế ông Kelly, nhưng không nêu tên cụ thể.
TT Trump: Tiền bịt miệng
là ‘giao dịch cá nhân đơn giản’
Tổng thống Donald Trump hôm 10/12 lên tiếng bảo vệ cho các khoản thanh toán tiền bịt miệng mà cựu luật sư của ông đã báo cáo, một ngày sau khi các đảng viên Dân chủ nói rằng ông Trump có thể phải đối mặt với luận tội và ngồi tù nếu các giao dịch này được chứng minh là vi phạm luật về tài chính sử dụng trong chiến dịch tranh cử, theo Reuters.
Trong các tweet vào sáng sớm, ông Trump nói rằng các đảng viên Dân chủ đã nhắm sai mục tiêu vào “giao dịch cá nhân đơn giản”, sau khi hồ sơ tòa án vào tuần trước đã thu hút sự chú ý vào số tiền thanh toán lên tới 6 con số mà luật sư riêng của ông Trump đã trả cho hai phụ nữ trong chiến dịch bầu cử năm 2016 để không nói về mối quan hệ với ông Trump.
Vào ngày 9/12, Dân biểu Mỹ Jerrold Nadler, người sẽ lãnh đạo Ủy ban Tư pháp khi Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện vào tháng tới, nói rằng nếu các khoản thanh toán bị phát hiện vi phạm luật về tài chính trong chiến dịch tranh cử, thì đó sẽ là một hành vi phạm tội có thể bị luận tội.
Người đồng cấp thuộc đảng Dân chủ của ông trong Ủy ban Tình báo, Dân biểu Adam Schiff, nói rằng ông Trump có thể bị truy tố và có thể “đối mặt với viễn cảnh ngồi tù thực sự”.
Theo luật Mỹ, các khoản đóng góp cho chiến dịch tranh cử, được định nghĩa là những thứ có giá trị trao cho một chiến dịch tranh cử nhằm gây ảnh hưởng đến bầu cử, thì phải được tiết lộ. Các khoản thanh toán này cũng được giới hạn ở mức 2.700 đôla/người.
Hồi đầu năm nay, ông Trump thừa nhận đã trả lại cho cựu luật sư Michael Cohen của ông khoản tiền 130.000 đôla đã trả cho ngôi sao khiêu dâm Stephanie Clifford, thường được biết đến dưới cái tên Stormy Daniels. Trước đó, ông nói rằng không biết gì về các khoản thanh toán này.
Ngày 10/12, Tổng thống Trump một lần nữa phủ nhận có hành vi sai trái và đổ mọi tội lên ông Cohen.
“Không có THÔNG ĐỒNG. Nên bây giờ các đảng viên Dân chủ lại viện đến một giao dịch cá nhân đơn giản, gọi nhầm là tiền đóng góp cho chiến dịch, nhưng không phải vậy”, Reuters dẫn tweet của ông Trump. “Nhưng ngay cả khi đúng như vậy, thì nó chỉ là một VỤ DÂN SỰ, giống như vụ Obama, nhưng nó đã được một luật sư làm một cách chính xác và thậm chí không bị phạt. Đó là trách nhiệm của luật sư nếu anh ta phạm lỗi, không phải tôi”.
Các công tố viên Hoa Kỳ hôm 7/10 đã tìm cách đề nghị án tù đối với ông Cohen vì các khoản thanh toán dưới sự chỉ đạo của ông Trump cũng như về tội trốn thuế và nói dối với Quốc hội.
Vụ việc bắt nguồn từ một cuộc điều tra liên bang về cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và có thể có sự thông đồng với chiến dịch của ông Trump. Nga phủ nhận việc can thiệp và ông Trump nói rằng chiến dịch của ông không hợp tác với Moscow.
https://www.voatiengviet.com/a/tt-trump-tien-bit-mieng-la-giao-dich-ca-nhan-don-gian/4694532.html
Time vinh danh các phóng viên bị giết,
bị tù là ‘Nhân vật của Năm’
Các phóng viên bị giết hoặc bị cầm tù – “Những người bảo hộ” – được tạp chí Mỹ Time nêu danh là “Nhân vật của Năm” 2018.
Bốn bìa khác nhau của Time đăng hình ảnh các phóng viên từ các nơi trên thế giới.
Vụ Khashoggi: Ả Rập Saudi ‘phái người hủy bằng chứng’
TT Trump: vụ giết Khashoggi là ‘che đậy tồi tệ nhất’
Phóng viên Philippines bị giới chức buộc tội
Hình ảnh Jamal Khashoggi, người bị sát hại tại Đại sứ quán Ả-rập Saudi ở Thổ Nhĩ Kỳ, xuất hiện một mình, còn các nhân viên của Capital Gazettle, tạp chí Mỹ có năm người bị giết trong năm nay, xuất hiện trên một bìa khác.
Các bức ảnh về Maria Ressa, Wa Lone và Kyaw Soe Oo xuất hiện trong hai bìa còn lại.
Bà Ressa là chủ biên Rappler, trang tin Philippines vốn dám mạnh mẽ chỉ trích lãnh đạo nước này.
Các phóng viên của Reuters, Wa Lone và Kyaw Soe Oo, là những người đã bị tù tại Myanmar do đã đi điều tra thảm sát người Rohingya Hồi giáo thiểu số ở nước này.
Theo Time, họ được chọn “vì đã dám chấp nhận những rủi ro to lớn trong việc theo đuổi sự thực, vì dám tiến hành cuộc điều tra tuy không hoàn hảo nhưng thiết yếu để tìm kiếm sự thật, vì đã dám lên tiếng nói lớn, nói thẳng”.
Những gương mặt khác
Ngoài các hình trên trang bìa tạp chí Time, bài ‘The Guardians and the War on Truth’ của Time Magazine cũng đăng ảnh Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh từ Việt Nam, và dòng giới thiệu:
“Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, được biết đến với bút danh Mẹ Nấm (Mother Mushroom), là blogger Việt Nam đã thu hút sự chú ý vì phê phán chính quyền của Đảng Cộng sản. Năm 2017, bà bị xử 10 năm tù vì “tuyên truyền thống nhà nước”. Vào tháng 10 vừa qua, Quỳnh được thả trong một thỏa thuận đổi lưu vong lấy tự do (freedom-for-exile deal). Hiện đang sống tại Hoa Kỳ, bà cam kết tiếp tục nêu ra các vụ vi phạm ở đất nước quê hương.”
Ảnh một phụ nữ khác, Dulcina Parra, một phóng viên truyền thanh tại Los Mochis, Mexico cũng được đăng trong bài báo.
Parra đã dũng cảm đưa tin về bạo lực trong các vụ thanh toán nhau vì nạn ma tuý ở nước của bà.
Ngoài ra, nhóm phóng viên Capital Gazette ở Mỹ, phóng viên ảnh Shahidul Alam ở Bangladesh cũng được đăng hình trong bài.
Hồi năm ngoái, Time vinh danh “những người Phá vỡ Im lặng” – gồm những người đàn ông và phụ nữ dám lên tiếng về tình trạng lạm dụng và quấy rối tình dục – là “Nhân vật của Năm”.
Độc giả của Time năm nay chọn ban nhạc K-pop BTS cho vị trí đầu tiên, và Planet Earth về vị trí thứ nhì.
RSF: ‘Myanmar bỏ tù bất công hai nhà báo Reuters’
Hai nhà báo Reuters tại Myanmar bị tù 7 năm
Phóng viên Reuters bị truy tố ở Myanmar
Là truyền thống có từ năm 1927, khi đó với tên gọi “Người đàn ông của Năm”, Time vinh danh người “bất kể trong hoàn cảnh tốt hay xấu… đã gây ảnh hưởng theo cách tốt nhất tới các sự kiện trong năm”.
Đa số các trường hợp được vinh danh là các cá nhân, tuy nhiên các tổ chức, nhóm người cũng có thể được chọn.
Trong 2014. “những người chiến đấu chống lại Ebola” đã được vinh danh. Còn trong 2011, “Những người Biểu tình” được nhìn nhận là đã đóng vai trò quan trọng trong phong trào Mùa xuân Ả-rập.
Time giải thích rằng kể từ 1950, tạp chí quyết định rằng các nhóm và các cá nhân đều có thể được bầu chọn làm “Nhân vật Trong năm”.
Năm đó, “người đàn ông Mỹ giao chiến” được chọn, và năm tiếp theo là nhân dân Hungary trong 1956.
Năm 2006, Nhân vật của Năm chỉ đơn giản là “Bạn”, với thiết kế bìa có hình tấm gương, nhằm phản ánh tầm quan trọng của những nội dung do người dùng đóng góp trên mạng internet.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46522487
Apple phủ nhận lệnh cấm iPhone tại Trung Quốc
trong vụ Qualcomm
Apple cho biết tất cả các mẫu iPhone của họ vẫn được bán tại Trung Quốc trong khi Qualcomm nói tòa án Trung Quốc đã ra lệnh cấm.
Nhà sản xuất chip Qualcomm của Mỹ tuyên bố họ đã giành được một lệnh cấm đối với Apple – cấm nhập khẩu một số mẫu iPhone, từ iPhone 6S đến iPhone X.
Lệnh sơ bộ, được ban hành bởi một tòa án Trung Quốc, là bước tiến mới nhất trong mối hận thù giữa hai gã khổng lồ công nghệ liên quan sở hữu trí tuệ.
‘Chip siêu nhỏ TQ tấn công Apple, Amazon’
Dữ liệu iCloud của TQ đã về tay Bắc Kinh
Lo ngại khi Apple lưu dữ liệu ở Trung Quốc
Tuy nhiên, Apple cho biết tất cả các mẫu iPhone của họ vẫn được bán tại Trung Quốc.
Các bằng sáng chế đang tranh chấp liên quan đến phần mềm nhiều hơn là phần cứng.
Lệnh cấm này được áp dụng với các thiết bị chạy các phiên bản cũ hơn của hệ điều hành iOS của Apple chứ không phải các thiết bị chạy phiên bản mới nhất, iOS 12.
Tòa án cho rằng Apple đã vi phạm hai bằng sáng chế của Qualcomm – một liên quan đến thay đổi kích thước ảnh và một liên quan đến cách quản lý các ứng dụng trên màn hình cảm ứng.
“Apple tiếp tục hưởng lợi từ tài sản trí tuệ của chúng tôi trong khi từ chối bồi thường cho chúng tôi”, Don Rosenberg, cố vấn chung của Qualcomm, nói.
Tuy nhiên, Apple đã trả lời rằng lệnh cấm là “một động thái tuyệt vọng khác của một công ty có hành vi bất hợp pháp đang bị các cơ quan quản lý trên toàn thế giới điều tra”.
Apple nói thêm rằng họ sẽ “theo đuổi tất cả các biện pháp pháp lý thông qua các tòa án”.
Vào tháng 1/2017, Apple đã đệ trình hai vụ kiện chống lại Qualcomm, tuyên bố Qualcomm đã lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường của mình với tư cách là nhà sản xuất chip.
Vào tháng Bảy cùng năm, Qualcomm tuyên bố rằng iPhone sử dụng chip của các đối thủ, như Intel, đã vi phạm sáu bằng sáng chế của hãng này.
https://www.bbc.com/vietnamese/46516837
Bắt sếp Huawei, Mỹ
đang “đâm trúng tim” tham vọng dẫn đầu của TQ
Huawei có vai trò chủ chốt trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp Made in China 2025, mục tiêu mà các diều hâu ở Nhà Trắng nhắm đến.
Kỷ niệm thương đau với Bắc Kinh
Reuters đưa tin, Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Châu của Huawei bị bắt để nhằm điều tra cáo buộc công ty này đã sử dụng hệ thống ngân hàng toàn cầu để vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, và nhậm chức CFO từ năm 2011. Là một nhân vật có tiếng tăm trong công ty, Mạnh Vãn Châu được xem là người kế nghiệp cha trong tương lai.
Vụ bắt giữ này được truyền thông Trung Quốc mô tả là một vụ “bắt cóc”, “phá vỡ bầu không khí hòa giải đã được xây dựng trong cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần trước”.
Lĩnh vực công nghệ ngay lập tức bị đẩy ra tuyến đầu trong cuộc đàm phán kéo dài 90 ngày giữa 2 nước.
Với Bắc Kinh, vụ việc này nhắc lại lệnh trừng phạt không mấy dễ chịu của Mỹ đối với ZTE hồi tháng 4.
Nhà sản xuất thiết bị viễn thông bị cấm làm ăn với các nhà cung cấp Mỹ, cấm tiếp cận các loại chip điện tử và thành phần quan trọng, đẩy công ty đến bờ vực phá sản.
Tình trạng này chỉ được giải quyết vào tháng 7 sau một cú điện đàm trực tiếp giữa ông Tập Cận Bình và người đồng cấp phía Mỹ.
“Trái tim” của Made in China 2025
Hậu quả của lệnh cấm tương tự với Huawei có thể còn khắc nghiệt hơn. Huawei là công ty tư nhân có lợi nhuận lớn nhất của Trung Quốc, với lượng bán gấp 5 lần ZTE và là nhà xuất khẩu lớn nhất của nội địa.
Huawei dẫn đầu thế giới trong các ứng dụng có bằng sáng chế thế giới vào năm ngoái, theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Huawei là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau Samsung Electronics.
Tuy nhiên, việc nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi từng phục vụ trong quân đội là nguyên nhân gây ra quan ngại ở nhiều quốc gia. Ông Nhậm được cho là quản lý công nghệ truyền thông trong quân đội trước khi thành lập công ty vào năm 1987.
Huawei có vai trò chủ chốt trong sáng kiến hiện đại hóa công nghiệp Made in China 2025, mục tiêu mà các diều hâu ở Nhà Trắng nhắm đến.
Công ty này có vị trí trung tâm trong nỗ lực ứng dụng dịch vụ không dây thế hệ thứ 5 (5G). Hệ thống 5G có vai trò sống còn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ ô tô tự lái và Washington xem kế hoạch này của Bắc Kinh là một mối đe dọa.
Một ủy ban cố vấn Quốc hội Mỹ tháng trước cảnh báo, Bắc Kinh có thể thu thập các thông tin của Mỹ dễ dàng hơn nếu nước này đi đầu thiết lập được tiêu chuẩn không dây quốc tế.
Để cho Huawei nổi lên sẽ tiếp tục củng cố chiến lược quân sự của Trung Quốc và để ngỏ khả năng tấn công mạng, ủy ban này cho hay.
Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ cũng đang tiến hành các bước để chặn việc cung cấp các thiết bị truyền thông và camera giám sát cho các cơ quan chính phủ Mỹ từ 5 công ty công nghệ của Trung Quốc là Huawei, ZTE, Hangzhou Hikvision Digital Technology, Dahua Technology và Hytera Communications.
Bước thứ 2, Washington sẽ cấm các công ty trên khắp thế giới kinh doanh với các cơ quan chính phủ Mỹ nếu họ sử dụng các sản phẩm từ 5 công ty trên của Trung Quốc. Chính sách này sẽ có hiệu lực vào ngày 13/8/2020.
Kế hoạch Made in China 2025 của Bắc Kinh bắt nguồn từ mối lo ngại về việc tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao. Trung Quốc hiện mua khoảng 70% chất bán dẫn từ các thị trường như Mỹ và Đài Loan.
Nếu Huawei bị chặn đường tiếp cận với các nhà cung cấp linh kiện ở nước ngoài, công ty này có thể buộc phải ngừng sản xuất, hứng chịu một đòn chí tử.
Tuy nhiên, Huawei có quan hệ kinh doanh mật thiết với các công ty Mỹ. Nhập khẩu bán dẫn của công ty này gấp khoảng 6 lần so với ZTE, bao gồm 1,8 tỷ USD từ Qualcomm và 700 triệu USD từ Intel. Nếu chính quyền Trump áp đặt lệnh cấm kiểu ZTE đối với Huawei, các công ty Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Vụ bắt lãnh đạo của Huawei
khiến Apple thành ‘đích ngắm’?
Dave LeePhóng viên công nghệ Bắc Mỹ
Không cần phải quá chú ý cũng có thể nhận thấy Hoàn cầu Thời báo – tờ báo được nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn – diễn giải vụ bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei, bà Sabrina Mạnh Vãn Chu, như thế nào.
“Bước đi của Washington nhằm tấn công Huawei sẽ làm tổn hại chính họ,” đó là dòng tít một bài viết của tờ báo này. “Cấm các công ty Trung Quốc như Huawei sẽ cô lập Mỹ khỏi nền kinh tế kỹ thuật số trong tương lai,” – tiêu đề một bài khác.
Apple phủ nhận lệnh cấm Iphone tại Trung Quốc
Các hãng viễn thông khổng lồ có đáng tin?
Vì sao Huawei khiến nhiều nước lo ngại
Dòng tiêu đề thứ hai đó, với nội dung đe dọa về việc cô lập, sẽ khiến các hãng công nghệ của Mỹ phải tạm ngưng lại để cân nhắc vào lúc bà Mạnh đang bước sang ngày thứ 12 bị giam trong nhà tù Canada.
Vụ bắt giữ bà Mạnh hẳn sẽ gây khó khăn cho mối quan hệ của một số các hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ vốn đang làm ăn rất tốt tại Trung Quốc
Chẳng hạn như Apple, đứa con cưng đại diện cho sự thành công của công nghệ Mỹ, là công ty có 20% doanh thu năm ngoái đạt được nhờ vào Trung Quốc.
Hoàn cầu Thời báo nói:
“Một số các nước phương Tây đang dùng tới các biện pháp chính trị để chống lại các nỗ lực của Huawei trong việc tiến vào thị trường các nước đó.”
“Việc không đưa được ra các biện pháp cởi mở, có đi có lại, thì đồng nghĩa với việc các công ty của họ sẽ không được hưởng lợi gì từ nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc.”
Ngăn chặn
“Hãy xem,” phân tích gia Dan Ives từ hãng đầu tư Webush nói, “tình thế của giám đốc tài chính Huawei… đó là cọng cỏ nhưng có thể chọc thủng lưng lạc đà.”
Trung Quốc từ lâu nay luôn cảm thấy Hoa Kỳ không công bằng với các hãng công nghệ lớn của Trung Quốc – cụ thể là Huawei, hãng có thể coi là một đối thủ cạnh tranh thực sự với Apple.
Tuy về mặt doanh thu mà nói thì khoảng cách vẫn là rất xa, giữa 266 tỷ đô la của Apple so với dự kiến 100 tỷ đô la của Huawei, nhưng hãng đã có bước nhảy cóc, qua mặt Apple trong lĩnh vực doanh số điện thoại di động thông minh trong thời gian đầu năm nay.
Huawei nay chỉ đứng thứ hai, sau Samsung mà thôi.
Hôm thứ Ba, một tòa án Trung Quốc đã cấm việc bán các đời điện thoại iPhone cũ, là một phần xử lý trong vụ kiện vi phạm bản quyền kéo dài đã lâu giữa Apple và Qualcomm.
Hầu hết các nhà quan sát chuyên về pháp luật đều trông đợi là Trung Quốc sẽ bác đề nghị của Qualcomm trong việc muốn xin lệnh cấm bán.
Huawei: TQ nổi giận vụ Mạnh Vãn Chu bị bắt
TQ yêu cầu Canada thả Phó chủ tịch Huawei
Mạnh Vãn Chu là ai và sao không mang họ bố?
Không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa hành động trên với cuộc tranh cãi Huawei.
Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh vụ bắt giữ bà Mạnh và cuộc tranh cãi đang diễn ra trong vấn đề biểu thuế quan thì có thể coi đây là bước đi nhằm phô trương sức mạnh của Trung Quốc.
Câu chuyện về sự thành công thực sự của Huawei không đến từ điện thoại thông minh mà từ các thiết bị khiến chúng trở nên đáng giá. Huawei đã tự đặt mình vào vị trí hãng được lựa chọn trong việc tung ra từng bước công nghệ 5G, tức thế hệ mới của mạng điện thoại di động.
Nói một cách đơn giản, nếu Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ kiềm tỏa một cách không công bằng cơ hội để Huawei trở thành một thế lực quan trọng trong cuộc chơi 5G, thì Bắc Kinh có thể trả đũa và Apple sẽ cảm nhận được sức mạnh của cú đánh này.
“Điều cuối cùng mà các nhà đầu tư công nghệ muốn thấy là tin về giám đốc tài chính của Huawei,” ông Ives nói.
“Nó thổi bùng lên ngọn lửa cho cuộc trả đũa thêm nữa.”
Phản đối nhẹ nhàng
Ông Ives nói rằng Apple hẳn phải cảm thấy như đã có một ‘hồng tâm’ – đích ngắm – nằm ngay trên lưng mình.
Wedbush ước tính 350 triệu iPhones đang được sử dụng trên toàn thế giới hiện sắp tới lúc người dùng muốn nâng cấp, trong đó có chừng 70 triệu người ở Trung Quốc.
“Quý vị đang nói về một phần tư lượng tăng trưởng trong thời gian ba, bốn năm tới, là phần sẽ đến từ Trung Quốc.”
Ngay cả khi không có sự can thiệp chính thức thì doanh thu của Apple tại Trung Quốc cũng vẫn có thể bị ảnh hưởng.
Bên ngoài tòa án ở Vancouver, các thành viên của công động người Hoa tại thành phố này đã tỏ rõ thái độ. Họ mang theo các biển ghi “Trả tự do cho bà Mạnh” và nói với các phóng viên rằng họ thấy Mỹ đang bắt nạt Huawei, và trong mức độ nào đó là bắt nạt cả Trung Quốc.
Và theo các thư nội bộ mà Yahoo News có được thì một số các công ty Trung Quốc đã có bước đi nhằm khuyến khích nhân viên của họ sử dụng sản phẩm của Huawei thay vì của Apple.
Đôi bên cùng có lợi
Nhưng có một khía cạnh mà sự thành công của Apple tại Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc hãng thoát khỏi cơn thịnh nộ của Bắc Kinh – ngay cả nếu như bà Mạnh bị dẫn độ sang Mỹ, và thậm chí bị bỏ tù.
Apple đương nhiên sẽ không chỉ bán sản phẩm sang Trung Quốc mà còn sản xuất tại đó. Trong 2017, Apple ước tính đã tạo ra 4,8 triệu công ăn việc làm tại Trung Quốc thông qua các mảng sản xuất, bán lẻ, phân phối, chưa kể còn hoạt động phát triển phần mềm nữa.
Hơn nữa, hãng đã mở các trung tâm nghiên cứu tại Trung Quốc, là nơi đem đến cơ hội cho các sinh viên mới tốt nghiệp ưu tú nhất của nước này.
https://www.bbc.com/vietnamese/business-46522481
Mỹ sẽ không kéo dài
“giai đoạn đình chiến thương mại” với TQ
Chính phủ Mỹ khẳng định sẽ không kéo dài “giai đoạn đình chiến thương mại” với Trung Quốc do vụ Huawei.
Chính phủ Mỹ mới đây bác bỏ những bình luận cho rằng, vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Công nghệ Huawei, bà Mạnh Vãn Chu có thể gây tác động xấu tới các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc. Bất chấp thỏa thuận “đình chiến thương mại” đạt được hồi tuần trước, quan hệ giữa hai nước bất ngờ căng thẳng trở lại những ngày qua do vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu và hôm qua đã leo lên một nấc thang mới sau khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh để phản đối.
Trả lời phỏng vấn hãng tin CBS, khi được hỏi về tác động của vụ việc đối với các cuộc đàm phán thương mại, Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 9/12 nhấn mạnh, vụ việc thực sự không gây tác động. Bởi theo ông, đây là một vụ án hình sự, hoàn toàn tách biệt với công việc của ông, cũng như của những người đang làm việc về chính sách thương mại.
Tuy nhiên, mặt khác, nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Mỹ cũng tỏ ra khá cứng rắn khi tuyên bố, nước này không có ý định gia hạn thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày đạt được hồi tuần trước giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo ông, đây là một thời hạn và trong các cuộc thảo luận, ông và Tổng thống Trump cũng không đề cập tới việc đi xa hơn thời hạn này và nếu có, một thỏa thuận phải đạt được trong khoảng thời gian 90 ngày này. Theo ông, thời điểm mà Mỹ chỉ hài lòng với những lời hứa mà không cần đi kèm với những hành động cụ thể như trong suốt 25 năm qua đã không còn nữa. Mỹ đang chờ đợi những bước tiến “hữu hình”.
Tuyên bố đưa ra trong bối cảnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua đã triệu tập Đại sứ Mỹ Terry Branstad tại nước này nhằm phản đối vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn viễn thông Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, đồng thời yêu cầu Mỹ rút lại yêu cầu dẫn độ.
Việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, diễn ra hôm 1/12 vừa qua theo yêu cầu của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phía Trung Quốc. Tòa án Canada dự kiến ngày 10/12 (giờ Mỹ) sẽ ra phán quyết cuối cùng liệu sẽ thả tự do hay tạm giam cho vị nữ Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Huawei này. Phía Mỹ cáo buộc bà Mạnh Vãn Chu đã có các hành vi gian lận nhằm tránh né các lệnh trừng phạt của Mỹ chống Iran.
Trong một thông cáo phát đi ngay sau cuộc thảo luận giữa Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành và Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ, nước này phản đối mạnh mẽ vụ bắt giữ này và hối thúc Mỹ tôn trọng lập trường chính đáng của Trung Quốc.
Thứ trưởng Ngoại giao Lạc Ngọc Thành đồng thời nhấn mạnh, Mỹ đã vi phạm các quyền hợp pháp, cũng như lợi ích của công dân Trung Quốc và bản chất của sự vi phạm này là cực kỳ nghiêm trọng. Đây cũng là lập trường được Chính phủ Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh trong những ngày qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết, “Chúng tôi bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về các báo cáo. Chính phủ Trung Quốc luôn khuyến khích các công ty Trung Quốc tuân thủ các nguyên tắc thị trường và quy tắc quốc tế trong khi tiến hành đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp địa phương. Cả Canada và Mỹ đều không cung cấp cho Trung Quốc bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm bất kỳ quy định luật pháp nào ở hai quốc gia đó. Trung Quốc luôn bảo vệ các quyền hợp pháp của người nước ngoài ở Trung Quốc theo luật pháp và tất nhiên ở Trung Quốc, họ cũng nên tôn trọng luật pháp và quy tắc của Trung Quốc”.
Như một bước đi nhằm làm dịu căng thẳng, Cố vấn kinh tế Nhà trắng Larry Kudlow lại tỏ ra khá thận trọng khi khẳng định, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không được thông báo về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vào thời điểm ông có cuộc thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 1/12 vừa qua tại Argentina.
Theo các nhà phân tích, phản ứng của chính phủ Mỹ những ngày qua liên quan tới vụ bà Mạnh Vãn Chu cho thấy nước này dường như đang dự tính sẽ áp dụng nguyên tắc thận trọng nổi tiếng của cựu Tổng thống Ronald Reagan trong các cuộc đàm phán về giải giáp hạt nhân với Liên bang Xô-viết trước đây hay còn gọi là nguyên tắc “Tin tưởng nhưng có sự kiểm chứng”.
Dù hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc đều phủ nhận những tác động vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu đối với quan hệ thương mại giữa hai nước, song rõ ràng vụ việc dường như lại đang trở thành một “quân bài mặc cả” trên bàn đàm phán Mỹ-Trung
Mỹ ra hạn chót cho thỏa thuận thương mại với TQ
Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer vừa khẳng định rằng, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc phải thành công trước ngày 1-3-2019 hoặc nhiều biện pháp thuế quan mới sẽ được áp đặt.
Ông Lighthizer nhấn mạnh hạn chót cho thỏa thuận thương mại với Trung Quốc là không thể thay đổi
“Như tôi biết thì ngày 1-3 là một giới hạn cứng. Khi tôi nói chuyện với Tổng thống Trump, ông ấy không bao giờ nói rằng đàm phán sẽ vượt quá tháng 3”, ông Robert Lighthizer trả lời câu hỏi của phóng viên vào hôm 9-12 về việc chính quyền Washington có dự định trì hoãn đánh thuế thêm để tạo điều kiện cho đối thoại diễn ra với Bắc Kinh hay không.
Ông Lighthizer đã được Tổng thống Trump chỉ định là người dẫn đầu đàm phán thương mại với Trung Quốc. Ông là người được đánh giá có quan điểm vô cùng cứng rắn vấn đề thương mại và hứa hẹn có thể giúp Tổng thống Trump đạt được một số mục tiêu.
Sau cuộc gặp vào hôm 1-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cùng đồng ý tạm thời hoãn các biện pháp đánh thuế và bắt đầu ngay đàm phán cấp cao nhằm giải quyết các vấn đề bất đồng trong thương mại.
Mặc dù Tổng thống Trump vẫn quyết định, áp đặt thuế thêm 10% lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc bắt đầu từ 1-1-2019, nhưng con số này đã giảm từ mức 25% như kế hoạch ban đầu.
Nếu Trung Quốc không thể giải quyết vấn đề tranh chấp thương mại trong 90 ngày, Mỹ mới nâng thuế từ 10% lên 25% đối với các hàng hóa kể trên.
Mỹ mong chờ đàm phán với Trung Quốc sẽ mang tới sự thay đổi căn bản liên quan đến vấn đề bảo vệ an ninh mạng, chuyển giao công nghệ, sự bảo hộ của chính phủ với doanh nghiệp nội địa và quyền sở hữu trí tuệ.
http://biendong.net/doc-bao-viet/25212-my-ra-han-chot-cho-thoa-thuan-thuong-mai-voi-tq.html
Cái chết bí ẩn của nhà khoa học Mỹ gốc Hoa
có liên quan đến “Kế hoạch ngàn người” của TQ
Đúng vào hôm “Công chúa Huawei” Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ tại Canada cũng xảy ra vụ việc Trương Thủ Thịnh (Shou Cheng Zhang), nhà vật lý người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng là “Người Hoa gần với giải Nobel vật lý nhất”, đồng thời là nhà đầu tư mạo hiểm bất ngờ nhảy lầu tự sát tại Mỹ ở tuổi 55.
Việc nhà vật lý tài năng Trương Thủ Thịnh nhảy lầu tự sát gây nên nhiều tranh cãi, đồn đoán khác nhau…
Việc ông Thịnh trước đây tham gia “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc và tin đồn tiếp xúc với công ty Huawei. Thông tin ông chết lại được công bố cùng ngày với việc Mạnh Vãn Chu bị bắt đã phủ bóng mây nghi vấn lên cái chết bất thường này.
Ngày 6.12, trường Đại học Stanford và người thân của Trương Thủ Thịnh đều đã xác nhận tin ông qua đời. Người nhà ông nói trong một văn bản tuyên bố, Trương Thủ Thịnh đã bất ngờ qua đời hôm 1.12 sau một thời gian chống chọi với chứng trầm cảm.
Trương Thủ Thịnh sinh năm 1963 tại Thượng Hải, 15 tuổi đã vào học tại khoa Vật lý, Đại học Phục Đán; 17 tuổi được cử sang CHLB Đức học, cùng năm qua Mỹ học nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại phân hiệu Stony Brook University trực thuộc Đại học bang New York; người trực tiếp hướng dẫn là Giáo sư Dương Chấn Ninh, người đã đoạt giải Nobel về Vật lý. Năm 1987 ông lấy được bằng Tiến sĩ, năm 1993 ông được Đại học Stanford mời giảng dạy tại khoa Vật lý, hai năm sau thì trở thành Giáo sư suốt đời của khoa này ở tuổi 32.
Những thành tựu xuất sắc của Trương Thủ Thịnh về Vật lý Lượng tử đã đưa ông trở thành người nổi tiếng trên quốc tế, Năm 2007, Tạp chí “Science” của Mỹ coi thành quả nghiên cứu của ông và đồng nghiệp là một trong “10 thành tựu lớn mang tính đột phá quan trọng toàn cầu”.
Đó là chứng minh được giả thiết về hạt fermion của nhà vật lý Ettore Majorana mà các nhà vật lý vất vả tìm kiếm trong suốt 80 năm trước đó. Trương Thủ Thịnh đã đặt tên cho loại hạt bí ẩn mà ông tìm thấy là “Hạt Thiên sứ”.
Trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học của mình, Trương Thủ Thịnh đã được nhận tất cả các giải thưởng lớn về Vật lý, chỉ ngoại trừ giải Nobel. Trương Thủ Thịnh là Viện sỹ Viện Mỹ thuật và Khoa học Mỹ (American Academy of Arts and Sciences), Viện sỹ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ
(United States National Academy of Sciences, NAS), Viện sỹ quốc tich nước ngoài Viện Khoa học Trung Quốc.
Giáo sư Dương Chấn Ninh, người đã nhận giải Nobel Vật lý từng nhận xét về người học trò của ông: “Đối với cậu ấy, việc được nhận giải Nobel chỉ còn là vấn đề thời gian”.
Những thành tựu của ông Trương Thủ Thịnh được chính phủ Trung Quốc chú ý, năm 2009 ông được lựa chọn tham gia “Kế hoạch ngàn người” – tức kế hoạch du nhập nhân tài từ nước ngoài về của Trung Quốc.
Ông được Đại học Thanh Hoa mời về làm đồng Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Khoa học và công nghệ Lượng tử, nhiều lần được các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp và biểu dương. Tháng 1.2018, Trương Thủ Thịnh đã được trao Giải thưởng Khoa học kỹ thuật quốc gia năm 2017 với sự có mặt của các ông Tập Cận Bình, Lý Khắc Cường…
Năm 2012, phát biểu tại Diễn đàn thế kỷ của Đại học Thanh Hoa, Trương Thủ Thịnh nhớ lại chặng đường phát triển của ông: “Năm 2008, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy “Kế hoạch ngàn người”, cá nhân tôi rất vinh hạnh khi gặp được cơ hội như thế.
Nhớ lại năm 1978, hồi đó bắt đầu khôi phục thi đại học, thực hiện Cải cách mở cửa; tôi chưa học Cao trung (tức Trung học Phổ thông) vẫn thử tham gia dự thi và đã đỗ ngay. Sau đó, Trung Quốc bắt đầu cử lưu học sinh đi du học, tôi chọn được đào tạo dài hạn tại Đại học Berlin. Sau đó tôi giảng dạy tại Đại học Stanford, vẫn luôn nhớ đến sự phát triển của đất nước.
Khi mà Trung Quốc cần dùng khoa học kỹ thuật để thúc đẩy phát triển thì “Kế hoạch ngàn người” được triển khai, đã cho tôi một cơ hội mới; sự giao lưu học thuật của tôi với các đồng nghiệp trong nước ngày càng rộng mở và dày hơn”.
Gần đây, “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc gây nên sự chú ý và lo ngại của các giới quốc phòng, tình báo và học thuật Mỹ. Họ chỉ trích đây là bộ phận quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm chuyển nhượng, sao chép để cuối cùng đuổi kịp và vượt Mỹ về quân sự, công nghệ…Mục tiêu của họ là thúc đẩy việc di chuyển công nghệ và bản quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ tới Trung Quốc một cách hợp pháp và cả phi pháp.
Năm 2013, Trương Thủ Thịnh và nhà Vật lý người Anh Stephen Hawking đã được trao Giải thưởng Vật lý cơ sở. Sau khi được nhận giải, ông đã phát biểu trên đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV): “Tôi cũng là người đặc biệt tán thành tư tưởng Giấc mộng Trung Hoa do Chủ tịch Tập Cận Bình đề ra”.
Ông đã cho các phóng viên xem bức ảnh ông và một học giả trẻ người Trung Quốc chụp chung với Giáo sư Dương Chấn Ninh. Ông nói, 3 thế hệ học giả có bối cảnh và cuộc sống khác nhau, “nhưng chúng tôi đều có chung một giấc mộng”.
Trương Thủ Thịnh không nói rõ thêm “giấc mộng chung” đó là gì, nhưng mọi người đều hiểu đó chính là “Giấc mộng Trung Hoa”, thực hiện “phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” mà ông Tập Cận Bình đã không ngần ngại nói ra. “Giấc mộng” đó bị các học giả phương Tây giải thích là “Chiến lược bí mật để Trung Quốc thay thế Mỹ bá chủ toàn cầu”.
Cũng năm 2013, Trương Thủ Thịnh và Cốc An Giai – một học trò của ông ở Đại học Stanford cùng nhau sáng lập ra quỹ đầu tư mang tên Danhua Capital. Công ty đầu tư mạo hiểm này đặt ở Silicon Valley, có số vốn ban đầu là 434,5 triệu USD, đầu tư cho hơn 100 công ty startup có tiềm năng nhất ở Mỹ, phần lớn trong các lĩnh vực nhạy cảm trí tuệ nhân tạo (AI), người máy, số liệu và blockchain.
Báo chí Trung Quốc công khai đưa tin, đứng sau quỹ Danhua Capital là Tập đoàn phát triển Trung Quan Thôn của Trung Quốc – một công ty quốc doanh được chính quyền thành phố Bắc Kinh tài trợ. Năm 2006, một Trung tâm sáng tạo Trung Quan Thôn – Silicon Valley diện tích 7 ngàn mét vuông đã được khánh thành tại thành phố Santa Clara, tiểu bang California.
Sự thâm nhập của Trung Quốc vào Silicon Valley đã khiến các giới ở Mỹ chú ý. Hồi tháng 6.2018, hãng Reuters đưa tin, hơn 20 công ty đầu tư mạo hiểm ở Silicon Valley đã có mối quan hệ mật thiết với các quỹ của chính phủ hoặc công ty quốc doanh của Trung Quốc.
Hồi tháng 11, bản ‘Báo cáo điều tra Khoản 301 cập nhật” của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) nói, có chứng cứ cho thấy chính phủ Trung Quốc đã lợi dụng một loạt công ty đầu tư mạo hiểm (Venture Capital) ở Silicon Valley và một số trung tâm công nghệ để tạo thành một mạng lưới.
Đầu tư và các hoạt động liên quan của họ nhằm thúc đẩy thêm mục tiêu chính sách của chính phủ Trung Quốc trong giới doanh nhân. Báo cáo đã nêu đích danh tên Danhua Capital là một trong số các công ty lợi dụng đầu tư mạo hiểm để giúp chính phủ Trung Quốc có được các công nghệ mũi nhọn và bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan của Mỹ.
Tiến sĩ Điền Nguyên, một bình luận viên thời sự người Hoa cho rằng, “Kế hoạch ngàn người” của Trung Quốc gắn kết các nhà khoa học gốc Hoa với Bắc Kinh, đương nhiên bị người Mỹ chú ý. Một ví dụ điển hình là Trung tâm Y học Tây Nam của Đại học University of Texas: có ít nhất 4 giáo sư gốc Hoa tham gia “Kế hoạch ngàn người” đã bị điều tra, bị sa thải thoặc bị buộc từ chức.
