Tin Biển Đông – 09/12/2018
Philippines liệu có sa bẫy “cùng khai thác”
của TQ trên Biển Đông?
Chính quyền Philippines, người thắng cuộc trong vụ kiện trước Tòa Trọng tài quốc tế không thể dễ sa vào “bẫy pháp lý” do Trung Quốc giăng ra trong Biển Đông.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần cuối bài viết mới Tiến sĩ Trần Công Trục gửi đến độc giả: Mục tiêu “cùng khai thác Biển Đông” giữa Trung Quốc và Philippines là gì?”.
Trung Quốc vốn có truyền thống áp dụng các biện pháp cưỡng ép trong tranh chấp, bất kể đó là lệnh cấm xuất khẩu đất hiếm vào Nhật Bản trong năm 2010, những hạn chế đối với nhập khẩu chuối Philippines vào năm 2012 hay thậm chí là những cuộc trả thù về kinh tế đối với Hàn Quốc trong thời gian gần đây vì cái “tội” triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở nước này…
Thiết nghĩ, Tổng thống Rodrigo Duterte và cộng sự của ông ta đã quá tường tận về những nguy cơ này.
Nhưng tại sao chính quyền Duterte hiện nay vẫn luôn nhấn mạnh đến lợi ích của việc “cùng khai thác Biển Đông” bằng cách nêu bật một số điểm như:
Ngư dân Philippines đã được đến đánh bắt tại khu vực bãi cạn Scarborough và Trung Quốc cam kết không xây dựng gì trên bãi mà họ đã chiếm từ tay Philippines vào năm 2012…?
Theo chúng tôi, phải chăng để tồn tại và phát triển trong bối cảnh đang diễn ra cuộc tranh chấp địa-chính trị khốc liệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, họ buộc phải tìm cách “lách giữa hai làn đạn”;
Và phải chăng đây cũng là một kế sách thu hút dòng vốn từ Trung Quốc nhằm cứu vãn nền kinh tế đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức to lớn, xuất phát từ tình trạng đảo quốc này phải gánh chịu quá nhiều thiên tai khốc liệt và từ sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu?
Vì vậy, chúng tôi cho rằng thỏa thuận “đình đám” nói trên cũng chỉ là một thỏa thuận mang tính biểu tượng;
Nó chỉ chứa đựng một vài nguyên tắc chung chung, không có ý nghĩa và không có giá trị thực hiện.
Bởi vì, nó không có bất kỳ một nội dung chi tiết cụ thể nào cả, ngoài những ngôn từ ngoại giao mà cả hai bên đều có thể khai thác nhằm phục vụ cho mục đích riêng của mình.
Trung Quốc chắc chắn sẽ cố tình ca ngợi thỏa thuận này, coi đây vừa là một thắng lợi của chủ trương giành lấy sự công nhận trên thực tế yêu sách “lưỡi bò” phi lý của họ;
Bắc Kinh sẽ vừa tiếp tục “kêu gọi” các nước khác xung quanh Biển Đông hãy nhanh chóng nhìn vào “tấm gương” này để sớm chấp nhận “cùng khai thác Biển Đông” với Trung Quốc, nếu không sẽ rơi vào tình cảnh “trâu chậm uống nước đục”…
Còn Philippines thì sao? Theo nhận định của chúng tôi, thỏa thuận nói trên chỉ có thể là một tính toán mang tính sách lược không hơn không kém.
Nếu ký kết thỏa thuận “đồng khai thác Biển Đông” một cách vô điều kiện hay theo kịch bản của Trung Quốc thì có thể được coi là một sự “mặc nhiên thừa nhận” yêu sách phi lý của Trung Quốc;
Và có thể nói rằng Philippines đã từ bỏ các quyền và lợi ích hợp pháp của họ, chí ít là một nửa các quyền và lợi ích hợp pháp trong các vùng biển và thềm lục địa được xác lập theo đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Điều này sẽ tạo tiền đề cho Trung Quốc tiếp tục gây sức ép đối với các quốc gia ven biển khác xung quanh Biển Đông để được quyền “cùng thăm dò, khai thác” tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển, thềm lục địa hợp pháp của các quốc gia này.
Như vậy, Trung Quốc đã thành công trong kế hoạch “biến không thành có”, biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp, để từng bước khống chế, tiến tới độc chiếm Biển Đông.
