Hãy để cho mọi người biết
Trần Quốc Việt (Danlambao) – Khi hàng triệu nô lệ biết nhân phẩm và tự do là giá trị và quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình lúc chào đời là lúc những chế độ toàn trị bắt đầu run sợ. Từ nhận thức đến hành động chỉ là vấn đề thời gian vì cuộc cách mạng tự do cá nhân đã bắt đầu nẩy mầm trong lòng của mỗi người nô lệ. Bằng tất cả chân thành và can đảm, các bạn trẻ Việt Nam bắt đầu làm theo lời khuyên của Voltaire – hãy để cho mọi người biết. Nhờ họ Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã xuống đường để vào lòng người…
*
Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền kết tinh hai mươi thế kỷ văn minh tinh thần và đạo dức của nhân loại. Lần đầu tiên trong lịch sử đa phần nhân loại cam kết với nhau rằng mỗi con người trong mắt của tất cả mọi người là con người đích thực với tất cả sự trọn vẹn về nhân phẩm và tự do. Con người bắt dầu học để đối xử với nhau một cách nhân ái và văn minh.
Trong suốt hai năm trời các đại biểu từ sáu lục địa đã thảo luận, viết và sửa đi sửa lại bản thảo trong hàng ngàn giờ để rồi cuối cùng vào lúc ba giờ sáng ngày 10 tháng Mười Hai năm 1948 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chính thức thông qua.
Con đường thành hình bản tuyên ngôn này là con đường chạy dài gần như suốt lịch sử nền văn minh tinh thần của con người. Hạt giống nhân quyền bén rễ đầu tiên ở Hy Lạp cổ đại nơi người ta tin vào những luật tự nhiên phổ quát, và người La Mã hoàn thiện những khái niệm về thượng tôn pháp luật; rồi đến những triết gia Khai Sáng, những người tin tự do là điều kiện tự nhiên và mục đích của chính quyền là phục vụ và bảo vệ công dân.
Nhưng vào ngày 9 tháng Bảy năm 1975 nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn phát biểu như sau trong bài diễn văn tại New York:
“Chúng tôi là nô lệ ở đấy ngay từ lúc chào đời. Chúng tôi sinh ra là nô lệ. Tôi không còn trẻ nữa, và chính tôi đã là nô lệ lúc sinh ra; điều này càng đúng hơn đối với những người trẻ hơn. Chúng tôi là nô lệ, nhưng chúng tôi đang cố gắng để được tự do.”
Lời than của Solzhenitsyn sau này được nhiều người Nga lập lại trong những năm cuối cùng của chế độ cộng sản toàn trị ở Liên Xô. Nhà thơ Nga nổi tiếng Robert Rozhdesvensky còn buồn thảm hơn trong lời thơ sau:
Và ngay cả khi những con tàu vũ trụ của chúng ta bay giữa các vì sao,
Chúng ta vẫn còn là những nô lệ, những nô lệ.
Và giống như vết nhơ quá đậm, sự nô lệ này của chúng ta không thể nào rửa sạch.
Mỗi người trong chế độ toàn trị đều thấm ít nhiều chất nô lệ mà xiềng xích không những chân tay mà còn cả tinh thần và ý chí của họ.
Như vậy ánh sáng thiêng liêng của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã không xuyên thủng được bóng tối dày đặc che kín toàn bộ cuộc đời của các nô lệ ở các nước cộng sản. Đa phần họ là những nô lệ đáng thương không nhận thức rằng mình là nô lệ vì họ không biết đến nhân phẩm và tự do bất khả xâm phạm mà mỗi con người đều được hưởng lúc sinh ra.
Đối với người chủ người nô lệ nào ý thức được giá trị tự do và nhân phẩm của mình là thùng thuốc nổ đang chờ que diêm. Cho nên các chế độ toàn trị rất sợ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Họ dựng lên tầng tầng lớp lớp bức tường và hàng rào kẽm gai để ngăn chặn sự lan tỏa tinh thần của bản tuyên ngôn. Bên trong những trại tập trung giam giữ tâm hồn con người ấy, mỗi tối dưới bầu trời không trăng sao, các cai ngục chiếu lên nền trời những ngụy từ lung linh như độc lập tự do và hạnh phúc để ru các nô lệ vào giấc ngủ để chuẩn bị cho ngày nô lệ mới.
Trở thành công dân tự do có trách nhiệm là con đường duy nhất để thoát ra khỏi cảnh nô lệ thể chất và tinh thần như lời của một nhà báo Nga viết vào cuối năm 1989:
“Từ suy nghĩ mình là con ốc hay răng cưa rất nhỏ trong guồng máy khổng lồ nghiền nát hàng triệu số phận con người đến sự thấu hiểu mỗi cuộc đời là duy nhất. Và từ nô lệ hân hoan khi nhận khẩu phần thực phẩm đến trách nhiệm của người tự do.”
Tại sao những người dân Liên Xô mới nhận thức họ là nô lệ chỉ vào những năm tồn tại cuối cùng của chế độ. Một nguyên nhân là mọi người không biết đến Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Hơn nữa chế độ còn ban ra hiến pháp và luật pháp mà, nếu xét trên bề mặt, còn tốt hơn nhiều những nước có truyền thống tự do và dân chủ lâu đời.
Nhưng tất cả các quyền con người và sự thượng tôn pháp luật trên các văn kiện ấy của các nước toàn trị chỉ là trên giấy tờ.
Triết gia thời Khai Sáng Voltaire đã trả lời khi được hỏi nên làm gì với nhân quyền:
“Hãy để cho mọi người biết.”
Khi hàng triệu nô lệ biết nhân phẩm và tự do là giá trị và quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của mình lúc chào đời là lúc những chế độ toàn trị bắt đầu run sợ. Từ nhận thức đến hành động chỉ là vấn đề thời gian vì cuộc cách mạng tự do cá nhân đã bắt đầu nẩy mầm trong lòng của mỗi người nô lệ.
Bằng tất cả chân thành và can đảm, các bạn trẻ Việt Nam bắt đầu làm theo lời khuyên của Voltaire – hãy để cho mọi người biết. Nhờ họ Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền đã xuống đường để vào lòng người.
Là người của những thế hệ ngồi chờ, tôi kính chào các bạn – những người trẻ thuộc thế hệ đứng dậy – đang bắt đầu đóng chiếc đinh đầu tiên vào quan tài của chế độ.