Ông Điền Nguyên nói, Danhua Capital của Trương Thủ Thịnh bị chính phủ Mỹ điều tra, thậm chí “Báo cáo 301” còn trực tiếp điểm tên, nói quỹ đầu tư này là “lô cốt đầu cầu” của Trung Quốc ở Đại học Stanford và Silicon Valley, chuyên thu thập những công nghệ mà Trung Quốc đang cần.
Ông nhấn mạnh, “Kế hoạch ngàn người” bị coi là sự xâm thực các nhà khoa học người Hoa ở nước ngoài; chỉ cần có tên trong “Kế hoạch ngàn người” là về cơ bản đã trở thành đối tượng điều tra hàng đầu của FBI.
Ông nói: “Chỉ cần người nào tham gia “Kế hoạch ngàn người” là về cơ bản đã đối mặt với áp lực từ hai phía:một là từ phía chính phủ Mỹ và một đến từ phía Trung Quốc. Họ biệt đãi anh và quyết không để anh không có sự báo đáp lại”.
Ngày 6.12, nhiều báo chí Trung Quốc khi đưa tin Trương Thủ Thịnh qua đời đều thống nhất nói là do “mắc chứng trầm cảm”; tuy nhiên trên các diễn đàn mạng xã hội ở bên trong Trung Quốc và hải ngoại lại lan truyền các thông tin khác hẳn.
Có tin nói ông Trương Thủ Thịnh do đầu tư thất bại, đã tự sát vì không chịu nổi trách nhiệm. Lại có tin nói do ông đang bị FBI điều tra. Nhiều người chú ý đến sự trùng hợp: hôm ông Trương Thủ Thịnh tự sát cũng chính là ngày bà Mạnh Vãn Chu – Phó chủ tịch, CFO của Huawei bị bắt giữ tại Canada.
Có nguồn tin nói, 1 ngày trước đó hai người còn tham dự hoạt động bên lề Hội nghị cấp cao G20 tại Buenos Aires. Lại có tin nói, năm ngoái ông Trương Thủ Thịnh đã tiếp xúc với giới chức lãnh đạo Huawei tại Thâm Quyến để thương lượng chuyện hợp tác với nhau…
Về vụ này, tin công khai trên báo chí cho biết, ngày 1.4.2017, trong thời gian tham dự Hội nghị cấp cao IT tại Thâm Quyến, Trương Thủ Thịnh đã gặp gỡ Dư Thừa Đông, Chủ tịch Công ty Trung Đoan trực thuộc Tập đoàn Huawei. Vụ này được coi là hai bên bàn chuyện hợp tác chế tạo chip bán dẫn.
Đủ mọi tin đồn xung quanh Trương Thủ Thịnh chưa được xác nhận; có lẽ chúng sẽ mãi mãi trở thành điều bí ẩn không thể được làm sáng tỏ đi theo cái chết đột ngột của ông.
Nàng phó chủ tịch Huawei và bàn cờ Mỹ-Trung
Chưa biết vụ bắt “công chúa Hoa Vi” là do vô tình hay cố ý, người ta ngờ phái diều hâu đạo diễn vụ này để làm Tập Cận Bình mất uy tín và mắc kẹt.
Trong bài ”Mỹ-Trung tại Buenos Aires: Chiến tranh hay hòa hoãn?”, tôi có viết là còn quá sớm để Mỹ-Trung thực sự hòa hoãn nên sẽ “vừa đánh vừa đàm”.
Lúc đó, tôi không biết trong khi Donald Trump và Tập Cận Bình còn đang đàm phán về “thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày” tại Buenos Aires (1/12/2018) thì cảnh sát Canada vừa bắt giữ “công chúa Hoa Vi” (Huawei) tại sân bay Vancouver, theo yêu cầu của Bộ Tư pháp Mỹ (để dẫn độ về Mỹ).
Vừa đánh vừa đàm
Nếu đặt hai sự kiện trên trong bối cảnh tầm nhìn mới về an ninh và chiến lược (NSS & NDS), ta càng thấy rõ bức tranh “vừa đánh vừa đàm” giữa hai siêu cường (cả nghĩa đen và nghĩa bóng), và càng hiểu rõ cuộc chiến thương mại chỉ là “bề nổi của tảng băng chìm”.
Những góc khuất của đối đầu Mỹ-Trung đang lộ rõ, như các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể đang nhắm vào Trung Quốc, từ “hợp tác” nay trở thành “đối thủ chiến lược số một”.
Vậy “công chúa Hoa Vi” là ai?
Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) không chỉ là CFO và Phó chủ tịch của tập đoàn Hoa Vi, mà còn là con gái và người thừa kế ông chủ Hoa Vi là tỷ phú Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei).
Đến nay, Bộ Tư pháp Mỹ và Canada vẫn chưa nói rõ lý do thực sự để họ bắt Mạnh Vãn Chu, mà chỉ thông báo rằng Hoa Vi đã sử dụng Skycom là một công ty con để lẩn tránh lệnh trừng phạt của Mỹ (từ 2009 đến 2014).
Theo luật sư của bà Mạnh, một toà án tại New York đã có trát bắt Mạnh Vãn Chu từ ngày 22/8/2018. Vì vậy, việc bà Mạnh bị bắt khi đang quá cảnh tại sân bay Vancouver (1/12/2018) không phải là đột xuất, chứng tỏ các cơ quan an ninh của Mỹ và Canada đã theo dõi và lên kế hoạch bắt từ lâu rồi.
Ngay từ năm 2012, Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã có báo cáo khuyến nghị không nên để Huawei và ZTE tiếp cận mạng viễn thông Mỹ, vì liên quan đến an ninh quốc gia.
Sau khi ZTE bị Mỹ cấm vận và phạt nặng nên suýt phá sản (6/2018), mục tiêu tiếp theo là Hoa Vi (còn lớn hơn cả ZTE).
Vụ bắt giữ bà Mạnh tuy hơi bất ngờ vì thời điểm nhạy cảm, nhưng không phải ngẫu nhiên.
Câu chuyện về Mạnh Vãn Chu và Hoa Vi không chỉ về thương mại mà còn liên quan đến an ninh quốc gia.
Ngoài Mỹ, Australia và Newzealand đã cấm sử dụng công nghệ của Hoa Vi (cho mạng 5G), trong khi Canada và Nhật đang làm tương tự.
John Bolton (Cố vấn An ninh quốc gia) nói với đài NPR (6/12/2018) là ông biết trước về vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu, nhưng không nói rõ Tổng thống Donald Trump có biết không (chắc chỉ có Chúa mới biết).
Dù Donald Trump (hay các cố vấn diều hâu) có ý định phá thỏa thuận thương mại với Trung Quốc vào lúc này hay không, thì vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu có thể làm tổn thương quá trình đàm phán, với những hệ lụy to lớn (potentially huge implications) và là dấu hiệu chính quyền Donald Trump sẵn sàng chơi rắn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn làm ăn với Iran.
Theo Bloomberg (7/12/2018) nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung đổ vỡ thì Trung Quốc sẽ tổn thất nhiều hơn hệ quả của vụ Mạnh Vãn Chu bị bắt.
Donald Trump đã cảnh báo sẽ tăng thuế lên 25% đối với $200 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong 90 ngày (kể từ 1/12/2018).
Nếu Donald Trump áp thuế 25% lên toàn bộ hàng nhập từ Trung Quốc ($517 tỷ), thì tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm 1,5% (chỉ còn 5%).
Trong khi chính phủ Canada vẫn chưa tiết lộ các chi tiết có liên quan về vụ này, thời điểm bắt giữ Mạnh Vãn Chu rất nhạy cảm nên đã gây chấn động dư luận, làm thị trường chứng khoán tụt dốc.
Ngay sau khi có tin này, chỉ số Hong Kong index giảm 2,5% và Tokyo stocks giảm 1,9%.
Ngừng bắn tạm thời
Trước hết, để tránh nhầm lẫn khái niệm “ngừng bắn tạm thời” là dừng đánh thuế mới và chưa tăng lên 25%, như “hưu chiến” (truce) để đàm phán (và nghỉ Tết), chứ không phải “đình chiến” (ngừng bắn hẳn, để chấm dứt chiến tranh).
Thứ hai, “ngừng bắn tạm thời” chỉ liên quan đến thương mại (đánh thuế), như “phần nổi của tảng băng chìm”, trong khi Mỹ-Trung đang xung đột trên nhiều lĩnh vực.
Thứ ba, thời hạn 90 ngày chỉ là “hoãn binh” (chiến thuật), vì quá ngắn để Trung Quốc chuyển đổi cơ cấu (structural changes) như Mỹ đòi hỏi.
Thứ tư, Mỹ và Trung Quốc không phải là “trâu bò đánh nhau” mà là khủng long nên khó thay đổi.
Thỏa thuận ngừng bắn chỉ là một bước “hoãn binh” trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung đang leo thang, khi cả hai bên đều cần một thỏa thuận (dù tạm thời) để đối phó với những vấn đề nội bộ.
Trong khi Donald Trump chịu sức ép từ một số bang (trồng đậu tương) và thị trường chứng khoán dao động, Tập Cận Bình cũng cần hoãn binh để giải quyết một số vấn đề cấp bách trong nước.
Vì vậy, hai bên đã giải thích khác nhau về thỏa thuận này, tuy tại bàn đàm phán họ tránh cãi nhau làm đầu độc bầu không khí đối thoại (như tại hội nghị thượng đỉnh APEC).
Nhưng còn quá sớm để hai bên có thể giải quyết các vấn đề về cơ cấu nên trước mắt cuộc chiến Mỹ-Trung chủ yếu vẫn là “vừa đánh vừa đàm” (về chiến thuật), trong khi “đối đầu” (về chiến lược).
Kết quả cuộc gặp Donald Trump-Tập Cận Bình bên lề G-20 (1/12/2018) là “thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày” để đàm phán tiếp, làm nhiều người lạc quan và hy vọng.
Thị trường chứng khoán đã đảo chiều đi lên, Dow Jones Industrial Average tăng 425 điểm (hôm 3/12).
Hàng ngàn doanh nghiệp tại Trung Quốc có kế hoạch chuyển sang Việt Nam, nay quyết định hoãn lại vì hy vọng.
Tuy nhiên, nhiều người khác vẫn hoài nghi cho rằng nếu Trung Quốc không thay đổi trong 15 tháng qua thì làm sao có thể thay đổi trong 3 tháng tới.
Nhưng sau khi có tin “công chúa Hoa Vi” Mạnh Vãn Chu vừa bị bắt giữ tại Vancouver, chứng khoán lại đảo chiều đi xuống.
Theo báo chí Mỹ, Robert Lighthizer vừa được Donald Trump chỉ định cầm đầu đoàn đàm phán với Trung Quốc.
Mặc dù quyết định này không đáng ngạc nhiên, nhưng chắc làm Bắc Kinh đau đầu, vì Lighthizer vừa có quan điểm cứng rắn vừa rất chuyên nghiệp.
Quan điểm của Lighthizer rất dứt khóat: “Chúng ta phải đưa mọi thứ quay trở về vạch xuất phát, loại bỏ các rào cản về cấu trúc đồng thời buộc phải mở cửa thị trường tự do cho thương mại”.
Báo cáo điều tra của văn phòng Lighthizer (từ 8/2017 đến 3/2018) là chỗ dựa cho chiến tranh thương mại và danh sách 142 điểm mà Mỹ yêu cầu Trung Quốc đáp ứng.
Cách đây mấy tuần, văn phòng Lighthizer đã có báo cáo cập nhật, với kết luận rằng Trung Quốc chưa làm gì để cải thiện tình hình.
Theo Larry Kudlow (Cố vấn kinh tế) Lighthizer rất “cảnh giác” (vigilant), nhưng hy vọng câu chuyện sẽ “kết thúc có hậu” (happy ending). (Trump names hard liner Lighthizer to be vigilant in China talks, Megan Casella & Catlin Oprysko, Politico, December 3, 2018).
Theo Peter Navarro, “sau 90 ngày, chúng ta phải đạt được những thay đổi thực sự về cấu trúc dẫn đến kết quả lập tức và kiểm chứng được”. Đó là yêu cầu quá cao trong thời gian quá ngắn.
Tuy Navarro không chống lại thỏa thuận ngừng bắn tạm thời (1/12/2018), nhưng trong đàm phán sắp tới, quan điểm cứng rắn của Lighthizer và Navarro là thách thức và trở ngại đối với Bắc Kinh (như “deal breaker”).
Trong khi đó, Steven Mnuchin (Bộ trưởng Tài chính, thuộc phái ôn hòa) vẫn tỏ ra lạc quan, cho rằng lần này khác trước vì Donald Trump và Tập Cận Bình đã thỏa thuận cụ thể. Bây giờ nhiệm vụ của đoàn đàm phán là biến thỏa thuận thành thực tế.
Đối đầu trong hợp tác
Nếu đối đầu Mỹ-Trung là một xu thế mới thì chắc nó sẽ kéo dài, vì xu thế hợp tác Mỹ-Trung trước đây đã kéo dài hơn bốn thập kỷ.
Jack Ma (ông chủ Alibaba) dự đoán xu thế đối đầu này có thể “kéo dài 25 năm”.
Tầm nhìn chiến lược của Mỹ để kiềm chế Trung Quốc là “Indo-Pacific Tự do và Rộng mở” (FOIP), được hỗ trợ bởi “Bộ tứ” (Quad) gồm bốn cường quốc (Mỹ, Nhật, Úc, Ấn Độ).
Đó là hình thái xung đột giữa chiến tranh thương mại và chiến tranh lạnh, mà Joseph Nye gọi là “đối đầu trong hợp tác” (cooperative rivalry).
Biến chuyển quan trọng nhất trong thế kỷ này là quan hệ Mỹ-Trung từ hợp tác thành đối đầu.
Hợp tác Mỹ-Trung đã chấm dứt từ cuối 2017 khi Mỹ công bố chiến lược mới (NDS) chỉ rõ Trung Quốc là hiểm họa chính. Theo các học giả Mỹ, điều chỉnh chiến lược này là “mãi mãi” (permanent course correction).
Người Mỹ đã mất hai thập kỷ mới tỉnh ngộ và nhận ra mô hình phát triển của Trung Quốc mà họ hỗ trợ nay trở thành Frankenstein (lời Nixon), chứ không phải một cường quốc dân chủ có trách nhiệm “trỗi dậy trong hòa bình”, như họ mong đợi. Đó là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử tình báo Mỹ (theo Michael Pillsbury).
Sau bài diễn văn của Donald Trump tại Liên Hợp Quốc (26/9/2018) lên án Trung Quốc, Phó tổng thống Mike Pence đã đọc một bài diễn văn quan trọng về Trung Quốc (dài 40 phút) tại Hudson Institute (4/10/2018) như một kiểu “tuyên bố chiến tranh” với Trung Quốc.
Nếu đọc kỹ, bài diễn văn của Mike Pence phản ánh một số ý tưởng đã được đề cập trong cuốn sách của giáo sư Michael Pillsbury (Hudson Institute).
Pillsbury đã dành nhiều năm nghiên cứu kỹ về Trung Quốc trước khi viết cuốn sách “The Hundred-Year Marathon: China’s secret strategy to replace America as the global superpower” (Michael Pillsbury, Holt, 2015).
Cuốn sách của Pillsbury đã trở thành “ngôi sao dẫn đường” (lodestar) cho những người trong Nhà Trắng, để tìm cách đối phó với thách thức của Trung Quốc.
Theo Pillsbury, đối đầu Mỹ-Trung là do mâu thuẫn giữa lập trường của Trump muốn “Mỹ vĩ đại trở lại” với học thuyết của Tập Cận Bình muốn Trung Quốc hiện đại hóa theo “Tư tưởng Tập Cận Bình”.
Pillsbury nhìn thấy nội bộ lãnh đạo Trung Quốc cũng đầy mâu thuẫn, nên khuyên Trump vận dụng điều đó có lợi cho Mỹ.
Tuy quan điểm của Pillsbury thuộc phái “diều hâu”, nhưng thái độ lại “bồ câu” nên ông có quan hệ tốt với nhiều người Trung Quốc. (A China Hawk Gains Prominence as Trump Confronts Xi on Trade, Alan Rappeport, Washington Post, November 30, 2018).
Gần đây, Hoover Institute (Standford University) đã phối hợp với Asia Society và George Washington University, nghiên cứu và xuất bản một báo cáo khá toàn diện, phân tích những hoạt động của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực quan trọng tại Mỹ và một số nước khác.
Đây là một tài liệu nghiên cứu công phu (thực hiện trong hơn một năm) về các thách thức của Trung Quốc, do một nhóm (working group) gồm 33 chuyên gia hàng đầu của Mỹ và một số nước khác tham gia.
Tuy hầu hết các chuyên gia này trước đây ủng hộ hợp tác với Trung Quốc (bằng Constructive Engagement), nhưng nay họ đề xuất phải “cảnh giác để kiến tạo” (Constructive Vigilance). (Chinese Influence & American Interests: Promoting Constructive Vigilance, Report by Hoover Institution, Stanford, November 29, 2018).
Theo SCMP (7/12/2018), tuy nhiều người Trung Quốc bức xúc về vụ bắt “công chúa Hoa Vi” tại sân bay Vancouver, nhưng một số khác tỏ ra ôn hòa và khôn ngoan hơn, khuyên Tập Cận Bình nên tách biệt vụ này với quá trình đàm phán thương mại Mỹ-Trung trong 3 tháng tới (hệ trọng hơn nhiều).
Nếu không giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của vụ “công chúa Hoa Vi”, nó sẽ trở thành cái bóng đen ám ảnh bàn cờ Mỹ-Trung.
Tuy chưa biết vụ này là do vô tình hay cố ý, nó phản ánh thế cờ “vừa đánh vừa đàm”. Người ta ngờ phái diều hâu đạo diễn vụ này để làm Tập Cận Bình mất uy tín và mắc kẹt vào “thế lưỡng nan” (catch-22).
Vụ công chúa Hoa Vi đang đe dọa thỏa thuận ngừng bắn và có thể làm “trật đường ray” quá trình đàm phán.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25190-nang-pho-chu-tich-huawei-va-ban-co-my-trung.html
Mỹ chế tài 3 giới chức Triều Tiên vi phạm nhân quyền
Ngày 10/12, Hoa Kỳ chế tài 3 giới chức Triều Tiên, trong đó có một phụ tá cao cấp của lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un vì “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và kiểm duyệt,” Bộ Tài chánh Mỹ nói.
Các chế tài “soi sáng cách đối xử tồi tệ đối với người dân Triều Tiên và để nhắc nhở cách đối xử tàn bạo công dân Mỹ Otto Warmbier,” bộ tài chánh nói trong một thông báo.
Warmbier là một sinh viên Mỹ từ trần vào tháng 6 năm 2017 sau 17 tháng bị giam tại Triều Tiên, làm gia tăng tình hình căng thẳng giữa Bình Nhưỡng và Washington, chính yếu là về chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên.
Hiện chưa rõ liệu quyết định chế tài 3 người đàn ông này có liên hệ gì hay không đến ngoại giao hạt nhân Hoa Kỳ-Triều Tiên, hiện tiến triễn một ít kể từ khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên gặp nhau tại Singapore hồi tháng 6 năm nay.
Bộ Tài chánh xác nhận ba người này là Ryong Hae Choe, một phụ tá thân cận của ông Kim người đứng đầu Cục Hướng dẫn và Tổ chức của Đảng Công nhân Triều Tiên, Bộ trưởng An ninh Kyong Thaek Jong, giám đốc Cục Tuyên truyền và Khích động Triều Tiên, Kwang Ho Pak.