Tuy nhiên, qua theo dõi và nghiên cứu kỹ những phát ngôn từ phía các chính khách Philippines, chúng tôi chưa có đủ cơ sở đề khẳng định chính quyền của ông Rodrigo Duterte đã dễ dàng ký kết một thỏa thuận vi phạm Hiến pháp của họ như vậy.
Chúng tôi xin trích dẫn ý kiến của Thẩm phán Antonio Carpio: “Chúng ta có quyền chủ quyền trong việc khai thác mọi tài nguyên dầu khí, khoáng sản và hải sản ở đó…
Chúng ta không thể chuyển nhượng quyền chủ quyền của chúng ta được, thậm chí Tổng thống cũng không thể chuyển nhượng quyền chủ quyền thuộc vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta”.
Ngoại trưởng Philippines, Alan Peter Cayetano cũng đã cho biết:
“Philippines và Trung Quốc sẽ nghiên cứu riêng về các quy định pháp lý về ‘thăm dò chung’, trước khi cùng nhau đưa ra một khuôn khổ thống nhất… việc này hoàn toàn tuân thủ Hiến pháp và chịu sự giám sát của Tòa án tối cao Philippines”.
Phải chăng đây mới chính là quan điểm chính thống của Philippines về mặt nguyên tắc pháp lý?
Chính quyền Philippines, những người thắng cuộc trong vụ kiện lịch sử trước Tòa Trọng tài quốc tế 12/7/2016, không thể dễ bị sa vào “bẫy pháp lý” do Trung Quốc đã giăng ra trong Biển Đông như vậy.
Bởi vì, chúng tôi được biết, ông Rodrigo Duterte chỉ tuyên bố về nguyên tắc là “sẵn sàng” hợp tác với Trung Quốc với điều kiện không gặp “phiền hà” và mọi sự phải “công bằng và cân xứng”.
Suy ra rằng, bất cứ một thỏa thuận nào có liên quan đến lãnh thổ, chủ quyền quốc gia là phải tuân thủ đúng thủ tục pháp lý và đảm bảo sự bình đẳng, tôn trọng độc lập, chủ quyền quốc gia trong quan hệ quốc tế.
Nếu không thì sẽ phải “gặp phiền hà” bởi sự phủ quyết của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất và bởi sự phản kháng của người dân nước họ.
Hơn nữa, thiết nghĩ đây cũng còn có thể là một sách lược khôn ngoan của phía Philippines trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền của các bên liên quan đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Lịch sử của quá trình Philppines tranh chấp chủ quyền ở đây đã chứng minh và ngay cả phía Philippines cũng đã thừa nhận: họ đã nhảy vào tranh chấp chủ quyền chỉ từ những năm 50 và đã chiếm đóng trên thực tế một số thực thể thuộc quần đảo Trường Sa vào những năm 70 của thế kỷ trước.
Trên danh nghĩa pháp lý, họ cũng chỉ đòi hỏi chủ quyền đối với các thực thể nằm trong phạm vi hình lục giác bao lấy một phần quần đảo Trường Sa (trừ nhóm đảo Trường Sa lớn), mà họ gọi là “Kalayaan”, với lập luận rằng nhóm đảo này, mặc dù không phải là một bộ phận cấu thành quốc gia quần đảo, vẫn thuộc chủ quyền của Philippines, vì chúng ở gần Philippines về mặt khoảng cách địa lý…
Từ những nội dung vừa trình bày ở trên, chúng tôi hy vọng sẽ được bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xa gần tiếp tục cung cấp thêm những thông tin, với những bình luận xác đáng hơn, nhất là về những nội dung “chưa được tiết lộ” của thỏa thuận “gây sốc” này trước công luận.
Bởi vì, dù sao đi chăng nữa, các nước trong khu vực và quốc tế cần phải kịp thời lên tiếng, bày tỏ lập trường, quan điểm của mình đối với thỏa thuận song phương “đồng khai thác Biển Đông”, tại một vùng biển mà các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có các quyền và lợi ích chính đáng cần được tôn trọng và bảo vệ.
Chính vì vậỵ, chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao tuyên bố của Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Phương Trà khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc và Philippines ký biên bản ghi nhớ về hợp tác khai thác dầu khí tại Biển Đông:
“Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông bao gồm chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích hợp pháp trên biển rất rõ ràng, nhất quán và đã được nêu nhiều lần.
