Tin khắp nơi – 08/12/2018
Trump lạc quan về đàm phán thương mại với TQ
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Sáu tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc trong khi hai cố vấn kinh tế hàng đầu của ông hạ giảm tầm quan trọng của xích mích xuất phát từ vụ bắt giữ một giám đốc điều hành cao cấp của hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc, Huawei Technologies.
“Các cuộc đàm phán với Trung Quốc đang diễn tiến rất tốt,” ông Trump nói trên Twitter, mà không cung cấp bất cứ chi tiết nào.
Các công ty lớn đã bày tỏ lo ngại về vụ bắt giữ Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu ở Canada theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ sẽ ảnh hưởng ra sao đến quan hệ Mỹ-Trung, hoặc rằng việc này có thể gây ra phản ứng dữ dội đối với các công ty Mỹ đang hoạt động ở Trung Quốc.
Bà Mạnh, 46 tuổi, con gái của người sáng lập Huawei, đã xuất hiện tại một tòa án ở thành phố Vancouver trong một phiên tòa về bảo lãnh tại ngoại trong khi bà đối diện với khả năng bị dẫn độ sang Mỹ trong cuộc điều tra liệu Huawei có vi phạm các chế tài của Mỹ nhắm vào Iran hay không.
Larry Kudlow, giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia của Nhà Trắng, nói với đài CNBC rằng ông không tin vụ bắt giữ bà Mạnh sẽ “lấn” sang các cuộc đàm phán với Trung Quốc nhằm mục tiêu hối thúc Bắc Kinh mua thêm nông phẩm và năng lượng của Mỹ, giảm thuế quan của Trung Quốc và thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với chính sách của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ.
Ông Kudlow nói cuộc điều tra liệu Huawei có vi phạm các chế tài của Mỹ nhắm vào Iran hay không nằm ở một “tuyến riêng” không liên quan tới các cuộc đàm phán thương mại và là một vấn đề an ninh quốc gia và luật pháp của Mỹ.
Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro nói với đài CNN rằng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung và vụ bắt giữ Huawei “là hai sự kiện riêng rẽ,” gọi thời điểm vụ bắt giữ bà Mạnh và cuộc họp Trump-Tập là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Ông Navarro nói vụ bắt giữ này là kết quả của “những hành động sai trái của Huawei,” nói thêm rằng có một nguy cơ “đáng sợ” là chính phủ Trung Quốc có thể sử dụng các sản phẩm của công ty để do thám.
Những lo ngại không dứt về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gây nên tình trạng bán tháo cổ phiếu vào ngày thứ Sáu, với các cổ phiếu công nghệ dẫn đầu về mức sụt giảm.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-lac-quan-ve-dam-phan-thuong-mai-voi-trung-quoc/4691730.html
Chính quyền Trump lùng bắt
công ty TQ lấy cắp tài sản trí tuệ Mỹ
Cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Trump nhắm vào Trung Quốc được nhìn nhận chủ yếu là thông qua các lệnh thuế trừng phạt, nhưng không chỉ có vậy.
Một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại đã bắt đầu sau khi Mỹ đưa ra một bản cáo trạng buộc tội Hãng sản xuất chip điện tử Phúc Kiến Jinhua của Trung Quốc (Fujian Jinhua Integrated Circuit) và Công ty vi điện tử United của Đài Loan (UMC – United Microelectronics Corp) đã đánh cắp tài sản trí tuệ trị giá 8,75 tỷ USD của tập đoàn Công nghệ Micron có trụ sở tại Mỹ, theo Nikkei Asian Review.
Bộ Tư pháp Mỹ không đơn độc khi nhắm vào Fujian Jinhua, công ty này vốn đã bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ xếp vào danh sách đen, không cho phép mua các cấu phần quan trọng từ các doanh nghiệp Mỹ.
Động thái kết hợp của hai bộ đã nhấn mạnh một vấn đề mà chính quyền Trump thường chỉ trích Trung Quốc về thương mại: tội phạm mạng và trộm cắp tài sản trí tuệ.
Giám đốc FBI Christopher Wray đã đưa ra một tuyên bố vào tháng 11 rằng: “Không có quốc gia nào có mối đe dọa lớn hơn, nghiêm trọng hơn đối với các ý tưởng của chúng tôi, sự đổi mới và an ninh kinh tế của chúng tôi, như là Trung Quốc”.
Trong vụ UMC lấy cắp của Micron, Trung Quốc bị cáo buộc đã lợi dụng Đài Loan để ăn cắp công nghệ từ một công ty bán dẫn của Mỹ. Vụ án này đánh thẳng vào trung tâm nỗ lực của chính quyền Trung Quốc nhằm lấy cắp bí mật thương mại trong các ngành công nghiệp trọng điểm, theo Nikkei.
Đồng thời, nó cũng để lại bài học cho các công ty Đài Loan, vốn đã chịu áp lực phải lựa chọn giữa việc hợp tác với Mỹ hay hợp tác với Trung Quốc.
“Tôi cảm thấy hầu hết các công ty Đài Loan sẽ dịch chuyển [sang hợp tác với Mỹ] trước cuộc đối đầu thương mại này. Tuy nhiên sẽ có một số công ty, chẳng hạn như UMC, sẽ tìm cách ủng hộ Trung Quốc”, ông Rupert Hammond-Chambers, chủ tịch Hội đồng kinh doanh Mỹ-Đài Loan, nói với tạp chí Nikkei Asian Review.
Ông Hammond-Chambers cho biết: “Tôi dự đoán sẽ có một số vụ như thế này, nếu không phải là nhiều, trong đó hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ được sử dụng để trừng phạt và hy vọng bỏ tù những kẻ vi phạm pháp luật về bí mật thương mại”.
Đài Loan, hòn đảo tự chủ mà Trung Quốc coi là một tỉnh ly khai, có quy định chặt chẽ về bí mật thương mại, tuy nhiên việc thực thi đã không nhất quán trong những năm gần đây. Nikkei cho biết thông thường các đối tượng vi phạm chỉ phải nộp tiền phạt và chịu án treo. Bản thân UMC trước đây cũng từng bị phạt một khoản tiền nhỏ vì vi phạm luật pháp Đài Loan về việc đầu tư vào Trung Quốc, nhưng một tòa án khác sau đó kết luận công ty này không phạm pháp.
Dù UMC có phạm tội hay không, hình thức phạt nhẹ ban đầu và sự kém hiệu quả của tòa án không khiến giới quan sát tin tưởng, theo Nikkei.
Trong khi đó, dường như chính quyền Trump sẽ tiếp tục nhắm vào các công ty Trung Quốc cố gắng lấy cắp thông tin độc quyền từ các đối thủ Mỹ.
Hoa Kỳ cáo buộc phó chủ tịch Hoa Vi « gian lận »
Hôm qua, 07/12/2018, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính của Hoa Vi ra trình diện trước tòa án Vancouver. Bà bị bắt giữ tại Vancouver hôm thứ Bảy 01/12/2018 theo yêu cầu của phía Mỹ. Vụ việc đang làm cho quan hệ Trung Quốc và Canada trở nên căng thẳng.
Theo giải thích của thông tín viên đài RFI, Pascale Guéricolas tại Québec, Hoa Kỳ cáo buộc giám đốc tài chính Hoa Vi tội « gian lận ».
« Theo các thông tin được tiết lộ từ tòa án, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Hoa Vi dường như đã thông qua một chi nhánh là Skycom để lách các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào Iran trong vòng 5 năm. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ đã đề nghị đồng minh, quốc gia láng giềng phía Bắc bắt giữ và đòi dẫn độ bà Mạnh Vãn Châu.
Theo nhiều nhà phân tích, một vụ bắt giữ như thế tại một nước thứ ba là không bình thường, bởi vì thông thường chỉ có những tay trùm buôn ma túy hay buôn vũ khí mới là đối tượng của kiểu quy trình này. Thủ tướng Canada giờ đang trong thế khó xử. Quả thật, phe đối lập chỉ trích ông không bảo vệ được Canada trước các sản phẩm viễn thông do Hoa Vi sản xuất.
Các đồng minh của Canada như Mỹ, Úc, New Zealand cáo buộc doanh nghiệp rất gần gũi với chính quyền Trung Quốc này có hoạt động dọ thám mạng. Hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc hiện cung cấp một công nghệ mới, mạng 5G, mà vấn đề an ninh dường như có nhiều khe hỡ ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181208-hoa-ky-cao-buoc-pho-chu-tich-hoa-vi-gian-lan
Đình chiến thương mại Mỹ – TQ có thể chỉ là tạm thời
Trung Quốc và Mỹ đã đạt được một thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại tại G20. Động thái này được coi là bước ngoặt quan trọng cho quan hệ giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, theo The Conversation, đình chiến thương mại chỉ là giải pháp tạm thời.
Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chính thức bùng nổ từ tháng 7 đã gây ra nhiều nỗi lo về sự mất ổn định thị trường chứng khoán thế giới, suy thoái toàn cầu và phương hại đến trật tự quốc tế dựa trên các quy tắc.
Thỏa thuận của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về tạm dừng chiến tranh thương mại và tăng cường việc đàm phán trước khi quyết định có tăng thuế hay không được xem như thành công cho mối quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, sự lắng xuống của đôi bên chỉ là một phương án ngắn hạn, không phải một giải pháp lâu dài để có thể giải quyết những vấn đề thương mại căn bản cũng như những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung hiện nay.
Hai nhà lãnh đạo của Mỹ và Trung Quốc đã rời thủ đô của Argentina với một thỏa thuận được đưa ra nhắm đến giải quyết những sự khác biệt, từ các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông đến các chính sách thương mại của nước này.
Sự nổi lên của kinh tế Trung Quốc và sự suy giảm của Mỹ khiến hai cường quốc này càng chống đối lẫn nhau hơn nữa. Vậy những triển vọng cho thỏa thuận đạt được bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 là gì?
Trong nỗ lực nhằm giảm căng thẳng thương mại và ngăn chặn sự mất niềm tin toàn cầu, Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập đã đồng ý gia hạn thêm 90 ngày với việc áp thuế nhập khẩu bổ sung của Mỹ lên khoảng 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trước đó, ông chủ Nhà Trắng đã đe dọa tăng thuế nhập khẩu từ 10% lên 25% với một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 1/1/2019. Không những vậy, ông còn đe dọa áp thuế nốt với 267 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc nếu không giải quyết được những khác biệt về giao thương.
Tuyên bố đạt được tại Argentine ghi rõ: “Cả hai bên nhất trí sẽ cố gắng đạt thỏa thuận cuối cùng trong vòng 90 ngày tới. Nếu kết thúc thời gian này, các bên không đạt được thỏa thuận, mức thuế 10% sẽ được nâng lên 25%”.
Đáp lại những nhượng bộ tạm thời này, Trung Quốc đồng ý: “Mua lượng lớn những hàng hóa thiết yếu như nông sản, năng lượng, hàng công nghiệp và một số sản phẩm khác từ Mỹ nhằm giảm sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước. Trung Quốc đồng ý mua hàng nông sản ngay lập tức”.
Hai bên nhất trí xử lý các vấn đề về cấu trúc quan hệ thương mại, liên quan đến 5 lĩnh vực, bao gồm chuyển giao công nghệ ép buộc; bảo vệ sở hữu trí tuệ; các hàng rào phi thuế quan; tấn công mạng và tội phạm công nghệ cao. Đây đều là những vấn đề rất phức tạp và khó có thể giải quyết trong ngắn hạn.
Theo trang the Conversation, việc sẵn sàng đi đến một thỏa thuận với Trung Quốc của ông Trump sau nhiều tháng tấn công dồn dập phản ánh áp lực đến từ cử tri cũng như báo động ở Phố Wall về nguy cơ chiến tranh thương mại toàn diện.
Bên cạnh đó, sự thúc đẩy cho một thỏa thuận nhằm giữ thể diện tại Buenos Aires đã đạt được bởi mối quan ngại ngày càng tăng về nền kinh tế toàn cầu. Khối lượng giao dịch thương mại đã bắt đầu chững lại vào quý III khiến nỗi lo này thêm phần sâu sắc.