Chế tài phong tỏa tất cả các tài sản của các giới chức này nằm trong phạm vi tài phán của Mỹ và cấm những người này giao dịch với bất cứ người nào tại Mỹ.
Tiến đến cuộc họp thượng đỉnh Trump-Kim, Triều Tiên trả tự do cho 3 tù nhân Mỹ, dù những cuộc thảo luận giữa hai nước đã trì trệ kể từ đó. Tháng trước Triều Tiên cho biết sẽ trục xuất một công dân Mỹ khác hiện bị giam.
Cuộc thảo luận được dự trù vào ngày 8/11 giữa Ngoại trưởng Mike Pompeo và giới chức cao cấp Triều Tiên Kim Yong Chol nhằm mở đường cho một cuộc họp thượng đỉnh thứ hai đã bị hủy bỏ bằng thông báo 24 giờ đồng hồ.
Vào thời điểm đó, Bộ Ngoại giao Mỹ nói cuộc họp được hoãn lại nhưng không cho biết lý do, gây nên những quan ngại là những cuộc thảo luận nhằm tuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân có thể bị đổ vỡ. Bộ Ngoại giao Mỹ nói những cuộc thảo luận có thể được lên lịch trở lại “khi lịch trình của chúng ta cho phép.”
Bà Mạnh Vãn Chu tái hầu tòa ở Canada
Bà Mạnh Vãn Chu, Phó Chủ tịch Huawei, sẽ tái hầu tòa ở thành phố Vancouver vào 11/12, và thẩm phán sẽ đưa ra quyết định cuối cùng xem liệu bà có được tại ngoại hay không trong khi chờ thủ tục dẫn độ, theo hãng tin Reuters.
Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của công ty công nghệ Huawei Trung Quốc, đã bị chính quyền Canada bắt giữ vào ngày 1/12 theo yêu cầu của Hoa Kỳ. Kể từ khi bà bị bắt đến nay, Trung Quốc liên tục chỉ trích việc bà bị giam giữ và yêu cầu trả tự do cho bà ngay lập tức.
Bà Mạnh, 46 tuổi, đối mặt với cáo buộc của Hoa Kỳ rằng bà đã “đánh lạc hướng” các ngân hàng đa quốc gia về việc Huawei kiểm soát một công ty hoạt động ở Iran, khiến các ngân hàng này có nguy cơ bị phạt nặng vì vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran – theo hồ sơ của tòa án.
Lãnh đạo Huawei của TQ bị bắt tại Canada theo yêu cầu của Mỹ
Ông David Martin, Luật sư của Mạnh đã đề nghị ông Liu Xiaozong, chồng bà, làm người bão lãnh cho bà, nhưng thẩm phán và công tố viên nghi ngờ liệu ông Liu có tuân thủ các nghĩa vụ và điều kiện để cho bà Mạnh được tại ngoại hầu tra hay không, vì ông ấy không phải là cư dân của tỉnh British Columbia và sẽ không hề hấn gì nếu bà Mạnh vi phạm các điều kiện tại ngoại.
Trong nỗ lực đưa bà Mạnh ra khỏi nơi tạm giam và để cho bà ở tại hai ngôi nhà sang trọng của bà ở Vancouver, luật sư bào chữa của bà đề xuất tòa sử dụng các thiết bị giám sát công nghệ cao và có an ninh theo dõi bà 24/24 để nhà chức trách an tâm rằng thân chủ của ông ta không bỏ trốn, theo Reuters.
Luật sư của bà cũng đã đề xuất một khoản tiền bảo lãnh tại ngoại 15 triệu đôla Canada ( khoảng 11,3 triệu đôla Mỹ) và cam kết rằng bà Mạnh sẽ giao nộp tất cả hộ chiếu và giấy thông hành cho cảnh sát Canada.
Kể từ khi bà bị bắt, Bắc Kinh luôn yêu cầu phải trả tự do cho bà Mạnh ngay lập tức và đe dọa rằng Canada sẽ nhận “hậu quả.” Các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như không muốn gắn kết việc bà Mạnh bị bắt với vụ tranh chấp thương mại giữa hai nước.
Hôm 11/12, phát biểu tại một diễn đàn ở Bắc Kinh, Uỷ viên Quốc vụ viện Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc, cho biết Trung Quốc luôn theo dõi liên tục về sự an toàn của công dân Trung Quốc ở nước ngoài, mặc dù không đề cập trực tiếp đến trường hợp bà Mạnh.
Truyền hình Trung Quốc trích lời ông Nghị nói: “Đối với bất kỳ hành vi bắt nạt nào mà vi phạm các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Trung Quốc, Trung Quốc sẽ không bao giờ để yên.”
https://www.voatiengviet.com/a/ba-manh-van-chu-tai-hau-toa-o-canada/4695693.html
Lạm phát tại Venezuela
lên đến một triệu phần trăm
Giá tiêu dùng tại Venezuela lên đến 1.300.000% vào tháng 11 năm nay, Quốc hội do phe đối lập kiểm soát cho biết vào ngày 10/12, giữa lúc siêu lạm phát và suy thoái tàn phá quốc gia thành viên của OPEC này.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF trước đây trong năm tiên đoán là lạm phát sẽ lên đến một triệu phần trăm vào năm 2018 và mười triệu phần trăm năm tới. Lạm phát hàng tháng giảm còn 144% vào tháng 11 so với 148% trong tháng trước và 233% trong tháng 9, theo Quốc hội Venezuela.
Tổng thống Nicolas Maduro vào cuối tháng trước nâng lương tối thiểu hàng tháng lên 150% ở mức 4.500 đồng bolivar, ít hơn 10 đô la theo hối suất tại thị trường chợ đen. Người dân than phiền là không thể mua nổi những vật phẩm căn bản dù lương tối thiểu đã tăng 60 lần trong tháng 8.
Quốc hội đã trở thành nguồn dữ liệu về giá tiêu dùng đáng tin cậy kể từ khi chính phủ ngưng công bố những chỉ số kinh tế nhiều năm trước đây khi giá dầu tuột dốc làm cho sinh hoạt sụt giảm. IMF làm áp lực để Venezuela cung cấp cho tổ chức này những dữ liệu kinh tế chính thức, các nguồn tin cho biết hồi tháng trước.
Tổng thống Maduro nói những thống khổ tại Venezuela là do ‘cuộc chiến kinh tế’ do các nhóm lợi ích kinh doanh trong nước và Hoa Kỳ gây nên. Ngược lại, phe chỉ trích vạch ra nguyên nhân là do các chính sách can thiệp của ông Maduro cũng như việc in tiền để tài trợ cho thâm thủng ngân sách trầm trọng do siêu lạm phát và khan hiếm hàng hóa căn bản gây ra.
Hiệp ước Di trú của Liên Hiệp Quốc
được thông qua ở Maroc
Ngày 10/12/2018, hơn 150 quốc gia trên thế giới đã thông qua Hiệp ước Di trú của Liên Hiệp Quốc sau 18 tháng đàm phán khó khăn và gay gắt. Văn kiện này còn chờ được phê chuẩn vào ngày 19/12 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
Hiệp ước Di trú của Liên Hiệp Quốcgiúp tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy di cư an toàn, trật tự và thường xuyên. Như mọi luật pháp quốc tế, Hiệp ước Di trú của Liên Hiệp Quốc phân biệt rõ giữa quy chế tị nạn và quy chế nhập cư. Tuy nhiên, văn bản này tái khẳng định một số nguyên tắc và quy định bảo vệ tất cả những người bị buộc phải di dời dù dưới bất kỳ động cơ nào. Ngoài ra, văn bản cũng nhằm đấu tranh chống tình trạng buôn người.
Phát biểu tại hội nghị, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres trả lời từng điểm thắc mắc của một số nước, đồng thời khẳng định Hiệp ước Di trú không chà đạp chủ quyền của mỗi quốc gia như tin đồn.
Dù không mang tính cưỡng ép, nhưng văn bản này đã bị giới chính trị gia theo khuynh hướng dân túy chỉ trích gay gắt. Khoảng 15 quốc gia thông báo rút khỏi Hiệp ước Di trú Liên Hiệp Quốc. Nhiều đảng theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa ở châu Âu (Ý, Áo, Ba Lan, Hungari, Slovakia…) đã huy động lực lượng phản đối Hiệp ước trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị Viện Liên Hiệp Châu Âu sẽ diễn ra vào tháng 05/2019.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181211-hiep-uoc-di-tru-cua-lien-hiep-quoc-duoc-thong-qua-o-maroc-ok
Những “con ngựa thành Troie”
của Trung Quốc trong Liên Âu
Trên đường về nước sau thượng đỉnh G20 tại Buenos Aires, Achentina, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ghé Bồ Đào Nha. Ngày 05/12/2018, ông đã ký với chủ nhà thỏa thuận gắn kết quốc gia Nam Âu này vào mạng lưới Một Vành Đai, Một Con Đường mà Bắc Kinh đang xây dựng.
Với sự tham gia của Bồ Đào Nha, sáng kiến của Trung Quốc được cho là đã chiếm được một lợi thế quan trọng vì đất nước miền tây nam châu Âu này có một vị trí quan trọng trên cả đường biển lẫn đường bộ, cho phép Trung Quốc dễ dàng tỏa ngược lên toàn bộ châu Âu.
Bồ Đào Nha là “chiến lợi phẩm” mới nhất mà Bắc Kinh chính thức giành được trong nỗ lực mở rộng ảnh hưởng tại Liên Hiệp Châu Âu, với việc Lisboa hầu như phớt lờ các mối quan ngại càng lúc càng nhiều tại Bruxelles trước các khoản đầu tư to lớn của Trung Quốc vào các lãnh vực chiến lược của châu Âu như hải cảng, vận tải, năng lượng, công nghệ…, sợ rằng an ninh châu Âu có thể bị tác hại, công nghệ và phát minh của châu Âu bị đánh cắp.
Trong một bài phân tích ngày 08/12/2018 đăng trên trang blog của Atlantic Council, một trong những think tank rất có uy tín tại Hoa Kỳ trong lãnh vực quan hệ quốc tế, Frederick Kempe, chủ tịch trung tâm nghiên cứu này, đã nêu bật một khía cạnh mà cho đến nay ít được chú ý tới: Đó là việc Trung Quốc đã bắt đầu có được năng lực lèo lái một số chính sách của Liên Hiệp Châu Âu đi theo hướng có lợi cho Bắc Kinh, thông qua một số quốc gia thân hữu.
Trước tiên hết, theo chuyên gia Kempe, sự hào phóng ngày càng tăng của Trung Quốc đối với một số nước châu Âu gặp khó khăn tài chánh như Hungary và Hy Lạp đã giúp cho Bắc Kinh có ảnh hưởng ngày càng mạnh trên các quyết định của Liên Hiệp Châu Âu mà hai quốc gia này là thành viên.
Ngay từ năm 2011, thủ tướng Hungary Viktor Orban đã tiếp xúc với thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo để tìm hỗ trợ tài chính sau cơn khủng hoảng 2008, mở cho Bắc Kinh một con đường đi vào Liên Âu.
Lý do của ông Orban rất đơn giản : Đó là sự sống còn của Hungary trước nguy cơ vỡ nợ, nhưng lại không muốn vay mượn với điều kiện nghiêm ngặt của các định chế châu Âu. Bắc Kinh đã sẵn sàng cứu vớt Budapest, trong lúc Hungary cũng đã thuyết phục được một số lãnh đạo Trung Âu khác đi theo Bắc Kinh.
Kết quả là cơ chế “16 cộng 1” ra đời, đặt trụ sở ở Budapest, bao gồm Trung Quốc và 16 nước Trung và Đông Âu. Từ đó đến nay cơ chế này đã giúp Trung Quốc có được ảnh hưởng chưa từng thấy trong vùng.
Nhà nghiên cứu đã nêu bật hai ví dụ cụ thể cho thấy thành công mau chóng của Bắc Kinh trong việc tung tiền vào Hungary, biến nước này thành công cụ lèo lái chính sách Liên Hiệp Châu Âu theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Vào tháng 3 năm 2017, trong một động thái hiếm hoi, Hungary đã phá vỡ đồng thuận của châu Âu về nhân quyền, từ chối ký một bức thư chung tố cáo các hành vi của chính quyền Trung Quốc bị cáo buộc là đã tra tấn nhiều luật sư bị bắt giam.
Trước đó, vào tháng 7 năm 2016, cùng với Hy Lạp, một quốc gia Liên Âu khác bị khó khăn và cũng được Bắc Kinh hào phóng mở hầu bao trợ giúp, Hungary cũng đã ngăn chặn việc nêu đích danh Trung Quốc trong một bản thông cáo của Liên Hiệp Châu Âu về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye phủ nhận những đòi hỏi của Bắc Kinh về chủ quyền ở Biển Đông.
Riêng Hy Lạp, vào tháng 6 năm 2017, cũng đã ngăn chặn một tuyên bố của Liên Hiệp Châu Âu tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc chỉ trích Trung Quốc vi phạm nhân quyền. Đó là lần đầu tiên mà Liên Hiệp Châu Âu không có tuyên bố chung về nhân quyền Trung Quốc tại định chế nhân quyền hàng đầu của Liên Hiệp Quốc.
Vào lúc tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại Achentina để tìm cách tránh không cho chiến tranh thương mại leo thang, trong khi Canada bắt một lãnh đạo cao cấp tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi ở Vancouver, theo yêu cầu của Mỹ vì tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt Iran, Liên Hiệp Châu Âu như đã phải công nhận tư thế mong manh của mình trước cuộc đọ sức giữa hai cường quốc Mỹ-Trung.
Theo chuyên gia Kempe, châu Âu đang phải nhức đầu vì những cú sốc đến từ một nước Mỹ ngày càng khó lường, một Trung Quốc càng lúc càng quyết đoán hơn, và một châu Âu mà nội bộ ngày càng thêm chia rẽ về cách lèo lái giữa hai thế lực đó.
Từ ngày 02 đến 04 tháng 12 vừa rồi, các chuyên gia về chiến lược Âu Mỹ đã tề tựu về Đức tham dự Diễn Đàn Chiến Lược Munich (Munich Strategy Forum), một sự kiện chuẩn bị cho Hội Nghị An Ninh Munich (Munich Security Conference) sắp tới đây.
Bên lề Diễn Đàn, ông Wolfgang Ischinger, chủ tịch Hội Nghị An Ninh Munich đã không tránh khỏi lo ngại: “Trung Quốc đã cho thấy là họ có khả năng phủ quyết các chính sách của Liên Hiêp Châu Âu”. Đối với ông Ischinger, trong lúc các tập đoàn châu Âu hành động vì lợi nhuận thì các tập đoàn Trung Quốc trước sau như một, luôn luôn đại diện quyền lợi của Nhà nước, một điều “có thể trở nên nguy hiểm” cho châu Âu.
Các quan chức châu Âu thừa nhận là Trung Quốc đã thực hiện quyền phủ quyết họ giành được trên những chính sách cần sự đồng thuận.
Mối quan ngại lại càng tăng do việc ảnh hưởng của Trung Quốc tăng vọt ngoài dự kiến của mọi người, song song với đà phình lên nhanh chóng của đầu tư Trung Quốc. Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu năm 2017 đã lên đến 30 tỷ đô la, so với vỏn vẹn 700 triệu trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008.
‘Chiến tranh chính trị’
Một báo cáo của hai trung tâm tham vấn Đức, GPPI và viện nghiên cứu về Trung Quốc Mercator Institute for China Studies, đã thấy rằng Bắc Kinh đã lợi dụng cơ chế thông thoáng của châu Âu và “nhanh chóng gia tăng nỗ lực gây ảnh hưởng chính trị ở châu Âu”.
Theo bản báo cáo, một số người gọi hành động của Trung Quốc là một hình thức tiến hành ‘chiến tranh chính trị’, tức là sử dụng những công cụ phi quân sự, công khai và bí mật, để tác động lên các thành phần ưu tú trong các lãnh vực kinh tế, chính trị, giới nghiên cứu và công luận ở châu Âu.
Qua những nỗ lực này, Trung Quốc vừa làm yếu đi sự đoàn kết của châu Âu cũng như sức thu hút của Mỹ, vừa cải thiện hình ảnh của mình trong tư cách một phương án có thể thay thế mô hình tự do dân chủ.
Căng thẳng ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc tạo cơ may mới cho châu Âu xuất hàng sang Trung Quốc, nhưng đồng thời Trung Quốc cũng gia tăng mạnh mẽ việc xuất khẩu và đầu tư sang châu Âu bù đắp cho thị trường bị mất ở Mỹ.
Trong sáu tháng đầu năm nay; những thương vụ Trung Quốc thâu tóm các công ty châu Âu đã cao hơn 9 lần số vụ ở Bắc Mỹ, đạt trị giá 20 tỷ đô la (so với 2,5 tỷ), trong lúc đầu tư Trung Quốc vào châu Âu cũng 6 lần cao hơn là vào Mỹ, đạt mức 12 tỷ đô la (so với 2 tỷ ở Mỹ).
Ngoài ra, một thỏa thuận thương mại mới Mỹ-Trung có thể tác hại đến châu Âu trong bối cảnh Trung Quốc có thể chỉ trong nhấp nháy quyết định thay thế sản phẩm châu Âu bằng hàng hóa Mỹ vì lý do chính trị, điều rất dễ vì kinh tế Trung Quốc không phải là một nền kinh tế tự do.
Khả năng tranh chấp Mỹ – Trung leo thang cũng làm đau đầu các chuyên gia châu Âu, không biết nên chọn phía nào, hay lèo lái ra sao đặc biệt đối với các quốc gia và ngành công nghiệp có nhiều vốn liếng ở Trung Quốc.
Một số quan chức châu Âu đã nói đến sự cần thiết phải có quyền “tự chủ chiến lược” trước các hành động của Mỹ trừng phạt các thực thể nước ngoài trong hồ sơ Iran cũng như phát biểu của ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuần này tại Bruxelles đặt lại vấn đề chủ nghĩa đa phương và Liên Hiệp Châu Âu. Thế nhưng cácquan chức này cùnglúc còn quan ngại hơn về cái được gọi là “chiến tranh chính trị” của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng kinh tế, tài chính, và cả ngoại giao.
Liên Hiệp Châu Âu hiện chưa áp dụng biện pháp giới hạn đầu tư nước ngoài theo kiểu ủy ban về đầu tư ngoại quốc của Mỹ CFIUS, một ủy ban liên ngành phụ trách việc xem xét tác động của đầu tư ngoại quốc trên an ninh quốc gia. Tuy vậy, trong tháng này, châu Âu đã thông qua một văn kiện thiết lập một kế hoạch chưa từng thấy, dù không ràng buộc, nhắm vào hình thức đầu tư “trấn lột” của Trung Quốc.
Nước Đức chẳng hạn, trong tuần qua đã tập trung chú ý đến vấn đề công ty Kuka Robotics, đã trở thành ví dụ điển hình của hiểm họa bán công nghệ cao cho Trung Quốc. Chuyên sản xuất robot công nghiệp, Kuka từng là một trong những công ty sáng tạo hàng đầu trong nền kinh tế thế kỷ 21 này của Đức, cho đến khi nó bị công ty Midea của Trung Quốc thâu tóm vào năm 2016.