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam coi trọng hợp tác quốc tế trong đó có hợp tác trên biển, trên cơ sở tôn trọng chủ quyền, lợi ích chính đáng của các bên liên quan, phù hợp với lợi ích của các bên, luật pháp quốc tế đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như quan hệ hữu nghị của các quốc gia.
Theo đó, hợp tác khai thác dầu khí giữa Philippines và Trung Quốc tại Biển Đông chỉ có thể tiến hành tại các khu vực mà hai nước có chủ quyền và quyền chủ quyền theo đúng các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982″.
Mỹ mang thiết giáp lên tàu đổ bộ
đối phó mối đe dọa ở Biển Đông
Thủy quân lục chiến Mỹ thử nghiệm phương án dùng pháo trên xe thiết giáp đối phó với mục tiêu cỡ nhỏ khi diễn tập ở Biển Đông.
Trong cuộc diễn tập bắn đạn thật diễn ra ở Biển Đông hồi tháng 9, các binh sĩ thuộc Đơn vị Thủy quân Lục chiến Viễn chinh 31 đưa một thiết giáp hạng nhẹ LAV-25 lên thang nâng máy bay của tàu đổ bộ USS Wasp nhằm thử nghiệm khả năng ứng phó trước xuồng cao tốc vũ trang và các mục tiêu cỡ nhỏ khi tàu di chuyển qua “khu vực nguy hiểm”.
Họ thả một phao hơi màu cam cỡ lớn xuống biển để mô phỏng mục tiêu là xuồng máy đối phương đang tìm cách áp sát để tấn công tàu chiến Mỹ. Các binh sĩ sau đó đồng loạt khai hỏa pháo 25 mm M242B trên xe thiết giáp cùng súng máy và đại liên gắn trên tàu để tiêu diệt mục tiêu này.
Việc các binh sĩ sử dụng pháo tự động trên thiết giáp LAV-25 để tiêu diệt mục tiêu khiến nhiều người hoài nghi về năng lực tự vệ của hải quân Mỹ, Military Times đưa tin ngày 4/12.
Tuy nhiên, tướng David. W. Coffman của thủy quân lục chiến Mỹ cho biết các binh sĩ đưa thiết giáp LAV-25 lên boong tàu đổ bộ nhằm thử nghiệm phương án tăng cường hỏa lực cho các tàu vận tải và chiến hạm Mỹ khi hoạt động trên biển.
“Tôi cho rằng đây là sự sáng tạo, tôi từng chứng kiến chỉ huy một đơn vị thủy quân lục chiến cho buộc thiết giáp LAV ở đầu sàn đáp trên tàu vì cảm biến của thiết giáp LAV-25 có khả năng truy tìm tàu xuồng cỡ nhỏ của đối phương tốt hơn các hệ thống của con tàu”, Coffman nói.
Trong cuộc diễn tập vào tháng 9, các binh sĩ thủy quân lục chiến không sử dụng cảm biến của thiết giáp LAV-25 để tìm mục tiêu. Thay vào đó, họ sử dụng hệ thống kính ngắm quang học M41A4 Saber, phát ngôn viên của Đơn vị Thủy quân Viễn chinh số 31 George McArthur cho biết.
“Cuộc diễn tập nhằm kết hợp năng lực của chiến hạm và lực lượng thủy quân lục chiến với vũ khí chính xác cùng các loại khí tài khác, trong đó có hệ thống quang học M41A4 Saber”, McArthur nói. M41A4 Saber là hệ thống kính ngắm và chỉ thị mục tiêu thuộc tổ hợp tên lửa chống tăng dẫn đường BGM-71 TOW.
“Các loại khí tài của thủy quân lục chiến giúp nâng cao khả năng của các tổ hợp phòng thủ của chiến hạm USS Warp, đặc biệt hệ thống ngắm chiến thuật của thiết giáp LAV-25 tính toán giải pháp đạn đạo cho súng máy M242 và súng máy đồng trục M-240C, giúp tiêu diệt hiệu quả nhiều mục tiêu trên biển cùng lúc với độ chính xác cao”, McArthur cho biết.
Tháng 10/2017, thủy quân lục chiến Mỹ từng bố trí tổ hợp pháo phản lực M142 HIMARS trên boong tàu đổ bộ USS Anchorage để khai hỏa và đánh trúng mục tiêu trên bờ ở khoảng cách 70 km.