Phát biểu tại cuộc họp báo bên lề G20, giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, cho rằng: “Áp lực trên các thị trường mới nổi đang gia tăng và căng thẳng thương mại bắt đầu có tác động tiêu cực, tạo thêm nguy cơ về suy giảm kinh tế”.
Mặc dù vậy, các chuyên gia chính sách đối ngoại vẫn hoài nghi về sự lắng xuống trong thái độ thương mại thù địch sinh ra bởi những vấn đề làm tổn hại quan hệ Mỹ – Trung.
Theo nhà báo Ely Ratner của tạp chí Foreign Affairs, ngay cả khi chính sách thuế quan được giữ như cũ, Mỹ sẽ tiếp tục tái cơ cấu quan hệ kinh tế với Trung Quốc thông qua việc hạn chế đầu tư, kiểm soát xuất khẩu, thực thi pháp luật chống lại tình báo công nghiệp và tình báo mạng.
Việc đình chiến thương mại sẽ không duy trì được lâu nếu Mỹ vẫn giữ lập trường cứng rắn với Trung Quốc.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25139-dinh-chien-thuong-mai-my-tq-co-the-chi-la-tam-thoi.html
Sức mạnh quân sự của Mỹ gia tăng ở châu Phi
Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở châu Phi dù « kín đáo » nhưng « đông đảo ». Mặc dù Washington khẳng định muốn giảm quân số ở châu lục này, nhưng quân đội Mỹ vẫn có tới 34 căn cứ và tiền đồn ở châu Phi.
Tại sao có thể nói sức mạnh quân sự của Mỹ đang tăng ở châu Phi ?
Hồi giữa tháng 11/2018, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ Candice Tresch cho biết số binh lính Mỹ đóng tại châu Phi sẽ giảm khoảng 10% trong những năm tới đây. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản quân đội Mỹ triển khai một mạng lưới đồ sộ tại châu lục này.
Trong bài viết « Ở châu Phi, sức mạnh của quân đội Mỹ gia tăng », trang mạng kênh truyền hình France 24 của Pháp dẫn thông tin đăng tải ngày 01/12/2018 trên The Intercept của Mỹ để giải đáp câu hỏi trên.
Trang mạng The Intercept có quyền tiếp cận các báo cáo liên quan tới Africom – Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Phi. The Intercept thậm chí còn cho đăng cả một bản đồ gồm 34 cơ sở của quân đội Mỹ ở châu lục gồm 14 căn cứ quân sự và 20 tiền đồn, với tổng cộng khoảng 7.200 quân nhân.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Candice Tresch khẳng định với trang mạng The Intercept rằng dấu ấn của Hoa Kỳ ở châu Phi 10 năm qua đã tăng rõ rệt, nhằm bảo đảm lợi ích an ninh của Mỹ.
Quân đội Mỹ liệu có hiện diện nhiều bằng Trung Quốc và Nga ở châu Phi ?
Cho dù Trung Quốc và Nga đều đã tăng cường lực lượng quân sự tại châu Phi, nhưng sự hiện diện của cả hai cường quốc này đều không mạnh bằng Hoa Kỳ. Geoff Porter, lãnh đạo Cơ quan Tư vấn North Africa Risk Consulting nhấn mạnh lực lượng Mỹ không liên quan đến quân đội Trung Quốc và Nga.
Hoạt động của quân đội Mỹ đơn giản chỉ nhằm đối phó với những mối đe dọa nhắm vào các lợi ích an ninh của Mỹ, đặc biệt là ở vùng Sahel và vùng Sừng Châu Phi, điều này giải thích tại sao Mỹ vẫn duy trì được áp lực nhắm vào các tổ chức khủng bố trong những khu vực nói trên.
Sức mạnh đang lên của quân đội Mỹ ở châu Phi thể hiện như thế nào ?
Việc tăng cường sức mạnh của quân đội Mỹ ở châu Phi thể hiện qua việc triển khai hoạt động các loại máy bay không người lái. Adam Moore, giáo sư tại trường Đại học California, Los Angeles, chuyên gia về quân đội Mỹ của The Intercept, giải thích là việc phân bổ các căn cứ quân sự cho chúng ta thấy rằng lực lượng Mỹ được triển khai quanh 3 khu vực chống khủng bố ở châu Phi : vùng Sừng châu Phi (Somalia, Djibouti, Kenya), Libya và vùng Sahel (Camerun, Tchad, Niger, Mali, Burkina Faso).
Quả thực, các khu vực này đang là con mồi trong các vụ tấn công của các nhóm khủng bố : nhóm Shebab ở Somalia, tổ chức Al-Qaida ở Libya và vùng Sahel, hay nhóm Boko Haram.
Chính nhờ lĩnh vực máy bay không người lái mà sức mạnh của quân đội Mỹ gia tăng một cách đáng kể. Chuyên gia Adam Moore cho biết trong vòng 5 năm qua, Hoa Kỳ đã thiết lập ở Djibouti một khu tổ hợp về máy bay không người lái có thể là lớn nhất trên thế giới. Theo tiết lộ của The Intercept, doanh trại này chứa các máy bay không người lái hoạt động ở Yemen và Somalia và tiếp nhận tới 4.000 quân nhân của Mỹ và các nước đồng minh.
Lầu Năm Góc đang chú trọng mở rộng hoạt động quân sự ở nước châu Phi nào?
Niger là quốc gia Mỹ đẩy mạnh mở rộng mặt trận ở vùng Sahel, vùng chiến lược chống khủng bố đang lên ở lục địa này. Vào tháng 10/2017, 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng vì trúng ổ phục kích ở Niger. Qua vụ việc này, công chúng mới biết lực lượng Hoa Kỳ tham gia nhiều thế nào vào cuộc chiến chống Hồi Giáo cực đoan ở vùng Sahel. Trước khi xảy ra vụ 4 binh sĩ Mỹ thiệt mạng, rất có thể đa phần người dân Mỹ không biết là có binh lính Hoa Kỳ được cử đi làm nhiệm vụ chiến đấu ở châu Phi.
Ở quốc gia tây Phi Niger, nơi Hoa Kỳ đã có tới 5 căn cứ quân sự, Washington dự kiến xây dựng một căn cứ còn lớn hơn căn cứ ở Djibouti : đó là căn cứ dành cho máy bay không người lái ở Agadez. Chi phí xây dựng có thể lên tới 100 triệu đô la.
Bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo giảm quân số ở châu Phi, vậy tại sao có thể nói sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ vẫn tăng tại châu lục này ?
Đối với Goeff Porter, lãnh đạo Cơ quan Tư vấn North Africa Risk Consulting, thì không có gì là mâu thuẫn giữa việc bộ Quốc Phòng Mỹ thông báo giảm quân số ở châu Phi cách nay vài tuần và việc tăng cường sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ ở lục địa.
Chuyên gia Goeff Porter giải thích rằng hai vế trên không loại trừ nhau. Nếu việc xây dựng các căn cứ quân sự như trên là để các máy bay không người lái có thể hỗ trợ hoạt động cho các lực lượng và cũng là nhằm củng cố cơ sở hạ tầng đã có sẵn trong khu vực, thì nó đồng thời cũng có thể cho phép giảm bớt số lượng binh sĩ đang đóng quân tại châu Phi.
Việc sử dụng máy bay không người lái là một phần của chiến lược chống khủng bố mà Mỹ tiến hành ở vùng Sừng châu Phi và vùng Sahel. Washington triển khai hoạt động quân sự thông qua việc hỗ trợ logistique cho các đồng minh của Mỹ trong các khu vực nói trên, và các máy bay không người lái cho phép cung cấp thông tin tình báo để giúp đỡ các quốc gia đồng minh tìm kiếm và vô hiệu hóa các mục tiêu trong khi Mỹ lại hạn chế được việc phải triển khai các lực lượng đặc biệt.
Nếu Washington muốn nhấn mạnh là các căn cứ trên chỉ được triển khai tạm thời và có sự bảo trợ của các nước sở tại, thì The Intercept khẳng định sức mạnh của quân đội Mỹ vẫn tiếp tục được nâng cao. Theo trang mạng Mỹ, Air Forces Africa, đơn vị không quân của Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở châu Phi đang tham gia vào gần 30 dự án ở 4 nước châu Phi.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181207-suc-manh-quan-su-my-chau-phi
Nga từng đề nghị « hợp tác chính trị »
với êkíp của Trump từ năm 2015
Ngay từ tháng 11/2015, ê-kíp tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhận được đề nghị « hợp tác chính trị » với nước Nga. Đây là tiết lộ mới trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tiết lộ nói trên nằm trong một tài liệu mà công tố viên Mueller đệ trình hôm qua, 08/12/2018, để chuẩn bị cho việc tuyên án ông Michael Cohen vào thứ Tư 12/12 tới đây. Nguyên là luật sư riêng của tổng thống Trump, ông Cohen ngày 29/11 vừa qua thừa nhận đã nói dối với Quốc Hội về những mối liên hệ của ông với Matxcơva trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ.
Theo tài liệu này, luật sư Cohen thừa nhận vào tháng 11/2015, tức là 8 tháng trước khi ông Donald Trump được đảng Cộng Hòa chỉ định làm ứng cử viên tổng thống, ông đã tiếp xúc với một người Nga tự nhận là một « nhân vật tin cẩn » của chính phủ Nga.
Nhân vật này đã đề nghị với ông Cohen tổ chức một cuộc gặp giữa ông Trump với tổng thống Nga Vladimir Putin, hứa hẹn rằng cuộc gặp này sẽ có tác động rất lớn về mặt chính trị cho ứng cử viên tương lai, cũng như tạo thuận lợi cho dự án xây một « tháp Trump » ở Matxcơva. Tuy nhiên, luật sư Cohen khẳng định ông đã không làm theo đề nghị của nhân vật nói trên. Một lần nữa, ông Donald Trump cũng như Nhà Trắng đều đã bác bỏ những tiết lộ mới trong cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Mueller.
Theo lời công tố viên Mueller, ông Cohen đã cam kết sẽ tiếp tục cung cấp những thông tin « chuẩn xác » cho cuộc điều tra về nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Nhưng mặc dù đã cam kết như vậy, cựu luật sư riêng của tổng thống Trump vẫn có nguy cơ lãnh án nhiều năm tù trong một vụ án khác về tội gian lận thuế và ngân hàng, vi phạm luật về tài trợ cho chiến dịch tranh cử. Đặc biệt, ông Cohen bị cáo buộc đã mua sự im lặng của Stormy Daniel, một nữ diễn viên phim khiêu dâm, về quan hệ mà dường như cô này đã có với ông Donald Trump.
http://vi.rfi.fr/quoc-te/20181208-nga-hop-tac-chinh-tri-trump-nam-2015-qt
Công tố viên liên bang xác nhận
Trump chỉ đạo trả tiền bịt miệng trước bầu cử
Các công tố viên liên bang hôm thứ Sáu nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ đạo luật sư cá nhân của ông thực hiện các khoản thanh toán bất hợp pháp cho hai người phụ nữ trước cuộc bầu cử năm 2016, và cũng nêu chi tiết một nỗ lực chưa từng được biết tới trước đây của một người Nga nhằm giúp đỡ chiến dịch tranh cử Trump.
Trong hồ sơ đệ trình tòa án, các công tố viên liên bang ở New York và các công tố viên làm việc cho Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller nêu luận cứ vì sao cựu luật sư cá nhân của ông Trump, Michael Cohen, và cựu chủ tịch ban vận động tranh cử của ông, Paul Manafort, đáng phải ngồi tù.
Các tài liệu này càng gia tăng áp lực lên ông Trump với việc xác nhận các công tố viên tin rằng ông có dính líu đến một vụ vi phạm luật tài chính vận động tranh cử, đồng thời bổ sung vào danh sách những liên lạc ngày càng nhiều giữa các phụ tá vận động tranh cử của ông và những người Nga vào năm 2015 và 2016.
Các công tố viên trong cả hai vụ án liên quan tới ông Cohen được yêu cầu phải nộp các bản thông tri riêng rẽ vào ngày thứ Sáu về sự hợp tác của ông Cohen cho Thẩm phán liên bang William Pauley ở khu Manhattan của thành phố New York, người sẽ phán quyết về bản án của cựu luật sư này vào ngày 12 tháng 12.
