Đọc báo Pháp – 10/12/2018

Cac Bai Khac

No sub-categories

Đọc báo Pháp – 10/12/2018

Khủng hoảng Áo Vàng :

Tổng thống Pháp trả lời phẫn nộ của dân

Anh Vũ

Khủng hoảng Áo Vàng vẫn là chủ đề thời sự phủ kín các trang báo Pháp ra đầu tuần, đặc biệt tối nay (10/12) tổng thống Pháp sẽ có bài phát biểu quan trọng trên truyền hình. Trước bài diễn văn đang được dư luận mong đợi này, các báo đều đưa ra những dự đoán hay những câu hỏi cho nội dung về những biện pháp mà tổng thống sẽ thông báo.

Cái tên Macron xuất hiện ở hầu khắp trang nhất các báo. Le Figaro chạy tựa lớn : « Macron tìm câu chữ để thoát khỏi khủng hoảng ». Les Echos thì dự đoán qua tựa trang nhất : « Áo Vàng : Những gì Macron chuẩn bị ra khỏi khủng hoảng ». Còn nhật báo Công Giáo La Croix thì nhận định : « Đến lúc phải có câu trả lời ».

Le Figaro đặt câu hỏi « Macron sẽ thay đổi hướng (chính sách) ? ». Sau « Hồi 4 » của những người Áo Vàng hôm thứ Bảy (08/12), trước khi lên truyền hình, tổng thống Pháp dành cả ngày hôm nay cho cuộc thảo luận về chính sách xã hội. Các lãnh đạo công đoàn, giới chủ, các hiệp hội dân biểu, chủ tịch hai viện Quốc Hội, các tổ chức đối tác xã hội khác nhau đều được mời tham gia đóng góp sáng kiến giúp tháo ngòi nổ khủng hoảng nghiêm trọng mà nước Pháp đang trải qua.

Xã luận Le Figaro khẳng định, các biện pháp cấp bách đang được mong đợi, nhất là các biện pháp cho người về hưu và tầng lớp trung lưu đang gặp khó khăn rất nhiều trong cuộc sống. « Emmanuel Macron biết trước là các quyết định của ông sẽ chỉ chấp nhận được nếu chi phí cho nó phải được lấy từ tiết kiệm chi tiêu của chính phủ chứ không phải lấy từ nguồn thu thuế mà nước Pháp vốn đang giữ kỷ lục ».

Vẫn theo Le Figaro, căn bệnh không phải chỉ ở thuế má. « Nước Pháp cần có một mô hình xã hội được thay đổi hoàn toàn. Việc cấp bách là hoàn thiện một khế ước xã hội mới để tái lập lòng tin chứ không phải chỉ có ký rồi là xong ».

Xã luận tờ báo kêu gọi : « Sau ba tuần đối thoại giữa những người điếc và dân Pháp, tổng thống phải đề nghị được lối thoát cho cuộc xung đột ở tầm cao, nhưng lại phải tỏ ra khiêm tốn và thực tế ».

Trong thời điểm mấu chốt này, nhật báo Libération gặp gỡ những người đã mất hết lòng tin, không còn trông chờ gì vào ông Macron nữa. Trong phóng sự dài của Libération mang tiêu đề « Áo Vàng : Quá muộn, lẽ ra phải nói từ trước », phóng viên của tờ báo đã gặp gỡ tìm hiểu ý kiến của một số người Áo Vàng về những gì họ mong chờ ở ông Macron trong thông báo trên truyền hình tối nay. Tờ báo khẳng định luôn « phát biểu của tổng thống không được mấy người biểu tình quan tâm. Họ không hy vọng sẽ có những biện pháp ngoạn mục nào và quả quyết muốn tiếp tục phong trào đấu tranh ».

Nhượng bộ nhưng còn các cải cách ?

Về phát biểu tối nay, xã luận Libération nhận thấy những lời nói tràng giang đại hải đầy cảm xúc và cam kết ở ông Macron người ta đã được nghe nhiều lần.