Các cuộc thử nghiệm trên được triển khai sau khi Tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ Robert Neller yêu cầu các tàu đổ bộ phải có khả năng phá hủy hoặc vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ bờ biển của đối phương, tạo điều kiện cho binh sĩ đổ bộ.
Binh sĩ Mỹ tiêu diệt mục tiêu bằng súng máy của thiết giáp LAV được đặt trên thang nâng máy bay của tàu đổ bộ tấn công USS Wasp trong cuộc tập trận tháng 9. Ảnh: US Marine.
Thiết giáp LAV được đặt trên thang nâng máy bay của tàu đổ bộ tấn công USS Wasp khai hỏa diệt mục tiêu trong cuộc diễn tập tháng 9. Ảnh: US Marine.
Biển Đông ảnh hưởng ra sao
tới cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?
Cuộc tranh chấp giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ là một trận chiến thương mại thông thường với các thông số về nhập khẩu và xuất khẩu.
Hoa Kỳ đã có động thái nhắm tới các vấn đề nổi cộm khác đến từ Trung Quốc, như tình trạng ép buộc chuyển giao công nghệ và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Theo CNBC, nhiều nhà kinh tế chỉ ra rằng cuộc tranh chấp hiện nay là một cuộc chiến công nghệ cao hơn là một cuộc chiến thuế quan, vì chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang nhắm vào các hoạt động của ngành công nghệ Trung Quốc. Trong khi đó, tình trạng quân sự hóa của Bắc Kinh đối với Biển Đông và chủ quyền về Đài Loan cũng có thể ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán giữa hai nước, CNBC bình luận.
“Rõ ràng, có một số [người] công nhận rằng vấn đề này liên quan đến nhiều thứ hơn là thương mại”, ông Jeffrey Kucik, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Arizona cho biết. “Hiện nay có quá nhiều các vấn đề liên quan, không rõ làm thế nào để giảm bớt căng thẳng [giữa Mỹ và Trung Quốc].”
Ông cho rằng một trong những vấn đề đó là sự tham dự của Hoa Kỳ vào Biển Đông và Đài Loan – hai điều mà Bắc Kinh xem xét là các vấn đề nội bộ.
Khác với chính sách mềm mỏng của người tiền nhiệm Obama là hạn chế hiện diện ở Biển Đông, chính quyền Trump cho phép các lực lượng Hoa Kỳ hoạt động thường xuyên trên vùng biển chiến lược để đảm bảo các tuyến đường thủy tự do và phản đối sự bành trướng của Trung Quốc.
Sự ủng hộ của Mỹ đối với Đài Loan, hòn đảo mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai, cũng là một chủ đề khiến Bắc Kinh căng thẳng suốt nhiều năm.
Ông Kucik cho rằng một giải pháp lâu dài cho cuộc chiến thương mại sẽ đòi hỏi nhiều thỏa hiệp về những vấn đề như vậy. Đối với chính quyền của ông Tập Cận Bình, “thương mại đứng sau lãnh thổ”, theo ông Kucik.
Tuy nhiên, một số người khác không đồng ý với lập luận đó.
Rõ ràng là Nhà Trắng coi Bắc Kinh là một đối thủ chiến lược, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, theo ông Patrick Lozada, giám đốc mảng Trung Quốc của hãng tư vấn chiến lược Albright Stonebridge Group. Nhưng những vấn đề đó không có bất kỳ cản trở nào đối với vấn đề thương mại, ông cho rằng: “Động lực cho các quyết định thương mại qua lại [giữa hai nước] không có liên quan gì đến các vấn đề phi thương mại khác.”
Nhà kinh tế học Hồng Kông Lawrence Lau từ Đại học Hồng Kông đồng tình với quan điểm đó, ông cho rằng Biển Đông và Đài Loan không phải là yếu tố gây tác động trong mối tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Dù những vấn đề như Biển Đông có mối quan hệ ra sao đối với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, một điều rõ ràng là chính quyền Trump đang áp dụng lập trường cứng rắn đối với hàng loạt hành vi được coi là không đúng đắn của Trung Quốc, từ việc quân sự hóa vùng biển này đến những bất công về thương mại, trộm cắp tài sản trí tuệ, v.v.