Trong khi ông Cohen nêu ra sự dính líu của tổng thống trong các khoản thanh toán nhằm bịt miệng hai người phụ nữ – nữ diễn viên phim người lớn Stormy Daniels và cựu người mẫu Playboy Karen McDougal – trong tuyên bố nhận tội vào tháng 8 ở New York, các hồ sơ đệ trình hôm thứ Sáu đánh dấu lần đầu tiên các công tố viên liên bang chính thức đồng tình với lời khai của ông Cohen.
Hồ sơ nói ông Cohen đã thực hiện các khoản thanh toán “trong sự phối hợp với và theo chỉ đạo” của ông Trump.
Trong những dòng tweet mới vào ngày thứ Sáu, ông Trump cáo buộc các nhà điều tra liên bang và các quan chức cao cấp có mâu thuẫn lợi ích, mà không trưng ra bằng chứng nào. Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders gọi ông Cohen là kẻ nói dối và bác bỏ những hồ sơ này là không đáng kể.
“Các hồ sơ của chính phủ trong vụ việc của Ông Cohen không cho chúng ta biết điều gì có giá trị mà chưa được biết đến,” bà Sanders nói.
Tuần trước, ông Cohen thú nhận đã nói dối Quốc hội trong một nỗ lực nhằm hạn chế sự can dự của ông trong nỗ lực tìm kiếm sự giúp đỡ của Điện Kremlin cho dự án xây một tòa nhà chọc trời mang tên Trump ở Moscow. Ông Cohen nói rằng ông làm như vậy là để nhất quán với những thông điệp chính trị của ông Trump, và ông đã tham khảo ý kiến của Nhà Trắng trong khi chuẩn bị ra khai chứng trước Quốc hội.
Ông Mueller hôm thứ Sáu cho biết ông Cohen đã lặp lại những phát biểu sai lạc của mình về dự án trong cuộc gặp đầu tiên với văn phòng Mueller, và thừa nhận sự thật chỉ trong một cuộc gặp sau đó vào tháng 9 sau khi ông tuyên bố nhận tội về các cáo buộc riêng rẽ ở New York.
Hôm thứ Sáu, ông Mueller nói các phát biểu sai lạc của ông Cohen trước Quốc hội đã “che giấu” một điều là dự án tòa nhà chọc trời này có tiềm năng thu về “hàng trăm triệu đôla từ các nguồn ở Nga” cho Tổ chức Trump.
Ông Mueller nói các cuộc thảo luận về việc phát triển dự án tiềm năng này ở Moscow có liên quan đến cuộc điều tra vì nó xảy ra vào thời điểm mà chính phủ Nga đang liên tục nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ.
Ngoài việc thú nhận sự thật về dự án ở Moscow, ông Cohen còn cung cấp thông tin cho ông Mueller về một số nỗ lực của những người Nga liên lạc với ban vận động Trump, theo hồ sơ đệ trình hôm thứ Sáu.
Vào tháng 11 năm 2015, ông Cohen nói chuyện với một công dân Nga, người nói rằng ông ta có thể cung cấp cho ban vận động “sự hiệp đồng chính trị” với Nga và nhiều lần đề xuất một cuộc gặp gỡ với Tổng thống Vladimir Putin. Ông Cohen đã không theo đuổi đề xuất này, hồ sơ nói.
Ông Mueller cũng cho biết trong hồ sơ rằng ông Cohen đã cung cấp “thông tin liên quan và hữu ích về những liên lạc của ông với những người có liên hệ với Nhà Trắng trong năm 2017 và 2018.
Ông Mueller cũng nêu chi tiết những phát biểu bị cho là nói dối của ông Manafort trong các cuộc phỏng vấn với các công tố viên và FBI. Tháng trước ông Mueller đã hủy bỏ thỏa thuận nhận tội của ông Manafort bởi vì ông này không nói sự thật, theo các công tố viên.
Họ nói ông Manafort đã “nói dối rõ ràng nhiều lần,” kể cả về những trao đổi của ông với một nhà tư vấn chính trị được cho là có những liên hệ với tình báo Nga, và về các tương tác với các quan chức chính quyền Trump ngay cả sau khi Manafort bị truy tố lần đầu tiên vào cuối năm 2017.
Ông Trump đã phủ nhận bất kì sự thông đồng nào với Nga và cáo buộc các công tố viên của ông Mueller gây áp lực với các cựu phụ tá của ông để nói dối về ông, về chiến dịch vận động tranh cử của ông và các giao dịch kinh doanh của ông. Nga đã phủ nhận can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 để giúp ông Trump.
Trump chê cựu ngoại trưởng ‘đần độn’ và ‘lười biếng’
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/12 mắng cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson là “đần độn” và “lười biếng bỏ xừ,” một ngày sau khi ông Tillerson cho hay ông đã khuyến cáo tổng thống chớ vi phạm pháp luật.
“Mike Pompeo đang làm việc rất tốt, tôi rất tự hào về ông ấy. Người tiền nhiệm của ông ấy, Rex Tillerson, không có năng lực tinh thần cần thiết. Ông ta đần độn và tôi cho ông ta cuốn gói luôn. Ông ta lười biếng bỏ xừ. Bây giờ tình thế hoàn toàn khác rồi, tinh thần lên rất cao ở Bộ Ngoại giao!” ông Trump viết trên Twitter.
Ông Trump sa thải ông Tillerson, cựu giám đốc điều hành tập đoàn Exxon Mobil, trong một dòng tweet hồi tháng 3 sau một loạt những rạn nứt công khai về chính sách Triều Tiên, Nga và Iran. Ngoài những bất đồng về chính sách, quan hệ giữa hai người đã bị căng thẳng vì tin tức cho hay ông Tillerson ở nơi riêng tư đã gọi ông Trump là “thằng ngu.”
Trong một cuộc phỏng vấn với Bob Schieffer, cộng tác viên về chính trị của CBS News, hôm 6/12, ông Tillerson mô tả ông Trump là một người “thiếu kỉ luật, không thích đọc, không đọc các báo cáo trình bày… không muốn tìm hiểu chi tiết về nhiều thứ.”
Khi được hỏi mối quan hệ của ông với Trump đã chệch hướng ra sao, ông Tillerson nói rằng đó có thể là kết quả của việc ông nói với Tổng thống rằng ông không thể làm một số điều nhất định vì những điều đó bất hợp pháp hoặc sẽ vi phạm các hiệp ước của Mỹ.
“Tôi cũng phải nói với ông ấy, thưa Ngài Tổng thống, tôi hiểu những gì ông muốn làm, nhưng ông không thể làm theo cách đó. Làm vậy là vi phạm luật pháp, vi phạm các hiệp ước,” ông Tillerson nói. “Ông ấy rất bực bội.”
Khi chọn ông Tillerson làm Ngoại trưởng, ông Trump đã hết lời ca ngợi ông Tillerson rằng: “Sự kiên trì, kinh nghiệm rộng lớn và hiểu biết sâu sắc về địa chính trị khiến ông ấy trở thành một lựa chọn tuyệt vời cho chức Ngoại trưởng.”
Tuy nhiên, ông Tillerson lãnh đạo một Bộ Ngoại giao mất nhuệ khí với vai trò bị suy giảm rất nhiều. Một số vị trí cao cấp không có người nắm giữ và nhiều nước đồng minh đặt câu hỏi về hiệu quả khi làm việc với một nhà ngoại giao mà họ ngờ rằng không bao giờ giành được sự tín nhiệm của ông Trump.
https://www.voatiengviet.com/a/trump-che-cuc-ngoai-truong-dan-don-va-luoi-bieng/4691751.html
Giám đốc điều hành General Motors
bị những nhà lập pháp chỉ trích gay gắt
Washington, DC – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Năm (6 tháng 12), trong một phiên họp với các nhà lập pháp, giám đốc điều hành của GM Motors, bà Mary Barra đã nhận những lời chỉ trích gay gắt từ các thành viên của Quốc hội ở Michigan về việc sản xuất một loại chiếc xe mới ở Mexico trong khi đóng cửa 5 nhà máy lắp ráp ở Bắc Mỹ và cắt giảm gần 15,000 việc làm.
Theo hãng tin Reuters, Thượng nghị sĩ Dân Chủ Gary Peters đã đặt câu hỏi tại sao GM tung ra sản phẩm Chevrolet Blazer SUV mới ở Mexico, trong khi lại cắt giảm sản xuất tại Hoa Kỳ; đồng thời ông yêu cầu công ty cần phải chuyển việc sản xuất loại xe này sang Hoa Kỳ. Bà Barra trả lời rằng, việc sản xuất xe Blazer ở Mexico đã được quyết định cách đây nhiều năm.
Hôm thứ Tư, bà nói với Reuters rằng, việc mang loại xe Blazer về sản xuất ở Hoa Kỳ sẽ “rất tốn kém” vì sản phẩm chuẩn bị được tung ra trong vài ngày tới. Các nhà lập pháp đã rất tức giận vì không được thông báo trước về việc cắt giảm việc làm của GM tuần vừa rồi và họ muốn bảo đảm rằng GM sẽ không đóng cửa thêm nhà máy nào tại Hoa Kỳ.
Bà Barra nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng, General Motors sẽ làm những điều cần thiết để tăng cường lợi nhuận công ty.
Theo hãng tin Reuters, vào năm tới, GM sẽ dừng việc sản xuất tại nhà máy lắp ráp Detroit-Hamtramck, nhà máy Warren Transmission ở ngoại ô Detroit, cùng với các nhà máy ở Ohio, Maryland và Canada, đồng thời cắt giảm khoảng 8,000 việc làm.
Dân biểu Dân Chủ Sander Levin cho biết, GM chỉ trả ít hơn 3 Mỹ kim một giờ làm tại bốn nhà máy ở Mexico, và con số này là rất nhỏ so với ở Hoa Kỳ.
Dân biểu Brenda Lawrence từ Detroit, cho biết các nhà lập pháp đang theo dõi xem GM sẽ đưa ra quyết định gì trong tương lai. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/giam-doc-dieu-hanh-general-motors-bi-nhung-nha-lap-phap-chi-trich-gay-gat/
An ninh mạng : Hoa Vi đáng để EU phải lo ngại
Sau vụ bắt giữ nữ giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc, Hoa Vi, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phụ trách công nghệ số ngày 07/12/2018, báo động nguy cơ an ninh mạng tại châu Âu liên quan đến những sản phẩm của Hoa Vi cũng như của các công ty Trung Quốc khác.
Thông tín viên RFI tại Bruxelles, Pierre Bénazet tường thuật :
Ủy Ban Châu Âu cho rằng việc sử dụng điện thoại và máy tính do Hoa Vi chế tạo hẳn là có thể khiến người tiêu dùng châu Âu gặp phải rủi ro về an toàn. Đó cũng là ý kiến của ông Andrus Ansip, phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu.
Theo ủy viên phụ trách thị trường kỹ thuật số này, các thiết bị đó được sử dụng như là một con ngựa thành Troie cho các gián điệp. Andrus Ansip nhắc đến ví dụ như các cổng hậu của phần mềm. Những cổng đó cho phép xâm nhập vào trong toàn bộ các dữ liệu của một thiết bị qua chương trình bí mật cài đặt trong các phần mềm.
Ông nói : « Chúng ta có nên lo lắng về vấn đề của Hoa Vi hay của các công ty Trung Quốc khác ? Có, tôi nghĩ là chúng ta nên lo lắng vì các công ty đó bị buộc cộng tác với các cơ quan tình báo. Tôi luôn phản đối các cổng sau bắt buộc hay cài xen các loại chíp để lấy bí mật của chúng ta chẳng hạn.
Đó không phải là tín hiệu tốt khi các công ty buộc phải mở hệ thống của mình cho các cơ quan mật vụ. Là những người bình thường, tất nhiên chúng ta phải sợ điều đó ».
Báo động về an toàn mạng gửi đến người tiêu dùng châu Âu như vậy có khả năng gây tổn hại đến hình ảnh thương mại của Hoa Vi, cũng như vụ bắt giữ nữ giám đốc tài chính của hãng tại Canada.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181208-an-ninh-mang-hoa-vi-eu-lo-ngai-qt
Paris tiếp tục có biểu tình bạo động chống chính phủ
Cảnh sát ở Paris bắn hơi cay vào người biểu tình với làn sóng chống chính phủ có bạo động vào cuối tuần thứ tư.