Mới vào tháng trước, Midea đã nuốt hẳn lời bảo đảm trước đây là không thay đổi vị chủ tịch lâu đời rất được tôn trọng của Kuka, đánh dấu việc Trung Quốc hoàn toàn thâu tóm ngành công nghệ robot cực kỳ tiên tiến đó.
Bắc Kinh vẫn kiên trì thúc đẩy chiến lược ‘chia để trị’ tại châu Âu
Châu Âu ngày càng đề cao cảnh giác, Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện chiến lược, lợi dụng sự chia rẽ trong nội Liên Hiệp Châu Âu, căng thẳng thương mại Mỹ – Châu Âu, và nhu cầu đầu tư khẩn cấp của các quốc gia miền nam và đông châu Âu.
Bằng chứng rõ rệt nhất là chuyến viếng thăm đầu tiên cấp Nhà nước của ông Tập Cận Bình tại Tây Ban Nha và nhất là Bồ Đào Nha, sau thượng đỉnh G20.
Trung Quốc đã từng đầu tư 12 tỷ đô la vào một loạt đề án ở Bồ Đào Nha, từ năng lượng, giao thông, bảo hiểm, đến dịch vụ tài chính, truyền thông. Trong chuyến thăm của ông Tập, hai bên đã đào sâu thêm quan hệ đối tác kinh tế, với việc Lisboa đồng ý tham gia Con Đường Tơ Lụa Mới với hy vọng thu hút đầu tư Trung Quốc vào hạ tầng cơ sở và năng lượng Bồ Đào Nha. Trung Quốc chuẩn bị nắm đa số vốn của tập đoàn điện lực Bồ Đào Nha EDP, doanh nghiệp lớn nhất nước này, đồng thời là một nhà cung cấp năng lượng chủ chốt của châu Âu
Trong phần kết luận, ông Kempe nhận thấy, tóm lại, trong những ngày qua, thị trường thế giới và truyền thông chỉ tập trung trên đàm phán thương mại Trump-Tập, mà bỏ lỡ câu chuyện đáng chú ý : Khả năng Trung Quốc thay thế vào chỗ, hay ít ra là thu hẹp ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu.
Áo Vàng : Tổng thống Pháp nhượng bộ
để cố dập tắt khủng hoảng
Tối qua 10/12/2018 tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố gắng làm dịu cơn giận dữ của những người Áo Vàng (Gilets Jaunes), qua việc loan báo một loạt những biện pháp xã hội nhằm cải thiện sức mua, đồng thời nhìn nhận đã không ý thức được tầm vóc của cuộc khủng hoảng.
Trong bài diễn văn rất được chờ đợi dài 13 phút đọc trên truyền hình, tổng thống Macron tuyên bố tình hình khẩn cấp về kinh tế và xã hội, cho biết những biện pháp mới đưa ra nhằm « giúp cho người lao động có thể sống tốt hơn ngay từ đầu năm tới ».
Cụ thể, lương tối thiểu được tăng thêm 100 euro ngay từ đầu năm 2019 nhưng giới chủ không phải trả thêm đồng nào. Giờ phụ trội không bị đánh thuế, và thuế cũng không tăng đối với những người về hưu có thu nhập dưới 2.000 euro một tháng. Emmanuel Macron cũng đề nghị giới chủ chi tiền thưởng cuối năm cho nhân viên, nếu có thể, số tiền này sẽ không kéo theo bất cứ khoản đóng góp hay sắc thuế nào.
Tổng thống Pháp cũng thú nhận đã không hiểu được « sự giận dữ và thất vọng » của người dân, cho rằng cuộc khủng hoảng có nguyên nhân sâu xa là các chính sách từ 40 năm qua. Ông nhận phần trách nhiệm của mình, đồng thời loan báo sẽ có nhiều cuộc tham vấn với các cơ chế trung gian như các nghiệp đoàn, hiệp hội giới chủ.
Ngược lại, Emmanuel Macron tỏ ra không khoan nhượng đối với những kẻ lợi dụng các cuộc xuống đường của Áo Vàng để đập phá, hôi của…như vụ phá hoại Khải Hoàn Môn mà hình ảnh đã được truyền đi khắp thế giới. Tổng thống Pháp khẳng định : « Không có sự phẫn nộ nào biện minh được việc tấn công vào cảnh sát, hiến binh…Khi bạo động lên cao, tự do không còn tồn tại ».
Ông Macron cũng bác bỏ đề nghị tái lập ISF (thuế đánh vào những người có tài sản trên 1,3 triệu euro), bị Áo Vàng coi là một bất công xã hội, nhưng theo ông là có tác dụng kích thích đầu tư, tạo công ăn việc làm.
Tất cả những biện pháp được tổng thống Pháp loan báo tối qua, sẽ do ngân sách gánh chịu, có nghĩa là tất cả những người đóng thuế. Theo một ước tính ban đầu, các biện pháp này có thể tốn kém từ 8 đến 10 tỉ euro, có nguy cơ làm thâm hụt ngân sách vượt quá giới hạn do EU ấn định là 3% GDP.
Áo Vàng là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất mà vị tổng thống trẻ tuổi phải đối mặt kể từ khi được bầu lên năm 2017, và đây là lần đầu tiên mà Emmanuel Macron phải nhượng bộ. Các cuộc bạo động xảy ra trong bốn đợt xuống đường kể từ ngày 17/11 dữ dội chưa từng thấy, tổng cộng có 4.523 vụ câu lưu và 4.099 người bị tạm giam, thiệt hại về kinh tế hàng tỉ euro. Bài diễn văn quan trọng tối 10/12 của tổng thống Macron thu hút đến 21 triệu người theo dõi (chỉ tính ba kênh truyền hình TF1, France 2 và M6), một kỷ lục tương đương với trận chung kết Cúp bóng đá thế giới.
Biện pháp của tổng thống Pháp chưa đủ thuyết phục phe Áo Vàng
Trong bài phát biểu truyền hình trực tiếp dài 13 phút tối 10/12/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron cố nối lại đối thoại với bốn biện pháp lớn về mặt kinh tế và xã hội. Theo kết quả thăm dò ý kiến của OpinionWay thực hiện cho đài truyền hình LCI, 54% người dân muốn phong trào Áo Vàng ngừng biểu tình sau loạt biện pháp được tổng thống Macron công bố. Tuy nhiên, vẫn theo kết quả thăm dò này, 64% người dân tiếp tục ủng hộ phong trào.
Nội bộ phe Áo Vàng và đại diện các đảng chính trị đối lập đã có những phản ứng trái ngược về bài diễn văn của tổng thống Macron. Nhiều người kêu gọi tiếp tục biểu tình trong « Màn V ».
Trên mạng xã hội Facebook, một số thành viên của nhóm La France en colère (Nước Pháp nổi giận), tỏ ra không hài lòng vì cho rằng « 100 euro sẽ chẳng giúp được gì cả » và kêu gọi « đấu tranh để giảm thuế giá trị gia tăng ».
Một số bình luận khác có vẻ dịu giọng hơn khi nhận thấy « một bước thay đổi lớn chỉ trong vòng một tháng. Dĩ nhiên, cần phải tiếp tục cho đến khi các biện pháp đó được áp dụng ». Tuy nhiên, tinh thần chung là « không buông xuôi gì hết », theo khẳng định của Vincent, một người Áo Vàng, khi trả lời RFI : « Chúng tôi tiếp tục biểu tình để thể hiện sự bất bình. Chúng tôi không thay đổi ý kiến ». Một số khác đòi giảm tất cả chi phí hàng tháng : tiền thuê nhà, tiền điện, bảo hiểm…
Trả lời đài phát thanh RTL, tổng thư ký công đoàn CFDT Laurent Berger cho rằng tổng thống Macron đã « tìm ra đúng ngôn từ để miêu tả tình trạng xã hội bị xuống cấp » tại Pháp. Tuy nhiên, « những giải pháp được nêu ra chỉ mang tính ngắn hạn và chưa có câu trả lời cho trung và dài hạn ». Tổng thư ký công đoàn Force ouvrière, Yves Veyrier, tỏ ra cứng rắn hơn trên kênh truyền hình CNews, khi cho rằng « những câu trả lời của tổng thống là chưa đủ ».
Theo AFP, về phía đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains LR), chủ tịch Ủy ban Tài chính Hạ Viện, Eric Woerth, kêu gọi phe Áo Vàng ngừng biểu tình ở các nút giao thông vì trong phát biểu của tổng thống Pháp có « các biện pháp tức thì và cụ thể ». Nghị sĩ Guillaume Pelletier của đảng LR cho biết « không thất vọng » về những biện pháp « dành cho nước Pháp bình dân » được tổng thống Macron công bố.
Phía đảng Xã Hội, thông qua phát biểu của thư ký Olivier Faure, tỏ ra không hài lòng và sẽ quyết định trong ngày 11/12/2018 trình dự thảo kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ cùng với nghị sĩ đảng Cộng Sản và Nước Pháp Bất Khuất (Les Insoumis) hay không. Ông Jean-Luc Mélanchon, lãnh đạo đảng Nước Pháp Bất Khuất, cho rằng chính người đóng thuế sẽ phải chi trả cho các biện pháp của tổng thống, chứ không phải là những người cực giầu. Riêng bà Marie Le Pen, chủ tịch đảng Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement national), cho rằng Emmanuel Macron « lùi để bật xa hơn ».
http://vi.rfi.fr/phap/20181211-ao-vang-tong-thong-phap-nhuong-bo-de-co-ra-khoi-khung-hoang-ok
Macron hứa tăng lương, hy vọng ngừng bạo động
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Hai loan báo tăng 100 euro/tháng cho lương tối thiểu trong động thái nhượng bộ phong trào “áo vàng”.
Ông Macron xuất hiện trước quốc dân vào tối thứ Hai trong diễn văn 13 phút thu sẵn trước đó trong ngày.
Ông xin lỗi: “Có thể tôi đã cho ấn tượng rằng đó không phải vấn đề của tôi, không phải ưu tiên của tôi. Có thể tôi đã làm một số quý vị phật lòng vì ngôn ngữ của tôi.”
Bốn thay đổi chính được loan báo trong diễn văn của ông Macron. Đó là tăng lương tối thiểu; bỏ đánh thuế lên tiền làm thêm ngoài giờ; khuyến khích chủ lao động cho nhân viên tiền thưởng miễn thuế; và bỏ đánh thuế bổ sung lên phần lớn các loại tiền hưu trí.
Tổng thống Pháp loan báo sẽ tăng lương tối thiểu thêm 100 euro/tháng từ tháng Giêng 2019.
Hiện nay tiền lương tối thiểu ở Pháp năm 2018 là 1.498 euro/tháng trước thuế, và sau khi đã nộp thuế thì còn 1.185 euro.
Ông cũng bãi bỏ đề xuất đánh thuế lên lương hưu dưới 2.000 euro/tháng.
Những chủ lao động “có khả năng” được ông đề nghị hãy cho nhân viên tiền thưởng miễn thuế vào cuối năm.
Ông Macron nói: “Chúng ta đang ở khoảnh khắc lịch sử trong đất nước. Với đối thoại, tôn trọng, đến với nhau, chúng ta sẽ thành công.”
“Lo lắng duy nhất của tôi là quý vị, cuộc chiến duy nhất của tôi là quý vị – trận đánh duy nhất của chúng ta là vì nước Pháp.”
Tuy nhiên ông Macron không chịu phục hồi thuế tài sản đánh vào những người giàu nhất nước, vốn là đối tượng của sự phẫn uất vừa qua.
Ông Macron trước đó bãi bỏ thuế nếu tổng tài sản, tiết kiệm và nhà cửa vượt trên 1,3 triệu euro, thay bằng một loại thuế chỉ đánh vào nhà cửa.
Nguyên do là vì ông hy vọng việc này sẽ tăng tiền cho giới nhà giàu để họ đầu tư và tạo thêm việc làm.
Nhiều người “áo vàng” đã đòi phục hồi thuế này.
Nhưng ông Macron nói: “Thuế này tồn tại gần 40 năm. Chúng ta có sống tốt hơn trong giai đoạn này không? Người giàu đã bỏ đi và tiêu chuẩn đời sống giảm.”
Diễn văn của tổng thống Pháp diễn ra 48 giờ sau khi lại xảy ra đụng độ trên đường phố tại Paris.
Tổng thống Macron đứng trước khó khăn: ông phải thuyết phục giới trung lưu và người lao động rằng ông đang lắng nghe giận dữ của họ, nhưng lại không thể có ấn tượng rằng ông chịu thua trước sức ép đường phố.
Phong trào “áo vàng” bắt đầu chỉ với mục đích phản đối thuế môi trường xăng dầu, nhưng nhanh chóng mở rộng sang các đòi hỏi lớn hơn.
Bốn cuối tuần vừa qua đã chứng kiến bạo lực ở Pháp, đặc biệt tại thủ đô Paris, nơi xảy ra đốt xe, cướp phá.
Bắt đầu từ việc phản đối thuế xăng dầu, các cuộc biểu tình bạo động có dáng dấp đấu tranh giữa người lao động, nghỉ hưu và thất nghiệp chống lại giới “tinh hoa” bị xem là kiêu ngạo và không hiểu thực tế đời sống vất vả của người dân.
Phong trào “áo vàng” đã khiến nhiều địa điểm du lịch như bảo tàng Louvre và tháp Eiffel phải đóng cửa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46515875
Thủ Tướng Anh vận động lãnh đạo EU
giúp sửa đổi thỏa thuận Brexit
Thủ tướng Anh Theresa May hôm thứ Ba đã đến gặp các lãnh đạo châu Âu để vận động sự hỗ trợ của họ cho những thay đổi đối với thỏa thuận Brexit trong nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận này, sau khi hoãn lại một cuộc biểu quyết mà bà thừa nhận sẽ dẫn tới thất bại.
Vào lúc còn chưa đầy bốn tháng trước khi vương quốc Anh dự kiến rời Liên minh châu Âu ngày 29 tháng 3, Brexit rơi vào tình trạng hỗn loạn hôm 10/12 khi bà May thừa nhận các nhà lập pháp Anh sẽ không chấp nhận thỏa thuận của bà để duy trì các quan hệ chặt chẽ một khi đã rời EU.
Sự thể này có thể dẫn tới một loạt hệ quả – từ một Brexit hỗn loạn không có sự thỏa thuận của các bên, tình thế mà các doanh nghiệp cho là sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng kinh tế khi đường dây cung cấp của họ bị cắt đứt, tới việc đối mặt với cơn thịnh nộ của cử tri ủng hộ Brexit nếu như toàn bộ tiến trình này bị đình chỉ.
Bà May vẫn hy vọng sẽ tiếp tục nắm quyền và hồi sinh thỏa thuận Brexit bằng cách chấp thuận những cam đoan từ EU hầu thuyết phục các nhà lập pháp. Đồng bảng Anh đã tuột dốc vì tình trạng bất định.
Giữa những lời kêu gọi đòi tổ chức tổng tuyển cử, nhiều người đã chế nhạo bà May và cảnh cáo rằng nỗ lực giờ chót của bà nhằm đạt một thỏa thuận chỉ là vô ích, bà May cam kết sẽ mưu tìm sự hỗ trợ của EU để thay đổi thỏa thuận sao cho các nhà lập pháp dễ chấp nhận hơn.
EU nói họ sẵn sàng thảo luận về những cách để tạo điều kiện cho thỏa thuận Brexit được phê chuẩn ở Anh, nhưng kiên quyết không đàm phán lại thỏa thuận, kể cả yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất, là một đường biên giới cứng với Bắc Ireland.
Đường biên giới cứng, bảo đảm biên giới trên bộ duy nhất giữa Anh và EU vẫn mở dù có xảy ra bất cứ điều gì, có thể đòi nước Anh phải tuân theo các quy tắc của EU một cách vô hạn định. Đây chính là vấn đề nằm tại tâm điểm của tình trạng khó xử liên quan tới Brexit: Nước Anh muốn tự đặt ra các quy tắc riêng trong khi vẫn giao dịch với thị trường lớn nhất thế giới mà không gặp trở ngại nào.
Bộ trưởng đặc trách các vấn đề Châu Âu của Đức, ông Michael Roth nói: “Đôi khi tôi không hiểu thế giới nữa. Chúng ta đã dành rất nhiều thời gian, năng lượng và sự sáng tạo để đàm phán một cái gì đó mà chúng ta cả ở Berlin và Brussels đều không muốn. Không có ai muốn vương quốc Anh rời EU.
Chủ tịch Ủy ban EU Jean-Claude Juncker hôm 10/12 khẳng định: Chúng ta đã có một thỏa thuận rồi, Chúng tôi sẽ không đàm phán lại.
Xét lại giải pháp BREXIT?
Cả đảng Bảo thủ đang cầm quyền của bà May và Đảng Lao động đối lập đã cam kết sẽ thi hành kết quả cuộc trưng cầu dân ý năm 2016, trong đó cử tri Anh ủng hộ giải pháp rời khỏi EU với tỷ lệ 52% trên 48%.
Ba trong số 4 thủ tướng Anh còn sống và các nhà lập pháp đối lập nói cách duy nhất để tháo gỡ tình trạng bế tắc là một cuộc đầu phiếu mới. Trong thành phần chống đối Brexit ngày càng có nhiều người hy vọng về cơ hội sẽ có một cuộc biểu quyết khác. Nhưng những người ủng hộ Brexit nói làm như vậy là một sự phản bội.
Nhiều nhà lãnh đạo kinh doanh lo ngại một Brexit diễn ra trong hỗn loạn sẽ phá hỏng các đường dây cung cấp của họ. Một số người hy vọng rằng thất bại của bà May sẽ hoàn toàn xóa bỏ Brexit, giải pháp rời EU mà họ chưa bao giờ ủng hộ.
Đối mặt với thất bại, bà May hoãn lại một cuộc biểu quyết quan trọng về Brexit.
Trong khi giới đầu tư và các đồng minh cố gắng điều đình một giải pháp cho nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, các nhà lập pháp nổi loạn trong chính đảng của bà May đòi bà phải từ chức.
https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-anh-van-dong-lanh-dao-eu-giup-sua-doi-brexit/4695661.html
Brexit: Thủ tướng Anh hoãn việc bỏ phiếu,
mọi phe tức giận
Hôm qua thủ tướng Anh Theresa May loan báo hoãn lại cuộc bỏ phiếu để thông qua thỏa thuận về việc Anh quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (EU), dự kiến diễn ra vào hôm nay 11/12/2018, do chia rẽ sâu sắc tại Quốc Hội. Quyết định này khiến cho cả hai phe ủng hộ và chống đối Brexit đều tức giận, trong khi EU cảnh báo sẽ không tái thương lượng.
Thủ tướng Theresa May nhấn mạnh, đa số các nghị sĩ Anh phản đối giải pháp « backstop » đã thỏa thuận với EU (tạm thời vẫn mở biên giới Ireland, Anh quốc vẫn nằm trong liên minh thuế quan châu Âu) và đe dọa sẽ bác bỏ. Bà May nói rằng đã « lắng nghe » quan ngại của họ, và sẽ quay lại Bruxelles để cố gắng đạt được những cam kết bổ sung về vấn đề trên.
Động thái này có thể tiến hành bên lề cuộc họp Hội Đồng Châu Âu dự kiến diễn ra tại Bruxelles từ thứ Năm 13/12 tới. Tuy nhiên đối lập cho rằng như vậy bà May chỉ kéo dài tình trạng rối rắm, đòi hỏi bà ra đi để Công Đảng thành lập chính phủ thiểu số, thương lượng lại thỏa thuận với EU.