Nhưng chắc chắn tối nay, tờ báo nhấn mạnh, tổng thống « sẽ chơi ván bài khó nhất trong cuộc đời chính trị ngắn ngủi của mình ». Tổng thống không được phép sai sót chí ít nếu ông muốn « làm dịu sự phản kháng đang xé nát nước Pháp ».

Trong khi đó xã luận La Croix chạy tựa ngắn gọn « nhượng bộ và giữ vững ». Tờ báo ghi nhận, « hiếm khi nào tiếng nói tổng thống lại được mong đợi như vậy… Emmanuel Macron sẽ phải chứng tỏ ông biết nỗi phẫn nộ ở Pháp bắt nguồn từ đâu suốt cả tháng qua ». Làn sóng phản kháng không chỉ bó hẹp trong áp lực thuế má mà bắt nguồn từ cung cách lãnh đạo của tổng thống. La Croix kêu gọi : « Trước người dân Pháp, Emmanuel Macron phải nhượng bộ và giữ vững : Tin vào những thay đổi cần thiết và kiên quyết trong các dự án cải cách ».

Ngôn từ thì đơn giản vậy nhưng phía sau là một bài toán nan giải cho tổng thống Pháp. Thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng lần này chỉ là bước đầu.

Chuyển qua nhật báo Le Monde. Áo Vàng cũng là chủ đề nổi bật của tờ báo nhưng do ra sớm từ thứ Bảy (08/12), Le Monde không cập nhất được thời sự mới, tuy nhiên tờ báo cũng có nhiều bài viết giúp độc giả tìm hiểu thêm về « căn nguyên của một cuộc khủng hoảng xã hội chưa từng có », tựa trang nhất tờ báo.

Mỹ : Điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ

khiến Donald Trump khó xử

Riêng về đề tài quốc tế, Le Monde nhìn qua nước Mỹ với bài viết về cuộc điều tra của tư pháp Hoa Kỳ về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ đang bắt đầu hé lộ những thông tin mà theo Le Monde cho rằng đang khiến tổng thống Donald Trump khó xử.

Theo Le Monde, thẩm phán Robert Muller người lãnh đạo cuộc điều tra nghi án Nga can dự bầu cử Mỹ, hôm thứ Sáu 07/12, lần đầu đã chuyển cho tư pháp các tài liệu khẳng định có mối liên hệ chặt chẽ giữa chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ 2016 với chính quyền Nga. Những tài liệu này có nhiều khả tín bởi các chi tiết được tập hợp từ lời khai của ông Michael Cohen, cựu luật sư riêng của ông Donald Trump.

Từ đầu vụ việc, khởi phát chỉ 6 tháng sau khi Donald Trump đắc cử tổng thống, Nhà Trắng liên tục phủ nhận cuộc điều tra của thẩm phán Muller, nhưng những tài liệu mới được chuyển cho tư pháp lần này dường như đang khiến ông Trump lúng túng. Theo Le Monde, tổng thống Mỹ hứa công bố một « báo cáo phản biện » để chống lại tài liệu của Robert Muller. Có điều đến lúc này không ai biết khi nào tài liệu được công bố và dưới hình thức nào. Ông Trump chỉ quả quyết rằng « 87 trang đã được viết ».

Hoa Vi, tâm điểm

của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Chuyển qua với một thời sự quốc tế khác đang được báo chí quốc tế quan tâm đó là vụ bắt giữ tổng giám đốc tài chính của tập đoàn Hoa Vi tại Canada theo yêu cầu của Mỹ. Trang kinh tế Le Figaro có bài « Hoa Vi, người khổng lồ ở trung tâm công nghiệp viễn thông ».

Le Figaro nhận thấy, « tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi giờ đang trong tâm điểm của cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Washington ». Cái tên Hoa Vi dường như đang khiến Donald Trump phấn chấn. Tổng thống Mỹ đặt tập đoàn này như là trọng tâm của cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Ông coi Hoa Vi là gián điệp kinh tế, chính trị và quân sự phục vụ cho Bắc Kinh.