Các cuộc đụng độ diễn ra sau khi có tới 8.000 người biểu tình tập trung tại trung tâm thành phố. Hơn 500 người đã bị bắt giam.
Cảnh sát nói với BBC rằng 30 người đã bị thương ở thủ đô, trong đó có ba cảnh sát.
Phong trào “áo vàng” phản đối việc tăng thuế xăng dầu nhưng các bộ trưởng nói rằng các cuộc biểu tình đã bị thành phần phản đối “rất bạo lực” lợi dụng.
Khoảng 8.000 cảnh sát và 12 xe bọc thép đã được điều tới Paris và gần 90.000 cảnh sát được huy động trên toàn quốc.
Tuần trước, hàng trăm người bị bắt và bị thương trong các cuộc biểu tình có bạo động ở Paris – một số vụ đụng độ đường phố được xem là tồi tệ nhất ở thủ đô nước Pháp trong nhiều thập niên.
Tháp Eiffel ở Paris đóng cửa vào thứ Bảy và cảnh sát đã kêu gọi các cửa tiệm và nhà hàng trên đại lộ Champs-Elysees của Paris đóng cửa và một số viện bảo tàng cũng sẽ đóng cửa.
Nhưng sự bất mãn rộng lớn hơn với chính phủ đã lan rộng và các cuộc biểu tình đã tiếp tục nổ ra trên các vấn đề khác ngoài thuế xăng dầu.
Những người biểu tình là ai?
Những người biểu tình “áo vàng”, được đặt tên như vậy vì họ xuống đường phố mặc quần áo màu vàng có thể nhìn thấy rõ từ xa, ban đầu phàn nàn về thuế dầu diesel tăng mạnh.
Tổng thống Macron cho biết động lực của ông trong việc tăng giá là vì môi trường, nhưng những người biểu tình cáo buộc ông không nắm rõ được sinh hoạt của dân.
Chính phủ sau đó đã loại bỏ kế hoạch tăng giá xăng, nhưng những người biểu tình áo vàng vẫn không được xoa dịu. Tuần trước, phong trào này – mặc dù thiếu lãnh đạo trung ương – đã đưa ra hơn 40 yêu sách cho chính phủ.
Trong số đó có lương hưu tối thiểu, cải tổ rộng rãi hệ thống thu thuế và giảm tuổi nghỉ hưu.
Phong trào biểu tình lan tỏa mạnh qua các phương tiện truyền thông xã hội, thu hút được người từ mọi thành phần tham gia từ phía đối lập chính phủ cực tả đến phía theo chủ nghĩa dân tộc cực hữu, và những người ở giữa.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46494218
Facebook, cái nôi của phong trào « Áo Vàng »
Các nhóm được thành lập trên mạng xã hội Facebook đã đóng một vai trò trọng yếu trong sự phát triển của phong trào những người « Áo Vàng » tại Pháp, theo lời các thành viên của những nhóm này, cũng như của các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn.
Châm ngòi cho phong trào này chính là video clip của một phụ nữ vô danh tiểu tốt, Jacqueline Mouraud, lên án « Ngài Macron » về quyết định tăng thuế xăng dầu. Từ đó, những người lái xe bất mãn mới tập hợp lại thành các nhóm để cùng nhau tổ chức cuộc biểu tình đầu tiên ngày 17/11. Họ mặc chiếc áo màu huỳnh quang, mà theo luật, người lái xe nào cũng phải có sẳn trong xe. Phong trào « Áo Vàng » là xuất phát từ đó.
Giáo sư Tristian Mendès France, Đại học Paris-Diderot, giải thích với hãng tin AFP rằng « Facebook là không gian lý tưởng đối với một phong trào kiểu như vậy, tức là một phong trào không có cơ cấu chặt chẽ, phân tán và không có đại diện thật sự. Cũng giống như họ, Facebook không có trung tâm, mà chỉ dựa trên những cộng đồng ».
Giống như các nhóm trên mạng xã hội, các thành viên của phong trào « Áo Vàng » có những yêu sách và thuộc những thành phần rất khác biệt nhau.
Nhưng Facebook cũng là nơi mà những người « Áo Vàng » trao đổi thông tin, hội ý với nhau, phối hợp tổ chức, theo lời bà Chloé Tissier, người điều hành nhóm « Những người lái xe vùng Normandie nổi giận », hiện có đến hơn 50 ngàn thành viên. Khi những người « Áo Vàng » muốn đạt đồng thuận về các yêu sách, họ cũng chọn Facebook làm công cụ thăm dò ý kiến.
Cũng theo lời bà Tissier, mạng Facebook quy tụ rất nhiều người lớn tuổi ở Pháp và thành phần này chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong phong trào « Áo Vàng », do bản thân họ bất mãn khi thấy tiền hưu ngày càng ít đi vì thuế tăng.
Còn về phần nhà nghiên cứu Olivier Ertzscheid tại đại học Nantes, ông nhấn mạnh, nếu không có Facebook, phong trào « Áo Vàng » đã không đạt đến tầm mức như thế.
Một điểm đáng chú ý khác, đó là trong các nhóm trên Facebook, các thành viên tin vào những thông tin do chính các « đồng chí » của họ loan tải, hơn là thông tin trên các báo chí truyền thống. Theo các chuyên gia, chính thái độ nghi kỵ này đã góp phần vào sự lan truyền các « Fake news » (tin giả). Ngay từ đầu phong trào « Áo Vàng », những tin đồn thất thiệt đã lan truyền với tốc độ chóng mặt.
http://vi.rfi.fr/phap/20181208-facebook-cai-noi-phong-trao-ao-vang
Khủng hoảng Áo Vàng :
Nhiều nước lo ngại an toàn cho kiều dân
Lo ngại các cuộc biểu tình cuối tuần của những người Áo Vàng có thể làm bùng phát bạo loạn ở thủ đô và các thành phố lớn của Pháp, nhiều nước châu Âu tỏ ra lo lắng, khuyến cáo công dân của mình nên trận trọng khi có mặt tại Pháp hôm nay (08/12/2018).
« Không can dự vào các cuộc thảo luận và các tranh cãi khác nhau », « không nên dừng lại để quay phim chụp ảnh », đó là những thông điệp của nhiều nước gửi đến các kiều dân có mặt ở nước Pháp trong bối cảnh các cuộc biểu tình của phong trào phản kháng Áo Vàng tiếp tục dâng cao. Nhiều nước còn kêu gọi công dân của mình hoãn lại các cuộc thăm viếng thủ đô Pháp vào những ngày cuối tuần này.
Cộng Hòa Séc đề nghị người dân « chỉ đến Paris nếu thật sự cần thiết ». Còn Lisboa thì kêu gọi người Bồ Đào Nha « tránh di chuyển không cần thiết tới Paris ngày 8/12 ». Trong khi đó, bộ Ngoại Giao Bỉ đăng trên trang mạng khuyến cáo kiều dân của họ hoãn lại các chuyến đi tới Pháp. Những ai buộc phải đi thì được nhắc nhở phải « có biện pháp đề phòng », đặc biệt là tránh xa những khu du lịch và các địa điểm biểu tượng. Bỉ cũng khuyên công dân của họ không nên dùng xe hơi tới Paris, nếu phải đi xe thì cần chuẩn bị xăng dầu đầy đủ, đậu trong các bãi tầng hầm, không đỗ xe trong phố…
Các nước láng giềng khác của Pháp như Tây Ban Nha, Đức, Ý, Hà Lan và Anh Quốc đều đưa ra những lời khuyến cáo, kêu gọi khá cặn kẽ cho người dân có mặt tại Pháp như : « tránh xa các sự kiện bạo lực vô tình gặp giữa đường, không dừng lại chụp ảnh quay phim, thận trọng cao độ đặc biệt không nên vào trung tâm Paris ».
Tương tự, các nước từ Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, qua Thổ Nhĩ Kỳ rồi đến Ả Rập Xê Út; đều kêu gọi công dân của họ nên tránh không tới Pháp, đặc biệt là Paris trong những ngày này.
http://vi.rfi.fr/phap/20181208-khung-hoang-ao-vang-nhieu-nuoc-lo-ngai-an-toan-kieu-dan
Nước Pháp báo động đỏ vì biểu tình « Áo Vàng »
Hôm nay, 08/12/2018, cả nước Pháp, đặt biệt là thủ đô Paris, đang nín thở chờ xem diễn tiến cuộc biểu tình của những người « Áo Vàng », do có rất nhiều khả năng các vụ bạo loạn, đập phá tái diễn giống như ngày thứ Bảy 01/12. Đây là lần thứ tư những người « Áo Vàng » xuống đường vào thứ bảy, để phản đối những chính sách thuế khóa và chính sách xã hội của chính phủ tổng thống Emmanuel Macron.
Để đối phó với nguy cơ bạo động này, Pháp huy động một lực lượng an ninh hùng hậu chưa từng thấy. Tổng cộng 89 ngàn cảnh sát và hiến binh, trong đó có đến 8.000 người được triển khai ở Paris. Lần đầu tiên, xe thiết giáp của hiến binh cũng được sử dụng.
Ngay từ sáng sớm, nhiều xe của cảnh sát và hiến binh Pháp đã chặn ngõ vào các trục lộ lớn và quảng trường lớn, đặc biệt là quảng trường Concorde và quảng trường Etoile, nơi có Khải Hoàn Môn. Tất cả những người tham gia biểu tình ở Paris đều bị khám xét khi đi vào các địa điểm tập hợp.
Trong buổi sáng hôm nay, đã có khoảng 580 người bị câu lưu ở Paris, trong đó có 432 người bị tạm giữ. Tại khu trung tâm Paris, nhất là trên đại lộ Champs Elysées, cảnh sát đã dùng lựu đạn hơi cay để đẩy lui những người biểu tình quá khích. Tình hình đầu buổi chiều đã trở nên căng thẳng ở một số con đường, với các cửa hàng bị đập vỡ kính, hàng rào chướng ngại vật bốc cháy….
Một điều chưa từng thấy, đó là các cửa hàng lớn, các thương xá như La Fayette, Printemps đều đóng cửa vào một ngày thứ bảy, ngay giữa mùa mua sắm cuối năm. Nhiều địa điểm tham quan nổi tiếng như tháp Eiffel, viện bảo tàng Louvre, … cũng đóng cửa. Về các phương tiện giao thông công cộng, có đến 36 trạm metro phải tạm ngưng phục vụ. Nhiều trận bóng đá bị hủy. Tại Paris, nhân viên và phương tiện y tế ở các bệnh viện ở Paris cũng được tăng cường, sẵn sàng đón tiếp những người bị thương do bạo động.
Còn tại các tỉnh, nhiều con đường đã bị những người “Áo Vàng” chặn lại, gây rối loạn giao thông.
Vì lo ngại sẽ có nhiều người bị thương, các đại diện của một tập hợp những người « Áo Vàng » hôm qua đã kêu gọi mọi người biểu tình ôn hòa. Những người đại diện này tối qua đã được thủ tướng Edouard Philippe tiếp. Tuy hài lòng về cuộc tiếp xúc với thủ tướng, nhưng họ muốn tổng thống Emmanuel Macron lên tiếng và đưa ra những quyết định theo đúng nguyện vọng của họ. Vẫn im lặng trong những ngày qua, tổng thống Macron sẽ chỉ phát biểu vào đầu tuần tới.