Về phía châu Âu, đã bỏ ra hai năm để đàm phán với một đối tác mà theo EU là bất định, vô tổ chức, thiếu nhất quán ; cho biết sẽ không thương lượng lại thỏa thuận ly dị.
Tại Anh quốc, nhiều người cực đoan ủng hộ Brexit từ khắp mọi miền đất nước ngày đêm thay phiên nhau trước điện Westminter tức trụ sở Quốc Hội, với những biểu ngữ phản đối quyết định của bà May. Ngược lại những người phản đối Brexit đang tràn trề hy vọng về một cuộc trưng cầu dân ý mới, tỏ vẻ thất vọng về sự kéo dài thời gian này.
Hôm qua 10/12, Tòa án Công lý Liên minh Châu Âu (CJEU) cho rằng Luân Đôn có thể từ bỏ quyết định rời khỏi EU mà không cần sự đồng ý của 27 nước còn lại.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181211-brexit-thu-tuong-anh-hoan-bo-phieu-gay-tuc-gian-cho-ca-hai-phe-ok
Nga đưa oanh tạc cơ chiến lược
đến tập trận tại Venezuela
Hôm qua, 10/12/2018, Nga đã cho hai oanh tạc cơ chiến lược Tu-160 hạ cánh xuống sân bay Caracas, thủ đô Venezuela, trong một động thái rõ ràng là nhằm thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Venezuela đương nhiệm của tổng thống Nicolas Maduro. Động thái này đã lập tức bị phía Mỹ phản đối.
Theo hãng tin Pháp AFP, hai oanh tạc cơ có khả năng mang bom hạt nhân đã được Nga phái đến Venezuela để tham gia một tập trận chung với lực lượng Venezuela. Tháp tùng theo hai oanh tạc cơ này, còn có một vận tải cơ hạng nặng An-124, một máy bay chở khách Il-62 của Không Quân Nga, cùng với khoảng 100 quân nhân.
Trên mạng Twitter, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã lập tức đả kích việc Matxcơva điều không quân đến ủng hộ chính quyền Maduro, xem đấy là hành động của « hai chính quyền tham nhũng, lãng phí của công, trấn áp các quyền tự do, vào lúc người dân phải sống trong khổ cực ».
Lời lên án của Mỹ đã bị phía Nga bác bỏ. Phát ngôn viên Điện Kremlin vào hôm nay đã cho rằng tuyên bố của ngoại trưởng Pompeo hoàn toàn sai trái và thiếu ngoại giao.
Về phần mình, chính quyền Venezuela đã ca ngợi hành động của Nga, mà theo bộ trưởng Quốc Phòng Vladimir Padrino, đã cho thấy là Venezuela có « những người bạn ở khắp nơi trên thế giới, sẵn sàng bảo vệ những mối quan hệ cân bằng và có chất lượng giữa các quốc gia ».
Theo hãng tin Pháp AFP, Venezuela là một khách hàng của vũ khí Nga. Trong những năm gần đây Matxcơva bán cho Caracas hàng trăm triệu đô la vũ khí.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181211-nga-dua-oanh-tac-co-chien-luoc-den-tap-tran-tai-venezuela
Điện Kremlin lên tiếng
việc cử máy bay ném bom đến Venezuela
Hôm 11/12, Điện Kremlin bác bỏ những chỉ trích của Hoa Kỳ về việc Nga đưa hai máy bay ném bom của quân đội Nga đến Venezuela, nói rằng Hoa Kỳ lên án như vậy là không phù hợp, theo hãng tin Reuters.
Hôm 10/12, hai máy bay ném bom chiến lược TU-160 của Nga có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã hạ cánh ở Venezuela — một động thái thể hiện sự ủng hộ chính phủ Venezuela.
Trong một Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lên án việc Nga triển khai các máy bay quân sự này.
Ông Pompeo viết: “Người dân Nga và Venezuela nên hiểu được vấn đề này: hai chính phủ tham nhũng đã phung phí công quỹ, và không màn đến tự do trong khi người dân lại phải chịu đựng quá nhiều.”
Tại một cuộc họp báo, ông Dmitry Peskov, Phát ngôn viên điện Kremlin, nói với các phóng viên rằng những bình luận của ông Pompeo chẳng có tính ngoại giao và sai trái.
Ông Peskov nói: “Chúng tôi cho rằng phát biểu đó hoàn toàn không phù hợp.”
Nga phủ nhận xúi giục Áo Vàng biểu tình tại Pháp
Matxcơva bác bỏ cáo buộc đã đóng một vai trò trong phong trào Áo Vàng (Gilets Jaunes) tại Pháp hôm thứ Bảy 08/12/2018. Theo phát ngôn viên điện Kremlin, tất cả những thông tin về việc Nga kích động các cuộc biểu tình chống chính phủ Pháp đều là vu khống.
Từ Matxcơva, thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết thêm chi tiết :
« Nga bị điểm mặt chỉ tên trong cuộc điều tra của cơ quan phụ trách quốc phòng và an ninh quốc gia thuộc phủ thủ tướng Pháp. Chính quyền Pháp xác nhận đã mở điều tra về khả năng Nga can thiệp vào, làm gia tăng lượng người tham gia phong trào Áo Vàng trên các mạng xã hội.
Phát ngôn viên điện Kremlin, Dimitri Peskov bác bỏ: Nga cho rằng những gì đã diễn ra phản ánh chuyện nội bộ của nước Pháp. Chúng tôi không can thiệp vào và cũng không xen vào chuyện nội bộ của bất kỳ nước nào, kể cả Pháp, vì chúng tôi rất quan tâm đến mối quan hệ với Paris.
Ông Peskov nhấn mạnh, chủ quyền của Pháp là rất quan trọng, Matxcơva tôn trọng Paris và ngược lại. Để chấm dứt mọi tranh cãi, phát ngôn viên của ông Putin khẳng định: Tất cả cáo buộc về việc Nga can thiệp chỉ là vu khống.
Tuy vậy theo nhật báo Anh The Times, hàng trăm tài khoản ma trên các mạng xã hội do Nga điều khiển dường như đã giúp khuếch tán mạnh mẽ lời kêu gọi xuống đường của những người Áo Vàng».
Tờ Times dẫn phân tích của công ty an ninh mạng New Knowledge, theo đó các tài khoản này lan truyền những tin giả, sử dụng hình ảnh nhữung người biểu tình bị thương trong các sự kiện khác, nhằm kích động hận thù đối với cảnh sát.
http://vi.rfi.fr/phap/20181211-nga-choi-cai-khong-he-xui-giuc-ao-vang-bieu-tinh-ok
Giáng sinh đến,
du lịch phát triển mạnh tại Bethlehem
Bethlehem đang trải qua một mùa Giáng sinh bận rộn chưa từng có trước đây, các khách sạn tại nơi Đức Chúa Giê-su ra đời hầu như không còn phòng trống, Bộ Du lịch Palestine cho biết hôm 10/12.
Du lịch hồi phục sau khi thời gian thất bát vì những cuộc tấn công bằng dao hay bằng xe xông vào đám đông khiến lượng du khách tham quan thành phố Bethlehem hồi năm 2015 sụt mạnh nhất trong vòng 10 năm.
Chủ nhân các cửa hàng tại Bethlehem cho biết họ đang ăn nên làm ra do du khách đến Israel gia tăng nhân kỷ niệm 70 năm ngày Israel được thành lập.
Sắp hàng ngang qua Cây Giáng sinh tại Công viên Máng cỏ, những hàng dài người hành hương chen chúc tại lối vào chật hẹp bằng sa thạch của Nhà thờ Nativity ở Bethlehem, một giáo đường có từ một thế kỷ nay với một hang động mà các Cơ Đốc nhân tin là nơi Đức Chúa Giê-su ra đời
Bộ trưởng Du lịch Palestine Rula Ma’ayah nói “Chúng tôi chưa bao giờ đạt được con số du khách đến Palestine như thế này.”
Tỷ lệ số phòng khách sạn có người thuê tại Bethlehem hy vọng vượt quá 95% vào cuối tháng 12, hiệp hội khách sạn Bethlehem cho biết.
Một số người hành hương Mỹ tại Bethlehem dường như xem chuyến đi thăm của họ như là tiếp nối một vòng du lịch qua Israel hơn là một chuyến đi đến một thành phố Palestine.
Đối với một nhóm du khách Mỹ, ngày quốc khánh Israel –cùng với quyết định của Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và đặt tòa đại sứ Mỹ tại đây-chắc chắn là một yếu tố.
Quyết định về Jerusalem của ông Trump làm người Israel vui mừng nhưng làm người Palestine và đồng minh phẫn nộ và cảnh báo là một hành động đơn phương có thể đưa đến xáo trộn và làm hại những nỗ lực của Mỹ tái khởi động các cuộc hòa đàm Israel-Palestine bị ngưng trệ lâu nay. Vòng đàm phán cuối cùng đổ vỡ vào năm 2014.
Iran xác nhận tin thử tên lửa
Hôm 11/12, một chỉ huy quân sự cấp cao thuộc Vệ binh Cách Mạng Iran xác nhận rằng gần đây chính quyền Tehran đã phóng thử tên lửa đạn đạo dù Hoa Kỳ kịch liệt phản đối, theo hãng tin Reuters.
Vào tháng trước, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo khẳng định rằng Iran đã bắn thử một tên lửa có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân và có khả năng phóng tới Trung Đông và Châu Âu.
Ông Amirali Hajizadeh, tư lệnh không quân của Vệ binh Iran được hãng tin Fars dẫn lời nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc thử nghiệm tên lửa và cuộc thử nghiệm mới đây là một cuộc thử nghiệm quan trọng, bán chính thức.”
Vào tháng 5, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã rút Hoa Kỳ khỏi một thỏa thuận quốc tế về chương trình hạt nhân Iran và áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.
Tehran từ chối đàm phán với Washington về khả năng quân sự của Iran, đặc biệt là chương trình tên lửa do Vệ binh điều hành. Iran nói rằng chương trình này hoàn toàn mang tính phòng thủ và phủ nhận thông tin nói rằng các tên lửa này có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
https://www.voatiengviet.com/a/iran-xac-nhan-tin-thu-ten-lua/4695841.html
Đe dọa sử dụng sức mạnh hải quân Trung Quốc,
khả năng tới đâu?
Kính Hòa RFA
Vào ngày 8/12/2018, Hoàn Cầu Thời báo, một tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, bản tiếng Anh, đăng phát biểu của ông Đái Húc, Viện trưởng Viện An toàn và hợp tác biển, nói rằng Trung Quốc nên điều tàu chiến vào các vùng biển mà ông gọi là lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông, để ngăn chận và đâm vào tàu chiến Mỹ nếu các tàu chiến này thực hiện cái gọi là chiến dịch Tự do hàng hải, xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.
Chiến dịch Tự do hàng hải của Mỹ thực hiện ở Biển Đông liên tục trong ba năm gần đây nhằm thách thức đòi hỏi chủ quyền lên đến 90% diện tích Biển Đông.
Lời tuyên bố rất cứng rắn này của một chuyên gia hàng hải và quân sự Trung Quốc được đưa ra ba tháng sau khi tàu Lan Châu của Trung Quốc ra kèm tàu chiến Mỹ Decatur khi chiếc này đi vào khu vực 12 hải lý quanh Đá Gaven tại Trường Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng. Phía Mỹ lên tiếng nói vụ kèm cặp này diễn ra một cách nguy hiểm vì tàu Trung Quốc đi rất sát tàu chiến Mỹ.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, nhận xét về phát biểu của ông Đái Húc như sau:
“Ông Viện trưởng đề xuất cái ý kiến đưa tàu ra để húc, để đâm vào tàu Mỹ là một ý kiến không lành mạnh. Nó còn sai ở chỗ nữa là kích động cái chuyện đối đầu.”
Ông Đinh Hoàng Thắng cũng đề cập đến Công ước quốc tế về luật biển, cũng như phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế năm 2016, rằng xung quanh các đảo đá, và bãi cạn mà cuộc sống con người không được duy trì một cách tự nhiên tại chỗ, thì vùng biển xung quanh không phải là của nước nào cả.
Có những tín hiệu cho thấy trong nội bộ Trung Quốc có những phe hiếu chiến.
-Thạc sĩ Hoàng Việt.
Bắc Kinh không đồng ý với phán quyết này.
Một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông tại Sài Gòn là Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định:
“Có những tín hiệu cho thấy trong nội bộ Trung Quốc có những phe hiếu chiến, thì ông này thuộc phe đó, chủ trương không ngại va chạm với Mỹ.”
Tuy nhiên ông Hoàng Việt nói thêm rằng việc đưa ra bình luận rất cứng rắn như vậy qua tờ Hoàn Cầu Thời báo, chứ không phải kênh chính thức của Chính phủ Bắc Kinh, hoặc là tờ Nhân dân Nhật báo, tiếng nói chính thức của nhà nước Trung Quốc, Bắc Kinh có hàm ý “nắn gân” Hoa Kỳ và các đồng minh mà thôi.
Nhận xét về nhiệm vụ của tờ Hoàn Cầu Thời báo, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một chuyên viên nghiên cứu độc lập tại Singapore nói với RFA:
“Trung Quốc có cái truyền thống là chuyện gì họ nói chính thức không được thì họ dùng những cái kênh ba phần tư là chính thức. Tờ Hoàn cầu thời báo là một kênh như vậy, nó là một kênh đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ở kênh này họ thường đưa ra những phát biểu với giọng điệu nói ngược nói xuôi, dọa nạt.”
Ông Hoàng Việt nói lý do mà Bắc Kinh không đưa ra lời đe dọa này theo những kênh chính thức là vì họ không có cơ sở pháp lý để đưa ra những đe dọa đó.
Ông Hà Hoàng Hợp cho rằng dù không chính thức, nhưng việc tờ Hoàn cầu thời báo đưa lời bình luận như vậy chứng tỏ một thái độ mà ông gọi là rất “nghiêm trọng” của người Trung Quốc, trong đó có thể bao gồm cả việc trả đũa vụ Mỹ yêu cầu Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính của công ty điện từ Hoa Vi của Trung Quốc với cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận của Hoa Kỳ với Iran.
Chuyện đụng chạm có thể xảy ra ngoài biển nhưng ở một chổ khác, đó là với cảnh sát biển hay là với đám ngư dân Trung Quốc có trang bị súng nhỏ.
-Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp.
Trả lời câu hỏi rằng với sự va chạm hồi tháng 9/2018 giữa tàu Lan Châu của Trung Quốc và tàu Decatur của Mỹ khi Decatur đi sát đảo do Trung Quốc chiếm đóng, và lời đe dọa của ông Đái Húc vừa mới đưa ra, thì liệu sắp tới va chạm thực sự dẫn tới xung đột có xảy ra không, ông Hoàng Việt nói:
“Sự việc chắc chỉ dừng ở mức độ đó, vì cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều không muốn chiến tranh xảy ra, không bên nào có lợi cả. Trung Quốc cũng biết sức mạnh hải quân của mình dù đã mạnh hơn rất nhiều so với trước nhưng còn rất lâu mới bằng được Hoa Kỳ.”
Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp cũng đồng ý rằng xung đột hải quân Mỹ Trung rất ít có khả năng xảy ra, thậm chí xung đột hải quân giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á cũng thấp, nhưng ông cảnh báo khả năng khác:
“Chuyện đụng chạm có thể xảy ra ngoài biển nhưng ở một chổ khác, đó là với cảnh sát biển hay là với đám ngư dân Trung Quốc có trang bị súng nhỏ. Vì nếu chúng ta để ý kỹ thì Trung Quốc không ký vào thỏa thuận mở rộng của việc Tránh xung đột không lường trước trên biển, Code for Unplanned Encounters at Sea, tiếng Anh viết tắt là CUES.”
CUES được các quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương, bao gồm Việt Nam và Trung Quốc, đồng ý với nhau vào năm 2014. Lúc đó CUES được đưa ra chỉ giới hạn ở phạm vi lực lượng hải quân và quân đội của các nước với nhau, và cho đến nay CUES cũng chỉ dừng lại ở mức độ đó. Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, Việt Nam đã đề nghị ký CUES mở rộng bao gồm cả lực lượng cảnh sát biển, ngư dân,… nhưng đến nay Bắc Kinh vẫn chưa đồng ý.
Việc ngư dân Trung Quốc có vũ trang, hoặc được các tàu hải giám có vũ trang của nước này hộ tống đi vào vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á, hoặc đụng chạm với ngư dân và hải quân những nước này đã diễn ra từ rất lâu nay, ví dụ như hồi tháng 5/2018 giới chức Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo tàu cá Trung Quốc vào đánh cá sâu trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách Đà Nẵng chỉ có 40 hải lý, với sự hộ tống của lực lượng hải giám có vũ trang của Trung Quốc.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/china-threatens-us-navy-12102018131646.html
Vụ bắt giữ “sếp lớn” Huawei:
TQ trả đũa Mỹ như thế nào?
Trung Quốc có thể thực hiện nhiều biện pháp đáp trả Mỹ sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – Giám đốc tài chính của công ty Huawei.
Vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu – con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei của Trung Quốc đã gây leo thang căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung. Giới phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ cảm thấy nước này đang trở thành một “mục tiêu tấn công thiếu công bằng” và có thể thực hiện một số biện pháp đáp trả Mỹ trong tương lai.
Mỹ thiếu chiến lược rõ ràng với Trung Quốc
Theo giới quan sát, vụ việc diễn ra trùng thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố “đình chiến” thương mại kéo dài 90 ngày là một “cú giáng về ngoại giao”, có thể giúp Mỹ thực hiện một số mục tiêu về an ninh quốc gia nhưng lại làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán thương mại sắp diễn ra giữa Bắc Kinh và Washington.
Chính quyền Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với những thời điểm khó khăn hơn nhiều trong bối cảnh Mỹ tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc và động thái này cho thấy, đến nay họ vẫn chưa có một kế hoạch đầy đủ về cách thức tiến hành nhiệm vụ. Theo giới phân tích, chính quyền ông Trump cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu cũng như vị trí của nó trong các mục tiêu rộng lớn hơn của Mỹ đối với Trung Quốc.
Việc các quan chức Mỹ không thông báo cho Tổng thống Trump về vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu trong thời gian diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Trung bên lề Hội nghị G20, đã gửi đi thông điệp “thiếu rõ ràng” với Bắc Kinh. Thông điệp có thể là chính quyền ông Trump sẽ tiếp tục gây sức ép bất chấp những gì Trung Quốc mang đến bàn đàm phán? Hoặc đơn giản điều này chỉ cho thấy đang có sự chia rẽ giữa các phe phái chính trị tại Mỹ về mục tiêu cạnh tranh đối với Trung Quốc. Và một khi Trung Quốc kết luận rằng Mỹ luôn theo đuổi việc thực thi một loạt các biện pháp trừng phạt bất chấp những bước đi mà Bắc Kinh đang thực hiện để giải quyết các mối lo ngại từ phía Mỹ, thì khi đó Bắc Kinh sẽ không sẵn lòng nhượng bộ.
Liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc sắp diễn ra, nếu chính quyền Tổng thống Trump muốn nhân vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu để tăng cường gây sức ép và tạo ưu thế so với Trung Quốc thì cách tiếp cận này nhiều khả năng không hiệu quả. Trong bình luận phát trên đài phát thanh Mỹ NPR, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John R. Bolton đã miễn cưỡng thảo luận trực tiếp về vụ bắt giữ, ông nhấn mạnh nhiều đến các vấn đề như sở hữu trí tuệ – dấu hiệu thể hiện sự nghiêm túc về việc giải quyết các vấn đề cấu trúc trong thương mại. Đây là một mục đích chính đáng nhưng không có vẻ như vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu sẽ giúp Mỹ có thêm nhiều ưu thế để đàm phán với Trung Quốc, bởi Huawei, dù là một công ty có tầm ảnh hưởng lớn tại Trung Quốc song không thể làm thay đổi các lợi ích và những thông lệ đã “ăn sâu bám rễ” trong nền kinh tế Trung Quốc.