Vẫn theo tờ báo Pháp, xung khắc giữa Washington và Hoa Vi đã bắt đầu nảy sinh từ năm 2014. Wshington đã từng cấm tập đoàn Trung Quốc này tham gia đấu thầu của Mỹ cũng chỉ vì nghi vấn làm gián điệp. Căng thẳng tăng dần, cho đến tháng 02/2018 khi 6 cơ quan tình báo Mỹ, trong đó có FBI, CIA rồi NSA, khuyến cáo công dân Mỹ không nên sử dụng thiết bị viễn thông Trung Quốc và đỉnh điểm là vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu vừa rồi.

Nhưng giờ đây Hoa Vi, công ty được thành lập năm 1987, được coi là « vật thể lạ » trong bầu trời viễn thông thế giới. Ba chục năm sau, Hoa Vi đã lớn mạnh thành một tập đoàn có 180 nghìn nhân nhân viên trải khắp thế giới và có doanh số hơn 92 tỷ đô la. Hoa Vi nhanh chóng vượt qua những người khổng lồ Mỹ, trở thành tập đoàn viễn thông lớn thứ 2 thế giới. Hoa Vi bị cáo giác có liên hệ chặt chẽ với quân đội Trung Quốc nhưng điểm lớn vẫn là tham vọng thống trị thị trường viễn thông toàn cầu của Hoa Vi. Đó chính là mối lo ngại lớn nhất của Mỹ và một số đồng minh.

Mỏ quặng quý trong điện thoại di động

Phần cuối của mục điểm báo hôm nay xin được đến với bài viết trên nhật báo kinh tế les Echos mang tiêu đề : « Đổ xô đi tìm vàng từ điện thoại thông minh ».

Chiếc điện thoại thông minh, vật dụng đại trà trong cuộc sống hàng ngày có chứa các kim loại quý hiếm như vàng, bạc, Platin và cả rất nhiều kim loại, đất hiếm khác, những nguyên liệu vẫn được cho là chiến lược của kỷ nguyên công nghệ hiện đại.

Điện thoại di động cũ, máy tính, iPad hỏng giờ nhiều người không gọi đó là rác thải nữa mà là các « mỏ quặng trong đô thị ». Các thiết bị này chứa đủ các kim loại từ vàng, bạc, platine, kẽm, chì cobalt, lithium, nikel, đất hiếm….

Người ta đã nhìn thấy nguồn mỏ quặng kim loại quý hiếm và sạch trong các điện thoại di động. Theo Les Echos, từ năm 2016, người ta ước tính các loại kim loại có trong các thiết bị điện tử gia dụng các loại trên thế giới có giá trị tới 55 tỷ euro, riêng các loại điện thoại di động chiếm 9,4 tỷ. Nhìn thấy nguồn lợi này nhiều nước châu Âu, trong đó đặc biệt Pháp đã tính đến việc thành lập hẳn một ngành công nghiệp chiết xuất thu hồi kim loại từ các vật dụng bỏ đi nói trên.

Les Echos cho biết : Tại Bỉ, gần Anvers có hẳn một khu lò luyện kim loại cũ rộng 127 ha giờ được làm thành nơi thu hồi các loại máy tính, điện thoại di động cũ hỏng từ khắp nơi trên thế giới để chiết xuất kim loại. Tổ hợp này sử dụng 1.650 nhân viên mỗi năm xử lý 500 nghìn tấn rác thải như vậy.

Một người quản lý của tổ hợp này cho Les Echos hay, 35 nghìn điện thoại di động người ta có thể thu hồi được 1kg vàng. Giá trị kim loại của một thiết bị điện tử có giá khoảng từ 80 xu đến 1 euro. Điều này cho thấy nguồn lợi kinh tế của núi rác thải công nghệ hiện đại lớn đến mức nào.

http://vi.rfi.fr/phap/20181210-khung-hoang-ao-vang-tong-thong-phap-tra-loi-phan-no-cua-dan

 

Tin đọc nhanh

(AFP) -Trung Quốc tấn công một nhà thờ Tin Lành, bắt giữ ít nhất 80 người.