Cho tới nay, những nhân nhượng của chính phủ, kể cả hủy bỏ việc tăng thuế xăng dầu, vẫn không xoa dịu được phong trào « Áo Vàng ». Không những thế, các cộng sự viên của tổng thống Macron đã nhận được những lời dọa giết. Chính phủ lo ngại là phong trào phản kháng sẽ lan sang những khu vực khác, nhất là giới nông gia và ngành giáo dục. Hôm qua, các học sinh trung học đã tiếp tục biểu tình, phong tỏa nhiều trường và gây ra nhiều vụ bạo động, nhất là ở vùng Paris.
http://vi.rfi.fr/phap/20181208-nuoc-phap-bao-dong-do-bieu-tinh-ao-vang
Thất bại của Tổng thống Macron tại Paris
khiến châu Âu lo ngại
Paris, Pháp – Chưa đầy một tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện rằng ông là người dẫn đầu cho chủ nghĩa toàn cầu hóa, và tuyên bố rằng chủ nghĩa dân tộc là sự phản bội đối với lòng yêu nước. Vị tổng thống 40 tuổi cũng được kỳ vọng sẽ là người thay thế vị trí của Thủ tướng Đức Angela Merkel, để lãnh đạo châu Âu duy trì nền dân chủ tự do.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, Paris đã chứng kiến đợt bạo động dữ dội của những người thuộc phong trào “áo khoác vàng,” phản đối chính sách tăng thuế xăng của chính phủ. Và lần đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống, ông Macron đã phải nhượng bộ và thừa nhận rằng ông đã không thấu hiểu nguyện vọng của người dân.
Tại Pháp, tỷ lệ ủng hộ ông Macron đã giảm thấp chưa từng thấy, các chính sách của ông được cho là chỉ ưu tiên cho người giàu, và nhiều cử tri cho rằng tổng thống là người giả dối và kiêu ngạo.
Nhiệm kỳ của ông Macron sẽ kéo dài tới năm 2022 và ông từng nói rằng ông không quan tâm tới tỷ lệ ủng hộ. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử của Liên Âu EU và một loạt các cuộc bầu cử địa phương trong vòng 2 năm tới sẽ ảnh hưởng lớn tới chương trình nghị sự của ông Macron. Các đảng đối lập từng bị ông Macron đánh bại vào năm 2017 nay bắt đầu trỗi dậy tìm cách giành lại quyền lực.
Điều khiến Liên Âu lo ngại hiện nay là cả 2 đảng đối lập lớn tại Pháp đều không muốn bảo vệ sự toàn vẹn của tổ chức. Bất kỳ thành công nào của các đảng này trong các cuộc bầu cử tại châu Âu vào năm sau, đều sẽ gây khó khăn lớn cho ông Macron trong việc thực hiện các chính sách của ông cho nước Pháp và cả EU. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/that-bai-cua-tong-thong-macron-tai-paris-khien-chau-au-lo-ngai/
OPEC, Nga nhất trí giảm sản lượng dầu
bất chấp áp lực của Mỹ
OPEC và các nước đồng minh do Nga dẫn đầu trong tổ chức này ngày 7/12 nhất trí sẽ cắt giảm sản lượng dầu nhiều hơn so với mức mà thị trường trước đó dự liệu, bất chấp áp lực từ Tổng thống Mỹ Donald Trump đòi giảm giá dầu thô.
Câu lạc bộ các nước sản xuất dầu mỏ từ tháng 1 sẽ giảm sản lượng đi 800.000 thùng một ngày so với mức hồi tháng 10 trong khi các nước đồng minh ngoài OPEC giảm 400.000 thùng một ngày, trong một quyết định mà sẽ được cân nhắc tại cuộc họp vào tháng 4.
Giá dầu tăng khoảng 5 phần trăm lên hơn 63 đôla một thùng trong khi mức cắt giảm tổng cộng 1,2 triệu thùng một ngày nhiều hơn mức tối thiểu 1 triệu thùng mà thị trường trước đó đã dự trù.
Ả rập Xê út, nước lãnh đạo trên thực tế của Tổ chức Các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ, đã đối mặt với những đòi hỏi của ông Trump là phải giúp nền kinh tế toàn cầu bằng cách hạn chế nguồn cung.
Việc cắt giảm sản lượng cũng sẽ hỗ trợ Iran bằng cách tăng giá dầu giữa những nỗ lực của Washington nhằm siết nền kinh tế của nước sản xuất dầu lớn thứ ba của OPEC.
Khi được hỏi liệu quyết định cắt giảm sản lượng có thể gây bất lợi cho mối quan hệ của Riyadh với Washington hay không, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Khalid al-Falih nói với các phóng viên rằng vương quốc này sẵn sàng bơm thêm dầu nếu có sự gián đoạn lớn về nguồn cung.
Làm phức tạp thêm các quyết định của Riyadh trong tuần này là cuộc khủng hoảng xung quanh vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi ở Istanbul vào tháng 10. Ông Trump đã ủng hộ Thái tử Ả rập Xê út Mohammed bin Salman bất chấp lời kêu gọi từ nhiều chính trị gia Mỹ đòi áp đặt các chế tài cứng rắn lên vương quốc này.
Thỏa thuận OPEC hai ngày trước rơi vào tình thế bất định – trước hết là vì lo ngại rằng Nga sẽ cắt giảm quá ít, và sau đó là lo ngại Iran, nước xuất khẩu dầu thô đã bị các chế tài của Mỹ làm cho kiệt quệ, sẽ không được miễn trừ và sẽ chặn thỏa thuận này.
Nhưng sau nhiều giờ đàm phán, Iran bật đèn xanh cho OPEC và Nga nói họ sẵn sàng cắt giảm thêm.
Nga cam kết cắt giảm 228.000 thùng một ngày từ mức 10,4 triệu thùng một ngày trong tháng 10, dù họ nói việc cắt giảm sẽ dần dần và diễn ra trong vài tháng.
Israel có thể mở rộng chiến dịch
lấp đường hầm sang lãnh thổ Lebanon
Jerusalem, Israel – Theo tin từ Reuters, vào hôm thứ Sáu (7 tháng 12), một bộ trưởng nội các Israel tuyên bố, Israel sẵn sàng đưa ra hành động tại Lebanon để chống lại đường hầm xuyên biên giới của Hezbollah nếu cần thiết.
Hồi đầu tuần này, quân đội Israel cho biết rằng họ đã tìm thấy một số đoạn đường bị đào qua biên giới Israel – Lebanon và sẽ được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Israel.
Theo hãng tin Reuters, quân đội Israel đã gửi các máy đào cơ học, binh lính và thiết bị chống đường hầm tới biên giới để giải quyết các đoạn đường này.
Quân đội Israel đã phát động chiến dịch này vào hôm thứ Ba, và cho biết chiến dịch sẽ tạm thời dừng lại trong phần lãnh thổ của họ tại biên giới Israel. Nhưng hôm thứ Năm, các phương tiện truyền thông của Israel đã dẫn lời một viên chức cao cấp ẩn danh, và cho biết rằng Israel có thể mở rộng hoạt động của họ sang lãnh thổ Lebanon, và hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Tình báo Israel Israel Katz đã lặp lại thông điệp này. Hình thức hành động của chiến dịch hiện vẫn chưa được xác định rõ.
Trong năm qua, quân đội Israel cho biết ít nhất 15 đường hầm từ dải Gaza vào Israel đã bị phát hiện và phá hủy.
Vào hôm thứ Năm, lực lượng gìn giữ hòa bình lâm thời của Liên Hiệp Quốc tại Lebanon (UNIFIL) đã xác nhận sự tồn tại của một đường hầm gần mặt trận biên giới giữa hai nước, và cho rằng đây là một “sự kiện nghiêm trọng.”
Sau khi thông báo về đường hầm của Israel, tình hình ở cả hai bên biên giới hiện vẫn đang ổn định. Nhưng chiến dịch của Israel đã thu hút sự chú ý tại vùng biên giới mà Israel và Hezbollah chiến đấu lần cuối vào năm 2006. (Mộc Miên)
https://www.sbtn.tv/israel-co-the-mo-rong-chien-dich-lap-duong-ham-sang-lanh-tho-lebanon/
Bắc Kinh triệu tập đại sứ Canada
đòi thả bà Mạnh Vãn Chu
Trung Quốc đã yêu cầu Canada thả bà Mạnh Vãn Chu bằng không sẽ đối diện hậu quả.
Một thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập đại sứ Canadia để phản đói mạnh mẽ, một thông cáo cho hay.
Bộ này mô tả việc bắt giữ bà Mạnh là “hết sức bẩn thỉu”.
Giám đốc tài chính của tập đoàn viễn thông khổng lồ Trung Quốc Huawei sẽ phải đối mặt với cáo buộc gian lận ở Mỹ, và có thể chịu án 30 năm tù giam nếu bị kết tội.
Mạnh Vãn Chu, con gái của người sáng lập Huawei, bị buộc tội vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.
Bà đã bị bắt ở Vancouver vào thứ Bảy và sẽ bị dẫn độ về Mỹ và tòa án đang quyết định có cho phép bà tại ngoại hay không.
Phiên xử kéo dài năm giờ hôm thứ Sáu đã kết thúc và vụ kiện đã được hoãn lại cho đến thứ Hai.
Huawei: TQ nổi giận vụ Mạnh Vãn Chu bị bắt
Mạnh Vãn Chu là ai và sao không mang họ bố?
Nhiều quốc gia đang ‘cưỡng lại’ Trung Quốc?
Phiên tòa hôm thứ Sáu
Tại phiên tòa tối cao British Columbia, bà Mạnh bị cáo buộc đã sử dụng một công ty con của Huawei có tên Skycom để trốn tránh các lệnh trừng phạt đối với Iran từ năm 2009 đến 2014.
Bà Mạnh còn cố tình gây hiểu lầm rằng Skycom là một công ty riêng biệt.
Bà sẽ phải đối mặt với án tù lên tới 30 năm ở Mỹ nếu bị kết tội.
Các phóng viên tòa án cho biết bà không bị còng tay trong phiên xét xử và mặc một chiếc áo len màu xanh lá cây.
Một luật sư của chính phủ Canada cho biết bà Mạnh bị buộc tội “âm mưu lừa gạt nhiều tổ chức tài chính”.
Ông nói rằng bà Mạnh đã phủ nhận với các ngân hàng Hoa Kỳ rằng không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa Huawei và SkyCom, trong khi thực tế “SkyCom chính là Huawei”.
Một luật sư cho rằng bà Mạnh có thể sẽ tẩu thoát cho nên cần từ chối bảo lãnh.
Quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng thêm
Vụ bắt giữ đã gây thêm căng thẳng cho quan hệ Mỹ-Trung.
Hai nước trước đó đang giao tranh trong một cuộc chiến thương mại và chỉ mới đạt được một hiệp định đình chiến 90 ngày vào thứ Bảy – cùng lúc xảy ra vụ bắt giữ bà Mạnh.
Huawei là một trong những nhà cung cấp dịch vụ và thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, gần đây đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai sau Samsung.
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Chrystia Freeland hôm thứ Sáu cam đoan với Trung Quốc rằng thủ tục tố tụng đang được tuân thủ và bà Mạnh sẽ có quyền tiếp cận lãnh sự trong khi vụ việc của bà đang bị xét xử.
“Canada là một quốc gia có luật pháp và chúng tôi tuân theo các thủ tục, luật pháp và các thỏa thuận của chúng tôi”, bà Freeland nói trong một buổi họp báo.
Bà Freeland cũng nhắc lại tuyên bố của Thủ tướng Justin Trudeau rằng vụ bắt giữ bà Mạnh “không liên quan đến chính trị”.
Mạnh Vãn Chu là ai?
Theo BBC Monitoring, Mạnh Vãn Chu, 46 tuổi, gia nhập Huawei từ đầu năm 1993, khi bà bắt đầu sự nghiệp tại công ty của cha mình với tư cách là một nhân viên tiếp tân.
Sau khi cô tốt nghiệp thạc sĩ kế toán tại Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong năm 1999, bà gia nhập ban tài chính của Huawei.
Bà Mạnh trở thành giám đốc tài chính của công ty vào 2011 và được đề bạt làm phó chủ tịch vài tháng trước khi bị bắt.
Mối liên hệ của bà Mạnh với cha ba, Nhậm Chính Phi, không được công chúng biết đến cho đến vài năm trước.
Và trái với truyền thống của người Trung Quốc, bà lấy họ mẹ, người vợ đầu của ông Nhậm.
Nhiều nước ‘tẩy chay’ Huawei
Một số chính phủ phương Tây lo ngại Bắc Kinh sẽ có quyền truy cập vào mạng di động (5G) và các mạng truyền thông khác thông qua Huawei và mở rộng khả năng gián điệp của mình, mặc dù hãng khẳng định không có chịu sự kiểm soát của Bắc Kinh.