Theo một số chuyên gia, sẽ là phù hợp hơn khi chính quyền ông Trump gửi đi thông điệp rằng, vụ bắt giữ là hành động thực thi luật pháp và không liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại. Khi đó, đề xuất của nhiều quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng vụ bắt giữ có thể được sử dụng như đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại sắp tới cần phải được suy xét lại.
Trung Quốc đáp trả Mỹ như thế nào?
Dù vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu không tạo ra mối đe dọa ngay lập tức đến thỏa thuận đình chiến thương mại, nhưng nó tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với quan hệ song phương. Ông Kerry Brown, chuyên gia thuộc Chương trình Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Chatham House cho rằng, Trung Quốc sẽ bắt đầu cảm thấy nước này đang trở thành một “mục tiêu tấn công thiếu công bằng” và có thể áp đặt một số biện pháp đáp trả Mỹ trong tương lai. “Tôi không nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đáp trả một cách trực diện, công khai và dứt khoát. Họ có thể đáp trả bằng nhiều cách khác”.
Nếu bà Mạnh Vãn Chu và tập đoàn Huawei vi phạm luật pháp, Mỹ có quyền tìm kiếm lệnh bắt giữ và đưa bà Mạnh Vãn Chu ra xét xử. Trong trường hợp ngược lại, điều này sẽ là dấu hiệu gửi tới các đồng minh của Mỹ và Trung Quốc rằng, mối lo ngại của Mỹ đối với các vụ đánh cắp công nghệ hoặc cáo buộc các tập đoàn hay tổ chức vi phạm biện pháp trừng phạt đối với Iran chỉ là cái cớ để Mỹ thực hiện những mục tiêu khác. Lấy lý do Mỹ sử dụng lệnh bắt giữ để phục vụ cho mục đích chính trị, Trung Quốc cùng các quốc gia khác áp dụng những chiến thuật mạnh tay hơn chống lại các doanh nghiệp Mỹ trong tương lai.
Hơn nữa, vụ bắt giữ cũng dẫn đến những hệ lụy khác. Dù phản ứng của chính phủ Trung Quốc đến thời điểm hiện tại vẫn rất kiềm chế, song trên các diễn đàn của truyền thông Trung Quốc đang xuất hiện nhiều đề xuất về các động thái đáp trả tiềm năng của Bắc Kinh. Nếu căng thẳng leo thang, thì điều này có thể dẫn đến những rủi ro mới đối với các giám đốc điều hành của Mỹ đang làm việc ở nước ngoài.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc không chỉ đáp trả Mỹ mà còn nhằm vào các đồng minh của nước này như Canada – nơi bà Mạnh Vãn Chu bị bắt giữ và có khả năng bị dẫn độ về Mỹ? Chính quyền Tổng thống Trump đã và đang thúc đẩy các quốc gia như Canada, Anh, Australia hỗ trợ không chỉ cách tiếp cận của Mỹ đối với những vụ đánh cắp công nghệ mà còn các biện pháp trừng phạt của Washington đối với Iran. Song đổi lại, các quốc gia này cũng cần Mỹ kề vai sát cánh với họ nếu bị đáp trả bằng những biện pháp cứng rắn.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục thực thi những hành động chống lại các công ty công nghệ của Trung Quốc sẽ tạo ra ảnh hưởng lâu dài đối với lợi ích của Mỹ ở nước ngoài. Chính quyền Tổng thống Donald Trump luôn quan tâm đến sức mạnh công nghệ của Mỹ và nỗ lực bảo vệ các cơ sở hạ tầng nhạy cảm. Nhưng nếu hành động của họ khiến Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch giành thế tự chủ trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt, thì khi đó Mỹ có một đối thủ cạnh tranh đáng gờm hơn.
Mỹ luôn lo ngại về những cam kết của Trung Quốc trong tuân thủ các quy tắc thương mại hay luật lệ an ninh quốc gia, nhưng ở thời điểm hiện tại, việc chính quyền Tổng thống Trump đảo ngược biện pháp trừng phạt đối với công ty công nghệ ZTE của Trung Quốc vào phút chót và áp đặt thuế
quan đối với nhiều đồng minh của Mỹ với lý do bảo vệ an ninh quốc gia đã cho thấy một nước Mỹ hàm chứa nhiều mâu thuẫn. Với vụ bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, chính quyền Tổng thống Trump đang đối mặt với phép thử lớn nhất chưa từng có. Họ cần phải chứng minh được rằng, những hành động mà họ đang thực hiện là một phần của cuộc chơi cứng rắn nhằm bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nước Mỹ.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25203-vu-bat-giu-sep-lon-huawei-tq-tra-dua-my-nhu-the-nao.html
TQ triệu đại sứ Mỹ, đòi rút lệnh bắt
giám đốc tài chính Huawei
Hôm 9-12, Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh Terry Branstad để phản đối vụ Canada bắt giữ Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei, bà Meng Wanzhou, theo yêu cầu của Washington.
Hãng tin Tân Hoa Xã cho biết Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng “bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ” với ông Terry liên quan đến vụ nhà chức trách Canada bắt giữ bà Meng. Giám đốc tài chính tập đoàn Huawei bị tình nghi vi phạm lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ nhằm vào Iran. Bà Meng bị bắt giữ tại Vancouver – Canada hôm 1-12.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Le Yucheng mô tả vụ bắt giữ giám đốc tài chính tập đoàn Huawei là “cực kỳ nghiêm trọng”, đồng thời yêu cầu Mỹ “gỡ bỏ lệnh bắt và sửa chữa các hành động sai trái của mình ngay lập tức”. Quan chức này nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ thực hiện các bước tiếp theo dựa trên phản ứng của Washington.
Trước đó, hôm 8-12, Trung Quốc cũng triệu tập Đại sứ Canada John McCallum để đưa ra phản đối tương tự.
Chính quyền tỉnh British Columbia – Canada thông báo họ đã hủy bỏ một chuyến thăm vì mục đích thương mại tới Trung Quốc trong bối cảnh Ottawa lo ngại Bắc Kinh trả đũa.
Theo AP, vụ bắt giữ bà Meng có thể làm gia tăng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung cũng như đã làm rung chuyển thị trường chứng khoán toàn cầu hồi tuần trước. Tuy nhiên, đại diện các vấn đề thương mại của Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố trên đài CBS News rằng vụ bắt giữ bà Meng “không thực sự gây ảnh hưởng tới các cuộc đàm phán thương mại giữa Bắc Kinh và Washington”.
Trong khi đó, cựu cố vấn chính sách đối ngoại của Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhận định áp lực của Bắc Kinh lên Ottawa sẽ không hiệu quả.
“Tòa án có thể (ra quyết định) độc lập ở một quốc gia thượng tôn pháp luật. Không có lý do gì để gây áp lực lên chính phủ Canada. Các thẩm phán sẽ quyết định” – cựu quan chức này bình luận.
Tại phiên tòa hôm 7-12, công tố viên người Canada John Gibb-Carsley cho biết lệnh bắt giữ bà Meng được ban hành ở New York – Mỹ vào ngày 22-8. Ông Gibb-Carsley nói rằng bà Meng bị bắt trên đường từ Hồng Kông đến Mexico và cáo buộc Huawei đã kinh doanh tại Iran thông qua một công ty Hồng Kông có tên là Skycom.
Trong khi thúc giục tòa án từ chối yêu cầu bảo lãnh của bé Meng, ông Gibb-Carsley cho hay người phụ nữ phải đối mặt với án tù 30 năm tại Mỹ.
Về phía Huawei, tập đoàn cho biết họ có niềm tin rằng hệ thống pháp lý của Canada và Mỹ sẽ đưa ra kết luận đúng đắn. Phiên tòa dự kiến tiếp tục vào ngày 10-12 (giờ địa phương).
Đế chế Huawei hùng mạnh,
tâm huyết một đời của Nhậm Chính Phi,
có thể bị huỷ hoại dưới tay ông Trump
Nếu ông Trump ban hành lệnh cấm về việc mua công nghệ và linh kiện của Mỹ sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, thì đó sẽ là “đòn chí mạng” cho Huawei – một đế chế được tỷ phú Nhậm Chính Phi dày công xây dựng.
Tại khuôn viên rộng lớn của Huawei Technologies ở Thâm Quyến, các bức tường của khu nhà ăn được trang trí bằng những dòng trích dẫn của tỷ phú, nhà sáng lập công ty – ông Nhậm Chính Phi (Ren Zhengfei). Ở đó còn có phòng thí nghiệm được mô phỏng như Nhà Trắng. Tuy nhiên, có lẽ điều gây tò mò nhất chính là ba con thiên nga đen bơi quanh hồ.
Đối với ông Nhậm, một cựu quân nhân và sau đó trở thành “ông trùm” của ngành viễn thông, loài chim tao nhã này mang ý nghĩa như một lời nhắc nhở rằng nên tránh sự tự mãn và luôn sẵn sàng cho những cuộc khủng hoảng có thể ập đến.
Điều đó đã tóm tắt khá đầy đủ những gì Huawei đang phải đối mặt, vụ việc bắt giữ nữ CFO, cũng là con gái của ông, bà Mạnh Vãn Chu.
Hiện bà Mạnh đang bị tạm giữ tại Canada và đối mặt với khả năng bị dẫn độ về Mỹ với cáo buộc âm mưu lừa đảo nhiều ngân hàng và vi phạm các lệnh trừng phạt đối với Iran.
Vụ việc đã gây khó khăn cho Huawei trong cuộc cạnh tranh công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Theo đó, Mỹ cho rằng công ty này mang đến những rủi ro tiềm tàng đối với an ninh quốc gia và muốn ngăn chặn Huawei trong việc cung cấp, phát triển dịch vụ 5G.
Ông Nhậm là một huyền thoại trong giới kinh doanh Trung Quốc. Ông đã sống sót qua nạn đói lớn và xây dựng một công ty viễn thông khổng lồ với doanh thu 92 tỷ USD, khiến một số nhà hoạch định chính sách phương Tây sợ hãi.
Huawei trở thành nhà sản xuất smartphone số 1 tại Trung Quốc và năm nay đã “vượt mặt” Apple để trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai toàn cầu.
Dù không được truyền thông nhắc đến nhiều như Alibaba, Tencent hay Baidu nhưng doanh thu năm ngoái của Huawei lại cao hơn tất cả những gã khổng lồ trên cộng lại. Khoảng một nửa doanh thu của công ty đều đến từ nước ngoài, cao nhất là khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Trở lại từ quân ngũ và xây dựng đế chế Huawei
Sau khi tại ngũ vào năm 1983, ông Nhậm cùng người vợ đầu tiên làm việc tại một công ty ở Thâm Quyến. Sau đó, ông phải bán hết tài sản để trả một khoản nợ liên quan đến một đối tác kinh doanh và bị mất việc tại Shenzhen Nanyou Group và cuộc hôn nhân của ông cũng đổ vỡ.
Năm 1987, ông cũng 4 đối tác thành lập Huawei với số vốn đầu tư 21 nghìn NDT. Ở thời điểm đó, Huawei là đơn vị buôn bán thiết bị viễn thông. Nhưng sau đó, các kỹ thuật viên đã nghiên cứu về mạnh điều khiển và sản xuất chúng.
Công nhân của công ty đã làm việc trong nhiều giờ, tại một vùng đầm lầy nhiệt đới ở Thâm Quyến mà chỉ có những chiếc quạt trần. Ông Nhậm đã rất quan tâm đến họ, ông nấu canh cho các công nhân để động viên họ làm thêm giờ.
Huawei từng nổi tiếng với “văn hoá tấm đệm”, các công nhân sẽ nằm nghỉ trên các tấm đệm ngay tại văn phòng nếu mệt mỏi khi đang làm việc. Vào năm 2006, một công nhân tên Hu Xinyu, 25 tuổi, có thói quen ngủ lại công ty sau nhiều giờ làm việc và đã qua đời vì virus viêm não. Sau đó một số công nhân của Huawei đã tự sát.
Sau tình trạng này, công ty đã thay đổi các chính sách về tăng ca, tăng cường vai trò của nhân viên y tế và giám đốc an toàn lao động.
Đó không phải là hành động duy nhất của ông Nhậm thực hiện nhằm ổn định tinh thần cho các công nhân. Ông chỉ trả một nửa số lương cho các công nhân, một nửa còn lại được quy đổi sang các cổ phiếu thưởng. Theo báo cáo năm 2017, ông Nhậm nắm giữ 1,4% cổ phần của Huawei, tương đương 2 tỷ USD.
“Văn hoá chó sói”
Trong cuộc “đấu tranh” giành thị phần với các công ty nước ngoài, Huawei sử dụng phong cách bán hàng tích cực được gọi là “văn hoá chó sói”. Ở nhiều sự kiện bán hàng, nhân viên Huawei luôn xuất hiện với số lượng nhiều hơn gấp vài lần so với các đối thủ.
Công ty này đã mạo hiểm bước vào thị trường quốc tế từ những năm 2000, với thiết bị viễn thông có giá thành phải chăng hơn những đối thủ như Cisco System. Sau đó, Huawei thừa nhận đã sao chép một phần nhỏ mã bộ định tuyến từ Cisco và đồng ý xoá mã nhiễm độc theo một thoả thuận dàn xếp.
Kể từ đó, chủ tịch Nhậm đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển của công ty. Trong số 180.000 nhân viên của mình, có khoảng 80.000 người hiện đang tham gia vào R&D, theo báo cáo năm 2017. Công ty cũng được biến đến là một trong những nhà tuyển dụng tận dụng rất nhiều nhân tài từ các trường đại học của Trung Quốc.
Gần đây, Huawei đã gặp phải nhiều khó khăn sau khi chính phủ Mỹ gọi công ty là mối đe doạ với an ninh quốc gia và chỉ ra những lo ngại về khả năng kiểm soát công nghệ 5G của họ.
Ông Trump đã ký một dự luật cấm chính phủ sử dụng công nghệ của Trung Quốc, trong đó có cả Huawei. Thậm chí ông Trump còn kêu gọi các nước đồng minh không sử dụng các thiết bị của Huawei.
Thuộc sở hữu chung với các nhân viên trong công ty, Huawei được biết đến với văn hoá làm việc kỷ luật, không một ai, kể cả ông Nhậm, có tài xế riêng hoặc sử dụng vé máy bay khoang hạng nhất từ tiền của công ty.
Gần đây, ông cũng cảnh báo nhân viên không sử dụng những con số không thật để báo cáo nâng cao thành tích. Ông đã cho thành lập một nhóm chuyên xác minh số liệu từ năm 2014 trong bộ phận tài chính và bà Mạnh Vãn Chu là người giám sát.
Đế chế Huawei có thể bị sụp đổ
Việc mở rộng phát triển toàn cầu của Huawei đã bị đình trệ trong nhiều năm, mở đầu là việc Uỷ ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ từ chối một đề nghị mua lại vào năm 2008. Còn hiện tại, Úc, New Zealand và Mỹ đã cấm hoặc hạn chế sử dụng các thiết bị của Huawei.
Vụ việc bắt giữ bà Mạnh trong bối cảnh cuộc đấu tranh giành vị trí thống trị công nghệ của hai nước đã và đang diễn ra căng thẳng và có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho Huawei. Ông Nhậm từ chối trả lời yêu cầu phỏng vấn từ Bloomberg.
Lệnh cấm về việc mua công nghệ và linh kiện của Mỹ sẽ là “đòn chí mạng” cho Huawei, tương tự như với vụ việc của ZTE hồi đầu năm nay. Lệnh cấm này sẽ không chỉ áp dụng cho các thành phần của phần cứng, mà còn là loại bỏ quyền truy cập vào phần mềm và bằng sáng chế của những công ty Mỹ, theo các nhà phân tích của Jefffies Securities.
Họ lưu ý: “Nếu Huawei không thể xin cấp phép cho Android từ Google hoặc bằng sáng chế của Qualcomm đối với việc truy cập công nghệ 4G và 5G, họ sẽ không thể xây dựng các trạm gốc 4G, 5G và smartphone.”
Trong một bài phát biểu gần đây được gửi tới các nhân viên Huawei, ông Nhậm Chính Phi kêu gọi sự kiên nhẫn với các chỉ trích bên ngoài và từ chối sự can thiệp từ nước ngoài. “Chúng tôi sẽ không bao giờ nhượng bộ hay chịu áp lực từ bên ngoài”, ông nói. Câu nói này sẽ sớm được Bộ Tư pháp Mỹ “thử nghiệm”.
TQ có khả năng đối trọng
hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương?
Tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á- Thái Bình Dương buộc Trung Quốc xây dựng sức mạnh hải quân và điều này có thể làm gia tăng xung đột với Mỹ.
Gần đây, Trung Quốc đã có những bước tiến lớn trong nỗ lực củng cố phạm vi ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Song việc theo đuổi tham vọng này sẽ đòi hỏi Trung Quốc xây dựng sức mạnh hải quân và điều này có thể làm gia tăng xung đột với Mỹ.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Quốc tế Halifax vào ngày 17/11, Tư lệnh Hạm đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Đô đốc Philip Davidson, cho hay Mỹ cần bảo vệ “sự sống còn” của chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” mở và tự do của mình.
“Mỹ luôn là một cường quốc Thái Bình Dương và điều này sẽ không thay đổi. Chúng ta không thể để Thái Bình Dương đơn độc nếu chúng ta đã muốn”, ông Davidson nói.
Tuy nhiên, đầu năm nay vị Đô đốc này trong một buổi điều trần trước Quốc hội đã nói Trung Quốc có đủ năng lực chi phối Biển Đông “trong tất cả các kịch bản không để gây ra chiến tranh”.
Khu vực Biển Đông và những căng thẳng xung quanh vấn đề tự do hàng hải và đòi chủ quyền lãnh thổ cho thấy sự đối đầu về chính trị và hải quân leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Thái Bình Dương.
Sau một loạt hội nghị cấp cao và các cuộc họp song phương gần đây, có thể thấy rõ rằng Bắc Kinh muốn “lĩnh xướng” trong việc đề ra nghị trình kinh tế và chiến lược cho cả khu vực. Và điều đó tất yếu dẫn đến sự đối đầu trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề ai sẽ là đối tác tốt hơn và trật tự nào cần theo đuổi.
Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) diễn ra gần đây cũng đã không ra được một thông cáo chung do nhưng căng thẳng về thương mại và an ninh giữa Washington và Bắc Kinh. Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) trước đó tại Singapore cũng ghi nhận sự chỉ trích gay gắt phía Mỹ về sự mở rộng quân sự “gây hấn” của Trung Quốc ở Biển Đông.
Sau Hội nghị APEC, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Philippines và đã đạt được một biên bản ghi nhớ về hợp tác thăm dò dầu khí giữa hai nước ở Biển Đông. Thoả thuận này là một dấu hiệu cho thấy Philippines đang “bắt tay” với Trung Quốc kể từ sau khi nước này kiện Trung Quốc lên toà án quốc tế về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Philippines vốn là một liên minh truyền thống của Mỹ.