Mục sư và ít nhất 80 tín đồ Tin Lành của Early Rain Covenant Church (Thu vũ Thánh ước Giáo hội) đã bị mất tích sau khi chính quyền Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên bố ráp nhà thờ khuya hôm qua cũng như nhà riêng của giáo dân, một số bị bắt ngay trên đường phố. Nhiều tín đồ giấu tên hôm 10/12/2018 cho AFP biết như trên. Theo tổ chức phi chính phủ ChinaAid, giáo hội Thu vũ Thánh ước thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu trong những tháng gần đây.

(AFP) -Trên 200 công dân Nhật kiện chính phủ. 

Khoảng 240 người trong đó có người Công giáo lẫn các nhà sư Phật giáo, ngày 10/12/2018 nộp đơn kiện chính phủ Nhật Bản vì dự định dùng tiền thuế của dân cho các buổi lễ kỷ niệm ngày tân hoàng đế Naruhito lên ngôi. Ngân sách dùng cho việc này không được tiết lộ, nhưng buổi lễ năm 1990 khi Naruhito được phong thái tử cha tốn kém khoảng 12,3 tỉ yen (96 triệu euro).

(AFP) – Xe buýt lao lên lề, 4 người chết tại Hồng Kông. 

Cảnh sát Hồng Kông cho biết, vào giờ cao điểm hôm 10/10/2018, một chiếc xe buýt lao vào đám đông trên một đoạn đường dốc. Bốn vị cao niên tuổi từ 70 đến 80 thiệt mạng. Khoảng một chục người bị thương. Cảnh sát không loại trừ khả năng, tai nạn do tài xế quên gài phanh.

(AFP) -Đại diện thương mại Mỹ không muốn gia hạn hưu chiến. 

Trưởng phái đoàn thương lượng Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer, ngày 09/12/2018 hàm ý không muốn gia hạn thời gian hưu chiến 90 ngày, trong cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Mỹ đã hạn cho Bắc Kinh đến ngày 01/03/2019 phải đáp ứng cụ thể các đòi hỏi của Washington, nếu không sẽ tăng thuế từ 10% lên 25% đối với 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc nhập khẩu. Ông Lighthizer cũng cho rằng việc bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi (Huawei) không ảnh hưởng mấy đến cuộc thương lượng Mỹ-Trung hiện nay.

 (Reuters) – Hạ Viện Anh hoãn biểu quyết thỏa thuận Brexit ? 

Tình hình chính trị tại Anh Quốc đang sôi động. Thủ tướng Theresa May chuẩn bị ra thông cáo vào chiều 10/12/2018. Có nhiều khả năng Hạ Viện Anh phải hoãn lại cuộc biểu quyết về thỏa thuận Brexit với châu Âu. Đồng bảng Anh sụt giá mạnh trong ngày, giảm 0,5 % so với đô la.

(AFP) – Hệ thống đường sắt Đức bị tê liệt. 

Nhân viên tập đoàn đường sắt quốc gia Đức, Deutsche Bahn, bãi công ngày 10/12/2018 đòi « đàm phán lại về mức lương bổng ». Các tuyến đường xe lửa cao tốc đặc biệt bị tác động. Bên công đoàn đòi tăng lương 7,5 % cho 160.000 nhân viên của Deutsche Bahn.

(AFP) -Tổng thống Venezuela khẳng định Mỹ âm mưu lật đổ. 

Tổng thống Venezuela, Nicolas Maduro hôm 09/12/2018 nói rằng Hoa Kỳ đã tung ra một kế hoạch nhằm lật đổ ông, với sự hỗ trợ của Colombia, và trong những ngày tới ông sẽ họp báo để cho biết chi tiết. Ông Maduro vào ngày 10/01/2019 sẽ bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống mới kéo dài 6 năm, nhờ chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 20/05/2018 mà Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và đa số quốc gia châu Mỹ la-tinh tố cáo gian lận.

http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181210-tin-doc-nhanh-0