Nhật Bản dự kiến sẽ cấm chính phủ sử dụng các sản phẩm do Huawei và ZTE sản xuất vì các mối lo ngại về an ninh mạng, truyền thông địa phương đưa tin hôm thứ Sáu.
Tokyo áp dụng động thái của New Zealand và Úc để chặn Huawei.
Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ John Bolton cũng nói rằng Hoa Kỳ đã có “mối quan ngại lớn trong nhiều năm” về việc các công ty Trung Quốc “sử dụng tài sản trí tuệ bị đánh cắp của Mỹ, tham gia vào chuyển giao công nghệ và được sử dụng như một lực lượng về công nghệ thông tin cho chính phủ Trung Quốc”.
Trung Quốc nói gì?
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Việc giam giữ mà không đưa ra bất kỳ lý do nào vi phạm nhân quyền của một người.”
“Chúng tôi đã có những đại diện quan trọng đã tới Canada và Mỹ, yêu cầu cả hai bên ngay lập tức làm rõ lý do bị giam giữ và ngay lập tức thả người bị giam giữ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người đó.”
Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng trước đã khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, vốn đã bị loại bỏ theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-46492655
Trung Quốc, Mỹ đưa ra thông cáo khác biệt,
giới đầu tư nghi ngờ ‘đình chiến’ thương mại
Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ giảm mạnh tới 800 điểm trong phiên ngày 4/12 khi giới đầu tư tỏ ra nghi ngờ đối với thỏa thuận “đình chiến thương mại” 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc.
Các nhà đầu tư đã thắc mắc điều gì thật sự xảy ra trong cuộc họp giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau khi Mỹ và Trung Quốc đưa ra thông cáo báo chí về nội dung cuộc họp giữa 2 vị nguyên thủ ở Argentina.
Tâm lý thắc mắc này nổi lên sau khi hãng tin Bloomberg ngày 3/12 cho đăng so sánh giữa hai thông cáo báo chí của Mỹ và Trung Quốc, trong đó cho thấy những điểm không giống nhau.
Dưới đây là nội dung so sánh giữa hai bản thông cáo báo chí của Mỹ và Trung Quốc:
1. Mỹ: Mức thuế nhập cảng mới của Mỹ đánh vào 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sẽ không được áp dụng vào ngày 01/01/2019.
Trung Quốc: Mỹ sẽ không tăng thuế nhập cảng. Ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Thương Mại Trung Quốc, nói Mỹ sẽ không đánh thuế nhập cảng hàng Trung Quốc vào ngày 01/01/2019.
2. Mỹ: Thuế nhập cảng đối với số hàng này sẽ tăng lên 25% nếu hai bên không đạt được thỏa thuận sau 90 ngày.
Trung Quốc: Không đề cập thời hạn 90 ngày.
3. Mỹ: Không đề cập chuyện 2 lãnh đạo sẽ thúc đẩy thương thuyết nhanh chóng, xóa bỏ toàn bộ thuế nhập cảng, để hai bên cùng có lợi.
Trung Quốc: Lãnh đạo 2 nước yêu cầu mỗi bên nhanh chóng thương thuyết, xóa bỏ toàn bộ thuế nhập cảng, để hai bên cùng có lợi.
4. Mỹ: Mỹ và Trung Quốc sẽ thương thuyết ngay lập tức về chuyện các công ty Mỹ bị ép chuyển giao công nghệ, chuyện bảo vệ tài sản trí tuệ, hủy bỏ cản trở giao thương và ngăn chặn ăn cắp trên mạng.
Trung Quốc: Mỹ và Trung Quốc sẽ cùng làm việc với nhau để đạt đồng thuận về các vấn đề thương mại.
5. Mỹ: Trung Quốc sẽ mua “rất nhiều” sản phẩm nông nghiệp, năng lượng, kỹ nghệ và các sản phẩm khác của Mỹ.
Trung Quốc: Trung Quốc sẽ nhập cảng thêm hàng hóa của Mỹ.
6. Mỹ: Trung Quốc sẽ ngay lập tức bắt đầu mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
Trung Quốc: Không đề cập đến việc Trung Quốc sẽ ngay lập tức bắt đầu mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ.
7. Mỹ: Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ xem xét lại việc cho phép Qualcomm mua NXP của Trung Quốc.
Trung Quốc: Không đề cập đến thương vụ Qualcomm-NXP.
8. Mỹ: Không đề cập việc viếng thăm song phương của hai lãnh đạo.
Trung Quốc: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ thăm lẫn nhau vào một thời điểm thích hợp.
9. Mỹ: Trung Quốc sẽ quy định Fentanyl là dược chất cần được kiểm soát.
Trung Quốc: Trung Quốc sẽ siết chặt việc quản lý dược chất Fentanyl, thay đổi quy định kiểm soát thuốc.
10. Mỹ: Mỹ, Trung Quốc và Triều Tiên sẽ cùng làm việc để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Trung Quốc: Trung Quốc ủng hộ một cuộc họp thượng đỉnh nữa, giữa lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên.
11. Mỹ: Không đề cập chính sách “một Trung Hoa”.
Trung Quốc: Mỹ đồng ý tiếp tục chính sách “một Trung Hoa”.
12. Mỹ: Không đề cập mở cửa thị trường.
Trung Quốc: Mỹ và Trung Quốc đồng ý mở rộng thị trường.
13. Mỹ: Không đề cập đến du học sinh Trung Quốc.
Trung Quốc: Tân Hoa Xã của Trung Quốc dẫn lời Bộ Ngoại Giao nói rằng Mỹ hân hoan chào đón du học sinh Trung Quốc đến sống và học tại Mỹ.
Theo tờ Wall Street Journal, tâm lý lạc quan của thị trường về thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ – Trung còn biến mất sau khi Tổng thống Trump bổ nhiệm ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương mại Mỹ, một người có quan điểm cứng rắn, đứng đầu nhóm thương thuyết với Bắc Kinh trong 90 ngày tới.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/12, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 799,36 điểm, tức 3,1%, xuống 25.027,07 điểm, ghi nhận phiên tồi tệ nhất kể từ ngày 10/10. Chỉ số S&P 500 cũng giảm mạnh 3,2%, còn chỉ số Nasdaq giảm 3,8%
TQ đang chật vật trong cuộc chiến
chống các vụ vỡ nợ trái phiếu
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm làm giảm tình trạng căng thẳng tài chính cho các công ty tư nhân đang gặp nhiều khó khăn và có dấu hiệu cho thấy tình hình có thể còn trở nên u ám hơn.
Các vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp tại Trung Quốc đang tăng lên mức cao nhất trong năm nay và chưa có dấu hiệu suy giảm. Doanh số bán trái phiếu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014 và chênh lệch lợi suất giữa loại trái phiếu được xếp hạng cao và loại được xếp hạng thấp hơn đang nới rộng khoảng cách lên mức cao nhất trong vòng hơn 2 năm.
Theo công ty chứng khoán Nanjing Securities, tất cả điều này là do nền kinh tế đang giảm tốc của Trung Quốc. Nước này đang đối mặt với thách thức trong việc kiềm chế tình trạng căng thẳng tài chính của các công ty tư nhân.
Số liệu của Bloomberg cho thấy tháng 11 là một tháng tồi tệ đối với các công ty tư nhân Trung Quốc khi chứng kiến số trái phiếu doanh nghiệp bị vỡ nợ tăng vọt lên mức 20,4 tỷ Nhân dân tệ (3 tỷ USD).
Điều đó có thể đồng nghĩa với việc các chính sách hỗ trợ từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc công bố trước đó hơn 1 tháng vẫn chưa có tác dụng mong muốn.
trung quoc dang chat vat trong cuoc chien chong cac vu vo no trai phieuVỡ nợ trái phiếu của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng cao trong tháng 11. (Ảnh: Bloomberg)
Theo nhà phân tích Yang Hao tại Nanjing Securities, các vụ vỡ nợ trái phiếu sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong năm tới bởi vì kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng chậm lại và hoạt động cho vay ngoại bảng đã bị thu hẹp. Môi trường tài chính vẫn chưa cải thiện đối với nhiều doanh nghiệp.
Trong khi đó, tuy hoạt động phát hành trái phiếu mới của các doanh nghiệp tư nhân hồi phục trong tháng 11, nhưng các nhà đầu tư không mặn mà với loại trái phiếu của các doanh nghiệp được xếp hạng bình thường, và chỉ có những công ty tương đối mạnh mới có thể tiếp cận thị trường trái phiếu.
Theo số liệu tổng hợp của Bloomberg, các công ty phi tài chính được xếp hạng tín nhiệm dưới mức AA chỉ bán được 1,27 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu doanh nghiệp trong 11 tháng đầu năm 2018, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua. Ngược lại, các công ty có xếp hạng AA trở lên đã chào bán được gần 3,28 nghìn tỷ Nhân dân tệ trái phiếu, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn có xu hướng hạn chế đầu tư rủi ro bất chấp việc chính phủ Trung Quốc đang tung ra một loạt các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế.
Theo nhận định của công ty chứng khoán Industrial Securities, các vụ vỡ nợ trái phiếu tại Trung Quốc sẽ tiếp tục diễn ra “như thường” vào năm 2019 nếu các doanh nghiệp không giải quyết được vấn đề cấu trúc nợ.
Trung Quốc nói sẽ thực hiện ‘càng sớm càng tốt’
thỏa thuận Trump-Tập ở G-20
Trung Quốc sẽ thực hiện các điều khoản “cụ thể” của thỏa thuận đình chiến thương mại đã được thống nhất hôm thứ Bảy (1/12) giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, với các bước triển khai “càng sớm càng tốt”, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố, theo SCMP.
“Cuộc họp [giữa ông Tập và ông Trump] đã thành công. Chúng tôi tự tin trong việc thực hiện [thoả thuận đạt được]”, một phát ngôn viên nói trong một tuyên bố trên cổng thông tin của Bộ Thương mại Trung Quốc.
Người phát ngôn không đề cập tới những điều khoản cụ thể nào đã được hai nguyên thủ Mỹ-Trung đồng ý. Chính phủ Trung Quốc cho đến nay vẫn chưa tiết lộ về các chi tiết của thỏa thuận “ngừng bắn” thương mại đạt được với Hoa Kỳ.
“Trung Quốc sẽ bắt đầu thực hiện [thoả thuận bằng việc mua] các mặt hàng cụ thể [của Mỹ] mà chúng tôi đã đồng ý. Càng sớm càng tốt”, người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc, không xác định danh tính, nói.
Ngoài ra, các cuộc đàm phán để giải quyết các khía cạnh khác của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ sớm tái khởi động dựa trên một khuôn khổ đã được thiết lập, tuyên bố nói.
“Các nhóm phụ trách kinh tế và thương mại của cả hai nước sẽ tích cực thúc đẩy tham vấn theo lịch trình cụ thể và các bản chỉ dẫn trong vòng 90 ngày”, phát ngôn viên cho biết.
Tuy nhiên người phát ngôn không nói khi nào các cuộc đàm phán sẽ bắt đầu.
Tờ SCMP đưa tin hôm thứ Ba (4/12), cho hay Trung Quốc đang chuẩn bị cử một phái đoàn gồm 30 quan chức đến Washington vào cuối tháng này để thực hiện các cuộc đàm phán thương mại.
Tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc đề cập tới việc thực hiện thoả thuận đối với các mặt hàng “cụ thể” có thể là một phản ứng với tuyên bố của Tổng thống Trump trên Twitter hôm thứ Hai rằng Trung Quốc đã đồng ý loại bỏ thuế quan đối với ô tô nhập khẩu từ Mỹ.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow sau đó nói hai bên đạt được thống nhất trong cuộc họp bên lề thượng đỉnh G-20 ở Argentina và điều này sẽ được triển khai, mặc dù vậy vẫn chưa có một thỏa thuận chính thức nào giữa hai bên.
Trong thời gian Mỹ-Trung “ngừng bắn” 90 ngày, các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên sẽ tập trung thảo luận về quy định buộc các công ty Mỹ phải chuyển giao công nghệ của phía Trung
Quốc, yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của phía Mỹ, hoặc các vấn đề liên quan tới hàng rào phi thuế quan, tấn công và trộm cắp trên mạng, cùng các vấn đề khác, theo SCMP.