Ông Gregory Poling, Giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tại Washington cho hãng truyền thông quốc tế Đức (DW) biết Bắc Kinh đang tiến hành thuyết phục các nước khác trong khu vực tin rằng sự hợp tác sẽ có lợi hơn là đối đầu.
“Nếu người Trung Quốc có thể thuyết phục các nước châu Á còn lại rằng họ đã thua thiệt như đã làm với Philippines và rằng Mỹ không đầu tư đúng hướng thì tất yếu Trung Quốc sẽ giành chiến thắng và khi đó các quốc gia châu Á sẽ bắt đầu phải nhượng bộ vì cảm thấy không có sự lựa chọn nào khác”, ông Poling phân tích.
Và trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh tạo dựng thế lực thông qua các chương trình cấp vốn vay, các thoả thuận về cơ sở hạ tầng và tiềm năng quân sự, sự lựa chọn bảo vệ những lợi ích này bằng sức mạnh ngày càng cận kề hơn.
Kịch bản đối đầu
Bắc Kinh coi phần lớn Biển Đông là chủ quyền lãnh thổ của mình, một tuyên bố trái với luật pháp quốc tế. Quân đội Trung Quốc đã biến nơi một thời chỉ là những bãi đá nổi và bãi cạn nhỏ thành các căn cứ quân sự vô cùng vững chắc.
Những căn cứ này cho Trung Quốc một lợi thế chiến lược. Ví dụ, căn cứ trên quần đảo Trường Sa có khả năng triển khai chiến đấu cơ có thể kiểm soát các đường vận tải đường biển chính.
“Cho dù hiện không nhìn thấy máy bay chiến đấu nào trên quần đảo Trường Sa, song Trung Quốc có thể ngay lập tức điều 72 chiến đấu cơ từ đảo này vào trạm chứa máy bay mà Trung Quốc đã xây dựng”, ông Poling nói.
Trung Quốc quả quyết rằng những cơ sở này được xây dựng vì “mục đích phòng thủ” song ông Poling cho rằng khó có thể tin vào điều này.
Ông Poling lập luận: “Nếu tôi xây một trạm chứa chiến đấu cơ, sao anh có thể tin rằng nó sẽ chỉ sử dụng cho mục đích phòng thủ? Lý lẽ 72 máy bay chiến đấu là cần thiết để phòng thủ chống lại lực lượng không quân lớn của Philippines nghe không hợp lý chút nào.”
Hải quân Mỹ thường xuyên tiến hành các hoạt động diễn tập tự do hàng hải trên Biển Đông. Gần đây, các hoạt động này dẫn tới nhiều vụ ”chạm trán” giữa Hải quân Mỹ với các lực lượng của Trung Quốc đang thực hiện tuần tiễu lãnh hải. Trung Quốc liên tiếp yêu sách đòi Hải Quân Mỹ ngừng các hoạt động này.
Và trong một cuộc diễn tập như vậy vào tháng 9, một tàu chiến của Mỹ đã gần như va quệt với một tàu chiến của Trung Quốc.
“Tôi không cho rằng bên nào muốn để xảy ra một xung đột ở Biển Đông và tôi không nghĩ sẽ có bất cứ bên nào”, ông Poling nhận định, “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc có cơ hội tốt để giành ưu thế mà không cần tốn một viên đạn nào. Mỹ đơn giản không đầu tư đúng phương cách cần thiết để cản trở điều đó”.
Năng lực chiến đấu
Là trưởng nhóm phân tích quá trình quân sự hoá của Trung Quốc trong khu vực thuộc CSIS, ông Poling cho hay Trung Quốc đã phát ra một tín hiệu rõ ràng cho cả thế giới biết về ý đồ kiểm soát Biển Đông của mình.
“Trung Quốc đã dành thời gian, công sức và khá nhiều tiền của để xây dựng ba trạm chứa và bãi đáp máy bay quân sự. Họ xây dựng rất nhiều hầm chứa vũ khí và nhiên liệu dưới lòng đất và tất cả các phương tiện phòng thủ cần thiết để bảo vệ những căn cứ này”. Báo cáo của Uỷ ban Chiến lược Quốc phòng Mỹ gần đây cũng cho thấy sự vượt trội về quân sự cuả Mỹ đã xuống cấp đến “mức nguy hiểm”.
Ông Poling nhận xét: “Điểm mấu chốt mà báo cáo này chỉ ra là khoảng cách đang được thu hẹp. Mỹ không mất vị thế song Trung Quốc tiến nhanh hơn. Các năng lực tương quan giữa hai bên đang xích lại gần nhau”. Vì thế theo ông Poling, chỉ thêm một vài chục năm nữa Trung Quốc có thể đuổi kịp Mỹ.
“Nếu bạn nhìn vào hạm đội 7, Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ và so sánh với những gì Trung Quốc đang có, Trung Quốc có nhỉnh hơn về số lượng thô. Song nếu so sánh với toàn hạm đội của Mỹ với giả thuyết khi có bất cứ cuộc xung đột nào Mỹ có thể huy động các lực lượng trên toàn thế giới thì Mỹ vẫn thắng thế về số lượng và quan trọng hơn là về năng lực”, ông Poling nói.
Mỹ có muốn bảo vệ Thái Bình Dương?
Một câu hỏi lớn hơn ngoài quy mô hải quân và năng lực của các tàu chiến và tên lửa là liệu tại nước Mỹ có tồn tại ý nguyện chính trị bước vào một cuộc xung đột để bảo vệ một trật tự dựa trên nguyên tắc và bảo vệ quyền lợi của các đồng minh trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Mặc dù công chúng Mỹ bày tỏ sự ủng hộ bảo vệ các liên minh trước sự gây hấn của Trung Quốc, song những vấn đề như bảo vệ trật tự quốc tế ở Biển Đông ít có khả năng giành được sự ủng hộ của công chúng trước một xung đột thảm hoạ tiềm tàng có thể xảy ra với Trung Quốc.
“Dường như người Mỹ sẽ hậu thuẫn Nhật hay Hàn Quốc trong trường hợp Trung Quốc xâm lấn các nước này. Tuy nhiên, đối với Biển Đông khi vấn đề không phải là về các xe tăng Trung Quốc tiến về Tokyo thì các lợi ích của Mỹ không dễ dàng được thấu hiểu”, ông Poling diễn giải.
“Mối quan ngại của tôi không phải là bên nào có nhiều tàu và máy bay hơn mà là ai muốn dấn mình vào cuộc chơi”, ông Poling bổ sung.
Nếu Mỹ cần phải duy trì vai trò lãnh đạo đối với các nước khác xung quanh Biển Đông và làm chủ mặt trận ở khu vực Thái Bình Dương, Mỹ cần phải duy trì các liên minh lành mạnh, điều mà Trung Quốc hiện chưa có song đang toan tính gây dựng.
Vào tháng 10 năm nay, các tổ chức quân sự của ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành các cuộc diễn tập hải quân chung lần đầu tiên và Trung Quốc thúc đẩy để đạt Bộ quy tắc ứng xử với các nước ASEAN ở Biển Đông. Trung Quốc muốn đưa vào bộ quy tắc ứng xử này nội dung cấm “các hoạt động diễn tập quân sự với các nước ngoài khu vực” và điều này nhằm ám chỉ đến Hải quân Mỹ.
Và khi mà nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đưa ra những thông điệp mâu thuẫn về vừa tham gia và tách rời, thì các nước đồng minh của Washington trong khu vực không dám chắc nên đứng về bên nào. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa qua, Tổng thống Singapore Lý Hiển Long đã nói sự đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc đang buộc các nước đồng minh “lúng túng” trong việc lựa chọn các bên.
Ông Poling nói: “Những lợi ích của Mỹ được bảo vệ bởi các liên minh và các mối quan hệ đối tác và đó là một sức mạnh to lớn mà Mỹ có còn Trung Quốc thì không. Anh không thể cứ thế mà từ bỏ và chỉ nói mình sẽ đi kẻ một làn ranh ở trục giữa Thái Bình Dương”.
http://biendong.net/bi-n-nong/25191-tq-co-kha-nang-doi-trong-hai-quan-my-o-thai-binh-duong.html
Trung Quốc trả đũa, bắt một nhà cựu ngoại giao Canada
Một nhà cựu ngoại giao Canada đã bị bắt giữ tại Trung Quốc, hai nguồn tin cho biết hôm 11/12. Ông Michael Kovrig hiện đang làm việc cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế -International Crisis Group (ICG) trong cương vị Cố vấn cấp cao đặc trách vùng Đông Bắc Á. Tổ chức này cho biết họ đang tìm cách để ông được phóng thích một cách chóng vánh và an toàn.
Hãng tin Reuters đưa tin ông Kovrig bị bắt giữ sau khi cảnh sát Canada bắt Giám đốc tài chính của Công ty Huawei/ Trung Quốc hôm 1/12 theo yêu cầu của chính phủ Hoa Kỳ, một động thái đã khiến cho Bắc Kinh nổi giận.
Hiện chưa rõ liệu hai trường hợp này có liên quan đến nhau hay không, nhưng vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, ở Vancouver đã làm dấy lên lo ngại về những hành động trả đũa nhắm vào cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc.
Trong một tuyên bố, Nhóm Khủng hoảng Quốc tế nói họ đã biết về tin ông Kovrig bị giam giữ tại Trung Quốc.
ICG nói thêm “Chúng tôi đang làm tất cả những gì có thể làm để tìm thông tin bổ sung về tung tích của Michael, hiện đang ở đâu, và bảo đảm ông được thả ra nhanh chóng và an toàn.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Công an Trung Quốc không trả lời lập tức các câu hỏi được gửi đi qua fax về vụ giam giữ ông Kovrig.
Theo các nguồn tin thì lý do chính xác để giam giữ ông, đưa ra vào đầu tuần, không mấy rõ ràng.
Đại sứ quán Canada cũng từ chối bình luận, nói rằng mọi thắc mắc nên liên lạc với chính quyền Canada ở Ottawa.
Ông Kovrig nói tiếng Quan thoại, và từ tháng 2 năm 2017, đã làm việc cho Nhóm Khủng hoảng Quốc tế trong tư cách là chuyên gia toàn thời gian.
Theo hồ sơ của ông trên trang mạng LinkedIn thì từ năm 2003 đến năm 2016, ông là một nhà ngoại giao làm việc ở Bắc Kinh và Hồng Kông, cùng nhiều nơi khác.
Sau vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, hôm thứ Bảy Trung Quốc cho triệu đại sứ Canada tại Bắc Kinh và cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng, nếu Ottawa không hành động để bà được trả tự do ngay lập tức.
Bà Mạnh sắp xuất hiện trở lại trước một tòa án ở Vancouver trong ngày thứ Ba, giữa lúc quan tòa cân nhắc những vấn đề cuối cùng đẻ xác định liệu bà có nên được tại ngoại hay không trong khi chờ đợi các thủ tục để dẫn độ sang Hoa Kỳ.
Washington cáo buộc rằng bà Mạnh đã lừa dối các ngân hàng đa quốc về việc Huawei kiểm soát một công ty hoạt động ở Iran, đặt các ngân hàng trước nguy cơ vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ và phải chịu những hình phạt nghiêm khắc.
Washington và Bắc Kinh đang đối đầu nhau trong một cuộc chiến thương mại cay đắng, hồi đầu tháng này hai bên đồng ý trì hoãn áp dụng biện pháp tăng thuế của Mỹ từ 10% lên 25% từ ngày 1/1/2019 đánh trên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, để có thêm thời gian đàm phán về mức thặng dư thương mại khổng lồ của Trung Quốc, trong khi Mỹ phàn nàn về việc Trung Quốc đánh cắp công nghệ của Mỹ.
Các chuyên gia Trung Quốc nói Bắc Kinh đang cố gắng tách vụ bắt giữ bà Mạnh khỏi các cuộc đàm phán thương mại, nhưng cảnh báo rằng sự phẫn nộ của công chúng ở Trung Quốc về động thái của Canada có thể buộc các quan chức tại đó thực hiện các biện pháp có nguy cơ làm xấu đi các quan hệ Mỹ-Trung.
Năm 2014, một cặp vợ chồng người Canada, Kevin và Julia Garratt, bị giam giữ một tuần sau khi Canada cáo buộc Trung Quốc thực hiện một cuộc tấn công vào hệ thống máy tính quốc gia.
https://www.voatiengviet.com/a/trung-quoc-tra-dua-bat-mot-nha-cuu-ngoai-giao-canada/4695982.html
Trung Quốc và Ấn Độ tập trận chung,
bất đồng vẫn tiềm tàng
Một năm rưỡi sau vụ đối đầu quân sự giữa hai bên tại vùng biên giới ở Himalaya, hôm nay 11/12/2018 Trung Quốc và Ấn Độ tiến hành cuộc tập trận chung kéo dài hai tuần tại Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên.
Được đặt tên là « Tay trong tay », cuộc tập trận thường niên này bắt đầu từ năm 2013, nhưng năm ngoái đã bị ngưng lại sau hai tháng căng thẳng về quân sự, khi hai bên dàn trận xe tăng, pháo binh, hỏa tiễn ở Doklam. Lực lượng tham gia lần này hiện chưa được công bố.
Trong hội nghị thượng đỉnh G20 vừa rồi, hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Narendra Modi thỏa thuận cải thiện quan hệ song phương. Bên cạnh việc nối lại tập trận, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ đến Ấn Độ vào cuối tháng này để khởi động một diễn đàn thương mại cấp cao Ấn-Trung.
Tuy nhiên theo các nhà quan sát, vẫn còn tiềm tàng nhiều khả năng xung đột giữa đôi bên, nhất là trên biển. Báo chí Ấn Độ tuần rồi cho biết Hải quân nước này chuẩn bị bổ sung thêm chiến hạm, trực thăng, máy bay cánh cố định, mở rộng căn cứ Chennai để tăng cường lực lượng ở phía nam Vịnh Bengal. Trong khi đó Trung Quốc gia tăng sự hiện diện trên Ấn Độ Dương, để bảo vệ lợi ích ngày càng lớn ở nước ngoài.
Việc Trung Quốc luôn từ chối cho Ấn Độ gia nhập NSG (nhóm các nước sản xuất nguyên tử) cũng gây bực tức cho New Delhi lâu nay.
Dù sao đi nữa, theo một nhà nghiên cứu, các hoạt động trao đổi giữa hai nước tuy không giải quyết được bất đồng, nhưng cũng giúp cho tranh chấp không biến thành xung đột quân sự.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181211-trung-quoc-va-an-do-tap-tran-chung-bat-dong-van-tiem-tang-ok
Thái Lan sẽ tổ chức bầu cử ngày 24/2/2019
Chính quyền quân sự Thái Lan cho biết các đảng phái chính trị nước này có thể tự do bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc bầu cử vốn đã được chờ đợi từ rất lâu sẽ diễn ra vào hôm 24/2/2019.
Thông báo được đưa ra sau khi chính quyền Thái Lan quyết định dỡ bỏ lệnh cấm hoạt động chính trị được ban hành kể từ khi quân đội nước này lên nắm quyền sau cuộc đảo chính bốn năm về trước.
Thaksin: ‘Thái Lan cần bầu cử tự do, công bằng’
Thái Lan không cho Đảng Cộng Sản tranh cử
Tương lai chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?
Quân đội Thái luôn nhấn mạnh họ có luôn ý định phục hồi nền dân chủ tại nước này.
Nhưng các mốc bầu cử liên tục bị trì hoãn nhiều lần.
Quân đội Thái Lan đã lên nắm quyền vào năm 2014 sau khi lật đổ chính quyền của Thủ tướng Yingluck Shinawatra và đảng Pheu Thai.
Các nhà lãnh đạo quân đội cho biết họ đang dần khôi phục được trật tự sau nhiều tháng bất ổn chính trị có lúc đã trở nên đầy bạo lực.
Sau đó quân đội nước này đã soạn thảo một bản Hiến pháp mới và có những thay đổi đối với hệ thống bầu cử.
Việc này đã được công chúng Thái Lan chấp thuận trong một cuộc trưng cầu dân ý năm 2017.
Bản Hiến pháp có nêu rõ ngay cả sau cuộc tổng tuyển cử, quân đội Thái Lan vẫn sẽ là lực lượng có ảnh hưởng lớn đến nền chính trị nước này.
Quân đội có thể tổ chức bầu cử thượng viện, sau đó giúp chọn ra Thủ tướng mới.
Hàng chục người đã bị bắt giam và buộc tội kể từ khi quân đội Thái cấm hoạt động chính trị và những cuộc tụ họp có nhiều hơn năm người trong một nỗ lực ngăn chặn các cuộc biểu tình có quy mô lớn trong những năm vừa qua.
Nhưng một thông báo vào hôm thứ Ba (11/12) cho biết các đảng phái chính trị “có thể hoạt động trở lại để trình bày những chính sách của họ”.
Và chính quyền nước này đã “quyết định sửa đổi hoặc sẽ bãi bỏ điều luật trên”.
Quân đội Thái Lan có truyền thống can thiệp vào chính trị và đã nắm quyền lực 12 lần kể từ khi chấm dứt chế độ quân chủ tuyệt đối – và giới thiệu bản hiến pháp đầu tiên – năm 1932.
Quân đội Thái Lan đã hứa sẽ không can thiệp sau cuộc bầu cử tiếp theo nhưng họ cũng trì hoãn việc bầu cử rất nhiều lần.
Phóng viên Jonathan Head của BBC nói hệ thống bầu cử mới được xây dựng theo cách rõ ràng bất lợi cho đảng Pheu Thai, đảng mạnh nhất tại quốc này trong hai thập kỷ vừa qua.
Đảng này vẫn liên kết chặt chẽ với các nhà lãnh đạo bị lật đổ trước đây, ông Thaksin Shinawatra, người đang sống lưu vong sau khi bị kết tội tham nhũng.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46524048
Philippines không mua trực thăng Nga
vì lo sợ trừng phạt của Mỹ
Philippines vừa quyết định mua 16 trực thăng Black Hawk của Mỹ thay vì các máy bay từ Nga do lo sợ các lệnh trừng phạt của Washington.
Philippines mua Black Hawk của Mỹ thay vì Mi-171 của Nga
Philippines từng đồng ý mua 16 trực thăng Bell 412 của Canada nhưng thỏa thuận này đã bị hủy bỏ vào hồi tháng 2 sau khi chính quyền Canada bày tỏ quan ngại các trực thăng này có thể được sử dụng để chống lại lực lượng nổi loạn.
Philippines sau đó cân nhắc nhiều lựa chọn thay thế như Sikorsky Airplane S-70 Black Hawk của Mỹ, Mi-171 của Nga, Sur Surion của Hàn Quốc và AW139 của Italia.
Vào hôm 7-12, Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana cho biết, nước này đã quyết định mua các trực thăng Black Hawk của Mỹ bất chấp việc Nga đã đưa ra giá rẻ hơn: “Rất khó để thanh toán với họ (Nga) vì các lệnh trừng phạt của Mỹ”.
Ngoài ra, với ngân sách 240 triệu USD, Philippines cũng sẽ mua thêm 8 chiếc T129 ATAK do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo dựa theo mẫu AgustaWestland A129CBT.
Đạo luật Chống Đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) được thông qua vào năm 2017, đã cho chính quyền Mỹ khả năng thực hiện nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị mạnh mẽ hơn nhắm vào Nga, Iran và Triều Tiên. Kể từ khi ra đời, đạo luật này đã được sử dụng để ngăn chặn các các nước có giao dịch quốc phòng và tình báo với Nga.