Máy bay quân sự TQ
vờn quanh khu vực phòng không Hàn Quốc
Chính phủ Hàn Quốc cho biết một chiếc máy bay Trung Quốc đã bay vào khu vực của Hàn Quốc hôm thứ Hai tuần trước (26/11) mà không có bất kỳ thông báo nào.
Chiếc máy bay tiến gần bãi đá ngầm Socotra ở Biển Hoa Đông vào khoảng 11 giờ sáng, sau đó bay ra, bay vào khu vực nhận diện phòng không Nhật Bản trong khoảng 40 phút. Theo các nhà phân tích, đây có thể là hành động mà Bắc Kinh dùng để phản đối việc tăng cường quan hệ giữa Seoul, Tokyo và Washington, theo SCMP.
“Đối với Trung Quốc, sự hình thành tam giác liên minh Mỹ – Hàn – Nhật sẽ là một trong những mối quan ngại lớn nhất của họ vì nó thực sự là một chiến lược mạnh mẽ chống lại Bắc Kinh”, theo ông Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan ở Hàn Quốc và một thành viên nghiên cứu tại Diễn đàn Thái Bình Dương – một viện nghiên cứu chính sách đối ngoại phi lợi nhuận có trụ sở tại Honolulu, Hawaii.
Chiếc máy bay này trở lại khu vực phòng không của Hàn Quốc, gần thành phố Pohang, phía Đông Nam, vào khoảng 12:43 chiều. Sau đó, bay đến Khu kinh tế độc quyền của Hàn Quốc trên Biển Hoa Đồng, khu vực nằm giữa đất liền Hàn Quốc và đảo Ulleung.
Đây là hành động bất thường khi một chiếc máy bay Trung Quốc bay theo tuyến đường đó. Máy bay được báo cáo đã rời khỏi khu vực lúc 15:53 chiều. Các nhà phân tích an ninh cho biết các chuyến bay là minh chứng cho những lo ngại của Trung Quốc về việc tăng cường hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực nếu các cuộc đàm phán Mỹ-Triều thất bại.
Theo Không quân Hàn Quốc, số lượng máy bay quân sự Trung Quốc bay vào khu vực của họ đang tăng lên. Trong năm 2016, đã có khoảng 60 cuộc tấn công, 70 cuộc trong năm 2017 và 110 cuộc được báo cáo đến tháng 9 năm nay.
http://biendong.net/bi-n-nong/25132-may-bay-quan-su-tq-von-quanh-khu-vuc-phong-khong-han-quoc.html
Trung Quốc phóng tàu thăm dò
lên phần tối Mặt trăng
Phục vụ tham vọng chinh phục không gian, hôm nay, 08/12/2018, Trung Quốc đã phóng tàu thăm dò đầu tiên trên thế giới lên vùng tối của Mặt trăng.
Tân Hoa Xã loan báo, vào lúc 2 giờ 23 phút giờ địa phương, tàu thăm dò Hằng Nga 4 (Chang’e-4) đã được tên lửa đẩy Trường Chinh 3B phóng lên từ căn cứ Tây Xương (Xichang) tây nam Trung Quốc.
Đây là giai đoạn đầu tiên trong một hành trình dài của tàu Hằng Nga. Con tàu thăm dò này sẽ hạ cánh xuống phần khuất của mặt trăng vào ngày 01 tháng Giêng tới để nghiên cứu, làm các thí nghiệm khoa học trên bề mặt chưa hề được thám hiểm của mặt trăng.
Phần khuất của mặt trăng có địa hình gồ ghề, đan xen các miệng hố lớn. Trong khi phần mặt nhìn thấy từ trái đất có địa hình bằng phẳng. Những hình ảnh đầu tiên của phần này được người Liên Xô chụp từ năm 1959. Hằng Nga 4 là tàu thăm dò đầu tiên trên thế giới hạ cánh xuống bề mặt khuất của mặt trăng để thám hiểm.
Trung Quốc đã chuẩn bị từ nhiều năm qua cho sứ mệnh đặc biệt khó khăn về mặt công nghệ này. Một trong những thách thức lớn là làm sao liên lạc được với robot hạ cánh trên mặt trăng. Mặt tối của trăng hướng ngược chiều không nằm trực diện với trái đất để có thể truyền tín hiệu nếu không có các điểm tiếp sóng.
Hồi tháng 5 năm nay, Trung Quốc đã phóng một vệ tinh nhân tạo Ô Thước (Queqiao) lên quỹ đạo của mặt trăng để tiếp sóng các mệnh lệnh và dữ liệu trao đổi giữa trái đất với tàu thăm dò bên phần khuất của trăng.
Đây là lần thứ hai Trung Quốc phóng tàu thăm dò lên mặt trăng. Lần đầu là tầu thăm dò mang tên Thỏ Ngọc (Yutu) vào năm 2013, hoạt động được 31 tháng. Bắc Kinh dự tính năm tới sẽ phóng tiếp tàu Hằng Nga -5 để thu thập các mẫu mang về trái đất.
Chương trình nghiên cứu không gian của Trung Quốc do quân đội chỉ đạo được đầu tư nhiều tỷ đô la. Bắc Kinh còn có tham vọng đưa robot lên sao Hỏa và đưa con người lên mặt trăng.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20181208-trung-quoc-phong-tau-tham-do-mat-trang
TQ thúc giục Triều Tiên
phối hợp lập trường về các vấn đề khu vực
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên thăm Trung Quốc hôm thứ Sáu rằng điều “cực kì thiết yếu” là Trung Quốc và Triều Tiên phải duy trì những trao đổi kịp thời và phối hợp lập trường trong các vấn đề khu vực.
Cuộc hội đàm tại Bắc Kinh vào thứ Sáu giữa ông Ri Yong Ho và ông Tập diễn ra trong bối cảnh không có tiến bộ trong các nỗ lực quốc tế nhằm thuyết phục Triều Tiên đảo ngược nỗ lực xây dựng kho vũ khí hạt nhân.
Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Triều Tiên, nhưng đã nhất trí với các chế tài ngày càng nghiêm khắc của Liên Hiệp Quốc đối với các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo của nước này.
Trước đó trong cùng ngày, ông Ri cho biết nước ông vẫn cam kết chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Ông Ri nói với ông Vương rằng Triều Tiên “cam kết giải trừ hạt nhân và bảo vệ hòa bình và ổn định của bán đảo (Triều Tiên),” phát ngôn viên Cảnh Sảng của Bộ nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo hàng ngày.
Trong các cuộc hội đàm, tin cho hay ông Ri cũng được trình bày về các cuộc thảo luận vào tuần trước giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump, người mà gần đây cho biết cuộc gặp tiếp theo với lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un có thể sẽ diễn ra vào tháng 1 hoặc tháng 2.
Chuyến thăm của Ri cũng diễn ra trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về khả năng ông Kim sẽ đến thăm Hàn Quốc trong tháng này. Đây sẽ là chuyến đi đầu tiên như vậy của một nhà lãnh đạo Triều Tiên kể từ sau chiến tranh.
Chính phủ Nhật Bản
sẽ ngừng mua thiết bị của Huawei, ZTE
Nhật Bản dự định cấm mua các thiết bị cho chính phủ từ công ty Huawei Technologies của Trung Quốc và Tập đoàn ZTE để tăng cường phòng vệ chống lại những vụ rò rỉ tình báo và các vụ tấn công mạng, các nguồn tin nói với Reuters.
Các công ty công nghệ Trung Quốc đang bị Washington và một số nước đồng minh lớn săm soi về các mối quan hệ của họ với chính phủ Trung Quốc, xuất phát từ lo ngại rằng họ có thể được Bắc Kinh sử dụng để do thám.
Một lệnh cấm đối với chính phủ ở Nhật Bản sẽ được ban hành sau khi Huawei không được phép vào thị trường Mỹ và sau khi Úc và New Zealand ngăn cản họ xây dựng các mạng lưới 5G. Huawei đã nhiều lần khẳng định rằng họ không chịu ảnh hưởng từ Bắc Kinh.
Báo Yomiuri, cơ quan thông tấn đầu tiên loan tin về lệnh cấm được hoạch định này của Nhật Bản trước đó trong ngày thứ Sáu, cho biết chính phủ dự kiến sẽ sửa đổi các quy định nội bộ của mình về mua sắm trang thiết bị vào sớm nhất là ngày thứ Hai.
Chính phủ không định nêu đích danh Huawei và ZTE trong những quy định được sửa đổi, nhưng sẽ ban hành các biện pháp nhằm tăng cường an ninh áp dụng cho các công ty này, Reuters dẫn lời một người biết trực tiếp và một người được báo cáo về vấn đề này cho hay.
Người phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga, từ chối bình luận. Nhưng ông lưu ý rằng nước này liên lạc chặt chẽ với Mỹ về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả an ninh mạng.
“An ninh mạng đang trở thành một vấn đề quan trọng ở Nhật Bản,” ông nói trong một cuộc họp báo thường kì. “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp kiên quyết xem xét vấn đề từ nhiều khía cạnh khác nhau.”
Reuters nói ZTE từ chối bình luận. Huawei không bình luận ngay tức thì.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng bày tỏ “lo ngại thực sự” về các bản tin.
Bản chất của hợp tác kinh doanh và kinh tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản là đôi bên cùng có lợi, và cả hai công ty này đã hoạt động hợp pháp tại Nhật Bản trong một thời gian dài, ông nói trong một cuộc họp báo hàng ngày tại Bắc Kinh.
“Chúng tôi hi vọng phía Nhật Bản có thể cung cấp một môi trường cạnh tranh công bằng cho các công ty Trung Quốc hoạt động tại Nhật Bản và không làm bất cứ điều gì gây tổn hại hợp tác song phương và sự tin tưởng lẫn nhau,” ông nói.
https://www.voatiengviet.com/a/chinh-phu-nhat-bat-se-ngung-mua-thiet-bi-cua-huawei-zte/4691350.html
Quan hệ Philippines – TQ:
‘Sau cầu vồng, mưa nhiều hơn’
Hôm 4/12, tờ Nikkei Asian Review cho đăng bài viết của học giả Richard Heydarian ở Manila, trong đó cho rằng bất chấp chuyến thăm gần đây của ông Tập đến Philippines, với những cam kết viện trợ được nhắc đi nhắc lại, mối quan hệ Philippines – Trung Quốc vẫn bất ổn do phản ứng dữ dội trong nước.
Theo ông Heydarian, chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Philippines hôm 20 và 21/11, đáng lẽ khiến cho những vị chủ nhà chìm trong ánh sáng rực rỡ của vinh quang phản chiếu, sự ấm áp của tình hữu nghị và sự hài lòng trước việc mở ra một số món quà kinh tế rất lớn, nhưng nhà lãnh đạo Trung Quốc đã không tạo ra được hiệu quả như vậy.
Bất chấp những tuyên bố mạnh mẽ về việc nâng quan hệ song phương thành “quan hệ đối tác chiến lược”, người ta không thấy sự tiến bộ về những khó khăn chính giữa Manila và Bắc Kinh. Điển hình là các tranh chấp hàng hải và những vẫn đề tồn đọng ngày càng tăng, trong các cam kết hỗ trợ kinh tế đầy tham vọng của Trung Quốc.
Ông Heydarian nhận thấy, thay vì vỗ tay khen ngợi ông Tập, một số chính trị gia Philippines đã có phản ứng ngược, chống lại mối quan hệ với Trung Quốc, không cho phép việc tiếp nhận trên quy mô lớn người lao động và đầu tư Trung Quốc, cũng như chống lại mọi sự thỏa hiệp lớn ở Biển Đông.
Hai thượng nghị sĩ nổi tiếng, Antonio Trillanes IV và Francis Pangilinan, đã cảnh báo chính phủ Philippines không được ký kết “bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc hay với bất kỳ quốc gia nào khác, làm giảm bớt những độc quyền [hàng hải] của Philippines”.
Ông Antonio Carpio, một thẩm phán cấp cao, nguyên quyền Chánh án tòa tối cao, đã chỉ trích sự hiện diện hàng hải ‘từ từ’ của Trung Quốc ở vùng biển Philippines, như là “mối đe dọa bên ngoài nghiêm trọng nhất kể từ Thế chiến 2”.
Phó Tổng thống Leni Robredo, một chính trị gia đối lập, yêu cầu “minh bạch” trong các thỏa thuận song phương, và tỏ rõ sự nghi ngờ về những ưu điểm của nó. Ông Robredo chất vấn: “”Chúng ta có được lợi ích gì? Và chúng ta có nghĩa vụ phải làm gì?”.
Những chỉ trích đặt ra những những câu hỏi quan trọng về mối quan hệ Trung Quốc – Philippines, về những nỗ lực to lớn của Bắc Kinh để mở rộng ảnh hưởng của họ ở Đông Nam Á. Nếu chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc, lần đầu tiên trong 13 năm, tạo ra một phản ứng như vậy, thì triển vọng cho lãnh đạo Trung Quốc trong khu vực là gì? Học giả Heydarian đặt câu hỏi.
Theo ông Heydarian, tất cả là một sự quá khác biệt mà Tổng thống Rodrigo Duterte, với tính khí bất thường, đã cố gắng tạo ra trước khi ông Tập đến Philippines. Ông Duterte đã dành nhiều năm, tìm cách thay đổi quan điểm của Manila đối với Bắc Kinh, xa rời các đồng minh truyền thống của Philippines ở Washington, làm sống lại các mối quan hệ kinh tế song phương và hạ thấp tranh chấp hàng hải khó xử với Trung Quốc. Ngay trước chuyến thăm của mình, ông Tập thậm chí đã viết sẵn một lời bình luận cho tờ Tân Hoa Xã, khi ông tuyên bố quan hệ với Manila “bây giờ đã thấy cầu vồng sau cơn mưa”.
Thậm chí còn có những hy vọng rằng chuyến thăm của ông Tập sẽ mang lại một thỏa thuận thăm dò dầu khí chung tại khu vực tranh chấp của Biển Đông, một khúc dạo đầu để chia sẻ tài nguyên tại các khu vực khác của các tuyên bố chồng lấn. Tuy nhiên, 2 nước chỉ ký được một bản ghi nhớ
chung (MOU) về hợp tác dầu khí, mà theo Bộ trưởng Năng lượng Philippines Alfonso Cusi, đó là “một thỏa thuận hợp tác” để tìm hiểu các giải pháp “về “cách chúng ta có thể tận hưởng tài nguyên” ở Biển Đông.
Sự thất bại trong việc phá vỡ bế tắc, có thể là do sự lo sợ phản ứng chính trị ở Philippines, nơi mà rất nhiều người chống lại bất kỳ thỏa thuận chia sẻ tài nguyên nào với Trung Quốc. Cuộc khảo sát gần đây nhất của Viện nghiên cứu Xã hội Social Weather Stations (SWS) cho thấy, 4 trong số 5 người Philippines được hỏi mong muốn chính phủ có một lập trường cứng rắn hơn đối với Trung Quốc ở Biển Đông.
Thẩm phán Carpio cảnh báo chính phủ không được ký kết bất kỳ thỏa thuận “thăm dò, phát triển và khai thác chung” nào với Bắc Kinh, vì “hiến pháp quy định nhà nước sẽ có toàn quyền kiểm soát và giám sát trong việc thăm dò và phát triển tài nguyên thiên nhiên của chúng ta”.
Có dấu hiệu cho thấy ngay cả trong chính phủ cũng có sự chia rẽ. Ngoại trưởng Teddy Locsin nêu rõ rằng ông đã chống lại các “lực lượng” trong chính quyền, ủng hộ một thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Trong khi đó, vẫn còn sự hoài nghi về những ý định của Trung Quốc, quân đội Philippines được cho là đã bác bỏ đề xuất của Trung Quốc về việc thành lập ‘Cơ chế Liên lạc Hàng không và Hàng hải (MALM)’, để phối hợp các hoạt động quân sự tại quần đảo Trường Sa tranh chấp. Trong bối cảnh mà tổ chức an ninh của Philippines từ lâu đã chống lại những nỗ lực của ông Duterte làm giảm bớt những quan hệ quân sự với Mỹ, một đối tác quốc phòng quan trọng của Manila, thì [bác bỏ trên] khó có thể là một bất ngờ, ông Heydarian nhận xét.
Ông Heydarian cho rằng cũng có sự thất vọng ngày càng gia tăng ở Manila khi không có sự tiến triển nào trong cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 9 tỷ USD của Trung Quốc. Đó có lẽ là lợi ích quan trọng nhất mà ông Duterte hy vọng khai thác được từ Bắc Kinh. Trong số 10 dự án được đề xuất, cho đến nay chỉ có một dự án, là Dự án Thủy lợi Bơm Sông Chico (CRPI), trị giá khoảng 60 triệu USD, là đã qua giai đoạn nghiên cứu ban đầu.
Trước chuyến thăm của ông Tập, Bộ trưởng Ngân sách Philippines phàn nàn công khai về sự chậm trễ, thúc giục nhà lãnh đạo Trung Quốc “gây áp lực lên tiến độ thực hiện tất cả các dự án này”. Tuy nhiên, trong số 29 thỏa thuận được ký kết trong chuyến thăm của ông Tập, đại đa số chỉ đơn giản là các bản ghi nhớ (MOU), những thư từ và các thỏa thuận khung, về các dự án đã được xác định.
Chỉ có 2 thỏa thuận, tiến hành các báo cáo nghiên cứu khả thi cho Dự án cầu nối Đảo Neglos với Panay-Guimaras và Dự án đường cao tốc thành phố Davao, là có một số tiến triển cụ thể.
Trước những cuộc bầu cử giữa kỳ ở Philippines vào năm tới, các chính trị gia, bao gồm cả các đồng minh của ông Duterte, dường như có ý định bàn đến sự hoài nghi công khai về việc nối lại tình hữu nghị với Trung Quốc.
Hôm 26/12, Thượng nghị sĩ Joel Villanueva, chủ tịch Ủy ban Lao động, một đồng minh của chính quyền Duterte, đã tổ chức một phiên điều trần, trong đó ông Villanueva nhấn mạnh “sự cần thiết to lớn tăng cường luật pháp và thực thi pháp luật, để chấm dứt nạn cờ bạc trực tuyến bất hợp pháp, và sự gia tăng nhanh chóng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp, trơ tráo cướp đi những việc làm của chính người dân chúng ta”.
Thượng nghị sĩ Grace Poe, một nhà lập pháp độc lập hàng đầu, kêu gọi trừng trị thẳng tay đối với dòng người lao động Trung Quốc bất hợp pháp, trong đó có nhiều người làm việc cho các sòng bạc trực tuyến. Chính phủ “nên đến các địa điểm này và kiểm tra giấy phép của họ, bởi vì đây là vấn đề an ninh quốc gia”, bà Poe bức xúc.
Là người đứng đầu Ủy ban Công chính, bà Poe đã tổ chức một phiên điều trần riêng biệt hôm 27/11, nơi bà đặt câu hỏi về sự thâm nhập tiềm tàng của công ty viễn thông China Telecom của Trung Quốc, như là một bộ phận của liên doanh Philippines – Trung Quốc, đã được cấp giấy phép viễn thông di động tạm thời vào tháng trước, trong một quá trình đấu thầu gây tranh cãi.
http://biendong.net/goc-nhin-moi/25133-quan-he-philippines-tq-sau-cau-vong-mua-nhieu-hon.html
Hải quân Ấn Độ muốn vượt mặt TQ?
“Trong 10 năm tới, Ấn Độ sẽ mở rộng hơn nữa quy mô trang bị cho hải quân, đóng mới 56 tàu chiến và 6 tàu ngầm”, Tư lệnh hải quân Ấn Độ Sunil Lanba cho biết hôm 3/12.
Mạng tin Ifeng dẫn nguồn tờ Thời báo Ấn Độ cho hay, khi tuyên bố về kế hoạch mở rộng, ông Lanba nói rằng Trung Quốc hoạt động ngày càng nhiều ở Ấn Độ Dương, nhưng “so với lực lượng hải quân Trung Quốc được bố trí trên Ấn Độ Dương, Ấn Độ vẫn chiếm ưu thế hơn”.
Theo báo chí Ấn Độ, kế hoạch mở rộng trên đã được Chính phủ Ấn Độ bước đầu phê chuẩn, nhưng ngân sách quốc phòng sẽ là một trở ngại lớn đối với tham vọng của hải quân Ấn Độ.
Tờ Thời báo Ấn Độ cho biết, hải quân nước này hiện có 140 tàu chiến, 220 chiến đấu cơ. Ngoài ra còn có 32 tàu chiến đang được đóng mới để thay thế lớp tàu cũ và bổ sung vào chỗ thiếu hụt. Mục tiêu của hải quân Ấn Độ là tới năm 2027 sẽ có 212 tàu chiến và 458 chiến đấu cơ.
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu nói trên cần phải có vốn đầu tư lớn và dài hạn, trong khi ngân sách quốc phòng của Ấn Độ không hề tăng trong 5 năm qua.
Cũng trong phát biểu hôm 3/12, Tư lệnh Lanba cho biết, “tới năm 2050, hải quân Ấn Độ sẽ trở thành lực lượng đẳng cấp quốc tế”. Nhắc tới Pakistan, ông tự tin khẳng định hải quân Ấn Độ hoàn toàn vượt trội. Ông cũng nói thêm, so với lực lượng quân sự mà Trung Quốc bố trí tại Ấn Độ Dương, hải quân Ấn Độ chiếm ưu thế hơn.
Tờ First Post của Ấn Độ ngày 4/12 bình luận, hải quân Ấn Độ trong thế kỷ 21 đang dần trở thành một thế lực lớn mạnh ở Ấn Độ Dương. Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Ấn Độ ở khu vực này, với hơn 60 tàu ngầm đang hoạt động. Trong khi, phía Ấn Độ hiện chỉ có 14 tàu ngầm. Điều này sẽ khiến cho Ấn Độ bị tụt lại phía sau trong cuộc cạnh tranh.
http://biendong.net/bi-n-nong/25141-hai-quan-an-do-muon-vuot-mat-tq.html
Hun Sen: Căn cứ quân sự Trung Quốc
tại Cam Bốt là « tin giả »
Hãng tin AP, ngày 07/12/2018, cho biết, tại Hà Nội, thủ tướng Hun Sen tuyên bố chính phủ của ông không cho phép đóng bất kỳ một căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ Cam Bốt đồng thời ông cũng khẳng định lại thông tin Trung Quốc tìm cách xây căn cứ hải quân tại nước ông là «tin giả ».
Thủ tướng Sun Sen trong cuộc họp báo chung hôm qua với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sau chuyến công du 3 ngày Hà Nội, đã nhấn mạnh rằng Hiến pháp Cam Bốt không cho phép nước này có căn cứ quân sự nước ngoài.
Tháng trước trang báo mạng Asia Times loan tin từ năm 2017 Trung Quốc đã tích cực vận động hậu trường chính phủ Cam Bốt để được sử dụng căn cứ hải quân Koh Kong trong vịnh Thái Lan.
Tại Hà Nội, ông Hun Sen tuyên bố: « Những tháng qua có những thông tin sai cho rằng đang có sự chuẩn bị xây dựng một cơ sở quân sự tại Cam Bốt. Như tôi vừa nói với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn Việt Nam đó là tin giả, không có chuyện nào như thế diễn ra ở Cam Bốt. »
Theo thông tin của Asia Times, căn cứ hải quân liên quan nằm trong một dự án phát triển du lịch có trị giá đầu tư 3,8 tỷ đô la Mỹ, có tên gọi Dara Sakor Beachside Resort do một công ty Trung Quốc thực hiện. Dự án bao gồm xây dựng một cảng nước sâu, một sân bay quốc tế và các cơ sở sản xuất.
Khu dự án nằm trong vịnh Thái Lan có lối ra trực tiếp Biển Đông. Bản tin AP nhắc lại, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo trong vùng quần đảo Trường Sa để đặt tại đó những trang thiết bị quân sự. Điều này đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho nhiều nước trong khu vực và Hoa Kỳ.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20181208-hun-sen-can-cu-quan-su-trung-quoc-cam-bot-tin-gia